Không ai nghi ngờ gì về chuyện bọn họ sẽ quay lại và chắc chắn sẽ đông hơn, trang bị đầy đủ hơn. Uông Trường Xích nhét quần áo, giày, đèn pin, bánh khô và một ít tiền vào trong một chiếc túi mềm. Cách đối phó của cậu là, chỉ cần nhác thấy bóng dáng của cảnh sát là xách túi chạy biến. Ra mặt chống đối thì không được nhưng trốn thì quá dễ dàng. Nhà của chú Hai càng lúc càng cao, khi đứng trên giàn giáo, thì thoảng Uông Trường Xích vươn người đứng trên cao nhìn bao quát chung quanh giống như lính gác đứng trên chòi canh, trong lòng luôn nơm nớp là mình sẽ bị tập kích bất ngờ.
Tất cả người trong thôn đều có vẻ lo lắng, ngay cả hồn vía chú Hai nhiều khi cũng bỏ chạy đi đâu mất, chiếc cốc uống trà trong tay ông thi thoảng lại rơi xuống đất hoặc bay vèo rất xa, có lần suýt trúng vào đầu thím Hai. Khi Uông Trường Xích cắm cúi với công việc xây tường thì chú Hai lại làm công việc quan sát, chỉ đến khi Uông Trường Xích đứng dậy quan sát chung quanh thì ông mới dám cúi đầu xuống. Nhìn hai người lúc cúi đầu lúc ngẩng đầu lên thay thế nhau rất đều đặn như thế, đang ngồi phía sau nhà, Uông Hòe cũng cảm thấy áy náy trong lòng, nói không việc gì phải lo lắng đến như vậy và nhận lấy công việc canh gác. Tuy miệng Uông Hòe nói rất cứng nhưng trong lòng ông, nỗi lo cũng không hề kém cạnh so với mọi người. Đôi mắt ông lúc nào cũng mở to hơn, vành tai ông cũng dựng đứng hơn so với mọi người. Ngày nào cũng thế, Uông Hòe đều tìm chỗ ngồi thích hợp nhất để dễ dàng quan sát bờ đê, giống như ngày trước ông từng ngồi nhìn cây phong ở cổng làng để nhớ, để nghĩ và hy vọng về Uông Trường Xích. Uông Hòe còn mượn chiếc thanh la của Trương Ngũ để ngay bên cạnh xe lăn, nói chỉ cần nghe thấy tiếng thanh la là biết bọn chúng đến, đứa nào nên chạy thì chạy, ai cần tụ tập lại thì tụ tập, dù sao thì cũng không để cho mọi người phải gặp điều không may.
Một đêm khuya, cửa lớn nhà Uông Hòe bị ai đó đập ầm ầm. Uông Trường Xích lăn người rơi từ trên giường xuống đất, chụp lấy chiếc túi rồi chạy ra khỏi nhà từ cửa sau. Lưu Song Cúc và Tiểu Văn đỡ Uông Hòe lên xe lăn rồi cùng nhau ra trước phòng khách. Uông Hòe lớn tiếng:
- Ai?
- Lưu Bách Điều!
Lưu Song Cúc mở cửa, nói:
- Đồ quỷ đói! Nửa đêm canh ba làm cho người ta sợ hết hốt.
Sắc mặt Lưu Bách Điều trắng bệch.
- Uông Hòe, anh còn nhớ hôm ấy tôi chửi bọn chúng thế nào không?
- Chửi thì chửi, chú sợ gì nào?
Lưu Bách Điều đưa tay vả vào miệng mình:
- Báo ứng rồi! Vừa rồi tôi nằm mơ thấy bọn chúng đến bắt tôi, chỉ một tiếng “cách: hai tay tôi đã chui vào còng, tuyên bố ngay trong nhà tôi là tôi ngồi tù có kỳ hạn mười năm, bị tước quyền lơi chính trị đến khi chết.
- Không ngờ chỉ một giấc mơ mà làm cho chú sợ té đái trong quần như vậy.
- Không giấu anh, mấy ngày nay đêm nào tôi cũng thấy ác mộng, tóc rụng vốc cả nắm.
Uông Hòe bảo Lưu Song Cúc mang ra một cốc rượu to, Lưu Bách Điều ngửa cổ uống òng ọc một hơi hết veo, chùi mép, nói:
- Tôi chửi bọn chúng như vậy cũng chỉ vì thằng Xích. Nếu bọn chứng trở lại, anh đừng giao giờ nói là tôi chửi nhé.
- Yên tâm đi, chú cứ bảo là tôi chửi là được rồi.
- Thế cũng được, nếu không thì lần sau tôi chẳng dám đỡ đần cho anh chị nữa.
- Chúng tôi đang đền đáp ân tình của chú đấy thôi.
