Thêm một tháng nữa, vẻ bên ngoài hạ bộ của Uông Trường Xích gần như đã trở thành bình thường. Nói vẻ bên ngoài bình thường là vì da đã liền sẹo, đi đứng cũng không còn khó khăn nữa, khi tiểu tiện cũng không còn nhói đau nữa, có điều của nợ ấy chưa thể cứng lên được. Nói tóm lại, chức năng quan trọng thứ hai của vật ấy khó lòng hồi phục. May mà trong thời gian ấy, Uông Trường Xích tạm thời chưa nghĩ, thậm chí là chưa cần đến chức năng ấy vì Tiểu Văn đang trong thời kì dưỡng thai.
Tâm tình của Tiểu Văn trong thời gian này đã ổn định dần dần, có điều cô vẫn thường cảm thấy đầu óc choáng váng, luôn luôn có cảm giác như đang ngồi trên thuyền, nhìn cây cối, nhà cửa, đường sá... tất cả dường như chao đảo, di chuyển. Do vậy mà chỉ cần một cơn gió động, một ngọn cỏ lay đều khiến Tiểu Văn bất an, lo lắng. Mỗi lần cô ấy có cảm giác mình đang ngồi trên thuyền, ngay lập tức hai tay cô ấy phải bám chắc vào bất kì vật gì ở bên cạnh, lúc thì thanh giường, lúc thì khung cửa, lúc thì đôi vai... Chỉ cần bàn tay có thể nắm được bất cứ cái gì, cô mới có thể gắng gượng để vượt qua cơn choáng ấy.
Uông Trường Xích muốn đưa Tiểu Văn đi bệnh viện kiểm tra nhưng Tiểu Văn lắc đầu nguây nguẩy nói:
- Chỉ cần có việc gì đó để em động chân động tay là hết choáng thôi mà.
Uông Trường Xích nhường công việc đi chợ, nấu cơm, may vá quần áo cho Tiểu Văn, có điều những công việc nhẹ nhàng ấy không đủ làm cho đầu óc cô tập trung chú ý nên thi thoảng, Tiểu Văn lại đưa tay ôm đầu, ngồi phịch xuống đất để cho cơn choáng đi qua đầu như một trận cuồng phong. Cuối cùng Uông Trường Xích đành phải dùng sức mạnh đưa Tiểu Văn đến khoa thần kinh. Bác sĩ quan sát lòng bàn tay, những đầu ngón tay rồi đề nghị Tiểu Văn nhắm mắt, đưa tay lên ngang mày... nói chung là đủ cách, đủ tư thế nhưng không phát hiện điều gì bất thường, cuối cùng đành phải yêu cầu Tiểu Văn đi chụp CT não bộ. Vừa hỏi giá cả xong, Tiểu Văn đòi đi nhà vệ sinh, vừa bước vào nhà vệ sinh là cô ấy đã mất tăm mất dạng. Uông Trường Xích ngồi đợi rất lâu ở hành lang, không thấy Tiểu Văn quay ra mới đề nghị nhân viên bảo vệ cho phép mình vào nhà vệ sinh nữ để tìm, lục lạo mọi ngõ ngách cũng không thấy bóng dáng Tiểu Văn đâu cả. Trong lòng vừa lo lắng vừa bực bội, Uông Trường Xích chạy ngay về nhà trọ thì thấy Tiểu Văn đang nấu cơm, làm như chuyện đến bệnh viện vừa rồi chưa hề diễn ra. Uông Trường Xích nói:
- Em có thể trốn tránh trách nhiệm, có thể tránh được người nhưng không thể trốn được bệnh tật.
Tiểu Văn đang gọt vỏ bí đỏ, dừng dao, nói:
- Tại sao em mát xa chân cho người ta thì không bao giờ bị choáng?
- Đúng thế! Tại sao vậy?
- Bởi một lẽ đơn giản là ngày nào cũng có tiền.
Uông Trường Xích nhớ lại và nhận ra rằng, lời Tiểu Văn cũng có lý nên mở rương lấy cuốn sổ gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng đưa đến trước mặt Tiểu Văn, nói:
- Em nhìn cho thật kỹ, ở đây còn ghi số tiền có đến năm con số.
