Mắt Âm Dương I

8.5/10 trên tổng số 2 lượt đánh giá
Tác Giả: Đề Cử
Tình Trạng: Hoàn Thành
Lạc trong địa ngục dưới lòng đất Tạng Khi ai đó qua đời, người Tạng đem thi thể người chết dâng cho kền kền, vốn là sứ giả của chư thần trong tín ngưỡng Tây Tạng, sau khi rỉa thịt người chết, kền kền  …
Xem Thêm

Hễ gặp những chuyện đau đầu như thế này Vương Uy lại nhớ đến Nhị Rỗ. Nhị Rỗ được tổ tiên truyền cho bí thuật dò tìm long mạch địa nhãn, rất giỏi nhìn ra được chỗ kỳ diệu về phong thủy trong trời đất, tìm đường sống từ trong hiểm cảnh, nếu gã ở đây, chắc hẳn muốn khám phá bí mật trong chuyện này chẳng khó khăn gì.

Thấy Vương Uy lặng yên không đáp, lão Tôn lắc đầu nói:

- Bấy nhiêu năm nay đám quân phiệt Tứ Xuyên hỗn chiến, anh bôn ba khắp Xuyên Trung, vào Nam ra Bắc, những điều tai nghe mắt thấy không ít, vậy mà cũng không biết nguồn cơn chuyện này, thật là hết cách.

Vương Uy hắng giọng, bỏ ngoài tai câu châm chọc của lão Tôn, lão già này vô cùng xảo quyệt, chắc hẳn đã đến lúc lão dùng tới anh rồi đây. Hang động này ăn sâu vào lòng đất đến mấy dặm, nói theo khoa học tự nhiên của phương Tây thì đã tiến gần đến khu vực địa tâm, có lẽ lão Tôn muốn anh đi trước thăm dò, mở đường cho đội thám hiểm của lão chăng?

Có điều lão Tôn không dám nói thẳng, chỉ mượn lời khích bác nên Vương Uy đời nào chịu mắc lừa. Anh chỉ cười cười rồi để mặc lão ở đó, đi lòng vòng xung quanh xem xét kết cấu địa hình.

Vương Uy giơ đèn bão soi, chỉ trông thấy kết cấu nham thạch hình lòng máng như con rết treo ngược trên nóc hang. Vì phạm vi chiếu sáng của cây đèn có hạn nên chỉ thấy đường nét lòng máng, chẳng trông rõ được trong đó có gì.

Lão Tôn đằng hắng một tiếng, bực bội ra lênh cho đội thám hiểm:

- Theo lối cũ quay về.

Bỗng Vương Uy nói chen vào:

- Hượm đã, hượm đã, tôi thấy trần hang có vấn đề

Dương Hoài Ngọc đứng bên Vương Uy, hỏi:

- Có chuyện gì thế?

Vương Uy dùng răng cắn dây buộc đèn bão, hai tay ôm chặt lấy trụ đá cắm sâu vào vị trí trung ương của hang, vận sức mấy lay mấy cái để thử độ vững, thấy trụ đá tuy mỏng mảnh nhưng rất vững chãi, mấy người leo lên cũng không vấn đề gì, anh liền bám vào hai bên trụ, dùng lực đu lên, chui vào lòng máng.

Lối vào lòng máng đá rất hẹp, nhưng không gian bên trong rộng vô cùng, nhờ ánh sáng cây đèn bão, anh nhận thấy khoảng cách với các trụ đá hai bên mỗi lúc một rộng ra, phía bên kia còn rộng đến chừng nào thật khó mà biết được.

Trụ đá càng lên cao càng to dần, tai cửa vào máng đá, trụ đá chỉ to bằng cánh tay trẻ con, Vương Uy đứng trên khúc cong của trụ đá, có thể chạm đến phần trụ đá to cỡ một người ôm. Anh bám lấy mấu đá lớn nhô ra trên trụ, hai chân quặp chặt, dùng sức trèo lên. Vương Uy vốn đã có ngón võ gia truyền, mấy trò trèo tường leo vách đối với anh chỉ là chuyện vặt.

