Chương 47

LY HÔN HIỂU BIẾT MỘT CHÚT - CHƯƠNG 47

Tác giả: Thủy Sắc Thiên Thanh

Edit: Alex

_____________

Cậu bé tên là Lâm Hiếu Thành, tuổi thật lớn hơn vẻ ngoài một chút, năm nay vừa tròn mười tuổi, là học sinh lớp bốn trường tiểu học Tân Hương 2 thành phố Kinh Nguyên. Mục đích hôm nay đến đây đúng như lời cậu nói, là muốn tìm Khương Vu, vì Khương Vu là luật sư ly hôn, luật sư ly hôn nổi tiếng. Cậu đặc biệt đến nhờ cô, hy vọng cô có thể giúp cha mẹ mình ly hôn.

Khương Vu thật sự không biết nên khóc hay cười. Một đôi vợ chồng, sống với nhau thế nào mà để một đứa trẻ vừa mới mười tuổi phải cầm tiền lẻ dành dụm được đi mời luật sư giúp bọn họ ly hôn. Quả thật khiến người ta thất vọng đến tột đỉnh.

Khương Vu áp chế sự tức giận trong lòng, hỏi cậu bé: "Con có thể nói dì nghe vì sao lại muốn cho cha mẹ ly hôn không?"

Cả người cậu run rẩy: "Con... con không muốn má bị đánh nữa. Con nhớ hồi nhà còn an tĩnh, không có tiếng đập đồ."

Một đứa trẻ, một đứa trẻ mới mười tuổi, ngồi trước mặt Khương Vu nói cho cô biết nó muốn sống cuộc sống an tĩnh. Điều này khiến cô câm lặng thật lâu.

Cậu bé không biết suy nghĩ của Khương Vu. Cậu sợ mình quá nhỏ, lời nói ra có vẻ không đáng tin, vì thế bắt đầu cởϊ áσ khoác đồng phục, xắn cổ tay áo trong lên cho Khương Vu xem.

Trên cánh tay nhỏ đó có rất nhiều vết bầm. Khương Vu không phân biệt được là do thắt lưng, gậy gộc hay thứ gì khác đánh. Gia đình cô vốn cũng không hạnh phúc, nhưng điều cô phải chịu đựng phần nhiều là bạo hành lạnh từ cha mẹ. Cô thật sự khó có thể tưởng tượng được những vết thương này xuất hiện trên người một đứa trẻ sẽ là cảm giác thế nào.

Khương Vu cũng không thể chú ý nhiều như vậy. Cô bước đến bên cạnh cậu bé, vén vạt áo ngang hông cậu lên. Không chỉ cánh tay mà trên lưng, trên người cũng có những dấu vết giống vậy. Màu sắc vết thương đậm nhạt không đều, nhìn đã biết không phải cùng một thời gian gây ra. Điều này chứng tỏ cậu bé đã bị cha bạo hành trong một khoảng thời gian dài.

Khương Vu phẫn nộ: "Ông ta không chỉ đánh má con mà còn đánh cả con?"

Cậu bé gật đầu, thấp giọng nói: "Trước kia là thua tiền mới đánh, sau này uống rượu vào cũng đánh."

Khương Vu truy vấn: "Vậy má con đâu? Chẳng lẽ trước giờ cô ta chưa từng nghĩ đến chuyện phản kháng hay nhờ giúp đỡ sao? Cô ta có từng báo cảnh sát chưa?"

Mấy chữ báo cảnh sát rõ ràng rất xa lạ với cậu bé, khiến cậu cảm thấy nghi hoặc.