Tiểu Văn đổ bí đỏ vào chảo, những tiếng xèo xèo vang lên. Vừa đảo bí, Tiểu Văn vừa nói:
- Chỉ có chi mà không có thu, đừng nói năm con số, cho dù có mười con rồi cũng sẽ hết thôi.
- Em yên tâm, ngày mai anh sẽ đi làm lại.
Sáng hôm sau, Uông Trường Xích đến tìm An Đô Lão. Lão ta vẫn nhận Uông Trường Xích vào làm việc, tiếp tục bố trí việc xây tường. Buổi chiều hôm ấy sau khi tan việc, trên đường xách hộp cơm của nhà ăn đi về nhà trọ, Uông Trường Xích bỗng nhiên nghĩ đến việc nên mua một cái gì đó để làm Tiểu Văn vui lòng. Đây là lần đầu tiên sau khi lên thành phố, Uông Trường Xích mới có ý tưởng này, nhưng khi đưa tay sờ vào túi, túi trống không, cậu mới nhận ra là mình không mang tiền theo. Lòng đầy thất vọng, Uông Trường Xích thất thểu lê chân về nhà nhưng bỗng nhiên, hình như đường phố sáng bừng lên một cách lạ thường, cây cối hai bên đường, những chiếc xe đang lao vun vυ"t, cửa hàng quần áo, cửa hàng thực phẩm... tất cả như sáng hơn ngày thường vài ba lần, ngay cả những rác bẩn lổn ngổn trên đường cũng sáng rực lên. Uông Trường Xích phát hiện có một bó hoa hồng bị ai đó vất lăn lóc trên vỉa hè, cúi người nhặt lê, cậu mới nhận ra hầu hết đều đã khô héo, chỉ còn hai cành tạn gọi là còn tươi. Sợ làm rơi những cánh hoa tươi nên cậu ấy rất nhẹ nhàng, cẩn thận rút hai cánh cây ấy ra khỏi bó hoa.
Khi chuẩn bị bước ra khỏi cửa, Uông Trường Xích giấu một bàn tay sau lưng, đi thẳng đến trước mặt Tiểu Văn mới đột ngột đưa hai bông hoa ra. Qúa sức bất ngờ, Tiểu Văn há to miệng, ánh mắt lấp lánh sáng, đưa hai bông hoa lên mũi ngửi rất lâu như thể để cho mùi hương của nó lan tỏa vào trong cơ thể mình. Nhưng ngay lập tức, Tiểu Văn có cảm giác là mùi hương của hai bông hồng có gì đó không ổn, nhìn thật kỹ, cô nhận ra là những cánh hoa đã bắt đầu nhăn nhúm. Mặt Tiểu Văn thay đổi nhanh chóng:
- Bao nhiêu một cành hoa này?
- Em đoán xem. - Uông Trường Xích nói với giọng đắc ý.
Tiểu Văn ném hai cành hoa lên mặt bàn:
- Ngu ngốc! Anh bị người bán hoa lừa rồi.
- Thật thế sao?
- Anh không mở mắt khi mua hoa à? Hoa đã úa rồi.
Uông Trường Xích cầm hai bông hoa lên ngửi, nhận ra rằng tuy mùi thơm của nó không còn nồng nàn nữa nhưng cũng không hề bốc lên mùi héo úa. Cậu nói:
- Hoa là anh nhặt được đấy.
Miệng của Tiểu Văn lại há ra lần nữa, ngay lập tức giằng lấy hai cành hoa trên tay Uông Trường Xích, tiếp tục đưa lên mũi ngửi rồi cắm nó vào một chiếc ly uống nước, đặt lên đầu giường. Căn phòng đột nhiên như sáng hẳn lên, có thêm chút sinh khí, Uông Trường Xích nói:
- Bây giờ sao không còn hôi nữa thế?
- Nếu không tốn tiền thì không hề héo úa.
