Ánh mặt trời ngày tàn khoác lên tấm áo đỏ phủ khắp khu chợ rộng lớn, từng tia nắng xuyên qua những kẽ hở của sạp bán hàng xiêu vẹo được dựng lên tạo thành chùm ánh sáng nhỏ, từ xa nhìn lại tựa như một thứ gì đó đang lấp lánh.
Chợ lúc tan tầm bắt đầu thưa khách dần, hàng quán hai bên đường đã dọn dẹp gần hết chỉ còn lẻ tẻ vài sạp bán ế. Khuôn mặt của những người chủ sạp buồn man mác, vừa chậm chạp dọn hàng vừa ngước đầu nhìn xung quanh trông ngóng những vị khách cuối cùng của hôm nay.
Trái ngược với khung cảnh vắng lặng của phiên chợ vào buổi chiều tàn, một người phụ nữ nắm tay bé trai ngược dòng người đang bê đồ khệ nệ ra khỏi chợ, vội vàng đi thẳng vào trong. Dù chỉ đi bộ nhưng bước chân bà ấy rất nhanh, nhanh đến nỗi bé trai phía sau chạy đỏ mặt thở phì phò mới bắt kịp. Người phụ nữ có vẻ hối hả, bà cứ nắm chặt tay cậu đi qua những gian hàng đã đóng, thẳng một mạch sâu vào bên trong.
Phiên chợ tỉnh thường đa dạng mẫu mã quần áo, giá cả cũng rẻ hơn so với chợ bên ngoài nhưng chợ họp từ lúc trời còn chưa hửng sáng và cũng kết thúc trước hoàng hôn. Biết rằng nếu muốn đến chợ tỉnh thì phải đi từ sớm nên tối hôm qua mẹ cậu đã tăng ca để hôm nay có thể về sớm. Nhưng vì khu chợ cách nhà rất xa, nên lúc đến nơi thì ngày cũng đã tàn.
Chợ được chia làm hai khu vực chính, một khu vực bán vải vóc quần áo, giày dép, khu còn lại thì bán thực phẩm tươi sống gồm thịt, cá, hải sản,... hai mẹ con dắt nhau vào khu thực này trước. Nơi này là một không gian rộng lớn, từng gian hàng được dựng san sát nhau, thống nhất thành từng dãy, từng hàng thẳng tắp, ở giữa chừa ra một lối đi đủ cho ba người đi song song cùng một lúc.
Vừa bước đến gian hàng đầu tiên cậu đã ngửi thấy mùi tanh thịt cá trộn lẫn với mùi hôi của nước cống. Chủ các gian hàng đang bắt đầu cọ rửa dụng cụ, họ có vẻ đã quen với mùi này, vừa cọ rửa vừa nói chuyện với người bên cạnh mà không có chút gì gọi là khó chịu, nước được đổ xuống dưới ướt hết sàn xi măng dưới chân, ở những khu vực trũng còn đọng thành vũng nước nhỏ.
Thịt cá vào giờ này cũng không còn tươi, vì thế giá cả cũng giảm đi nhiều. Cậu theo mẹ đi dọc từng gian hàng, dừng lại trước một chiếc bàn nhỏ nằm trong góc ít người qua lại của khu chợ. Người bán là một bà cụ đã lớn tuổi, tóc trên đầu bạc trắng hết, đôi mắt bà mở to nhìn hai mẹ con một chốc rồi mới cất giọng mời chào: "Cô Mai mua hộ bà con cá đi. Còn mỗi con này thôi, ủng hộ bà để bà về nhà nhé."
Các thiên sứ ủng hộ tác giả bằng cách vào trang web Enovel đọc nhé. 1 lượt xem của các bạn sẽ ủng hộ tác giả nhìu lắm:>Hoài An thấy trên chiếc bàn nhỏ có một cái thau bằng inox cỡ năm mươi centimet, bên trong chỉ còn một con cá không động đậy nữa.
Ngọc Mai nhìn con cá một lát rồi hỏi giá. Vì là khách hàng quen của cửa tiệm, bà không mất quá nhiều thời gian để trả giá. Lúc làm cá bà lão lại ngẩng đầu hỏi thăm: "Thằng bé này là con của cô Mai hả? Trắng trẻo dễ thương quá."
"Vầng, cháu này là cháu út nhà con bà ạ."
