Chương 8
Mặt trời mới hé sau cơn mưa.
Từ khung cửa sổ có mấy vệt xanh nhìn ra ngoài, tấm áo tối màu của Trúc Ân hóa ra không phải tuyền một màu đen, mà hơi có chút màu tím nhàn nhạt sáng bóng. Dáng vẻ đi lại của hắn vừa nhàn tản vừa thong dong, giống như một quý tộc đang đi chơi xa. Cái đoạn đuôi rắn kia ẩn giấu dưới lớp y phục, trên con đường bùn lầy bị cỏ xuân che lấp không lộ ra chút dấu vết nào. Dần dần hắn càng đi càng xa, rồi biến thành một bóng dáng mờ nhạt, kế đó tà áo đen tung bay, thân hình phiêu tán như một đám mây đen.
Núi rừng phía xa, bầy quạ nháo nhác. Có mấy con bay tới cái cây xác xơ trước ngôi miếu cổ.
“Ta đã phải tốn mất một trăm năm để mô phỏng dáng đi của loài người, bây giờ trông có phải đã rất giống rồi không?”, sáng sớm, lúc đang bận rộn làm bữa sáng cho mình, Trúc Ân hỏi Tử Hân như vậy.
“Việc gì phải mô phỏng kẻ khác?”, Tử Hân khẽ cười: “Hay là huynh cảm thấy bộ dạng vốn có của bản thân rất xấu xí?”.
“Tộc của bọn ta cực kỳ cô độc, cũng chẳng có thanh danh gì tốt. Trôi nổi ở hai giới, nhân giới đã không dung mà tiên giới cũng chẳng nhận.”
“Có điều ta không hề bận tâm tới bộ dạng của huynh thế nào”, Tử Hân nói: “Huynh ngại gì mà không hiện chân thân đi?”.
“Ta lo đệ sợ.”
“Ta chẳng sợ chút nào.”
“Thế thì là ta sợ”, hắn ngừng một lát rồi bổ sung thêm một câu: “Ta sợ đệ thấy rồi sẽ sợ hãi”.
“Ta không sợ…”
“Thế thì là ta sợ đệ thấy rồi sẽ sợ hãi tuy rằng đệ nói đệ không sợ…”
“Ta sẽ không ép huynh đâu”, không đợi hắn nói hết Tử Hân đã ngắt lời, rồi lấy trong bọc hành trang ra một quả táo, yên lặng ăn.
Cứ như thế gần một tuần trà, người nào người nấy tự ăn bữa sáng của bản thân, thế rồi Trúc Ân rất khách khí cáo từ. Hắn không hề nói với Tử Hân hướng đi của mình, Tử Hân cũng không dò hỏi.
Giống như phụ thân, đối với người lạ, Tử Hân luôn giữ thái độ cẩn trọng, không có tính hiếu kỳ dù là ở mức độ thấp nhất, mà chàng cũng không cho rằng cần thiết phải qua lại. Đối với hai người họ, người xa lạ trở nên quen thuộc rồi thành bằng hữu là một chuyện cực kỳ khó khăn. Đương nhiên, ngược lại càng khó hơn.
…
Tử Hân cưỡi ngựa trở lại con phố lớn trong Đông Đường trấn, nơi ấy đã sớm náo nhiệt lắm rồi. Chàng tìm vị trí sạp của mình, mượn người bên cạnh một cái ghế dài rồi ngồi xuống. Chàng cảm thấy bộ dạng của mình trông rất lôi thôi: Ngủ một đêm trên mặt đất cứng, xương cốt trở nên cứng nhắc. Lúc rửa mặt thì không tìm ra nước sạch, đành phải ra vại nước cạnh cửa rửa qua loa mặt mũi. Trong vại đầy những rong rêu xanh mượt nhỏ như sợi tóc, lấy tay khẽ khuấy nước có thể nhìn thấy mấy con nòng nọc sợ hãi luống cuống.
Từ lúc nhớ nổi tới bây giờ, Tử Hân chưa bao giờ bẩn như thế.
Ánh dương lười biếng trải trên con phố.
Bên trái chỗ chàng ngồi là một vị lão hán mặt nhỏ râu dài, mười ngón tay gầy gò khô quắt, đôi mắt mờ đυ.c, da mặt vàng vọt, dáng vẻ tàn tạ, mở một sạp đoán chữ; bên phải chàng là một tay bán rau dưa trẻ tuổi, bộ dạng cực kỳ tháo vát. Một tay hắn cầm cái quạt rách xua ruồi nhặng, tay kia tưới nước lên rau quả.
