Câu chuyện của A Âm cứ ám ảnh mãi trong tâm trí khiến nàng bần thần suốt mấy ngày mấy đêm chẳng thể ngủ được. Trong khoảng thời gian này, Ngân Như biết tâm trạng nàng không tốt, thế nên nha đầu vô cùng ngoan ngoãn tận tâm làm đỡ cho nàng những công việc nhỏ nhặt trong Nghinh Uyên viện.
Hôm nay sau khi luyện kiếm xong, như thường lệ, nàng lại thả người nằm dài trên bậc tam cấp trước cửa viện ngắm những đám mây trôi nổi trên nền trời xanh biếc. Suốt mười mấy năm sống trên đỉnh Tuyết Vân Sơn, thứ nàng thấy nhiều nhất có lẽ chỉ có tuyết và khoảng trời âm u với những cơn gió lạnh rét buốt cắt da cắt thịt. Những giọt nắng hồng đang nhảy nhót khắp nơi đây đối với nàng mà nói thật ra là một khoảnh khắc xa xỉ đến tột cùng, thế nên nhân lúc này nàng sẽ tận hưởng cho thỏa thích, cũng như làm cho tâm trạng thả lỏng một chút, thế cũng đỡ hơn cả ngày trầm mặc không nói năng gì.
Nàng tùy ý nằm dài trên nền gạch đỏ, chẳng màng đến việc lưng áo đã bị lấm lem bụi đất mà để mặc cho những tia nắng sớm nhảy nhót trên cánh mũi, mơn trớn lên khắp da thịt mềm mại trắng trẻo của nàng. Đến khi đôi mắt đã mỏi, tay ngọc thon dài tựa ngó sen vươn lên bầu trời trong xanh không chút gợn mây trắng, tưởng như chỉ cần nàng nắm bàn tay lại là có thể đem được cả mùa Xuân vào trong lòng mà giấu đi.
“Cảnh đẹp nhường này mà lại tận hưởng một mình thật có lỗi quá. Ngân Như, muội ở đâu thế?”
Nàng lẩm bẩm tự hỏi, sau đó liền nhẹ nhàng dựng người dậy rồi đi vào trong viện tìm kiếm bóng hình bé nhỏ thân thương của nàng.
Trông thấy Ngân Như đang giũ đống quần áo bằng đôi cánh tay khẳng khiu, trên vầng trán thông minh đã lấm tấm mồ hôi, nàng bất giác nở một nụ cười.
Nàng bước đến chỗ Ngân Như, vỗ nhẹ vào bả vai của nha đầu rồi nói:
“Muội nghỉ tay đi, chỗ y phục còn lại để tỷ lo là được rồi.”
Ngân Như đưa tay lên lau mồ hôi trán, sau đó nhìn xuống một mớ lằng nhằng bên dưới rồi nhăn mặt nói:
“Tỷ vừa luyện kiếm xong, đi đứng có khi còn chẳng nổi, nói gì đến việc một mình lo cái đống này.”
Nàng lắc đầu mỉm cười, sau đó chẳng nói chẳng rằng liền cúi người xuống, bằng vài động tác gọn gàng đã đem y phục treo lên gọn gàng.
Biết tính nàng cứng đầu, nha đầu chỉ thở dài nói:
“Thật đúng là hết nói nổi tỷ đấy, đừng làm quá sức, lúc nào mệt thì tỷ đi nghỉ ngơi ngay cho muội.”
Nàng bật cười nói:
“Nha đầu này, sao muội lại giống bà cụ non thế hả?”
Suốt hai canh giờ vừa làm vừa tỉ tê nói chuyện phiếm, nàng và Ngân Như cuối cùng cũng giải quyết xong chỗ y phục vừa rồi. Vốn dĩ chỉ có hai tỷ muội sống ở viện Nghinh Uyên, thế nên y phục cũng chẳng nhiều nhặn gì, nhưng ở Phong Linh Đường phân chia công việc vô cùng rõ ràng. Những đệ tử khác luôn phải làm những công việc nặng nhọc và khổ cực hơn, nhưng vì nàng và Ngân Như là nữ nhi, thế nên cả hai chỉ cần giặt giũ quần áo cho các đệ tử khác là được. So với những công việc kia thì đây chính là công việc nhàn hạ nhất rồi.
Nàng vặn vẹo sống lưng mỏi rần, cảm giác như xương cốt đã già đi mấy chục tuổi vậy.
“Ngân Như, lão sư hôm nay lại xuống núi à?”
Nàng bâng quơ hỏi, Ngân Như cũng bâng quơ trả lời:
“Muội nghĩ tỷ phải rõ ràng hơn muội chứ. Hình như cứ cách dăm ba hôm là lão sư sẽ xuống núi một lần thì phải.”
