Y Mộng Lăng đều đều đạp gót trên những ngọn cỏ còn đẫm sương đêm.
Trên cành cây một con chim non thu mình trong lớp cánh chim mẹ, thò đầu ra ngó về phía mặt trời đang mọc, cất tiếng kêu chíp chíp, cảnh tượng êm ấm, hạnh phúc xiết bao.
Nhìn cảnh vật, Y Mộng Lăng sực nhớ đến người cha chưa hề biết mặt: Thiên Ma Y Dật, nhớ đến thảm cảnh người mẹ bị chết dưới tay Cổ Thượng Cửu, bất giác, hai hàng lệ nóng đã tuôn trào lã chã...
Chàng ngừng chân, ngửa mặt nhìn trời buông tiếng thở dài não ruột.
Không dè, sau tiếng thở dài của chàng, bỗng từ lùm cây phía bên trái có một tiếng “Hừ!” thốt ra bằng giọng mũi lạnh lùng xoáy đập vào lỗ tai chàng. Chàng bèn quay đầu hướng vào bụi rậm, quát hỏi :
- Ai?
- Khà, khà, khà! Khà, khà, khà!...
Trả lời chàng, chỉ là một chuỗi cười quái dị, sắc nhọn như mũi tên đặt trên dây bắn đi, xuyên vào cơ thể chàng, rợn người.
Giọng cười quái dị ấy, Y Mộng Lăng suốt đời không bao giờ quên được, chàng cất giọng khích động quát :
- Cổ Thượng Cửu, nếu có giỏi hãy ra đây cùng ta quyết cao thấp một phen.
Ẩn trong bụi rậm, Cổ Thượng Cửu vẫn không chịu lộ diện, tiếp tục cất tiếng cười khìn khịt, âm điệu lại còn cao nhọn chối tai thêm.
Y Mộng Lăng lập tức thi triển bộ pháp “Cửu Bộ Thái Lăng Hoa” phi người về phía bụi rậm, nhưng tới nơi lại chẳng thấy bóng dáng Cổ Thượng Cửu đâu.
Chàng đang dáo dác tìm kiếm, thì từ phía sau lưng, giọng cười quái dị, vô tình của lão đại ma đầu Cổ Thượng Cửu lại nổi lên. Đối với Y Mộng Lăng, đây là cả một sự lăng nhục lớn lao.
Bình thường, Y Mộng Lăng là con người luôn luôn trấn tĩnh, siêu thoát, gặp bất cứ việc gì, chỉ có chàng ra tay áp đảo người ta trước, chớ chưa hề bị ai qua mặt bao giờ. Nhưng từ khi Tàn Kim Huyết Tà Cổ Thượng Cửu xuất hiện đến giờ, chàng mới bị nhiều phen chua cay. Vì Cổ Thượng Cửu là một võ lâm cao thủ chỉ kém Thiên Ma Địa Tà có một bực, nhất là độc môn võ công “Đoạn Hồn Tàn Kim tuyệt chưởng” của lão ta, đã đoạt mạng biết bao nhiêu người rồi. Mẫu thân chàng Tịch Mịch Vân Thường, Tiêm Chưởng Phong Vân Chu Tiểu Phàn... đều táng mệnh dưới môn võ công kim chưởng của lão ta. Đến nay, nghe giọng cười đắc ý, ngạo mạn của Cổ Thượng Cửu, Y Mộng Lăng đã bùng cháy trong lòng ngọn lửa phục hận không sao trấn tĩnh được, nhưng lúc này chàng lại không tìm ra nơi ẩn thân của lão đại ma đầu ấy...
Hắc, hắc, hắc! Hắc, hắc, hắc!...
Giọng cười tàn khốc tiếp tục xao động trong không khí đối với Y Mộng Lăng, quả thật là một điều châm chọc vô cùng sỉ nhục.
Lập tức chàng rút thanh trường kiếm màu bạc một tiếng “keng”, vung một vòng phạt qua cả bụi rậm, cất tiếng quát lớn :
- Cổ Thượng Cửu, nhà ngươi cũng là nhân vật có danh có tiếng trên chốn giang hồ, mà lại hèn nhát lẩn lút không dám giơ mặt ra. Hôm nay Y mỗ nêu danh khiêu chiến với nhà ngươi đấy.
