GIẢI THÍCH SƠ LƯỢC ĐỀ LUẬN.
Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận, gồm bảy chữ, là tổng đề của bộ luận. Sáu chữ đầu là tên riêng của bộ luận này. Một chữ sau cùng là tên chung, giống như các luận khác.
Lấy tổng đề chia làm bốn để giải thích từng phần:
A. Đại Thừa:
Thừa là xe cộ. Ở đây dùng để ví dụ những lời dạy dỗ của Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì xe cộ có công năng chuyên chở người và vật từ nơi này đến nơi khác, giống như lời dạy dỗ của Phật có khả năng chuyên chở chúng sanh từ bờ sanh tử đến bờ Niết Bàn.
Một đời thuyết pháp của Đức Thích Tôn, tuy nhiều vô kể, nhưng có thể nói không ra ngoài hai loại lớn là Tiểu thừa giáo và Đại thừa giáo.
Giáo lý tiểu thừa, ví như chiếc xe nhỏ, chỉ có mục đích giúp cho cá nhân giải thoát. Có thể gọi là chỉ mong muốn cho riêng mình. Người tu theo Tiểu thừa, tuy nhiên, cũng có khi cứu độ người khác, nhưng chính là tự độ.
Giáo lý đại thừa, ví như chiếc xe lớn, cứu độ người khác là chủ yếu, tuy nhiên, đâu phải người tu theo Đại thừa không mong muốn tự độ, phải biết tự độ là con đường chung cho cả người tu theo Đại thừa và Tiểu thừa.
Chỉ có cách thức khác nhau thôi. Tu theo Đại thừa không lấy tự độ cho là đầy đủ, mà tự độ chính là phải độ tha. Kinh Hoa Nghiêm nói: chỉ mong chúng sanh xa lìa đau khổ, không vì bản thân mà cầu an vui. Ngày qua tháng lại, không nằm nóng chiếu, bận rộn bôn ba chỉ vì lợi ích cho chúng sanh, đây đúng là tinh thần to lớn của các bậc Đại Bồ tát tích cực đi vào cuộc đời.
Toàn bộ giáo lý của đạo Phật, tuy có năm thừa, ba thừa hoặc chia ra Đại thừa, Tiểu thừa, nhưng trọng tâm của giáo lý ấy nằm ở Đại thừa. Phật pháp Đại thừa là tự lợi và lợi tha, rộng độ chúng sanh cùng chấm dứt sanh tử, cùng trọn thành phật đạo. Đó mới là tinh thần đúng đắn, phù hợp với hoài vọng sự ra đời của Đức Thích Tôn.
Như vậy, bộ Luận này thuộc thiên thừa hay nhân thừa; hay thuộc Tiểu thừa; hay là thuộc Phật pháp Đại thừa; thuộc Đại thừa giáo. Lấy gì để biết điều đó: Như đã biết ở bài làm sáng tỏ ý nghĩa của luận. Luận chủ Bồ tát Thế Thân làm ra luận này với mục tiêu là đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sanh, là mong cho chúng sanh đều dứt hết sanh tử, thành Phật đạo để được lợi ích lớn, an vui lớn. Cho nên biết luận này thuộc Đại thừa pháp.
B. Một Trăm Pháp.
Tông Câu Xá lập ra 75 pháp; Tông Thành Thật lập ra 84 pháp là để tổng quát vạn hữu trong vũ trụ. Tông Duy Thức lập ra 5 vị, 100 pháp. Nguyên do, Bồ tát Di
Lặc nói Luận Du Già Sư Địa, ở Phần Bản Địa, đem lời Đức Thích Tôn nói đạo lý vạn pháp duy thức, tóm lược thành 660 pháp. Đến sau khi Đức Thích Tôn diệt độ, sau 900 năm, Luận chủ Thế Thân dũ lòng thương xót kẻ hậu học được dễ hiểu, dễ theo, cô đọng 660 pháp thành 100 pháp, Bồ Tát Thế Thân cho rằng vạn tượng vô kể của vũ trụ, tuy vô lượng vô biên, nhưng không ra ngoài 5 vị, 100 pháp. Đó là:
1) 8 loại tâm pháp.
2) 51 loại tâm sở hữu pháp.
3) 11 loại sắc pháp.
4) 24 loại tâm bất tương ưng hành pháp.
5) 6 loại vô vi pháp.
Như sự trình bày ở trên, đó là 100 pháp Đại thừa. Pháp tiếng Phạn là Đạt Ma. Trong Phật học, Pháp là một đại danh từ, một cộng danh từ chỉ cho vạn sự vạn vật. Tất cả sự, lý cũng gọi là pháp. Núi, sông, địa cầu, mặt trời, mặt trăng tinh tú đều là pháp. Tín, tấn, niệm, định, huệ, tham, sân, si…, dĩ nhiên cũng gọi là pháp. Theo sự giải thích của Duy thức học thì pháp có nghĩa là Qũy trì. Qũy là khuôn phép, quỹ phạm có thể giúp cho việc lý giải, hiểu biết sự vật. Trì là giữ lấy, không bỏ mất tự tướng.
