- 🏠 Home
- Việt Nam
- Mùa Trôi Trên Quang Gánh
- Chương 18: Những mùa đông đi qua
Mùa Trôi Trên Quang Gánh
Chương 18: Những mùa đông đi qua
Từ cuối tháng mười, khi cái nắng hanh hao không còn gắt chói nữa, bầu trời trở nên mơ màng trong màn sương nhè nhẹ, mẹ đã hò chúng tôi mang hết đống chăn được chằng buộc kĩ càng bằng nilông trong ngăn tủ hoặc gác xép ra giặt, chăng dây ngang dây dọc ra khắp sân. Rồi những áo len, khăn nỉ, áo khoác dày sụ, tất chân, găng tay... những thứ im lìm an phận suốt mùa hè nóng nực giờ lập lòe, sặc sỡ như đàn bươm bướm tràn ngập biến căn nhà thành một xưởng giặt là cỡ kha khá. Nắng và tiết trời khô hanh nhanh chóng làm khô cong những thứ trang bị cho mùa đông ấy, bầu trời vẫn xa xăm như một quá vãng. Chăn bông được l*иg vỏ, nằm ngay ngắn trên giường, quần áo được treo lên mắc, thay thế dần những bộ ngủ hoa, áo cánh mỏng, áo chống nắng... Tất cả chỉ làm căn nhà thơm phức mùi nắng và một thứ mùi ấm cúng quen thuộc. Sẵn sàng cho một mùa đông rét mướt và lạnh lẽo, ẩm ướt và ảm đạm. Và rồi cả nhà lại hỏi nhau: Sao năm nay rét muộn thế nhỉ, chưa thấy trận gió mùa báo rét nào? Mọi năm giờ này đã co ro rồi, sáng sớm đi làm phải trùm khăn kín mặt mà gió vẫn hun hút...
Gió mùa vẫn chưa về. Hôm nào cũng ngong ngóng nghe dự báo thời tiết. 22-30 độ, khô cong cong, da dẻ tếch toác trên môi, trên mặt, mốc thếch trên chân tay, cả tiếng lá rơi xào xạc ngoài vườn đêm đêm cũng nghe giòn tan. Mẹ lo đống củi có đủ đun đến Tết, những cái gốc cây khô toác trong góc vườn được gom lại để chờ nấu bánh chưng, bố lo chuồng gà có bị gió bấc lùa. Mấy chị em gái bàn nhau xem năm nay mốt giầy gì, áo khoác gì và hăm hở rủ nhau từng chiều dạo vòng quanh chợ, tối về líu ríu thay nhau ướm thử. Chỉ có ông anh trai là bình chân như vại, khẽ rụt cổ vào khi có người nhắc, mùa đông này đã hai mươi mấy rồi, cứ lo đàn đúm mấy anh con trai với nhau rồi tối về ôm chăn ngủ không... Cứ thế, cả nhà đợi rét về như đợi tin một người bạn thân thiết với cả gia đình báo sắp về thăm. Mà đường xa, cái rét như người lỡ tàu lỡ xe, hay mải rong chơi la cà ở đâu vẫn chưa thấy vân mòng.
Da trời trở nên mai mái, mây xám kéo về nhiều hơn, chân núi xa không xanh thẳm nữa mà trầm mặc, ưu tư như một người đứng tuổi ngẫm nghĩ sự đời. Cây trong vườn cũng lặng lẽ với cả những trận gió nhỏ xao xác. Những con chim cuối cùng đi tránh rét mải miết bay lầm lũi trên bầu trời cũng đã thưa dần. Sáng chủ nhật, bố nghe dự báo thời tiết sớm tuyên bố: Ngày mai gió mùa rồi! Cả nhà như có hội. Tổng kiểm tra lần cuối cùng, sắp xếp sẵn những thứ cho đợt rét mong đợi đã bao lâu, dù biết là trời chỉ báo vậy thôi, không thể rét cắt da cắt thịt sau ngay trận gió đầu tiên. Mái chuồng gà được lợp lại, những tấm phên che chắn được chằng buộc kĩ càng hơn, đống củi to được che đậy cẩn thận, một số được vác sẵn vào bếp. Mái nhà, nóc bếp được làm sạch đến từng khe nhỏ, phòng mưa dầm ngấm dột.
