Trần Mặc đương nhiên không vui.
Mấy lần chạm mặt, nàng ta ngay cả miễn cưỡng chào hỏi ta cũng không muốn, mặt mày lạnh tanh đi lướt qua. Ta cũng vậy, không hề muốn nói chuyện với nàng ta.
Nàng ta sợ ta.
Chính xác mà nói, nàng ta sợ đứa bé trong bụng ta xảy ra chuyện, ta sẽ vu oan giá họa cho nàng ta.
Nàng ta không ngu dốt, nhưng cũng chẳng thông minh.
Ta là người lớn lên trong cung cấm, có vô số cách gϊếŧ người thầm lặng, xử lí mấy tiểu nha đầu như nàng ta. Nàng ta đâu có xứng để ta lấy mạng con mình ra đổi.
Ta có được một khoảng thời gian thanh bình.
Đến trung thu, đứa bé trong bụng ta đã được khoảng bốn tháng, là thời kì thai không ổn định.
Ta được nâng niu như ngọc, của ngon vật lạ, vải vóc lụa là chất thành đống, không khác gì xưa kia. Nếu đổi lại là phi tử khác, có lẽ sẽ cảm động rơi nước mắt, muốn khoe khoang với toàn thiên hạ.
Nhưng ta thì không.
Ta sai Lan Linh nói với bên ngoài rằng ta không đắc sủng, phải sống ẩn dật trong cung Ngọc Cẩm. Dẫu sao Tuyên Ngọc cũng đang tránh mặt ta, gần hai tháng nay không tới, cũng không biết chàng đang trốn tránh điều gì.
Còn Trần Mặc, nàng ta cũng có ý đồ riêng, không muốn nhiều người biết việc ta có thai. Vậy nên tin tức này chỉ được lưu truyền trong cung, không lộ ra bên ngoài.
Có thai không ai biết, nhưng không đắc sủng thì toàn thiên hạ đều hay.
Nếu ta tham dự bữa tiệc mừng trung thu, liệu có tên quan lại ngu ngốc nào, tới gây chuyện với ta không nhỉ?
Đáp án là có.
Con trai nhỏ của Vạn gia, Vạn Khai Tuấn.
Cùng là sinh sau đẻ muộn, sao Thích Văn Lan lại chẳng được chiều chuộng, thường xuyên bị tống tới bắc cương hứng gió cát nhỉ?
Có lẽ đây là sự khác biệt giữa cách nuôi dạy con của quan văn và quan võ.
Cha của Vạn Khai Tuấn, Vạn Thủ Thành, là nội các đại học sĩ, nửa triều gọi ông ta là thầy, có học trò ở khắp nơi, danh tiếng khá tốt.
Nhưng lại không dạy được đứa con trai phải tới tận năm sáu mươi tuổi mới sinh được này.
Tên Vạn Khai Tuấn này có tài, tới ca lâu tìm niềm vui còn có thể sáng tác mấy ca khúc tục tĩu, chúng thậm chí còn được lưu truyền rộng rãi bên ngoài, hắn trước nay nổi danh “thương hoa tiếc ngọc”. Hắn quả thực là con cháu của nhà quyền quý, không có sức kháng cự trước mỹ nhân.
Khi ta viện cớ say rượu, ngồi một mình bên hồ Lãm Nguyệt, thấy Vạn Khai Tuấn dẫn theo người hầu hứng chí đi tới bên hồ, chuẩn bị bẻ một cành hoa mộc tê, sau đó hắn nhìn thấy ta.
Ngay cả khi Lan Linh quát lên: “To gan, đây là Ngọc quý phi!”, hắn cũng chẳng hề để tâm, cất tiếng cười cợt: “À, ta biết rồi, là công chúa thất sủng thảm hại kia đó sao. Người ăn vận lộng lẫy làm gì, cũng đâu có ai ngắm, chắc hẳn nương nương thấy cô đơn, tủi thân lắm nhỉ?”
Ta chống cằm, tựa lưng vào ghế trong đình, dưới ánh nến u ám, thầm mắng vài tiếng trong bụng.
Thứ gan to bằng trời này.
Có điều hắn đương nhiên không nghe thấy, còn muốn tới chèn ép ta, trong lúc giằng co, mùi rượu nồng nặc trên người hắn khiến cho ta không thở nổi.
