Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Ma Diện Ngân Kiếm

Chương 41: Tiếng đàn nét họa

« Chương TrướcChương Tiếp »
Ngoài song cửa, những lá chuối hứng từng giọt mưa nhẹ rơi rả rích.

Trong hối tâm linh xá trên Nhạn Phong Tự, lò hương trầm bốc làn khói xanh mờ ẩn hiện. Bên bàn cờ quân ngà bóng loáng, Bạch Y lão tăng và thiếu nữ áo đỏ, đang chăm chú vào cuộc cờ cao thấp.

Y Mộng Lăng ngồi một bên lẳng lặng xem hai người tranh phong, mà lòng nôn nao như muôn ngàn đợt sóng dội bên ngoài biển khơi vì câu chuyện mà vị lão tăng kể cho chàng nghe lúc đi đường. Chàng biết vị lão tăng có thể cho chàng biết rõ về cái chết của cha chàng. Nhưng lúc này, vị lão tăng đang để hết tinh thần vào ván cờ đang chơi.

Hai ngón tay ông ta kẹp một quân cờ trắng giơ lên, trầm ngâm không nói. Y Mộng Lăng nhìn xuống bàn cờ, thấy hai hàng quân đen trắng đang ở vào một thế gay go quyết liệt, nếu họ nhầm một nước, có thể thua ngay.

Lão tăng cầm con cờ, nét mặt đăm chiêu suy nghĩ... Thiếu nữ áo đỏ hình như đã nắm phần thắng thế, nên nét mặt có vẻ tươi cười thản nhiên, hướng ra cửa sổ, đếm hạt mưa rơi lác đác trên tàu lá chuối; tuyệt nhiên nàng không ngó nhìn Y Mộng Lăng một lần nào.

Nhìn kỹ trận thế trên bàn cờ. Y Mộng Lăng chỉ thấy những hàng quân màu trắng của Bạch Y lão tăng có một thế bàng bạc như trấn rồng nhϊếp phượng. Còn những hàng quân đen của thiếu nữ thì uyển chuyển linh tiệp, như nước chảy gầm cầu. Quân ngang quân dọc của cả hai phe đều như tỏa ra khí thế can qua xô xát, đao kiếm sát phạt. Y Mộng Lăng như chợt hiểu ra, mỗi vị trí quân cờ của Bạch Y lão tăng đều hàm ẩn nghĩa lý chí cao của môn võ học ảo diệu, mà vị trí quân cờ của thiếu nữ áo đỏ có vẻ tiêu sái, thanh hư không linh hầu như đã đạt cảnh giới thần tiên trong nghệ thuật chơi cờ.

Bạch Y lão tăng cầm quân cờ muốn hạ xuống rồi lại thu về. Cuối cùng, ông ta từ từ nhắm mắt, ngồi xếp bằng bất động, chìm vào cõi suy tư.

Ngồi trước mặt hai kỳ nhân một già một trẻ, Y Mộng Lăng có cảm giác như một kẻ trần tục nhỏ bé. Từ lúc đặt chân vào chốn giang hồ đến nay, chàng đã gặp rất nhiều thanh nga thiếu nữ : Bạch Tường Vi lạnh lùng kiêu ngạo, Chu Tiểu Phân kiều diễm sắc sảo, Thúc Gia Ngọc thanh tao mỹ lệ, Lăng Ngọc Vũ kiều mị say đắm, nhưng đem so với thiếu nữ áo đỏ hầu như đều thua nàng một cái khí chất đặc biệt cao hoa quý phái.

Nàng ta có cái khí thái như thần thánh bất khả xâm phạm. Diện mạo nàng tuy giống tựa Tiêm Chưởng Phong Vân Chu Tiểu Phân, nhưng Chu Tiểu Phân chỉ có cái nét kiều diễm minh lệ, hào phóng không kém tu mi như nhiều trang nhi nữ khác, chớ không có cái vẻ thanh tân mỹ lệ như nàng. Có thể ví Chu Tiểu Phân như đóa hải đường mới nở, còn nàng áo đỏ như bông thược dược ẩn hiện trong sương.

