- 🏠 Home
- Việt Nam
- Lịch Sử
- Nào Hay Xuân Mênh Mông
- Chương 109: Chuyện Lông Gà Vỏ Tỏi Trong Phủ Văn
Nào Hay Xuân Mênh Mông
Chương 109: Chuyện Lông Gà Vỏ Tỏi Trong Phủ Văn
Năm tháng sau, ở Vạn Kiếp sai người báo tin vào kinh nói rằng Thiên Thành trưởng công chúa qua đời, lúc đó tôi đang ngồi trong sân dưới tán cây lê già xem Quốc Chẩn viết chữ.
Trời đương vào độ cuối tháng chín, lá vàng rơi khắp mặt sân, cây lê già cằn cỗi cũng không thoát khỏi số phận đó. Từng đợt lá tuôn xuống theo cơn gió cuối thu khiến cành cây trơ trụi chỉ còn vài ba quả héo trên cây, không biết lúc nào thì rụng.
Lúc nghe tin tôi còn chưa ý thức được, mờ mịt hỏi lại:
"Thiên Thành công chúa?"
Thằng nhóc Quốc Chẩn cất lên chất giọng run run:
"Là.. là..bà ngoại..."
Tôi giật mình đứng bật dậy, cái nghiên mực bị đυ.ng trúng đổ xuống đầy mặt sân.
Sau này tôi mới chợt nhớ lại lần chia tay với bà trên thuyền khiến trong lòng lưu luyến bịn rịn khôn nguôi, sau đó dù không ít lần lo lắng bất an nhưng lần cuối cùng gặp lại vẫn bị dáng vẻ cố tỏ ra khoẻ mạnh của bà lừa gạt. Kết quả ngoại trừ lần gặp mặt cuối trước khi đóng áo quan tôi đã không còn gặp lại mẹ mình một lần nào nữa.
Tám năm dưỡng dục, một năm ở cạnh nhưng không phát hiện ra thân nhân, sau đó là vào cung rồi binh loạn. Khoảng thời gian tôi ở cạnh bà quả thật có thể đếm trên đầu ngón tay.
Ban đầu tôi tự hỏi vì cớ gì một người đang độ hồng hào mạnh dạn như thế có thể nói đi là đi, rốt cuộc đến hôm trở về ngày tang lễ cha tôi mới nói là do lần đó thuỷ binh của địch đuổi theo tập kích, giao chiến mấy trận không phân thắng bại nhưng mẹ lại đỡ cho cha tôi một mũi tên.
Cha nói mũi tên đó nếu bắn lên người ông cùng lắm thì bị thương nửa tháng, dưỡng sức một tháng, nhưng bắn lên người bà lại lấy đi nửa cái mạng.
Lúc đó bà vẫn cố chấp nói rằng:
"Chàng mà bị thương thì ba quân tướng sĩ biết phải làm sao?"
Cha tôi khóc nói:
"Vậy nếu mình chết thì tôi phải làm sao?"
Mẹ tôi không nghĩ được nhiều như thế, tôi cũng hiểu lòng bà.
Nếu như lúc ấy là tôi đỡ mũi tên cho Trần Khâm, dù mười lần một trăm lần tôi cũng nguyện, vì hễ mà anh ấy có mệnh hệ là đất nước cũng lâm nguy. Tôi vô cùng ngưỡng mộ mối tình của cha mẹ tôi, cho đến hôm nay mối tình này cũng chỉ còn nằm sâu dưới cõi lòng người trong cuộc.
Tôi có lần ích kỷ trộm nghĩ nếu như mình đi trước Trần Khâm thì tốt quá, như thế có thể mỉm cười nắm tay chàng mà nói "em đợi chàng dưới suối vàng", chứ không phải là một thân một mình cô đơn trên trần thế. Vậy mà tôi lại không biết được cuối cùng chính mình lại là kẻ nhìn từng người từng người một rời khỏi thế gian.
Trần Khâm truy phong cho mẹ tôi thành Nguyên Từ Quốc Mẫu, có thể xem là một đặc ân vô cùng lớn. Nhưng người đã chết rồi ấy mà, vinh quang dù sao cũng chỉ để dành cho người sống tự hào mà thôi.