Giọng cười nhạt khinh miệt của Cổ Thượng Cửu, từ phía xa vọng đến :
- Y Mộng Lăng, nhà ngươi chớ có khoe tài giỏi, sinh mạng nhà ngươi đã nằm gọn trong tay ta, dù ngươi có bản lĩnh tài trời cũng khó lòng thoát khỏi. Nếu không tin, nhà ngươi cứ thử xem.
Y Mộng Lăng cả giận quát :
- Hừ, chỉ giỏi cái miệng nói láo, có giỏi hãy ra đây. Gặp người nếu ta không chặt đôi được cái mạng chó của ngươi ra làm đôi, ta thề không làm người...
- Nói thì hay lắm, nhưng cho nhà ngươi biết rằng vài chiêu Tích Lịch kiếm pháp của mi đó, dưới mắt của ta chẳng có gì đáng kể cả. Mi tưởng có một số người sợ môn kiếm pháp đó, rồi mi rở mũi ra làm phách hả?
Giọng nói của lão ta phảng phất phiêu đãng lúc trước lúc sau, lúc tả lúc hữu, làm cho Y Mộng Lăng không sao nhận ra chỗ ẩn thân của lão ta, chàng tức giận hét lớn :
- Cổ Thượng Cửu, có phải nhà ngươi đã sợ ta, nên không dám chường mặt ra chớ gì?
- Láo! Ta đã tung hoành giang hồ hơn bốn mươi năm trời chưa hề biết sợ một kẻ nào cả. Đêm qua, ta đã dùng thuần dương chân khí giúp nhà ngươi hóa giải mũi kim châm khống chế nơi huyệt “Tinh Tủy Thần Hộ” của ngươi cho nhà ngươi khôi phục công lực mục đích chỉ là để cho ngươi thêm sự đau khổ hành hạ thể xác, chớ để cho nhà ngươi chết một cách đơn giản như thế thật uổng.
- Ngươi tuy có thiện ý giúp ta khôi phục công lực, nhưng ta không thèm mang ơn đâu mà đem ra kể lể.
- Đương nhiên, đó là việc ta làm vì sự nói khích của lão quái đầu Hữu Dư tiên sinh, ta đâu có ăn năn hối tiếc, và đương nhiên ta cũng chẳng cần nhà ngươi cảm tạ hay mang ơn mang huệ.
- Vậy thì, bây giờ chúng ta hãy quyết một trận sống mái.
- Khoan, chưa đến lúc chỉ phí thì giờ vô ích, nhà ngươi hãy để dành khí lực, một ngày khác ta sẽ gặp nhau.
- Nhà ngươi sát hại mẹ ta với mục đích gì?
- Nói ra bây giờ hơi sớm, sau này dần dần ngươi sẽ rõ. Cả chuyện Thiên Ma bị hại năm xưa, sau đây, dần dần ngươi cũng sẽ rõ. Khà, khà, khà...
Chấm dứt câu nói là một chuỗi cười quái dị, đinh tai chối óc.
Y Mộng Lăng tay phải nắm chặt đốc kiếm trán nổi gân xanh. Nội tâm chàng đang trải qua một cơn khích động kịch liệt. Mãi lúc sau chàng mới lại thốt thành tiếng :
- Cổ Thượng Cửu nhà ngươi có biết tại sao sư phụ ta ngăn cản ta đi tìm sự thật về cái chết của cha ta không?
- Đương nhiên là biết nhưng có điều cho mi hay bây giờ, e rằng mi sẽ phát điên phát cuồng lên mất, khà, khà, khà,...
Y Mộng Lăng không thể dằn được buột miệng :
- Ta muốn nhà ngươi hãy nói rõ ngay.
- Hà, hà,... Bề nào thì sau này cũng có ngày nhà ngươi được biết, không chừng lúc đó sẽ còn có nhiều chuyện ly kỳ hứng thú nữa cũng nên.