Càng leo lên cao, Vương Uy càng thêm kinh ngạc, cây trụ đá này chẳng biết mọc từ đâu ra, anh leo lên được mấy mét, phát hiện trụ đá to hơn tưởng tượng của anh nhiều, mười người chưa chắc đã ôm xuể.

Những người trong hang cũng nhận ra sự kỳ dị của cái máng đá, liền học theo Vương Uy, lũ lượt leo lên. Hơn chục con người mặc áo đen miệng ngậm đèn bão, mỗi người ôm một cây trụ đá, thoăn thoắt leo lên.

Vương Uy leo cao hơn những người trong đội thám hiểm, nhờ cả dãy đèn bão phía dưới chiếu sáng một khoảng khá rộng, anh thấy hàng trụ đá này hệt như một dãy xương sườn của dã thú. Nhưng gốc của hang trụ đá này ở đâu, lớn chừng nào, anh thật chẳng dám tưởng tượng. Từ trên trông xuống, anh chẳng thấy nổi bóng người cuối cùng leo lên, chỉ thấy ánh đèn le lói, khoảng cách giữa anh với dãy đèn bão xếp thành hình chữ nhất dưới kia áng chừng hơn trăm mét.

Lão Tôn leo lên một cây trụ đá sát bên trụ đá của Vương Uy, đợi trèo lên gần ngang với anh, lão quay sang nói:

- Này anh Uy, anh có nhận ra không? Chỗ này là đất độc.

Vương Uy ngơ ngác hỏi lại:

- Sao bác lại nói thế?

Lão Tôn nhìn quanh một hồi rồi mới đáp:

- Hồi trẻ tôi bôn ba giang hồ, gặp được cao nhân, học được thuật xem phong thủy để đào trộm mộ. Xem hình thế cái hang này giống hệt đất Bối long âm khư mà thầy tôi dạy khi xưa, thật hãi quá đi mất.

Lòng Vương Uy trầm hẳn xuống, anh thầm nghĩ lão Tôn cũng là một cao thủ về phong thủy, để nghe xem lão nói sao, liền hỏi:

- Bối long âm khư là nghĩa làm sao?

Lão Tôn giải thích:

- Trong Hám Long kinh có viết, núi Tu Di là xương sống của thiên địa, sừng sững giữa đất trời, trấn giữ thiên tâm. Giống như xương sống và gáy của con người vậy, từ đây lại tỏa ra bốn nhánh long mạch. Bốn nhánh chia ra làm bốn thế giới, coi Nam Bắc Đông Tây là bốn mạch. Tây Bắc, Không Đồng vạn dặm đường; Đông vào Tam Phụ khuất bầu không; riêng có rồng Nam chầu chính giữa; nghén sinh mạch tổ há lạ lùng. Nghe nói thiên hạ có bốn long mạch lớn, long mạch chạy vào Trung Quốc được gọi là Nam Long, núi Côn Luân là núi tổ của long mạch Nam Long, cũng là thủy tổ của long mạch trên toàn Trung Quốc, từ Côn Luân, long mạch chia ra làm ba nhánh, chạy về ba hướng Bắc, Trung, Nam. Long mạch phía Bắc chạy về phía Hoàng Hà, thế dồi dào, mạnh mẽ. Long mạch ở miền Trung nằm kẹp giữa Trường Giang và Hoàng Hà, thế bình ổn, phân ra làm hai mạch ở nơi giáp giới giữa hai dòng sông, có kinh mà không có hiểm, còn long mạch phía Nam lại nương theo thế núi Côn Luân, khởi nguồn từ Tuyết lĩnh, trỗi lên từ mạch núi phía Nam Trường Giang, dọc đường có ngang qua núi Đường Cổ Lạp, Dân sơn, Nam lĩnh, núi Vũ Di, chạy về phía Đông, đổ vào biển Đông. Long mạch phía Nam nhất định phải chạy qua núi Đường Cổ Lạp chỗ chúng ta, hơn nữa đây còn là nơi long mạch phía Nam đổi hướng. Vượt qua rặng núi tuyết này, thế của long mạch từ núi Côn Luân đổ xuống sẽ dần dần bình ổn, lại có hình thế rồng nằm phủ phục, chạy đến núi Vũ Di mới từ từ đổi thế, đổ vào Đông Hải, nhưng mạch núi này chuyển hướng từ núi Đường Cổ Lạp địa hình rất phức tạp, thế lại lắt léo hiểm trở, quả khiến người ta khó mà đoán định được. Lão đứng bên dưới tuyết tuyến[2] quan sát thấy một dãy các đỉnh núi nối liền thành một đường thẳng, các đường thẳng này đan xen nhau chồng chéo như bàn cờ, ở giữa nổi lên một ngọn núi cao vạn trượng, thế núi hiểm trở, như kinh long vυ"t lên trời, đó chính là chỗ kỳ tuyệt của sơn thủy nơi này.

