Ngày thứ hai của tháng Mười một là một ngày nắng đẹp, bầu trời xanh trong, cao vời vợi. Sương mù vài ngày trước đã được gió bấc thổi tan, không khí trong lành, se se lạnh.
Hứa Thấm kéo kín khăn quàng cổ, rảo bước đi đến phố Ngũ Phương, nhìn ngắm mái ngói đỏ san sát dưới bầu trời xanh thẳm. Luồng hơi nước lượn lờ trên con phố, mùi bánh bao hấp lan tỏa thơm phức.
Các cửa hàng vẫn chưa mở cửa, từng dãy cửa gỗ đóng kín bưng, phía trên là tranh graffiti sặc sỡ, không biết là tác phẩm của sinh viên học viện nghệ thuật nào nữa. Những bức tranh muôn màu muôn vẻ, từ hoạt hình cho đến cổ phong, từ nhân vật cho đến cảnh sắc, không khác gì một bà cụ trang điểm lòe loẹt như thiếu nữ đôi mươi.
Bất cứ con phố nào cũng vậy, cửa hàng đầu tiên mở cửa chính là quầy đồ ăn sáng, các món chiên xào, nấu hấp, mọi hương thơm thi nhau xộc vào mũi người đi đường. Nhóm nhân viên văn phòng chen chúc nhau trước quán ăn nhỏ bé nằm ngoài phố Ngũ Phương, mua bánh quẩy và sữa đậu nành, có người ngồi trong quán vừa ăn vừa lướt điện thoại.
Một ngày của người bình thường cứ thể bắt đầu.
Trước kia, Hứa Thấm không bao giờ chú ý đến những người này. Họ chỉ như cảnh nền cho thành phố, giống như đinh ốc của cả bộ máy, thiếu một người cũng chỉ như tán cây rụng một chiếc lá, đều bé nhỏ không đáng nhắc đến. Nhưng hôm nay, Hứa Thấm lại nghiêm túc quan sát từng người một.
Một đôi tình nhân mua hai phần cháo hộp ở trước quầy, rồi hôn nhau:
"Buổi tối gặp lại!"
"Anh làm việc tốt nhé!"
"Ừ, anh biết rồi, em cũng thế."
Hai người tách ra, đi về hai phía khác nhau. Lúc cô gái kia đi ngang qua, Hứa Thấm trông thấy một nụ cười tràn trề sức sống. Còn chàng trai vừa đi được vài bước đã quay đầu mỉm cười, nhìn theo cô gái rồi mới bước tiếp.
Một cô gái khác vừa xếp hàng mua đồ ăn sáng vừa báo cáo công việc qua điện thoại, khi bỏ điện thoại xuống, cô ấy thở phào nhẹ nhõm, trông rất hài lòng. Còn trong quán có một người đàn ông vừa lướt máy tính bảng vừa ăn mì ngấu nghiến, không biết là do bát mì quá ngon hay anh ta đang vội vã. Còn có người xách ca táp, vừa ăn bánh quấy vừa hát ngêu ngao, bước chân nhẹ tênh ngang qua Hứa Thấm.
Dĩ nhiên cũng có người mang đôi mắt thâm quầng, vừa nhìn đã biết tối qua tăng ca thâu đêm, vừa chạy vừa gọi điện: "Ối, bác tài, tôi sắp đến ngã tư rồi, bác đợi một phút... tôi thấy xe bác rồi."
Thế giới bao la này không phải chỉ có ánh hào quang chói lọi nơi hoa viên Hồng Lư, mà còn lấp ló đâu đây những nỗi khổ xen lẫn ngọt ngào tưởng chừng như vô cùng tầm thường đó.
Hứa Thấm rẽ vào con ngõ rải đầy lá cây bạch quá vàng óng. Sau bảy, tám khúc quanh, cô đã đến Địch gia, nơi có cánh cổng sơn son mở rộng. Cậu Địch có thói quen dậy sớm, không biết có chạm mặt ông hay không.
Hứa Thấm rón rén bước qua cánh cổng, vòng qua bức tường bình phong, băng qua hành lang gấp khúc, tiến vào sân. Bên trong tĩnh lặng, ánh nắng sớm mai soi lên dụng cụ làm mộc. Không thấy l*иg chim trên cây đâu cả, ắt hẳn cậu Địch đã mang nó đi dạo rồi.
