Việc bị đuổi theo thế này không nằm trong dự liệu. Không ngờ tên Thoát Hoan kia lại đánh hơi được nhanh như thế, nhiều lần trông thấy anh ta bị dắt mũi lại cứ tưởng đâu là anh ta ngu ngốc thật. Trong lòng tôi âm thầm nói lời xin lỗi với Thoát Hoan, ngoài miệng lại cảm khái:
"Thoát Hoan này quăng một cục xương ra nói không chừng anh ta còn chạy lại đớp!"
Trần Khâm ở bên cạnh hơi nhướng mày:
"Ngày đó ai nói cùng với Thoát Hoan là tri kỷ vào sinh ra tử với nhau ngần ấy năm, vừa trở mặt đã quay sang ví người ta là chó rồi?"
Tôi cười hì hì:
"Trên đời ấy mà, không có bạn bè vĩnh viễn cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn."
Khóe miệng Trần Khâm hơi giương lên, ngầm tỏ vẻ hài lòng. Đàn ông mà, nói vài câu vừa ý thì lại vui vẻ ngay.
Lúc này có kẻ hớt hải chạy vào khoang trong cấp báo:
"Bẩm, giặc Thát đã giương buồm sắp đuổi tới nơi, Quốc công nói mọi người hãy chuẩn bị sang thuyền nhỏ vào Thanh Hóa, Quốc công sẽ dẫn thuyền lớn vòng lên Tháp Sơn đánh lạc hướng địch. Ngay tại ngã rẽ lập tức chia ra."
Trong khoang lại rơi vào không khí nhốn nháo, thượng hoàng liền lên tiếng ra lệnh phân ra ai ở ai đi. Tuy nói là chia ra làm hai nhưng cốt yếu vẫn là an nguy của Quan gia và Thượng hoàng được đặt lên trên hết.
Trên thuyền không có nhiều người, ngoài những vị tai to mặt lớn trong tông thất cùng với gia quyến và những kẻ thân tín theo hầu, còn lại trong kinh thì theo đường tắt di tản sang những vùng lân cận.
Trong số những tông thất đó đa phần là thề thốt hi sinh bản thân để bảo vệ vua, cũng không ít người bằng mặt nhưng không bằng lòng, một số người còn tuyệt vọng khóc thút thít. Tôi lại cảm thấy ở trên thuyền nhỏ ngoài có tác dụng dễ dàng ẩn nấp do thuyền lớn dễ thu hút sự chú ý của địch thì so ra thuyền lớn lại có vẻ an toàn hơn. Đi ra cái vùng biển mênh mông này bể sâu sóng cả, đúng là rất nhiều thứ khó nói.
Rốt cuộc sang thuyền nhỏ thì chỉ gồm những kẻ trong hoàng tộc và trẻ con, duy chỉ có mẹ tôi là kiên quyết cùng cha ở trên thuyền lớn. Tôi đứng nhìn Phạm Ngũ Lão lần lượt đưa mọi người xuống thuyền, bỗng thấy chần chừ:
"Hay để em ở lại thuyền lớn giúp cha..."
Trong lúc đợi mọi người xuống thuyền, tôi cứ liên tục ngoái đầu nhìn cha mẹ, cõi lòng dấy lên đau xót và khó xử. Trong lúc nước sôi lửa bỏng này, không ngờ cha mẹ lại phải làm nhiệm vụ chiêu dụ địch để đổi lấy an toàn cho mấy kẻ chúng tôi.
Trần Khâm đứng dưới mũi thuyền nhỏ chìa tay với tôi, cau mày nói:
"Đi thôi, có em hay không cũng không có khác biệt gì lớn."
Lúc này thuyền của giặc Thát đã đuổi sắp tới, tên bắn rào rào sang như mưa, tuy khoảng cách còn xa tít nhưng sức sát thương lại không thể coi thường. Đang còn đứng khựng ở đó, phía sau bỗng nhiên có lực đẩy khiến tôi ngã nhào về phía trước.
Trần Khâm nhanh tay bắt được tôi, tôi quay mặt lên nhìn chỉ thấy gương mặt mẹ tươi cười nhìn mình vẫy tay, sau đó là tiếng hô vang dội của cha tôi cất lên, con thuyền lớn trước mặt rẽ sóng quay đầu chạy đi xa tít.
