– Đấy là tôi cứ nói thế!
– Bí mật à?
– Cứ cho là vậy đi ạ!
– Không nói thì thôi.
Thùy Dung buồn cười trước câu trả lời có phần hài hước của Kiên, hai người tạm dừng câu chuyện mà tập trung ăn hết bát mì, sau khi ăn xong cô chủ động đứng lên thu dọn bát định rửa thì Kiên liền ngăn cô lại:
– Được rồi! Có hai cái bát với cái nồi, để tôi rửa cho.
– Không được. Anh đã nấu rồi nên để tôi rửa.
– …
Hai người cứ mải tranh qua cãi lại thế là cái bát rơi xuống đất vỡ tan tành, Dung sợ hai chị giúp việc nghe thấy nên vội vàng ra hiệu cho Kiên im lặng, đứng qua một bên để cô rửa cho nhanh nhưng Kiên hôm nay như dở hơi, anh không những không cho cô dọn tiếp mà còn làm hành động nắm lấy hai tay của cô.
– Để mai rửa!
Tự nhiên bị Kiên kéo lại với khoảng cách rất gần làm cho tim của Dung cứ đập thình thịch, mà nói thôi cần gì giữ tay cô lâu vậy chứ, đã thế ánh mắt cứ nhìn chăm chăm khiến cô ngại ngùng đến lắp bắp…
– Vâ…ng…Mai… Mai cũng được…
– Sao mặt đỏ vậy?
– Đỏ ư?
– Ừ. Đang rất đỏ đây này… Hay là…
– Tôi… Tôi buồn ngủ rồi! Anh không buồn ngủ thì ở lại dọn mảnh vỡ kia đi!
Đúng là Kiên hôm nay không còn là Kiên của ngày thường nữa rồi, hỏi thẳng cô mà không cần dè dặt nữa:
– Cô cũng có tình cảm với tôi đúng không?
Trước câu hỏi thẳng thắn này thì mặt của Dung càng đỏ, cô xấu hổ cố gắng thoát khỏi bàn tay rắn chắc của Kiên nhưng không được mà còn bị anh kéo lại sát hơn. Tim của cô cũng vì hành động đột ngột này của Kiên mà suýt rớt ra ngoài nhưng ngay sau đó đã kịp ổn định lại bởi giọng nói trầm ổn của anh:
– Không cần trả lời nhưng im lặng để tôi ôm thì tôi sẽ tự hiểu!
Thùy Dung rơi vào cảnh đấu tranh tư tưởng không biết là nên hay không nên nhưng nghĩ tới cùng, đã trả lời tin nhắn, đã chấp nhận dậy ăn đêm khi bụng không đói thì còn chần chừ làm gì nữa, cứ xuôi theo cảm xúc thật đi, cùng nhau được bao lâu cũng là do duyên số…
Kiên nhận rõ sự đắn đo của Thùy Dung trong lòng mình nhưng qua một lúc lâu anh lại thấy được sự hồi hộp và loạn nhịp của con tim nhiều hơn. Chẳng ai nói với ai câu gì mà cứ vậy đứng im để cảm nhận về nhau, Kiên khẽ nhích tay ôm chặt thêm một chút, anh tựa cằm mình trên đỉnh đầu của Dung thì cô cũng đáp lại bằng cách vòng tay của mình qua eo anh.
Giờ này cô chính thức hiểu, mọi lí do để từ chối Hiếu trước đấy chỉ là cái cớ, chẳng phải hai người cách xa về địa vị, không hợp về tính cách mà là vì cô đã có người đàn ông này ở trong lòng mình. Nhưng hai người đến với nhau rồi thì sao đây, cô chẳng sợ khó khăn về việc tranh giành với kẻ thứ ba, mà chỉ sợ bản thân không vượt qua được rào cản là những đứa con của anh…
– Đang suy nghĩ gì vậy?
– Không có gì!
– Tôi có giác quan thứ sáu đấy!
