Chương 8: Đức Thế Tôn Dạy: Tất Cả Pháp Vô Ngã

ĐỨC THẾ TÔN DẠY: TẤT CẢ PHÁP VÔ NGÃ

Muốn nghiên cứu Luận văn, trước tiên, phải chia đoạn. Luận Bách Pháp Minh Môn chia hai đoạn lớn: Đoạn (1): Theo lời Phật dạy nêu lên tông chỉ. Đoạn (2):

Giả lập hỏi, đáp để rõ tông chỉ.

Đoạn 1: Phật dạy: Tất cả pháp Vô ngã. Bồ tát Thế Thân nương vào lời dạy của Phật là nhân duyên làm ra luận này.

A: Như Lời Thế Tôn Nói:

Như có nghĩa là khế hợp, tùy thuận. Tùy thuận khế hợp cái gì? Những lời dạy của Đức Thế Tôn nói ra, Luận chủ Thế Thân sắp nói luận này, trước hết dẫn chứng lời của Phật, nêu lên những gì được nói sau đây đích thị khế hợp, tùy thuận lời của Thế Tôn dạy, hoàn toàn không phải ý kiến riêng của mình, tùy tiện suy đoán.

Thế tôn là tôn hiệu của Phật. Vì Phật có đầy đủ đức độ và khả năng, trời người phàm thánh, tất cả chúng sanh thế và xuất thế đều ngưỡng vọng, tôn trọng, nên gọi là Thế Tôn (là một hiệu trong 10 hiệu của Như Lai). Nhưng trong luận văn nói Thế Tôn là chỉ cho Phật Thích Ca Mâu Ni, là giáo chủ cõi Ta bà.

B: Tất Cả Pháp Vô Ngã.

Năm chữ này là cương yếu tổng quát của luận này, là dụng ý của luận chủ. Đó là chỉ trình bày, phân tích đạo lý tất cả pháp vô ngã. Học giả nghiên cứu luận, nhân đây, nếu nắm vững được yếu chỉ của câu nói này, thì thông suốt chân lý vô ngã là trọng điểm của luận này. Ngược lại, nếu không lãnh hội được ý chỉ vô ngã, khi gặp cảnh ngộ, không thể sử dụng tinh thần vô ngã để giải quyết. Như thế, dù có học luận 100 pháp thì cũng như xem của báu ở nhà người ta, xong rồi phủi tay chẳng có gì.

Sao gọi tất cả pháp vô ngã? Trước hết, nghiên cứu về ngã và pháp. Pháp tiếng Phạn là Đạt Ma. Chữ Pháp trong Phật học là một đại danh từ, là một danh từ chung. Vạn pháp vạn vật đều gọi là Pháp. Tất cả sự, lý cũng gọi là Pháp. Bất cứ vật lý, sinh lý, tâm lý, vô vàn hiện tượng, tác dụng đều gọi là Pháp.

Ngã căn cứ vào Phật pháp, có nghĩa là luôn có một chủ tể, thường còn không thay đổi, tự chủ hoàn toàn, thì mới có thể gọi là ngã. Theo Phật pháp, vì chúng sanh dính chặt (chấp trước) vào cái ngã. Đó là một loại tà kiến, một loại tâm lý sai lầm. Bởi tâm lý chấp trước sai lầm ấy nên chia ra làm hai loại:

1) Hai loại chấp ngã.



a) Chấp ngã về con người: là sự thấy và biết sai lầm của chúng sanh hữu tình về sinh mạng. Dính chặt vào sinh mạng, rồi cho là thật ngã, luôn có một chủ thể.

b) Chấp ngã về các Pháp: Là tri kiến sai lầm của chúng sanh hữu tình về sự tồn tại của các Pháp, như dính chặt vào vạn sự, vạn vật ở thế gian, cho là thật pháp, luôn có một chủ tể (một vị có quyền lực tột cùng).