Lưu Bách Điều đưa chiếc cốc lên, nói:
- Tráng chí xuất phát từ lá gan của con người. Anh cho them cốc nữa.
Uông Hòe rót rượu đầy cốc. Lần này, Lưu Bách Điều không uống vội vàng mà chậm rãi nhấp từng ngụm một. Bị ba cặp mắt nhìn mình chăm chú, Lưu Bách Điều có vẻ thiếu tự tin, nói:
- Chỉ mình tôi uống rượu thì chẳng thú vị gì, anh cũng uống một chén đi.
- Tôi chẳng có tâm trạng nào để uống với chú, để thằng Xích hầu chú vậy.
Tiểu Văn ra phía sau nhà vỗ tay ba tiếng, Uông Trường Xích từ trong vườn chè xách túi chạy vào. Cậu rang một đĩa lạc, rót đầy một bình rượu rồi chậm rãi uống rượu cùng Lưu Bách Điều. Gã càng uống càng tỏ ra hưng phấn, lè nhè nói:
- Mày thấy chú Lưu sống cũng… cũng… được… đấy chứ?
- Được, rất được…
- Nếu… nếu mai mốt mày phát… phát tài, mày còn nhớ đến chú… chú Lưu này không?
- Nếu không nhớ ra đường bị xe đâm chết.
- Lúc ấy mày… mày lấy… lấy gì… để… để cảm tạ?
- Tặng rượu tặng thuốc lá.
Lưu Bách Điều nấc một tiếng rồi gật đầu, gương mặt đầy vẻ mãn nguyện. Mặt gã đã đỏ, cổ cũng đỏ nốt, đầu óc cũng đã nặng. Uông Trường Xích nói:
- Có cần cháu phải đưa chú về không?
Lưu Bách Điều không trả lời mà đưa tay xoa mặt, nằm úp nửa người trên bàn rêи ɾỉ:
- Trường Xích ơi Trường Xích, mày hại chú thê thảm rồi. Thuốc là là cái quái gì, rượu thì đáng đếch gì, nếu bọn chúng bắt chú đi thì thím mày sẽ có chồng khác, con chú sẽ thay tên đổi họ mất thôi.
- Chú có làm điều gì phạm pháp đâu mà họ lại bắt chú?
- Không phải là chú đã bảo họ cút đi hay sao?
- Cứ đổ lời nói ấy cho bố cháu là được chứ gì?
- Đổ đếch thế nào được? Bọn chúng nhìn chằm chằm vào chú đến mấy phút, ai nói lẽ nào bọn chúng không biết rõ sao?
Uông Trường Xích lấy một chiếc khăn lau giúp mặt mũi cho Lưu Bách Điều, nhưng gã đã chộp lấy chiếc khăn vất xuống đất, nói:
- Nếu mày đối xử tốt với tao thì mày phải đi lên huyện tự thú. Mày có tự thú thì bọn chúng mới không quay trở lại nữa, nếu không thì toàn thôn này sẽ trợn mắt lên với mày đấy.
- Cháu không gây tội ác thì tự thú cái quái gì?
Nhưng, những gì Lưu Bách Điều nói trong đêm ấy không phải là lời của kẻ say mà như một tiếng nổ của viên đạn bắn ra khỏi nòng sung khiến mọi người trong thôn đột nhiên thấy sợ hãi. Đầu tiên chính là Trương Ngũ. Gã gọi Uông Trường Xích đến nhà, đóng cổng, đóng cửa lớn cửa sổ, lên tiếng thăm dò:
- Trường Xích à, mày cũng biết rồi đấy, Trương Huệ nhà chú lên thành phố làm nhân viên mát xa, công việc này rất phức tạp, nói là nó có lợi cho sức khỏe cũng được, nói nó là công việc không chân chính cũng không sai, nói chung là nếu không muốn động đến thì có thể xem đó là công việc là hợp pháp, muốn động đến thì thiếu gì lý do. Người nông thôn như chúng ta tìm được ít tiền ở thành phố chẳng dễ chút nào, đặc biệt là đàn bà con gái thì đã khó lại càng khó hơn.
- Chú Trương à, có chuyện gì muốn nói chú cứ nói thẳng ra đi.
Trương Ngũ mở cửa sổ, Uông Trường Xích nghĩ rằng gã đã mở cửa sổ thì không còn gì bí mật nữa, không ngờ Trương Ngũ thò đầu ra ngoài nhìn ngang nhìn dọc rồi đóng lại, hạ giọng thì thầm:
- Nếu bọn chúng đổ nỗi hận chúng ta lên đầu Trương Huệ thì gia đình chú tan nát thôi.
- Không phải chị Huệ đã lên tỉnh làm việc rồi sao?
- Chỉ cần một cú điện thoại là bọn chúng chộp được ngay thôi.