– Vậy anh đoán thử đi!
Thùy Dung nói câu trêu đùa rồi từ từ rời khỏi người Kiên nhưng anh không chịu buông tay mà ôm cô chặt hơn chút nữa:
– Tôi biết em đang nghĩ gì nhưng hãy tin tôi được không?
– Tôi không nghĩ gì đâu.
– Tôi ra đời trước em những mười bảy năm đấy nên đừng nghĩ nói dối được tôi!
– Bỏ tay ra cho tôi về phòng ngủ đi! Muộn lắm rồi này!
– Không cãi được nên định trốn tránh đúng không?
– Mai tôi phải dậy sớm thật mà! Lẽ ra hôm nay phải về bên nhà để chuẩn bị đồ với mẹ nhưng vì mải đi chơi với mấy bố con anh nên để hết việc cho bà lo đấy!
– Đêm nay cứ ngủ ngon, tôi nói thư ký chuẩn bị hết đồ cho mẹ con em rồi, xe đưa về cũng sẵn sàng.
– Ơ… Không cần đâu… Tôi có thể…
Kiên biết Dung sẽ lại từ chối nên anh đã nghĩ trước lí do để nói:
– Lễ thắp hương đã nhờ người ta mua rồi, xe thuê cũng đã trả tiền nhưng nếu em không nhận thì cũng không sao.
– Lần sau không được làm như vậy nữa!
– Ừ. Lần sau tôi sẽ nói trước với em!
– Không làm thế này nữa chứ không phải là nói trước.
– Là gì cũng được. Giờ thì em về phòng ngủ đi!
– Vâng.
– …
Sáng hôm sau Thùy Dung dậy khá sớm nhưng Kiên còn dậy trước cả cô nữa, ngó ra ngoài còn thấy có sẵn một chiếc xe sang trọng đỗ ở cổng ngõ chờ. Thực sự nhìn chiếc xe cô thấy phiền não lắm, ở quê họ chẳng cần biết cô làm gì trong thời gian ngắn thế đã có xe sang chở về, họ cũng không cần hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao chỉ biết nhà cô đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn thế mà thấy cô bước xuống từ chiếc xe đắt đỏ thì sẽ lại có nhiều lời bàn ra tán vào, chưa kể bọn đòi nợ vẫn rình mò bắt vạ vì trên thực tế bố mẹ cô vẫn là vợ chồng, rồi cả ông bố tệ nạn của cô nữa…
Nhiều vấn đề nan giải khiến Dung vẫn cứ đứng ngây ra thở ngắn than dài trong lòng thì Kiên đi lại gần hỏi:
– Sao vậy?
– Hay… Hay là để tôi tự bắt xe về quê nhé! Chứ thế này…
– Đừng lo lắng nữa. Cứ yên tâm về đi!
– Anh biết rõ hoàn cảnh nhà tôi rồi đấy, nội ngoại gần nhau kiểu gì cũng không tránh được va chạm, rồi lại nhiều lời bàn ra tán vào, với không may gặp mấy người cho vay nặng lãi đến thì phiền lắm, rồi cả ông bố ham cờ bạc ấy nữa. Biết đâu lần này ông ấy cũng về thì sao?
#playerDailymotion {width: 520px; float: right; padding-left: 10px; margin-right: -10px;}
– Cậu lái xe tự biết xử lý không để em khó xử đâu.
– Vậy đến gần nhà tôi bảo anh ấy đỗ xuống cũng được.
– Được rồi! Cứ lên xe đi không muộn!
Bà Hương cũng biết nhà chủ chỗ con gái làm tốt bụng, hay cho cô đồ tốt nên lần này có cho một chuyến xe về tận quê thì bà cũng không để ý nhiều, chỉ là điều bà lo cũng giống như Thùy Dung vậy. Sợ những điều tiếng ở quê rồi không may lại tới tai đám người đòi nợ thì ngày giỗ của mẹ bà sẽ thành trò cười cho thiên hạ. Chưa kể lão chồng vô tâm, vô tích sự ấy đánh mùi được mấy mẹ con bà đi xe sang trọng về lại tìm cách moi móc, làm khó thì phiền phức lắm.
