Trên đường về, Chu Tiến lái con xe ba bánh với vẻ mặt vui vẻ không thể che giấu, thấp giọng ngâm nga một giai điệu không tên.
Cảm giác như được tắm trong gió xuân tháng Tư, cả người mềm mại thoải mái.
Chờ về đến nhà, sau khi dựng chắc xe ba bánh bên ngoài viện, vừa ngẩng đầu liền nhìn thấy một người đang ngồi trên thềm cửa.
Một ông lão có cơ thể gầy yếu, dưới ánh tà hoàng hôn càng làm nổi bật sự cô đơn, thăng trầm của cuộc đời. Trên ngón tay ông kẹp một điếu thuốc, khói mờ ảo mang theo ưu sầu.
Chu Tiến bình tĩnh nói: “Ông về rồi.”
Khoảng thời gian trước, một người bạn tốt của ông Chu qua đời, mà người ấy sống ngoài tỉnh, ngồi xe lửa mất hai ba ngày liền. Ông lão vội đi chịu tang, đến hôm nay mới về.
Ông Chu bị mù một bên mắt, con ngươi đυ.c ngầu cùng con ngươi còn nguyên vẹn cùng nhìn về phía Chu Tiến: “Ừ, tối nay ăn cơm với cải thìa xào được không?”
Chu Tiến lấy ớt phơi khô bên ngoài vào: “Được ạ.”
Sau đó không nói thêm gì nữa.
Đây là cách sống chung của hai ông cháu, bình đạm, trầm lắng. Tuy buồn tẻ như nước nhưng ẩn chứa sự ấm áp hoà thuận.
Sắc trời dần ngả tối, ông Chu nấu cơm còn Chu Tiến nhân lúc trời chưa tối hẳn bón phân cho luống rau trong vườn.
Từ khi còn rất nhỏ, cha mẹ Chu Tiến đã mất trong một trận động đất, anh lớn lên cùng ông.
Vì thời trẻ gặp chuyện nên ông bị mù một mắt, hơn nữa tuổi đã cao, không có sức lao động, rau trồng ra chỉ đủ khẩu phần hai người.
Có thể nuôi Chu Tiến cao lớn như vậy, còn học hết cấp ba đều dựa vào ông Chu không màng thể diện ra ngoài nhặt rác, bán đồng nát kiếm tiền nuôi anh.
Cũng vì chuyện này mà Chu Tiến bị bạn học, bị những đứa trẻ cùng tuổi cười nhạo, đặt cho những biệt danh như “thằng nhặt rác” hay “đồ rác rưởi”...
Nhưng Chu Tiến chưa bao giờ để tâm người khác nói gì, đó là tất cả những gì tốt nhất ông nội có thể dành cho anh.
Làm xong việc, trời đã tối đen.
Về đến nhà đúng lúc ông Chu đã nấu cơm xong, hai ông cháu ngồi trên bàn chuẩn bị ăn tối. Nhưng khi dọn cơm ra thì phát hiện gạo còn sống, vẫn chưa chín.
Ông Chu im lặng một hồi: “Có lẽ bếp củi bị gì rồi, mấy lần trước nấu cũng không chín cơm. Mai con xem có thời gian thì ngó kiểm tra bếp củi một chút.”
Chu Tiến bưng nồi cơm đi: “Vậy tối nay mình ăn mì nhé.”
Ông Chu gật đầu, hai ông cháu cùng vào bếp, một người rửa nồi một người nhóm lửa.
Chu Tiến nhân cơ hội này, nói: “Giờ trong nhà cũng có chút tiền hay là mình sửa sang lại nhà, đổi bếp củi thành bếp ga tiện hơn nhiều đấy ông.”
Mấy năm nay, Chu Tiến canh tác trên một mảnh đất lớn, rau củ trồng được đều bán sang nhà Từ Lập, cứ trồng rồi bán, kiếm được một số tiền kha khá.
Đáng lẽ cuộc sống của hai ông cháu phải tốt lên, ít nhất cũng sửa sang lại được phòng ốc.
Nhưng ông Chu không chịu, nói làm vậy phí tiền. Chu Tiến chiều theo ý ông, chỉ có thể cùng ông sống trong căn nhà đất cũ nát, xập xệ này.
Ông Chu làm nóng bếp, châm điếu thuốc: “Để làm gì chứ.”
Ông đã dùng bếp củi cả đời rồi, đổi sang kiểu khác sao mà quen được?
Ông sẽ không dùng bếp ga, nghe người ta nói thứ đó mà rò rỉ thì sẽ nổ chết người.
