GIỚI THIỆU DỊCH GIẢ
Kinh, luận nhà nước Trung Hoa có được, đều từ Ấn Độ truyền đến và dịch ra Hán văn. Ngày nay có một bộ luận siêu việt do một vị đại đức, ở chùa Từ Ân, phiên dịch. Lý do trước khi nghiên cứu luận văn, phải giới thiệu người dịch từ Phạn ra Hán văn là để cho mọi người nhớ đến câu; ẩm thủy tư nguyên. Đồng thời, nhờ đó mà biết được sự cống hiến to lớn cho Phật giáo của một vị đại đức, mà người thọ học để hết lòng tôn trọng và biết ơn.
Dịch giả Luận này là ai? Chính là Đại Sư Huyền Tráng, một vị bác thông tam tạng Kinh, Luật, Luận. Ngài là sơ tổ Tông Duy Thức tại Trung Quốc, tên là Trần Vỹ, 13 tuổi xuất gia (năm 629). Vì thấy trong nước kinh, luận không đầy đủ, nên ngài lập chí đi đến Ấn Độ cầu pháp. Vào năm 633, ngài đến chùa Na Lan Đà ở trung Ấn độ, y chỉ luận sư Giới Hiền nghiên cứu kinh, luận, đi sâu vào biển pháp, tinh thông Tam Tạng và đã trở thành một giáo thọ đứng đầu ở chùa Na Lan Đà.
Căn cứ vào sách Tướng Tông Sử Truyện Lược Lục ghi: Huyền Tráng và Luận sư Giới Hiền đã có nhân duyên từ trước. Xin nói lược như sau:
Luận sư Giới Hiền, lúc ấy, đã 106 tuổi. Đại chúng tôn trọng, không gọi bằng tên, chỉ gọi là Chánh Pháp Tạng. Ngài học rộng, nhớ giai, thông đạt tất cả kinh, thơ nội, ngoại, đại, tiểu. Thầy Huyền Tráng , do ái mộ học lực của Ngài, đi theo đại chúng vào thăm hỏi. Sau khi đảnh lễ, tán thán xong, Luận sư cho phép ngồi và hỏi Ngài Huyền Tráng từ đâu tới? Huyền Tráng trả lời: từ Trung quốc đến, muốn học luận Du Gìa Sư Địa và các luận khác, Ngài Giới Hiền nghe xong, lại gào khóc không thôi, rồi sai đệ tử Giác Hiền kể lại chuyện cũ. Giác Hiền kể rằng 3 năm về trước, Thầy tôi bị trọng bệnh. Mỗi lần bệnh phát ra, thân thể đau đớn như dao cắt. Do vậy, chán ghét thân này, có ý muốn tuyệt thực đến chết. Một đêm ngủ, mộng thấy một người toàn thân sắc vàng, đứng trước Thầy tôi nói: Ngươi không nên ghét bỏ thân này. Ở đời trước ngươi từng làm Quốc vương, vì gϊếŧ hại nhiều sanh mạng nên khổ quả chiêu báo ở đời vậy. Hãy sám hối nghiệp chướng, rán chịu khổ đau, sao lại có thể tuyệt thực đến chết ư ? Có một tăng nhân, người Trung Quốc, muốn đến gần gũi ngươi để tu tập Phật pháp. Hiện giờ, người ấy đang trên đường đi đến đây, sau 3 năm sẽ tới. Người sẽ dạy dỗ Phật pháp cho người ấy, và Phật pháp lại được truyền bá khắp nơi, thì tội nghiệp của ngươi sẽ không còn nữa. Ta là Mạn Thù Thất Lợi (Bồ tát Văn Thù) đây. Ngày hôm nay, thấy ngươi không vì lợi ích cho chúng sanh mà chỉ muốn bỏ thân mình, nên ta đến khuyên ngươi.
Giác Hiền sau khi kể lại nhân duyên ấy, Luận sư Giới Hiền lại hỏi thầy Huyền Tráng: Đi bao nhiêu năm từ quê nhà đến đây? Thầy Huyền Tráng đáp: 3 năm.
Đúng như trong mộng, Luận sư buồn vui xen lẫn, không cầm được.
Thầy Huyền Tráng ở Chùa Na Lan Đà 5 năm, học tập tinh thông Phật pháp Đại thừa, Tiểu thừa. Về sau, Thầy đi lễ bái khắp các thắng tích Phật giáo, rồi đi du hóa khắp Ngũ Ấn gồm 138 nước, trước sau 17 năm. Tất cả những gì thấy, nghe trong chuyến du hóa, lễ bái ấy được Thầy viết lại, trong sách Đại Đường Tây Vực Ký. Năm 643, trước khi về nước. Thầy Huyền Tráng đáp lời mời Vua Giới Nhật nước Ấn Độ, chủ trì đại hội vô già biện luận (đại hội biện luận không giới hạn), ở thành Khúc nữ, lập ra Chân Duy Thức Lượng (phương pháp biện luận của Duy thức). Đại hội ấy nhằm mục đích đả phá, bác bỏ những lý luận của ngoại đạo và Tiểu thừa về vũ trụ và nhân sinh. Thầy Huyền Tráng, từ pháp tòa, tuyên bố rằng: Nếu trong thời gian đại hội, ai tìm ra một chữ vô lý có thể nạn vấn, đả phá thì tôi xin chém đầu để cảm tạ. Trãi qua 18 ngày như thế, cuối cùng, không một ai dám lên tiếng biện luận vấn nạn. Một thời tiếng tăm lừng lẫy, danh tiếng vang xa khắp xứ Ấn Độ, Vua Giới Nhật lễ bái Huyền Tráng làm thầy.
