“Không! Anh Khương! Anh cứ mặc em! Anh đi đi!”
“Mình nói vớ vẩn gì đó?” Mặc là mặc thế nào?
“Là chúng em cam tâm tình nguyện chịu phạt. Chuyện này không liên quan gì đến người ngoài cuộc như anh!”
Người ngoài cuộc sao?
Trên giấy tờ, chúng ta vẫn còn là vợ chồng hợp pháp đấy nhé!
Nên ông bỏ ngoài tai tất cả những lời khước từ tấm chân tình của vợ. Ông vẫn làm theo ý mình. Ông kéo chiếc ghế đá trước hiên nhà ra cạnh vợ rồi đứng lên. Một tay mạnh mẽ ôm vợ, tay còn lại với cắt sợi dây.
Cảnh cứu người khi trời vừa rạng sáng kia bị ông cụ Phan bắt gặp.
Ông quát to: “Khương, ai cho anh xía vào chuyện nhà họ Phan?”
“…” Người làm chồng không màn lời của trưởng bối. Ông làm việc mình cần làm.
“Tôi nói anh điếc hả? Anh có quyền gì làm càn, hử?”
“Thưa ba, ba đã gả Lê Vy cho con thì cô ấy là người nhà họ Trần!”
“Đó là chuyện cũ!”
“Chúng con chưa li hôn!”
Người vợ chấn động tâm can. Ngày đi bà đã để lại cho chồng tờ đơn xin li hôn. Trên đó đã có sẵn chữ kí của bà. Vậy mà…
“Anh không kí. Tờ đơn vẫn còn ở nhà. Em về tự lấy nộp lên tòa!”
Dựa vào lí do đó, ông đàng hoàng đưa người đi.
“Không! Em không đi!” Người vợ kiên quyết: “Anh Khương, duyên nợ giữa chúng ta đã hết. Em xin anh hãy buông em ra! Có chết em cũng chết bên cạnh anh Tuấn!”
Lời cầu xin của vợ như một nhát dao cuối cứa thẳng vào sợi tơ lòng còn vương bấy lâu. Vòng tay đang siết chặt giữ người dần buông lỏng. Người vợ liền vùng khỏi tay chồng chạy đến ôm lấy người tình còn vắt vẻo trên cây.
Cảnh níu kéo đau lòng của cuộc tình tay ba có thêm ba người tình cờ vừa về chứng kiến.
Bà Mai nhìn trân vào cô em chồng đang ôm lấy chồng mình khóc lóc thảm thương. Trong mắt hai người chỉ tồn tại có đối phương. Bà chết sững, ngã ngồi xuống sân.
Như Ý kinh ngạc cảnh trước sân nhà. Ánh mắt buồn thương nhìn người đàn ông còn treo lủng lẳng trên cành cây cổ thụ. Xót xa nhìn người đàn bà ôm ba mình khóc thảm. Và cô đau lòng khi bắt gặp đôi mắt mênh mông chất chứa cả một trời cô đơn của cha Trần Khải.
Cô dừng ở ông thêm một chút. Rồi chạy đến đỡ mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ hãy bình tĩnh! Mẹ thương con!”
“Như… Ý! Con thấy chưa? Tới giờ này… họ còn muốn chết bên nhau!” Bà khóc. Khóc nấc vì chút hi vọng mong manh cuối cùng đã vuột mất.
Bà cứ nghĩ ba chồng treo hai người một đêm để sám hối lỗi lầm. Sáng ra sẽ biết ăn năn hối lỗi. Ai ngờ… Bà thật quá xem nhẹ tình cảm của họ.
“Tôi và Lê Vy cùng lớn lên bên nhau ở trại trẻ mồ côi. Là ba đã cho chúng tôi một mái nhà ấm áp. Nhưng ba lại chia rẽ tình yêu của chúng tôi. Vì sao anh biết không?” Ông Phan Tuấn nhìn ông Trần Khương hỏi.
“…” Ông Trần Khương chỉ im lặng.
“Là vì lời hứa hôn giữa hai nhà Trần - Phan! Ba đã hứa gả Lê Vy cho anh! Ba một mực không tác thành chuyện chúng tôi ở bên nhau!”
Dưới tán cây cổ thụ. Bốn người lớn lần đầu tiên, kể từ khi hai bên gia đình tan đàn xẻ nghé, đã ngồi lại nói chuyện nghiêm túc. Bên kia bàn, bà Lê Vy tựa đầu vào vai ông Phan Tuấn. Vẻ mặt hằn in mỏi mệt nhưng sâu trong đáy mắt là niềm vui hạnh phúc. Bên đây bàn, ông Trần Khương ngồi lặng lẽ lắng nghe. Và bà Hồng Mai ở góc bàn không ngừng sùi sụt.
“Em đừng khóc nữa! Tôi xin lỗi đã làm dang dở cuộc đời em. Nhưng tôi không còn cách nào khác, bởi Lê Vy đang mắc một căn bệnh lạ! Thời gian sống không còn bao lâu. Tôi phải phải ở bên chăm sóc cô ấy và chúng tôi đã quyết định không xa rời nhau trong những năm tháng cuối đời.”
Cứ như vậy. Một cuộc chạm mặt tưởng chừng như chỉ có trút hận. Lại là cuộc chia li trong nghẹn ngào.
Ông Khương vẫn còn yêu vợ mình lắm. Mà bà Mai cũng còn yêu chồng sâu đậm. Hai người cứ thế mà tác thành vợ và chồng mình cho người khác. Bởi họ không thể ích kỉ tranh với một người sắp chết.
Nhưng nỗi đau thương nhớ ấp ủ hơn mười năm sâu thẳm ở cõi lòng khó mà phai nhòa trong một sớm một chiều.
“Lần này anh và cô ba về hãy ở lại chăm sóc cho ba!” Bà Mai suy nghĩ kĩ một hồi cuối cùng quyết định: “Tôi mệt mỏi rồi. Tôi cần phải ra đi!”
“Nhưng em đã ở đây gần hai mươi năm! Em còn muốn đi đâu?” Ông Phan Tuấn thất kinh trước quyết định của vợ.
Bà Mai lắc đầu: “Không, em phải đi. Đi đâu cũng được. Còn ở lại đây ngày nào là em chết mất!” Sở dĩ bà còn nấn ná bấy lâu là chờ chồng có ngày hồi tâm chuyển ý quay về đoàn tụ. Nay đã hết hi vọng.
“Em sẽ đưa Như Ý theo! Nếu anh thương con hãy lo giúp em mọi thủ tục, em muốn đưa con cùng đi!”
Bà đã quyết định chiều theo nguyện ước của Vĩnh Kỳ. Cho thằng bé và Như Ý kết hôn. Để mẹ con bà có giấy tờ hợp pháp xuất cảnh định cư ở Hà Lan. Bà muốn qua đó tìm người anh ruột thất lạc bấy lâu và sống một cuộc sống hoàn toàn mới.
Như Ý buộc phải nghe lời mẹ.
Đêm đã khuya nhưng cô không tài ngủ được. Cô cần suy nghĩ kĩ càng trước khi quyết định một chuyện lớn. Cả đêm hôm qua mẹ cô đã vẽ trước con đường đi tiếp theo cho cô.
“Con hãy kết hôn với Vĩnh Kỳ! Nó rất yêu con! Lần về nước này là do mẹ gọi nó về!”
Thì ra bấy lâu Vĩnh Kỳ và mẹ vẫn thường xuyên liên lạc. Biết anh ta có ý định muốn đưa Như Ý qua Hà Lan cùng học và định cư. Nhân chuyện này, bà đã đồng ý.