Xe chạy gần về tới nhà bác cả thì bà Hương càng lo lắng hơn, Thùy Dung nhận ra sự bất an của mẹ thì cầm tay bà an ủi:
– Mẹ đừng lo! Lát con bảo anh lái xe đỗ cách xa nhà bác cả một chút là được.
– Ừ.
Cậu tài xế cũng được Kiên giao phó kỹ càng, Thùy Dung nói sao thì cứ làm vậy là được. Biết ý nên cậu còn cẩn thận chọn chỗ vắng người qua lại mới dừng hẳn xe. Đồ đạc cũng không có gì nhiều ngoài hai ba lô quần áo của ba mẹ con và mấy túi quà nên đi lại cũng không quá vất vả.
Về tới nhà bác cả mà không bị nhóm người đòi nợ phát hiện thì ba mẹ con cô mới thở phào nhẹ nhõm. Ai trong nhà cũng thương cho hoàn cảnh của mấy mẹ con Thùy Dung, nhất là bác cả nên ngày giỗ này bác cũng chỉ làm gói gém mời toàn anh em con cháu trong gia đình chứ không mở rộng.
Thùy Dung để mẹ ở dưới nói chuyện với các bác các dì còn cô thì đem đồ vào trong phòng mà bác dâu chuẩn bị trước cho mấy mẹ con. Cô cũng tính sau khi cất gọn đồ đạc thì sẽ nhắn cho Kiên một câu cảm ơn nhưng mà cô chưa kịp nhắn thì anh đã điện thoại tới rồi.
Nhìn thấy số quen thuộc, Dung cũng không chần chừ mà nghe máy luôn:
– Tôi đang định nhắn cho anh.
– Có mệt không?
– Dạ không. Mà bé An nay đi học có ngoan không ạ?
– Con bé vắng em thì buồn rười rượi mà cả bố nó cũng không vui!
Thùy Dung nghe ra ý tứ câu nói của Kiên nhưng cô lại cố ý bỏ qua mà chỉ đề cập tới vấn đề của Bảo An:
– Đợi tới bữa cơm trưa tôi sẽ gọi đến cho cô giáo hỏi thăm con bé!
– Ừ.
– Trưa nay anh chịu khó về nhà ăn cơm đi, đừng ăn ở căng tin.
– Có một bữa ăn ở đâu cũng được! Em đừng lo.
– …
Nghe tới đây Thùy Dung chưa kịp trả lời thì tự nhiên thấy tiếng của Thành nói to xen vào:
– Dung ơi? Em cứ yên tâm ở quê lo việc đi nhé! Trưa nay có chị Kiều mang cơm đến cho Sếp rồi!
Tút… Tút…
Cô biết thừa Thành trêu chọc nhưng lần này vẫn không kịp nói thì máy đã tắt, có điều cô cũng không giận hay khó chịu mà đoán chắc hai người già cả đó lại khıêυ khí©h nhau. Thùy Dung để máy xuống bàn rồi tiếp tục công việc sắp xếp đồ đạc thì lúc sau thấy Kiên gọi lại…
– Tôi nghe đây!
Thùy Dung vừa bắt máy là Kiên đã vội vàng giải thích luôn:
– Vừa nãy cậu Thành nói bậy đấy!
– Tôi không có nghĩ gì đâu, mà kể ra ăn một bữa cơm với chị ấy cũng không sao mà!
– em thích thế thật à?
– Ờ… Thì cũng chỉ là bữa cơm thôi chứ có gì đâu nhỉ?
– Vậy được! Tôi nghe theo em!
