Sau, vì chuyện Cẩm Nhung có mang mà cậu quyết tử với ông bà một trận, buộc lòng ông bà phải cho cậu nạp cô ta làm thϊếp. Cậu chiều chuộng chấp nhận làm cho cô ta một cái lễ, còn cho cô ta một bộ giá y đỏ rực. Ước nguyện của Cẩm Nhung thành hiện thực nhưng cô ta đâu có ngờ, ngay cái đêm tân hôn, cậu còn chưa vào thì bà đã vào với cái Lành – con hầu của bà cùng một chén thuốc.
“Bà chiều cậu cho mày vào cửa, chứ mày đừng mong mà giữ được cái nghiệt chủng kia.” Con Lành mang chén thuốc tới bên cạnh rồi sau lưng bà có thêm hai ba thằng hầu nữa. Ý tứ của bà rất rõ ràng, cô ta không uống thì bà cũng ép cô ta uống. Cẩm Nhung kháng cự, quỳ xuống khóc lóc cầu xin: “Con lạy mẹ, mẹ tha cho con con. Dẫu mẹ có ghét con gì thì nó cũng là máu mủ của cậu, là cháu nội của mẹ. Xin mẹ thương tình mà tha cho con.”
“Ai mà tin cho được cái loại gái lầu xanh như mày? Giờ mày có uống không thì bảo?” Bà răn đe, nhưng Cẩm Nhung nhất quyết không uống. Rồi bà dùng biện pháp mạnh, hai thằng hầu giữ hai bên cho bà đổ chén thuốc vào miệng cô ta. Bà để cái chén đã cạn sạch lên khay cho con Lành mang đi, nhìn cô ta ôm bụng, gào thét thảm thiết trong đau đớn cho tới khi ngã xuống co quắp dưới sàn rồi bà nói: “Đích trưởng tử, con Vân còn chưa có, sao mày dám có con?”
Cứ tưởng thế là xong chuyện, nhưng ai mà có ngờ, đến lúc cậu vào phòng tân hôn thì Cẩm Nhung chỉ còn là một cái xác đã lạnh trên một vũng máu. Kế bên còn là một bãi nôn lớn, da mặt cô ta thâm tím hết và da tay còn nổi lên những nốt sần trông mà rợn cả gáy. Cậu hớt hãi chạy tới đỡ lấy đầu Cẩm Nhung, cố lay mạnh người và gọi tên cô ta một cách tuyệt vọng như cái cách mà những sợi tóc từ trên mái đầu Cẩm Nhung rơi xuống cánh tay cậu. Một cái chết tức tưởi ngay đêm tân hôn, ám ảnh người ta không chỉ là đôi mắt mở trợn ngược đầy oán hận của Cẩm Nhung mà đó còn là cái chết mà một xác hai mạng…
Mợ tỉnh giấc vì tiếng động bên ngoài và cái lạnh thấu xương. Lúc mở mắt, mợ mơ hồ nhìn thấy có bóng người đứng cạnh giường mình. Cứ tưởng là cái Chi nên mợ hỏi: “Chi đấy à? Sao thế em?”
Chớp mắt một cái lại không thấy người đâu nữa, mợ cho là mình nhìn nhầm nên ngồi dậy, khoác áo rồi ra ngoài xem thử. Vừa vén màn lên, mợ đã gặp ngay cậu ba. Cậu say khướt, cái áo ban sáng cậu mặc còn chưa thay ra, có lẫn mùi đất cát, mùi nhang khói và mùi rượu nồng nặc. Mợ vội đỡ cậu vào trong buồng, nhưng nửa đường lại bị cậu hất ra. Cậu đứng lảo đảo nhưng vẫn chỉ tay, mắng mợ bằng cái giọng bét nhè của người say: “Tránh ra! Ai cho cô lại gần tôi”
Mợ hơi sững sờ, rồi lại nén đau lòng mà lại gần cậu: “Thôi cậu đừng giận, để em đỡ cậu vào buồng đã. Cậu say rồi, ở ngoài gió đêm dễ cảm lắm cậu ạ.”
“Cô biết tôi giận à? Thế mà cô còn làm hại Cẩm Nhung? Trần Kiều Vân! Lúc mang sính lễ dạm ngõ tôi không hề nghĩ cô là loại người ích kỉ thế ấy!” Cậu tức giận mắng to, gia nhân trong nhà cũng lục tục kéo ra. Nhưng rồi thấy cậu đang đứng đó với mợ, chúng nó cũng thức thời mà lui xuống hết, chỉ có cái Chi len lén nấp ở một bên chờ mợ.
“Cậu nói gì em không hiểu. Em nào dám làm hại em ba.” Mợ hơi cúi đầu, nhưng lại không khóc. Hình như mợ cũng đã quen.
“Còn không phải tại cô? Nếu không phải cô không có con thì sao Cẩm Nhung phải bỏ cái thai rồi bỏ mạng luôn chứ?” Cậu vẫn buông lời nặng nề. Lúc này, ông cũng trong phòng đi ra. Ông đã có tuổi, chống chiếc gậy gỗ xuống đất hai cái, hắng giọng: “Thằng Khánh mày đi đâu giờ này mới về? Vừa về lại còn kiếm chuyện mắng vợ mày, mày làm như vậy mà coi được à?”
Cậu im lặng không đáp lời ông rồi lảo đảo bỏ đi mất. Ông tức lắm, còn định mắng thêm nhưng mợ đã lại gần mà can: “Thôi cha ạ, anh ấy còn đang đau lòng lại còn uống say. Cha đừng để bụng, kẻo lại sinh khí ảnh hưởng tới sức khỏe.”
“Con đó, lại cứ bênh nó.” Ông phú hộ thở dài, vỗ vỗ mu bàn tay mợ: “Là cha dạy bảo nó không tốt, để cho con chịu thiệt. Âu cũng là lỗi của cha…”
“Cha đừng nghĩ vậy…”
“Thôi muộn rồi, con vào nghỉ tiếp đi, cứ mặc xác nó.” Ông chống gậy đi về phòng, lại nhìn con Chi đang thập thò trong góc, gọi: “Mày vào hầu mợ đi.”
“Dạ ông.” Cái Chi lúc này mới dám đi lên đỡ mợ vào buồng trong. Nó nhìn gương mặt mợ vẫn bình tĩnh mà đau lòng thay. Mợ quen rồi. Quen với việc cậu lúc mặn lúc nhạt, rồi lại hờ hững với mợ. Mợ cũng quen cậu vì mấy người vợ lẽ mà lớn tiếng với mợ, nhưng mợ chưa từng so đo với họ, cũng luôn bênh vực cho cậu trước mặt ông bà.
“Mợ ơi, hay con mở cửa sổ cho thoáng nhé mợ?” Cái Chi nhìn cánh cửa gỗ đóng kín, thử hỏi. Thời tiết dạo này oi bức lắm, cộng thêm việc bây giờ đang có tang, không khí ngột ngạt lại làm mợ khó chịu thêm thì không hay.
“Ừ.” Mợ gật đầu. Cái Chi đến bên khung cửa rồi tháo chốt, mở cửa ra. Một cơn gió thổi vù vào trong buồng, lạnh ngắt làm nó run lên.
“Làm sao đấy?” Mợ hỏi. Nó lắc đầu, đáp: “Dạ không có gì đâu mợ. Gió đêm hơi độc, để con kiếm lớp màn mỏng giăng ngang cửa sổ cho mợ.”
“Ừ, thế đi.”