Đang đầu mùa xuân, mướp đắng đưa lên chợ có màu xanh nhạt, hình dạng như con thoi, hai đầu có màu vàng nhạt bắt mắt, bề mặt thì như có hoa văn - bất kể là lồi hay lõm - đều sạch sẽ bóng loáng, vỏ đầy đặn, tuyệt đối không có lông tơ hay sần sùi nhấp nhô như dưa chuột thường thấy, về mặt hình dáng thì càng giống ngô hơn. Nghe nói lá trên dây leo mướp đắng còn dày đặc hơn cả trinh đằng, tới mùa hái, chúng thẹn thùng ẩn hết đằng sau lớp lá rậm rạp, chỉ đôi khi lộ ra nửa thân thôi. Ta sẽ phải như một tay thô lỗ vạch kéo chúng từ bên trong ra. Bày phía trên mướp đắng là những trái lựu to nhỏ không đều, trông như triền núi thời cổ xưa, như thạch nhũ trong hang đá, lại như những hòn sỏi trong một khu vườn hoa vậy. Tay bán rau tính toán khéo léo, bày bốn mươi chín trái mướp đắng thành hàng, mỗi hàng bảy trái, to nhỏ đều nhau, hàng sau chồng lên hàng trước, bày thành hình hoa lăng. Ở bên cạnh thì bày thêm những quả ớt đỏ tươi và những cây khoai môn giống xanh biếc. Cả cái sạp rau qua một phen bày biện đã trở nên đẹp mắt như một bức họa.
Tử Hân ngây ra nhìn hồi lâu, không tự chủ được nghiêng đầu qua ngắm, tay bán rau lập tức hỏi: “Khách quan muốn mua không? Mướp đắng thượng hạng tươi rói này tính ngươi năm phân tiền thôi”.
Tử Hân vội xua tay: “Không mua”.
“Bốn phân thì sao? Mua hai cân ta tính ngươi bốn phân một cân”, tay bán rau đeo bám không buông.
“Không mua”, chàng chỉ đành bồi thêm một câu: “Xin lỗi”.
Khuôn mặt tay bán rau chẳng lộ vẻ thất vọng gì, dường như bị người ta từ chối chẳng qua là một chuyện quá bình thường. Dưới cái nhìn của tử Hân, tâm tư người bán rau bỏ vào việc bố trí rau quả chẳng hề thua kém đại tướng quân bày binh bố trận; nước bọt phải tốn để thuyết phục khách hàng đại khái cũng chẳng ít hơn các quan can gián trong cung đình của đế vương. Ngày nối ngày, bọn họ ngồi nơi đầu phố bụi bẩn, hết lần này tới lần khác chỉnh lại hàng hóa bị bày bừa. Bất kể cuộc sống có lặp đi lặp lại thế nào, bọn họ luôn không thay đổi nét mặt, hứng khởi mà đợi chờ, nồng nhiệt chào mời, thu xếp…
Nghĩ tới đây, Tử Hân không khỏi cười khổ.
Để trao cho cuộc sống thường ngày một ý nghĩa, hiển nhiên cần phải có dũng khí: Một loại dũng khí đối diện với cái bất đắc dĩ.
May là mặc dù chàng không có thứ dũng khí ấy nhưng vận khí thì lại không tệ.
Thì ra cái tiểu trấn này tuy không phải hoang vu gì nhưng thôn dân ở đây đại đa số là mê tín dị đoan. Có chút bệnh vặt thì hoặc mời vu bà làm phép, hoặc thỉnh đạo sĩ cầu an. Bệnh thành nặng rồi thì cả nhà lớn nhỏ cùng dắt nhau tới đền chùa cách ngoài mười dặm dập đầu cầu khấn, sau đó về nhà lễ phật tụng kinh. Đến khi mọi thứ đều không ăn thua thì lúc bấy giờ mới chạy đến các trấn lớn ở xa hơn tìm lang trung… Ấy mới chỉ kể người có tiền. Cho nên ở đây trước giờ không có đại phu tọa đường, nhưng sạp thuốc thì lại có mấy cái. Nếu như có giang hồ lang trung hoặc hòa thượng vân du đi ngang qua, thôn dân vừa thấy liền như ong vỡ tổ đổ xô tới, đem nào là bệnh cũ mười mấy tháng rồi chưa khám, bệnh mãn tính, bệnh không nặng, bệnh không có tiền khám mang ra hết. Chỉ vì giang hồ lang trung thu phí cực rẻ, thực ra không có tiền thì một giỏ lạc hay trứng gà cũng chấp nhận được.