- Má nói không có vợ chồng nào không cãi nhau, cũng không có cha mẹ nào mặc kệ con không dạy. Má nói chuyện xấu trong nhà không thể kể ra ngoài. Nhưng nếu ba đánh con thì má sẽ chạy tới che chở. - Cậu bé càng nói, vẻ mặt càng đau khổ, - Nhưng ba con gần đây hay về rất khuya, lần nào cũng uống đến say khướt. Chỉ cần má làm gì không vừa ý là ổng lại vung tay đánh. Dì ơi, con ngủ cũng không dám cởϊ qυầи áo, là nghĩ nếu có chuyện gì, con có thể mang má chạy trốn với tốc độ nhanh nhất. Nhưng sức con quá yếu, cái gì cũng không làm được. Chỉ cần con phản kháng, ông ta sẽ đánh luôn cả con. Má không ngăn được ổng, cũng chỉ có thể nhào lên người che chở cho con. Khi nào ông ta đánh mệt rồi mới có thể kết thúc. Sau đó cũng chỉ có má ôm con khóc, rồi còn phải quét dọn nhà cửa sạch sẽ trước khi ổng thức dậy.

Che chở...

Sự tin tưởng trong mắt cậu bé mỗi khi nhắc đến mẹ khiến trái tim Khương Vu đau đớn.

Mẹ của đứa nhỏ này che chở nó bằng cách đó sao? Không ngừng biện giải cho chồng, không ngừng tẩy não bản thân, không ngừng làm mình chịu đựng sự tra tấn không phải người ấy. Một mình gánh chịu không nói, còn giảng đạo lí để con cùng chịu chung.

Nhưng kết quả thì sao? Đối phương sẽ vì sự ẩn nhẫn đó mà để bạn được sống thoải mái ư? Kiểu thỏa hiệp như vậy sẽ chỉ khiến đối phương càng được nước làm tới. Cô ta vốn không thể bảo vệ được con mình. Chỗ mắt thường có thể thấy đã chồng chất vết thương như vậy, còn những chỗ không thấy được thì sao? Trong trái tim bé nhỏ kia còn bao nhiêu vết nữa?

Lâm Hiếu Thành thấy dì luật sư xinh đẹp này nhìn chăm chú vào mình, cuối cùng mở miệng đưa ra một vấn đề cậu đã muốn hỏi từ rất lâu: "Dì ơi, má cứ nói chờ con trưởng thành thì mọi chuyện sẽ khác. Nhưng còn rất nhiều năm con mới lớn, trước đó vẫn phải chịu cảnh này sao? Còn có trưởng thành là lớn đến mấy tuổi? Mười tám hay phải hơn nữa mới được?"

Khương Vu không cách nào trả lời vấn đề của cậu bé. Tuổi mười tám như một mốc ranh giới. Pháp luật cho rằng đủ mười tám thì bạn đã trưởng thành, nhưng trong xã hội hiện đại, mười tám là độ tuổi tốt nhất, có thể tận mắt nhìn ngắm thế giới muôn màu bên ngoài, cũng có thể an tâm rút về, trốn vào cảng tránh gió mang tên gia đình. Nhưng đối với đứa nhỏ trước mắt, gia đình lại chính là nguồn cơn của tất cả gió lốc mà nó gặp phải.

Khương Vu vuốt ve gương mặt nhỏ nhắn của cậu bé, dịu dàng nói: "Thật ra cũng không cần lâu đến vậy."

Cậu bé như thấy được hy vọng: "Vậy dì sẽ giúp con đúng không?"

Khương Vu thật sự rất muốn nói với cậu, phải, dì sẽ giúp con. Nhưng ly hôn không phải chuyện tùy ý. Hai bên nếu không thể nhất trí còn phải cùng nhau ra tòa, sao có thể chỉ vì một đứa trẻ và một luật sư mà tự tiện giải trừ quan hệ hôn nhân của người khác được.

Cậu bé chung quy vẫn còn nhỏ, cách nói chuyện và diễn đạt chưa thể thật sự mạch lạc, nhưng Khương Vu đã bắt được mấy điểm mấu chốt: bạo lực gia đình, say rượu, hình như còn có thua tiền gì đó. Trong lòng cô đã có dự tính, nếu có thể chứng minh những tội danh ấy là thật thì dù đối phương không đồng ý, muốn ly hôn cũng không phải chuyện khó.

Bây giờ, tất cả chỉ thiếu một bước quan trọng nhất.

