Tết chẳng những được nghỉ học, được ăn ngon, được chơi bời thỏa thích, Tết còn là lúc người lớn quanh năm ki kiệt và cau có bỗng chốc trở nên hào phóng, phát vốn cho những đứa trẻ với hi vọng năm sau làm ăn tốt hơn năm trước. Những đứa trẻ quanh năm được cho tiền ăn quà, tiêu tiền quen rồi, mong có thật nhiều tiền để... ăn quà tiếp. Còn những đứa quanh năm chả biết một đồng xu sứt lại càng mong được phát vốn, vì đó sẽ là “tài sản” riêng, mặc sức tiêu pha theo ý thích của mình.
Nửa chiều mồng một Tết, cái Huyền đã chạy sang nhà tôi, giở cả cuộn tiền ra khoe. “Riêng ông tao đã 5 nghìn, riêng bà tao đã 5 nghìn, bác Hạnh 3 nghìn, cô Yến 1 nghìn...”, nó vừa kể vừa đếm, tôi hoa cả mắt. Hai đứa chạy sang nhà cái Loan, thập thập thò thò ngoài cổng, mãi thấy nó vẩn vơ ở ngoài mới dám gọi khe khẽ. Rút kinh nghiệm từ những năm ngoái. Nhà cái Huyền làm ăn buôn bán, nhà cái Loan thì ông nó làm ở Ủy ban nhân dân thị trấn, trẻ con, nhất là trẻ con gái cấm cửa hết ngày mồng một Tết. Năm ngoái tôi lò dò sang nhà cái Huyền sớm, bị mắng té tát làm suốt một năm tôi không dám héo lánh đến nữa. Cái Loan kéo chúng tôi nấp vào một góc bờ tường, cũng giở tiền ra đếm. “Riêng bố tao 20 nghìn, mẹ tao thì không mừng vì bảo đã mua áo rồi. Bác Khảm làm cùng ông tao mừng 50 nghìn. Chị Mai mới xin vào làm chỗ ông tao mừng hẳn 100 nghìn, toàn tiền mới cứng nhé. Đây là...”, cái Loan vừa xỉa những tờ 5 nghìn, 2 nghìn mới cứng ra vừa kể. Mẹ nó may hẳn cho nó một chiếc túi màu mỡ gà để đựng tiền phát vốn. “Túi này là vừa mới được. Còn sáng nay thì chật một túi, tao đưa mẹ tao cất hộ rồi”. Cả tôi và cái Huyền đều bất giác nuốt nước bọt đánh ực. Chúng tôi rủ nó lên đồi hái cỏ may đầu năm cho cả năm may mắn nhưng nó lắc đầu. Nó lụt cụt chạy vào. Cái Huyền cũng sực tỉnh “Tao cũng phải về nhà đây”. “Thế thì tao cũng về nhà... chờ tiền phát vốn”, tôi vội trả lời.
Tôi chờ thật. Nhưng hết cả ngày hôm ấy sâu trong túi tôi vẫn chỉ có tờ 200 đồng mẹ phát vốn cho lúc giao thừa. Sao bố mẹ không buôn bán hoặc làm ở ủy ban đi nhỉ, tôi ao ước. Đằng này, mẹ chỉ là bà kĩ sư quèn, suốt ngày sửa chữa máy móc, dầu mỡ bám bẩn quần áo, quanh năm chẳng đến nhà ai, cầu cạnh xin xỏ ai, cũng chẳng ai đến nhà. Còn bố, giáo viên một trường dạy nghề, học sinh nghèo rớt mùng tơi, Tết đến là về quê, có ai đến nhà thầy. Tôi đành chờ họ hàng vậy. Nhưng khổ nỗi, họ hàng nhà tôi cũng toàn người nghèo. Hoặc giả, có người giàu có hơn thì cũng chỉ ghé qua nhà tôi cho xong lệ.