Những người thuộc Đại thừa gọi thầy là Ma Ha Diễn Na Đề Bà, dịch là Đại Thừa Thiên. Những người thuộc Tiểu thừa gọi thầy là Mộc Xoa Đề Bà, dịch là Giải Thoát Thiên. Danh tiếng thầy Huyền Tráng vang lừng gần xa. Ngày 24 tháng giêng năm Ất tỵ, Thầy Huyền
Tráng trở về nước. Tể tướng Phòng Huyền Linh, trăm quan văn, võ cùng tăng, tục hơn vạn người đón tiếp từ ngoài biên cương với nghi lễ nghiêm trang, trọng thể. Tháng 2 cùng năm ấy, Thái Tông mời thầy Huyền Tráng đến Kinh Đô Lạc Dương. Vua rất mực yêu mến tài năng của Ngài, khuyên Ngài hoàn tục, giúp Vua cai trị Quốc Gia. Ngài từ chối khéo léo. Tâm niệm của Ngài chỉ nhắm vào việc hoằng dương Phật pháp và dịch kinh. Nói đến dịch kinh, đại khái, chia ra hai phái: 1)
Cựu dịch, 2)Tân dịch. Hai phái này lấy thầy Huyền Tráng làm mốc. Từ thầy về trước là Cựu dịch. Các nhà cựu dịch thì Cưu Ma La Thập là trội nhất. Từ thầy Huyền Tráng về sau là Tân dịch. Trong các nhà Tân dịch thì Ngài Huyền Tráng đứng đầu. Hai phái dịch này, có gì bất đồng không? Phái thứ nhất của ngài Cưu Ma La Thập chủ trương dịch ý, tức y nghĩa không y văn. Vì vậy trong những dịch phẩm của Ngài thường hay không ăn khớp với Phạn văn. Còn Ngài Huyền Tráng thì chủ trương trực dịch, tức là bám sát vào Phạn văn. Đây là cách dịch trung thành với nguyên văn.
Vào năm 19 niên hiệu Trinh Quán, thầy Huyền Tráng sau khi về nước, Vua Thái Tông liền xuống chiếu mời Ngài ở Chùa Hoằng Phước tại Trường An, chuyên lo phiên dịch kinh Phật. Trong tổ chức của Dịch Trường, Ngài là chủ tọa. Dưới Ngài có các bộ phận Chứng Nghĩa, Xuyết Văn, Chứng Phạn, Bút Thọ, Thư Tả đều là những vị tài ba nho nhã có gần trăm người. Dịch kinh theo thứ tự: Trước hết, Thầy Huyền Tráng dịch miệng theo Phạn văn, đến Bút Thọ viết lại, đến Chứng Phạn, đối chiếu với nguyên văn, đến Chứng Nghĩa thẩm tra ý nghĩa với nghĩa gốc trong Phạn bản, đến Chuyết Văn nhuận sắc văn tự, cuối cùng đến người viết lại. Môt trường dịch kinh vĩ đại như thế, kéo dài 19 năm, đã dịch được 75 bộ, 1335 quyển; thật là một công trình dịch kinh vô tiền khoáng hậu, ở Trung Quốc, chỉ có duy nhất thầy Huyền Tráng. Ngoài ra, Thầy còn dịch Đại thừa khởi Tín Luận của Bồ tát Mã Minh (thất truyền) và các sách ngoại điển từ Hán văn ra Phạn văn nhằm giao lưu văn hóa hai quốc gia.
Ngày 5 tháng 2 năm giáp tý (664), Thầy Huyền
Tráng tạ thế ở Chùa Ngọc Hoa tại Trường An, hưởng thọ 63 tuổi. Đối với nước Trung Hoa, Ngài là một báu vật của Quốc Gia, nên Vua Cao Tông khen tặng bốn chữ: Quốc Chi Khôi Bảo. Đối với Phật pháp, Ngài là sư tổ Duy Thức Tông ngoài Ấn Độ, không kể đến công trình dịch kinh vĩ đại, đến giờ, chưa ai sánh kịp.
Ngày nay, những kẻ hậu học chúng ta, nhờ Phật gia hộ, đọc được luận vi diệu Phật pháp này, là phước đức vô cùng to lớn.