- 🏠 Home
- Việt Nam
- Lịch Sử
- Nào Hay Xuân Mênh Mông
- Chương 107: Nỗi Canh Cánh Của Quốc Hiện
Nào Hay Xuân Mênh Mông
Chương 107: Nỗi Canh Cánh Của Quốc Hiện
Lần này thắng lợi Trần Khâm phá lệ phong thưởng rất hậu. Công lớn như cha tôi thì được phong tước đại vương, anh cả là Khai quốc công, anh ba thì phong là Tiết độ sứ, Phạm Ngũ Lão được ban cho Thánh Dực quân, còn ông già Nguyễn Khoái cũng được phong Liệt hầu và một hương làm Thái ấp gọi là Khoái lộ.
Lão ta đắc ý một hồi, lần này lỗ tai không phải chịu cảnh tra tấn nữa. Mấy bà vợ già ở nhà thì đưa về Khoái Lộ lập làng, lập ấp, cai quản kẻ dưới chăn nuôi trồng trọt, chính mình thì cùng với bà vợ lẽ đã ngoài ba mươi tận hưởng cuộc sống thích chí an nhàn nép dưới bóng vua. Ông già này ấy vậy mà vẫn còn khỏe lắm.
Về phần nhà tôi có thể nói là một bước đạt tới đỉnh vinh quang, cả cha, anh ruột và cả anh rể đều được phong tước, nhưng tôi chỉ thắc mắc rằng tại sao anh cả và anh ba được phong còn anh hai và anh tư thì không thấy nhắc tới?
Trần Khâm lúc này đang ngồi hưởng thụ tôi xoa bóp vai, vừa lim dim mắt vừa lười biếng đáp:
"Anh hai em cự tuyệt ban thưởng, chỉ xin được cùng vợ từ nay không màng việc binh nữa, trở về thái ấp khai hoang mở chợ trồng dâu nuôi tằm, dạy việc bán buôn."
Tôi à một tiếng, hóa ra là học đòi theo ngài Chử Đồng Tử giúp đời giúp dân, chỉ hy vọng nửa đường không nhảy ra một Hồng Vân công chúa. Với tính tình của anh hai tôi ấy mà, cái bẫy sắc đẹp anh ta làm sao mà vượt qua. Lúc đó chỉ sợ chị dâu hai lại không được hiền thục như Tiên Dung, với tính tình mạnh mẽ của chị ta thì...
Ái chà, quả thật là vui nhà vui cửa.
"Thế còn anh tư?"
Nhắc tới Quốc Hiện Trần Khâm lại hơi cau mày, tôi biết ý lại đưa ngón tay lên xoa xoa. Trần Khâm nói:
"Ngày đó Thoát Hoan rút lui, trước tôi đã lệnh cho chú ba không được đuổi cùng gϊếŧ tận. Anh tư của em khi đó dưới trướng ngài lại vẫn cho quân đón đánh không tha. Tôi là người muốn gϊếŧ chết Thoát Hoan hơn ai hết thảy, nhưng không phủ nhận được nước ta là nước nhỏ, nếu như bọn chúng cứ ghi hận mà đeo mãi không buông thì dân chúng làm sao mà sống nổi?"
Tôi không dám bàn tới chuyện chốn quan trường, nhưng cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc mà Trần Khâm nói.
Không phải đương không mà chỉ sau nửa tháng Đại Việt ta phải đi sứ sang Nguyên để dâng cống phẩm, dâng biểu tạ tội và trao trả tù binh, dù việc bị đấm trả một cú rồi nhận lời xin lỗi đối với Nguyên triều cũng không được tính là vẻ vang gì. Chừa cho nước lớn mặt mũi cũng là chừa đường lui cho chính ta.