Nhờ vào hai cành hoa mà Tiểu Văn ăn thêm được nửa bát cơm. Ăn cơm xong, cô lấy nước vẩy mấy giọt lên bông hoa. Lâu lắm rồi, Uông Trường Xích mới thấy Tiểu Văn vui vẻ, mà cô vui thì cậu cũng vui. Sau niềm vui, Uông Trường Xích nghĩ mãi điều gì khiến Tiểu Văn vui đến như vậy. Nhất định lời giải không nằm ở chỗ hai bông hoa mà chính là ở chỗ không mất tiền mà lại có hoa để ngắm. Từ đó về sau, trên đường về nhà mỗi buổi chiều, Uông Trường Xích luôn luôn có một vật gì đó trên tay, chẳng hạn như một hộp các tông đựng giấy, một dây thừng buộc hàng, một chiếc vợt bóng bàn đã bong tróc hết lớp da bọc... Những thứ ấy hoặc là cậu nhặt được trên đường về, hoặc là thuận tay nhón lấy trong đống rác của công trường, nhưng tất cả đều làm cho Tiểu Văn há miệng kinh ngạc và kèm theo là những tiếng cười vui vẻ. Để có thể kéo dài niềm vui nho nhỏ ấy cho Tiểu Văn, tầm mắt của Uông Trường Xích cũng dần dần mở rộng, mọi ngóc ngách trên đường phố đều được cặp mắt cậu soi mói, một mẩu phế liệu vất trên công trường đều được cậu nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, đôi khi trong đầu óc cậu cũng xuất hiện một ý nghĩ ăn trộm nhưng may mà ý nghĩ ấy ngay lập tức tắt ngấm như một đốm lửa lóe lên trong đêm tối mà thôi. Tuy sự tồn tại của đốm lửa ấy chỉ như một cái chớp mắt nhưng một niềm vui cũng từ đó mà lóe lên trong đầu óc Uông Trường Xích, làm như cậu đã ăn trộm được một vật gì đó. Rồi cũng có những lúc không còn gì để nhặt nhạnh nữa, Uông Trường Xích đành phải bỏ ra ít tiền để mua về một thứ gì đó, khi thì một chiếc lược chải đầu, khi thì miếng lót giày, một chiếc xe đồ chơi, khi thì một chiếc kẹp tóc, một con búp bê bằng vải..., dù sao thì không có ngày nào là cậu về nhà với đôi bàn tay không. Bất ký cái gì mà Uông Trường Xích mang về, mới hay cũ, đẹp hay xấu, chỉ cần cậu nói là nhặt được hoặc là bạn bè tặng đều được Tiểu Văn tiếp nhận một cách vui vẻ. Tâm trạng của Tiểu Văn mỗi ngày một tốt lên, cơ thể mập lên trông thấy rõ, chứng choáng váng cũng không biết đổ lên đầu ai đó mất tăm.
Một buổi chiều tối, Uông Trường Xích dẫn một người lạ về nhà. Tên người này là Lưu Kiến Bình, là người từng làm công việc xây tường với Uông Trường Xích khi còn làm công nhân ở công trường dưới huyện. Được ai đó giới thiệu, Lưu Kiến Bình vừa mới chuyển đến công trường mới, may mắn gặp được ngay Uông Trường Xích. Hai người ôm chầm lấy nhau, vỗ vai nhau dễ đến nửa tiếng đồng hồ, sau đó thì Uông Trường Xích dẫn Lưu Kiến Bình về nhà trọ. Tiểu Văn vừa nghe thấy người khách nói giọng quê hương thì đã nhận là anh trai, xào thêm hai đĩa rau có thịt, còn tất tả chạy đi mua một thùng bia. Hai người vừa ăn vừa uống bia, vừa uống vừa nói chuyện. Trong câu chuyện trên trời dưới đất của họ có đề cập đến cây phong cổ thụ ở đầu thôn. Lưu Kiến Bình nói:
- Tôi làm công nhân trong xưởng sản xuất vỏ hộp ngay dưới chân núi, sát bên cạnh thôn. Bình thường, chỉ cần ngước đầu lên là tôi đã nhìn thấy tán cây phong đầu thôn ấy. Quả thật là nó rất to, cách xa mười mấy mét cũng đã có thể trông thấy nó. Có một lần đi ngang qua cây ấy thì trời đổ mưa, tôi chạy vào núp dưới tán cây, quần áo khô nguyên không thấm một giọt mưa nào.