[2] Tuyết tuyến: đường ranh giới mà từ đó trở lên địa thế cao hơn, băng tuyết bắt đầu bao phủ quanh năm.

Vương Uy nghi hoặc hỏi:

- Thế giới bên dưới núi này có liên quan gì đến long mạch bên ngoài núi?

Lão Tôn quan sát hướng của các trụ đá, thở dài đáp:

- Người xưa tìm long mạch, chủ yếu xem trọng năm yếu tố “rồng”, “huyệt”, “cát”, “nước” và “phương hướng”. Nếu xét riêng rẽ thì năm yếu tố này có thể xem như năm nguyên lý “tính rồng”, “huyệt đất”, “cát vây”, “nước ôm” và “hướng tâm”. Tính rồng chỉ khí đất lưu chuyển bên trong mạch núi phải tuần hoàn, dồi dào không dứt; huyệt đất chỉ vùng đất tốt, khí đất ngưng kết, hội tụ, còn gọi là huyệt lành; cát vây, ý nói sau huyệt mộ có núi non trùng điệp bao bọc xung quanh, như vậy mới tốt; còn hướng tâm chỉ vùng đất mỏng yếu, long mạch chạy gấp, khí đất trống trơn, trước sau đứt gãy. Từ lúc bước vào khe núi này, lão đã thấy mạch núi chạy đến đây tựa như kinh long quay đầu, ắt hẳn hẻm núi từ thời tiền sử này chính là vùng đất dữ kìm hãm long mạch. Kinh long chạy từ Côn Luân đến mạch núi Đường Cổ Lạp này, hẳn muốn nương theo mảnh đất báu dồi dào khí đất, có thể sản sinh ra huyệt lành này để làm một cú nhảy vọt cuối cùng. Nào ngờ lại nảy ra khe núi ngầm này, vây hãm kinh long ở đây, trước mặt có đỉnh núi tuyết sừng sững vạn trượng ngăn trở, sau lưng lại có vô vàn núi tuyết kéo dài liên miên, kinh long tiến lùi đều khó, bèn biến mảnh đất lẽ ra là đất báu này thành một sơn cốc chết.

Nghe lão Tôn giảng giải một thôi một hồi về hình sông thế núi, Vương Uy sợ đến ngẩn cả người ra, về bí thuật tầm long điểm huyệt anh cũng biết được đôi chút. Hồi xưa ông nội anh là kỳ nhân trong đám lục lâm, từng nghiên cứu kỹ những phương thuật cổ xưa này, nhưng ông cụ cảm thấy đã đến thời Dân Quốc, những thứ ấy ắt phải vứt vào sọt rác, cho nên không truyền thụ lại cho anh, anh chỉ thỉnh thoảng nghe ông nội nhắc đến mà thôi.

Thêm Bình Luận