Nàng đưa tay xoắn lọn tóc đen dài trước ngực, thầm suy tư nhìn về phía cửa viện rồi nói:
“Không biết muội có cảm giác giống như ta không, nhưng ta thấy hình như lão sư người hôm nay không được bình thường…”
Ngân Như nhìn nàng với ánh mắt khó hiểu. Nàng biết nha đầu này lại bắt đầu hiểu sang mấy ý nghĩa khác rồi, thế nên nàng bật cười búng vào trán nha đầu một cái.
“Nghĩ cái gì thế hả! Ý tỷ là hành động hôm nay của người có vẻ không giống mọi hôm.”
Nàng xoa xoa cằm trầm tư, sau đó ngập ngừng nói:
“Tuy người không lộ ra ngoài, nhưng tỷ lại cảm nhận được rất rõ, dường như tỷ thấy được vẻ lo lắng hiện lên trên gương mặt người…”
Ngân Như cắp chậu quần áo lên tay, nhìn dáng vẻ “Kỷ nhân ưu thiên” (*) của nàng rồi lắc đầu nói:
“Tuyết Vân Sơn biệt lập với bên ngoài còn có thể xảy ra chuyện gì đây? Huống chi lão sư võ công cao cường, kẻ nào đến gầy rối thật chẳng khác nào rước họa vào thân. Theo muội thấy, tốt nhất tỷ nên lo cho bữa chiều nay ăn món gì thì hơn.”
(*) Kỷ nhân ưu thiên: Người nước Kỷ lo trời sập (đồng nghĩa với cụm lo bò trắng răng)
Ngẫm nghĩ một hồi khiến đầu đau như búa bổ, nàng thở dài thất vọng rồi như chợt nhớ ra điều gì, ánh mắt nàng chợt long lanh lên, nàng cầm lấy tay Ngân Như lắc qua lắc lại liên hồi.
“Sư muội, hay nhân lúc lão sư không có ở đây, tỷ với muội xuống núi chơi đi!”
Nha đầu phẩy tay áo, trừng mắt cứng rắn nói:
“Ai cũng có thể xuống núi, nhưng riêng tỷ thì không được!”
Thấy dáng vẻ quyết tuyệt đó của Ngân Như, nàng vẫn chẳng chịu nhượng bộ, vẫn kiên trì cầm lấy tay Ngân Như lắc qua lắc lại, lắc đến điên đảo càn khôn, lắc đến băng thiên địa liệt, lắc đến khi nha đầu cảm thấy cánh tay của mình sắp bay ra ngoài đến nơi. Nếu không phải nàng cao hơn Ngân Như hai cái đầu thì có lẽ người khác nhìn vào sẽ thấy chẳng khác nào cảnh hài tử nì nài nũng nịu đòi mẫu thân được đi chơi.
“Đi mà, Ngân Như đáng yêu của tỷ! Ở trên này lâu quá rồi, tỷ ngột ngạt đến không chịu nổi được nữa mất. Chỉ lần này mà thôi, lão sư người sẽ không biết được đâu.”
Vị “mẫu thân” kia định lực quả thật không tốt một chút nào, mới đó đã bị nàng thuyết phục được rồi.
“Được rồi, được rồi, tỷ đừng lắc nữa, muội sẽ cùng tỷ xuống núi chơi, nhưng tỷ nhớ là phải về trước khi mặt trời đứng bóng, nếu chẳng may để lão sư biết được thì muội chẳng biết ăn nói sao với người đâu!”
Nàng khấp khởi vui mừng như mở cờ trong bụng, rồi chưa kịp để Ngân Như phản ứng lại, nàng đã kéo tay nha đầu đi khuất khỏi cửa viện Nghinh Uyên, vẻ hoan hỉ chẳng che giấu trên mỹ mạo lại càng khiến dung nhan của nàng thêm vẻ tươi tắn, thoát tục.
“Muội cứ yên tâm, nhất định sẽ không có chuyện gì đâu!”
Hai bóng dáng cứ thế vừa đi vừa dò xét xung quanh, cũng vì đang là buổi sáng sớm, thế nên nơi cửa chính canh gác có phần lỏng lẻo cũng là chuyện dễ hiểu.
Chỉ bằng vài động tác đơn giản, nàng cùng Ngân Như đã lẻn được ra khỏi cửa lớn Phong Linh Đường, một mạch chạy đi.
