Y đã ngốc ở Bắc Nhung gần hai tháng rồi, tất cả chuẩn bị cho việc chạy trốn đã xong, chỉ còn đợi đúng thời cơ.
Cận Nguyệt cụp mắt, thấy Hạ Lan Phong đang ngẩng đầu nhìn mình.
“Đây là “Lương” của Lương Kinh sao?” Hạ Lan Phong chỉ vào một câu thơ trên giấy rồi hỏi.
“Yến kêu líu ríu xà nhà
Làm kinh cả giấc mộng hoa mơ màng.”*
(*)Hai câu đầu bài thơ “Đề Bình” của Lưu Quý Tôn. Hán việt: “Ni nôm yến tử ngữ lương gian, Để sự lai kinh mộng lý nhàn.” Trong câu thơ có chữ “lương”(梁).
Lời nói này làm dâng lên nỗi nhớ quê hương đã áp xuống hồi lâu trong lòng Cận Nguyệt. Y vỗ Hạ Lan Phong, viết xuống chữ “Lương”, thấp giọng nói: “Đúng, là “Lương” của Lương Kinh.”
Sự kích động khiến ngón tay y run rẩy, trong đôi mắt đen như mực tràn ra ánh nước. Màn nước mỏng manh che trên con ngươi, sóng sánh theo từng cái rung mi của Cận Nguyệt. Cận Nguyệt chớp chớp mắt, thu lại tình cảm vào trong đáy lòng.
“Ta chưa đến Lương Kinh bao giờ.” Hạ Lan Phong nói, “Nơi đó trông như thế nào?”
Trên mảnh đất kéo dài mười triệu dặm, con sông dài nhất mênh mông nhất là Liệt Tinh Giang.
Liệt Tinh Giang dài hơn vạn dặm, chảy từ hướng tây về phía đông, chảy qua vô số dãy núi liên miên, đến thành Dương Hà thì phân ra một nhánh, gọi là Thẩm Thủy.
Thẩm Thủy chảy từ tây bắc đến đông nam, chảy qua Lương Kinh, toà thành phồn hoa nhất của Đại Vũ.
Vì được xây dựng dựa vào Thẩm Thủy, toàn thành Lương Kinh có hình dạng như một con thoi khổng lồ, hai đầu hẹp dài, trung tâm rộng rãi, đường ngõ hẻm phân bố dày đặc.
Nơi đó có khí hậu ôn hoà, bốn mùa rõ ràng, khắp thành phồn hoa, tiếng nước róc rách. Cận phủ ở Thanh Tô Lý, phụ cận có một khe lạch tách ra từ Thẩm Thủy, gọi là Yến Tử Khê.
Hai bên Yến Tử trồng vô số hoa hải đường, ngày xuân gió nhẹ thổi qua, hương hoa thoang thoảng, dưới mái hiên của mỗi hộ gia đình bên bờ suối đều lợp tổ yến.
Chim yến xuân về thu đi, vô cùng náo nhiệt. Ngày tết ngày lễ, trên khe lạch đầy những chiếc thuyền đủ màu sắc, biểu diễn đủ các tiết mục như “Rối nước” “Vòng quay nước”, mọi người đứng xem bên bờ khen không ngớt miệng, tiền bạc châu ngọc ném vào trong thuyền như mưa rơi.
Dòng Yến Tử cũng chảy vào hoàng thành.
Hoàng thành ẩn sâu trong nội thành Lương Kinh, có tám cổng lớn thông ra ngoài phố. Cận Nguyệt quen thuộc nhất là cổng Chu Tước và cổng Giáng Hổ.
Gần cổng Giáng Hổ có Phan lâu rất nổi danh ở Lương Kinh, muốn đến nói chuyện phiếm hay muốn nghe khúc, nơi đây là lựa chọn tốt nhất. Xung quanh Phan lâu là các cửa hàng san sát, thường có cung nữ đến dùng trà vào buổi tối.
Chợ đêm bán các loại đồ ăn đến canh ba mới vãn, đến canh năm lại mở cửa, cực kỳ náo nhiệt.
Tỷ tỷ và tỷ phu của Cận Nguyệt hay lén lút dẫn y đến chợ đêm chơi đùa, mùa hè thì ăn mì sợi nguội, nước vải mát lạnh, nước đậu kèm đá, mùa đông thì ăn thịt dê, mì vằn thắn với bánh hồ, riêng anh rể còn phải mua thêm một bình rượu mơ nữa.
Cận Nguyệt nói rất say sưa, Nguyễn Bất Kỳ cũng ôm Trác Trác ghé sát lại cùng nghe.
Hạ Lan Phong ngơ ngác nhìn Cận Nguyệt. Từ khi vị chất tử Đại Vũ này đến Bắc Nhung, hắn chưa từng thấy vẻ thơ ngây như vậy xuất hiện trên mặt Cận Nguyệt, trông y rất vui vẻ và biểu tình cũng phong phú.
Thiếu niên trước mắt không còn là chất tử yếu ớt với đôi mắt đỏ ngầu, dù bị thương vẫn miễn cưỡng đứng thẳng trên cánh đồng tuyết ngày đó nữa, Hạ Lan Phong không nhịn được cười rộ lên theo từng lời kể của y.
Cận Nguyệt nói về những đồ hắn chưa từng thấy, thậm chí còn chưa nghĩ đến bao giờ, vào lúc này, trong lòng hắn đột nhiên sinh ra ước mơ được đến Lương Kinh một lần.
Cận Nguyệt thoáng nhìn thần sắc của Hạ Lan Phong, bỗng có chút ngượng ngùng, nhanh chóng đứng thẳng người lại: “Học xong hai câu này rồi chứ?”
Hạ Lan Phong lại hỏi: “Cổng Giáng Hổ ở chỗ nào?”