Y Mộng Lăng chợt có cảm giác như khối đá nặng đè lên đầu. Chàng nhớ lại chuyện sư phụ chàng Địa Tà Quy Phượng Thương đột nhiên xuất hiện quả là chuyện bất thường, chẳng lẽ sư phụ chàng...
Càng nghĩ, chàng càng thấy lo sợ, chàng không dám nghĩ tiếp...
Chàng đứng thừ người như khúc gỗ...
Giọng nói lạnh lùng the thé như giọng ma quỷ của Cổ Thương Cửu lại vang lên :
- Y Mộng Lăng, kiếm pháp của nhà ngươi dùng để chặt cây phát lá thì được lắm đấy. Còn nói ngươi đã dùng kiếm pháp ấy để trả xong mối đại thù cho cha ngươi một cách đơn giản như vừa qua thì thật là lầm to. Ta cho ngươi hay rằng, đó mới chỉ là những sự kiện mở màn cho câu chuyện thôi.
Nghe nói, toàn thân Y Mộng Lăng chợt rung lên, chàng lớn tiếng gào :
- Cổ Thượng Cửu!... Cổ Thượng Cửu!...
Màn sương sớm, bị âm điệu của chàng chọc thủng rồi lại hàn liền. Hình bóng Cổ Thượng Cửu đã biến mất, chỉ còn lưu lại chuỗi cười lạnh lùng quái dị phảng phất. Nhìn lùm cây bị phát gãy Y Mộng Lăng có cảm giác như những tia máu tươi bắn tứ tung trước mắt.
Nếu quả lời nói của Cổ Thượng Cửu không sai, thì nguyên nhân cái chết của Thiên Ma Y Dật. Còn nhiều bí ẩn cần được phanh phui.
Dưới ánh phản chiếu của tia sáng mặt trời ban mai mới rạng, thanh trường kiếm màu bạc phát ra màu kiếm quang chói tai. Y Mộng Lăng nhìn mũi kiếm lấp lánh, nét mặt rắn lại, cương quyết thốt lời thề: “Ta nhất định phải tìm cho ra sự thật cái chết của cha ta. Ta nhất định phải trả cho xong mối thâm thù huyết hãi này.”
Cái chết của Thất Đồ Huyết Hoắc Doanh, Ngọc Kim Câu Bạch Vũ, Đạn Chỉ Thần Kiếm Chu Kỳ, Tuyệt Chưởng Phong Hà Thúc Tinh Nhạc chẳng qua là tấu khúc mở màn cho một cuộc sát phạt máu tanh dữ tợn lớn lao hơn, sắp sửa được phô bày ra trước mắt Y Mộng Lăng.
Trong cơ thể Y Mộng Lăng hiện tại có giòng máu cuồng phóng hào sảng của Thiên Ma Y Dật năm xưa đang chảy, chàng ta có cái dũng khí, phách lực ngang tàn, bất khuất, hăng hái một mình độc lực ra đi hoàn thành cái sứ mạng khó khăn còn gấp bội công việc tìm đường lên trời.
Sự bừng tỉnh đêm qua, đưa chàng đặt gót lên trang sử mới của cuộc đời mới mở...
Trong cuộc đi ấy, dù cho có cả trăm ngàn nhân vật võ lâm sẵn sàng đao kiếm chĩa thẳng mũi nhọn vào chàng, trở thành địch thủ lợi hại của chàng nhưng chàng vẫn quả quyết ra đi.
Từ đó một thanh niên hiệp khách hiên ngang, ngân bạc trường kiếm, bắt đầu tiếp tục lê gót trên con đường đời đầy gió bụi chông gai...
* * * * *
Phía Nam thành Hàng Dương giòng sông Tương Giang lạnh lùng trôi...
Trên đỉnh ngọn Hồi Nhạn Phong, một ngọn núi cao nhất trong số bảy mươi hai ngọn núi trùng trùng điệp điệp của dãy Nam Nhạc Hành Sơn, những ngọn cổ tùng ngạo nghễ vươn cao như thi gan cùng mưa nắng phong sương.