Đến khi xa khuất khỏi tầm nhìn của đám đệ tử canh gác, bước chân nàng mới bắt đầu trở nên ngập ngừng. Để mà nói trắng ra thì đây không phải là lần đầu tiên nàng trốn ra bên ngoài, thế nhưng đây là lần đầu nàng được cùng Ngân Như thưởng thức phong cảnh dưới núi, cho nên nàng cảm thấy vô cùng mới mẻ và thú vị.
Cuộc sống bên ngoài Phong Linh Đường luôn là điều khiến nàng tò mò mãi không thôi. Nàng hay tự hỏi rằng những con người dưới đó có bao giờ phải cực khổ luyện công như nàng, hay thậm chí có được tự do tự tại nay đây mai đó hay không. Song, có một điều nàng chắc chắn đến mười mươi rằng họ sẽ không suốt ngày chỉ quanh quẩn tới lui bên trong một biệt viện bé nhỏ để đếm cánh hoa rơi như nàng.
Những người dân bình thường thì ngày ngày làm việc, mưu cầu nhân sinh, có được một gia đình êm ấm đã là phúc phận của cả đời người. Hay trong những tập giang hồ lục hiếm hoi nàng mượn được của các sư huynh, những văn nhân mặc khách, kiếm lữ oai phong, hay thậm chí cả thường dân áo vải, mỗi người đều có thể viết nên cho mình những giai thoại phong lưu, vô cùng nhiều ý vị.
Tình yêu, nàng nhớ đến chàng Trương Xưởng tự tay vẽ lông mày cho phu nhân, đi vào truyền kỳ muôn đời để lại. Nhớ đến Đường Huyền Tông và Dương Quý phi, vì loạn lạc mà đành chia rẽ mộng uyên ương, day dứt suốt cả một đời.
Tình tri kỷ khắng khít, nào có ai xa lạ chuyện Bá Nha dứt dây đàn vì Tử Kỳ.
Nàng còn nghe Ngân Như nói, trên đời này có một vị thuốc tiên có thể giúp con người ta lãng quên đi hết những phiền não trần tục, và giúp ta chạm tay đến những khát khao chôn kín từ tận đáy lòng.
Đó là rượu.
Rượu trong: “Hà dĩ giải ưu, duy hữu Đỗ Khang.” (*)
(*) “Muốn giải sầu, chỉ có chén rượu Đỗ Khang.” Tương truyền Đỗ Khang là người đầu tiên chế ra rượu, ở đây dùng để chỉ rượu.
Cuộc sống phong trần, được vùng vẫy giữa gầm trời rộng lớn và biển cả bao la, được nếm đủ đắng cay mặn nhạt của nhân gian, nói ra với người khác thì gần ngay trước mắt, đối với nàng lại xa tận chân trời.
Mỗi khi tâm trạng buồn chán, nàng đều tự ý chiều bản thân lén lút xuống núi cho thỏa đi phần nào cái ước vọng về một thứ tự do xa xỉ nơi gông xiềng cửa viện.
Vừa đi vừa mông lung suy nghĩ, chẳng biết từ lúc nào hai người đã men được đến gần chân núi. Tuyết Vân Sơn vốn lạnh giá quanh năm, cây cỏ sinh trưởng được không nhiều, nhưng nay vì bắt được chút Xuân tháng Ba hiếm hoi mà nơi đây cơ hồ đã thay da đổi thịt, rực rỡ muôn vạn sắc màu tươi thắm lộng lẫy.
Ngân Như khiến nàng vô cùng ngạc nhiên về sự hiểu biết của nha đầu, đặc biệt là kiến thức về hương liệu. Nàng đoán có lẽ tất cả những điều đó nha đầu đều được học ở cái nơi gọi là thanh lâu kia. Chỉ cần nàng bứt bừa một bông hoa, Ngân Như liền có thể kể vanh vách ra được tên gọi cũng như công dụng làm thơm của nó.
Như bây giờ đây, khi nhìn thấy chùm hoa nho nhỏ trắng muốt trước mặt, nàng kìm lòng chẳng đặng mà đưa lên gần mũi ngửi.
“Thơm quá!”
Nàng khụt khịt mũi thêm mấy lần, ngay lúc định tham lam chiếm cứ lấy mùi hương đó làm của riêng thì Ngân Như đang đi phía trước đột nhiên túm lấy cổ áo nàng rồi kéo ra đằng sau.
“Tỷ chán sống rồi hả! Linh lan có độc đấy!”
Nàng trưng đôi mắt lên nhìn chùm hoa nhìn như có vẻ vô hại đó, tỏ vẻ không tin.