Ly hôn cần từ một bên đương sự đưa ra, chỉ có thể từ chính đương sự tự đề nghị, bất luận là ai cũng không thể ép buộc hay quyết định thay. Nguyện vọng của cậu bé rất đơn giản, nhưng về pháp luật, Khương Vu cần phải gặp được đương sự, cũng chính là mẹ cậu, xem cô ta có ý muốn ly hôn hay không.

Thời gian không còn sớm, đã gần giữa trưa, Khương Vu mặc quần áo đàng hoàng lại cho cậu bé rồi cười xoa đầu cậu: "Đi thôi, dì đưa con về nhà. Dì cần phải gặp má con. Nếu má con có ý muốn ly hôn thì dì nhất định sẽ cố gắng hết sức giúp đỡ hai người."

Đôi mắt cậu bé lấp lánh. Trẻ con thật tốt, chỉ cần cho một chút hy vọng, dường như đã có thể thắp sáng cả thế giới của chúng.

Nhưng thật ra tâm trạng Khương Vu lại có phần nặng nề. Cô cảm thấy hy vọng của người mẹ hẳn sẽ trái ngược với cậu bé. Nhưng dù thế nào cũng phải thử một lần mới biết được.

Khương Vu nắm tay cậu về nhà lấy xe, sau đó mới lái đến khu ngoại ô Tân Hương cách đó không xa.

Đến nơi, Khương Vu dừng xe dưới một khu nhà xây dựng đã khá lâu. Ở đây xem như vùng ngoại ô tương đối xa ở thành phố Kinh Nguyên, thành thị và nông thôn kết hợp, kiểu người nào cũng có.

- Dì, nhà con ở lầu hai, bên trái, con dẫn dì lên. - Lâm Hiếu Thành đi trước dẫn đường cho Khương Vu.

Đẩy cửa chính ra, chỉ thấy trên hành lang chất đống những đồ vụn vặt của các hộ gia đình, còn có sô pha cũ, thùng giấy, bình ủ dưa kiểu cũ. Khương Vu vừa đi lên vừa hỏi: "Hiếu Thành, giờ này má con tan làm rồi sao?"

Lâm Hiếu Thành ngượng ngùng cười cười: "Má con bày quán bán đồ ăn vặt ven đường, hai hôm nay nghỉ ở nhà."

Người làm buôn bán mà lại nghỉ ngơi ở nhà khi thời tiết tốt thế này, trong lòng Khương Vu đã có suy đoán. Mà trong nháy mắt Lâm Hiếu Thành mở cửa, một gương mặt với khối bầm xanh trên trán bên trái xuất hiện lại là bằng chứng thuyết phục nhất.

- Thành Thành về rồi. Hôm nay sao tan học sớm vậy? - Người phụ nữ kia nói, rồi mới giương mắt thấy một cô gái xa lạ, diện mạo xinh đẹp, ăn mặc chỉnh tề đứng sau lưng con trai mình, - Vị này là...?

Lâm Hiếu Thành vội giới thiệu với mẹ: "Má, đây là luật sư Khương. Con tìm được dì rồi, dì rất tốt, sẽ giúp chúng ta."

Người phụ nữ nghe vậy lập tức biến sắc: "Thằng nhãi ranh này, nói bậy gì vậy. Cái gì mà luật sư Khương. Má đã dặn con đừng tin mấy người trong trường nói lung tung, cũng đừng coi ba cái tào lao trên mạng rồi mà."

Nói xong, dường như cảm thấy vẫn chưa hả giận, cô ta lại vươn tay định vỗ mấy cái vào lưng con trai. Hành động ấy hoàn toàn là do thẹn quá hóa giận sau khi bị vạch trần, Khương Vu thấy hết. Nhưng cuối cùng cô ta cũng không đành lòng đánh xuống, chỉ kéo cánh tay Lâm Hiếu Thành, túm cậu vào nhà.

Lâm Hiếu Thành cảm thấy uất ức, cậu rướn cổ nói với mẹ mình: "Má, má đừng sợ, chúng ta bây giờ cũng có luật sư, má có thể ly hôn với ba. Luật sư Khương nói dì sẽ giúp chúng ta. Dì rất lợi hại."