2. Hai loại vô ngã.

a) Nhân vô ngã: còn gọi là ngã không, đã thấu hiểu sinh mạng của hữu tình chúng sanh là một thứ giả tưởng do năm uẩn hòa hợp tạm thời, hoàn toàn không có tánh vĩnh hằng và cũng không có tánh độc lập tự tại, nên gọi là Nhân vô ngã (con người không có cái ta) hay ngã không.

b) Pháp vô ngã: còn gọi là pháp không. Đã thấu hiểu tất các pháp ở thế gian đều nương nhau mà có, nhờ nhân, nhờ duyên mà được sanh ra, hoàn toàn không phải tự nhiên sanh, hoặc vô nhân sanh. Các pháp ở thế gian đã nhờ nương vào duyên mà sanh thì cũng do duyên mà diệt. Đã là nhờ duyên mà có sanh, mà có diệt thì sanh chẳng phải thật sanh, diệt cũng chẳng phải thật diệt. Tất cả đều giả có như ảo, không có thật thể, nên gọi pháp vô ngã hay pháp không.

Tóm lại, Phật vì chúng sanh trong chín cõi đều chấp ngã. Phàm phu dính chặc giả ngã thân và tâm do năm uẩn hòa hợp cho là ngã. Ngoại đạo dính chặt vào thần ngã cho là ngã. Tiểu thừa dính chặc vào thiên kiến Niết Bàn cho là ngã. Bồ tát thấy nhầm cho chúng sanh có thể độ, Phật đạo có thể cầu cũng chưa quên ngã. Vì thế gian có phàm phu, ngoại đạo, xuất thế gian có tam thừa đều dính chặt vào ngã chấp, cho nên Phật nói: Tất cả pháp vô ngã.

TẤT CẢ PHÁP LÀ NHỮNG GÌ? THẾ NÀO LÀ VÔ NGÃ?



Chúng ta đã nghiên cứu đoạn (1): Theo lời Phật dạy nêu lên tông chỉ. Đến đoạn (2): Giả lập hỏi đáp làm rõ tông chỉ. Đoạn này lại chia ra hai: Hỏi chung về 100 pháp Vô ngã; đáp riêng về 100 pháp Vô ngã.

Trước nghiên cứu phần hỏi, tức là hỏi chung về 100 pháp Vô ngã. Đó là những gì là 100 pháp? Thế nào là vô ngã?

Có năm cách hỏi:



1) Hỏi vì không biết mới hỏi.

2) Hỏi vì ngu si không biết phải trái, thiện ác mới hỏi.

3) Hỏi thử trình độ đối phương biết hay không biết.

4) Hỏi vì xem thường, xúc phạm người khác.

5) Hỏi vì lợi lạc cho mọi người.

Có thể xếp loại năm cách hỏi trên như sau: Bất giải vấn và ngu si vấn là bổn phận vấn (không biết mới hỏi và ngu si mà hỏi là hỏi vì bổn phận).

Thí nghiệm vấn và khinh xuất vấn là Mạn bỉ vấn. (Hỏi thử và hỏi bằng cách xem thường và xúc phạm là hỏi vì kiêu mạn).

Lợi lạc hữu tình vấn là Phương tiện vấn.

(Hỏi vì lợi lạc cho mọi người là phương pháp hướng dẫn mọi người tốt nhất). Nhờ cách hỏi này để chỉ bày, hướng dẫn cho chúng sanh vượt thoát vòng luân hồi đau khổ, chứng được pháp lạc. Bồ tát Thế Thân giả lập hai vấn đề, trong cách hỏi, chính là hỏi vì lợi lạc cho loài hữu tình.

Vấn đề đã đưa ra, lại chia ra hai đoạn: Trước trả lời 100 pháp (tức là nhất thiết pháp); sau đáp vô ngã. Ở phần trả lời 100 pháp lại chia ra hai đoạn: Trước trả lời sơ lược; sau trả lời tường tận.