Bạch Y lão tăng ngồi nhắm mắt suy nghĩ độ nguội nửa chén trà, bỗng mở mắt, mỉm cười nói với thiếu nữ áo đỏ :

- Long cô nương tuệ trí bao la như biển lão tăng chịu thua...

Thiếu nữ áo đỏ đứng dậy khép nép vạt áo giọng thỏ thẽ :

- Đại sư nương tay, nên tiểu nữ may mắn thắng cuộc. Kỳ lực của đại sư thông thần có thể liệt vào hàng đương kim hải nội đệ nhất quốc thủ.

Bạch Y lão tăng nhướng mày cười :

- Long cô nương quá khiêm nhường đây chớ, kỳ lực của lão tăng chỉ có đến thế thôi. Bây giờ lão tăng muốn được nghe cô nương trổ tài diệu thủ cầm âm.

Thiếu nữ áo đỏ nghiêng mình đáp :

- Đại sư quá khen, tiểu nữ rất hổ thẹn, xin đại sư chờ tiểu nữ giây lát.

Đoạn, nàng khẽ chắp tay vái một cái, quay mình bước vào nội thất. Còn một mình lão tăng ngồi lại, nhìn xuống bàn cờ, thỉnh thoảng buông tiếng thở dài.

Y Mộng Lăng đang định lên tiếng, thì Bạch Y lão tăng đã quay lại nhìn chàng, mỉm cười, giọng ôn tồn :

- Có phải thí chủ muốn hỏi nguyên nhân cái chết thảm của Thiên Ma Y Dật năm xưa không?

Y Mộng Lăng giật mình nghĩ thầm cảm phục về sự nhận xét tinh tế của lão tăng, chàng lập tức chắp tay giọng thành khẩn :

- Thưa đại sư, tại hạ Y Mộng Lăng rất mong mỏi được đại sư cho nghe nguyên nhân thảm tử của gia phụ năm xưa...

Bạch Y lão tăng khẽ gật đầu :

- Bần tăng đã biết thí chủ là con trai của Thiên Ma Y Dật năm xưa. Nếu không thì vừa rồi trên đỉnh Hồi Nhạn Phong bần tăng đã không cùng mời thí chủ về đây. Thí chủ hãy nhớ kỹ những lời bần tăng nói chuyện với thí chủ ở dọc đường.

Y Mộng Lăng tỏ vẻ ngạc nhiên :

- Tại sao đại sư lại biết vãn bối là con trai của Thiên Ma Y Dật?

- Diện mạo, quần áo của thí chủ đều giống hệt Thiên Ma Y Dật năm xưa, chẳng sai một nét.

Ngưng một chút, Bạch Y lão tăng nói tiếp :

- Chuyện về Thiên Ma Y Dật rất dài không thể trong chốc lát kể hết ngành ngọn. Y thí chủ, chuyện sát phạt đâm chém có thể giải trừ vạn sự được chăng?

Nghe giọng nói nghiêm túc của vị lão tăng. Y Mộng Lăng biết rõ ông ta cố ý khuyên mình nên bãi bỏ ý định tầm cừu đừng gây việc chém gϊếŧ. Nhưng chàng lại nghĩ ngay đến cái cảnh lúc mẹ chàng chết thảm, cha chàng không được nhìn mặt, thì bất giác chàng lại sôi lên lòng căm thù những kẻ đã sát hại song thân chàng, nên chàng khẳng khái đáp :

- Bổn phận làm con, cần phải trả xong mối thù lớn cho cha mẹ!

Bạch Y lão tăng chậm rãi :

- Sát phạt tuần hoàn, biết đến bao giờ mới dứt. Y thí chủ, chuyện báo thù của thí chủ so với người khác còn thiên nan vạn nan gấp bội, thí chủ liệu có đủ tin và nghị lực để hoàn thành chăng?

Y Mộng Lăng hào dũng đáp :

- Dù cho khó khăn thế nào, hay có phải táng mệnh vãn bối cũng không thoái chí và e ngại. Mong đại sư cho vãn bối biết kẻ đã sát hại song thân vãn bối.