Và cuối cùng là lá, lá từ mọi ngóc ngách trong vườn được dồn lại, lá rụng suốt một mùa thu đang đỏ ối, vàng rộm hoặc nâu nâu, hoặc mùn ải chất thành các đống lớn. Con chó quăn đuôi vờn đuổi con mèo khoang làm tung tóe những đám lá đã được gom khiến chị hai bực mình phất nhẹ cho mỗi đứa một nhát chổi cọ to phà phà. Chúng nhũng nhẵng bám lấy chị, vẫy đuôi, meo meo như là biết lỗi rồi lại lon ton, tung tăng chạy nhảy, nấp, đuổi khắp vườn. Những chiếc lá còn tươi, chị ba và tôi xách rổ nhặt hết rồi đổ vào góc bếp, nhờ hơi nóng chúng sẽ khô dần làm mồi nhóm sau này. Phần khô ròn thì đem làm chất đun nấu một nồi nước to bắc trên mấy hòn gạch ngay giữa vườn, tiếng lá nổ tí tách bắn ra những ngôi sao nhỏ xíu, mùi lá thơm hăng sộc vào mũi cay cay. Cả nhà thay phiên nhau, nồi nước hết vơi lại đầy, hơi phì phì trên nắp vung nóng rẫy, tắm trước khi gió mùa đông bắc tràn về đã trở thành một thủ tục, một nghi lễ đối với cả gia đình tôi, không thể thiếu như tắm tất niên vậy. Cho dù ngày mai mưa có tê tái, gió có ầm ào thì cũng vẫn tắm chứ chẳng thể lấy cớ rằng đã tắm hôm qua để mà thôi được nhưng ai nấy đều háo hức, đều chăm chút thật sạch sẽ hơn thường ngày. Tắm trong cái nắng tươi trong dịu dàng của mùa đông và không khí rộn ràng chờ đợi một sự mới mẻ, quả là một niềm vui nho nhỏ mà kì diệu.
Khi bố đã bắc ghế ngồi trước sân, mẹ lo bữa cơm tối, và mấy chị em gái xõa tóc thơ thẩn quanh nhà thì anh trai mang bật lửa đi châm từng đống lá khô mục. Bóng tối sập xuống nhanh, lửa bốc lên phừng phừng hoặc le lói, hoặc ngun ngún tùy theo hứng thú của những cơn gió đi dạo báo tin trước. Khói lênh loang khắp vườn, tràn vào cả căn nhà bên mâm cơm đầm ấm. Con chó quăn đuôi cùng con mèo khoang cũng đã trở về bên bàn ăn, hếch mõm lên và chí chóe tranh giành nhau kịch liệt những miếng tôi len lén ném xuống cho chúng.
