Chương 33: Thương Nhân Thâm Hiểm

- Được. Cứ vậy đi. Sau này mày cũng đừng chường mặt ra nữa, chướng mắt tao. Mày nói xem, cái loại học trò gì về nhà thấy anh trai chị dâu không biết mở mồm ra chào. Sao anh cả phải è cổ làm việc nuôi chúng mày? Chúng mày làm quan thì chúng mày hưởng. Đời còn dài, chưa biết thế nào đâu. Mày chạy vội về đây chỉ vào mặt tao quát tháo cái gì? Chị em tốt biết nhau không nợ nần lẽ ra phải vui mừng khôn xiết… Còn mày thì chỉ chỏ la hét? Nghĩ tao là em mày chắc?

Trường Căn ré lên, mặt đỏ như gà chọi:

- Á à, chị nhận là chị không nợ rồi nhé. Chị tìm cách phân gia, lôi anh cả ra ngoài để nhà mất đi lao động, cha mẹ gọi chúng tôi về làm việc đồng áng. Chị thì ở cùng ăn bám anh cả, đùn hết việc cho anh ấy, mình ngồi không bán thóc tiêu xài hoang phí.

Trường Thanh tức điên người, bật cười:

- Ra là chúng mày bị gọi về bẻ ngô nên tức tối tìm tao chửi mắng hả? Đừng có ngậm máu phun người. Tao không tìm cách phân gia. Tao không muốn ra ngoài. Ở đây tao không làm việc, ở nhà tao làm việc bao giờ? Khi tao còn ở nhà, mày có thấy tao đi gặt lúa bẻ ngô không? Bây giờ mẹ cho tao về nhà, tao lập tức về. Tao mà về chúng mày xác định một đồng cũng không moi được từ túi mẹ. Tao cứ tiêu xài hoang phí đấy. Còn hơn mang tiền đó vứt cho chúng mày ăn ngon mặc đẹp, huênh hoang khoác lác với chúng bạn, đi tửu lâu ôm gái. Cút…

Trường Căn điên tiết gào lên:

- Bọn tôi đi học, sau này thi công danh mà cứ động một cái lại gọi về lo ba cái chuyện ruộng ruộng vườn vườn, lông gà vỏ tỏi thì làm sao tập trung mà học được. Chị thì biết quái gì. Thư sinh đọc sách là phải thông thi ca, thạo âm luật. Phải biết nhìn xa trông rộng, suy nghĩ việc lớn. Ngày ngày chỉ loanh quay mớ rau củ hành thì làm nên trò trống gì? Tiền bỏ ra để mua về cái hay cái đẹp, bỏ bao nhiêu cũng được. Tiền tiêu xài vặt vãnh vào những thứ đầu óc thiển cận không có tiền đồ như chị chỉ phí của. Một xu tôi cũng không muốn bỏ ra.

Trường Thanh thấy máu sôi sùng sục trong người. Cô tức đến nỗi hai tai như xì khói. Nhìn quanh, thấy trong sân có cái chổi rễ, Trường Thanh vớ ngay lấy phang vào người Trường Căn, rống to:

- Ranh con láo toét. Học không học la cà sòng bạc… Ối làng nước ơi… Cha mẹ ơi, các ngài ra đây mà xem… Thằng con quý báu của các ngài không học hành, vào sòng bạc lượn lờ do thám…

Vừa rống vừa phang cật lực vào người Trường Căn.

Thằng ranh láo lếu đau quá, đưa tay ra đỡ vài cái thì co giò bỏ chạy. Trường Thanh rượt theo đập không nương tay, vẫn hét:



- Hôm nay tao đánh chết mày… Học trò kiểu gì thi chót bảng, về nhà không chào người lớn chẳng chào người bé. Tao đánh chết mày. Mày kinh thường anh cả chị hai à? Khinh rẻ nông dân thất học à? Tao tiêu đồng nào của mày chưa? Thằng bố láo bố toét…

Cô đánh rất mạnh. Trường Căn thân thể thư sinh, chịu không nổi, nhưng chạy không nhanh nên ăn đòn tương đối.

Người làng hóng bát quái từ lúc hai chị em la hét trong sân, hiện tại thấy Trường Thanh vác chổi lùa em thì chẳng ai can. Nếu cô vác gậy lùa, có khi người ta còn cản vốn cản lời. Họ thừa biết Trường Căn và Trường Tuấn không nên thân, đi về nhà không chào anh chị, ra đường không chào hàng xóm từ lâu rồi. Giờ nghe Trường Thanh la hét, ai nấy chỉ lắc đầu ngao ngán.

Chị lớn em bé la cà sòng bạc đánh chửi nhau, làm trò cười cho thiên hạ.

Trường Thanh đuổi đánh hồi lâu, vụt đã tay rồi mới quay lại. Chổi cũng long sòng sọc, rơi rụng lả tả. Trường Quang chạy theo phía sau, chẳng can ngăn gì.

Trường Thanh tức điên người vẫn giữ được sự thâm hiểm của dân làm ăn thời hiện đại. Cô cầm chổi lùa, tưởng đánh không đau mà vụt mấy chục phát lại đau không tưởng. Chẳng ai can, đánh càng được nhiều. Nhưng nếu cô vác gậy lùa có khi anh cả chạy ra can đầu tiên, chắc gì đã vụt được phát nào.

Quay trở lại nhà, thấy Vạn Khiêm đang sợ sệt thập thò trước cổng, Trường Thanh quăng chổi xuống sân, quát:

- Vào rót nước. Thấy vợ bị người ta đến tận nhà chửi rủa mà không biết chạy ra bênh vực. Núp núp trong nhà làm cái gì? Lần sau phải vác gậy xông ra, rõ chưa?

Vạn Khiêm vội chạy vào phòng rót nước.

Trường Thanh đi theo sau, sập cửa bang một phát cực to, ngồi phịch xuống ghế cầm bát nước uống cạn.