Chương 5: Làm Sáng Tỏ Ý Tạo Luận: Vì Lợi Lạc Chúng Sanh

LÀM SÁNG TỎ Ý TẠO LUẬN: VÌ LỢI LẠC

CHÚNG SANH

1) Vì người mê mờ không và hữu để có sự hiểu biết đúng đắn.

2) Hiểu biết đúng đắn để dứt trừ hai trọng chướng.

3) Vì dứt hai trọng chướng thì chứng được hai thắng quả.

Nguyên cứu dụng ý sự tạo luận này của Bồ tát Thế Thân. Có một chữ tạo (làm ra) mà các bậc cổ đức giải bày rằng các bậc tiên triết bắt chước đời xưa làm ra chương cú rõ ràng. Ý muốn nói Bồ tát Thế Thân viết ra bộ luận này là đã dùng ngôn giáo của các bậc thánh nhân, tiên triết như Đức Thế Tôn, Từ Thị làm thành nguồn gốc vững chắc; tuân theo ngôn giáo của những bậc thánh triết này, rồi thêm bớt vào những lời khen ngợi, lưu truyền, viết thành bộ luận có hệ thống, văn chương mạch lạc, gọi là tạo. Giống như Khổng Tử đã nói trong luận ngữ: Thuật nhi bất tác.

Như thế, dụng ý gì Bồ tát Thế Thân tạo luận này? Chỉ vì lợi lạc cho chúng sanh, cũng chính là để giải thoát sanh tử, thành tựu Phật đạo. Dụng ý tạo luận này của Bồ tát Thế Thân, chính là vì nguyện vọng của hữu tình chúng sanh: Mong cầu lợi ích và an vui.

Từ nguyên nhân tạo ra luận này, Bồ tát Thế Thân dạy chúng ta phương pháp để có được lợi lạc và phần chúng ta phải “y giáo phụng hành”.

Bồ tát Thế Thân làm ra luận “Bách Pháp Minh

Môn” chỉ vì lợi lạc cho chúng sanh. Đó là vượt qua sanh tử thành tựu Phật đạo. Tuy nhiên, đây chỉ là nói tổng quát. Nếu nói riêng về luận này thì có 3 điểm.

A. Vì Những Người Sai Lầm Không, Có Và Để Có Được Sự Hiểu Biết Đúng Đắn.



Nếu chúng ta muốn có được sự lợi lạc, điều kiện tiên quyết chính là phải có kiến giải chính xác về vũ trụ vạn pháp. Người có sự hiểu biết chân chánh thì trong quá trình tu hành sẽ không thối chuyển và lạc đường. Có thể thấy hiểu biết đúng đắn chân tướng của vũ trụ vạn pháp quan trọng đến như thế nào? Chân tướng của vũ trụ vạn pháp là gì? Luận này mở đầu tôn chỉ bằng cách dẫn lời Đức Thế Tôn: Nhất thiết pháp Vô ngã: Tất cả pháp không có ngã. Câu này nói lên chân tướng của vũ trụ vạn pháp. Không chỉ sanh mạng của chúng sanh hữu tình là giả tướng do 5 uẩn hòa hợp và tồn tại tạm thời, mà còn tuyệt nhiên không có tánh chân thật. Đó gọi là nhân vô ngã hay gọi là ngã không. Đến như vạn sự vạn vật trong thế gian, không một vật nào sanh ra không nhờ nhân duyên mà có. Ngay trong phút giây này, muôn vật sanh diệt không ngừng, không có tánh bất biến hay thường trụ. Ngay ở đây muôn vật cũng nương vào nhau mà tồn tại. Đó gọi là pháp vô ngã hay gọi là pháp không. Ngã, pháp đều không chính là chân tướng của vũ trụ vạn pháp. Kinh Kim Cang cũng nói: Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bào (bọt nước), ảnh (bóng), như sương móc, như điện chớp, nên quán vạn pháp như vậy. Ở đây Đức Thế Tôn chỉ dạy người tu hành quán sát các pháp hữu vi như 6 ví dụ Kinh Kim Cang đã nói ở trên. Từ sự quán sát ấy thì thấu suốt các pháp hữu vi đều là giả hợp, tất cả đều không thật có.

