Chương 16:

Tuy rằng là đệ tử quan môn của Mặc Quân, nhưng trên thực tế Kỳ Niệm Nhất chưa từng gặp qua hắn.

Thậm chí đến bức họa của sư tôn cũng chưa xem qua.

Bởi vì Mặc Quân đã bế quan hai mươi năm.

Mười bảy năm trước, đại sư huynh Ôn Hoài Du nhận được tin tức do Mặc Quân đang bế quan truyền đến, hắn thay sư tôn đi tới trước hoàng thành Dục Triều, thu nhận Kỳ Niệm Nhất vào môn hạ, trở thành đệ tử quan môn.

Hai mươi năm qua, Mặc Quân chưa bao giờ nhập thế, nếu không phải ngẫu nhiên nghe được một vài tin tức do Ôn Hoài Du truyền ra, thậm chí có không ít người suy đoán, liệu có phải trong trận chiến với Thâm Uyên hai mươi năm trước, Mặc Quân bị thương nặng không thể trị khỏi, đã vũ hóa rồi không?

Linh Hư Tử lắc đầu: “Nếu không phải như thế thì sao hôm nay đám người kia lại dám dồn ép Thương Hoàn, tuyên bố muốn nghiêm trị Niệm Nhất.”

Kỳ Niệm Nhất liếc mắt nhìn hàng chữ nhỏ trên đầu hắn, là màu đỏ. Thầm nghĩ, còn chẳng phải là bởi vì ngươi dung túng bọn họ sao?

Những năm qua, Kỳ Niệm Nhất đã có thể hoàn toàn khống chế được Thiên Nhãn của mình. Màu sắc của hàng chữ nhỏ trên đỉnh đầu mỗi người, đại biểu cho thái độ của đối phương với nàng.

Màu xanh lục là thân thiết, màu vàng là trung lập, màu đỏ là căm thù.

Còn màu cam ấm áp sáng ngời như của Ôn Hoài Du là màu sắc của người thân.

Vị chưởng môn sư thúc này của nàng, trước khi xảy ra chuyện kia thì chữ trên đỉnh đầu từ màu xanh lục chuyển sang vàng rồi lại đỏ, cuối cùng nhấp nháy không yên mới quay lại màu vàng. Cũng không biết nội tâm đã trải qua cảm xúc phức tạp như thế nào.

Chưởng môn sư thúc là một nam nhân không thể nhìn thấu.

“Thanh kiếm này lại là sư tôn ngươi tặng sao?” Linh Hư Tử không biết từ khi nào đã đi tới gần, muốn sờ bạch ngọc kiếm Đan Ca của Kỳ Niệm Nhất.

Không ngờ rằng Đan Ca lại chấn động, không phối hợp hất văng tay Linh Hư Tử ra xa.

“Chà, thanh kiếm này còn rất có linh tính.” Linh Hư Tử hiếu kỳ nói: “Không biết có khả năng tu ra được kiếm linh hay không?”

Kỳ Niệm Nhất cất Đan Ca vào hộp kiếm, nghiêm túc nói: “Sư thúc, kiếm của kiếm tu không thể tùy tiện chạm vào.”

Linh Hư Tử: “…”

Kỳ Niệm Nhất: “Cũng tựa như ngài không thể để người khác tùy tiện chạm vào đạo lữ của mình, đúng không?”

Linh Hư Tử ngoài cười nhưng trong không cười: “Sư thúc ngươi độc thân mấy trăm năm, không có đạo lữ.”

Kỳ Niệm Nhất mặt lộ vẻ đồng tình: “Thật đáng thương.”

Linh Hư Tử biểu tình bắt đầu vặn vẹo.

“Tất cả kiếm đều có linh hồn.” Mỗi một thanh kiếm của Kỳ Niệm Nhất đều có tính cách riêng.

“Chỉ là muốn tu ra được kiếm linh còn cần phải có thời gian cùng cơ duyên.”

Kiếm tu trong thiên hạ có hàng ngàn hàng vạn, nhưng không người nào gặp được một thanh bảo kiếm sở hữu kiếm linh.

Vị sư tôn đem Kỳ Niệm Nhất thu vào môn hạ, nhưng mười bảy năm lại chưa bao giờ lộ diện, đối với Kỳ Niệm Nhất mà nói, đây chẳng qua chỉ là một danh xưng hư ảo và mờ nhạt.

Mấy năm nay hắn chỉ làm hai việc.

Việc thứ nhất là sửa tên cho Kỳ Niệm Nhất. Tiểu Đế Cơ của Dục Triều trong tên từng chỉ có một chữ Niệm, sau khi gia nhập Thương Hoàn mới được Mặc Quân thêm vào một chữ “Nhất", thành cái tên Kỳ Niệm Nhất như hiện giờ.

Việc thứ hai là từ năm nàng mười hai tuổi, mỗi năm đều sẽ tặng cho nàng một thanh kiếm.

Mới đầu khi nhận được kiếm, Kỳ Niệm Nhất chỉ cảm thấy sư tôn tặng cho mình một thanh kiếm tốt, nhưng sau này nàng lại tìm thấy trên chuôi của mỗi thanh kiếm đều có một chữ “Dã" phiêu dật viết theo lối chữ cổ.

Đây là kí hiệu của đại sư đúc kiếm Vân Dã nổi danh hơn trăm năm trước lưu lại.

Mỗi một thanh kiếm do Vân Dã làm ra đều được ghi vào Bách Binh Phổ, không có thanh nào không phải là danh kiếm đương thời, hơn nữa còn vô cùng có linh tính.

Giang hồn đồn đãi, linh khí thiên địa không đủ để cung cấp linh tính cho các vật chết, cho nên kiếm không thể có kiếm linh.

Nhưng các thanh kiếm qua tay Vân Dã đều phá lệ có linh tính.

Tác giả có lời muốn nói:

Hệ thống sức mạnh:

Giai đoạn: Thiếu Niên Du, Tiểu Trọng Sơn, Kiến Long Môn, Thiên Thu Tuế

Thiếu Niên Du: Luyện Khí, Trúc Cơ

Tiểu Trọng Sơn: Kim Đan, Nguyên Anh

Kiến Long Môn: Hóa Thần (Xuất Sáo, Tàng Phong)

Thiên Thu Tuế: Thái Hư, Đại Thừa