Tử Hân vừa tới Đông Đường trấn, lại được Diêu A Tam ra sức quảng cáo, ngày hôm ấy, chàng gần như bận rộn tới tối. Rốt cuộc là nhổ bao nhiêu cái răng, kê bao nhiêu đơn thuốc, bản thân chàng cũng không rõ nữa.
Tới buổi chiều khi chợ phiên càng thêm đông đúc tấp nập, người tới khám bệnh càng lúc càng nhiều, A Tam thấy chàng bận tối mắt tối mũi bèn tự quyết thay chàng mướn một cửa tiệm nhỏ quay ra mặt đường. Vốn chủ tiệm là một thương nhân bán vải, nhưng vì mở cửa hàng buôn bán chưa đến nửa năm đã dùng sạch vốn liếng, sợ bị người ta truy nợ bèn thu gom đồ đạc chuồn mất trong đêm, để lại gian nhà đồ đạc nửa mới nửa cũ. Đằng sau cửa tiệm liền với một ngôi nhà to không to, nhỏ không nhỏ, ở giữa có một giếng nước. Trong đó có đủ phòng bếp phòng ngủ cho nên giá thuê không thấp nhưng nhìn chung là sạch sẽ. Tử Hân vừa mới lập nghiệp, chỉ mới giao năm lượng bạc làm tiền cọc. A Tam vỗ ngực nói: “Xem tay nghề của lão đệ, kiếm được bạc trắng chỉ là chuyện sớm muộn thôi. Mấy chuyện lặt vặt này cứ tính lên người tam ca ngươi! Ngươi chỉ cần cách mười ngày giao cho ta mười lượng bạc là được”.
Nói rồi bèn gọi người tới quét tước nhà cửa, chăng màn trướng cho chàng. Bàn ghế một bộ, đệm bắt mạch bày ra, bút nghiêng ngay ngắn thật cũng ra dáng một y quán. Bận rộn một phen, chớp mắt trời đã tối, đám đông dần dần tản bớt, Tử Hân có phần mệt mỏi, cũng lười làm cơm, bèn nhai ba quả dưa chuột rồi ra ngoài mua ít vật dụng hằng ngày, về đun nước tắm rửa rồi mở bọc hành lý, thu dọn giường chiếu nằm tựa người đọc sách.
Ngọn nến xanh trên bàn hình như là nến giả, thắp chẳng được bao lâu đã cháy hết một nửa. Bấc nến kêu lách tách, ánh lửa chập chờn bất định, cả căn phòng cũng như đang nhảy loạn lên theo ánh nến.
Tiếp đến, chữ trong sách cũng trở nên bồng bềnh. Một cơn mày hoa mắt váng, Tử Hân quăng sách sang một bên, đốt cây nến khác.
Đúng lúc ấy, cửa mở đánh “rầm” một cái.
Giờ chàng mới nghĩ ra, bởi vì dọn vào quá vội, cũng chưa khóa cửa. Bản thân chẳng dư dả, lẽ nào còn phải sợ ăn trộm thó mất thứ gì. Ai mà ngờ xông vào lại là một tiểu cô nương mười hai, mười ba tuổi, thân mặc áo màu lục, đầu thắt hai búi, đôi mắt to tròn trên khuôn mặt gầy nhom. Cô bé nhanh nhẹn tiến vào phòng, sau lưng còn mang theo một bọc đồ to đùng. Trông thấy Tử Hân bèn “ý” một tiếng, có vẻ rất đỗi ngạc nhiên.
“Này! Ngươi là ai? Ở trong này từ lúc nào thế?”, không đợi Tử Hân mở miệng, cô bé chống nạnh, không khách khí chất vấn chàng.
“Từ chiều.”
“Nơi đây! Căn phòng này! Là địa bàn của ta”, ánh mắt cô bé sắc nhọn, điệu bộ hung dữ, rõ ràng là đang nổi giận, “Ngươi… cút ra!”.
Tử Hân vừa định mở miệng thì lại nghe một tiếng kêu chói tai, cô bé chạy tới bên giường, giậm chân gào hỏi: “Chăn gối của ta đâu rồi? Sao không thấy đâu nữa? Ngươi bỏ chúng đi đâu mất rồi?”.