Tút tút…
– Ơ…
Lại tắt nhưng lần này đợi mãi cũng không thấy Kiên gọi lại thì Dung bĩu môi mắng thầm, mới thế mà đã dỗi. Đã vậy cho dỗi cả ngày luôn…
Thùy Dung chán không đợi tin của Kiên nữa mà chờ gần tới giờ cơm của Bảo An thì gọi qua cho cô giáo để gặp con bé. Sau khi hai cô cháu tâm sự một hồi thì bé An vui vẻ ăn cơm ngon miệng, trước khi tắt máy Dung còn kịp chụp một tấm hình hai cô cháu nói chuyện với nhau rồi nghĩ thế nào cô lại gửi qua cho Kiên với lời nhắn:
– Con bé ăn ngoan rồi và còn hứa ngủ trưa ngoan nữa nên anh yên tâm nhé!
Mọi lần Kiên trả lời nhanh lắm nhưng nay cô thấy anh đã nhận tin rồi nhưng lại không trả lời lại thì Dung thấy lạ. Đợi qua năm phút nữa nhưng vẫn không thấy anh nhắn gì thì cô không thèm chờ nữa mà xuống nhà chuẩn bị ăn cơm cùng mọi người.
Đúng lúc Thùy Dung ngồi vào mâm cơm thì Kiên gọi lại nhưng cô có chút giận nên không thèm nghe máy thì lại có tiếng tinh của tin nhắn đến.
– Sao không nghe máy?
– Tôi đang bận ăn cơm!
– Tưởng bận ăn thì tay cũng bận chứ?
– Giờ bận luôn đây!
Thùy Dung đọc cái tin của Kiên thì hậm hực thật, cô không thèm nhắn lại nữa nhưng Kiên vẫn kiên trì nhắn lại:
– Ra ngoài nghe máy đi!
– …
– Không nghe tôi đi ăn cơm với người ta thật đấy!
– …
Đọc cái tin cuối Thùy Dung ném luôn cái điện thoại lên ghế thì Kiên gọi lại bằng facetime, bà Hương lúc này từ bếp đi lên thấy điện thoại của con gái rung lên mà nhìn qua màn hình có để tên Kiên thì bà mau miệng mắng cô:
– Sếp con gọi kìa! Mau nghe máy đi! Cứ mải ăn thôi!
– Kệ anh ta!
– Chắc có việc của công ty nên cậu ấy mới gọi giờ này, nghe đi!
Chẳng ai như bà Hương, sợ Kiên có việc thật nên cầm cái máy điện thoại trượt sang nút nhận luôn rồi rúi vào tay cô:
– Mau ra ngoài nói chuyện đi con!
Đến nước này Thùy Dung vội vứt lại cái chân gà rồi cầm điện thoại ra mãi góc vườn mới lên tiếng:
– Trời đánh còn tránh miếng ăn đấy thưa Sếp!
– Sao tôi gọi không nghe?
– Vậy sao tôi nhắn anh không trả lời?
– Đang giận đấy à?
– Không cần làm mấy việc vô bổ đó!
Nghe cái giọng cũng biết là đang giận nhưng Kiên lại cứ muốn trêu cô tiếp:
– Tôi gọi để báo cho em biết tôi đang làm theo ý em.
– Vậy ăn cùng người ta đi còn gọi cho tôi làm gì, lắm chuyện!
– Ừ. Vậy em vào ăn cơm đi! Tôi cũng đi ăn đây!
– …!!!
Đầy một bụng tức luôn, Dung tắt máy cái phụt mà không biết bên kia Kiên cười ha hả. Mới nói lời từ tốn chưa bao lâu mà đã quay ngoắt một trăm tám mươi độ, biết thế này còn lâu tôi mới…
Thùy Dung mới mắng thầm Kiên tới đó thì liên tục có tiếng tinh tinh gửi tới làm ngắt quãng cơn bực bội của cô. Lại cái gì đây, định khoe trưa nay cùng nhau ăn gì à…Ơ… Mà không phải… Đây là bàn ăn ở nhà Kiên, mấy món này là của cô Lành nấu… Còn hũ dưa kia là mấy hôm trước cô tự tay làm đây mà… Cái tên Sếp già chết tiệt, cứ thích trêu mình…
Đang cơn tức giận nhưng sau khi nhìn mấy cái ảnh của Kiên gửi thì Dung hạ hỏa rất nhanh, có một chút xấu hổ vì trách nhầm người ta nên cô không nhắn lại nữa mà tính đi vào trong nhà ăn cơm tiếp thì Kiên lại gửi tin nhắn tới tiếp:
– Mời khách mấy món này được không?