Sau khi trả tiền cho người bán, bà kéo tay cậu đi sang gian hàng bên cạnh. Đến khi hai tay xách đầy túi thực phẩm, hai mẹ con mới dừng lại chuyển sang khu bên cạnh.
Hoài An hai tay xách một túi nhỏ, im lặng làm cái đuôi theo sau mẹ mình đi vào khu vực bán quần áo, đôi mắt tò mò nhìn xung quanh. Ngọc Mai đi trước lâu lâu lại quay ra sau kiểm tra, khi nhìn đến bộ dạng lớ ngớ của con mình bèn mỉm cười, cả khuôn mặt u tối vì cuộc sống khổ cực nhờ vậy mà cũng tươi sáng hơn một chút. Nơi bán quần áo nằm bên cạnh khu vực thực phẩm, trái ngược với nó, sàn xi măng chỗ này khô ráo và sạch sẽ hơn nhiều, những gian hàng được xây thành từng ô nhỏ xếp cạnh nhau, lúc này hầu hết đã sập cửa kín mít. Hai mẹ con dắt díu nhau đi một lúc mới tìm thấy một gian hàng quần áo trẻ em còn mở.
Những năm gần đây kinh tế ngày càng khó khăn, nhà nhà người người mỗi lần đến tết là lại than ngắn thở dài vì quanh năm làm lụng vất vả, đến ngày tết thì tiền bạc bay hết, không dư được đồng bạc nào. Giá cả năm nay lại tăng hơn so với năm ngoái, bộ đồ cho đứa trẻ cũng lên đến cả trăm bạc. Cả năm trời cậu toàn mặc lại đồ cũ, chỉ khi đến năm mới mẹ mới mua cho vài bộ quần áo.
Chủ gian hàng này là một bác gái đã đến tuổi trung niên, có mái tóc màu hạt dẻ được cắt ngắn uốn lên trông rất thời thượng. Thấy cậu bé trước mặt trắng trẻo lại ngoan ngoãn, bèn cong mắt cười: "Thằng bé mấy tuổi rồi?."
Hoài An yên lặng không trả lời, tập trung giơ tay nhấc chân mỗi lần được yêu cầu để mẹ ướm thử đồ cho mình.
"Cháu nó mới lớp Một thôi bác ạ."
Bác gái: "Ôi mới lớp Một hả? Bé tên gì đấy?"
Cậu thấy mẹ quay sang nhìn mình, bèn trả lời: "Dạ Hoài An ạ.".
"Hoài An à? Có phải là bình an đúng không? Mẹ con đặt cho con cái tên đẹp lắm nhé."
Bà vuốt ve đầu con mình một lát rồi mới quay sang cười: "Tên con toàn chồng em đặt không đấy."
Tình bạn của phụ nữ đôi khi đơn giản chỉ qua vài câu nói xã giao, qua lại một hồi xưng em xưng chị ngọt như mía lùi. Bác bán hàng rất xởi lởi đưa thêm một chiếc áo trắng, thúc giục: "Đây bé An mặc thử cái áo này nào."
Trước ánh mắt sáng ngời như cái đèn pha của hai người phụ nữ, cậu thử hết bộ này đến bộ khác. Cuối cùng chốt được hai chiếc quần jean dài và ba cái áo với ba màu khác nhau. Lúc tính tiền, bác bán hàng còn cười tít cả mắt: "Eo ôi, đúng là trẻ con, da dẻ trắng trẻo quá trời, mặc bộ nào cũng đẹp."
Quay sang báo giá còn không quên kèm theo câu: "Chị lấy giá này là giá làm quen nhé."
Mẹ cậu cười cảm ơn, rút một chiếc ví đã sờn vải từ túi áo khoác, rồi lại móc một cọc tiền giấy ra, dựa vào tủ mà đếm. Bàn tay sạm đen của bà lấy từng tờ rồi vuốt thẳng ra, đếm đi đếm lại hai ba lần mới đưa cho bác bán hàng.
Hai mẹ con đi thêm một vòng mua vài món lặt vặt rồi cũng tay xách nách mang mà về, trái ngược với bước chân vội vã khi mới đến, lúc này mẹ cậu có vẻ thong thả, lâu lâu còn quay sang nói chuyện vài câu.