“Tỷ không cần nhìn muội như vậy. Hoa này tuy là có mùi thơm rất bắt mũi, thế nhưng lại nguy hiểm vô cùng. Năm xưa làng nhỏ của muội chết đói, muội đã từng chứng kiến cảnh một đứa bé vì cùng đường mà vốc bừa một chùm linh lan vào miệng nhai lấy nhai để, sau đó…”
Nàng nín thở chờ Ngân Như nói tiếp:
“Sau đó thì thế nào?”
Ngân Như ảo não thở dài nói:
“Làm gì còn sau đó nữa. Đương nhiên là đứa bé đó đã chết vì kịch độc của linh lan rồi.”
Nàng đưa mắt thầm tiếc thương cho đám hoa trắng như những bông tuyết kia, tuy rằng có hương thơm động lòng người là vậy, thế nhưng lại vô tình bị xa lánh bởi một chút sức lực tự vệ yếu ớt đang mang. Và cũng qua câu chuyện này mà nàng lại càng hiểu rõ hơn về Ngân Như, hiểu rõ hơn được vì sao đối với tất cả mọi chuyện, nha đầu luôn cẩn thận như vậy. Bởi cuộc sống trước kia của nha đầu vốn luôn là mỗi ngày đều đối diện với cửa tử, chỉ cần đi sai một bước thôi cũng đủ để khiến số phận ngã theo một ngã rẽ chẳng thể quay đầu.
Ngân Như suy cho cùng cũng chỉ là một đứa trẻ tám tuổi mà thôi, thế nên đứng trước khung cảnh yên bình đẹp đẽ của núi Tuyết Vân, nha đầu nhanh chóng quên đi câu chuyện đáng buồn vừa rồi mà hớn hở cầm lấy tay nàng kéo đi.
“Sư tỷ, tỷ mau qua đây, dưới này còn nhiều thứ để chơi lắm!”
Thế nhưng nàng ngay lập tức kéo tay Ngân Như lại, trên khuôn mặt không giấu vẻ hoảng hốt.
“Không, không được xuống dưới đó.”
Nếu mà còn đi thêm nữa thì chắc chắn nàng và Ngân Như sẽ chính thức bước chân ra khỏi địa phận Tuyết Vân Sơn. Ngọc Bội đã từng hạ lệnh cấm nàng xuất sơn. Tuy rằng không cam chịu, thế nhưng suốt bao nhiêu năm nay nàng vẫn luôn an phận thủ thường không làm trái ý người. Tất cả những lần nàng tự ý rời khỏi Phong Linh Đường, nàng đều chỉ dám dừng bước tại nơi đây.
“Dù gì cũng đã mất công lẻn ra bên ngoài rồi, sao tỷ còn ngập ngà ngập ngừng như gà con mới nở thế? Tỷ cứ yên tâm, muội khẳng định với tỷ là lão sư người sẽ không biết được đâu.”
Chỉ cần một câu nói như vậy, tâm trí vốn đã chẳng kiên định gì của nàng ngay lập tức bị đánh sập xuống. Nàng nuốt khan một cái, sau đó dòm quanh quất mấy vòng rồi ngập ngừng nói:
“Vậy muội dẫn tỷ đi đi, nhưng mà đừng đi xa quá nhé.”
Ngân Như hớn hở cười, sau đó dắt tay nàng cùng bước.
“Để muội kể với tỷ nhé, dưới chân Tuyết Vân Sơn không hề có tuyết đâu, mà thậm chí còn có cả một đồng cỏ nội xanh rì mơn mởn toàn hoa là hoa, hoa gì cũng có luôn nhé. Hình như tỷ cũng rất thích bướm nữa đúng không? Mà muội tự dưng nhớ đến cái hôm muội được cùng các vị sư huynh xuống núi, muội còn được nhìn thấy cánh bướm năm màu nữa cơ, để muội dắt tỷ đi xem, khẳng định là tỷ sẽ chẳng còn muốn ngắm con bướm cỏ của tỷ nữa đâu...”
Nghe Ngân Như nói vậy khiến nàng đỏ bừng mặt chẳng biết đáp lại thế nào, chỉ biết im lặng bám theo nha đầu đang nắm chặt lấy tay nàng không buông.
Non xanh nước biếc, thúy diệp phồn hoa, thấp thoáng hai bóng hình nữ tử vừa đi vừa nắm tay nhau nô đùa, họa nên cảnh vật bên dưới Tuyết Vân Sơn một tư thái mà như những văn nhân nhã sĩ thường hay chép miệng rồi tỏ vẻ phong nhã chầm chậm ngâm lên:
“Trước ly rượu ta nên ca hát,
Một đời người thấm thoắt là bao.
Khác chi mấy hạt sương mai,
Ngày qua sầu tủi hỏi ai không buồn.”