Chương 24

Con đường nhỏ sau lưng tôi mỗi lúc một dài rộng thêm, mênh mông thêm tựa hồ như biển lớn.

Chỗ tôi đứng không sáng lắm, tôi lại đang khoác thêm một chiếc áo bên ngoài nên có lẽ anh đã không thấy dưới lớp áo đó là một hình hài đang lớn lên theo ngày tháng. Sau hôm đó tôi không gặp lại anh nữa, anh hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống của tôi, đôi khi tôi tự nghĩ có khi phút giây đó cũng chỉ là ảo giác.

Tôi dần quen với cuộc sống không có anh, dần quen với những đêm dài hiu quạnh, quen với nhịp sống mới và những con người mới, dần dần tôi quên anh.

Thời nay đồ may sẵn bán ở ngoài chợ đẹp mà rẻ nữa nên lúc mới mở tiệm may khách không nhiều, tôi học theo cô Lâm, may đồ cho khách phải giống như đang may cho chính bản thân mình, mình phải thoải mái thì khách mới thấy thoải mái, dần dần trời thương nên tôi cũng có một lượng khách ổn định.

Chỗ tôi thuê ở gần chợ, gần trường nên những ngày lễ tết tôi còn lấy thêm hoa tươi để bán, thỉnh thoảng còn mày mò làm bánh kem, đồ ăn vặt bán cho mấy người quen xung quanh. Được cái tôi khéo tay với cũng thích làm mấy cái này nên được nhiều người khen, dần dà tôi đăng luôn lên mạng, cứ có ai đặt lại hì hục làm để giao, tôi làm đủ nghề, một phần vì muốn kiềm tiền, hơn nữa tôi không muốn bản thân mình nhàn rỗi quá.

Lần đó có một chị gọi điện đặt hoa và bánh kem mang tới cho cửa hàng điện máy nhân dịp khai trương chi nhánh mới, lúc họ tới lấy thì tôi chưa kịp làm xong bánh nên đành nhờ họ mang lẵng hoa về trước còn mình sẽ giao bánh sau. Tôi theo địa chỉ chạy tới, vừa tới cổng thì gặp anh Hoàng là chủ cửa hàng ở đó, anh nhìn tôi áy náy:

-Anh đang định cho người tới chỗ em để lấy, em mang thai thế này đi lại vất vả quá.

Tôi đưa tay lên quệt mấy giọt mồ hôi trên trán, lúc đó thấy sung sướиɠ lắm, kiểu không nghĩ có ngày mình được giao hàng cho cửa hàng lớn thế này, tôi cười trả lời anh:

-Không ạ, em phải cảm ơn anh mới đúng chứ ạ, cảm ơn anh đã đặt hàng chỗ em.

-Ừ, anh được một người bạn giới thiệu, nó nói em làm bánh ngon, trà sữa cũng ngon, sau này nếu cần thì anh liên lạc nữa nhé.

Tôi hơi ngạc nhiên, tôi chỉ bán loanh quanh nhưng không ngờ còn được giới thiệu mối nữa, chưa kịp trả lời thì anh Hoàng hỏi:

-À, nghe nói em còn may nữa phải không? Để anh kêu người đo rồi mang số đo tới em may giúp anh ít đồng phục nhé, bạn anh nói em may lúc nào cũng vừa ý.

Tôi sững mất mấy giây, sau cùng vui quá cười xòa:

-Dạ, thế để em tới đo ạ, khi nào cần thì anh báo em nhé.

Anh Hoàng khoát tay nói:

-Không cần tới, để anh nhờ người mang tới cho em.

Hình như trời thương tôi thật, sau hôm đó hầu như tuần nào tôi cũng có đơn ở cửa hàng anh, mấy chị nhân viên thường đặt đồ ăn nhẹ mỗi buổi chiều hay thỉnh thoảng lại đặt mang về cho con, sinh nhật nhân viên mình anh Hoàng cũng đặt bánh kêu tôi làm, có hôm anh còn hỏi nếu tôi không bận quá thì anh sẽ giới thiệu cho tôi thêm mấy cửa hàng gần đó, cũng là chỗ quen biết của anh. Phải nói vào thời điểm đó anh Hoàng đã giúp đỡ cho tôi rất nhiều, anh giới thiệu cho bạn bè người quen ủng hộ tôi, sau này đồng phục anh cũng đặt tôi may luôn cho nhân viên. Tôi cứ quay cuồng làm đủ thứ việc, bận bịu tới mức quên nỗi đau khi xưa, quên một cách tự nhiên, nhẹ nhàng như một điều đương nhiên, không hoài niệm nữa, không nhớ nữa.