Cửa phòng gian phía tây khép hờ, chứng tỏ người bên trong đã thức dậy. Hứa Thấm đi đến, nhìn qua khe cửa chỉ thấy cửa tủ đang mở một cánh, bên trong treo vài chiếc áo len và quần dài kiểu nam. Cô gõ khe khẽ, không ai lên tiếng, khi đưa tay lên định gõ tiếp thì cánh cửa mở ra.
Cô bước vào trong xem thử, ấn tượng sâu nhất chính là quá mức gọn gàng sạch sẽ, mang đậm tính kỷ luật. Sàn gỗ sạch bong kin kít không có lấy một hạt bụi, giường màu xanh xám, drap giường được trải thẳng không một nếp nhăn, chăn được gấp gọn vuông vức như miếng đậu hũ kiểu quân đội.
Chiếc sô pha màu đỏ thẫm và bàn trà đặt ngay ngắn, ghế được đặt trước bàn sách, trên bàn là một chồng sách nói về đồ vật dễ bắt lửa, làm rõ những vụ hỏa hoạn trên thế giới...
Quần áo trong tủ cũng được treo gọn gàng có trình tự, phảng phất mùi xà phòng và ánh nắng. Đáy tủ là từng đôi tất nam thuần một màu được gấp gọn, bày biện ngăn nắp.
Ánh nắng soi qua cửa sổ, chiếu rọi căn phòng sáng sủa sạch sẽ, không khí tươi mát, còn có mùi gỗ thông thoang thoảng.
Tất cả đều thể hiện đây là căn phòng của người đàn ông khắc kỷ, gọn gàng đến mức cuốn hút.
Hứa Thấm đứng ngẩn ngơ giây lát. Cô nhớ trước đây, phòng Tống Diệm không như thế. Khi ấy, anh cũng giống những cậu trai khác, chăn đệm bừa bãi, quần áo bẩn chất đống trên sô pha, trên bàn trà đầy truyện tranh...
Còn đang thất thần thì cánh cửa căn phòng nhỏ phía sau được kéo ra. Tiếng bước chân vọng lại trên hành lang. Cô còn chưa kịp quay đầu, Tống Diệm đã đứng sau lưng, giọng nói thờ ơ truyền đến: “Lại tới nữa à?"
Hứa Thấm quay đầu liền nhìn thấy xương quai xanh của anh. Cô vội vã lùi về sau một bước.
Tóc Tống Diệm ướt nhẹp, trên người mặc áo tắm, có lẽ vừa mới tắm rửa xong, cả khuôn mặt tinh khôi và điển trai hết sức. Vậy mà hàng mày của anh hơi nhíu lại, ánh mắt không hề khách sáo, cằm hất sang một bên: "Nhường đường một chút."
Hứa Thấm tránh ra, Tống Diệm nghiêng người đi vào phòng đóng cửa lại, để cô đứng ngoài hành lang.
Ánh nắng trùng hợp thả vài giọt vàng óng ánh lên ngọn cây bạch qua nơi góc sân. Hứa Thấm nhìn lá trên ngọn cây, nghĩ lại thái độ xa cách của anh khi nãy thật sự khác hắn lúc ở nhà cô. Nếu cảm xúc trong mắt cô thoáng qua vẻ hối hận và yêu thương thì có lẽ anh sẽ mềm mỏng hơn. Nhưng nếu trong mắt cô là sự do dự và chần chừ thì anh sẽ trở nên lạnh lùng ngay lập tức.
Nhạy bén thật, nhìn rõ mồn một từng ý nghĩ nơi đáy lòng và những tật xấu đã ăn sâu vào cốt tủy cô.
Không lâu sau, cửa phòng bật mở, Tống Diệm đi ra ngoài, mặc áo len, jacket và quần dài, thấy Hứa Thấm vẫn đứng đấy liền hỏi: "Tìm tôi à?"
Chẳng nhẽ lại tìm người khác?
"Vâng." Hứa Thấm chỉ biết gật đầu xác nhận.
"Hôm qua quét dọn nhà giúp cô là công việc thôi. Chúng tôi thi hành nhiệm vụ gây phiền phức cho người dân, dọn dẹp hiện trường là lẽ đương nhiên."
