Thôn Vân là một thôn nhỏ nằm heo hút dưới chân núi Đại, chỉ loanh quanh trong mấy chục nóc nhà. Trước kia, nơi đây cũng từng là một trấn nhỏ ấm no, trù phú với rất nhiều thôn xóm xung quanh. Nhưng rồi một ngày, có nhóm sơn tặc tới lập sào huyệt ở trong lòng núi. Nghe đồn, trại chủ là một con hổ yêu đã hóa hình, chuyên đi cướp bóc, bắt các cô nương xinh đẹp về làm áp trại phu nhân, điều kinh hoàng nhất là đến lúc nó chán chê sẽ móc tim người đó ra ăn rồi lại đi tìm một cô nương mới. Cũng bởi thế mà người dân xung quanh núi Đại, ai đi được đều đã đi cả, thôn trấn trở nên hoang vu quạnh quẽ. Chuyện sau đó, mỗi người kể lại một kiểu, có người nói rằng trong các cô gái mà hổ yêu bắt về, có một vị tiểu muội muội của một đạo sĩ cao tay, nên đã bị đạo sĩ ấy làm phép tiêu diệt. Cũng có kẻ lại bảo do một thư sinh mang theo kính chiếu yêu đi diệt trừ yêu hổ để cứu người bạn thanh mai trúc mã của mình. Cũng có kẻ lại nói yêu hổ đã lỡ yêu cô gái cuối cùng nó bắt được, rồi nó đã bị chính cô gái đó gϊếŧ chết, thay dân trừ hại. Mỗi người một kiểu, mỗi kẻ một phách nhưng tất cả đều thống nhất về sự thảm liệt của năm xưa, về cái chết của yêu hổ, về cái chết của thư sinh, đạo sĩ, cô gái. Yêu hổ chết, nhưng cũng không ai còn sống. Rồi những u hồn oán niệm của biết bao cô gái đã bỏ mạng oan uổng nơi đây trở thành oán quỷ, đã tàn sát sạch những người dân chung quanh chưa kịp rời đi, khiến máu nhuộm đỏ cả chân núi Đại. Một vùng trời xanh mây trắng trở nên tang tóc, tanh tưởi.
Thôn Vân của bây giờ vẫn còn quạnh quẽ, tuy rằng thảm cảnh năm xưa đã bị thời gian gột rửa. Dưới chân núi Đại, giờ chỉ liêu xiêu vài sợi khói bếp, chiều chiều bay lên trên những nóc nhà chênh vênh.
Nhưng chiều nay, thôn Vân lại rất rộn ràng, hai bên đường vào xóm núi rực rỡ những đèn kết hoa giăng. Mấy chục con người bình dị đang náo nhiệt tổ chức hôn lễ cho một đôi trai gái vừa đến cư ngụ không lâu. Những người dân ở đây đa số đều ưa thích sự tĩnh lặng, họ chấp nhận đi hàng trăm dặm để trao đổi buôn bán với thôn trấn khác nhưng không muốn rời khỏi nơi này. Thôn Vân như khúc đồng dao cũ kỹ, xa vắng và dịu dàng. Họ cảm thấy thân thuộc với nó, như một người con thân thuộc với quê hương. Bởi thế, họ tìm đến nhau như tìm đến tri âm, tri kỷ, họ trân trọng từng mảnh đời lạc bước và dừng lại nơi đây. Sau những tiếng cười nhẹ nhàng, dường như mỗi người đều mang trong lòng một số phận đắng đót. Đôi trai gái mới tới đẹp tựa thiên tiên, nam anh tuấn, nữ thanh thuần, mắt ngọc mày ngài, phấn điêu ngọc trác. Nhưng bằng vào sự nhạy cảm họ thấy được nỗi niềm bơ vơ, hiu hắt trong sâu thẳm tâm hồn của đôi tình nhân tiên lữ ấy. Họ đã vun vén như đang vun vén từng mảnh vụn hạnh phúc của chính cuộc đời họ. Hôn lễ nhỏ trong xóm làng cũng nhỏ, vậy mà sự rạng rỡ lại ngời lên trên từng gương mặt, từng ánh mắt trìu mến, nâng niu. Ai cũng ngỡ như đây là sự hoan hỷ trở lại của lòng người, của cỏ cây thôn Vân, của mây trời núi Đại.
