Chương 38: Theo dấu Đức Thánh Trần 7

Ta phì cười: "Haha, là thật, thời của chúng ta hơn 700 năm sau không còn chế độ vua chúa, tư tưởng khá thoải mái, bọn ta nam nữ không phân biệt, đều sẽ được đến trường học. Nhưng bọn ta không học tứ thư ngũ kinh mà học những thứ khác như văn chương, tính toán, địa lý, lịch sử... Tới 18 tuổi thì sẽ có kì thi quan trọng như thi đình ở thời này ấy để vào được trường dạy kiến thức chuyên môn phục vụ cho công việc sau này ví dụ như học pháp luật, sau ra làm thầy cãi. Ai có năng khiếu nghề nào theo học nghề đó, phụ nữ cũng có thể làm quan, lộ mặt ra đối ngoại. Mấy chục năm trước khi ta sinh ra, nước ta cũng phải trải qua chiến tranh, hội nghị đàm phán hòa bình dẫn đầu là 1 nữ tướng ngoại giao xuất sắc nhất thời ấy, bà ấy tên là Nguyễn Thị Bình, bà Bình 1 khi mở miệng ra nói chuyện là phe quân địch không thể cãi lại luôn”.

Trần Thần nghe ta kể chuyện, mắt chữ A, miệng chữ O, hắn hỏi lại: “thật sao, không còn vua chúa. Vậy ai đứng đầu 1 nước?”

Ta đáp: “Chúng ta có chế độ 4 năm bầu cử 1 lần, ai có số phiếu bầu cao sẽ lên làm chủ tịch, tức là chức vụ tương đương với vua, còn có thủ tướng tương đương với chức vụ thái sư ở thời này, đương nhiên quân đội vẫn có để gìn giữ hòa bình, nhưng chế độ của chúng ta không còn cha truyền con nối như thời này nữa”.

“Ồ, ồ..”. Trần Thần gục gặc đầu vẻ đã hiểu.

Chờ thêm 1 lát Vương gia dùng bữa xong, ngài mang theo Trần Thần cùng đi vào Hoàng thành.

Ra khỏi phủ, leo lên lưng 2 con chiến mã đã chuẩn bị sẵn, 2 người, 1 chủ 1 tớ, 1 trước 1 sau bắt đầu thúc ngựa đi nước kiệu chậm rãi xuyên qua đường phố náo nhiệt.

Lúc này ta lại chủ động bắt chuyện: “ta nghe nói, Thăng Long từ xưa đã có 36 phố phường nhộn nhịp. Hôm nay được thấy thật đúng là vô cùng náo nhiệt, sáng sớm hàng quán bày biện san sát, người mua kẻ bán tấp nập”.

Trần Thần tiếp lời: “Đúng rồi, từ thời nhà Lý khi kinh đô dời từ Hoa Lư về Đại La, sau lại đổi tên thành Thăng Long, dân chúng khắp nơi đổ về lập chợ làm ăn buôn bán, thấy người này đem hàng loại này đến bán ở chỗ đất đó đắt khách thì những người cùng ngành hàng cũng di chuyển tới khu đó theo để cạnh tranh, sau thì tự nhiên mà thành các khu chợ theo từng loại hàng, rồi chính quyền cũng nhân đó mà quản lý và quy định nơi bày bán theo ngành hàng, từ đó mới hình thành các dãy phố, có cái gọi là 36 phố phường. Để dễ nhớ tên phố, người ta sáng tác ra bài vè như thế này:

Rủ nhau chơi khắp Long Thành,

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai;

Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,

Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay,

Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy,



Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn,

Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang,

Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng,

Hàng Muối, Hàng Nón, cầu Đông,

Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè,

Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,

Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.

Quanh đi đến phố Hàng Da,

Trải xem Hàng phố, thật là cũng xinh.

Phố hoa thứ nhất Long Thành,

Phố giăng mắc cửi, đàn quanh bàn cờ.

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,



Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền.”

“Hay hay hay!!!” ta cất tiếng khen ngợi, rồi hỏi: “Vậy ngươi có biết ý nghĩa của tên thành không? Tại sao lại gọi là Thăng Long?”

Trần Thần mỉm cười trả lời: “Thăng long nghĩa là Rồng bay lên, vừa hợp phong thủy khi bao quanh là sông dài uốn lượn, cạnh Hoàng thành lại có hồ lớn như đầu rồng, vừa ngụ ý đất phương nam ta có Hoàng Đế, kinh thành này chính là của Hoàng đế cõi nước nam. Tên này có ý đánh dấu chủ quyền lãnh thổ, Đại Việt là 1 quốc gia độc lập có vua, giống như bài thất ngôn tứ tuyệt được lấy làm tuyên ngôn chống Tống ngày xưa.

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

(Bản dịch của Trần Trọng Kim

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.)”

Đọc xong bài thơ, hắn vui vẻ vuốt chòm râu ngắn tủn cắt tỉa gọn gàng trên cằm. Đi 1 lát hắn chỉ tay về phía trước, "sắp ngang qua bến Đông Bộ Đầu, chỗ này có điện Phong Thủy là nơi nghỉ chân của vua khi đi từ Hoàng thành ra.” Ta nhìn theo hướng tay chỉ, cung điện được xây sát mép nước, có vẻ như kiến trúc cổ khá phổ biến của người Việt – nhà 3 gian 2 chái, cửa sổ hình tròn có hoa văn bông sen, mái ngói mũi, uống cong vểnh lên tạo hình ở 4 góc, cột trụ trơn, chân đế khắc đài hoa sen ôm xung quanh cột, trên cửa gỗ, 2/3 cánh cửa phía trên chạm trổ hình rồng chầu thái dương, phía dưới là hình bông sen và 1 số họa tiết đệm rất tinh xảo. Vì đi ngựa qua nên ta cũng không kịp quan sát tỉ mỉ quang cảnh.