Chương 1
Tại Khúc Nam trấn, không ai là không biết đến Lý Duy. Cha y, Lý tú tài, vang danh học rộng biết nhiều nhất nhì trấn, cả đời dồn hết tâm huyết vào cậu quý tử độc nhất, hi vọng mai kia con mình sẽ thi đỗ làm đại quan. Lý Duy quả nhiên không chịu thua kém, dẫn đầu khoa thi trở thành trạng nguyên, mặc hồng y, cưỡi đại mã, cảnh tượng náo nhiệt vô cùng. Lý tú tài đương lúc bệnh tình nguy kịch nghe được tin vui, liền nắm lấy tay đồng liêu cùng học quán, toại nguyện mà nhắm mắt ra đi. Ai ngờ chưa đến một năm, Lý Duy bị biếm quan trở về quê, y không những không kế tục học quán của cha, mà
còn ngăn mảnh sân nhà mình ra mở một hàng thịt heo. Ngày trước tay cầm bút, bây giờ tay vung dao, nếu Lý tú tài dưới suối vàng có biết, e rằng giận đến bật nắp quan tài mà nhảy ra.
Trạng nguyên bán thịt heo đã đủ ngạc nhiên, người ta còn xôn xao về nguyên nhân Lý Duy bị biếm chức. Cũng không biết tin đồn ở đâu truyền ra, nói rằng vụ việc có liên quan đến thái tử điện hạ đương triều. Lý Duy trêu chọc thái tử, bị bắt tại trận, khiến Hoàng đế giận dữ, tước luôn mũ quan của y. Dân chúng Khúc Nam trấn không dám bàn tán công khai chuyện này ở ngoài đường, chỉ thầm bán tín bán nghi trong bụng. Tướng mạo Lý Duy cực kì tuấn tú, nếu dáng vẻ thư sinh thanh thoát trước kia làm say mê bao đại cô nương, tiểu tức phụ
(vợ nhỏ:>)trong trấn, thì một thân đoản sam bố khăn tóc búi bán thịt hiện tại cũng đủ khiến hàng thịt heo của y tấp nập hơn các hàng khác rất nhiều. Rốt cục một cô nương không nhịn được, bất chấp xấu hổ chạy đến hỏi Lý Duy có phải đoạn tụ* hay không. Lý Duy nhấc tay thấm mồ hôi, máu loãng dính trên cái trán trắng trẻo, nhẹ bâng đáp một tiếng “không sai”, khiến trái tim cô nương kia lập tức tan nát.
*đoạn tụ: đoạn tay áo, cái này thì ai cũng biết, nôm na hiểu là gay.Sau khi Lý Duy trở về quê, dân chúng Khúc Nam trấn đối với y vừa yêu lại vừa ghét. Ngày trước đại nhân dạy dỗ tiểu hài tử đều nói: ngươi tới mà xem gương nhi tử nhà Lý tú tài, giờ lại giở mặt thủ thỉ bảo: học Lý gia làm cái gì, đỗ trạng nguyên rồi đi bán thịt heo sao? Tấm gương sáng chói nay đã bị bôi đen hoàn toàn, khiến các đại nhân không còn lời nào để nói. Đám trẻ ranh còn bám đuôi nhau chạy tới cửa hàng Lý gia, xướng mấy câu ca vừa ngây thơ lại vừa ác ý: Lý trạng nguyên, bán thịt heo, Lý trạng nguyên, đoạn tay áo! Lý Duy cũng không giận, cười hì hì mang một thanh đường quả chia cho đám hài đồng, “Mấy nhóc con, trở về học quán học bài đi!” Lũ trẻ ranh có ăn, liền giải tán.