Thực ra lúc mới vào đây, việc quét dọn phòng ngủ cũng chẳng tốn bao nhiêu thời gian, trong này rất sạch sẽ, chăn đệm trên giường cũng cực kỳ thơm tho. Kể cả như thế, bệnh ưa sạch của Tử Hân vẫn cứ phát tác, chàng gom tất cả đồ trên giường cuộn lại nhét vào một cái hòm, sau đó đổi sang đồ mới hết.
“Xin hỏi, căn phòng này đúng là phòng của cô sao?”, Tử Hân không vội vàng, thong thả hỏi.
“Đây là phòng bỏ không, ai phát hiện trước thì ở trước”, cô bé đứng trước mặt chàng cao giọng nói. Rõ ràng cô bé thấp hơn chàng một cái đầu nhưng lại không tỏ ra yếu thế: “Ta đã ở đây hai ngày rồi”.
“Có khế ước không?”
“Không có”, cô bé trừng trừng nhìn chàng.
“Ta có”, chàng lấy tờ khế ước trong tay áo ra, đặt vào tay cô bé: “Ta đã giao năm lượng bạc làm tiền cọc”.
Cô bé cầm tờ giấy đọc kỹ một lượt rồi “hừ” một tiếng, hỏi: “Ngươi có bạc thì giỏi lắm sao?”.
“Không dám.”
“Đi thì đi, ai mà thèm căn phòng rách này!”, cô bé xoay người vù một cái, bọc hành lý vắt lên vai, ngẩng cao đầu, lập tức sải bước đi ra ngoài.
Một sự hiểu lầm.
May mà cô bé này tới như chớp đi như gió, không lề lằng nhằng dây dưa, chàng thở phào một tiếng.
Nhưng cũng nhờ vậy mà chợt có hưng phấn, Tử Hân không thấy buồn ngủ nữa, lại nằm tựa lên đầu giường đọc sách.
Đến nửa đêm, gió mưa chợt nổi, nghe xa xa văng vẳng tiếng sấm ầm ầm, chàng dậy đóng cửa sổ. Nghĩ tới việc vừa rồi chính bởi vì không khóa cửa nên mới dẫn tới phiền phức, thế là chàng đi ra tiền sảnh, tìm then cửa, đang định cài then lại thì chợt phát hiện cô bé áo xanh ban nãy hóa ra không hề đi đâu xa, chỉ gối đầu lên bọc hành lý, co ro bó gối trú dưới mái hiên để tránh mưa. Đêm giá buốt, cô bé chỉ mặc một bộ đồ mỏng manh, lạnh tới mức răng gõ vào nhau lách cách.
Tử Hân hơi sững người, nói: “Sao cô còn ở đây?”.
Cô bé trợn mắt nhìn chàng: “Liên quan gì tới người”.
“Vào đi”, chàng đẩy mở cửa: “Ngoài này lạnh lắm”.
“Ở đây rất tốt.”
“Nếu quả thật cô không còn chỗ nào để đi, tối nay cứ ngủ trong này cũng được”, Tử Hân từ tốn nói.
“Ai mà muốn ở trong nhà của ngươi!”
“Vậy thì… tùy thôi. Đúng rồi, suýt nữa quên nói cho cô, nhà đại thúc ở đối diện có một con chó rất lớn canh nhà, cẩn thận…”
Câu này còn chưa nói hết, cô bé đã “huỳnh huỵch” chạy luồn qua nách chàng chui vào trong rồi đóng cửa cài then thật chặt.
“Cô sợ chó à?”
“Ai bảo ta sợ chó?”
Phòng khách rất chặt hẹp, cô bé thân hình mảnh khảnh, bộ dạng gầy guộc, thần sắc cảnh giác nhìn Tử Hân đánh giá.
“Ngươi làm nghề gì?”, nhìn một hồi lâu, cô bé đột nhiên hỏi.
“Ta là lang trung.”
“Chẳng giống chút nào… Trông ngươi còn rất trẻ.”
“Xin hỏi niên kỷ của tiểu thư?”
“Mười ba”, nói xong hai chữ này, cô bé hắt xì một tiếng.
“Trong bếp còn nước nóng, có cần ta mang lên cho cô không?”, Tử Hân không đổi nét mặt, hỏi một câu.
“Chớ có lân la ân cần! Bình sinh ta chúa ghét lũ nam nhân giả nhân giả nghĩa các ngươi!”, quẳng lại câu này, cô bé co chân chạy thẳng vào bếp, được một lúc, lại gọi vọng ra, “Này! Ngươi qua đây!”.
Chàng đành phải chống trượng bước tới.