Trước đó, lão trưởng thôn Trương Bạch – cũng là người già nhất trong thôn đã đưa tiền cho cháu mình, dặn hắn ra trấn lớn mua một đôi vải đỏ về để làm hỷ phục cho tân lang và tân nương. Lão Trương tuổi đã trạc lục tuần nhưng mày kiếm, mắt sáng, ông vốn là võ tướng của đương triều nhưng bị gian thần mưu hại, gϊếŧ hết cả một nhà hơn trăm mạng người già trẻ, trên dưới. Vị võ tướng kiêu hùng chống kiếm đứng giữa biển máu của người thân lẫn kẻ thù, trên tay là đứa cháu trai mới được mười ngày tuổi. Nếu không có đứa nhỏ ấy, có lẽ ông đã đánh một trận cuối cùng cho tới chết để đi theo cha mẹ, vợ con. Cuối cùng, ông chọn cách đem theo ấu hài rời khỏi chốn bùn nhơ của quan trường, thoái ẩn nơi thâm sơn cùng cốc này, thoát ly vòng quyền hành, danh lợi. Hôm nay, ông cũng chính là chủ hôn, đôi mắt rưng rưng như được nhìn thấy lại cảnh đoàn viên hạnh phúc xưa kia, trìu mến chúc cho đôi trẻ bạc đầu giai lão, vĩnh kết đồng tâm, chỉ cầu bình yên sống bên nhau một đời.
Chỉ cầu bình yên sống bên nhau một đời.
Tân lang lẫn tân nương, cũng như những người dân xung quanh, họ neo lại với nhau bằng nỗi đau của số phận, bằng sự cầu mong tĩnh lặng trong tâm hồn. Nên họ thấu hiểu và xúc động vô cùng trước lời chúc ấm áp được cất lên bằng chất giọng vang vang, hào sảng đặc trưng của một võ tướng.
Đông Quân nhìn Phượng Nghi, làn da hơi xanh trong bộ hỷ phục được may bằng vải gấm loại thô, nhưng đường kim lại rất sắc sảo. Từng bông hoa được dì Triệu thêu lên cũng bằng chỉ đỏ, tỉ mẩn từng cánh một, lớp hoa này chồng lên lớp hoa kia, sắc hoa từ đậm sang nhạt, từ dày sang mỏng, khi nghiêng, khi đứng. Từng mũi kim tinh tế của dì đã giấu hết đi sự thô ráp của chất vải rẻ tiền được mua từ những đồng tiền nghèo khó của Trương trưởng thôn. Vị võ tướng từng hô mưa gọi gió khi xưa chẳng cất lại được đồng nào cho riêng mình, rong ruổi chinh chiến vì giang sơn bao nhiêu năm trường chỉ đổi lại hai bàn tay trắng với món nợ máu nhức nhối. Còn dì Triệu cũng là ca nương nức tiếng kinh thành mấy chục năm trước, xét cầm kỳ thi họa thì không một thiên kim tiểu thư nào có thể sánh được, mà cưỡi ngựa bắn cung cũng có thể so ra với nam tử hán, đại trượng phu. Ca nương Triệu Bình không biết đã làm say lòng biết bao nhiêu tao nhân mặc khách, làm điêu đứng biết bao công tử thiếu gia một thời giờ lại là người phụ nữ bình dị, hòa ái nơi đây. Không ai biết điều gì đã đưa vị ca nương ấy tới chỗ heo hút này, dì cũng chẳng kể cùng ai nỗi truân chuyên trên bước đường lưu lạc, nhưng mọi người đều dám chắc đau thương của dì chẳng kém một ai nơi đây.