Tóm lại, Bồ tát Thế Thân nắm vững toàn bộ vũ trụ, nhân sinh, quy nạp thành 100 loại pháp. Trong ấy bao quát muôn vàn hiện tượng như vật lý, tâm lý, sinh lý. Tất cả có 100 loại, nên gọi là Bách phấp.
C. Minh Môn.
Minh là sáng suốt có ý nghĩa là dùng ánh sáng phá trừ phiền não u ám. Đây chính là ý nghĩa về trí huệ vô lậu. Môn là cửa nẻo có ý nghĩa là thông thoáng, không trở ngại. Đây chính là ví dụ về 100 pháp sở duyên. Một trăm loại pháp giống như 100 con đường dẫn đạo. Bất cứ con đường nào trong 100 con đường ấy đều dẫn đến chân như bản tánh. Vì vậy Ngẫu tổ trong sách Bách pháp trực giải, nói: Nếu đối với mọi pháp đều thông đạt nhị không thì tất cả đều là cửa đi vào chứng lý Đại thừa. Có nghĩa là, bất cứ pháp nào trong 100 pháp, chúng ta đều có thể dùng trí huệ vô lậu quán chiếu, tư duy thấu rõ đạo lý nhị không thì không một pháp nào mà chẳng đi vào được lý thể Đại thừa (chân như bản tánh). Kinh Kim Cang nói; tất cả pháp hữu vi, như mộng mị, như ảo hóa, như bọt nước, như ảnh tượng, như sương móc, như điện chớp, nên quán như thế. Những ngày bình thường trong cuộc đời, chúng ta tiếp xúc với các pháp ở trong thế gian, nếu có khả năng quan sát các pháp ấy như sáu ví dụ ở trên thì sẽ hiểu rõ các pháp ấy, tất cả đều không thật, tất cả đều không, hoàn toàn không thể có. Công dụng như thế thì có khả năng khiến cho vô minh và phiền não từ từ nhẹ dần, đạo tâm từ từ tăng trưởng; giống như vầng trăng non, từ từ ánh sáng chiếu lên và bóng tối bớt dần. Cho đến khi vầng trăng tròn đầy và ánh sáng rạng rỡ, thể tánh lúc này, hoàn toàn hiện rõ. Đây chính là ý nghĩa bốn chữ Bách pháp minh môn. Do đây có thể biết công dụng chân thật của Luận này không thể nghĩ bàn.
D. Luận.
Ý nghĩa chữ Luận, tiếng phạn là A Tỳ Đạt Ma, cũng gọi là A Tỳ Đàm. Luận Câu Xá nói: Những lời răng dạy học trò gọi là Luận. Câu này có ý nghĩa: Luận chủ vì dứt trừ nghi ngờ của chúng sanh, nên nói những điều sở đắc mà minh tìm tòi được, rồi giả lập có chủ có khách và tự hỏi tự đáp. Nhờ vậy, kẻ hậu học được dạy dỗ, hướng dẫn, để dứt trừ nghi ngờ, sai lầm, mở mang trí tuệ. Vị nào tâm chưa định thì khiến cho tâm được định. Vị nào tâm đã định thì khiến cho được giải thoát. Vì vậy gọi là Luận.
Tuy nhiên, Luận có 2 loại:
Loại 1: Tông kinh luận: là những bộ luận được làm ra bằng cách căn cứ vào giáo lý của các kinh Đại thừa, Tiểu thừa. Như luận Đại thừa khởi tín.
Loại 2: Thích kinh luận: Là những bộ luận được làm ra bằng cách giải thích ý nghĩa của các kinh Đại thừa, Tiểu thừa, như luận đại trí độ. Luận Bách pháp minh môn… là tông kinh luận, tức là luận chủ Bồ tát Thế Thân căn cứ Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Giải Thâm Mật, tất cả sáu kinh, đề ra làm luận này. Ý nghĩa của luận bao trùm đại tạng để nói rõ đạo lý về vạn pháp duy thức nên gọi luận này là Tông kinh luận.
Dựa theo một đời thuyết giáo của Đức Phật tổng hợp thành ba tạng: Kinh, Luật, Luận.
Phần trên đã phân tích kỹ lưỡng, bây giờ đem bảy chữ Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận tổng hợp lại, có bốn nghĩa chính sau:
1) Luận này có tất cả 100 pháp, đó là đề cương danh, tướng của duy thức học.
2) Luận này thuộc tông duy thức trong Phật giáo Đại thừa, là sách tâm lý học giản yếu.
3) Luận này là sách phân loại về vạn hữu trong vũ trụ, làm sáng tỏ tông chỉ vạn pháp duy thức. Nhờ vậy có thể xác định được đúng nhất về nhân sinh quan và vũ trụ quan.
4) Luận này không chỉ là nhập môn nghiên cứu Duy thức học mà còn là đi thẳng vào chủ yếu hai tông Tánh và Tướng của nó.