Bạch Y lão tăng mấp máy đôi môi định nói nhưng hình như chợt nhớ ra chuyện gì, ông lại cúi đầu trầm ngâm giây lát, mới lên tiếng :

- Bần tăng cũng cần cho thí chủ hay trước rằng, hung thủ sát hại Thiên Ma Y Dật là một kẻ mà thí chủ không bao giờ ngờ tới. Đến khi đó, thí chủ sẽ làm một việc mà con người không ai dám làm mới có thể nghĩ đến chuyện trả thù. Vậy thí chủ có thể làm được chăng?

Y Mộng Lăng đứng dậy, nắm chặt hai tay, cặp mắt phóng ra hai đạo quang mang kiên ngợi giọng sang sảng :

- Biết rằng không được cũng phải làm Y Mộng Lăng này sẽ bằng vào một thanh kiếm sắc trong tay và một bầu nhiệt huyết, thề trả cho bằng được mối đại thù, quyết không quảng ngại bất cứ một cản trở gì.

Bạch Y lão tăng giọng nghiêm nghị :

- Lời nói của thí chủ thật đấy chứ?

Y Mộng Lăng cất cao cổ, giọng rắn rỏi cương quyết :

- Mỗi tiếng đều xuất phát tự tim phổi, không có tiếng nào là hư giả.

- Cái ý chí kiên quyết của thí chủ, bần tăng rất lấy làm kính phục, có điều chuyện này quá khúc chiết, lúc này nói ra e rằng thí chủ chưa đủ tin. Bần tăng còn cần phải tỉ thí với Long cô nương về môn cầm âm nữa, nếu cả ba môn cầm thư họa đều thắng, thì tối mai, mời thí chủ đến Tảo Vân tịnh xá phía sau núi, bần tăng sẽ hầu chuyện.

Y Mộng Lăng không rõ Bạch Y lão tăng với thiếu nữ áo đỏ Long cô nương tỉ thí bốn môn cầm kỳ thư họa vì nguyên do gì, nhưng chàng biết là rất quan hệ, nên chẳng dám hỏi.

Bạch Y lão tăng đứng dậy, lấy đàn cầm treo trên vách, phủi hết bụi bặm mạng nhện vướng bám, miệng lẩm bẩm :

- Dà Diệp ơi! Dà Diệp! Đã lâu lắm ta không gãy đến nhà ngươi. Hôm nay mới lại mó đến, và có thể đây cũng là lần cuối cùng ta bầu bạn với nhà ngươi...

Nghe nói Y Mộng Lăng giật mình nghĩ thầm chẳng lẽ cuộc tỉ thí cầm kỳ thư họa giữa Bạch y lão tăng với thiếu nữ áo đỏ có quan hệ đến mạng sống chăng?

Trong khi đó, một làn u hương từ bên ngoài thoáng vào, thiếu nữ áo đỏ đã xuất hiện trước cửa, tay ôm cây cổ cầm, lúc này nàng đã thay bộ quần áo màu đỏ, lại càng tăng thêm phong thái diễm kiều.

Long cô nương đưa một ngón tay thon nhỏ khều búng sợi dây đàn.

“Tăng!” tiếng đàn êm ái thanh tao, lọt vào lỗ tai Y Mộng Lăng có cảm giác nhẹ nhàng thư thái. Còn Bạch Y lão tăng thì hơi biến sắc nhìn cây đàn trên tay Long cô nương hỏi :

- Có phải cây đàn của cô nương là một danh cầm tối cổ tên gọi là “Xà phụ cầm” không?

Long cô nương khẽ gật đầu, trong khi Bạch Y lão tăng nói tiếp :

- Danh cầm đọ nhau chắc là thú lắm. Cây ngọc cầm của bần tăng cũng là một danh cầm tên là Dà Diệp, ba mươi năm trước, khi bần tăng đi vân du sang nước Cao Ly được một vị cầm sư mù thân tặng. Ngày nay được đem ra đọ với cây danh cầm của cô nương thật là tương xứng, chỉ đáng tiếc, bần tăng đã lâu ngày không gẩy đến chắc là tài nghệ thua kém cô nương nhiều lắm.

Long cô nương khẽ đáp :

- Đại sư quá nhún nhường đấy chứ.

