Trưởng thành – Hoàng tử bên kia biển khơiKết thúc năm hai đại học Thuý Anh nhanh chóng về nghỉ hè với bố mẹ và các em, cô em gái mười bảy tuổi đã đỗ Đại học tổng hợp khoa kinh tế. Chị em tíu tít ríu rít lo chuẩn bị mọi thứ dần dần từ đầu hè cho Trúc Lam (tên em gái Thúy Anh) sẵn sàng một cuộc sống đầy màu sắc mới mẻ và thách thức của một tân sinh viên thuộc ngôi trường Đại học danh tiếng và cổ kính nhất nhì Việt Nam.
Thúy Anh lên giọng bà chị cả với Trúc Lam:
- Cấm được bắt chước chị nghe chưa, không được quậy, đừng có yêu đương gì năm đầu đấy, rồi lại khóc, tao không dỗ đâu, biết chưa?
- Ui xời, toàn em phải dỗ chị 2 năm nay còn gì, tinh tướng. Ơ thế anh Hoàng Anh hẹn hè này về nhà mình chơi mà đâu rồi? Ông đấy tốt với chị thế còn gì, nhưng hơi đần, sợ chị như sợ cọp ý.
- Ơ con này, bé cái mồm thôi, không mẹ lại tra khảo ung cả thủ bây giờ. Tao cho nó ngược rồi, oắt con, dám lừa chị, học kém tao một lớp mà anh em ngọt xớt suốt hơn nửa năm, tức thế không biết.
- Ha ha... Trúc Lam cười ngặt nghẽo: -Ủ ôi, em biết ngay mà, em thấy anh ấy như ngố tàu, mặt búng ra sữa, lại cứ lên gân như ông cụ non, ra vẻ ta đây anh là người yêu của chị em đấy, hoá ra hơn em nhõn tuổi, mấy thằng ở lớp em hơn em cả hai tuổi em vẫn mày tao nhá... Công nhận, Thuý Anh sát thủ tình trường bị thế thì hơi trần văn cay, nói rồi con bé lại phá lên cười khoái trí.
Yêu nhau chị em gái là thế, vẻ hồn nhiên và nhí nhố của Trúc Lam xoá tan mọi khúc mắc và ấm ức bực bội còn sót lại của Thúy Anh với chàng sinh viên năm nhất Kiến trúc. Thỉnh thoảng Thúy Anh cũng đắm chìm và mơ màng nhớ lại những ngày hẹn họ đẹp như mơ, những chăm chút ngọt ngào đầy nam tính, những nụ hôn dịu dàng, những cái ôm chặt của một chàng trai mạnh mẽ và si tình, dấu ấn của một đoạn tình cảm sống động lung linh trong lòng cô gái đa tình, không thể bỗng chốc mà phôi phai ngay được. Cô gặm nhấm và đôi lúc cũng tự hỏi:
- Liệu mình có tàn nhẫn quá với Hoàng Anh không. Cậu ấy là một chàng trai tốt và trong sáng... Mình đã thực sự yêu cậu ấy, nhưng dừng như vậy cũng là đúng mà, cần phải dứt khoát như thế, không đắm chìm thêm nữa.
Tạm biệt nhé Hoàng Anh, tình yêu trong sáng và đẹp đẽ nhất của Thúy Anh. Anh đã trao em mối tình đầu và nụ hôn thần thánh của tuổi thanh xuân nồng cháy của chàng trai mười tám, thật ngờ nghệch nhưng hết sức sâu sắc, cám ơn anh đã đi qua đời em vào lúc em khủng hoảng nhất, đã cho em những ngày đắm say đến tận cùng cảm xúc. Giá như anh đừng dối em, chắc giờ này mình vẫn bên nhau, và có lẽ giờ này em không phải dằn vặt như thế này. Chàng trai trẻ, rồi anh sẽ quên em rất nhanh thôi. Em cũng vậy, em cần bước tiếp. Em sẽ nhớ về anh mỗi khi buồn và mỉm cười tự nhắc nhớ: Thúy Anh đã từng hạnh phúc và bình yên bên môt chàng trai yêu Thúy Anh hơn tất cả mọi lời nhạo báng, Thúy Anh đã may mắn và cũng không ân hận. Anh hãy thật hạnh phúc và tìm thấy một nửa của mình một cách kiêu hãnh và tự tin không phải nói dối như với Thúy Anh nữa nhé!