Đám người của chị Anh Nguyên cũng đau xót nhìn tôi, khẽ an ủi:
"Yên tâm đi, tất cả mọi người đều sẽ an toàn."
Đó cũng là thứ duy nhất mà tôi mong muốn.
Phạm Hữu Thế lái thuyền nhỏ đưa mấy người bọn tôi đi ngược hướng với cha, thoắt cái bóng dáng của cha mẹ tôi chỉ còn giống như những chấm thanh mảnh trên giấy mật hương chỉ.
Bỗng nhiên có tiếng hô hào báo động cứu giá, không kịp chặn được mấy mũi tên xé gió lao về. Rốt cuộc kẻ được cứu giá lại đỡ giúp tôi một mũi tên sắp sửa xuyên qua lưng.
Cả thuyền nhốn nháo. Tôi hoảng hốt nhìn Trần Khâm bị tên bắn xuyên qua cánh tay trái, anh ta lại nhanh chóng lôi mình vào khoang thuyền. Lúc an ổn rồi mới rút mũi tên ra, không hề nhăn mày lấy một cái.
Đáy lòng tôi bỗng dâng lên nỗi căm tức vội vén màn nhìn ra bên ngoài, trong lòng cũng cảm thấy bạo gan hơn. Tôi đoạt lấy cung tên của một binh lính, Trần Khâm nắm chặt tay tôi.
Dù sao anh ta chỉ bị thương tay trái nên vẫn còn sức lực giữ lấy tôi ở lại, tôi gạt tay anh ra. Trần Khâm lúc này cũng không cố gắng giữ tôi lại nữa.
Cẩn thận bước ra bên ngoài hình như tên vẫn còn bắn xối xả, đoàn thuyền của chúng áng chừng năm mươi chiếc, trên mỗi thuyền lại không có nhiều người.
Binh lính mang theo phần lớn ở trong khoang chèo, ở bên trên là đội xạ thủ không ngừng bắn tới. Tuy chúng tôi là thuyền nhỏ đi nhanh nhưng nếu với tình hình này chỉ e bọn chúng sẽ nắm được đường đi nước bước, sau đó đại quân đuổi theo thì sẽ thật gay go.
Bên ta ấy vậy mà chỉ có năm chiếc thuyền vừa, lấy một địch mười liệu có đường thắng hay không?
Phạm Hữu Thế đứng ở đầu tàu chỉ huy thỉnh thoảng chém bay vài mũi tên phóng tới, anh ta vốn là thân tín của cha tôi và là một người cực kỳ giỏi bơi lội và thuỷ chiến.
Phạm Ngũ Lão lại đứng ở phía đuôi thuyền, anh ta hình như cũng cùng suy nghĩ với tôi, nhác trông bóng dáng tôi lấp ló bên mạn phải, anh ta cười ha hả, lớn giọng nói:
"Không uổng công ngày trước luôn khen ngợi em."
Tôi nhếch môi nhìn anh ta, đáp:
"Không chỉ là ngày trước đâu, hôm nay tôi lại càng khiến anh phải luôn miệng tán dương!"
Ngày trước Phạm Ngũ Lão tuy chỉ dạy tôi phân nửa thời gian nhưng những gì anh ta truyền thụ lại khác hoàn toàn với anh Quốc Tảng. Nếu như Quốc Tảng thiên về những thứ táo bạo mạo hiểm, gặp chiêu phá chiêu thì Phạm Ngũ Lão lại dạy theo cách chậm rãi mà an toàn, tính toán kỹ lưỡng.
Bởi thế trên chiến trường chưa từng thấy Ngũ Lão phạm phải sai lầm nào dẫn đến thất bại. Còn Quốc Tảng, có lẽ giờ này đang đánh nhau với Thoát Hoan ở kinh đô.
Tên đã tra vào cung, Phạm Ngũ Lão bèn lệnh cho thuyền bơi chậm lại, dàn hàng trước mặt chúng. Ước chừng còn cách địch tầm hai trăm bước, mũi tên của anh ta liền vυ"t một phát lao đi. Trong tích tắc tôi bỗng thấy một kẻ đứng trên mũi thuyền té lộn cổ xuống nước.
Tức thì xạ thủ trên mấy chiếc thuyền khác như có lệnh được bắn cũng đồng loạt cất cao dây cung, thuyền xa thì dùng cung, thuyền gần thì dùng nỏ, thoắt cái xác giặc rơi xuống khắp nơi, nhuốm dòng nước đi qua thành một màu đỏ ối.