Chu Tiến chờ nước sôi: “Vậy lỡ sau này con kết hôn lập gia đình thì sao, nhà ta như vậy hai ông cháu mình đã quen, chỉ khổ vợ con.”
Anh nói thế chỉ vì muốn thay đổi suy nghĩ của ông mình.
Nhưng trong đầu chợt nghĩ đến cảnh thiên nga trắng kiêu ngạo như Thẩm Thư Lê cả ngày lúi cúi trong căn bếp ngập tràn mùi dầu khói, đối mặt với bếp củi phiền phức, khiến anh cảm thấy đau lòng không thôi.
Người ấy không thể sống một đời như thế.
Ông Chu đột nhiên im lặng, rít điếu thuốc, chầm chậm buồn bã nói: “Không phải cháu mua nông trường bên kia rồi sao? Nếu kết hôn thì cứ đưa vợ sang đó sống, ông già rồi không hợp đi theo mấy đứa.”
Chu Tiến không thích nghe những lời này, chậc một tiếng: “Có gì không hợp chứ?”
Ông Chu nói: “Làm con mất mặt.”
Nước sôi, Chu Tiến bỏ mì vào trong nồi: “Nếu người đó không thích ông thì con chẳng cần mối quan hệ đó.”
Ông Chu bẻ gãy một nhúm củi: “Nói bậy bạ.”
Trong gian phòng bao trùm trong sự im lặng, ông Chu đột nhiên than thở: “Cháu giờ đã lớn như vậy… chỉ còn tháng nữa lại đến ngày giỗ của cha mẹ cháu…”
Chu Tiến không nói tiếp, bởi vì mỗi khi ông nội nhắc đến cha mẹ đều lâm vào nỗi bi thương nặng nề. Anh không muốn nói chuyện về cha mẹ với ông cũng vì lý do này.
Chu Tiến cũng nghĩ nông trường bên kia làm thành phòng thành hôn khá ổn, chỉ cần sửa sang lại một chút là được.
Chu Tiến vẫn muốn kết hôn với Thẩm Thư Lê, đây là mục tiêu duy nhất trong suốt bảy, tám năm anh thức tỉnh.
Nếu không phải Thẩm Thư Lê, anh không thể tưởng tượng mình sẽ kết hôn cùng ai khác.
Hơn nữa anh cũng không yên tâm giao cậu cho ai khác, lỡ không may lại gặp một thằng như nguyên chủ thì chết….
Nghĩ thế, anh càng muốn cố gắng hơn.
Huống chi hiện giờ thái độ của Thẩm Thư Lê đối với anh đã êm dịu hơn nhiều, không phải không có chút hy vọng nào.
Đêm nay, Chu Tiến nằm trên giường, trong đầu đều là hình ảnh ngày mai gặp Thẩm Thư Lê.
Nhất định phải thức dậy trước khi trời sáng!
Khúc này cách vườn trái cây hơi xa, lái xe ba bánh phải mất nửa tiếng. Anh cần đến sớm, lựa chọn trái ngon quả ngọt.
Không thể hái quá nhiều, nếu không sẽ không có cớ gặp lại.
Hình như hoa hồng sau nông trường đã nở, rất xinh, có nên hái mấy nhánh không nhỉ?
Chu Tiến lật người, cảm thấy hay là quên đi.
Quan hệ của cả hai chưa thân thiết đến mức có thể tặng hoa cho nhau, quá lỗ mãng.
Cứ nghĩ mãi, không biết qua bao lâu Chu Tiến đã ngủ mất.
Ngày hôm sau, từ sáng sớm anh đã đến vườn trái cây.
Anh chọn những quả cam tốt nhất, thấy bưởi xanh cũng không tồi nhưng chọn đến chọn lui không chọn được quả nào chín.
Mùa này còn hơi sớm với bưởi.
Thấy mặt trời dần lên cao, đã 9 giờ sáng, chỉ còn một tiếng nữa đến thời gian hẹn của họ, Chu Tiến vội đến nông trường thay quần áo, đang định ra khỏi cửa thì đột nhiên nhận được một cuộc gọi.
Phía đối phương truyền đến âm thanh khóc sướt mướt ầm ĩ.
Chu Tiến nghe xong mọi chuyện, sắc mặt trở nên ngưng trọng, nói lời trấn an: “Anh đến ngay đây, em kéo dài thời gian một chút.”
Ra đến cổng, anh nhanh chóng nhờ chú Trịnh trông coi nông trường, rồi gửi tin nhắn xin lỗi đến Thẩm Thư Lê.