Con tôi chào đời vào một buổi sáng mùa thu trời trong xanh nắng nhẹ, bên cạnh tôi là mẹ, là thằng Sang, và cả Nguyên. Giây phút mẹ bế con lại cho tôi, hình như l*иg ngực tôi căng cứng như trái bóng, cuối cùng khi nhìn từng đường nét của anh trên khuôn mặt con tôi mới vỡ òa. Mùa thu, đâu đó trong niềm hạnh phúc vô bờ bến là vài chút chạnh lòng từ đâu dội lại..

Ba mẹ tôi già yếu rồi nên tôi không muốn làm phiền mẹ nhiều, sinh xong tôi vẫn ở lại tiệm, mẹ ở chăm thời gian đầu sau đó còn mỗi hai mẹ con tự chăm nhau, cũng may đối diện nhà tôi có bé Tâm hay chạy qua chạy lại giúp đỡ. Tâm ít tuổi hơn tôi, mồ côi bố, mẹ bị bệnh tâm lý nên không đi đâu xa được, Tâm mở quán tạp hóa bán trước sân để tiện lo cho mẹ.

Tâm quí cu Gạo nên ngày nào cũng chạy đi chạy về mấy bận, ngoài biệt danh là camera di động của xóm ra thì cái gì Tâm cũng tốt, cứ rảnh rỗi lại sang chơi với con cho tôi làm việc, có khi còn đưa về bên đó cả ngày mãi tới muộn mới đưa về cho tôi. Lâu ngày thành ra quen hơi, tôi muốn đi đâu thì đi, cứ hộp sữa và mấy cữ bột là hai cô cháu đu đưa qua ngày.

Tiệm may lớn dần, tôi không còn phải chật vật làm bánh hay đồ ăn vặt nữa, chỉ thỉnh thoảng mới làm cho người quen, anh Hoàng giới thiệu cho tôi thêm mấy mối may đồng phục nên cứ có đồ may lai rai, vừa chăm con vừa may.

Anh Hoàng còn hay mua sữa cho Gạo, lâu lâu ghé lấy đồ lại mua cho con tôi mấy hộp sữa, có khi thì vài bộ đồ. Tôi không muốn nhận ơn huệ của một người xa lạ như thế nhưng nói thế nào anh cũng không nghe, anh nói coi như có duyên với mẹ con tôi nên giúp đỡ. Có lần anh còn cười nói:

-Yên tâm đi, sau này kiểu gì anh chẳng đòi lại được gấp mấy lần, Gạo nhỉ?

Từ chối mãi không được nên tôi đành nhận lời, vừa áy náy vừa đùa:

-Vâng, thế bác Hoàng đợi sau này cháu lớn rồi cháu mời rượu bác nhé, chứ mẹ cháu thì không biết lấy gì để trả rồi.

Anh Hoàng chỉ ừ ừ rồi lại cúi xuống tập cho Gạo xếp đồ chơi, tôi sực nhớ ra vội hỏi:

-Mà anh Hoàng này, nhà anh có con nít hay sao mà lần nào mua đồ cho Gạo cũng vừa i như vậy? Thật đấy, em là mẹ nó mà có khi chọn còn không mặc vừa bằng anh nữa.

Anh Hoàng vẫn cắm cúi chơi với Gạo, anh buột miệng:

-Thì lần nào anh chẳng chụp hình của Gạo…À không, ý anh là anh nói với nhân viên bán hàng thằng bé cỡ bằng này, bằng này rồi họ chọn cho anh.

Vừa nói anh Hoàng vừa dơ tay lên diễn tả.