– Không biết!
– Quen thế mà nói không à?
– Thôi, không phiền Sếp ăn cơm với người ta nữa, tôi cũng đi ăn cho no bụng đây!
– Lại vẫn thích nói ngang ngược hả?
– Tại ai?
– Lần sau có muốn gợi ý cho tôi đi ăn với cái người ta gì đó nữa không?
– Không!
Cuối cùng thì cô cũng chịu nói ra tâm ý của mình rồi, tự nhiên anh cũng được dịp quay trở lại cái thời mới yêu đương nhắn tin giận hờn với người thương của mình.
– Vào ăn cơm đi không đói!
– Vâng. Anh cũng ăn đi!
– Ừ.
Không phải là Kiên quên đi người vợ quá cố của mình mà giờ này anh chấp nhận sự thật rằng vợ anh sẽ không bao giờ có thể quay trở lại nữa. Người m.ất cũng m.ất rồi, người ở lại vẫn cần phải sống tiếp, nếu ông trời lần nữa cho anh duyên số mới thì cũng nên cởi mở lòng mình để đón nhận nó một cách tự nhiên…
Buổi chiều Thùy Dung bận rộn cùng với mọi người dọn dẹp sân nhà và chuẩn bị đồ để lo cho việc ngày mai, mãi tới tối muộn cô mới rảnh tay nói chuyện với Bảo An được một lúc thì sau đấy lại bị hai chị họ kêu đi nặn viên mọc tiếp để mai nấu canh.
Mấy chị em làm tới gần mười giờ mới xong, thấy vẫn còn sớm, đoán chừng Kiên còn thức nên cô lấy máy nhắn qua cho anh:
– Anh ngủ chưa?
Tin vừa gửi đi mà Kiên đã phản hồi lại liền, cứ như anh đang cầm điện thoại chờ tin của cô vậy:
– Được nghỉ rồi à?
– Vâng.
– Mệt không?
– Thực ra không có nặng nhọc gì, chỉ là nhiều việc lặt vặt thôi. Mà bé An ngủ lâu chưa ạ?
– Con bé vừa mới ngủ.
– Hôm nay ngủ trễ hơn mọi ngày rồi!
– Mai Chủ Nhật được nghỉ học nên ngủ trễ chút cũng không sao.
– Ngày mai ba bố con anh có dự định gì không?
– Em nghĩ xem nên cho bọn trẻ đi đâu?
Mấy chỗ gần gần thì đi hết rồi, mà đi chơi xa chút thì mấy bố con lại không tiện, Thùy Dung vẫn còn chưa nghĩ ra chỗ nào hợp lý để đưa ra gợi ý cho mấy bố con Kiên đi chơi vào ngày nghỉ thì anh đã soạn tin nhắn gửi qua:
– Không tính mời tôi về thăm quê em một chuyến à?
Câu hỏi đột ngột này khiến Dung phải mất một lúc mới nhắn lại trả lời anh:
– Không phải đâu, mà là tôi sợ phiền đến anh thôi.
– Tôi không thấy phiền, cũng không sợ bị phiền mà chỉ cần một lời mời của em!
– …!!!
Thật sự là không tiện chút nào, xét về khía cạnh nào cũng không thấy tiện trong dịp này nên Thùy Dung chọn giữ im lặng, còn Kiên thấy cô không nhắn lại thì cũng để điện thoại sang một bên mà không tiếp tục nữa…