Một thiếu niên áo bạc, chắp tay sau mông, ngửa nhìn mây núi. Chỉ thoáng nhìn qua dáng thiếu niên một cái, người ta cũng có cái cảm giác bất bình phàm.
Thanh niên áo bạc ấy chính là Ma Diện công tử Y Mộng Lăng.
Một bầy nhạn từ ngọn núi đối diện vỗ cánh bay vυ"t lên cao, hướng về phía mây mờ mịt xa tít, qua đầu Y Mộng Lăng. Chàng đưa mắt nhìn theo bầy nhạn, bất giác cất tiếng khẽ ngâm một câu thơ trong bài Đằng Vương Các của Vương Bột.
Không ngờ giọng ngâm của chàng chưa dứt, bỗng từ con đường mòn phía sau dãy núi một thiếu nữ áo đỏ uyển chuyển bước ra miệng ngâm nga họa theo.
Tiếng ngâm ngọt ngào êm dịu của nàng áo đỏ vừa dứt, thì đột nhiên một chuỗi cười cao vυ"t nổi lên, chẳng khác tiếng rồng gầm từ nơi đáy vực xuyên tận mây xanh.
Y Mộng Lăng bất giác giật mình nghĩ thầm :
“Người nào mà có nội lực thâm hậu đến thế đem so ví có thể còn cao hơn Phi Long Thần Đao Hồ Công Cửu, Hữu Dư tiên sinh và Tàn Kim Huyết Tà Cổ Thượng Cửu!”
Trong khi tiếng cười còn vang động trong không khí, thì Y Mộng Lăng đã nhìn rõ bóng dáng thiếu nữ áo đỏ, chàng bất giác rùng mình loạng choạng lui mấy bước.
Vì thiếu nữ áo đỏ có một khuôn mặt giống Chu Tiểu Phàn như đúc.
Y Mộng Lăng buột miệng khẽ thì thầm trong miệng như người mê sảng :
- Tiểu Phân!... Y! Tiểu Phân!... Nàng...
Nhưng hình như ảnh Chu Tiểu Phàn bị chết thảm dưới bàn tay huyết chưởng của Cổ Thượng Cửu hôm nào lại hiện lên đầu óc chàng... Chàng tiếp tục lẩm bẩm :
“Không, không có lý!... Tiểu Phàn đã chết rồi!...”
Bước theo phía sau thiếu nữ áo đỏ là một vị lão tăng thân hình cao lớn vạm vỡ, mình mặc áo bào lam nhạt, trên cái đầu trọc láng bóng, lão tăng đội một cái bàn cờ, với những hàng quân ngà màu đen bày sẵn.
Đội một cái bàn cờ trên đầu, không cần phải dùng tay đỡ hay giữ là một việc làm rất dễ, kẻ phàm phu tục tử cũng làm được. Nhưng làm được như lão tăng, bước đi thoăn thoắt mau lẹ như mây bay nước chảy, mà hàng quân cờ không hề nhích động, thì quả là một việc làm cực kỳ khó khăn. Bàn cờ, quân cờ đều bằng ngà láng bóng, láng bóng như làn da đầu lão tăng.
Khi đi qua Y Mộng Lăng, thiếu nữ áo đỏ liếc nhìn diện mạo anh tuấn của chàng, chiếc dù đang cầm trên tay nàng bỗng nhiên rung lên một cái, mấy hạt mưa bụi theo làn gió nhẹ phà vào cặp má hây đỏ nóng bừng của nàng.
Với cái sống mũi dọc dừa, cặp mắt sáng long lanh như sao, đôi môi đỏ tựa thoa son. Y Mộng Lăng quả là một chàng trai hào hoa phong nhã, một mỹ thiếu niên điển hình lý tưởng của các thiếu nữ hằng mong ước. Không những thế, từ gương mặt chàng ta còn luôn luôn toát ra một sức hấp dẫn, kỳ lạ thần bí làm say sưa điên đảo tâm thần bất cứ một thiếu nữ nào đã có lần gặp mặt chàng. Có lẽ đây cũng là một ma lực đặc biệt của phái nam tử như chàng.