Trước khi về anh Hoàng còn dặn:

-Hai hôm nữa tới ngày sinh nhật cửa hàng, khách hàng mua hóa đơn trên một triệu đều có cơ hội bốc thăm trúng thưởng đấy, em thử ghé mua gì thử vận may đi.

Tôi cười:

-Đời em chưa bao giờ trúng số anh ạ, mười nghìn cũng chưa.

-Thì biết đâu bây giờ may rồi, mà cần gì trúng mười nghìn, trúng được cục vàng này là nhất rồi Gạo nhỉ?

Anh Hoàng vừa nói vừa đưa tay vuốt lên má Gạo một cái trước khi rời đi.

Không phải tôi mong gì trúng số đâu nhưng anh Hoàng đã nói thế, lại cũng nhận của anh nhiều rồi nên ngày hôm đó tôi nấu một nồi trà sữa to rồi mang tới cửa hàng, vừa để tặng mấy anh chị trong đó vừa mua gì đó tham gia cho vui.

Thấy tôi tới chị Oanh hồ hởi:

-Ông trời thương hay sao ấy, hôm nay nắng nôi mà khách đông nên vất vả, vừa mới nói với tụi nó ước gì có ly trà sữa mà uống thì em tới.

Tôi đặt trà sữa lên bàn, vừa lau mồ hôi vừa cười:



-Thế hóa ra em là bà tiên của mấy chị à?

-Ừ, bà tiên, à không, cô Tiên.

-Tiên mà chả bao giờ thấy đặt ủng hộ gì cả, mấy chị phải mua nhiều em mới có tiền nuôi con em chứ?

Chị Oanh đưa trà sữa lên hút một hơi gần hết nửa ly rồi mới quay sang tôi thủng thẳng:

-Anh Hoàng không cho, anh Hoàng nói để em có thời gian nghỉ ngơi nữa, may thôi là được rồi.

Tôi ngẩn ra một chút, nghĩ mãi chẳng biết vì sao chị Oanh lại nói thế. Đang im lặng thì chị Oanh vỗ vỗ vào vai:

-Thấy hôm nay nhộn nhịp hơn ngày thường không? Lát có bốc thăm trúng thưởng đấy, em mua gì không chị lấy cho?

Tôi cũng chẳng biết phải mua gì, đắn đo mãi đành kêu chị Oanh lấy cho mình cái bếp hồng ngoại, ở nhà đang dùng bếp ga nhưng có hôm đang nấu dở nồi cháo cho con thì hết ga, đợi mãi không được phải mang sang nhà cái Tâm nấu nhờ.

Tham gia bốc thăm cho vui thế thôi ai ngờ tôi trúng thiệt, lúc nghe tới tên mình trúng thưởng tôi còn tưởng người ta đọc nhầm, mãi tới lúc nghe anh Hoàng trêu mới biết là thật, anh Hoàng nói:

-Lời to nhé, mua có mỗi cái bếp hơn một triệu mà trúng hẳn cả cái nồi nấu chậm giá còn hơn cái bếp nữa, nồi này về hầm cháo với củ quả cho Gạo thì khỏi chê.

Thấy tôi hình như chưa tin lắm anh nói tiếp:

-Anh đã nói rồi mà, nhiều người sinh con xong đổi vận lắm.

Hôm đó trên đường về tôi vui đến nỗi miệng không khép lại được, cứ tưởng cả đời này chẳng bao giờ có cái may mắn từ trên trời rớt xuống thế mà ai ngờ cũng có ngày trúng thiệt, chắc anh Hoàng nói đúng, có con đời tôi may mắn hơn biết bao nhiêu, lúc này xung quanh toàn người tốt, ba cũng không còn ghét như xưa nữa. Đời này, chỉ cần Gạo là của riêng tôi là đủ rồi.

Về tới nhà tôi thấy cô Hai chủ nhà đang nhổ mấy vạt rau trong vườn, phía trước sân nhà cô có một miếng đất trống, đợt sinh Gạo xong tôi mới cuốc đất để trồng mấy vạt rau, vừa để có cho hai mẹ con ăn vừa để bận chăm sóc một chút.

Nhìn đám rau mình mới bỏ công trồng bị nhổ hết cả gốc tôi bất lực hỏi cô:

-Cô ơi, sao cô nhổ hết rau của cháu thế?

