Chương 10: Lời chưa nói

Sau khi Chu Cư được tẩy sạch oan tình, Tôn Quyền như có đăm chiêu nói: “Ngay cả người như Tử Phạm còn bị oan uổng, những người bị oan bên dưới nữa, lại càng không biết có bao nhiêu?”

Hắn rốt cục tỉnh ngộ, phái người đi xuống thanh tra những vụ án mà Lữ Nhất gây ra. Một cái thanh tra này, tra ra đầy ngập lửa giận của hắn.

Án oan nhiều như thế, bị liên lụy nhiều như thế. Hắn luôn sợ người bên cạnh cùng liên hợp lại lừa hắn, nào ngờ chính bởi nỗi sợ này, đã khiến cho một người lừa thiên hạ.

Theo cùng với từng án oan lần lượt được giải tội, Lữ Nhất dần dần cũng bước lên ‘cùng đường bí lối’.

Y bị xử tử vào tháng 12, đây là một chuyện thật sự đáng mừng khiến cho người người vỗ tay. Sau đó, Tôn Quyền hạ một đạo chiếu thư, ở trong thư, hắn thành khẩn thừa nhận trọng dụng Lữ Nhất là sai lầm, đồng thời cũng biểu đạt tình cảm cảm kích đối với Lục Tốn và Phan Tuấn đã kiên trì góp lời.

Ở trong thư, hắn nói, hắn cùng với chúng quan, từ lúc áo vải đã bắt đầu kết giao, vinh nhục cùng hưởng, mãi đến hôm nay, tóc đã có hai màu, tuy nói là quân thần, nhưng dù có nói là phụ tử cũng không quá. Hắn hy vọng từ nay về sau, mọi người có gì góp lời đều phải dũng cảm nói thẳng, đừng sợ sẽ làm hắn nổi giận.

Hắn thật sự thành khẩn, trong từng câu từng chữ, tôi đều có thể thấy được lòng hối hận của hắn. Đây là một chuyện tốt, tôi tất nhiên cảm thấy vui mừng, nhưng cũng không cảm thấy có bao nhiêu vui vẻ.

Không vui là vì, chuyện như vậy, căn bản không nên phát sinh. Với trí tuệ của hắn, nếu đặt trong quá khứ, loại chuyện này không thể tưởng tượng ra. Nhưng nó thật sự đã xảy ra, điều này cho thấy Tôn Quyền thật sự đã già đi.

Già, không phải là chuyện một sớm một chiều, mà là dần dần xảy ra, là từng bước một đi đến hướng vực sâu. Tôi hoảng hốt nhớ lại, sự kiện về Lữ Nhất là bước ngoặt lớn của lịch sử Đông Ngô, mà sự hối hận của Tôn Quyền là một vệt ánh chiều tà cuối tùng, cái chờ chúng tôi ở phía trước, là đêm dài vô tận.

Mà trước màn đêm dài đó, tôi không vui, còn có một nguyên nhân là vì, Phan Tuấn thật sự bị bệnh.

Phan Tuấn thật sự bị bệnh.

Có lẽ là cùng Lữ Nhất tranh đấu đã hao hết nguyên khí của hắn, cũng có lẽ là bởi vì đan dược giả bệnh của phương sĩ kia khai đã tổn hại thân thể hắn nghiêm trọng. Sau khi Lữ Nhất chết, hắn liền bệnh không dậy nổi.

Mùa xuân năm tiếp theo, hắn qua đời.

Ở lễ tang của hắn, tôi đứng chung một chỗ với Lục Tốn. Chúng tôi yên lặng niệm theo người tụng kinh, sau đó Lục Tốn bưng lên một chén rượu, rải xuống mặt đất trước qua tài.

Tôi đi lên, nói với chàng: “Thừa Minh ông ấy đi rồi, chàng phải kiên trì.”

Chàng nói: “Ta sẽ.”

Tôi còn nói: “Chàng cũng đừng quá đau lòng, Thừa Minh ông ấy đã mệt mỏi, cần yên bình nghỉ ngơi…”

“Ta biết,” chàng nói, “Thừa Minh hắn thật sự đã mệt mỏi… Trên chiến trường, dưới chiến trường, đều không cần mệnh như thế…”

Dừng một chút, chàng lại nói với tôi: “Nàng biết không?”

