Chương 80: Về làng

1h chiều cùng ngày hôm đó......

" Xịch....Xịch...Xịch..."

-- Bác, bác....dừng lại cho cháu xuống đây được rồi.

Chiếc xe công nông 3 bánh cũ kĩ, thùng xe còn có những lỗ thủng do sắt hoen gỉ lâu năm dừng lại cách cây đa đầu làng Văn Thái độ 200m, ông bác lái công nông quay lại miệng vừa nhai trầu vừa nói :

-- Sao thế, còn chưa vào đến làng mà. Lại ngại tôi chứ gì...? Gớm mà khổ, cũng là người trong vùng này cả. Đã bảo để tôi chở về tận nhà rồi mà lại.

Cậu thanh niên với gương mặt thư sinh nhưng tay chân rắn rỏi, nước da bánh mật khẽ cười rồi trả lời :

-- Dạ thôi, cảm ơn bác, đến đây cháu lại muốn đi bộ vào làng. Cũng từ tết ra, giờ cháu mới về......Muốn đi xem xem trong làng gặp ai còn tiện chào hỏi.

Ông bác cười khoe hàm răng đen nhánh, nhổ toẹt bã trầu, ông bác đưa hai ngón tay lên vuốt vành môi rồi đáp :

-- Thôi thế thì tùy cậu vậy, nhưng mà xách lắm đồ thế kia có đi được không...? Thấy cậu túi lớn túi bé, gớm đi làm ăn xa chắc khá lắm hả, về quê mà quà cáp nhiều thế kia thì...chẹp...chẹp.

Cậu thanh niên đang lấy hai nửa bao tải cùng cái balo sau thùng xe xuống, lau mồ hôi cậu ta nói :

-- Dạ, cháu cũng mong là được như thế.....Cũng là đi làm ăn, nhưng cũng chẳng dư dả ra được bao nhiêu. Chỗ này là bánh kẹo với đồ chơi cháu mua từ trên biên giới về đấy. Làm quà cho bọn trẻ con trong làng, mai là tết trung thu rồi. Có thêm mấy thứ này chắc khi ra đình rước đèn ngắm trăng, bọn trẻ vui lắm đây.

Ông bác gật đầu ra chiều thích thú :

-- Chậc, đúng là cậu trai tốt....Bố mẹ cậu chắc phải hãnh diện về cậu lắm. Chẳng bù cho thằng con nhà tôi, cũng tầm tuổi cậu mà suốt ngày lêu lổng với đám nghiện hút. Nó chỉ về nhà khi nào cần bòn tiền thôi. Phải chi nó được một nửa của cậu thì phúc đức cho nhà tôi quá. Thôi, chào cậu nhé. Mà cậu tên Vương phải không, già rồi, cứ nhớ trước quên sau. Tôi đi đây...

Vương cúi đầu chào rồi tươi cười vẫy tay chào bác lái công nông mà khi nãy cậu đã gặp ngay sau khi vừa bước chân xuống xe đò. Bác chạy công nông cũng đang dỡ hàng để chở về cho ai đó, bốc hàng xong, thấy Vương đứng đó với hai nửa bao tải hai bên tay đang đi tìm bắt xe nên ông bác hỏi thăm. May mắn thế nào, ông bác với Vương lại là người cùng xã, chỉ khác làng mà thôi. Cũng đang tiện đường đi về nên ông bác cho Vương đi quá giang luôn. Trên đường đi hai người cũng hàn huyên đôi ba câu chuyện. Ông bác thảo nảo, tốt bụng muốn chở Vương về tận nhà. Tuy nhiên đến đây Vương lại muốn đi bộ để ngắm nhìn phong cảnh của làng Văn Thái.