Thiếu nữ áo đỏ, sau khi vượt qua chàng, liếc mắt nhìn trộm dung mạo chàng một cái, rồi rảo bước như vội vã xuống núi, tay cầm cán dù run run, chứng tỏ nội tâm nàng cũng gợn lên làn sóng xao động vô biên.
Y Mộng Lăng, từ khi bị Tiểu Vân Tước Nhi Lăng Ngọc Vũ bỏ đi, chàng không còn để một chút tâm tư nào nghĩ đến phái nữ nữa. Nhất là mỗi khi tại nơi điếm trọ, khi vừa nhắm mắt là hình ảnh của các thiếu nữ đã đi qua đời chàng đều lần lượt hiện lên - Bạch Tường Vi, Chu Tiểu Phàn, Thúc Gia Ngọc - Người nào người nấy đều mang một nét u oán thương đau. Do đó mà chàng càng cảm thấy ăn năn hối hận.
Bây giờ gặp thiếu nữ áo đỏ chàng chú ý không phải vì nàng có sắc đẹp mỹ miều, mà vì nàng có dáng dấp giống Chu Tiểu Phân in hệt. Trên đời sao lại có người giống nhau đến như thế.
Bảo rằng nàng áo đỏ là em gái Chu Tiểu Phàn thì không đúng, vì chàng biết rõ Đạn Chỉ Thần Kiếm Chu Kỳ chỉ có một mình nàng là gái, và một người anh trai nữa, một ở Lạc Dương. một ở Kim Lăng, vậy thiếu nữ áo đỏ là ai?
Khi vị lão tăng đội bàn cờ đi qua Y Mộng Lăng, ông ta liếc nhìn chàng một cái, cất tiếng cười khà khà :
- Thí chủ quả là một khách hào hoa phong nhã, du ngoạn ngâm vịnh, vậy xin mời thí chủ theo bần tăng xuống hàn xá dưới chân núi kia xem bọn bần tăng thưởng thức một vài ván cờ cho vui.
Trong thâm tâm, Y Mộng Lăng đối với thiếu nữ áo đỏ đã có một ấn tượng kỳ dị, nên cũng có ý định theo nàng để xem nàng có liên hệ gì với Chu Tiểu Phân hay không. Phần nữa lại thấy lão tăng cũng là tay võ công siêu việt nên chàng càng muốn thân thiện làm quen, may ra có thể dò biết được chút manh mối gì về Thiên Ma Y Dật cha chàng năm xưa hay chăng. Do đó, khi lão tăng ngỏ mời chàng liền vui vẻ nhận lời theo ngay.
Khi chàng đi sóng vai với vị lão tăng xuống núi, chàng thấy vị lão tăng này tuy lớn tuổi, cặp chân mày bạc trắng như cước, nhưng bộ pháp rất mau lẹ, điểm kỳ dị và đặc biệt nhất là hai hàm răng lão tăng đã rụng hết không còn một chiếc, khi đối đáp miệng há ra trống rỗng như cái lỗ hang.
Xa xa từ ngôi cổ tự dưới chân núi, văng vẳng lên tiếng chuông chùa ngân nga rền rĩ, làm cho người nghe có cảm giác lâng lâng như muốn thoát cảnh trần tục, vũ hóa đăng tiên.
Đi được một quãng Bạch Y lão tăng cất giọng thâm trầm hỏi Y Mộng Lăng :
- Nếu bần tăng đoán không lầm, thí chủ phải là một nhân vật trong giới võ lâm.
Y Mộng Lăng thót giật mình kính phục vì nhỡn quang sắc bén của lão tăng, chàng chưa kịp đáp, lão tăng đã nói tiếp :
- Trót sinh làm người trong giới võ lâm, trọn ngày này qua tháng khác, ngụp lặn trong cảnh sát phạt ân oán, đâu còn giờ nào nhàn rỗi mà ngâm thi vọng nguyệt. Tuy nhiên, thí chủ cũng nên cố gắng kiểm điểm hành vi, tránh được sát nghiệp bao nhiêu là tạo phúc giang hồ được bấy nhiêu.