Bạch Y lão tăng chợt quay sang Y Mộng Lăng, bảo chàng :

- Y thí chủ, chuyện về Thiên Ma Y Dật ngoài bần tăng ra, còn có mấy người nữa cũng biết rất rõ, tỉ như Đa Tình kiếm Quân Dực Phong, Thiên Thủ Điềm Quỷ Uông Bào Uông, và Tái Thượng Đệ Nhất Hiệp Vạn Thắng Thanh, có điều mấy người ấy đều ẩn cư những chốn phong trần vân lâm, khó mà tìm gặp. Nếu không thì bên mình họ, người nào cũng có một tín vật của lệnh tôn năm xưa rất dễ nhận biết.

Y Mộng Lăng nhè nhẹ gật đầu, rồi chợt hỏi :

- Đại sư, cuộc tỉ thí hôm nay...

Bạch Y lão tăng cắt ngang lời chàng hỏi :

- Cuộc tỉ thí của bần tăng với Long cô nương hôm nay, quan hệ rất trọng đại. Giả như bần tăng bị thua, thí chủ cứ việc hỏi lại Long cô nương sẽ rõ tất cả. Trong lúc hai tiếng đàn so đua, tốt nhất thí chủ nên lánh ra ngoài hàng hiên quan sát vì tiếng đàn có thể làm tiêu mòn tâm chí người nghe, nếu định lực không thâm hậu, sẽ tiếp thụ không nổi...

Y Mộng Lăng nghe lời vội cúi mình lui ra ngoài xa hơn hai mươi bước. Trong khi đó hai điệu đàn đã bắt đầu trổi lên tranh phong.

Tiếng đàn như những sợi tơ nhỏ, tản mát ra khắp can thiền viện, xuyên qua cửa sổ bay quyện vào không khí, hoa cỏ núi rừng...

Ngồi ngoài hành lang, lúc đầu vì chàng còn để hết tâm tư suy nghĩ đến những nhân vật hiểu rõ về cha chàng mà Bạch Y lão tăng vừa nhắc tới, nên chàng không lưu ý gì mấy đến tiếng đàn.

Trong khi ấy hai điệu đàn nổi lên lúc lên bổng, lúc xuống trầm, lúc hiên ngang như chàng kỵ sĩ ngoài biên ải, dong duổi ngàn dặm, chiến cổ vang động. Lúc nhu hòa, như thiếu nữ bên hồ giang nam, nhẹ thả chiếc lá xuôi giòng, âm thi vịnh nguyệt.

Y Mộng Lăng có cảm giác một vị Bạch Phát lão tăng với một thanh mi thiếu nữ tỉ thí cầm thanh thật là trái điệu, chẳng những thế mà còn như một cuộc sinh tử giao đấu đầy nguy hiểm nữa. Chàng ngờ rằng, cuộc so đua của hai người như có quan hệ rất mật thiết đến cục diện võ lâm sau này.

Chàng băn khoăn không hiểu thiếu nữ họ Long là ai? Chẳng những nàng có sắc đẹp như tiên nga, mà hình như còn ẩn chứa một trí tuệ minh mẫn tuyệt vời nếu không làm sao một mình nàng thông hội đủ bốn môn cầm kỳ thư họa. Nàng với Chu Tiểu Phân có liên hệ gì?

Một chuỗi cười dài nghi hoặc, lởn vởn trong đầu óc chàng.

Điệu đàn tiếp tục trổi lên đều đều như nhạn lạc bình sa, như phượng múa lưng trời, như gió bay cây cối, như sóng xô rào rạt, lúc thấp, lúc cao, lúc khoan, lúc nhặc.

Dần dần tâm thần Y Mộng Lăng bị cảm nhiễm bởi tiếng đàn, con tim cũng nhịp lên dồn dập theo tiếng đàn lúc cao lúc thấp.

Trong lòng Y Mộng Lăng hồi hộp từng giây từng phút, chàng không biết mong cho ai thắng, ai bại. Chàng không muốn Bạch Y lão tăng thua, chàng cũng không muốn Long cô nương thua.