Cô Hai vẫn lạnh lùng lôi luôn mấy gốc rau lang, tôi chạy vào giành lại:

-Rau cháu mới trồng, mùa này sâu nhiều nên cháu phải chăm mãi đấy.

Lúc này cô Hai mới buông tay nhìn tôi, nét mặt thì vẫn bình thường mà sẵn đang bực nên tôi thấy thật khó coi, cô cười cười:

-À Nghi à, cô cũng định nói với cháu nhưng không có cháu ở nhà, đợt cô cũng chỉ cho cháu thuê nhà thôi nên mảnh vườn này hôm nọ chú có kêu cô xuống bảo cháu dọn để cho chú trồng mấy giàn bầu, giàn bí. Cháu thông cảm, ông ấy già rồi nên muốn tìm việc gì đó làm cho khuây khỏa ấy mà, chứ xem ti vi mãi cũng chán.

Tôi biết thừa cô lại đổ thừa cho chú Hai chứ chú Hai hiền lành tốt tính đời nào đi làm mấy chuyện đó, nghĩ lại công mình mới đào xới rồi thức đêm thức hôm bắt sâu vì không muốn phun thuốc, tôi tức đến trào nước mắt. Tính tình cô Hai trước giờ thuộc dạng điêu ngoa, cũng mấy lần kiếm chuyện với tôi rồi nhưng ngặt nỗi chỗ này ở quen rồi, lại ngay mặt đường thuận tiện nên tôi không nỡ rời đi.

Chưa biết nói gì nữa thì cô Hai đã liếc thấy mấy cái hộp tôi vừa để ở sân, cô nhón nhón chân:

-Mà cái gì thế, cái gì mà nhiều hộp thế?

Lúc nào cũng tò mò chuyện của người khác, tôi không muốn trả lời nhưng biết cô hay ghen tị so bì với người khác nên tôi chọc tức:

-Đồ cháu mới mua cô ạ, một cái mua một cái bốc thăm trúng thưởng, may trời thương nên cháu bốc trúng giải thưởng to ơi là to.

Cô Hai tiếc rẻ:

-Đâu, ở chỗ siêu thị điện máy ấy hả? Sao cô không nghe gì nhỉ?

-Cái đó làm sao cháu biết được, mà cô này, thế mai mốt cô trồng rau trong vườn rồi cháu phải làm sao? Có ai bỏ tiền đi thuê nhà mà phải đưa chìa khóa cổng cho chủ nhà bao giờ?

-Thì mày ở nhà suốt, mà cô có tới trồng thì cũng chỉ mở mỗi cái cổng thôi chứ liên quan gì đến trong nhà đâu mà sợ.

Tôi cương quyết:

-Cháu không biết, những lúc cháu đi công chuyện mà mất gì hoặc đêm hôm có chuyện gì thì cháu tìm cô trước.

Cô Hai vừa bỉu môi lên:

-Mày…

Thì cái Tâm đã từ đâu chạy tới kéo kéo tay tôi:

-Thôi, thôi, chị cứ để cô ấy muốn làm gì thì làm.

Rồi nó lại quay sang cười giả lả với cô Hai:

-Kệ chị ấy cô ạ, để bữa nào cháu ra đằng kia đánh cho cô cái chìa khóa nhé.

Nói xong nó kéo tay tôi vào nhà, tôi tức quá đâm ra gắt nó:

-Mày cứ để tao nói với cô ấy cho ra ngô ra khoai, ở được thì ở mà không thì tao đi chỗ khác thuê chứ làm gì quá đáng vậy.

Nó liếc ra vườn rồi ghé sát tai tôi nói:



-Không phải cô ấy muốn lấy đất trồng rau đâu, cô ấy nhiều chuyện, hôm nọ em nghe cô ấy thầm thì với mấy cô bán hàng ngoài chợ kìa. Cô ấy nói chị cứ hết anh Nguyên tới rồi lại anh Hoàng tới nên có ấy không thích.

Thấy tôi im lặng Tâm khẽ nói tiếp:

-Em thấy anh Nguyên là người tốt mà, sao chị không thử đến với anh ấy đi? Hay chị chưa quên bố thằng Gạo à?