Y Mộng Lăng chắp tay tỏ vẻ cung kính :
- Vãn bối võ nghiệp thô thiển, mong được lão tiền bối hết lòng chỉ dẫn...
Bạch Y lão tăng khẽ mỉm cười :
- Hay lắm! Thí chủ tuổi còn trẻ mà đã được phong thái khiêm nhượng như vậy, tương lai có thể làm nên sự nghiệp vĩ đại. Thí chủ nên nhớ kỹ câu “Ngạo cốt hư tâm”, võ công của thí chủ đạt tới trình độ như hiện tại là đáng quý lắm rồi, bây giờ chỉ cần thí chủ đào tạo thêm về chí khí cho lịch duyệt nữa là xứng danh con người hiệp sĩ.
Y Mộng Lăng vội vàng chắp tay vái tạ :
- Những lời vàng ngọc của lão tiền bối quả đã làm cho tại hạ như chợt...
Bạch Y lão tăng vội ngắt lời chàng :
- Bần tăng thấy thí chủ có cốt cách rất tốt, nhưng sát khí lại quá nặng. Tuổi thanh niên rất kỵ tính tự cao tự mãn. Kinh dịch có câu “vật cứng dễ gãy”. Nhìn mặt biển Đông Hải từng từng lớp lớp sóng cuộn mênh mông vô tận, nhưng so với toàn thể trời đất thì lại chỉ như sợi lông, hạt cát nhỏ không đáng kể.
Nghe lão tăng nói một hơi, Y Mộng Lăng giật mình đổ mồ hôi hột, chàng bất giác như chợt tỉnh cơn mê, sau hồi mõ cảnh tỉnh của vị cao tăng giáng lên, chàng hồi tưởng lại từ lúc chàng rời Nam Hải Không Minh đảo vào Trung thổ những hành động của chàng từ ấy đến nay đều như trình hiện trước mắt chàng một bức màn máu. Những ánh mắt oán hờn và nét tuyệt vọng trên gương mặt trước giờ lâm tử của Thất Đồ Huyết Hoắc Doanh, Ngọc Kim Câu Bạch Vũ, Đạn Chỉ Thần Kiếm Chu Kỳ ... đều lần lượt như hiện ra trước mắt chàng.
Chàng thầm kính phục sự vĩ đại của vị Bạch Y lão tăng. Một vị cao tăng Phật môn khác hẳn với Liễu Liễu thần tăng của Thiếu Lâm chỉ thấy đầy ngôn ngữ và hành động quỷ bí mà thôi.
Giữa lúc chàng đang trầm tư suy nghĩ, thì lại nghe vị lão tăng lẩm bẩm :
- Như nàng thăng cương cương quá dễ gãy, hà, hà, hà!...
Y Mộng Lăng như bừng tỉnh cơn đại mộng.
Vị Bạch Y lão tăng vẫn tiếp tục :
- Ba mươi năm về trước, võ lâm giang hồ, có một nhân vật kỹ nghệ siêu phàm, thanh thế rạng chói như mặt trời giữa trưa, không một nhân vật nào sánh kịp có thể xứng với danh hiệu “Thiên hạ đệ nhất nhân”. Nhưng mà người đó lại quá tự tin vào cái tài võ dõng cái thế của mình, để bộc lộ phong mạng kiêu cuồng, lăng ngạo rồi rốt cuộc lâm cảnh thảm tử. Hà! Lúc bấy giờ lão đã có khuyến cáo người ấy một lần, nhưng lúc bấy giờ khí thế của người ấy đang hồi cực thịnh chỉ mũi kiếm đến đâu, ai nấy đều khϊếp phục, nên lời khuyên của lão tăng đã không có hiệu quả...
Tâm thần Y Mộng Lăng mỗi lúc mỗi khẩn trương theo từng câu nói của vị Bạch Y lão tăng. Chàng đã dư hiểu, nhân vật võ lâm hiển hách nhất thời mà vị lão tăng đề cập đây chính là cha chàng: Thiên Ma Y Dật.