Hứa Thấm không hề ôm ấp ảo tưởng nào: "Em biết."
"Còn có việc gì khác tìm tôi à?"
"Có chứ!"
"Việc gì?"
"Đến cảm ơn anh."
Tống Diệm vạch trần: "Cô còn muốn chơi trò này bao lâu nữa?"
Hứa Thấm điềm nhiên như không: "Đến khi nào anh chấp nhận mới thôi."
Tống Diệm á khẩu.
Chẳng những vẻ mặt Hứa Thấm bình thản, giọng nói cũng lạnh nhạt: "Em không thích nợ ân tình của người khác. Anh đã cứu em nhiều lần, dù sao cũng phải đền đáp."
"Đền đáp thế nào?"
"Em mời anh ăn cơm."
Dường như Tống Diệm đã nhìn thấu chiêu trò của cô, cười khẩy một tiếng. Hứa Thấm vẫn thản nhiên, không hề đỏ mặt.
Tống Diệm không trả lời ngay, lấy thuốc lá từ túi áo jacket, vừa đặt lên môi, Hứa Thấm đã lên tiếng: "Sáng sớm hút thuốc không tốt cho sức khỏe."
Tống Diệm vừa cúi đầu châm thuốc vừa trừng mắt nhìn cô. "Lời khuyên hữu ích của bác sĩ đấy à?"
Tống Diệm trực tiếp bỏ ngoài tai, rít thuốc một lúc rồi thẳng thắn hỏi: "Cô moi đâu ra lịch trực ban của tôi thế?"
"Là anh họ của Tiêu Diệc Kiêu tra giúp." Cô thành thật khai báo.
"Ồ!" Anh không nói gì nữa, chỉ lo hút thuốc.
Hứa Thấm đứng chốc lát lại bảo: "Đi ăn đi."
"Không đi." Tống Diệm quay người trở vào phòng. "Cô về đi."
Vừa bước qua ngưỡng cửa, anh lại quay đầu, Hứa Thấm vẫn đứng yên bất động.
"Còn không đi?"
Hứa Thấm lặp lại câu nói cũ: “Em mời anh ăn cơm.”
Anh nheo mắt nhìn cô giây lát rồi cười khẩy: “Vậy cô cứ đứng đấy đi.”
Lời còn chưa dứt, cửa phòng bên phía đông mở ra, Địch Miểu đeo túi chuẩn bị đi học, vừa ra cửa đã thấy Hứa Thấm đứng đó.
“Bảo sao mới sáng sớm đã nghe tiếng léo nhéo. Chị đến đây làm gì?” Địch Miểu băng qua sân đi đến. “Đã bảo chị đừng có đeo bám anh tôi nữa mà, chị nghe không hiểu sao? Con người chị sao lại đáng ghét như thế chứ?”
Hứa Thấm im lặng, Tống Diệm
nhìn cô rồi nhìn Địch Miểu, nhất thời không nói nên lời. Lúc Địch Miểu định nói tiếp thì bị Tống Diệm lên tiếng: “Địch Miểu”.
Địch Miểu bất chấp: “Lúc nào cũng vậy, đuổi cũng không chịu đi, lần trước chạy đến, hôm nay lại đến nữa. Sao da mặt chị dày thế?”
Tống Diệm cau mày: “Được rồi, em đi học đi, ở đây ồn ào cái gì?”
Địch Miểu không phục: "Hừ, em đi mách với m..."
Tống
Diệm rảo bước lại gần, xách Địch Miểu ra cửa. Địch Miểu định hét ầm lên, nhưng chữ "mẹ" còn chưa kịp thốt ra đã bị Tống Diệm bịt miệng lôi ra ngoài ngõ: "Còn la lối gì nữa hả?" Địch Miểu run run kéo lại áo phao lông vũ, thái độ chỉ tiếc rèn sắt không thành thép: "Anh, em sợ anh mềm lòng thôi. Em lo cho anh chết được. Lần trước, chị ta đến tìm anh, em đã mắng chị ta rồi, không ngờ vẫn còn dám đến nữa, cứ như keo 502 vậy."
Sắc mặt Tống Diệm thay đổi: "Được rồi, biết rồi, đi học đi."
