Chương 20: Xoan

Chết cha, lỡ lời

Cậu thầm nghĩ, lát sau lại lên tiếng thanh minh.

“Nào đâu, không phải! Cái đó, chỉ là tôi đùa cô thôi. Chọc cho Gấm chửi ấy mà!”

Tôi à lên một tiếng, gật gù như đã hiểu. Nhìn vẻ luống cuống của cậu khi giải thích, thật không khỏi thấy mắc cười mà. Chắc đây là sợ tôi giận tiếp chứ gì, bởi cậu biết tánh tôi, ghét nhất kẻ trăng hoa.

Nói đoạn, cậu chạy nhanh vào nhà trong sự ngỡ ngàng của tôi. Không biết cậu vào làm gì, nhưng phải một lúc sau tôi mới thấy bóng dáng cậu chạy ra.

“Xong rồi, đi thôi!”

“Đi? Đi đâu?”

Tôi ngờ vực hỏi.

“Đi chơi. Ban nãy tôi vừa vào biếu thầy cô ít bánh, cũng xin thầy cô cho chúng ta đi dạo rồi”

Mèn ơi, thì ra là vào xin hộ tôi. Cậu cũng thật là, thế mà không bảo tôi một tiếng.

“Nhưng… nếu như vậy, việc nhà của tôi”

“Không sao, cũng một chút à, lát tôi về làm phụ cô cho”



Cứ thế chúng tôi dạo quanh trên con đường làng, con đường quen thuộc đã đi hàng ngày, nhưng có lẽ riêng hôm nay lại khác đôi chút, hẳn là vì đi với cậu.

“Này, cô hàng nước mà cậu nói, bán ở đây sao?”

“Đúng rồi, bộ có gì hả?”

“Cũng không có gì, nhưng sao mỗi ngày tôi cũng hay đi mà có thấy đâu”

“À, thế thì cô không thấy cũng phải. Ban nãy định nói nhưng quên mất. Cô hàng nước tôi nói là em gái của thằng Phúc đấy”

Nghe xong tôi không khỏi ngạc nhiên. Trộm nghĩ rằng cậu Phúc có em gái, sao tôi không biết?

“Cô không nhớ à? Cái Xoan, em nó, khi còn khoảng tầm ba, bốn tuổi bị người ta bắt cóc, đến mãi khi được mười hai thì gia đình họ mới phát hiện rồi nhận về”

Cậu nói đến đây tôi cũng nhớ ra được phần nào. Em gái cậu Phúc, tên Xoan, năm em lên bốn trong một lần chơi ngoài vườn đã bị kẻ xấu bắt đi, khi ấy không hiểu sao người trong nhà đông như thế, hạ nhân nhiều không xuể lại không ai hay biết cái Xoan mất tích, đến chập tối khi ông bà Liên hỏi đến con, ai cũng đều lắc đầu, lúc đó họ mới cuốn cuồn lên cho người tìm kiếm thì mọi chuyện đã xong rồi.

Bà Liên, mẹ em khi ấy đau buồn tột độ, dán giấy khắp nơi tìm người nhưng đợi mãi chẳng có ai đến báo. Cứ thế ròng rã suốt tám năm trời cuối cùng họ cũng được đền đáp, khi tìm thấy Xoan ở ngôi chùa làng Hạ, làng Hạ cách làng Tre trăm mét, đó là lúc họ có dịp đi ngang.

Khi ấy tuy đã tìm thấy được nhưng dường như con bé muốn ở chùa thêm một thời gian nữa. Thế là từ dạo đó đến nay tôi cũng chẳng nghe thêm gì nữa, lâu quá cũng quên, giờ cậu nhắc lại mới chợt nhớ.

“Vậy thì đi mau thôi, tôi cũng muốn gặp em ấy”

Tôi háo hức muốn gặp em, tay tôi nắm lấy tay cậu, kéo cậu chạy về phía trước. Trên đường làng lúc này, gió thổi mang theo những tán lá đung đưa nhẹ, con đường nhỏ không có bóng dáng ai khác ngoài chúng tôi.



Muốn trò chuyện cùng em là thế, tuy nhiên dường như tôi đã chậm một bước rồi.