“Cái thùng nước này nặng quá!”, cô bé mở to mắt nhìn vào chân chàng: “Nếu ngươi không khiêng được thì cũng không cần cố”.
Bất kể là nói gì, cô bé đều chẳng có lấy một chút e thẹn nào.
Chàng chẳng nói chẳng rằng giúp cô bé đem thùng nước vào phòng ngủ.
“Tiểu thư còn có gì sai bảo?”
“Còn đứng ngây ra đó làm gì? Người ta muốn tắm rửa.”
Tử Hân đi ra ngoài. Trong phòng ngủ có tiếng nước bị bõm, qua một tuần hương, cô bé thay bộ váy hoa sạch sẽ chỉnh tề, vắt mái tóc dài còn ướt ra sau lưng, nghiêng đầu nói: “Ta tắm xong rồi”.
Cô bé lau khô đôi chân trắng muốt, lê đôi giày ngủ, phía trên mắt cá chân bé nhỏ có một vết chích be bé.
Rõ ràng cô bé không có chút ý định muốn nhường lại căn phòng ngủ.
Tử Hân chỉ đành nói: “Ừm… cô ngủ đi”.
“Ta ngủ trên sàn phòng khách là được rồi”, cô bé ôm lấy cái chăn hoa trắng trên giường, miệng cắn theo chiếc gối, nói: “Giường này nhường cho ngươi đấy”.
“Đây là chăn của ta”, chàng nói.
“Lẽ nào ngươi muốn ta ngủ trên mặt sàn lạnh cóng này à?”, cô bé quắc mắt, lại lộ ra nét hung hăng lúc trước.
“Ta tới nhà bằng hữu ngủ nhờ một đêm, sáng mai quay lại”, chàng nhạt giọng nói: “Đến lúc ta quay lại, hy vọng cô đã biến mất rồi”.
“Được, nể ngươi hôm nay nhường nhịn ta, ta sẽ biến mất thật nhanh”, cô bé đáp chắc nịch.
“Thế thì đa tạ”, chàng sải bước đi khỏi.
“Này! Cứ thế mà đi sao? Đem những thứ đồ đáng tiền của ngươi đi hết đi.”
“Ta chẳng có thứ gì đáng tiền cả.”
“Sách thì sao? Mấy cuốn… cái gì mà Vân Mộng cứu kinh, ngươi cũng không đem theo à?”, cô bé nhìn vào mấy chồng sách ở đầu giường, hỏi lớn.
“Để đấy chẳng sao, ngày mai ta còn quay lại.”
“Tạm biệt.”
Xét cho củng thì cô bé vẫn là một đứa trẻ, nên có chút không biết lý lẽ. Chàng cười rồi đi ra ngoài và khép cửa lại.
Cái đêm ấy, chàng đành phải ngủ lại trong tòa miếu hoang nọ.
Trong miếu là một mảng tối đen, chàng không gặp lại Trúc Ân, chỉ cảm thấy mệt mỏi đến kỳ lạ, vừa ôm áo ngả đầu xuống, chàng đã ngủ thϊếp đi.
Đầu giờ Tị ngày hôm sau, chàng ăn xong bữa sáng quay trở lại phòng khám của mình thì sớm đã có bảy, tám bệnh nhân đang đợi ngoài cửa. Chàng mở cửa lớn, mời bọn họ vào khách sảnh ngồi. Đang định vào phòng trong lấy thêm cái ghế băng, chàng vừa đẩy cửa, trong phòng đã có tiếng thét: “Chớ có vào!”.
Trời ạ! Cô bé kia vẫn chưa đi!
Chàng đứng ngây ra cạnh cửa cứ như trúng một đao, khó khăn lắm mới khôi phục lại nét mặt bình thường, sau đó ngượng ngùng quay đầu lại cười cười với mười mấy cặp mắt trong khách sảnh đang trừng trừng ngó vào mình, trừ bỏ cái hiềm nghi mình là một con buôn. Khép cửa lại, quay về trước bàn, tiếp tục bắt mạch kê đơn.
Có muốn tới bếp uống chén nước thì cũng phải qua phòng ngủ.
Cả buổi sáng hôm ấy, chàng phải sống trong cảnh miệng khô họng rát.
Tới trưa, chàng nhanh nhanh chóng chóng khám xong cho bệnh nhân, cuối cùng gỡ biển mở chẩn, khép cửa chính, thấy phòng trong vẫn chẳng có động tĩnh gì liền gõ cửa, hỏi: “Cô nương, cô đã dậy chưa?”.