Buồn nôn quá, ta nghĩ.
Vậy nên ta cứ thế nhảy xuống hồ để gột sạch hết mùi. Trong cơn hỗn loạn, ta nghe thấy tiếng hét của Lan Linh: “Cứu với, người đâu mau tới đây! Nương nương rơi xuống hồ rồi!!!”
Hồ Lãm Nguyệt được bao quanh bởi bụi cây, rất yên tĩnh, cách yến tiệc không xa.
Ta lờ mờ nghe thấy tiếng bước chân vội vã, tiếng la hét của cung nhân và các tiểu thư thế gia, có người nhảy xuống nước, bơi về phía ta.
Là Tuyên Giác.
Dù ở trong nước nhưng vẫn có thể ngửi thấy mùi đàn hương trên người chàng, chàng truyền không khí cho ta, kéo ta lên khỏi mặt nước, không ngừng cất tiếng gọi bên tai ta: “Trùng Trùng? Trùng Trùng? Tỉnh lại đi, không được ngủ…”
Trước khi rơi vào hôn mê, trong đầu ta chỉ có một ý nghĩ duy nhất.
Đã rất lâu, rất lâu rồi không được nghe thấy Tuyên Giác gọi ta hai tiếng “Trùng Trùng” này.
Tên ta là Tạ Trùng Tự.
Trước khi được ban phong hào, phụ hoàng và các hoàng huynh đều gọi ta là “Trùng Trùng”.
Nhưng trẻ con thường thích đặt biệt danh cho người khác, có đứa trẻ cùng học trong học đường gọi ta là “côn trùng có lông”.
Ta òa khóc chạy tới tìm phụ hoàng mách tội, người cau mày rồi nói: “Vậy thì đặt cho con một phong hào nhé, về sau lấy đó để gọi con. Xem ai còn dám chêu chọc tiểu điện hạ nhà ta nữa”.
Vậy nên người đã đặt cho ta phòng hào “Nhĩ Ngọc” tôn quý vô cùng này.
Nhưng phụ hoàng tuy đã ban phòng hào cho ta nhưng bản thân người lại không thích gọi, vẫn tối ngày gọi ta là “Trùng Trùng”. Cả vị hoàng huynh thái tử cùng mẹ sinh ra của ta cũng vậy.
Chỉ có các hoàng huynh thứ xuất và các thân tín không quá thân thuộc mới dần gọi ta là “Nhĩ Ngọc”. Điều này như thể kéo dài khoảng cách giữa quân thần, đích thứ.
Lâu ngày, không còn ai dám gọi tên ngày nhỏ của ta nữa, chỉ có hoàng đế và thái tử mới có tư cách này.
Lúc ta tỉnh lại, các thái y đang quỳ trên mặt đất. Bọn họ lo lắng bất an, thấy ta tỉnh lại, vui mừng nói: “Nương nương tỉnh rồi! cuối cùng cũng tỉnh rồi! Mau đi báo cho bệ hạ!”
Lan Linh đang lo lắng canh chừng một bên cũng bất giác thở phào nhẹ nhõm: “… quá tốt rồi”.
Như thể nghĩ tới điều gì, nàng ta chần chừ nói: “Nương nương… cái đó…”.
Ta ho lên một tiếng: “Sao?”
“… tiểu điện hạ, không còn nữa”
Nằm trong dự liệu.
“Thứ ngu dốt của Vạn gia đó thì sao?”
“… ở thiên lao ạ”
Ta từ từ nhắm mắt lại.
Lão già của Vạn gia đó quá tự phụ, tự phụ đến mức ngông cuồng dùng miệng lưỡi của văn nhân, hạ nhục thanh danh hoàng thất.
Hắn cũng đã phần nào thành công.
Trong học viện, học trò của hắn luôn bới móc, cố tìm ra lỗi sai của hoàng huynh để chỉ trích, bôi nhọ.
Từ lâu ta đã nói với hoàng huynh, phải xử lí kẻ luôn cậy già lên mặt đó, nhưng hoàng huynh chỉ cảm thán: “Khó lắm, hơn nữa những điều mà bọn họ phê bình không hẳn không đúng. Ngày trước, ta trẻ tuổi ngông cuồng, làm việc quá tàn nhẫn, để họ nhắc nhở, cảnh tỉnh ta vậy cũng tốt”.