Địch Miểu vẫn không chịu thôi, định trở vào nhà: "Anh là đàn ông, không thể mất mặt, em giúp anh mắng chị ta..."
Tống Diệm nắm lấy cổ áo Địch Miểu, lôi trở lại: "Làm loạn đủ rồi đấy!"
"Anh, em với anh..." Địch Miểu cự nự.
Tống Diệm lạnh giọng; "Có đi không?"
Địch Miểu giận dỗi phồng má.
"Một, hai, ba...”"
Anh vừa vung tay lên, Địch Miểu đã che đầu chạy đi nhanh như chớp, còn gọi với về phía sau: "Dù sao buổi tối em cũng sẽ trở về?"
Tống Diệm nhìn bóng dáng Địch Miểu biến mất ở khúc cua, bức tường tứ hợp viện đỏ thắm lặng yên nằm dưới bầu trời thu xanh thẳm. Gương mặt âm trầm, anh rít sâu một hơi thuốc rồi vứt xuống chân, nghiền nát, quay đầu bước lên bậc thềm vào cổng.
Hứa Thấm đứng dưới khung cửa sơn son, ngước đôi mắt đen láy lên nhìn anh.
Tống Diệm bước qua cửa, không buồn nhìn cô: "Cô đi đi!"
Hứa Thấm vẫn lặp lại câu kia; "Em mời anh ăn cơm."
Tống Diệm đi xuống bậc thềm, không hề ngoảnh lại: "Không ăn."
"Được, vậy anh mời em ăn cơm đi." Cô giở trò ngang ngược.
Bước chân Tống Diệm khựng lại, mày nhíu chặt, quay đầu với vẻ vô cùng khó tin: "Cô nói tôi cần cầu cạnh gì cô đây?"
"Hôm qua, em đã giúp đội của các anh. Anh làm Đội trưởng, không nên đại diện cảm ơn em sao? Nhưng em đợi ở nhà cả ngày cũng chẳng thấy lẵng hoa, giỏ trái cây hay bằng khen gì cả, ngay cả một cuộc gọi cảm ơn cũng không có. Em cảm thấy làm công dân tốt thật uổng phí. Tại sao lính cứu hỏa bọn anh lại như thế chứ?"
Lúc cô nói lời này, sắc mặt lạnh nhạt đến lạ, điệu bộ đầy lý lẽ, như thể nếu Tống Diệm cự tuyệt, anh sẽ là kẻ thất trách, không tôn trọng công dân tuân thủ luật pháp kỷ cương, không coi công dân hết lòng giúp đỡ cộng đồng ra gì vậy.
Cằm Tống Diệm bạnh ra, anh nhìn xoáy vào cô chốc lát mới gọi: "Hứa Thấm."
"Hả?"
"Cô thế này, người xung quanh cô có biết không?"
Hứa Thấm rủ mắt nghĩ ngợi rồi lại nhìn anh, thật thà hỏi: “Thế này là thế nào?"
Tống Diệm nghẹn lời, dường như anh cũng bó tay hết cách, cuối cùng gật đầu: "Được, cô là bà nội tôi."
Nói xong, anh liền đi ra ngoài, Hứa Thấm bỏ hai tay vào túi áo khoác, thong thả đuổi theo.
***
Thời điểm đi ra con đường lớn của phố Ngũ Phương, ánh nắng đã từ mái hiên phía đông soi sáng mặt đường lát đá xanh. Những nhân viên văn phòng dậy sớm đã không còn bóng dáng, chỉ còn công nhân và nhân viên giao hàng qua lại. Các hàng quán cũng lần lượt mở cửa.
Bà chủ cửa hàng hương liệu đẩy cánh cửa ra, từng hạt bụi li ti bay lượn trong ánh nắng thu. Bà quay đầu lại, nhìn thấy Tống Diệm bèn chào hỏi: “Tiểu Tống, hôm nay nghỉ à?"
Tống Diệm cười đáp: "Vâng."
Người nơi đây đều là hàng xóm láng giềng lâu năm, gặp ai Tống Diệm cũng cất lời hỏi han, trả lời từng người một. Hứa Thấm liếc sang anh, nụ cười anh cởi mỏ, đôi mắt cong cong, rạng rỡ như ánh mặt trời. Cô chợt nhớ đến, lần cuối cùng thấy anh cười như vậy đã lã nhiều năm về trước rồi. Mà giờ khắc này, nụ cười ấy không dành cho cô.