“Ta không dậy nổi rồi!”, giọng bên trong vọng ra rõ rang đang nghẹn ngào.
Chàng không biết làm sao, đành đẩy cửa đi vào, tới bên giường, phát hiện cô bé cuộn chặt mình trong chăn nằm bất động trên giường, sắc mặt tái nhợt, đôi mắt sưng như hai quả hạch đào. Trong lòng có chút kinh ngạc, chàng hỏi: “Sao thế? Trong người không được khỏe à?”.
Cô bé khóc thút thít không dứt: “Ngươi… ngươi chớ có chạm vào ta! Ta muốn chết đây!”, nói rồi trùm chăn qua đầu, khóc hu hu.
Chàng giật mình, tiếp tục hỏi: “Hôm qua hãy còn tốt, sao hôm nay lại đòi chết chứ?”.
“Ta muốn mẹ!”
“Mẹ cô ở đâu? Ta đi tìm bà ấy tới.”
“Mẹ ta chết lâu rồi!”, cô bé khóc càng thương tâm hơn.
“Cha cô đâu? Cô là người trấn này phải không?”
“Cha ta không thích ta, muốn gả ta cho một tên nam nhân thối tha. Ta trốn khỏi nhà ra đây, chuẩn bị đi tìm dì ta”, có lẽ là trong chăn quá bí, cô bé lại thò đầu ra ngoài, mắt đẫm lệ nhìn Tử Hân.
Chàng không tiện hỏi nhiều, bèn xách một cái ghế tới bên giường: “Đưa tay qua đây, ta xem mạch cho cô… Cô còn có sức khóc, hiển nhiên là chẳng chết ngay được”.
“Nhưng… nhưng ta cứ mãi chảy máu không ngừng”, cô bé thò nửa cánh tay thanh mảnh ra khỏi chăn.
Chàng bắt mạch cho cô bé rồi thu tay lại, nói: “Không phải sợ, không việc gì đâu”.
“Cái gì mà không việc gì? Bụng ta đau chết đi được.”
“Cô có tỷ tỷ không?”
“Không có người nào thân thiết cả.”
“Đây là… con gái… ừm… thiên quý[1]…”, Tử Hân cẩn thẩn dè dặt lựa chọn ngôn từ.
[1] Chỉ kinh nguyệt của phụ nữ.
“Cái gì là thiên quý? Là quỷ trên trời à?”
“Không phải…”
“Rốt cuộc thì là cái gì?”
“Ừm… cô biết chữ, chắc đã từng nghe qua Bệnh của Trình Cơ[2] chứ?”, Tử Hân đổi sang diễn tả bằng kiểu khác.
[2]Sách Sử Ký – Ngũ Tông thế gia có chép: “Cảnh Đế triệu Trình Cơ, Trình Cơ có chỗ phải kị tránh, không muốn vào”. Sau người ta gọi tránh kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là Bệnh của Trình Cơ (Trình Cơ chi tật).
“Chưa hề”, cô bé nghi hoặc lắc đầu: “Trình Cơ là ai?”.
Chàng cúi đầu khổ sở suy nghĩ, dốc hết đầu óc tìm cách giải thích cho ổn thỏa: “Là như thế này, về sao mỗi tháng cô… đều sẽ như thế… cô phải quen dần đi”.
“Sao cơ? Ai cũng như thế à? Ngươi cũng thế sao?”, cô bé kinh ngạc hỏi.
“Không, không…”, đầu Tử Hân đã to như cái đấu: “Chỉ có nữ nhân mới như thế. Nếu cô đã vậy… thế thì chứng tỏ… cô đã thành một nữ nhân…”.
Bình sinh chưa từng gặp chuyện thế này, chàng càng nói càng lắp bắp.
“Ý ngươi là, trước đây ta là kẻ bất nam bất nữ?”
“Không, không, không!”, chàng xua tay lia lịa.
“Hiểu rồi, ngươi muốn nói, ta sẽ không chết.”
“Đúng rồi, đúng rồi!”, Tử Hân vội gật đầu.
“Có điều, cứ thế này, máu của ta liệu có chảy hết không?”, cô bé thấy mũi cay cay, nước mắt lại trào ra.
“Không… không đâu… chẳng bao lâu nữa sẽ dần dần… ngừng… ngừng lại thôi.”
“Chiều nay có thể ngừng không? Ta còn muốn mau mau lên đường.”
“… E rằng không nhanh như thế được.”
“Vậy rốt cuộc phải đợi mấy ngày?”