Có thể chia làm hai loại người, đối với chân lý nhị không, không sao hiểu nổi, đặc biệt là hạng người lầm lạc. Loại thứ nhất là phàm phu và ngoại đạo, đối với lý nhị không, hoàn toàn không biết, ngu si, tối tăm gọi là hạng người lầm lạc. Riêng bậc tu theo Tiểu thừa, đối với nhị không, sự hiểu biết không toàn diện mà chỉ chứng ngộ được thiên không (chỉ cái không một bên: ngã không), vì thế cũng gọi là lầm lạc. Dụng ý của Bồ tát làm luận chính là để trừ bỏ sự sai lầm vì nhị không ấy và làm phát sanh sự hiểu biết đúng đắn. Nói cách khác, Bồ tát muốn trừ bỏ sự ngộ nhận của chúng sanh về tính chân thật của tất cả các pháp nên làm luận này.

B. Phát Sinh Hiểu Biết Để Dứt Trừ Hai Chướng Ngại Nặng Nề.

Chúng ta vì lý do gì để phát sanh sự hiểu biết đúng đắn trừ bỏ lý không? Vì muốn trừ bỏ hai chướng ngại nặng nề. Hai chướng ngại ấy là: Phiền não chướng (chướng ngại do phiền não) và sở tri chướng, (chướng ngại do hiểu biết). Luận Thành Duy Thức, quyển 9, nói:

Chủng tử của hai chướng có tên là thô trọng. Vì hai chướng phiền não và sở tri, từ vô thỉ đến nay, đã được chủng tử huân tập đi theo con người, ngủ vùi trong tám thức, có khả năng làm cho thân, tâm chúng ta ương ngạnh, khó dạy nên gọi là thô trọng. Khi chủng tử của hai chướng khởi lên hiện hành thì các phiền não tham, sân, si… phát sanh, che lấp tâm vương, ngăn cản trí tuệ Bát Nhã khiến cho không thể phát sanh.

Hai chướng này từ đâu phát sanh? Do hai chấp trước mà có.

Vì chấp ngã mà phiền não chướng phát sanh. Theo lời Phật dạy: Một khi đã có ngã chấp thì liền sanh ra ba thứ yêu thương:

1) Yêu thương tự thể, tức đắm nhiễm, quyến luyến thân thể, sinh mạng của mình.

2) Yêu thương ngoại cảnh, tức đắm nhiễm, lưu luyến hoàn cảnh có liên quan đến sanh mạng của mình như: quần áo, ăn uống, công danh, phú quý cho đến ruộng vườn, nhà cửa, hoa cỏ, núi rừng… Không có một thứ gì mà không lưu luyến.

3) Yêu thương cuộc đời này: Khi sắp chết, đối với chỗ sanh ra ở tương lai (cha, mẹ có duyên với mình) sanh tâm đắm đuối. Từ chỗ này chết đến chỗ kia sanh, luân hồi trong sáu nẻo không ngừng nghỉ. Do vậy, chướng ngại cảnh giới an lạc Niết bàn bất sanh bất diệt. Vì chấp pháp mà sanh khởi sở tri chướng. Vì chấp pháp mà con người ôm chặt các pháp mình có được, cho đó là thật, là hơn hết. Tâm ngã mạn, từ đó, sanh ra rồi không còn thấy ai hơn mình có thể học hỏi. Loại người này giống như ếch ngồi đáy giếng. Trình độ mà người ấy có được hết sức hạn hẹp, vì pháp sanh ra sở tri chướng hay chướng ngại trí huệ Bát Nhã.

Thể của hai chương này là gì? Chính là các sự mê lầm tham, sân, si… Một thể có hai tác dụng:

1) Các mê lầm tham, sân, si… có khả năng phát sanh ra nghiệp báo, lâu ngày, trói buộc loài hữu tình, chìm nổi trong biển khổ tam giới, không thể ra khỏi. Vì vậy, những mê lầm ấy làm chướng ngại lý Niết Bàn, nên gọi là phiền não chướng.



2) Các mê lầm tham, sân, si… làm cho ngu si, tăm tối có thể chướng ngại Diệu Trí Bồ Đề và làm cho chúng sanh không thể biết được thật tánh (chân như và sự tướng của các pháp), nên gọi là sở tri chướng.

Tóm lại, Bồ tát Thế Thân làm luận này, với dụng ý, làm cho chúng sanh phá tan hai chấp trước sai lầm và dứt trừ hai chướng ngại nặng nề.