Sau này có lần tôi hỏi dò anh tư Quốc Hiện về nguyên do, anh ấy chỉ không mặn không nhạt nói:
"Lúc đó không nghĩ được nhiều như vậy, chỉ biết khi có cơ hội đuổi gϊếŧ Thoát Hoan thì trong đầu anh chỉ canh cánh mỗi việc ngày trước Bình Trọng đã chết đi như thế nào. Hiếm khi có dịp, bây giờ nghĩ lại cũng cảm thấy không hề hối hận. – Lại thở dài – Quan gia không trách phạt, đã rộng lượng lắm rồi."
Tôi không ngờ tới anh tư lại là người trọng tình nghĩa như thế. Ngày trước anh ta và Trần Bình Trọng vốn là kỳ phùng địch thủ, chẳng biết được trong lòng anh tôi Trần Bình Trọng quan trọng hơn cả sự nghiệp công danh. Vậy mà trước giờ tôi vốn nghĩ anh tư là kẻ tùy hứng không tính toán tới sự thiệt hơn.
Anh Quốc Hiện nói tới đó thì trầm ngâm, có vẻ khắc khoải vì chuyện trước giờ giấu kín đột nhiên bị khơi lại, lời nói như đang kể một câu chuyện xưa:
"Ganh đua với chú ta hết ngần ấy năm, tới cuối cùng trong lúc nguy nan chú ấy lại chọn cứu anh, thế thì anh còn đấu làm gì nữa chứ, chẳng phải là anh đã thảm bại rồi sao?"
Nói tới đó, anh Quốc Hiện không kìm nén nổi nữa mà lấy tay đấm mạnh vào gốc cây, nước mắt anh chảy hai hàng, lớn giọng khóc tu tu như một đứa trẻ.
Tôi chưa từng nhìn thấy anh Quốc Hiện của mình – kẻ luôn luôn mang bộ mặt gắt gỏng cau có lại bày ra biểu hiện bi thương thống thiết đó, quýnh quáng không biết làm thế nào, hết vuốt lưng lại vỗ vai an ủi:
"Năm đó là do trong lúc bất đắc dĩ không còn cách nào để lựa chọn nên Bình Trọng mới vì nghĩa quên mình, không phải chỉ vì anh đâu. Còn có Thánh Dực quân nữa, Trần Bình Trọng là vì đại cục chứ đâu phải hoàn toàn vì anh... anh không cần phải ôm hết vào mình!"
Anh Quốc Hiện vẫn nức nở, thậm chí còn khóc tức tưởi như đưa đám, gằn giọng thét:
"Là vì anh, vì anh năm đó khinh địch nên mọi chuyện mới không thể vãn hồi như thế! Anh luôn ngạo mạn mình hơn, nhưng rốt cuộc lại để cho chú ta phải bảo vệ! Ngày đó em đã nói với tính tình nay của anh thì cũng có ngày gặp tai hoạ, mỉa mai thay lúc ấy anh chẳng hề tin."
Hôm đó mãi đến lúc tối muộn Quốc Hiện mới phần nào khôi phục lại tâm tình, có lẽ nói ra được hết những suy nghĩ trong lòng dù không thể thay đổi được kết quả, chí ít anh ta cũng sẽ thấy thoải mái hơn.
Cộng thêm lần này bỏ mặc mọi thứ để trả thù cho Bình Trọng, thành hay bại, đúng hay sai, hình như cũng không còn quá quan trọng nữa. Tôi biết làm được việc nghĩa như thế thì cho dù có hi sinh, người đó cũng cảm thấy an lòng.
Chuyện định công ban thưởng vừa qua tôi mới biết được ngày trước Hoài Văn quân bị định tội phản là do một tên cận thần được tin dùng tên là Đặng Long của Trần Khâm.
Trước đây Trần Khâm vốn đã định phong cho gã làm Hàn Lâm học sĩ nhưng bị Thượng hoàng ngăn cản, Đặng Long lúc này bất mãn nên hàng giặc, vừa giả dạng vừa cài cắm người của mình vào Hoài Văn quân làm phản, lựa lúc đi đánh tiên phong ở Ngọc Sơn thì lẻn sang thuyền giặc chỉ điểm cho chúng. Vậy mới nói ánh mắt của Thượng hoàng vẫn còn sáng lắm.