Trong lúc đó, thì điệu đàn đã đến lúc dồn dập cấp thiết như trận mưa rào đầu hạ, cuộc hơn thua chỉ còn cách nhau đường tơ kẽ tóc.

Con tim Y Mộng Lăng cũng hồi hộp như muốn nhảy ra ngoài lòng ngực theo với tiếng đàn khi dồn dập xô đuổi.

Lúc này chàng mới nhận ra, tâm thần đã bị tiếng đàn xâm nhập, nhủ thầm : Lợi hại thay cho điệu đàn song cầm.

Chàng vội vàng thu liễm tinh thần, ngồi xếp bằng, vận dụng phép Bàn Cổ Tụ Ngưng đại pháp của Hải Nam Không Minh đảo, chỉ thấy một luồng khí lưu trong mát, từ vực đan điền bốc lên thấu suốt mười hai tầng tâm tư phiền tháo biến mất, tiếng đàn dồn dập như chỉ còn văng vẳng xa tận mãi ngoài ngàn dặm.

Lúc này tâm trí chàng thông linh, điệu đàn không còn xâm nhập dễ dàng, chàng phải cố ý lắng tai nghe kỹ, mới nhận thấy tiếng đàn của hai bên đều đã đến hồi quyết liệt sống chết như đại quân dàn trận, như dũng sĩ hò hét trận tiền, gò ngựa múa đao, đưa cuộc so tài đến hồi kết thúc.

Đột nhiên một tiếng kêu bi thương nổi lên phía ngoài cửa thiền viện, Y Mộng Lăng ngửng lên, nhìn thấy trên ngọn cây ngô đồng, một con chim phượng hoàng rũ cánh rơi xuống. Nhưng xác chim chỉ rơi xuống nửa chừng rồi dừng lại, thì ra chân nó còn bị một sợi dây dài cột chặt. Từng giọt máu từ mỏ chim rỉ ra, rớt xuống những nhánh lá ngô đồng.

Thì ra, con phượng hoàng đã bị tiếng đàn xâm nhập, nhưng vì bị cột chân, không thể bay bổng lên cao để tránh nên bị thổ huyết mà chết.

Trong tịnh xá, một tiếng “băng” nổi lên chát chúa. Giây đàn đứt, điệu đàn ngưng, trả lại không khí yên tĩnh cho cây cỏ núi rừng. Có ai tin được rằng tiếng đàn lại sắc nhọn đến như thế.

Thân hình Y Mộng Lăng cũng hơi dao động chàng định chạy ngay vào xem ai thắng ai bại nhưng chàng lại ngần ngừ không muốn biết rõ sự thật sớm hơn.

Bên tai chàng chợt vang lên tiếng niệm A Di Đà Phật, và bóng Bạch Y lão tăng xuất hiện trước cửa thiền viện, hai tay chắp trước ngực, nét mặt tỏ vẻ hối hận, nhìn xác con phượng hoàng rũ cánh treo lủng lẳng trên ngọn cây ngô đồng.

Y Mộng Lăng cũng đứng dậy nhìn vào, thấy Long cô nương ngồi tựa mình bên song cửa, sắc mặt nhợt nhạt, chứng tỏ trong lúc gẩy đàn đối kháng với vị Bạch Y lão tăng nàng đã thi triển toàn lực.

Bạch Y lão tăng miệng khẽ lẩm bẩm :

- Phượng hoàng, phượng hoàng! Ta nhất thời sơ ý không kịp cởi chân cho ngưoi bay đi. Đây có lẽ cũng là số mạng của ngươi đã chủ định. Thôi nhà ngươi hãy vui vẻ mà siêu sinh cõi khác.

Y Mộng Lăng ngước nhìn Bạch Y lão tăng trầm ngâm. Ông ta từ từ bước đến vỗ vai chàng mỉm cười :

- Bần tăng biết gia học uyên nguyên của thí chủ, với môn Bàn Cổ Ngưng Tụ đại pháp của Nam Hải Không Minh đảo đủ sức kháng cự tiếng đàn, mà quên không nhớ tới con phượng hoàng.