Cũng như lần trước, sau khi mẹ tôi mất không lâu thì tôi lại mang thai lần nữa, giống như là ông trời muốn an ủi tôi. Lần này là một cặp sinh đôi, đứa lớn đặt tên là Thượng Trân, đứa nhỏ gọi là Thiên Trân.
Không phụ mong đợi, hai đứa trẻ không còn giống Trần Khâm nữa mà giống tôi y đúc, nhất là cô chị Thượng Trân, mỗi một cái nheo mắt nhướng mày đều không sai biệt vào đâu được.
Chị Anh Nguyên rất vui vẻ, nhưng bỗng nhiên nhớ ra trước mặt chị ta là thằng bé cả con nhà anh ba, tuổi tác vừa hay lớn hơn hai cô Trân một chút. Nhìn chị ta ỉu xìu, tôi nói:
"Chồng chị hiện giờ đã làm đến chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân, mà Nhữ Triết vẫn còn nhỏ, sau này trăm hoa khoe sắc tha hồ chọn lựa, cớ gì cứ đâm đầu vào mấy đoá tầm xuân đầy gai nhà em làm gì?"
Chị Anh Nguyên thở dài, sau này cũng không thấy chị ta nhắc tới việc này nữa, hình như đã chịu bỏ cuộc.
Ngay cả vợ của ông chú sáu ở bên kia hoàng thành cũng hạ sinh quý tử rồi, không sinh thì thôi, hễ mà sinh thì sinh một lúc mấy thằng con trai.
Còn vợ anh ta do hai lần có công đánh giặc nên được phong làm Trinh Túc hương chúa, sau đó lấy anh ta thì đổi thành Trinh Túc phu nhân. Dòng họ cũng được đề bạt rất nhiều người làm quan, nhất là những người theo chị ta hỗ trợ Trần Nhật Duật năm ấy.
Cái năm mà Trần Nhật Duật bỏ phủ đi ba ngày, tính ra cho đến hôm nay khi chị ta vinh quang gả vào phủ đệ Chiêu Văn tôi mới được tỏ tường chân tướng.
Không giống với những gì mà tôi tưởng tượng năm xưa, chị ta đúng thật là con gái của tri huyện Tế Giang châu Thanh Hóa cả nhà bị giặc gϊếŧ hại, sau đó giúp đỡ chỉ điểm lúc quân đội của Trần Nhật Duật ở xứ Thanh mới có thể chuyển nguy thành an.
Sau này chị ta hầu đèn sách trong phủ của Trần Nhật Duật chịu nhiều điều tiếng thì đã thôi, còn phải chịu vẻ mặt không nóng không lạnh của anh ta. Lúc vui vẻ thì nói nhiều hơn mấy tiếng, lúc dở dở ương ương thì hết sai cái này tới bắt bẻ cái kia, không làm cách nào cho anh ta hài lòng.
Trần Nhật Duật xuất sắc biết bao nhiêu, từng tuổi này lại chưa có gia đình khiến hầu hết con nhà quý tộc đã đỏ mắt thèm muốn, đương nhiên không chấp nhận nổi một kẻ mang thân phận hèn kèm, lễ nghi không có giáo dưỡng càng không từ đâu xen vào.
Trong đám đó nổi bật hết thảy là cô con gái cả của Trịnh Giác Mật vùng Đà Giang khi xưa, cô nàng này sống lâu thành già làng, ở trong phủ Văn ít nhiều cũng có tiếng nói.
Hai người họ một là đóa sen trắng chính hiệu, một là cây xương rồng đầy gai, kẻ dùng võ kẻ dùng mưu đánh nhau sinh tử lửa, ầm ĩ không có điểm dừng.
Cuối cùng chị Ngọc Châu trở thành kẻ chiến bại, chị ta cảm thấy không chịu nổi hoàn cảnh như đứng giữa nước sôi lửa bỏng như thế nữa. Trần Nhật Duật không đứng ra bảo vệ thì thôi còn ở giữa xem trò hay, thỉnh thoảng góp vui bằng một tràng vỗ tay, không căm tức mới là lạ đó.