Hai nửa bao tải Vương xách hai bên, một bao đựng đồ chơi, một bao đựng bánh kẹo mà Vương lặn lội chịu khó mua từ bên kia biên giới về. Những thứ này cũng gần như ngốn hết một nửa số tiền mà Vương đi làm dành dụm hơn nửa năm vừa qua. Đeo balo, hai tay xách nặng, vẫn đang cuối trưa nên trời khá nắng, mồ hôi đổ ra nhưng trong lòng Vương lại thấy vui vô cùng. Bởi tối mai, ngày rằm trung thu, Vương sẽ chia chỗ bánh kẹo và số đồ chơi này cho bọn trẻ con trong làng. Làng Vương nghèo, bản thân Vương sinh ra vào những năm chiến tranh mới chấm dứt, đến ăn còn chẳng có chứ nói gì đến đồ chơi. Hồi nhỏ, đồ chơi của những đứa trẻ cùng thời với Vương chỉ là lá dừa đan thành hình con chuồn chuồn, con châu chấu, nhặt sỏi chơi ô ăn quan, kiếm quả bưởi, quả bòng non chơi chuyền, hay mài đá chơi đánh đáo......Lớn lên, làng Vương vẫn nghèo, có chăng bữa cơm của mỗi gia đình được no hơn một chút. Làng Văn Thái bao đời nay gắn bó với nghề làm ruộng, năm được mùa thì mừng rỡ, năm mất mùa nhìn bọn trẻ con lang thang bên ngoài bờ mương, bờ ruộng, chân lấm bùn mò từng con ốc, hái từng khóm rau dại mà Vương thấy thương chúng nó vô cùng. Những năm còn ở làng, Vương hay ra chỗ bọn trẻ chăn trâu, ở đó làm diều, nặn tượng đất cho chúng nó chơi.

Những lúc như vậy, bọn trẻ trăn trâu quây quần xung quanh Vương với những cặp mắt long lanh, háo hức chờ đợi. Chúng tò mò xem Vương đang nặn thứ gì, và rồi khi Vương hoàn thành, cả đám ồ lên reo hò vì trên tay Vương khi nãy chỉ là cục đất sét, nay đã biến thành con gà, con lợn, con trâu......Chia tượng đất cho bọn nhóc, Vương mỉm cười hạnh phúc mỗi khi đám nhóc nói :

" Đồ chơi anh Vương làm là đẹp nhất, lâu lâu anh lại làm cho bọn em nhé..."

" Anh Vương ơi, anh biết làm diều sáo không...? Em muốn có một con diều sao bay cao thật cao "

Vương xoa đầu bọn trẻ rồi hứa sẽ làm cho chúng một con diều sáo, để khi chúng chăn trâu, tiếng sáo diều trên bầu trời cao sẽ khiến cho bọn trẻ cảm thấy vui vẻ. Cũng phải nói, Vương là một thanh niên có bàn tay tài hoa, khéo léo. Những năm còn ở nhà, Vương trắng trẻo, thư sinh, mặt búng ra sữa. So với người dân trong làng thì Vương hoàn toàn khác biệt, mặc dù Vương cũng ra đồng phụ giúp bố. Thêm một điều nữa, cứ đi khỏi làng, da dẻ có sạm đen thế nào, nhưng chỉ cần về nhà độ dăm bữa, nửa tháng, Vương lại hồi lại ngay. Bởi thế, mấy lần về nhà xong quay lại nơi làm việc, ai nhìn thấy Vương cũng phải thắc mắc sao nó làm gì mà trắng nhanh thế, trong khi trước đó lúc Vương về thì da đen thui, đen sạm. Vương chỉ cười cười rồi nói chắc do hạp đất, hạp nước nên nó thế.

Hơn nửa năm, dồn nhặt toàn bộ ngày nghỉ, Vương để dành cho đợt trung thu này. Trước khi về Vương cũng thấy nóng ruột mấy ngày hôm nay, đi làm ăn xa, nhiều lúc Vương cũng lo không biết bố ở nhà thế nào, nhưng công việc bận rộn, hơn nữa nơi Vương làm việc là ở bên kia biên giới nên việc đánh điện cũng khó khăn, phải nhờ vả vô vùng rắc rối. Vậy cho nên, ngay khi đi thoát ly, Vương đã hẹn bố 1 năm có thể Vương chỉ về được 2 lần, đó là tết Trung Thu và Tết Nguyên Đán. Hai năm trước mọi thứ còn khó khăn, Vương cũng phải cố gắng rất nhiều nên không dư dả. Năm nay khá hơn, cũng đã quen thuộc với thổ nhưỡng bên đấy. Vương quyết định lần này về sẽ có quà cho bọn trẻ con trong làng, không còn phải là những bực tượng nặn bằng đất sét nữa, trong bao tải Vương đang xách là những món đồ chơi đủ màu sắc, vô cùng đẹp đẽ.

Nghĩ đến ánh mắt của bọn trẻ khi nhận quà mà Vương cứ tủm tỉm cười. Trước mặt là cây đa đầu làng. Vương rảo bước nhanh hơn, trong đầu nghĩ :

" Đi qua chào bà Miên rồi xin chén nước uống mới được. "

Nhưng đến trước gốc đa thì Vương không thấy bà Miên bao năm qua vẫn ngồi đó bán hàng nước đâu cả. Cái quán lá cũng lụp xụp, xơ xác, xiêu vẹo hẳn đi......Nhìn cứ như thể lâu rồi không có người bán hàng ở đây vậy.