Y Mộng Lăng bất giác giật mình nghĩ thầm Bạch Y lão tăng chỉ vô tình sơ ý làm chết một con chim mà trong lòng đã ăn năn như thế, huống chi chàng đã từng bao nhiêu lần nhúng tay vào máu, thật là khủng khϊếp ghê tởm.

Lúc đó, Long cô nương đã nhẹ nhàng lên tiếng :

- Thôi, đại sư bất tất phải tự trách nữa, chắc là số mạng con phượng hoàng ấy đã đến ngày siêu sinh cực lạc. Và nếu không nhờ có tiếng kêu của con chim làm đại sư sơ thần, thì có lẽ tiểu nữ đã kiệt lực không đương cự nổi.

Bạch Y lão tăng lặng thinh không nói gì.

Y Mộng Lăng nghĩ thầm :

- “Như thế rõ ràng lão tăng đã cố ý nhường cho thiếu nữ thắng cuộc, thế mà nàng vẫn không biết, còn tự nhận là đáng thắng.”

Vừa suy nghĩ, nét mặt chàng vừa thoáng hiện vẻ bất bình, thì Bạch Y lão tăng đã nhìn chàng mỉm cười, nói :

- Y thí chủ, mây cao trời rộng mặc tình ta đi lại ngao du, chuyện thắng bại hơn thua đâu đáng kể gì. Hơn thế nữa còn hai môn thư, họa vẫn chưa tỉ thí.

Tới đây, ông ta quay sang Long cô nương nói tiếp :

- Long cô nương, bây giờ chúng ta tỉ thí đến nét đan thanh, nếu như bần tăng lại thua, bần tăng sẽ làm tuân theo lời cô nương, còn ngược lại, chúng ta sẽ dùng bút

pháp để thắng phụ.

Long cô nương thản nhiên đáp :

- Đại sư đan thanh diệu bút quán tuyệt hải nội, phen này chắc tiểu nữ bất địch.

Bạch Y lão tăng mỉm cười tiếp lời :

- Chuyện hơn thua chỉ sai nhau trong đường tơ kẽ tóc, ai biết đâu mà lường trước được.

Trên gương mặt đẹp trai Y Mộng Lăng lại càng hiện lên nét nghi hoặc. Cầm kỳ thì còn biết lối mà so đua, chớ nét vẽ thì làm thế nào để tranh thắng bại. Từ khi chàng gặp Hữu Dư tiên sinh đánh mạt chược với con lừa đã cho là sự lạ rồi, nay lại gặp cuộc tỉ thí giữa Bạch Y lão tăng với thiếu nữ áo đỏ, quả thật là thiên hạ kỳ tuyệt. Trong ý nghĩ chàng cho rằng, nét vẽ xấu đẹp, rất khó mà phân định trong nhất thời, có người thích khí thế hùng hồn, sơn thủy phong vân, có người thích tiểu xảo lung linh, hoa cỏ chim chóc, vậy thì biết thế nào mà so sánh?

Giữa lúc trong lòng chàng mang đầy sự nghi hoặc, thì đã nghe Bạch Y lão tăng lên tiếng :

- Y thí chủ, trận tỉ thí này, thí chủ có thể cùng ngồi bên cạnh bần tăng mà quan sát, nào, chúng ta hãy vào trong này xem tác phẩm của Long cô nương.

Hai người bước vào tịnh xá. Lò hương trầm vẫn bốc khói thơm ngát. Bàn cờ tàn, cây đờn đứt dây vẫn nằm y nguyên trên mặt bàn, chỉ không thấy Long cô nương đâu.

Bạch Y lão tăng bảo chàng :

- Long cô nương vào nội thất lấy các bức vẽ, bây giờ chúng ta cũng chuẩn bị thì vừa.

Dứt lời lão tăng bước vào phía sau bức bình phong, một lát sau ôm ra ba cuộn tranh lớn. Y Mộng Lăng định hỏi xem cách thức tỉ thí thế nào, thì đã thấy Long cô nương cũng từ trong nội thất bước ra ôm theo ba cuộn tranh.

Y Mộng Lăng ngước nhìn nàng nghĩ bụng :

- Không hiểu cô nàng họ Long này có bao nhiêu bộ quần áo, mà chỉ trong vòng vài giờ, nàng đã thay ba bộkhác nhau rồi?