Tôi cũng chẳng biết mình đã quên được anh chưa, chỉ là khi nghe Tâm hỏi thế trái tim tôi như lạc đi vài nhịp, có một thứ xúc cảm nào đó xoáy sâu vào tận tâm can, buồn man mác. Hình như tôi chưa hề quên anh, anh vẫn mãi nằm lại ở một góc nhỏ nào đó trong trái tim tôi, bao lâu nay tôi cũng đã nuôi Gạo không chỉ bằng tình mẫu tử mà còn bằng tình yêu giành cho giọt m.áu của người đàn ông tôi yêu, tôi đã luôn cố gắng hết sức để mang lại cho con cuộc sống mà trong tưởng tượng của mình tôi hay nghĩ, nếu như anh biết mình có một đứa con thì anh sẽ cho Gạo những gì?

Đã có lúc tôi từng nghĩ hay mình thử cho Nguyên một cơ hội, cũng là cho mình một cơ hội. Người đó đã có hạnh phúc của riêng mình, một ngày nào đó tôi cũng sẽ có những thứ tôi thuộc về, thế nhưng khi bàn tay Nguyên khẽ đan vào tay tôi, khi ngón tay Nguyên chạm vào chiếc nhẫn nhỏ xíu có hình chiếc lá màu xanh thì tim tôi nhói lên một cái, tôi lặng lẽ rút bàn tay về, tôi chưa quên anh, trái tim tôi không còn chỗ trống cho ai khác nữa. Tôi cũng chẳng biết mình sẽ nhớ anh đến bao giờ, sẽ không phải một đời, một đời rất dài, tôi không hi vọng mình sẽ nhớ anh suốt một đời, nhưng nếu chưa quên anh thì tôi không thể làm như thế, sẽ không công bằng cho cả tôi và Nguyên.

Nguyên tốt với tôi, tốt với tôi từ những ngày còn nhỏ, bao ngày tháng qua dù không nhắc gì về chuyện đêm đó nhưng lúc nào cũng âm thầm ở bên cạnh lo cho mẹ con tôi từ những thứ nhỏ nhất, như một sự bù đắp, sự chuộc lỗi. Nhưng đối với tôi mà nói đó chỉ là sự quen thuộc, mà tình yêu là xúc cảm của trái tim, nó không cần quen thuộc.

Tôi biết Tâm mến Nguyên, nhà Tâm cũng hiu quạnh, ba mất sớm nên có mỗi hai mẹ con nương tựa vào nhau nhưng ngặt nỗi mẹ Tâm đau yêu suốt. Mỗi lần về thăm tôi Nguyên thường hay sang nhà sửa giúp Tâm mấy đồ đạc bị hư, có lần đêm hôm mưa gió nước dâng cao Nguyên một mình mang áo mưa chạy đi chạy lại giữa hai nhà kê gác đồ đạc. Nó cứ thế biết ơn rồi mến Nguyên lúc nào không hay, có lần nó nỏi:

-Ở đây ai cũng khinh nhà em chị ạ, nhà em đã nghèo mà mẹ em còn bệnh nữa, mấy lần lên cơn cứ ra ngoài chợ hát linh tinh nên em cũng chẳng có bạn bè gì, may mà có chị về đây ở cùng, có cả anh Nguyên nữa, việc gì anh ấy cũng giúp em.

Chính vì Tâm có tình cảm với Nguyên nên tôi lại càng không muốn Tâm hiểu nhầm, tôi cười:

-Chị với anh Hoàng không có gì với nhau đâu, anh Hoàng có bạn gái rồi, chị ấy làm kế toán chỗ cửa hàng luôn, mấy lần tới đó chị có gặp rồi mà, em đừng nghe cô Hai nói linh tinh.

-Vâng, em cũng nói thế, em nói bạn gái của cái anh Hoàng đấy có tới đây may đồ mấy lần rồi mà cô Hai không tin, chị cứ kệ cô ấy đi, trước giờ tính cô ấy thế.

-Ừ, mà Tâm này.

-Dạ?

-Chị với Nguyên cũng không có gì với nhau cả, thật đấy, tụi chị chơi chung với nhau từ ngày còn nhỏ, Nguyên tốt tính nên hay giúp người khác, giúp chị cũng như giúp em vậy thôi.