- Đúng thế sao? - Tiểu Văn kêu lên kinh ngạc.
Uông Trường Xích cũng bị kích động đến độ không ngừng hoa chân múa tay. Cậu uống một hơi cạn veo ly bia, đưa tay chùi mép, nói:
- Khi học tiểu học ở thôn bên cạnh vào mùa đông, mỗi đauws chúng tôi đều mang theo một lò than đang cháy, đến dưới gốc cây ấy, chúng tôi vun lá rụng lại thành đống phủ lên lò. Bởi vì lá quá ẩm ướt, lại thêm lò than không bắt lửa được nên lá không thể cháy được mà chỉ có khói. Khói càng bốc lên càng đen, càng khét nồng, mọi người xách lò chạy khiến làn khói bám theo chúng tôi trông giống như cột khói trên đầu tàu lửa vậy. Mỗi lần rời khỏi nhà, đi đến chỗ gốc cây ấy đều nhất định phải ngoái đầu nhìn lại, làm như có một mệnh lệnh phát ra từ gốc cây ấy. Rồi mỗi lần quay về, đến gốc cây ấy là tôi bắt đầu chạy chứ không đi nữa như muốn tranh thủ trước một vài phút để gặp bố mẹ mình. Thực ra là xa nhà một học kỳ, nhanh một phút hay chậm một phút đều đâu có khác gì nhau, chạy chẳng qua là biểu hiện của một trạng thái tình cảm vội vã mà thôi...
Nói đến đây, đôi mắt Uông Trường Xích đã ngân ngấn nước, mắt của Tiểu Văn cũng đã nhòa. Lưu Kiến Bình lên tiếng:
- Đúng là mau nước...
Nhưng cũng chỉ nói được đến đó, mắt anh ta cũng đã ướt đầm. Cả ba người đều khóc vì cây phong ấy, không thể hiểu được.
Đống vỏ chai bên cạnh bàn ăn càng lúc càng nhiều, hai người đàn ông càng uống, nói chuyện càng rôm rả. Câu chuyện lại bắt dần sang việc bị tai nạn lao động của Uông Trường Xích. Lưu Kiến Bình nghe xong bỗng nhiên đưa tay trái lên, lúc này Uông Trường Xích và Tiểu Văn mới phát hiện ra ngón tay út của anh ta bị đứt mất một nửa, cả hai đều lấy làm lạ là tại sao đến lúc này mới phát hiện ra. Lưu Kiến Bình nói:
- Đây là kết quả của việc không chú ý cẩn thận khi tôi sử dụng cưa máy để đóng đồ gỗ cho một người có rất nhiều tiền. Lúc ấy tôi định im đi cho xong chuyện, nhưng cuối cùng tôi không thể im lặng được, dựa vào cái gì mà bắt tôi phải im lặng chịu đựng? Tôi yêu cầu chủ nhân bồi thường. Không giấu gì hai người, lời lẽ của họ khó nghe lắm, chua chát lắm, chua chát còn hơn so với văn chương của Lỗ Tấn nữa, từng câu từng câu đều có thể chôn sống người nghe. Tôi đã hạ quyết tâm rồi nên ngồi lỳ ở nhà họ, không chịu về. Bà chủ bắt đầu sợ, đưa cho tôi mười nghìn, tôi vẫn không chịu về. Ông chủ lại đưa thêm mười nghìn nữa, tôi vần chưa chịu đứng dậy. Cậu nghĩ đi, hôm nay mười nghìn, ngày mai mười nghìn, tôi định ăn đời ở kiếp trong nhà người ta luôn đấy chứ. Nhưng người ta đâu có phải là kẻ ăn không ngồi rồi, nếu như vậy thì họ lấy đâu ra nhiều tiền như thế. Ngày thứ ba, họ mời một viên cảnh sát đến. Viên cảnh sát nói với tôi, nếu gót chân cậu lúc này có bôi dầu mỡ thì tôi sẽ bảo họ đưa thêm cho cậu mười nghìn nữa. Tôi suy nghĩ và tính toán rất lâu mới nhận ra rằng, được bồi thường ba mươi nghìn cũng đáng lắm rồi. Hai người biết rồi đấy, ở nông thôn một mạng người cũng không kiếm được chừng ấy tiền đâu. Vả lại, tôi cũng còn phải giữ thể diện cho viên cảnh sát ấy nữa chứ.