Bạch Y lão tăng vừa đi vừa tiếp tục câu chuyện :
- Đêm đó, lão cùng người ấy ngồi đốt đèn nói chuyện thời thế tại một căn thiền viện trên Nhạn Đãng sơn. Bỗng có hơn mười đại hán bịt mặt xông vào bao vây tấn công người ấy. Người ấy thi triển tuyệt nghệ, không đầy mười hiệp đã hạ sát tất cả nằm la liệt dưới gốc cây cổ tùng. Lúc xong việc người ấy cũng không để ý xem những người đến đánh lén mình là ai. Nhưng lão tăng đã ngầm dò xét và nhận ra trong số hơn mười đại hán bịt mặt bị chết, có tới bảy người là cao đồ của bảy đại môn phái võ lâm.
Nghe đến đây, cặp mắt của Y Mộng Lăng bỗng hé lên nhỡn quang kỳ dị, nhưng chỉ trong giây thoáng lại vụt biến đi. Vị lão tăng cũng kịp nhận thấy, nhưng ông ta không tỏ thái độ gì, vẫn tiếp tục kể :
- Nếu ngay sau đó, người ấy biết nghe lời lão tăng, có thể sau này không đến nỗi bị chết thảm... Hà! Cây cao chịu gió lớn. Người tại để lộ phong mạng quá, dễ làm cho nhiều kẻ ghen ghét tìm đường sát hại.
Nghe đến đây, cặp mắt Y Mộng Lăng hướng về phía xa vời, chăm chú nhìn lên mây mờ giăng ngang sườn núi, như mường tượng tìm thấy hình bóng cha chàng Thiên Ma Y Dật năm xưa đang độ oai hùng kiêu dũng đang ngưng đọng hiển hiện trong đó.
Trận gió núi thổi rì rào...
Ảo ảnh trước mắt Y Mộng Lăng vụt tan biến.
Vì sự quá kích động nội tâm, chàng bỗng cất tiếng kêu lớn :
- Cha! Cha!... Con muốn được nhìn thấy mặt cha một lần... Cha hãy cho con biết ai là kẻ đã thực sự sát hại cha. Con sẽ báo thù cho cha...
Chàng đã tự biết không thể nhắm mắt gϊếŧ càng nữa, mà phải tìm cho ra kẻ thù chân chính đã gϊếŧ hại cha chàng...
Bạch Y lão tăng đột nhiên chép miệng :
- Chẳng tranh hư danh gì, chẳng màng võ công chi, tháng ngày bầu bạn với núi rừng cây cỏ, tiêu dao tự tại biết bao nhiêu...
Y Mộng Lăng chợt buột miệng hỏi :
- Thưa lão tiền bối, có phải nhân vật võ lâm mà lão tiền bối vừa kể là Thiên Ma Y Dật, một tay khét tiếng võ lâm ba mươi năm trước đây không?
Vị Bạch Y lão tăng khẽ gật đầu :
- Phải!
Toàn thân Y Mộng Lăng run lên, chàng nghĩ thầm, có thể vị lão tăng này sẽ cho chàng biết được cái nguyên nhân chết thảm của cha chàng năm xưa. Đối với cái thần tích anh hùng hiển hách của cha chàng xưa kia, chàng cũng cảm thấy có chút tự hào kiêu ngạo.
Bạch Y lão tăng lẩm bẩm :
- Thiên Ma... Địa Tà... Địa Tà... Thiên Ma... Tích Lịch kiếm pháp... Kim Hoa Thiềm...
Y Mộng Lăng đang định lên tiếng hỏi lão tăng về nguyên nhân cái chết của Thiên Ma, thì lão tăng đã nói lớn :
- Y, tới rồi! Tới rồi!
Y Mộng Lăng ngửng lên nhìn, đã thấy trước mặt xuất hiện một bức tường màn vàng, bao quanh một ngôi cổ tự, ngoài cổng đề ba chữ lớn: “Nhạn Phong tự”.