Chiều mồng hai, ông bác họ xa của tôi phi xe máy đến. Lần đầu tiên tôi được ngắm xe máy, được sờ vào tận tay chiếc xe “Đờ-rim màu mận chín” như cách mọi người vẫn nói, được ngửi mùi xăng, được ngửi cả mùi nước hoa thơm thơm tỏa ra từ người bác. “Năm sau chú cố lo cho thằng con người bạn của anh vào học nghề nhé. Chả nhỡ nó không đỗ đại học, chả nhỡ...”. “Để em xem học lực cháu thế nào đã chứ”, bố trả lời. Ông bác khẽ cau mặt. Rồi vớ lấy tôi đang lang thang gần đấy, bác rút trong túi ra một xấp tiền, lấy một tờ 5000 đưa tôi. Bố trừng mắt nạt, không cho tôi lấy, nhưng bác thì cứ cố dúi, còn tôi thì cũng chùn người để tờ tiền lọt thêm xuống túi. Khỏi nói tôi mừng thế nào. Bác về rồi, tôi lại mong bác... quay lại lần nữa. Suốt cả ngày, tôi mang tờ tiền ra ngắm đi ngắm lại, cất sâu vào mấy lần túi áo, lại còn gài cả kim băng lên.
Tết xưa kéo dài hơn Tết nay. Người ta đi chúc Tết nhau nhiều hơn, chuyện trò với nhau cũng nhiều hơn, thành thử, mỗi sáng sớm đến là mang theo một ngày mới với nhiều hi vọng khách đến nhà sẽ xông xênh hơn. Nhưng số tiền phát vốn vẫn chỉ nhích lên từng tí một, có khi còn chững lại khiến tôi phát sốt ruột. Hết mồng năm Tết, không còn ai đi thăm viếng nữa, tôi đã biết rõ số tiền phát vốn mà mình có được, nó là 9 nghìn 2 trăm đồng, nhưng tôi vẫn đếm đi đếm lại. Đó là tất cả số tiền tôi gom góp được, từ 1 trăm, 2 trăm. To nhất vẫn là tờ tiền 5 nghìn của ông bác kia. Tôi đã tính sẵn, ngần này tiền mỗi ngày sẽ ăn quà 1 trăm thôi. Mua ô mai hoặc bỏng ngô, chia cho cái Loan, cái Huyền để trả nợ những ngày ăn chạc. Mải đi, mải nghĩ, tôi rơi tõm xuống vũng nước, bùn bắn lên đến tận đầu.
Ôi thôi, mai phải đi học rồi. Quần áo mặc mấy ngày Tết mưa phùn gió bấc chưa khô. Tôi chẳng còn quần áo nữa, dù là quần ngắn lò xo, co đến quá nửa bắp chân. Chẳng nhẽ mặc quần lửng đi học giữa trời rét buốt, giữa năm mới đứa nào cũng quần mới áo mới tưng bừng? Tôi liều chạy ra chợ. Chợ đầu năm lác đác bóng người. Những hàng quần áo uể oải bầy chút đỉnh gọi là mở hàng lấy ngày. Tôi liều hỏi một bà: “Bà có bán quần cháu mặc vừa không”? Bà chui từ trong cửa hàng ra, gườm gườm nhìn tôi, rồi lại chui vào, lục đυ.c bới bới tìm tìm trong đống nilông sột soạt. Rồi bà quẳng ra một chiếc màu xanh chéo. “9 nghìn. Nhờ vía mày đấy”. Tôi mừng suýt rụng tim. Vừa đủ số tiền tôi có, vẫn còn dư 2 trăm để ăn bánh rán. Tôi ôm chiếc quần chạy về. Sáng hôm sau, tôi vừa mặc vừa run. “Con mua bằng tiền mừng tuổi đấy”, mãi sau khi mẹ tôi biết, tra hỏi, tôi mới dám nói. Chỉ thấy mẹ quay đi, vai run run. Tôi đã mặc chiếc quần ấy cho đến khi nó rạn hết chỉ, co lên đến gần đầu gối.
_