- Có lẽ nào mát xa cho người ta là một công việc phạm pháp sao?
- Có trời mới biết là nó mát xa chỗ nào.
- Chú Trương à, chú nghĩ ngợi quá nhiều rồi.
Trương Ngũ bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, dáng điệu thiểu não đến tội nghiệp. Uông Trường Xích lên tiếng:
- Suy cho cùng thì chú muốn cháu phải làm gì?
- Mày hiểu vấn đề rồi. – Trương Ngũ đứng lại đột ngột, nói.
- Cháu không hiểu gì cả.
- Không phải là chú chủ động nghĩ thế này, nhưng không thể không nghĩ. Đêm ấy chú đã tước súng của bọn chúng, chu dù sau đó đã trả lại nhưng riêng chuyện đó cũng đã lf một chuyện tày trời rồi. Nếu bọn chúng thù dai thì người đầu tiên mà bọn chúng nhớ đến chắc chắn sẽ là chú và chú Hai. Chuyện này không trách được cháu, trách là trách chính chú đã quá kích động. Chuyện này mà không kết thúc thì chú không thể ngủ yên được, đêm nào đôi mắt cũng mở trừng trừng to như con ốc bươu, lại them chứng ho đêm ngày lúc càng trầm trọng thêm. Nếu mày biết nghĩ thay cho chú Trương, mày cứ đến chỗ bọn họ giơ tay lên đầu hang, nói mấy câu mềm mỏng. Có như vậy mọi người mới có thể ngủ tròn giấc, trong thôn mới có thể có những tiếng ngáy đêm đêm vang lên như ngày trước. Trước đây, ngủ trong nhà mình nhưng chú vẫn có thể nghe thấy tiếng ngáy của Lưu Bách Điều, Vương Đông, Đại Quân và chú Hai nhà mày, nhưng bây giờ chú không nghe thấy gì nữa, toàn thôn không có tiếng ngáy, cháu xem, một thôn mà không có tiếng ngáy nào thì có đáng được xem là cuộc sống an toàn vui vẻ không?
Tất nhiên là Uông Trường Xích không thể bỏ ngoài tai những lời nói của Lưu Bách Điều và Trương Ngũ nhưng lại càng không muốn đi tự thú như đề nghị của họ, tâm trạng vô cùng nặng nề. Ban ngày, công việc xây nhà nặng nhọc bận rộn khiến Uông Trường Xích có thể tạm quên chuyện này nhưng vào ban đêm, đầu óc của cậu lại nghĩ về nó nên trằn trọc, trăn trở với bao nhiêu cách giải quyết vấn đề. Càng nghĩ, thần kinh càng căng thẳng, thần kinh càng căng thẳng càng khó lòng chợp mắt. Sợ làm Tiểu Văn thức giấc, cậu nhẹ nhàng trở người, mỗi lần trở người là chiếc giường lại run rẩy và phát ra những âm thanh nho nhỏ. Những âm thanh ấy bình thường không đánh để ý, nhưng đối với một người bị chứng mất ngủ thì cảm giác còn đáng sợ hơn cả tiếng sấm. Uông Trường Xích cố gắng không cựa mình, nhưng không cựa mình thì tay chân như bị trói, mỗi thớ thịt trên người như bị thít chặt lại, chặt đến độ tháo cả mồ hôi hột. Đôi khi cậu có cảm giác thân thể đang trôi nổi trong không khí mà không thể nào tiếp đất, lại thêm những âm thanh rợn người như những nhát dao chém vun vυ"t lướt qua mặt, qua trán, qua đầu. Thân thể đã rã rời, đầu óc đã ngập tràn rác rưởi nhưng từ bên người, rác rưởi vẫn không ngừng được một bàn tay vô hình nào đó tiếp tục nhét vào bên trong…
Uông Trường Xích nghĩ Tiểu Văn đã ngủ say bèn nhẹ nhàng bò dậy, xuống bếp vục đầu vào vò nước uống ừng ực như muốn nhờ nước để đè cái nóng đang bốc lên bên trong cơ thể. Không ngờ, Tiểu Văn cũng bám theo sau cậu, cũng vốc nước uống. Uống xong, cả hai cùng nghe thấy có tiếng động ngoài phòng khách, nghĩ rằng có kẻ trộm nên thủ sẵn mỗi người một con dao rồi bất ngờ bật điện sáng choang. Thì ra là Uông Hòe và Lưu Song Cúc. Hình như cả hai cùng ngồi trong bóng tối đã lâu lắm rồi. Uông Trường Xích lên tiếng:
- Sao bố mẹ không ngủ?
- Mấy đêm rồi bố với mẹ mày đều ngồi thế này đến khi trời sáng.