Lão già đó cứ thế giữ được mạng.
Còn Tuyên giác, chàng là môn sinh mà hắn tâm đắc nhất, khi Tuyên gia rơi đài, hắn ta vẫn luôn tìm cách cứu người học trò này. Dù ngày đó quan điểm chính trị của Tuyên Giác và hắn khác nhau.
Ta đặt vấn đề nan giải này lên người Tuyên Giác, muốn xem xem chàng sẽ xử trí thế nào.
Nghe nói Vạn Khai Tuấn bị nhốt vào thiên lao, ta biết…
Tuyên Giác chuẩn bị ra tay với Vạn gia.
Tuyên Giác vội vã đi tới, có lẽ chàng vừa hạ triều, triều phục còn chưa thay, bộ long bào màu đen khiến phong thái chàng trì trệ đi nhiều, trên mặt hiếm khi xuất hiện nét u ám, nhưng mau chóng tiêu tan.
Chàng vẫn nở nụ cười ấm áp, nhẹ nhàng nói: “Nhĩ Ngọc, đứa bé không đáng bị kéo vào chuyện này”.
“Đứa bé không phải đã mất rồi sao?” ta nhún vai.
Chàng im lặng hồi lâu, rồi mới cất tiếng: “Như nàng mong muốn”.
Cũng không biết chàng đang nói về đứa bé hay nói về việc xử lí Vạn gia.
Tuyên Giác vẫn có việc cần xử lí, vội vã rời đi, lúc chàng đi qua hành lang, ta mới thở dài cảm thán.
“Ta từng giương cung tên, khuất phục ngựa dữ, coi thường thủ đoạn xấu xa, lét lút, cũng khinh thường những phi tử chỉ vì tranh giành thánh sủng và lợi ích mà mất đi nhân tính. Nhưng rốt cuộc ta lại trở thành người như vậy” ta cười nói với Tuyên Giác, cười đến rơi lệ, “Ly Ngọc à Ly Ngọc, coi như ta đã hiểu cảm giác năm đó của chàng”.
Bước chân của Tuyên Giác dừng lại, quay đầu nhìn ta. Sườn mặt chàng bị ánh nắng chiếu lên mờ ảo, hàng mi dài rậm khẽ run lên, như thể muốn nói gì đó.
Nhưng cuối cùng chàng không mở miệng.
Ngày hôm sau, ta tới thiên lao “thăm” Vạn Khai Tuấn.
Sắc mặt hắn phờ phạc, nhìn ta bằng ánh mắt hận thù.
“Để ngươi chết mà không hối tiếc nhé” ta thương xót nhìn xuống hắn, “là cô nương trong Xuân Oanh Đề Hiểu muốn ngươi đi ngắt hoa quế trong cung đúng không?”
Hắn trừng to hai mắt, bỗng chốc tỉnh ngộ, hàm răng nghiến chặt lại, giọng nói rít lên: “… trong cung… chỉ bên hồ Lãm Nguyệt mới có hoa mộc tê. Ngươi… nữ nhân ác độc nhà ngươi”.
Ta thở dài một hơi, nói: “Không thể nói vậy được đâu, tiểu công tử. Không ác độc thì đâu phải trượng phu. Hơn nữa việc mà cha ngươi từng làm cũng chẳng sạch sẽ hơn ta là mấy”.
Vạn Khai Tuấn tức giận nhìn ta chằm chặp, thấy ta vẫn bình thản như cũ, vẻ mặt hắn trở nên sợ hãi. Sau đó như thể nhớ ra thân phận và những chuyện ta làm ngày trước, ngã vật ra đất, gào khóc nói: “Điện hạ! Công chúa Nhĩ Ngọc! Xin tha cho thần, tha cho thần một mạng, là thần ngu dốt kiếm chuyện với người, là lỗi của thần, xin điện hạ tha mạng!”
Ta nhìn hắn một lúc, đến khi hắn dần trở nên tuyệt vọng, bỗng hỏi một câu không liên quan: “Rượu ở Xuân Oanh Đề Hiểu, vẫn ngon như vậy sao?”
“…” Vạn Khai Tuấn hoảng hốt không hiểu gì.
Ta nhấc chân rời khỏi đó, miệng lẩm nhẩm: “Vậy chắc hẳn xuân nhưỡng thu thuần vẫn là cách ủ rượu tốt nhất”.