“Cái gì?”

“Ta không bằng Thừa Minh, bởi vì ta chỉ biết đánh giặc.”

Tôi trầm mặc nhìn chàng, chàng cũng trầm mặc nhìn tôi. Trong ánh nến dập dờn, biểu tình trên mặt chàng giống như một đứa bé vô tội mà mờ mịt. Chúng tôi cứ nhìn nhau như vậy, mãi đến khi chàng vươn tay sờ tóc tôi.

“Đừng lo lắng,” chàng nói, “Bất kể là chuyện gì, ta nghĩ ta đều có thể gánh vác được.”

*

Xích Ô không phải là niên hiệu tốt. Sau khi Phan Tuấn chết không lâu, Chu Dận cùng Từ phu nhân cũng lần lượt qua đời. Lục Mạo cáo bệnh hồi hương.

Trong lúc tin dữ lũ lượt theo đuôi nhau mà đến, tôi lơ đãng nhớ lại những người đồng hành trên con đường đằng đẵng sau khi đi đến thế giới này. Khởi điểm là một lần lại một lần gặp, cho đến hiện tại, đó là một lần lại một lần cáo biệt.

Kỳ thực cuộc sống này cũng không có gì đặc biệt, chẳng qua là gặp gỡ, cáo biệt, rồi lại gặp gỡ, lại cáo biệt lặp lại mà thôi.

Chu Dận mất vào tháng đầu tiên sau khi hắn được phục hồi chức quan.

Khi mất, hắn đã được ba mươi sáu tuổi, cũng ở độ tuổi mà phụ thân hắn qua đời.

Không hề để lại một đứa con nối dòng. Từng có một thê tử, nhưng lúc ở Lư Lăng đã bệnh chết.

Lúc hắn mất, cũng chỉ mình tôi ở bên cạnh.

Lúc lâm chung, hắn không để lại lời trăn trối nào. Chỉ một đôi mắt quật cường nhìn trời. Trên mặt hắn có hận ý nhàn nhạt, nhưng không biết hận ý này là vì ai. Là vì một người cụ thể nào đó, hay là vì cái thời đại này.

Mà trước đó, bởi vì tội danh say rượu, hoang da^ʍ, hắn bị trục xuất đến Lư Lăng đã mấy năm.

Là Gia Cát Cẩn và Bộ Chất liên tiếp dâng tấu mới kéo hắn từ chỗ lưu đày trở về. Ở trong tấu chương, bọn họ liên tục nhắc tới những công lao của Chu Du năm xưa, hy vọng Tôn Quyền có thể niệm tình cũ, phục hồi chức quan cho hắn.

Tôn Quyền liên tục cự tuyệt thỉnh cầu của họ, mãi đến lúc nghe tin Chu Dận bị bệnh, mới miễn cưỡng ban thưởng hoàn lại chức quan cho hắn.

Trên tấu chương liên tiếp cự tuyệt, hắn viết rằng: “Hoài niệm của ta đối với Công Cẩn, há có điểm tận cùng chăng?”

Kỳ thực lời này không phải là lần đầu tiên hắn nói, hai năm trước, lúc hắn cự tuyệt Toàn Tông đề cử cháu trai Chu Du là Chu Hộ lên làm tướng, cũng từng nói câu này.

Nhưng tưởng niệm, cũng không đại biểu là hắn không có quên.

Người chết thì cũng đã chết, chỉ có người còn sống, mới có thể quyết định được tất cả.

*

Còn Từ phu nhân, nàng ấy chết trong tuyệt vọng.

Mỗi một ngày, nàng đều ở Ngô đau khổ chờ đợi tin tức triệu nàng về. Cho dù là thân phận như thế nào, nàng cũng không để ý. Nàng chỉ hy vọng có thể được gặp Tôn Đăng, người mà nàng nuôi lớn.

Nàng cứ như vậy mà chờ đợi, vượt qua ba mươi tuổi của nàng, bốn mươi tuổi của nàng, thời gian hơn hai mươi năm, nàng già đi trong cô độc.