Tôi nghĩ rằng lúc đó một phần vì chị ta ngán cái cảnh tứ cố vô thân, một phần vì trong lòng đã nảy sinh thứ tình cảm không nên có mới bằng lòng sống trong cảnh tạm bợ. À có lẽ lúc ấy chị ta cũng chẳng biết thứ cảm giác kỳ lạ đó là gì, chỉ biết xa Trần Nhật Duật là chị ta cực kỳ khó chịu.
Giữa cái khó chịu giữa việc không thể gặp mặt Trần Nhật Duật và bị soi mói ác ý thì chị ta chọn vế thứ hai.
Đương nhiên Trần Nhật Duật vẫn là một chàng trai hết sức ngây thơ, ngây thơ thì không xấu nhưng vừa ngây thơ vừa cao ngạo đó mới là vấn đề.
Anh ta rõ ràng không hiểu được lòng mình, giống như sự khôn ngoan trong chuyện gió trăng lại tỉ lệ nghịch với đầu óc thiên tài của anh ta vậy. Anh ta vẫn luôn không biết vì sao mình đặt biệt muốn tiếp cận với Ngọc Châu, mà càng muốn tiếp cận, anh ta càng làm mấy việc thiên địa bất dung.
Thế rồi ngày nọ chị Ngọc Châu bất ngờ có thư nhà, nhưng chẳng phải người nhà chị ta đều chết hết rồi sao, việc này vừa hay lại có uẩn khúc.
Chị Ngọc Châu có một người bác họ làm nghề buôn bán ở phủ Tam Giang, vừa hay tin cả nhà em gái mình đều tử nạn chỉ còn lại một mình đứa cháu gái nhỏ trốn thoát thì tình cảm thân nhân bỗng nhiên trỗi dậy, bác ta chợt nhớ tới hôn ước ngày xưa giữa cháu gái và thằng con mình, định bụng tìm kiếm tác hợp nên mối lương duyên.
Chị Ngọc Châu cảm thấy tuổi tác mình cũng lớn rồi, quyết tâm hỏi rõ Trần Nhật Duật một lần xem anh ta rốt cuộc xem mình là cái gì, Trần Nhật Duật lại dửng dưng nói:
"Không phải cô là người hầu đèn sách cho tôi hay sao?"
Chị Ngọc Châu mang một bụng ấm ức trở về, tính ra kể từ khi vào phủ hình như chưa có buổi nào là hầu hạ trọn vẹn, nếu không phải anh ta chê mực mài loãng quá thì sẽ chê chị ta vụng về quá.
Chị Ngọc Châu thì cảm thấy ngoài những lúc mình vô ý ngủ gật bên án thư ra tất thảy đều hết sức bình thường, nhưng Trần Nhật Duật ấy mà, anh ta nào phải người bình thường chứ?
Kết quả thì ai cũng biết là chị ta khăn gói ra đi, Trần Nhật Duật lúc này mới hoảng hốt lên bỗng nhiên cảm thấy khoảng thời gian qua dường như đã quen với việc có chị ta bên cạnh, đột ngột mất mát như thế hình như trong ngực có gì đó... nhói đau?
Lúc này ngoại trừ kẻ ngu ra thì ai cũng biết bản thân mình gặp phải vấn đề gì, nhưng mưa gió đi tìm, lúc phát hiện ra thì chị Ngọc Châu đã đính hôn.
Chồng chưa cưới của chị ta là một chàng trai nhân hậu thật thà, gia cảnh cũng được xem là khá giả, lại hết sức nghe lời chị ta. Trần Nhật Duật lẻn vào phòng chị Ngọc Châu nói rõ lòng mình, thái độ vẫn y như cũ giống như ban ơn.
Chị Ngọc Châu vừa khóc vừa mắng một trận, làm anh ta trở về như kẻ mất hồn.
Bẵng đi một thời gian vào đúng cái ngày chị ta thành hôn thì mới hay Trần Nhật Duật thất bại ở Bạch Hạc.
Chỗ đóng quân này nói gần thì không gần, nói xa cũng không xa, vừa vặn cách phủ Đỗ của ông bác mình một dãy núi, hai con sông.
Chị Ngọc Châu vội vàng tháo khăn cưới, đứng dậy kêu gọi gia nô đi hợp lực với triều đình, kỳ lạ là chồng chưa cưới của chị ta là kẻ nhiệt tình hơn ai hết thảy, gom hết lương thực gia súc đi theo đến Bạch Hạc giúp đỡ.