“Bụng cô rất đau phải không?”
“Ừm.”
“Khoảng sáu, bảy ngày, có thể còn lâu hơn.”
“Ngươi có thể nghĩ cách giúp ta không?”
“Ta có thể kê cho cô một đơn thuốc…”
Đôi lông mày của cô bé nhướng lên, mừng rỡ nói: “Ngươi có thể kê thuốc cho máu ngừng chảy?”.
“… Việc này chỉ sợ không thể… ta chỉ có thể kê chút thuốc giảm đau.”
Cô bé nhìn chàng hồi lâu, hé miệng cười, nhẹ nhàng nói: “Xin lỗi… làm bẩn giường của huynh rồi…”.
“Không sao cả.”
“Tên huynh đúng là Diêu Nhân? Cắn người[3]?”, cô bé nhíu mày nhìn chàng. Tên của chàng có trên bảng hiệu treo ngoài cửa.
[3] Trong tiếng Trung “cắn người” và “Diêu Nhân” có âm đọc gần giống nhau.
“Ừm.”
“Tên muội là Tô Phong Nghi”, cô bé cắn môi, hàng lông mi dài cụp xuống, thanh điệu không biết vì sao bỗng trở nên rất văn nhã.
“À.”
Sau đó, cô bé nhoài người trên giường nói: “Muội đói rồi”.
Tử Hân tới nhà bếp làm mấy món ăn, Tô Phong Nghi cuộn mình trong chăn ngồi cạnh bàn, ăn như rồng như hổ. Ăn xong cơm lại uống thêm một tô thuốc. Tử Hân buồn bực thay một tấm trải giường mới rồi nói: “Cô ngủ tiếp đi cho khỏe”.
Cô bé chậm chạp bò lên giường, chui vào trong chăn, mở cặp mắt to tròn lén nhìn trộm Tử Hân.
Tử Hân nói: “Thay y phục bẩn ra đây đi”.
Một đám mây hồng hiện lên đôi má, cô bé loạt soạt một lúc rồi ngồi dậy, ôm chăn nói: “Không cần đâu, không cần đâu… để tự muội giặt. Cám ơn”.
“Biến thành khách khí như vậy từ lúc nào thế?”, Tử Hân nói: “Y phục bị ướt không thể cứ mặc mãi trên người”.
Cô bé lại chui vào chăn, ném y phục ra ngoài.
“Cảm ơn huynh, món ăn huynh làm… món ăn huynh làm quả thật… quả thật rất ngon”, cô bé nhìn vào mắt Tử Hân, thành thật cảm ơn một tiếng.
Tử Hân nghiêm mặt, không đáp lời, rầu rĩ xách đồ đi giặt giũ hơn một canh giờ rồi phơi tại sân sau.
Hai ngày tiếp theo, cô bé Tô Phong Nghi kia trở nên cực kỳ an phận. Bởi vì bụng cô bé đau ghê gớm nên không thể không ngoan ngoãn nằm trên giường, uống thuốc hằng ngày. Đến tối, Tô Phong Nghi lại nói mình sợ, không ngủ được. Tử Hân đành phải ngủ trên bàn ngoài khách sảnh trông cửa cho cô bé.
Đến ngày thứ ba, cuối cùng Tô Phong Nghi cũng dậy được khỏi giường liền bắt đầu tự giặt y phục cho mình.
“Tại sao món ăn huynh nấu luôn chỉ có mấy kiểu này? Chẳng có chút mùi vị nào cả?”, cùng với việc thân thể dần khôi phục, tính tình cô bé hình như cũng phục hồi theo.
“Cô muốn ăn gì thì tự mình làm là được”, Tử Hân hừ một tiếng.
“Sao bộ dạng rửa rau của huynh cứ như trong rau có thuốc độc thế?”
“Tại sao huynh không ăn thịt? Huynh không phải hòa thượng mà.”
“Trời ạ, đến cả hành với hạt tiêu huynh cũng không ăn… Quá thể đáng rồi!”
Ngày thư tư, Tô Phong Nghi lại tiếp tục không ngừng lải nhải như thế khi Tử Hân đang thái rau. Sức nhẫn nhịn của chàng cuối cùng cũng đã tới cực hạn, đột nhiên buông dao xuống, lạnh lẽo hỏi cô bé: “Bao giờ thì cô có thể đi?”.
Khuôn mặt Tô Phong Nghi lập tức tái đi, ánh mắt giận dữ nhìn chàng, qua một lúc, nén cơn giận, nhìn xuống đất, chợt nói: “Dưới chân huynh có một con gián”.