Quân ta bại trận lần đó gã cũng được đề bạt lên chức cao, sau này vô tình bắt được trong trận chiến ở sông Bạch Đằng Hoài Văn quân mới được minh oan.
Cái hay của tên tặc Đặng Long này là làm việc quá kín kẽ, nếu như không phải vô tình tóm gọn một mẻ chung với Ô Mã Nhi cứ tưởng rằng gã đã thật sự bốc hơi khỏi trần thế.
Sau khi toàn bộ những kẻ thua cuộc chạy trốn được sang Nguyên, chỉ chưa đầy một tháng Nguyên chủ Hốt Tất Liệt đã sai sứ giả sang Thăng Long.
Sứ giả cưỡi ngựa đến tận cửa cung chỉ định đích thân chủ tướng của nước thắng trận là cha tôi phải ra đón tiếp, mời vào điện Tập Hiền chiêu đãi. Lại ung dung đọc chiếu thư của Nguyên chủ yêu cầu quan gia phải sang chầu, và còn thả hết các tướng Nguyên còn đang bị bắt làm tù binh.
Đến hôm nay Trần Khâm vẫn còn ngồi đây thì dùng đầu gối cũng có thể nghĩ được là anh ta lại mượn cớ thoái thác rồi. Cái chốn Đại Đô đầm rồng hang hổ, mùa nóng thì như đổ lửa, mùa lạnh thì có tuyết rơi, chẳng phải là chỗ tốt đẹp gì. Còn về lý do để thoái thác thì anh ta bảo:
"Đương nhiên là vì tôi tuổi già không đi xa được!"
Tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn anh ta, hơi hơi kinh hãi hỏi:
"Thế..có phải là miễn cưỡng quá không?"
Trần Khâm lại quả quyết:
"Không lẽ y còn muốn sai ngự y bắt mạch chẩn bệnh cho tôi à?"
"Đúng..đúng thế thật.."
Tôi bứt rứt gãi đầu đột nhiên cảm thấy lời anh ta nói cũng rất hợp lý, muốn bắt bẻ lại không thể bắt bẻ được, cho dù tôi vẫn cảm thấy có gì đó hơi sai sai.
Trộm nhìn qua, người đàn ông năm nay ba mươi tuổi môi hồng răng trắng, bàn tay tuy hơi thô ráp nhưng ngón tay vẫn hồng hào. Tóc đen như mun, mượt như tơ lụa thượng hạng, khoé mắt không có lấy một nếp nhăn.
Thế thì... thế thì đã được coi là già yếu chưa?
Dù sao trải qua cuộc chiến dài ngày nếu anh ta ở trên điện Thiên An ho mấy cái, than đau đầu mấy bận kể vẫn có chút đáng tin. À với trường hợp tên sứ giả nọ là một kẻ lương thiện dễ tin người.
Nhưng đáng tiếc gã đó lại là kẻ có thể cưỡi ngựa tới cửa điện Thiên An, nên kết quả phải ôm một bụng tức không có chỗ trút. Anh muốn trút giận vậy thì về nói với Nguyên chủ anh lại cất binh sang đi, đương nhiên là không thể nào.
Chầu thì có thể không đi nhưng người thì bắt buộc phải trả, Ô Mã Nhi trúng độc người không ra người, ma không ra ma đến ngày hôm nay rốt cuộc cũng được giải thoát trên đường về Nguyên.
Anh ta bị ngộ thương trong trận chiến nên không thể đổ lỗi cho quan gia Đại Việt được, đao kiếm không có mắt ấy mà, trúng phải tên độc không có thuốc giải thì phải quy về số phận. Nói theo từ ngữ thông dụng của nước ta là "tới số thì chết thôi".
- 🏠 Home
- Việt Nam
- Lịch Sử
- Nào Hay Xuân Mênh Mông
- Chương 107: Nỗi Canh Cánh Của Quốc Hiện