Năm thứ mười sau khi Tống Ngôn chết, còn rất ít người nhắc tới cái tên này.
Thế giới phát triển nhanh chóng, khuôn mẫu thi đại học được cải cách hai lần, xu hướng thời thượng thay đổi liên tục, vị trà sữa trước kia cô thích nhất đều thành lịch sử.
Tất cả mọi người đều tiến lên trước theo dòng thời gian, người ở lại thời xưa cũ sẽ trở thành hạt bụi, trở thành thứ bị nghiền nát.
Những lần sinh ly tử biệt mà ngỡ như long trời lở đất đặt vào trong dòng sông lịch sử, không, đặt trong dòng đời giới hạn tám mươi tuổi, đều là thứ nhỏ bé không đáng kể.
Bà Trần và ông Tống dọn vào nhà mới, bây giờ giá nhà đất tăng vọt, họ bán nhà cũ đi mua một căn hai phòng ngủ một phòng khách, hoàn toàn không còn phòng của Tống Ngôn nữa.
Phòng ngủ chính để dành cho con gái nhỏ, cô bé đang chuẩn bị thi lên cấp ba, cần có hoàn cảnh đãi ngộ tốt nhất, cô bé thông minh và chăm chỉ, rất bình tĩnh, khiến người ta bớt lo hơn Tống Ngôn nhiều.
Chồng của Khúc Tư Nguyệt làm ăn khấm khá, cô ấy trở thành một bà chủ toàn thời gian, ngày nào cũng đi dạo phố mua sắm, du lịch với các bà chủ khác, cuộc sống rất náo nhiệt.
Năm thứ mười ba sau khi Tống Ngôn chết, Hứa Kính Vũ rời khỏi công ty gây dựng sự nghiệp riêng, hướng phát triển vẫn theo trí tuệ nhân tạo, nắm bắt được hai xu hướng của thời đại, giá trị bản thân hiện tại đã tăng lên gấp bội.
Cùng năm đó, vợ anh sinh một cô con gái.
Người ta đều nói vợ chồng sếp Hứa tôn trọng lẫn nhau, còn là người chiều con gái.
Quả thực, Hứa Kính Vũ gần như không cãi nhau với vợ, vợ giận thì anh làm người kèo dưới xin lỗi; ít khi đi xã giao, vừa tan làm là về nhà với vợ con; thỉnh thoảng đi công tác cũng sẽ báo cáo về nhà đúng hạn.
Con gái Hứa Kính Vũ tên là Thôi Tĩnh Uyên, tên ở nhà là Mãn Mãn.
Mãn Mãn theo họ mẹ, không dùng tên con gái để nhớ bạn gái đã qua đời như truyện ngôn tình gì đó đâu, Mãn Mãn rất giống mẹ, tính cách yên tĩnh ngoan ngoãn, hoàn toàn trái ngược với Tống Ngôn.
Thứ duy nhất có liên quan tới Tống Ngôn là vào ngày lễ tết về quê, anh sẽ tiện đường đi thăm bố mẹ Tống Ngôn.
Bọn họ gặp mặt rất ít khi nhắc tới Tống Ngôn.
Dù sao cũng là chuyện cũ gần hai mươi năm trước rồi, chẳng có gì để nói.
Mãn Mãn giành được giải nhất trong cuộc thi ở trường mẫu giáo, dựa theo cam kết thì phải mua cho cô bé một con cún làm phần thưởng.
Cuối tuần bọn họ đến cửa hàng thú cưng, lúc vô số sinh mệnh nhỏ đáng yêu vẫy đuôi với họ, vợ anh thích một con phốc sóc nhỏ.
Tính con phốc sóc đó rất ngoan, trông cũng đẹp, rất hợp làm chó bầu bạn.
Nhưng gia đình có con nhỏ nuôi chó thì không tốt với chó.
Mãn Mãn chơi với phốc sóc vui quên cả trời đất, nửa đêm rồi còn chưa đi ngủ.
Hứa Kính Vũ không muốn vợ tức giận đành phải tự đi dỗ cô bé ngủ, chờ cô bé ngủ rồi anh mới thành công cứu phốc sóc khỏi tay cô bé.
Anh bế Mãn Mãn về phòng ngủ, kéo kín chăn cho cô bé, lúc đi ra thấy con phốc sóc nhỏ kia cứ xoay quanh chân anh, đuôi lông xù vẫy thật mạnh.
Trong giây phút ấy, dường như Hứa Kính Vũ nhớ lại gì đó.
Hai mươi năm trước, có lẽ vào lúc đó, khi ấy anh còn trẻ, ngồi học với mối tình đầu ở thư viện, mối tình đầu không thích học toán, dựa vào bả vai anh làm nũng nói cún con gì đó, vẫy đuôi gì đó.
... Hình như là vậy.
Lâu quá rồi, anh không biết có chuyện này thật hay ký ức có nhầm lẫn.
Khi đó còn trẻ, thích mơ mộng, nói mấy tưởng tượng hoa mỹ.
Hứa Kính Vũ chậm rãi ngồi xổm xuống, vuốt ve đầu phốc sóc, thoắt cái, viền mắt ướt nhòe.
Anh nhẹ nhàng mở miệng, dò hỏi: "Tống Ngôn, là em sao?"
~ Hết ~
Lời tác giả:
Lúc viết được một nửa tôi hơi do dự, rốt cuộc nên viết đoạn kết thế nào, dựa theo thiết lập của truyện, "ma dựa vào nhớ nhung ở nơi trần thế để tồn tại, người còn sống nhớ càng lâu thì ma tồn tại càng lâu, nếu như người cuối cùng nhớ ma ở nơi trần thế qua đời thì người đó cũng sẽ biến thành ma, vật thì hai ma sẽ không gặp được nhau", tôi nghĩ, chi bằng viết nam chính ở mười năm sau tự tử vì tình cho rồi, như thế tình cảm sẽ càng sâu sắc hơn, được đại chúng yêu thích, cũng dễ tuyên truyền quảng cáo hơn, theo góc độ sáng tác vì mục đích thương mại thì giá trị của nó cũng lớn hơn.
Nhưng tôi so dự rất lâu vẫn lựa chọn kết thúc này, mặc dù nó tàn nhẫn hơn nhưng phù hợp với quan điểm tôi muốn biểu đạt hơn. "Con người thực sự chết khi bị lãng quên", mà người sống cần tự cứu rỗi chính mình, tìm kiếm giải thoát.
Bởi vậy, cuối cùng bà Trần, ông Tống đã làm được, Khúc Tư Nguyệt đã làm được, Hứa Kính Vũ cũng làm được rồi.
Câu chuyện này là câu trả lời của tôi cho quan niệm về sự sống và cái chết, còn rất nhiều điều muốn nói, nhưng muộn quá rồi, có cơ hội thì nói sau nhé, chúc tất cả các bạn đọc quyển sách này có cuộc sống vui vẻ.