Đó là một con gián to đùng, cặp râu dài dò dẫm qua lại, đang gắng sức men theo một góc vạt áo dài của chàng bò lên. Tử Hân vừa nhìn thấy con gián, thân thể đột nhiên run lên bần bật, sắc mặt đổi thành màu tím, trong ngực khó chịu, bắt đầu thở dốc.
Cô bé vội vàng đỡ lấy tay chàng, hỏi: “Huynh làm sao thế?”.
Tử Hân vội đưa tay vào trong túi thơm lục tìm, còn chưa kịp lấy ra được cái gì thì hai mắt đã tối sầm, “uỵch” một tiếng, ngã nhào xuống đất.
Trừ chuyện kiêng kỵ bao nhiêu loại thức ăn ra, đây là chuyện kỳ quái đầu tiên Tô Phong Nghi biết về Tử Hân.
… Tử Hân sợ gián.
Ngày hôm đó, cô bé hoảng hốt sợ hãi nhìn nam nhân ấy ngã xuống đất, hơi thở yếu ớt, bèn nhanh mắt lẹ tay tìm trong túi thơm của chàng, lấy ra một lọ thuốc, cũng không thèm để ý bên trong là cái gì, bèn nhét một viên vào miệng chàng, sau đó xông ra ngoài gọi một đại hán ôm chàng đặt lên giường. Tử Hân rất nhanh tỉnh lại, kế đó thì chìm sâu vào giấc ngủ.
Qua trọn hai canh giờ, chàng mới thực sự tỉnh táo trở lại, thấy Tô Phong Nghi, giờ đã chải đầu thắt hai bím tóc đen bóng, quỳ trước giường ngây ngốc nhìn mình.
“Huynh không sao chứ?”, cô bé cúi đầu hỏi.
“Không sao.”
“Muội biết muội đem lại cho huynh rất nhiều phiền phức, cho nên muội quyết định sẽ đi bây giờ.”
“…”
“Cảm ơn huynh đã chăm sóc muội.”
“Không có gì.”
Cô bé đứng dậy, nghĩ một lúc, chợt hỏi: “Qua nhiều năm nữa, đợi khi muội lớn rồi, liệu huynh còn nhớ muội không?”.
“Khó nói…”
“Thế thì chí ít huynh phải nhớ cái xoáy này, được không?”, cô bé kéo ống quần, để Tử Hân nhìn cái xoáy be bé chích trên mắt cá chân trái.
“Ta là giang hồ lang trung, sẽ không ở lâu một nơi nào”, chàng cảm thấy cô bé này có chút kỳ lạ: “Huống chi thế giới rộng lớn thế này… Chúng ta sẽ không tái ngộ đâu”.
“Thế thì quên muội đi”, cô bé thoải mái khoác bọc hành lý lên vai, vẫy tay với Tử Hân: “Tạm biệt”.
“Tạm biệt.”
Tô Phong Nghi đi như bay ra ngoài, lúc sắp biến mất sau cánh cửa, bỗng quay đầu lại, nở nụ cười giảo hoạt với chàng, rồi làm một khuôn mặt quỷ.
Trời đã sang hoàng hôn, căn nhà lại trở về vẻ yên tĩnh của nó.
Gió chiều tràn tới, hương hoa thơm nức. Tà dương ở một góc sân khẽ lay động trong làn khói bếp ban tối.
Chàng cảm thấy hơi đói bèn đi tới nhà bếp, phát hiện trong nồi đang hâm hai bát thức ăn nhỏ, còn có một nồi canh bí đao. Rõ ràng cô bé đã chăm chú quan sát bữa tối của chàng, ba món ăn đều làm theo cách của chàng, không cho thêm, cũng chẳng bớt đi thứ gì cả.
Tay nghề của con nha đầu này xem như cũng không quá tệ.
Chàng chợt cảm thấy có chút áy náy, nhận thấy bản thân qua lạnh lùng với cô bé. Có điều, đấy chẳng phải một tính cách nhất quán của người nhà Mộ Dung sao?
Tới đêm, lúc thay đồ đi ngủ, chàng mới phát hiện cô bé nói không sai.
Chàng sẽ không quên cô bé.
Bởi vì cô bé đã chích lên mắt cá chân phải của chàng một cái xoáy y hệt cái xoáy trên chân cô bé.
… Chích lên đương nhiên phải đau, đáng tiếc cái chân này của Tử Hân đã hoàn toàn mất đi tri giác.