Người phụ nữ như con thỏ bị hù dọa, cả người căng chặt: "Ly hôn cái gì?! Ai nói muốn ly hôn? Con nít con nôi, con biết cái gì mà nói!"

Khương Vu kịp thời lên tiếng ngăn hai mẹ con cãi nhau: "Có thể cho phép tôi vào nói đôi lời sao?"

Người phụ nữ do dự mãi, cuối cùng vẫn không lay chuyển được con trai, đành phải nhường đường cho Khương Vu bước vào.

Trong nhà không có TV, không có ly thủy tinh, ngay cả kính cửa sổ cũng không thấy bóng dáng, chỉ chăng đỡ một bức màn. Lâm Hiếu Thành dùng ly inox kiểu cũ đổ nước ấm mang lên cho Khương Vu. Có lẽ là cảm thấy trong nhà lộn xộn quá mất mặt, Khương Vu không hề thấy đứa nhỏ này ngẩng đầu.

Gạch men trên mặt đất loang lổ, có không ít vết rạn do va chạm. Vách tường vốn màu trắng tinh nhưng giờ lại như một miếng vải vẽ tranh, có dấu vết chất lỏng văng tung tóe. Khương Vu nghĩ hẳn là do có người lật bàn, làm nước canh, nước trà, đồ ăn hắt lên mà ra.

Khương Vu không đành lòng nhìn cảnh khó khăn của người ta, nhưng không còn cách nào khác. Vừa bước vào căn nhà này, tin tức từ bốn phương tám hướng đã không ngừng truyền đến, nhắc nhở cô đây là một nơi mà bạo lực gia đình đã trường kỳ tồn tại.

Mẹ Lâm Hiếu Thành đuổi cậu vào buồng. Cô ta vừa nghiêng người muốn che vết thương trên trán, vừa nói với Khương Vu: "Nếu không có gì thì mời cô về cho, chúng tôi không muốn ly hôn. Lúc trước cãi nhau mấy câu với ba nó, làm thằng bé sợ thôi. Nó làm phiền cô quá, tôi thay mặt nó xin lỗi cô."

Khương Vu bình tĩnh nhìn mẹ Lâm Hiếu Thành, hỏi: "Chị thấy vết thương trên người con chị chưa?"

Cô ta hơi mấp môi:

- Thiên hạ này có cha mẹ nào không dạy con chứ.

- Chị có biết nhiều lúc thằng bé không ăn cơm, chỉ vì dành tiền tìm luật sư ly hôn cho chị sao?

Hơi thở của người phụ nữ càng gấp gáp hơn: "Cô đừng nói nữa. Đây là chuyện nhà của chúng tôi."

Nhưng Khương Vu vẫn tiếp tục:

- Mới vừa rồi, con chị kể với tôi má nó vẫn luôn nói chờ đến khi nó trưởng thành thì mọi chuyện sẽ khác. Nó hỏi tôi còn bao lâu nữa mới lớn, bao nhiêu tuổi mới xem như trưởng thành, trước lúc đó liệu vẫn phải chịu cảnh này sao. Chị là mẹ thằng bé, chị không cảm giác được nó đang sợ hãi ư? Nó thậm chí còn sợ mình không đợi được tới ngày lớn lên!

Thần kinh yếu ớt của người phụ nữ cuối cùng cũng đứt đoạn. Cô ta nói với vẻ cuồng loạn: "Đừng nói nữa. Cô đừng nói nữa. Hổ dữ còn không ăn thịt con!"

Rồi cô ta liều mạng khom lưng, liên tục xin lỗi: "Luật sư Khương, là thằng bé không hiểu chuyện quấy rầy cô. Tôi xin lỗi. Mời cô đi cho, chuyện nhà chúng tôi cô đừng quản, cũng quản không được."

Nhìn người phụ nữ không ngừng cúi đầu khom lưng, Khương Vu thở dài. Cô biết chuyện này không còn hy vọng gì nữa. Có một số người, chưa lâm vào đường cùng thì vĩnh viễn cũng không chịu thay đổi.

_____________