Thời gian dần trôi, cuộc sống của Lý Duy tại Khúc Nam trấn trên coi như không tệ. Ngẫm lại, khách mua thịt nhà Lý Duy là những ai nha? Trù nương, lão bà, nha hoàn, tức phụ*, thương tâm một lúc rồi thôi, ai dám nhiều lời trách Lý Duy một tiếng là không xong với họ. Các đại lão gia hàng ngày nghe vợ lải nhải như gió thoảng bên tai, riết rồi thấy Lý Duy thì cũng trưng ra khuôn mặt tươi cười. Còn đám tiểu hài tử, khỏi phải nói đi, ai lại không thích ăn đường, ai lại không thích ăn thịt? Trạng nguyên hết thời Lý Duy nay mãn nguyện trông coi hàng thịt heo tại gia, trời cao Hoàng đế xa, cuộc sống quê nhà vẫn là thoải mái nhất.
*Trù nương: đầu bếp nữ, tức phụ: nàng dâuVào đông, cứ đến trưa Lý gia lại dọn quầy, thịt sống bầy lâu sẽ không còn tươi. Lý Duy đóng cửa hiệu, thu lại đống thịt thừa, chọn hai khối thịt sườn đem vào trù phòng, còn lại cho vào trong thùng nước đá. Sắp tới cuối năm, học quán tạm nghỉ, Hứa tiên sinh lẻ loi một mình, được Lý Duy mời đến nhà cùng nhau mừng năm mới.
Tòa nhà Lý gia vốn không nhỏ, sân trước bị Lý Duy lấy làm cửa hàng, ngăn cách bằng sân giữa, phía sau còn có hai gian sương phòng cùng một tòa nhà chính. Lý Duy đến sài phòng nhóm lửa đun nước, gột sạch mùi thịt trên người, rồi tới phòng phía tây thay một tấm trường bào màu trắng, chải tóc, đầu đội khăn vuông của thư sinh, sau đó mới tới phòng phía đông gõ cửa gọi Hứa tiên sinh.
Hứa tiên sinh đáp tiếng đi ra mở cửa. Phòng phía đông nguyên là phòng của cha y, Lý tú tài. Lão nhân quả là phong nhã, ngoài cửa sổ trồng một rặng trúc xanh, trên bàn bày mấy chồng sách cùng văn phòng tứ bảo, tường treo thư họa. Sau khi cha mất, Lý Duy cũng không xê dịch đồ đạc trong phòng, cho nên nơi đây vẫn vẹn nguyên như cũ.
Lý Duy từ nhỏ đã đi theo Hứa tiên sinh học đọc học viết, so với cha mình thậm chí còn thân hơn, hai người cũng không khách sáo, đóng cửa rồi ngồi xuống đối diện nhau trò chuyện. Lý Duy lấy ra một bọc lá trà nhỏ, “Đây là trà đệ tử mua tại Khúc thành, tiên sinh thích uống trà, không bằng thử một chút xem.” Y nói chuyện nho nhã, thái độ kính cẩn, trường y trắng phau gọn gàng, khác dáng vẻ buôn bán hồi sáng một trời một vực. Không phải vì Lý Duy yêu thích bộ dáng thư sinh, mà bởi từ nhỏ y đã bị phụ thân giáo dưỡng như thế, lại đang đứng trước lão sư y tôn kính, đương nhiên phải quay về với tư thái trước kia. Hứa tiên sinh ngâm một chén trà nhỏ, cúi đầu khẽ nhấp một hơi, không khỏi khen: “Quả là hảo trà, A Duy thực có lòng
a.”
Lý Duy mỉm cười, “Trà này tên gọi Ngọc Ngưng, là loại hiếm có tại Khúc thành, tiên sinh thích thì tốt rồi.” Hai người trò chuyện mấy câu về sinh hoạt thường ngày, rồi lại đàm thơ luận kinh, phẩm trà thưởng tranh. Mùa đông ngày ngắn, thoáng cái buổi trưa đã vụt trôi, Lý Duy xuống bếp làm bữa tối, cùng Hứa tiên sinh dùng xong, liền lên giường đi ngủ sớm. Ngày mai trời chưa sáng y đã phải dậy mở hàng rồi.