Thì ra, lúc này Long cô nương đã thay bộ quần áo màu đen bằng lụa mỏng, lại càng làm nổi bật làn da trắng mịn của nàng.

Tới nơi, Long cô nương trao ba cuộn tranh trên tay cho Bạch Y lão tăng. Bạch Y lão tăng cũng trao ba cuộn tranh của ông cho nàng.

Hai người đối diện ngồi xuống.

Bạch Y lão tăng nhìn vào bức tranh, chỉ thấy trên nền lụa vẽ bốn nhân vật Ngư, Tiều, Canh, Độc với cảnh tượng như thật, nhất là nét vui mừng, buồn giận trên gương mặt nhân vật trong tranh như nhảy múa trên mặt nền lụa.

Bức họa này nói lên cảnh hồng trần đáng mến đáng yêu. Ngư ông đầu đội nón lá thả chiếc thuyền câu, ngao du tự tại giữa hồ. Gã tiều phu vạm vỡ, vung búa chặt cây đốn củi gánh ra chợ bán. Người nông phu áo vải đánh trâu cày ruộng, nét mặt rạng rỡ khi đến mùa thu hoạch phong đăng. Tay sĩ tử vịnh tay bên thành cửa sổ, đối nguyệt ngâm vịnh, chờ ngày trạng nguyên kập đệ. Tất cả những nét buồn vui ấy đều thuộc về cõi nhân gian trần thế, càng làm cho cảnh vắng vẻ nơi ngọc cung thêm trống rỗng lạnh lẽo.

Nhìn bức tranh, Y Mộng Lăng chẳng thấy cảm giác gì ngoài nét vẽ điêu luyện tuyệt vời, xứng đáng là một tác phẩm trân quý. Nhưng đối với Bạch Y lão tăng thì là cả một sự chấn động tâm thần.

Ông ta đã thế phát xuất gia, nguyên là để lánh xa cõi hồng trần. Đã trải qua mười mấy năm trời thanh tâm tu luyện, không màng tới chuyện nhập thế. Nay coi bức họa nét vẽ đã cho ông ta cái cảm giác rung động, như muốn ăn năn hối hận cái hành động xuất gia của mình.

Nhìn sang Long cô nương, Y Mộng Lăng cũng thấy cặp mày nàng rung động, hai mắt chăm chú nhìn vào bức họa.

Bức họa vẽ ba người Trương Quân Thụy, Thôi Oanh Oanh, và Hồng Nương. Trong bức họa Trương Sinh đứng si ngây nhìn Thôi Oanh Oanh cặp tay Hồng Nương bước đi xa dần. Vẻ mặt Trương Chân hiện lên nét si mê, hoảng hốt, như ẩn như hiện, nét vẽ thật thần kỳ diệu tuyệt, càng nhìn như càng thấy hình bóng Thôi Oanh Oanh và Hồng Nương mỗi lúc mỗi khuất dần sau rặng cây mờ.

Y Mộng Lăng bất giác chấn động tâm thần, trong khi Long cô nương cắn chặt hàm răng đôi môi, như cố đè nén sự khích động nội tâm, cặp má nàng dần dần ửng đỏ.

Y Mộng Lăng nắm chặt hai tay trước mắt chàng lần lượt hiện lên hình ảnh các thiếu nữ đã đi qua đời chàng : Bạch Tường Vi, Thúc Gia Ngọc, Chu Tiểu Phân... Nhất thời máu nóng bừng lên, chàng muốn chồm tới ôm Long cô nương cho thỏa ý nguyện. Nhưng may là lý trí chàng chưa mất hẳn, giữa lúc khẩn yếu, chàng chợt nhớt ới mối huyết cừu của cha mẹ chàng đã như một gáo nước lạnh dội từ đầu xuống chân. Chàng rung động thân hình, khôi phục trạng thái như cũ. Dục hỏa bốc lên cặp mắt dần dần tiêu tan, nhưng mồ hôi đã tháo ra đẫm mình. Chàng bất giác hãi thầm oai lực ghê người của bức họa.