Đông Quân cười, nụ cười chàng lan ra hết cả gương mặt, ngời lên trong ánh mắt. Chàng cứ cười mãi, nụ cười neo trên môi chàng, không chịu rời đi. Lúc chàng dẫn Phượng Nghi dừng lại thôn Vân, cũng là nơi cuối cùng giữa chốn phàm trần có liên quan tới chàng và tiểu Phượng, chàng đã sợ đến hoảng hốt. Chàng sợ sự đau thương của năm xưa, lúc Phượng Nghi đọa ma khiến ký ức của nàng quay lại, nhưng hình như nàng rất thích chốn này. Sau đó, nàng nói rằng muốn sống ở đây cùng chàng một đoạn thời gian. Mà chàng từng nói chàng là phu quân của Nghi Nghi, sao chưa bao giờ có hôn lễ nào? Đông Quân đã hứa rằng ngay khi đặt chân trở lại thiên giới, chàng sẽ làm cho nàng một hôn lễ chấn động cả tứ hải bát hoang. Nhưng Nghi Nghi lắc đầu, muốn cùng chàng kết thành phu thê luôn lúc này, làm một đôi vợ chồng phàm trần, vui niềm vui thế tục. Đông Quân liền gật đầu, giờ đây ngẫm đi ngẫm lại, vẫn cảm giác như chàng đang nằm mộng, chàng sợ tỉnh giấc, chàng sợ đây chỉ là một giấc phù hoa của nỗi niềm mong mỏi trong lòng chàng mà thôi. Nhưng Phượng Nghi đang ở đây, tay trong tay chàng, đôi tay mềm mại, nhỏ bé và ấm áp này làm sao có thể là mộng được.
Khi Phượng Nghi nghe những câu chuyện buồn của người dân thôn Vân, nàng thở dài, quay đầu sang nói thầm vào tai chàng rằng nàng muốn được làm phàm nhân, nàng ghen tị với hạnh phúc của họ. Khi ấy, chàng chưa hiểu ý nàng, nên đã hỏi lại, nàng chỉ cười buồn rồi lắc đầu. Nhưng lúc này đây, khi đang vái trời đất chàng bỗng nhiên hiểu ra sự ghen tị của nàng. Những con người này, họ có đau khổ, bi thương, tuyệt vọng đến thế nào thì cũng chỉ phải sống như thế một kiếp này thôi, đến khi qua cầu Nại Hà, uống một chén canh của Mạnh Bà, vậy là trôi đi hết thảy. Có thâm cừu đại hận, có tử biệt sinh ly, có lòng tan dạ nát, cũng thôi, cũng hết, lại có thể bắt đầu sống một cuộc đời khác, yêu hận lại từ đầu. Nhưng thần tiên thì vẫn phải mang mãi nỗi đau đó, ký ức đó, sự bi thương đó vĩnh cửu cùng sinh mệnh.
Đó là một đêm dài triền miên. Tình yêu mấy vạn năm Đông Quân dành cho nàng, nỗi đau đớn và hận thù dai dẳng, cả sự tuyệt vọng khi biết nàng nhảy khỏi điện Diệt Linh, tất cả, tất cả đều khiến Đông Quân như muốn khảm nàng vào tận cùng tiên thể của mình, vào tận cùng trái tim nhiều vết thương của mình. Nhìn nàng mảnh mai run rẩy trong từng cơn hoan ái, gương mặt hơi xanh tái giờ đã ửng lên một mảnh màu hồng phấn mê đắm, Đông Quân không kìm được nỗi yêu thương. Hồng trần một thoáng hay thiên giới ngàn năm, giờ phút này đây, chẳng còn quan trọng nữa, Đông Quân ôm ghì lấy nàng, bao bọc cả phần run sợ của nàng, như muốn ôm trọn cả mấy vạn năm yêu hận mà biến thành hư không, mà biến thành giây phút đầy diễm phúc này.
Đêm nay trăng sáng quá, từng ánh trăng mỏng manh xuyên qua rèm cửa, đậu từng đóa vàng trên lớp hỷ phục đỏ tươi. Trên chiếc giường cưới được rải bằng rất nhiều cánh bạch lan, có hai người đang chìm trong nhau. Chàng trai hôn lên đôi mắt của cô gái, thấy được cả vị mặn của hạnh phúc. Chàng khẽ nở nụ cười, nụ cười của sự an tâm, viên mãn, của sự chua xót đã trôi đi, của sự chờ mong đã đạt được.
Nụ cười treo trên môi chàng, cũng như ngọn hồng đăng rực rỡ đang treo trước cửa phòng tân hôn, đều không thể ngờ rằng, cũng sẽ lịm tàn vào đêm, trước khi ánh bình minh kịp đến.