- Thì ra cả hai người cũng mất ngủ à?
- Không chỉ có bố mẹ, Vương Đông và Uông Đông, Trương Ngũ và Lưu Bách Điều, Trương Tiên Hoa và chú Hai… Nói chung là những ai có mặt bữa ấy đều mất ngủ.
- Không ngờ tất cả mọi người đều cả nghĩ như nhau.
- Đừng nên trách họ. – Uông Hòe nói. – Cuộc đời ai cũng có những khuất tất riêng. Ví như chú Hai mày đó, chú ấy rất sợ bọn chúng sẽ bí mật điều tra. Con cũng biết rồi, những đứa em họ của mày sở dĩ được làm việc trên huyện đều là do chú Hai đi cửa sau đút lót tiền mà nên, nếu họ điều tra ra sự việc này thì e rằng mấy đứa em họ mày phải về cày ruộng thôi. Lại như Trương Tiên Hoa, bà ta rất sợ bọn chúng lien hệ điều tra ở Phòng Thuế vụ, bởi bà ta buôn bán thường trốn thuế, bọn chúng mà điều tra ra thì e rằng Trương Tiên Hoa… Còn Vương Đông thì sao? Vợ nó bị bênh phụ khoa lâu nay rồi nên không thể làm chuyện vợ chồng cả chục năm nay, do vậy mà hắn thường chạy lên huyện tìm mấy ổ mại da^ʍ ăn vụng, hắn sợ bọn chúng theo dõi rồi tổ chức truy quét, lúc ấy sẽ lòi mặt chuột ra… Còn thằng Đại Quân cũng chẳng sạch sẽ gì, vẫn thường lên huyện đánh bạc, người ta nghi ngờ việc nó báo cho chính quyền là bị kẻ trộm dắt mất hai con trâu là giả tạo, thật ra là sau khi thua bạc, hắn đã bảo bọn cầm đồ dắt trâu gán nợ nhưng lại dựng hiện trường giả để che mắt vợ. Nếu họ điều tra ra chuyện này, không ngồi tù thì cũng tập trung học cải tạo…
- Hay là để con lên huyện một chuyến xem sao?
- Không sợ chúng nó bắt à? – Lưu Song Cúc lo lắng.
- Bắt thì bắt, còn hơn là để toàn thôn ai cũng lo lắng, ai cũng mong cho con bị bắt.
- Được rồi. – Sau một lát suy nghĩ, Uông Hòe nói – Con lên huyện ở vài ba ngày, sau đó quay về tuyên bố với mọi người là con đã tìm đến bọn chúng, họ nói không nhất thiết phải truy cứu những người có mặt hôm ấy. Chỉ có như vậy thì hòn đấ đang đè lên vai chúng ta mới có thể rơi xuống được.
- Nhưng… nếu bọn chúng mò về thôn tiếp tục truy cứu trách nhiệm thì làm sao? Lúc ấy không phải là chúng ta trở thành kẻ lừa dối sao?
- Đã mấy ngày rồi mà bọn chúng không quay lại, có thể chúng không quan tâm đến chuyện này nữa đâu.
Uông Trường Xích và Tiểu Văn rời khỏi nhà từ sáng sớm hôm sau. Trước khi đi, Lưu Song Cúc dặn đi dặn lại Uông Trường Xích nhất quyết không được đến tìm hai viên cảnh sát Lục và Vi, chẳng may bị bắt thì nguy to. Để chắc chắn thêm, Lưu Song Cúc còn dặn riêng Tiểu Văn:
- Con nhất định không đẻ cho Uông Trường Xích làm những việc xuẩn ngốc, trên danh nghĩa là hai đứa đi tự thú nhưng trên thực tế là đi hưởng tuần trăng mật.
Tiểu Văn gật đầu vâng dạ lien tục Lưu Song Cúc mới yên tâm. Trên đường ra quốc lộ, Uông Trường Xích liên tục gào lớn:
- Chú Trương chú Lưu chú Hai!... Anh Đông chị Tiên anh Quân!... Tôi đi tự thú đây… Chúc các chú các anh các chị ngủ ngon giấc nhé.
Những người bị chứng mất ngủ hành hạ lâu nay lần lượt mở cửa sổ nhà mình để nhìn theo bóng Uông Trường Xích và Tiểu Văn dần dần mất hút trên đường làng, trút một hơi thở thật dài. Uông Hòe đốt ba nén hương giắt lên khung cửa. Ba làn khói lam xông lên như đang mang theo ba nguyện vọng của Uông Hòe lan tỏa vào không gian: thứ nhất, không có chuyện gì xảy ra với Uông Trường Xích, thứ hai, không có chuyện gì xảy ra với Uông Trường Xích, thứ ba, vẫn là không có chuyện gì xảy ra với Uông Trường Xích