Lúc này chàng mới biết rõ cách tỉ thí của hai người như thế nào rồi. Thì ra, hai người đều dùng hết tâm trí, tận lực vẽ thành ba bức họa, mỗi bức họa đều châm đốt nhược điểm của đối phương, đem tình thái nhân vật trong bức họa làm giao động ý chí đối phương ai không chịu nổi là người đó thất bại.

Trên sống mũi Long cô nương đã lấm tấm có đôi giọt mồ hôi nhỏ. Lòng bàn tay Bạch Y lão tăng cũng mồ hôi ướt...

Khoảng tàn một cây nhang, hai người bắt đầu rở cuộn tranh thứ hai.

Bức họa trước mặt Bạch Y lão tăng vẽ phong cảnh một buổi gió thổi tuyết bay đầy trời phủ trắng ngọn núi, trên đỉnh núi chót vót có một ngôi thảo lư. Trước thảo lư, một đứa trẻ nhỏ quỳ gối, tuyết chung quanh đã dầy lên gần ngập gối, nhưng cặp mắt đứa trẻ vẫn phóng ra hai đạo quang mang kiên quyết.

Bạch Y lão tăng đã tinh nghiên đạo phật nên nhân vật trong bức họa mô tả đứa trẻ nhỏ tên là Tuệ Khả, truyền nhân đời thứ hai của Đức Bồ Đề Đạt Ma. Lúc thiếu thời, Tuệ Khả kiên chí cầu Đức Đạt Ma thu làm đệ tử, nên đã quỳ gối ròng rã ba ngày trước cửa thảo lư, cuối cùng cũng làm cảm động Đức Đạt Ma phải thâu nhận làm môn hạ.

Nhìn cảnh trong tranh, Bạch Y lão tăng chìm trong sự suy tư. Bao nhiêu chuyện long tranh hổ đấu trên chốn giang hồ năm xưa lại hiện lên trước mắt ông ta như vòng dây đèn kéo quân, lúc vung kiếm trên ngựa, lúc cười nói chống địch.

Bức họa Long cô nương đang xem vẽ cảnh Chiêu Quân xuất quan Cống Hồ, tiếng tỳ bà nỉ non giã từ Hán Đế, cô thân độc mã ra vùng biên ải, trước mặt dải cát vàng mênh mông vạn dặm, lầu son gác tía nay còn đâu?

Nhìn bức họa giây lát, cặp mắt Long cô nương đã tràn đầy ngấn lệ, như sắp sửa sa rơi.

Đến khi nhìn xuống cuối bức họa, con tim nàng bỗng như bị ai đâm một nhát kiếm mạnh...

Cuối bức họa vẽ một nấm mồ cô độc nằm bên bãi cát vàng, như lặng lẽ ngắm nhìn bóng tịch dương phai dần phía trời Tây.

Nhìn Vương Chiêu Quân đang đẹp như tiên nga, thoắt cái đã vùi xương dưới lớp cát vàng, chỉ còn lại một nấm mồ hoang. Cái hoa dung nguyệt mạo làm say đắm lòng người, chớp mắt đã vùi sâu dưới ba tấc đất quả đã tạo cho con người nỗi bi thương cảm xúc biết bao. Mà cũng chỉ có người đẹp mới thấu hiểu hết cái thê lương của lúc nhan sắc phai tàn, cái lạnh lẽo của lúc chôn vùi hương sắc dưới lớp đất dày.

Đến đây, Long cô nương đã quá cảm xúc, nàng thấy như mình sắp sửa đi vào tuổi già, mà không thể ngăn được giọt lệ tuôn rơi lã chã xuống mặt bức họa.

Y Mộng Lăng bỗng buột miệng lên tiếng :

- Đại sư! Đại sư! Đại sư đã thắng rồi!

Bạch Y lão tăng từ từ thở ra một hơi dài, đưa ánh mắt nhìn ra cửa sổ, bụng nhủ thầm :

- Thật là nguy hiểm. Nếu kéo dài thêm một khắc nữa, có lẽ ta lại thua vì tay nàng mất.
« Chương TrướcChương Tiếp »