Nghe tôi nói thế Tâm bẽn lẽn cúi mặt cười, lén lút thôi nhưng tôi cũng thấy được.

Hai mẹ con tôi cứ thế trải qua những ngày tháng yên bình, mỗi tuần mẹ lên thăm tôi vài lần, ba chở mẹ tới nhưng không vào, lần nào mẹ cũng nói ba đi công chuyện nhưng tôi biết ba chỉ ra quán cà phê đầu đường ngồi đánh cờ với mấy bác trung tuổi gần đó.

Có một hôm khuya rồi nhưng ba vẫn còn ngồi ngay bậc thềm hút thuốc, bóng ba cô độc đổ xuống sàn. Tôi tiến đến định ngồi với ba một chút, ba già nhanh từ đợt tôi sinh con, mái tóc bạc gần hết, nét mặt cũng nhiều lần thoáng vẻ đăm chiêu.

Bước thêm mấy bước thì thấy thằng Sang đã ngồi xuống bên cạnh ba, nó đưa tay gỡ điếu thuốc trên tay ba rồi cất giọng đều đều:

-Ba lại nghĩ tới chuyện của chị à?

Ba tôi không nói gì chỉ im lặng thở dài, tiếng thở dài nặng nề đến mức tôi cũng có thể nghe được.

-Lúc chiều anh Nguyên nói gì với ba à? Con thấy anh Nguyên tới tìm ba.

-Ừ, nó là người tốt.

Thằng Sang cúi mặt lẩm bẩm:

-Tốt thì cũng có phải là ba ruột thằng Gạo đâu.

Lặng một lát ba tôi mới trả lời:

-Mình chị mày thân gái yếu ớt, rồi làm sao mà gồng ghánh nuôi con được đây? Đã hết duyên hết nợ với thằng kia thì cũng phải tìm cho mình một người mà dựa vào chứ, đêm hôm con đau ốm một mình rồi phải làm sao ? Thằng Nguyên có cái gì không tốt ?

Thằng Sang não nề :

-Chẳng phải ba cũng tốt với mẹ, cũng thương mẹ đấy thôi, nhưng đến cuối cùng ba cũng có bao dung được cho chị đâu ?

Ba giật mình một cái rồi đưa mắt thảng thốt nhìn thằng Sang.

Một luồng cảm xúc phức tạp và hỗn độn trào dâng trong tâm can, đôi vai tôi nặng trịch tựa hồ như có ai đó cầm tay kéo xuống, có thứ gì đó đâm vào tận xương tủi tôi, đau đớn tận cùng.

Hóa ra không phải ba ghét tôi mà là tôi đã chạm vào nỗi đau ba đã giấu kín tận nơi sâu nhất trong tâm khảm của mình.

-Em biết lâu rồi chị ạ.

Thằng Sang nói khi hai chị em tôi đưa Gạo ra ngồi trên triền đê hóng mát.

-Lần đó em nghe ba mẹ cãi nhau, ba chị, à không, người đàn ông đó, à không ba chị…

Nó bất lực trong việc phải dùng từ gì đó để nói về mối tình đầu của mẹ, về người ba ruột của tôi nên cứ ngắc ngứ mãi cuối cùng nó im lặng thở dài.

Tôi đưa mắt nhìn xa xăm hỏi nó :

-Tính ra đến cuối cùng người đáng thương nhất là ba nhỉ ?

-Vâng, tại mẹ cứ chấp niệm quá, ngày đó ba vì yêu mẹ mà không muốn mẹ phải chịu ánh mắt khinh khi của người đời, không phải ba ghét chị đâu, ba nói vì chị giống người đàn ông kia nên ba đau lòng.

Nó choàng tay qua ôm vai tôi, nó lớn rồi chẳng cần phải nhón nhón chân như ngày nhỏ nữa, hai cánh tay vạm vỡ của nó ôm chặt lấy tôi, thật chặt, cũng thật vững chãi :

-Yên tâm, sau này kiếm được nhiều tiền em nuôi cả hai mẹ con, lúc đó không phải làm đủ nghề như bây giờ nữa.