Trước mắt tôi là quán nước nhỏ, có cô chủ xinh xắn đang bận bịu châm trà, rót nước. Có các bác, các cô đang ngồi nhâm nhi trà bánh. Họ đa số là những người làm đồng, trưa nắng mệt mỏi, ghé vào quán nước nghỉ ngơi.

Miệng cười tươi, Xoan lúc thì đem bánh ra mời, lúc xởi lởi cùng chuyện trò với mấy cô bác. Trông em thân thiện, gần gũi với họ, thật chứ ai mà lại nghĩ đây là tiểu thư cành vàng lá ngọc, cao sang quyền quý được chứ!

Thấy tôi mãi nhìn em, lúc này cậu Hội mới lên tiếng.

“Quán nước này là của em ấy, dựng ra để ai đi đường xa, làm đồng có mệt mỏi thì ghé vào đây mà nghĩ. Trà châm, xơi bánh, hoàn toàn không lấy tiền. Xoan mở quán từ sáng sớm đến khi tối muộn mới trở về nhà, mà cô thấy rồi đó, ở đây cũng chỉ mình em ấy làm, không hề có ai phụ giúp”

Nghe cậu nói tôi lại càng thêm thán phục em. Là tiểu thư vốn được nên ăn sung mặc sướиɠ, có người hầu kẻ hạ, nhưng đó là ai chứ không phải em. Khi mà từ năm lên bốn đã bị bắt mất, mãi đến tám năm sau mới có thể trở về nhận thầy u, xa nhau nhiều năm lại không thể ngày ngày kề cận khi mà phần lớn thời gian em đều dành để giúp người.

“Sao phải như thế chứ?”

Tôi nhìn Xoan, hỏi trong vô thức. Câu hỏi của tôi không đầu không đuôi cũng không hướng đến ai phải trả lời. Nhưng dường như đã quá thân thuộc, bởi cậu không cần hỏi lại ý tôi mà đã nói.

“Bởi vì… trả nghiệp”

“Trả nghiệp?”

Tôi lặp lại lời cậu, khá ngạc nhiên khi nghe câu nói ấy.

“Đúng vậy. Vốn dĩ ban đầu Xoan cũng muốn bên gia đình của mình, dành nhiều thời gian cho họ hơn. Làm thỏa nỗi nhớ tám năm đằng đẵng của mình, nhưng cho đến khi Xoan nghe được dân làng nói gì về bà Liên về ông Trung, sau đó lại tận mắt kiểm chứng thì tình cảm, mong ước theo đó cũng không còn”

Cậu nói xong, thoáng tôi đã hiểu. Làng Tre này từ già đến trẻ ai mà không biết thầy u cậu Phúc, ông Trung bà Liên làm bao nhiêu chuyện ác, gây bao nhiêu thù cơ chứ? Nào là hà hϊếp, áp bức dân lành, riêng ông Trung không mấy lần giở trò đồϊ ҍạϊ với những cô gái khác. Khi ấy họ có cáo lên quan, nhưng đều thua kiện, chẳng những không đòi lại được công bằng mà còn bị phạt đánh, phạt tiền.

Họ dùng tiền bạc, quyền thế mua chuộc quan trên, gây ra bao nhiêu tội ác, người dân oán than không ngừng. Mà đó là với người ngoài, còn hạ nhân trong nhà, không biết một ngày bị ăn bao nhiêu trận đòn, bị bốc lột lao động, tiền công không bao nhiêu mà nợ thì vẫn ngày một tăng.

“Có lẽ vì nương nhờ cửa Phật từ sớm nên Xoan hiểu, nhận thức được việc làm sai trái của ông bà, em ra sức giúp đỡ bà con, thi thoảng lại lên chùa ăn chay niệm phật cầu phúc cho gia đình. Tuy không thể xóa hết những tội nghiệt ông bà gây ra, nhưng có lẽ cũng giảm bớt được phần nào nghiệp chướng”

Nghe xong, tôi chỉ biết thở dài, thương làm sao khi chính em phải trả nghiệp mà đó lại không phải do em gây ra. Suy cho cùng chuyện khi nhỏ bị bắt mất dường như cũng không hẳn là điều xấu, có lẽ ông trời đã cứu em thoát khỏi chính người sinh thành, khi mà bản thân họ đã không tốt thì sao lại có thể dạy dỗ ra đứa con ngoan được chứ. Em hiền lành như thế, thiện lương như thế, mong sao cả đời này được sống an yên.