Ra đến cổng chợ, ánh nắng đã tắt từ lúc nào, bầu trời bắt đầu ngả sang màu sẫm. Mẹ bế cậu lên xe, đạp chiếc xe cũ lách cách chạy về. Hoài An ngồi sau ôm túi rau củ và bịch quần áo, mệt mỏi nhìn dòng xe cộ trên đường. Giờ này mọi người đã về nhà hết, nên đường xá cũng thoáng đãng hơn, có vài cơn gió nhẹ thổi qua mang theo mùi quán ăn gần đó làm bụng của người đi đường bắt đầu kêu réo. Cậu ngồi trên xe bắt đầu mong về đến nhà sớm.
Các thiên sứ ủng hộ tác giả bằng cách vào trang web Enovel đọc nhé. 1 lượt xem của các bạn tạo rất nhiều động lực cho mình.:>Không biết qua bao lâu, chiếc xe đạp rẽ vào con hẻm nhỏ, mái nhà quen thuộc thấp thoáng phía xa xa đã sáng đèn.
Hai người về đến nhà thì đồ ăn cũng vừa dọn ra, cậu chạy vào nhà khoe với anh bộ quần áo mới. Anh trai cậu vừa cười khen vừa giúp mẹ xách đồ ăn vào sau bếp, lúc cầm đến một bịch kiệu liền hỏi: "Năm nay mẹ muối kiệu hả?"
"Ừ, ba con thích ăn kiệu, mẹ làm sẵn một hũ chờ ba về."
Hoài An ngẩng đầu: "Ba bảo ba về ăn tết hả mẹ?"
Bà khựng lại, suy nghĩ một lúc mới nói: "Mẹ cũng không biết, đã hai tháng rồi không thấy thư của ba con gửi về."
Hai anh em quay sang nhìn nhau, thấy rõ trong mắt đối phương tràn trề sự thất vọng nói không nên lời. Cuối cùng im lặng ngồi xuống ăn cơm, mùi vị cũng không còn ngon nữa. Mẹ cậu ăn được vài đũa cơm thì dừng, ngồi sang một bên vừa xem TV vừa tranh thủ xử lý đống kiệu. Bàn tay bà thoăn thoắt, đến khi hai anh em ăn xong thì rổ kiệu đã được xử lý xong xuôi hết. Lúc chuẩn bị muối kiệu, bà gọi cậu lại đưa tiền rồi dặn cậu ra tạp hóa mua bịch đường trắng về.
Hoài An đã đi bộ cả ngày trời nên chân cậu vừa đau vừa mỏi, không tình nguyện mà chậm rãi cà nhắc ra khỏi nhà. Vừa ra đến cổng, cậu liền nhìn thấy Chí Uy đang đứng đợi bên ngoài, thấy cậu ngạc nhiên bước đến bèn mỉm cười: "Tớ định rủ cậu sang nhà tớ chơi."
Anh trai cậu đang ngồi trước cửa buộc dây giày, vừa ngẩng đầu lên liền thấy em mình nắm tay một thằng nhóc nào đấy chạy vào. Lúc đầu vì trời tối nên anh tưởng là Khôi Vĩ, nhưng khi lại gần mới nhận ra không phải. Thằng nhóc đấy khi thấy anh cũng không sợ sệt mà đứng lại chào đàng hoàng, nhìn qua là biết con cái được nhà dạy dỗ cẩn thận. Đánh giá là thế nhưng bên ngoài vẻ mặt anh lại tỏ ra bình thản, qua loa gật đầu một cái rồi đứng dậy ra ngoài.
Hoài An thấy anh mình đi xa bèn quay qua nói nhỏ: "Ê, anh tớ có bạn gái đó."
Giọng nói cậu đầy tự hào, nghe như có vẻ đó là chuyện gì đó đáng gờm lắm. Bạn cậu có vẻ không cho là thế, nhóc quay sang khó hiểu hỏi: "Nhưng mà có bạn gái để làm gì?"
Hoài An hoang mang: "Tớ không biết."
Chí Uy lại hiếu học, ra thêm một đề khó: "Vậy tại sao lại có bạn gái mà không có bạn trai?"
"Sao lại có bạn trai được? Anh tớ là nam rồi mà, phải có bạn gái chứ." Cậu bất lực trả lời.
"Sao bắt buộc nam phải đi với nữ mà không thể có nam đi với nam, nữ đi với nữ?."
Nói đến đây thì cậu lại hoang mang thêm, câu hỏi này nằm ngoài tầm hiểu biết của cậu, cuối cùng đành im lặng dẫn bạn vô nhà, không dám bàn luận gì thêm.