Cái chết của Bộ phu nhân đã khiến nàng dấy lên hy vọng. Năm đó đem nàng biếm trích đến Ngô, là chủ ý của Bộ phu nhân. Nàng nghĩ nếu Bộ phu nhân đã chết, có lẽ nàng sẽ một lần nữa được triệu về Kiến Nghiệp hoặc Vũ Xương. Nhưng không nghĩ tới, hy vọng lúc này đây, hoàn toàn trở thành tuyệt vọng.

Thời gian trôi qua quá nhiều, con người cũng từng trải thêm nhiều, đã bắt đầu dần dần học được cách quên đi.

Tôn Quyền đã quên nàng đi.

*

Tôi đến Ngô tham gia lễ tang của nàng, đi ngang qua Lục gia ở Hoa Đình, nhớ tới Lục Mạo đang dưỡng bệnh, liền xoay người đi thăm hắn.

Hắn khí sắc không được tốt lắm, đi đường còn phải chống gậy. Ánh mắt hắn vẫn sáng ngời như trước, trên mặt thỉnh thoảng vẫn lộ ra nụ cười ngượng ngùng như thuở còn thiếu niên, nhưng linh hồn ở bên trong cơ thể đơn bạc kia, cũng đã héo rũ già nua.

Rốt cục hắn cũng không còn nhận lầm tôi nữa, hắn gọi thẳng tên tôi, hắn dùng giọng điệu như tự trêu chọc mình: “Nguyên lai ta thật sự không thích hợp làm quan.”

“Sao lại nói vậy?”

“Trước kia ở đây lâu như vậy, đều khỏe re không có chuyện gì. Không ngờ mới bị huynh trưởng kéo qua đi làm hai năm quan, liền bệnh thành như vầy.”

Ngừng một chút, hắn lại nhẹ nhàng nói: “Chỉ sợ không tốt lên được rồi.”

“Ngươi đừng nói bậy.” Tôi không vui nói. Tâm trạng không vui thoáng chốc lại ẩn lui, tôi đột nhiên có chút nghẹn ngào.

“Vân Ảnh,” hắn đột nhiên hỏi tôi, “Lần đầu tiên chúng ta gặp nhau là lúc nào, ở đâu nhỉ?”

Tôi không chút nghĩ ngợi liền đáp: “Ngươi biết chuyện ta đính hôn bèn chạy tới nhà ta chúc mừng, hại ta còn hiểu nhầm.”

“Hiểu nhầm cái gì?” Hắn cười hỏi tôi.

Tôi ngượng ngùng không đáp lại. Nhìn hắn cười, tôi làm mặt nghiêm, vờ giận nói: “Này, ta tốt xấu gì cũng từng là sư phụ của ngươi, ngươi không thể trêu đùa ta như vậy được.”

“Phải phải, ta còn nhớ mà,” hắn đột nhiên nghiêm mặt nói, “Những thứ ngươi dạy ta, sẽ đi theo ta cả đời.”

Hắn nói hắn vẫn còn nhớ rõ, tôi lại đột nhiên có chút hoảng hốt.

Đã bao lâu tôi không đánh đàn ca hát nhỉ? Lần vẽ tranh gần đây nhất là lúc nào?

Những bức họa tôi vẽ kia, trong vận mệnh chìm nổi, đã lưu lạc tới chốn nào?

Những người vẽ trên đó, hiện thời cũng đã về đâu?

“Theo ta, dẫn ngươi đi xem vài thứ.” Hắn bỗng nhiên nói.

Tôi đi theo hắn, bảy quẹo tám rẽ xuyên qua hành lang dài, đi đến một gian phòng hẻo lánh.

Trong phòng thực âm u, đang quen với ánh sáng bên ngoài, vừa bước vào trong phòng, tôi cơ hồ không nhìn thấy gì.

Hắn nhẹ nhàng châm một ngọn nến ở bên cạnh, tất cả mọi thứ trong phòng mới dần dần hiện lên trước mắt tôi.

Sau đó, khi tôi nhìn thấy rõ ràng tất cả trước mắt, nhịn không được phát ra một tiếng kinh hô nhẹ nhàng.