Bà chủ còn đang trò chuyện về việc nhà: "Tiểu Tống à, nhà thím ướp cá khô đấy, con bảo Địch Miểu tan học đến nhà thím lấy nhé!"
"Cảm ơn thím Trương."
Bà chủ cười tít mắt: "Đùng khách sáo..." Rồi thoáng nhìn sang bên cạnh anh, ngó nghiêng, "Ơ, đây là Mạnh Thấm sao?"
Hứa Thấm sửa lại: "Hứa Thấm, họ Hứa ạ."
"Ồ." Thím Trương không để ý lắm, trái lại khá tò mò khi vừa sáng ra đã thấy hai người đi cùng nhau. Nhưng thím không hỏi gì thêm, quay sang mở cửa tiệm.
Năm đó, họ cũng thường cùng nhau ra vào phố Ngũ Phương, anh luôn khoác vai cô hoặc nắm tay cô chứ không như bây giờ, khoảng cách giữa họ có thể cho người đi đường xen giữa, khiến người lạ không thể nào nghĩ họ quen biết nhau.
Hai người không ai nói gì, không biết đối phương liệu có đang nhớ về năm xưa hay không, vẫn là con đường ấy, vẫn là nhóm người kia, vậy mà hai đứa bé ngày xưa luôn dựa sát vào nhau, giờ đã từng người lặng lẽ cất bước.
Ngay cả Tống Diệm cũng trầm mặc đến lạ. Tới quán bán đồ ăn sáng, anh dừng lại, quay đâu hỏi Hứa Thấm: "Cô ăn gì?"
"Tào phớ, mì dầu đỏ." Là món đặc sản của quán này. Trước đây, anh và cô thường ăn.
Tống Diệm sững người, mãi sau mới hoàn hồn, nói với ông chủ: "Mỗi thứ hai phần, thêm một xửng xíu mại hấp."
Anh quay người định vào trong thì Hứa Thấm gọi thêm: "Thêm bánh rán mè, bánh quẩy và sữa đậu nành."
Tống Diệm khựng lại, nghiêng đầu nhìn cô, có vẻ nghi ngờ sức ăn của Hứa Thấm nhưng không nói gì, quay đầu lại nhìn ông chủ: "Bánh rán mè, bánh quẩy và sữa đậu nành nữa."
Quán ăn rất đơn sơ, vách tường, sàn nhà đều làm bằng gỗ, còn vương đầy dầu mỡ, trông có phần mất vệ sinh. Trần nhà rất thấp, không cao hơn Tống Diệm là bao. Hai người vừa mới ngồi xuống thì nhân viên cửa hàng đã bưng hai bát tào phớ đến, bên trên rưới một lớp nước rau kim châm đầy ắp.
Năm ấy, lần đầu tiên Tống Diệm đưa Hứa Thấm đến đây ăn tào phớ, cô đã trợn tròn mắt: "Nước sền sệt này là gì thế? Tào phớ phải cho nước đường chứ, cái này làm sao ăn?"
Tống Diệm nhướng mày: "Tàu phớ bỏ nước đường á? Đầu óc có vấn đề rồi."
Hai người cứ thế cãi cọ vì việc tào phớ nên ăn ngọt hay ăn mặn cả tuần. Cuối cùng, Hứa Thấm chấp nhận ăn tào phớ mặn. Dù sao mặn hay ngọt đều có vị ngon riêng của nó.
Tống Diệm không nói nhiều, cúi đầu nhanh chóng giải quyết tào phớ. Khi bát của Hứa Thấm còn hơn phân nửa, mì dầu đỏ đã bưng lên.
Dù bát in hoa bị mẻ, đũa gỗ đã tróc sơn, nhưng nhìn sợi mì tinh tế trong bát được tưới dầu đo đỏ lại khiến người ta trào nước miếng.
Tống Diệm cầm đũa lên ăn ngon lành, Hứa Thâm cũng gắp mì ăn, một lát sau bỗng nói: "Lạ quá!"
Tống Diệm lơ đãng hỏi cho có lệ: "Sao thế?"