Y nằm trên giường, nhớ lại lúc chiều Hứa tiên sinh tựa mình vào song cửa, ngơ ngẩn nhìn hàng trúc xanh ngoài sân, bộ dáng tịch mịch cô đơn. Y thầm nghĩ muốn giữ Hứa tiên sinh ở lại phụng dưỡng cả đời, có điều y sống một mình đã quen, tính tình tùy tiện, nay có thêm Hứa tiên sinh mọi việc không thể xuề xòa. Thế nhưng trong nhà chỉ có mình y lo liệu, như người ta còn có vợ con phụ giúp, một người đoạn tụ như y, việc này đương nhiên không thể rồi. Nghĩ nghĩ một hồi, dần dần chìm vào trong giấc ngủ, Lý Duy dự định hôm tới sẽ đi Khúc thành mua một gia phó về giúp việc.
Mấy ngày sau, thấy trời sắp đứng bóng, Lý Duy đang chuẩn bị dọn quầy, bỗng nhiên trên đường xuất hiện một đám thiếu niên lưu manh vận lục y sặc sỡ, nghênh nghênh ngang ngang tiến đến cửa hàng Lý Duy.
Vừa nhìn đã biết sắp có họa tới, nhưng Lý Duy không hề hoảng sợ, miệng khẽ mỉm cười, cầm dao cắm lên trên thớt. Đám thiếu niên kia xuất thân từ mấy hộ phú gia trong trấn, tuổi tác cũng xêm xêm Lý Duy, cả tuổi thơ phải nép mình dưới hào quang của y, đương nhiên căm hận y muốn chết. Mãi đến khi y bị biếm quan trở về, các
bậc trưởng bối trong nhà mới thôi quở trách chúng. Vậy mà dạo gần đây lại bắt đầu lải nhải, cái gì mà Lý Duy thật là giỏi a, bán thịt heo chung quy cũng là một phần gia nghiệp, hơn đứt lũ công tử chơi bời lêu lổng ăn không ngồi rồi cả ngày như bọn chúng. Vài tên châu đầu cùng âm mưu bàn tính, sau đó hăm hở kéo nhau tới chỗ Lý Duy kiếm chuyện.
Thiếu niên dẫn đầu mới nhìn thấy chiếc dao phay đã trợn tròn mắt, bị đồng bạn phía sau huých huých đẩy lên, mới nuốt nước miếng nói: “Lý Duy, nghe nói ngày mai ngươi muốn đi Khúc thành, vừa lúc mấy ca đây cũng định tới đó vui chơi. Từ lúc ngươi một mình lên kinh đi thi, chúng ta vẫn chưa có dịp tụ họp. Ngày mai bản thiếu gia chủ trì, tới Khúc thành mời ngươi chơi đùa thỏa thích một phen a!”
Đúng là ngày mai Lý Duy định đi Khúc thành. Giang phủ giàu có nhất Khúc thành đặt mua hai trăm chiếc móng heo ăn tết, nhưng đi hết các hàng thịt heo trong thành mà vẫn chưa gom đủ, quản sự Giang phủ liền tìm đến hàng thịt của Lý Duy ở trấn trên mua thêm ba mươi chiếc nữa. Ngày mai Lý Duy đóng cửa không bán hàng, sáng sớm y còn muốn đi Giang phủ giao móng heo. Có điều trông bộ dáng đám thiếu niên không hề có hảo ý, trước giờ y với chúng cũng đâu có giao tình gì, lúc nào thì xưng huynh gọi đệ thân thiết như vậy? Lý Duy nghĩ nghĩ một chút, cười nói: “Nếu đã như vậy, Lý Duy từ chối chẳng phải thất lễ sao.”
Mấy thiếu niên du đãng mừng rỡ. Bọn chúng đương nhiên không thể dậy sớm theo Lý Duy đưa móng heo vào thành, liền hẹn thời gian đứng chờ sẵn ở cổng sau Giang phủ, không gặp nhất định không về.