C. Dứt Trừ Chướng Ngại Là Để Chứng Được Hai Quả Thù Thắng.

Chúng ta vì lý do gì mà dứt trừ hai trọng chướng ấy? Vì muốn chứng được hai quả siêu việt (thù thắng). Đó là quả đại Niết Bàn và quả Bồ đề. Trừ được phiền não chướng thì chứng được quả Niết bàn, trừ được sơ tri chướng thì chứng được quả Bồ đề. Gọi là thù thắng, vì Thanh văn, Duyên giác, với hai quả này, chưa chứng được viên mãn. Bồ tát, với hai quả này, cũng chưa chứng được cứu cánh. Chỉ có Phật với hai quả này, mới chứng được viên mãn, cứu cánh. Siêu việt Thanh văn, Duyên giác và Bồ Tát nên gọi là quả thù thắng. Kinh Niết Bàn nói: Thành tựu quả Phật là đầy đủ bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

1) Thường: Là không thay đổi. Thành Phật thì tánh thể vắng lặng, thường trụ, không sanh diệt. Trãi qua ba đời mà không đổi dời, hòa tan trong vạn pháp mà vẫn giữ nguyên, nên gọi là đức thường.

2) Lạc: Là sự an ổn của Niết bàn. Thành Phật lìa xa khổ đau, bức bách của sanh tử, chứng đươc sự an vui, vắng lặng của Niết bàn, nên gọi là đức lạc.

3) Ngã: Là tự tại, vô ngại. Khi thành Phật thì có đầy đủ tám thứ tự tại, như các căn hỗ dụng, nói nghĩa một bài kệ trong vô lượng kiếp, thân biết khắp các nơi giống như hư không…, nên gọi là đức ngã. (Có thể thị hiện một thân thành nhiều thân, thị hiện một trần thân đầy đại thiên thế giới, đại thân nhẹ nhàng bay bổng đi xa, thị hiện vô lượng loại mà luôn ở một chỗ, các căn hỗ dụng, chứng được tất cả pháp mà dường như không có môt pháp nào, nói nghĩa một bài kệ trãi qua vô lượng kiếp, thân biến khắp các nơi như hư không. Kinh Niết Bàn, quyển 23).

4) Tịnh: Là xa lìa nhiễm ô. Khi thành Phật thì không còn các mê lầm ô nhiễm, vắng lặng trong veo, như tấm kính lớn tròn trịa không chút bụi nhơ, nên gọi là đức Tịnh. Ngược lại, quán sát chúng sanh trong ba cõi, y báo và chánh báo, đều vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Kinh Pháp Hoa nói: Ba cõi không an, giống như nhà lửa, khổ đau đầy dẫy thật đáng sợ hãi. Phải biết chỉ có thành Phật thì mới có được an vui và ích lợi rốt ráo. Đây là mục đích cuối cùng để Bồ Tát làm ra luận này: Nguyện cầu mọi người đều thành Phật.

Nhưng mà, muốn thành Phật, trước phải dứt trừ hai chướng. Muốn dứt trừ hai chướng trước phải phá tan hai chấp, muốn phá tan hai chấp trước phải hiểu và rõ hai không. Vì thế, Ngẫu tổ trong Bách pháp trực giải nói: Nếu đối với mọi pháp thông đạt hai không, thì đã vào chứng lý của Đại thừa. Câu ấy có nghĩa rằng, bình thường mỗi ngày, đối với muôn việc của thế gian, bất cứ sự, lý gì mà chúng ta tiếp xúc đều có thể dùng trí huệ Bát Nhã quán chiếu, tư duy, am tường đạo lý nhị không, thì cho dù việc gì, lý gì cũng đều chứng được lý thể của Đại thừa.

Vì vậy, ở hội Lăng Nghiêm, Phật hỏi các bậc thánh Đại A La Hán, Bồ Tát bằng phương pháp gì để chứng nhập viên thông? (Viên thông tức là chân như bản tánh. Vì chân như trùm khắp tất cả, nên gọi là viên; diệu dụng vô ngại nên gọi là thông). Đó là nguyên nhân các bậc thánh trình bày lý do mình chứng ngộ lên Đức Phật. Có vị nói từ nhãn căn chứng được đạo lý viên thông như tôn giả A Na Luật Đà. Có vị nói từ sắc trần chứng nhập đạo lý viên thông như tôn giả Ưu Ba Ni Sa Đà. Có vị nói từ nhãn thức chứng nhập lý viên thông như tôn giả Xá Lợi Phất. Bồ tát Quán Thế Âm, như mọi người đều biết, từ nhĩ căn chứng nhập viên thông.

Tóm lại, chỉ cần thông đạt chân lý nhị không là chứng nhập được viên thông. Do căn, do trần, do thức cho đến trăm pháp trước mắt, bất cứ pháp nào đều có thể chứng nhập chân như bản tánh và chấm dứt sanh tử, thành tựu Phật đạo. Đây chính là dụng ý căn bản của Bồ tát Thế Thân làm ra luận này.