Gió mùa kèm mưa khiến tôi bị “cước”, ngứa nhon nhon, gãi đỏ ửng khắp hai chân. Sà vào bên bếp củi ấm sực, thấy mẹ đang đun nồi cá kho thịt, cà chua thơm lừng, món ăn gần như khai tiệc cho cả mùa rét. Thêm một đĩa bắp cải luộc, một nồi cơm bốc khói nghi ngút, cái rét đã ở đâu ngoài khung cửa sổ. Rồi những đêm châu đầu bên chiếc bếp dầu, chờ chảo ngô rang nổ đì đυ.p, chờ mẻ kẹo lạc ngọt bùi khé cổ nghe mẹ kể chuyện ngày xưa chiến tranh, trường Bách khoa sơ tán lên tận Lạng Sơn, nơi rét buốt thấu xương, để cốc nước sáng dậy đánh răng thì nước đã đóng băng. Ngược về cái thời bà ngoại đêm đêm bó vải mưa, áo tơi dậy đi kéo vó để nuôi mẹ và các dì ăn học, thời ông ngoại đạp xe suốt đêm từ đơn vị công tác về trường mẹ học để mang về cho mẹ thùng lương khô và cái bút bi. Rồi lại đến đận mẹ đẻ anh cả, năm ấy rét đến nỗi phải đốt lửa suốt đêm ngày trong nhà khiến mắt anh gỉ nhèm... Cứ thế, những mùa đông thơ ấu trôi qua êm đềm và lặng lẽ. Sau này, khi xa nhà, tôi nhớ nhất và mong đợi nhất hình ảnh mảnh sân nhà tràn ngập nắng mùa đông trong xanh như màu trăng non, dưới bóng cây hồng ngâm, mẹ ngồi chẻ mía hay tước những ngồng cải lốm đốm hoa vàng, mái tóc mỗi năm một bạc trắng. Cho đến khi mẹ ra đi vĩnh viễn thì hình ảnh ấy mãi mãi đọng lại trong tâm trí tôi, và cồn cào miên man mỗi độ đông về.
Đầu tháng mười một năm nay, ngóng mãi vẫn chưa thấy trận gió mùa nào. Núi vẫn xa và xanh thăm thẳm, bầu trời không một gợn mây, hun hút tầm nhìn nếu thỉnh thoảng không có một vài cánh cò trễ nải bay nhịp nhịp trong hoàng hôn sương mờ lênh loang. Trăng bất ngờ sáng lấp lóa sau vòm lá, đúng rằm, trăng cứ đủng đỉnh chờ người mà vượt lên ngọn cây rồi một mình giữa thinh không như hút cả tâm vũ trụ về mình. Sương vẫn rơi lộp độp trên lá nhưng không thể làm mờ lấp nổi trăng. Nhưng ban đêm, khi giật mình thức dậy, lang thang ra ngoài vườn mới gặp lại một vầng trăng tri âm của tuổi thơ. Trăng sáng trắng trên mảnh sân con con rập rờn bóng cây hồng ngâm cằn cỗi, quả để chín đỏ chỉ đủ làm nơi hội họp của những con chào mào lẻo mép. Trăng dòi dõi khắp khu vườn giờ đây đã thưa thớt cây cối kể từ ngày mẹ mất, bố lặng lẽ một mình, anh chị em mỗi đứa một nơi không có người chăm sóc. Trăng vòi vọi dưới đáy giếng sóng sánh. Trăng mơn man lạnh tê tê trên da thịt. Mùa đông này cô đơn quá! Cảnh vật đã khác nhiều nói chi đến cuộc đời con người biến đổi không ngừng. Giờ tôi mới hiểu tại sao mẹ mong chờ mùa đông đến vậy, và nhất thiết phải phơi phóng, phải tắm giặt kĩ càng để đợi gió mùa. Với mỗi gia đình, hạnh phúc là khi cả nhà được cùng nhau làm những việc nhỏ nhặt nhất, và một sự mong chờ nho nhỏ cũng thêm niềm vui mới, thay đổi không khí để tạo thêm sự gắn bó. Và đằm sâu nhất trong tâm hồn mỗi người cũng là những kỉ niệm khó phai mờ ấy.
Sáng sớm mai, tôi nhặt vội mấy chiếc lá vàng vừa kịp rụng, sương còn mướt mát trên mặt lá rồi nhảy lên chuyến xe về thành phố với mùa đông sắp đến, mùa đông với bình nóng lạnh, với hiệu giặt, với khói bụi, với những bữa cơm một mình ăn vội, và tất nhiên, cả với những hoài niệm về những mùa đông đã trôi qua ở quê nhà đầm ấm, thanh bình.
_
- 🏠 Home
- Việt Nam
- Mùa Trôi Trên Quang Gánh
- Chương 18: Những mùa đông đi qua