Thở dài, Vương đành tiếp tục đi bộ vào trong làng. Có thể là vẫn đang trưa nên ít người ra ngoài. Nhưng cả đoạn đường từ cây đa cho tới bây giờ, trước mặt Vương chính là giếng làng. Cả quãng đường khá xa mà Vương không gặp bất cứ một ai cả. Những ngôi nhà hai ven đường từ chỗ đông cho tới chỗ vắng đều đóng cửa. Cây lộc vừng cách giếng một đoạn cành thì bị gãy, lá thì nửa xanh nửa vàng, cứ như cái cây đang héo dần đi vậy.

Bỗng nhiên Vương thấy bất an, chưa bao giờ làng Văn Thái lại tĩnh lặng, im ắng đến mức này. Khác hẳn với đợt Vương về dịp tết, lúc Vương đi bộ vào làng, đi qua gốc đa, Vương chưa đi tới nơi đã thấy cái vẫy tay cùng giọng của bà Miên hàng nước gọi vào uống chén chè hoặc cốc nước vối. Trên đường vào làng, trẻ con chạy nhảy chơi đùa sau hàng rào bao quanh những ngôi nhà lụp xụp. Thấy Vương chúng cũng chạy ra chào đón, có đứa còn cứ thế đi theo Vương về tận nhà ông Vọng. Vậy mà sao giờ đây, ngôi làng thân thuộc với Vương từ khi Vương còn nhỏ lại trở nên hoang vắng đến vậy.

Lo sợ có điều không hay, Vương xốc lại ba lô, hai tay túm chặt lấy hai nửa bao tải, Vương bước thật nhanh về nhà, bởi từ giếng làng về nhà Vương cũng không còn xa nữa. Càng đi vào trong, Vương lại càng hoang mang bởi trong làng đâu đó đang vang lên tiếng kèn đám ma.

" Hộc....hộc....hôc..."

Vương thở mạnh, mặt mũi hốt hoảng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Vương đặt hai nửa bao tải xuống đất rồi đưa tay vào trong cổng mở then cài, vừa mở Vương vừa gọi lớn :

-- Thầy ơi.....Thầy ơi......Con về rồi đây.....Thầy có nhà không đấy...

" Cạch "

Cánh cổng vừa mở ra, Vương xách hai nửa bao tải chạy vào trong sân. Từ trong nhà, ông Vọng nghe thấy tiếng con trai gọi cũng lao ngay ra ngoài, ông Vọng chạy chân đất ra hiên, nhìn thấy cậu con trai, ông Vọng chẳng hiểu sao rơm rớm nước mắt :

-- Giời đất ơi, cuối cùng thì mày cũng về.....Thầy Lương ơi, thầy Lương.....Thằng con tôi nó về rồi này. Đấy, thầy thấy chưa, tôi nói không sai mà....Chỉ nội trong hôm nay với mai, thằng Vương nó sẽ về.

Vương nhìn thấy bố mà quặn thắt tim lại, tóc trên đầu ông Vọng đã bạc trắng, gương mặt ông Vọng cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn. Nhìn ông Vọng, cậu con trai của ông sững sờ bởi cậu không tin nổi, chỉ trong vòng hơn nửa năm, bố cậu đã già đi cả chục tuổi.

Vương ấp úng :

-- Thầy.....sao thầy lại thành ra thế này....? Đã xảy ra chuyện gì, làng mình đã xảy ra chuyện gì mà khiến tóc thầy bạc trắng như thế này....Thầy ơi, con xin lỗi....Cho con xin lỗi.

Nhìn ông Vọng, Vương bỗng dưng bật khóc. Từ lúc quay về làng, Vương đã sợ rằng làng Văn Thái gặp chuyện gì đó, cho đến khi nhìn thấy ông Vọng với mái tóc bạc phơ, Vương lại càng lo lắng hơn.

Mà vừa rồi, Vương có nghe thấy bố mình gọi ai dó là " thầy Lương ", còn chưa kịp hỏi thì Vương thấy đi từ trong nhà đi ra là một nguofi đàn ông chừng 50 tuổi, ánh mắt sáng quắc, gương mặt phúc hậu. Vương còn đang ngạc nhiên thì thầy Lương khẽ gật đầu chào rồi nói :

-- Vậy ra cậu chính là Vương......Tôi đang đợi cậu về đây. Đừng hoảng sợ, tôi sẽ kể cho cậu nghe tất cả.