Giống như bất ngờ vì chúng tôi dám cho thuyền đi chậm lại để trả đũa, bọn Thát liền có vẻ nhao nhao lên lại tiếp tục điên cuồng bắn trả, khiến không ít binh lính bên ta cũng rơi xuống nước.
Trong lòng tôi thầm mắng Phạm Ngũ Lão bắn tên mà không ra hiệu, tức thì nhân lúc chúng đang cuống cuồng bắn một lúc năm bảy phát, lại trượt hai phát do gió thổi mạnh.
Phạm Ngũ Lão mỗi lần bắn ra ba mũi tên, ấy vậy mà không mảy may trượt một phát. Lúc này Phạm Ngũ Lão mới thôi nhíu mày, khẽ thả lỏng nói:
"Sao thế, sống an nhàn bao năm nên ngón nghề không thạo nữa à?"
Tôi có chút đỏ mặt. Được thôi, chính tôi như thế còn vợ anh thì thế nào, chẳng phải là hăng hái chăm chồng dạy con đến mức mập mạp béo tốt ra, đến múa kiếm còn không nổi hay sao?
Bởi vì lính ở trên mạn thuyền bị tên bắn quá nửa nên đám lính chèo thuyền cũng bất giác bơi chậm hơn. Thấy tình thế đã ổn, mưa tên bên chúng cũng chỉ còn bắn sang rải rác Phạm Hữu Thế liền ra lệnh cho lính chèo thuyền của ta bất giác chèo nhanh hơn, đi qua một khúc cua đã thành công làm mất dấu bọn chúng.
Tuy vậy cũng không hề thả lỏng, năm chiến thuyền vẫn lao nhanh trên mặt biển mênh mông như những con cá buồm.
Tôi mang tâm trạng ỉu xìu chui vào trong khoang thì thấy Trần Khâm vẫn đang mặt cau mày có:
"Đã vừa lòng em chưa?"
Tôi xì một tiếng, lại trông thấy con nhóc Huyền Trân đang nằm trong vòng tay của Thuỵ Hương thì tâm trạng mới đỡ hơn, ngay lập tức ôm nó thơm mấy cái.
Vào Thanh Hoá không lâu bỗng dưng có một vài hạm đội thuyền tìm được vào nơi vua ngự. Hoá ra đây là những đội thuỷ quân khi trước cha tôi sắp xếp để chặn thuyền giặc đuổi theo, tất thảy thất bại co cụm lại tìm cơ hội để tiếp ứng.
Nói về vấn đề đánh trực diện thì đám người này không cản được khí thế như thác lũ của giặc, nhưng nói về do thám hay hóng chuyện thì lại khiến người ta không thể chê vào đâu.
Hóa ra hôm đó thật sự là do trong lúc giảng hòa một tướng là Trần Ngạc trúng tên chết, sau đó cả hai bắt đầu đánh nhau sứt đầu mẻ trán.
Bởi vì bất đắc dĩ đánh sớm hơn dự định nên Ô Mã Nhi đã gần như ngay lập tức phát hiện ra thuyền chiến của ta ngược sông ra biển, bèn tự mình dẫn một hạm đội gấp rút đuổi theo, một đường dẹp bằng sạch những cứ điểm ở Chương Dương, Hàm Tử và Tây Kết.
Sau đó ông già Nguyễn Khoái cầm quân Thánh Dực đã đứng ra tập hợp lại tàn binh, âm thầm đi theo chiến thuyền của chúng, lại lợi dụng lúc chúng đuổi theo cha tôi ở phía sau tung tin đồn nhảm nói rằng ở phía Thanh Hóa có một đạo quân lớn đang mai phục.
Ô Mã Nhi cho người đi thám thính quả nhiên là tin sái cổ, thuyền đã đuổi được nửa đường vội quay đầu trở về. Nhân lúc đó Nguyễn Khoái lần theo tung tích tìm đến được đây.
Thật ra ý này vốn không phải là của Nguyễn Khoái, bên cạnh ông già có một cậu quân sư vô cùng trẻ tuổi trạc mười sáu mười bảy, lại vừa lúc cùng tuổi với Mạc Đĩnh Chi tên là Trương Hán Siêu.