- Ba mươi nghìn! Nửa ngón tay út của anh thôi mà còn đáng giá hơn cả bộ đùm của Uông Trường Xích sao! - Tiểu Văn kêu lên kinh ngạc pha lẫn chút tức tối.
- Do vậy, hai người phải có gan đến nhà lão chủ và nằm lỳ ở đó.
- Người ta đã chi trả tiền viện phí, bồi thường hai mươi nghìn mà không có một tiếng to tiếng nhỏ nào. Bây giờ thương tật cũng đã qua, muốn đi làm thì người ta cho đi làm, thế còn mặt mũi nào mà gặp người ta chìa tay ra nữa.
Tiểu Văn chen ngang:
- Của quý của anh bây giờ có muốn cứng lên cũng không cứng được nữa, vậy mà anh còn nói là thương tật của anh đã tốt lắm rồi sao?
- Nếu cái ấy không cứng lên được nữa thì rõ ràng hai người đã có cơ hội phát tài rồi đó. - Lưu Kiến Bình nói - Gần đây toàn án đã có đề xuất thực hiện việc bồi thường tổn thất về tinh thần, thương tật của Trường Xích có thể chiếu theo quy định đó mà phải được nhận bồi thường.
- Thế tổn thất về tinh thần thì được bồi thường bao nhiêu? - Tiểu Văn hỏi.
- Mấy chục nghìn chứ chẳng chơi.
- Thế thì chúng ta phải đòi bồi thường thôi.
- Ngay cả một Hoàng Quỳ mà tôi còn đấu chưa lại thì liệu có đủ bản lĩnh để đấu tranh với ông chủ không? - Uông Trường Xích do dự nói.
Lưu Kiến Bình cầm lấy con dao trên bàn chém vào trong không khí. Bóng dao lấp lóa khiến Uông Trường Xích rụt vai, nghiêng người như muốn tránh né. Lưu Kiến Bình nói:
- Chuyện này hãy giao cho tôi. Không giấu gì hai người, hiện nay tôi chuyên nghiệp làm công việc này. - Lưu Kiến Bình nói.
- Chuyên nghiệp đòi nợ thuê cho người khác? - Uông Trường Xích hỏi.
Lưu Kiến Bình gật đầu một cách đắc ý khiến Uông Trường Xích nghĩ là anh ta rất tuej hào về cái công việc đâm thuê chém mướn này. Nhưng trong lòng Uông Trường Xích vẫn do dự. Lưu Kiến Bình nói:
- Có người vì muốn bồi thường nên đã cố ý đưa tay vào lưỡi cưa để tiện đứt ngón tay, có người ném người ta xuống giếng, có người dùng xẻng đập vào đầu người khác rồi đến tìm ông chủ nói người chết là thân thích của hắn...
- Có loại người ác đọc, tâm địa đen tối như thế sao? - Uông Trường Xích kêu lớn.
- Cũng bởi cho bọn chủ ác độc, đen tối trước nên mọi người mới trở nên ác độc, đen tối như thế. Cách sống này có thể không đánh đổ được bọn cường hào ác bá mới, cũng không thể thay đổi được bất kỳ vận mệnh nào cả nhưng chí ít cũng cho bọn chủ hiểu rằng, da thịt xương cốt trong thân thể chúng ta vẫn đau khi bị kim châm vào.
"Choang!" - Uông Trường Xích đã cầm một vỏ chai bia đập xuống nền nhà. Lưu Kiến Bình nói:
- Cậu đồng ý rồi à?
Lại "Choang!" một tiếng nữa. Tiểu Văn sợ đến xanh mặt, run rấy nói:
- Cụ tổ ơi! Đừng đập chai nữa. Đập nữa thì con anh sau này sẽ trở thành người đi nhặt vỏ chai mất thôi.
"Choang!"... và "Choang!"...