"Mùi vị vẫn vậy." Hứa Thấm vui vẻ đáp. "Có rất nhiều quán làm ăn, buôn bán vẫn tốt nhưng mùi vị và chất lượng lại đi xuống. Thế mà quán này thì không, vẫn ngon y như trước."
Tống Diệm không tiếp lời, cắm cúi ăn. Từ lúc vào quán đến giờ, anh rất kiệm lời. Trái lại, nhân viên phục vụ loay hoay bên cạnh, nghe thấy cô nói liền chen miệng: "Đều là hàng xóm với nhau, sao lại lừa người ta được?"
Một vị khách khác tán thành: "Người ở phố Ngũ Phương chúng tôi thành thật, buôn bán đều có tâm."
Người trong quán thi nhau trò chuyện. Tống Diệm nhanh chóng ăn hết bát mì, rồi tiếp tục xử lý xíu mại hấp. Xong xuôi, anh lau miệng nhìn Hứa Thấm. Trước mặt cô còn nửa bát tào phớ, nửa bát mì, một phần bánh mè rán, một phần bánh quẩy và sữa đậu nành.
Bát mì dở dang kia được cô thêm một thìa sa tế. Nhiều năm trước, cô cũng ngồi vị trí này, múc một thìa sa tế bỏ vào bát, anh tặc lưỡi: "Bỏ nhiều vậy?"
Cô còn chê không đủ, cầm đũa gắp thêm một đống ớt nếm thử, miệng xuýt xoa: “Thơm thật!"
Cô ăn hết miếng này đến miếng khác một cách ngon lành. Người Mạnh gia đều không ăn cay. Chỉ khi đi ăn với anh, cô mới được buông thả theo ý mình. Anh thấy vậy, nhếch môi cười khẩy khinh thường.
Cô lại gắp một miếng ớt đưa đến miệng anh: "Anh ăn thử đi, ngon lắm!"
Tống Diệm lắc đầu: "Anh đâu có bệnh, tự ngược mình."
Hứa Thấm dụ dỗ: "Anh ăn nó, em sẽ hôn anh."
Tống Diệm không nói hai lời, lập tức nuốt miếng ớt kia.
Hoàn hồn trở lại, cô bé năm xưa đã trở thành người phụ nữ trước mắt, chiếc bàn trước mặt dường như chưa hề thay đổi, chỉ bị phủ một lớp màu thời gian. Chiếc ghế đang ngồi cũng lỏng lẻo, lung lay như muốn sập.
Hứa Thấm vẫn từ tốn ăn mì, một lọn tóc trượt xuống từ bờ vai, cô giơ tay lên vén nó ra sau tai, vành tai trắng hồng hiện rõ trước mặt anh. Tống Diệm lẳng lặng nhìn nó. Lọn tóc kia như cố ý phá rối, vừa mới vén vào lại rơi xuống lần nữa. Hứa Thấm chậm rãi đặt đũa xuống, hai tay vuốt tóc ra sau gáy, cầm sợi dây chun buộc lại, để lộ cần cổ thon dài, mịn màng. Tống Diệm vô thức cắn môi dưới. Ngược lại, cô vẫn tự nhiên tiếp tục ăn mì với phong thái ung dung.
"Nhanh lên đi!" Cuối cùng, Tống Diệm không kiên nhẫn
thúc giục.
Hứa Thấm vẫn gắp mì đưa vào miệng, ngốn ngấu làm bên má phình lên tròn tròn, đôi môi đo đỏ cũng chu ra.
Tống Diễm bất giác nhăn mày, mi tâm bị ép lại thành một rãnh sâu, hồi lâu mới giãn ra. Ánh mắt anh liếc nhìn về phía khác, khóe môi khinh thường nhếch lên: "Hứa Thấm, từng này tuổi rồi, không thích hợp giả nai đâu, biết không?"
"Hả?" Hứa Thấm ngẩng phắt đầu lên, đôi mắt đen lay láy, ánh mắt ngây ngô thật thà. "Sao thế?"
Tống Diệm nghẹn họng. Anh không nói một lời, đứng dậy đá chiếc ghế, đi ra ngoài hút thuốc. Hút được nửa chừng, anh quay lại, lạnh lùng nhìn cô gái trong quán.
Toàn là chiêu trò. Mẹ kiếp, toàn là chiêu trò cả thôi!