Mẹ cậu đang ngồi xổm gọt đu đủ trong bếp, bàn tay bà làm rất nhanh, loáng một cái đã gọt xong gần hết trái. Khi nghe tiếng bước chân lại gần bà bèn quay lại nhìn, liền bắt gặp cậu bé lạ đang kè kè bên cạnh con trai mình: "Ủa con là bạn mới của An hả?"
Chí Uy cúi đầu chào bà: "Con chào cô. Nhà con mới chuyển đến hồi hè ạ."
Mẹ Hoài An là công nhân làm việc trong nhà máy của trấn này, bình thường làm việc quần quật cả ngày từ sáng sớm đến tối muộn, không có thời gian đi xung quanh, về đến nhà là leo lên giường ngủ một mạch tới sáng. Hàng xóm chuyển đến chuyển đi nếu không đến chào hỏi có khi bà cũng không biết.
"Con học chung lớp với An luôn hay sao?"
"Dạ con học lớp A bên cạnh." Chí Uy lễ phép trả lời.
Trong phòng bếp rả rích tiếng trò chuyện. Mẹ cậu quý trẻ con, nghe nói là bạn của con trai mình thì càng thích hơn, nói chuyện một hồi thì cũng không thấy quá xa lạ nữa. Chí Uy thấy cậu xắn tay vào phụ mẹ, bản thân cũng bắt chước làm theo. Dưới sự phân công của bà, hai đứa nhỏ mang rổ đu đủ đi ngâm nước đá để bớt nhựa.
Da tay Chí Uy mỏng hơn tay cậu, ngâm nước một tí mà đã ửng đỏ lên. Còn Hoài An hay làm việc nhà, tay chân cũng có vết chai, da tay sần hơn so với đám công tử bột chỉ ở nhà cầm bút nên khi ngâm trong nước đá lâu, tay cậu cũng đỏ nhưng không đậm như của bạn mình. Chí Uy nhìn xuống tay mình rồi lại ngẩng đầu nhìn cậu, tầm mắt vừa đúng lúc nhìn thấy cần cổ gầy trắng nõn.
"Á."
Chí Uy cười mỉm bỏ bàn tay đang ửng đỏ vì lạnh của mình ra khỏi cổ cậu.
"Lạnh quá. Đừng có chạm vào tớ." Hoài An vừa rụt cổ lại như chú rùa nhỏ, tay vừa quơ lên, vẩy hết nước lạnh vào người đối diện. Thấy bạn mình lùi lại, cậu hất mặt ra vẻ đắc ý lắm.
"Các con đang làm gì vậy?"
Ngọc Mai vội vã cản hai đứa nhỏ lại trước khi trận chiến tóe nước của chúng nổ ra, rồi đuổi hai đứa lên nhà không cho phụ nữa. Chí Uy nghe lời lên nhà trước, có mỗi cậu là đứng lấp ló ngoài phòng bếp hỏi: "Mẹ ơi, còn gì nữa không ạ?"
Mẹ cậu không quay đầu lại mà phẩy tay, ý bảo cậu lên nhà chơi đi. Thật ra mọi việc cũng đã xong gần hết rồi, giờ chỉ con công đoạn đun mắm và đường thôi, nên không cần người phụ nữa.
Lúc Hoài An chạy phòng khách vừa hay bắt gặp Chí Uy đang ngồi trước bàn học nghịch chồng thẻ pokemon của mình.
"Ủa thẻ hiếm này cậu mua à?" Nhóc giơ tấm thẻ in hình Pikachu mang vàng lên hỏi.
Hoài An lắc đầu: "Không có, tấm này tớ thắng được của Vĩ đấy."
Cậu nhớ đến vẻ mặt tiếc nuối của Khôi Vĩ hồi chiều mà bật cười, Hoài An không biết Khôi Vĩ lấy tấm thẻ này ở đâu nhưng cũng biết nó là tấm thẻ hiếm được thằng bé quý lắm. Cậu cũng không định lấy luôn, nên định bụng giữ hai ba ngày rồi mới trả lại.
Chí Uy lại lấy ra vài thấm thẻ mà cậu đã thắng của Khôi Vĩ ngày hôm qua, quay sang nói: "Cậu thích nó hả? Sang nhà tớ đi, tớ cho cậu cả bộ luôn. Nhà tớ nhiều lắm."