Chương 19

Ngoài này thì cậu đang tiếp đón quan huyện, đi cùng quan là bốn người phò kiệu và một người đàn ông cũng đã có tuổi, dáng người thấp gầy, mặc một bộ quần áo màu nâu nhạt. Được biết đây là một thầy lang có tiếng ở trên huyện, nhờ quan huyện thấy ông có khả năng trong việc nhìn nhận tử thi nên được quan cho theo để hỗ trợ việc điều tra. Ngày ngày ông ấy vẫn bắt mạch, bốc thuốc cho người dân, đến khi có vụ cần thì quan huyện cho truyền để đi theo.

Cái kiệu sang trọng được hạ xuống, tấm màng che được vén qua một bên để quan bước khỏi kiệu. Một dáng người hiếm thấy ở những lão quan huyện, không có cái bụng phệ to tướng mà đây là một thân người cân đối, không quá cao hay quá thấp nhưng vẫn thấy được sự lực lưỡng qua lớp áo tía.

“Dạ chào quan ạ, mời quan vào trong nhà dùng chén trà ạ.” Cậu khom người, đưa tay mời quan vào nhà. Trời trưa nắng cũng gắt lắm nên cậu định mời quan vào nhà dùng vài chén trà cho hạ nhiệt. Nhưng tính quan thì không muốn mất nhiều thời gian nên lệnh cho cậu dẫn đường ngay tức khắc: “Không cần, mau dẫn ta tới chỗ cần đến đi.”

Thế là cậu và một thằng gia nhân liền dẫn đường cho quan ra sau vườn, bốn người phò kiệu thì được thằng Tí dắt ra sau nhà rửa mặt, uống chén nước cho mát mẻ.

Từ lúc cái xác của mợ tư được kéo lên thì cũng không có ai đứng canh ở chỗ cái giếng. Ai mà dám đứng chứ? Ban ngày ban mặt nhưng chúng nó vẫn sợ ma. Ai biết được ban ngày thì có con ma, con quỷ nào nhảy ra hù dọa từ xó cây lùm cỏ nào không. Cậu hiểu nên cũng chỉ kêu đứa gia nhân đem cái chiếu ra để đắp cái xác lại, cắm vài ba nén nhang cho chỗ đất đó bớt lạnh lẽo đôi chút.

Lúc quan huyện được dẫn tới thì đất và cỏ ở quanh đó cũng đã khô bớt mấy phần, bùn đất cũng bớt lầy lội nhiều. Kinh nghiệm tiếp cận hiện trường của quan huyện như trở thành một bản năng, chỉ cần vừa đến gần hiện trường là từng bước chân của ngài càng trở nên cẩn thận để đảm bảo không có bất cứ gì bị thay đổi, ánh nhìn của ngài cũng càng trở nên tinh tế với từng chi tiết lớn hay nhỏ.

Còn cách chỉ hơn đôi bước nữa là đã đến chỗ miệng giếng, quan huyện được cậu dẫn đường phía sau vừa đi vừa ngước nhìn, vừa đến chỗ cái xác thì quan liền lệnh cho cậu và thằng gia nhân lui ra xa.



Bắt đầu quá trình điều tra hiện trường, quan huyện cẩn thận nhìn một vòng quanh vườn, từng tán cây nhánh lá cũng không thoát khỏi sự quan sát của ngài. Cứ tưởng một vị quan cao quý thì sẽ tránh việc phải tiếp xúc trực tiếp với hiện trường nơi có lắm bùn đất vì e ngại sẽ làm bẩn thân thể và y phục, nhưng vị quan trước mắt đây thì không. Để không bỏ sót bất cứ tiểu tiết nào, ngài không ngần ngại hạ thấp một bên gối mặc cho y phục bị dính bùn đất. Thứ ngài đang chú ý hơn cả là thảm cỏ bị giập nát quanh cái giếng. Thảm cỏ quanh đây do tự mọc lên nên cũng không đều nhau, cỏ cao cỏ thấp chen chúc nhau vươn lên. Quan huyện đưa tay vuốt những ngọn cỏ còn đứng lơ thơ, rồi lại đặt tay lên ngọn cỏ đã nằm trụi mà hiện trên chúng là những vết giẫm đạp. Quan huyện cũng không vội đứng lên mà cứ ngồi đấy để hỏi chuyện cậu, quan hỏi: “Từ sớm đến giờ đã có bao nhiêu người đặt chân tới đây rồi?”

Cậu khẩn trương đáp: “Dạ bẩm quan, lúc kéo cái xác lên đã có rất nhiều người ở đây, gần hết mấy thằng gia nhân đều tới đây để phụ kéo cái xác lên ạ.”

“Vậy có những ai đã trực tiếp kéo cái xác lên, mau gọi ra đây ta hỏi chuyện.” Quan ra lệnh bảo, cậu liền kêu thằng gia nhân chạy vào trong gọi một thằng nữa đã cùng cậu với nó đã kéo cái xác lên, thằng gia nhân cũng tức tốc chạy đi.

Quan huyện trầm ngâm nơi bãi cỏ một lúc rồi mới đứng dậy tiến tới sát nơi miệng giếng, thầy lang cũng theo ngay phía sau, quan ngước nhìn vào bên trong miệng giếng và hỏi cậu: “Cái giếng này đã không còn được dùng hơn ba năm rồi sao?”

Cậu trả lời: “Dạ bẩm, đúng là như vậy ạ.”

Thầy lang phía sau quan lại trở nên thắc mắc: “Làm sao mà quan biết nó được nó đã bị bỏ hơn ba năm rồi ạ?”

Quan đưa tay chỉ vào bên trong thành giếng: “Ông nhìn xem, ở đây cây cối cũng um tùm, tạo ra nhiệt độ cũng rất thích hợp nhưng bên trong thành giếng lại không có rong hay rêu phát triển, đây có phải là do cái giếng đã không có đủ nước để rêu phát triển không?” Nói rồi quan lại đưa tay vớt một ít nước từ trong giếng: “Thêm nữa, nước mưa làm đầy cái giếng bây giờ cũng đã không còn trong trẻo mà dần có màu vàng, tuy không thấy được nhưng ta có thể chắc phía dưới đáy giếng kia đã có rất nhiều lá cây khô héo rụng xuống.” Thầy lang vẫn muốn thắc mắc thêm đôi điều: “Nhưng mà như vậy thì chỉ mới biết được cái giếng này đã bị bỏ, còn bằng cách nào để ngài biết nó đã bị bỏ chính xác là hơn ba năm ạ” Có thể thấy đối với những lập luận của quan huyện thì thầy lang rất có hứng thứ nên thầy muốn nghe thêm.