Có điều chị Ngọc Châu không hề biết Trần Nhật Duật thua thì đúng là thua thật, nhưng anh ta là kẻ đứng đằng sau đi tung tin cho chị Ngọc Châu để cho chị ta tự nhảy vào tròng. Sau cùng thì lộ ra việc Trần Nhật Duật từ lúc đưa quân đến đây, hai ngày một bận đều lẻn đến phủ Đỗ, nhưng chỉ dừng lại ở việc đứng từ xa mà nhìn người thương.
Trần Nhật Duật bây giờ không vô tri như Trần Nhật Duật lúc trước nữa, đương nhiên là làm chị Ngọc Châu cảm động trong lòng, nhìn vết thương trên tay đã được băng bó của anh ta càng thêm thuận mắt. Lúc này chồng chưa cưới của chị ta lại đứng ra huỷ hôn tác thành cho đôi uyên ương số khổ.
Chị Ngọc Châu ở lại doanh trại ngày ba bữa cơm nước thuốc thang, Trần Nhật Duật cũng khôi phục lại thương tổn về thể xác và tinh thần một cách thần kỳ, thậm chí đánh với giặc Nguyên mười tám trận lớn nhỏ không phân thắng bại.
Hai người bọn họ ngày thì luyện tập võ nghệ bắn cung, đêm thì đàn hát, trong trại không ai là không biết cả. Có điều nhìn tư thế oai hùng của chủ tướng và chủ tướng phu nhân tương lai, không ai dám hé răng nửa chữ.
Sau đó không may người chồng hụt của chị ta tử trận, cho dù là thắng lợi trở về chị Ngọc Châu cũng không còn lòng dạ nào mà yêu với chả đương, đem xác anh chàng đó về định bụng thủ tiết.
Tôi nhớ lại vẻ mặt mờ mịt như đêm ba mươi của Trần Nhật Duật khi ấy, chắc là đang nghĩ cách nhanh nhất để đưa người thương về nhà. Cũng may anh ta mua chuộc được gia đình ông bác nọ, ai nấy xúm lại khuyên giải chuyện mới coi như giải quyết xong.
Tất nhiên cả nhà anh chàng kia thăng quan phát tài, không phải là do Trần Nhật Duật nhúng tay mà là do bọn họ thật sự có công phụ tá, ủng hộ của cải nhân lực và cả mạng người.
Mạc Đĩnh Chi không còn than phiền với tôi về tính khí thất thường của thầy sáu nó nữa, ngược lại rầu rĩ hỏi với dung mạo của nó thì có ai chịu lấy nó hay không?
Tôi nhìn chàng trai trẻ năm nay đã ở ngưỡng hai mươi vai rộng eo thon, dung mạo vì lớn lên nên ngũ quan cũng trở nên rõ ràng, không dễ nhìn lắm nhưng lại toát ra vẻ thư sinh nho nhã, không còn là thằng nhóc nhỏ xíu đen đúa ngày xưa. Đúng là dát chữ lên mặt còn tốt hơn mấy lớp trang điểm tầm thường rất nhiều lần.
A, đừng nói là sau khi lấy nhau, vợ chồng ông chú kia ngày ngày bày ra dáng vẻ ân ái, tình ý dạt dào khiến cho người khác đỏ mặt đấy nhé?
Tôi mỉm cười nhìn em ấy, ôn tồn nói:
"Một cô gái có thể nhìn thấu được vẻ đẹp bên trong của Đĩnh Chi mới xứng đáng với em."
Giống như cảm thấy mình đang nói dối một đứa trẻ, tôi bỗng nhiên hổ thẹn. Thôi cứ xem như mình suy bụng ta ra bụng người vậy, dù sao ngày ngày đi ra đi vào nhìn thấy gương mặt đẹp trai của Trần Khâm vẫn tốt hơn nhiều lắm.
- 🏠 Home
- Việt Nam
- Lịch Sử
- Nào Hay Xuân Mênh Mông
- Chương 109: Chuyện Lông Gà Vỏ Tỏi Trong Phủ Văn