Trong phòng treo đầy tranh, dùng đủ màu mực, bút pháp theo một thời đại khác mang tới. Có vài bức là tôi vẽ khi còn trẻ, vẽ Lục Tốn, vẽ hắn. Còn có Chu Du, hắn đứng trên boong thuyền, hơi ngẩng đầu, nhìn nước sông cùng bầu trời xanh phía xa xa. Những bức họa này, tôi từng tưởng rằng đã thất lạc, không nghĩ rằng chúng đều ở đây, đều được cẩn thận gìn giữ ở đây.

Phần lớn tranh là do Lục Mạo vẽ, Vẽ tôi, vẽ Như. Nhìn những bức họa đó, tôi có chút hoảng hốt. Trên tường toàn bộ là chính tôi, rõ ràng giống như đúc lại phảng phất vĩnh viễn không phải là bản thân. Hoặc nhăn mày hoặc cười, mang theo huyên náo của mấy thập niên mà yên lặng nhìn tôi.

“Phải chăng. Kỳ thực ta vẫn chưa từng quên.” Lục Mạo nhẹ giọng nói.

Tôi đứng ở nơi đó cầm những bức họa kia lại xem, mãi đến khi ánh hoàng hôn ngã về tây hơi chiếu rọi vào mắt tôi. Tôi mới sực nhớ ra, đã đến lúc nên đi rồi.

Tôi nói với hắn: “Ta còn phải đến tham gia lễ tang Từ phu nhân. Đợi tham gia xong, ta sẽ trở về thăm ngươi.”

Hắn gật đầu, đưa tôi đi ra ngoài. Dưới tàng cây dâu trước cửa kia, hắn lại một lần dừng chân lại.

“Vân Ảnh,” nhìn vào hai mắt tôi, hắn nhẹ nhàng nói, “Có một câu, thật ra từ lâu vẫn luôn muốn nói với ngươi…”

Tôi im lặng nhìn hắn, im lặng chờ hắn nói tiếp. Trên mặt hắn hiện lên một chút nhàn nhạt đỏ ửng, sau đó hắn lắc lắc đầu.

“Thôi được rồi, chờ ngươi trở lại, ta sẽ nói với ngươi.”

Tôi nói: “Không sao, ta chờ ngươi nói xong lại đi.”

“Không nói,” hắn nhìn tôi lại nhìn trời, “Đã đợi thời gian dài như vậy, chờ thêm hai ngày cũng không sao.”

Nhưng cuối cùng, tôi vẫn không nghe được câu nói mà hắn muốn nói kia.

Tham dự lễ tang của Từ phu nhân xong, tôi trở lại Hoa Đình, thấy trước cửa Lục gia treo cờ trắng, thấy đầy sân đều là khách khứa hai mắt đẫm lệ vận đồ tang.

Hắn đã qua đời, ngay tại ngày thứ hai sau khi tôi đi.

Tôi còn gặp Lục Tốn gấp gáp trở về từ Vũ Xương, chàng mặc tang phục, yên tĩnh ngồi cạnh bên quan tài. Bộ dáng chàng trông thật mệt mỏi, dùng một bàn tay nâng trán. Nhưng tôi nghĩ không phải là chàng mỏi mệt, mà chàng chỉ không muốn để người khác thấy được vẻ mặt chàng lúc này.

Trái tim tôi không khỏi đau thương, nhưng nhiều hơn là một loại cảm giác mờ mịt. Phảng phất như huyên náo của mấy chục năm cuốn tới tại gào thét mà đi, chỉ để lại một khoảng trống yên tĩnh.

Trước khi trở về Kiến Nghiệp, tôi lại đi một mình đến viếng mộ hắn. Trước mộ chất đầy hoa màu trắng, trên bia mộ có hàng chữ Lục Tốn khắc cho hắn. Tôi vươn tay một lần lại một lần sờ qua những chữ viết hằn sâu kia, cơn rét lạnh đến thấu xương từ mộ thạch theo đầu ngón tay truyền thẳng đến tim tôi.

“Tử Chương,” tôi nhẹ nhàng hỏi, “Lúc ấy, ngươi rốt cuộc muốn nói với ta cái gì?”

Ở nơi xa xa, trong sơn cốc gió nổi lên.