Và 30 năm đã trôi qua, khi thu vàng rực rỡ, hồ tây lao xao gợn sóng, Thúy Anh đang ngồi trước mặt mụ Mac (con Ngọc trùm tá lả) mà kể lể và nhớ lại những mối tình đã qua của hai đứa, cô thở dài tiếc nuối:
- Cứ mỗi lần nghĩ đến Hoàng Anh, tao lại cảm thấy như mình đã đánh mất một cái gì đó vô cùng quý giá mày ạ? Không cắt nghĩa được, nhiều khi đi trên đường, tao nháo nhác tìm như thấy chàng đâu đây, đang nhìn tao đau đáu oán hận... và tao cũng muốn một lần gặp lại, xem giờ chàng như thế nào, có hạnh phúc hay không? Mà chẳng bao giờ gặp lại một lần, thế mới đểu!
- Thôi đi bà, tham nó vừa thôi, ôm làm sao hết được tình cảm của cả thiên hạ. Nó chả quên mày từ tám mươi đời rồi, đừng mơ hão mà hao mỡ... thôi về thôi, đến giờ tao phải dỗ chồng ăn tối cả massage cho chàng rồi, về thôi.
Họ chia tay nhau, những người bạn của quá khứ, từng cùng đắp chung một cái chăn, chia nhau một thìa cơm rang cuối cùng chỉ có muối và ớt... Chớp mắt đã quá nửa đời người, đứa nào cũng tất bật, bị cuộc đời cuốn trôi mọi khát khao của một thời thiếu nữ xa xôi.
Liệu họ có đi hết một thời đắm say qua câu chuyện này hay không? Chắc không thể không cùng họ tiếp tục rong ruổi, khi chuối chín vàng ruộm và mùi cốm thơm lừng thoảng bay trong gió cả mùa thu này.
Mụ Mac lẩm bẩm: Con điên, làm mình mệt quá, nửa đêm nó nhắn tin:
- Tao không ngủ được, mày vẫn đang bốc phét đấy à, tao đọc thấy mày nhớ nhớ quên quên nên nhắc cho mày nhớ mà kể tiếp không lại lộn tên các anh và cả thứ tự thời gian tao yêu anh nào như thế nào, mà sao mày không viết về mày, kể về tao làm gì cho nó lằng nhằng, lại còn thêm dấm thêm ớt vào khiến tao như con yêu tinh ăn thịt traiai ý.
- Chả thế, oan uổng lắm đấy. Tao cứ thích thế đấy, lằng nhằng dây chun nó mới thú vị chứ. Truyện này - Tình sử HANU, mày là nhân vật chính, tao chỉ chắp bút và dòm thôi, mặc dầu tao yêu mày, nhưng có lúc tao cũng thót tim và sợ gần chết vì cái tính liều lĩnh của mày đấy, yêu với chả đương, cứ như con thiêu thân, may mà gặp toàn bọn tử tế, nghĩ lại lắm lúc vẫn hoảng.
- Thôi xin mẹ, làm như ngoan hiền lắm ý, thế đứa nào xui tao: Kệ, nước đến đâu bắc cầu đến đấy, yêu tẹt ga đi, chán thì tóm lấy một thằng thật ngon rồi cưới, thế là xong, đẹp lòng mẹ cha cả làng nước. Buồn cười mày quá, mà mày nói như đúng rồi, kết quả loằng ngà loằng ngoằng, đánh bắt xa bờ khắp các mặt trận, cuối cùng quay lại HANU và vợt được một chàng như trong mơ... con lạy mẹ!
"Hiện thực luôn trần trụi" là câu nói ưa thích của tác giả... Hiện thực vừa nhắc đến, chính là câu chuyện mỗi ngày của đôi bạn Thúy Anh và Ngọc tá lả (tạm gọi thế).
Bỏ qua câu chuyện hiện tại của họ, chúng ta quay lại với mùa hè năm 1990 với những cô gái HANU, công việc, sự nghiệp học hành và thiên tình sử rắc rối của Thuý Anh đã nhé.
Lỡ một cung đàn, Thuý Anh bắt đầu nhìn lại từng mối quan hệ rằng chéo, đánh giá và ước lượng sự nặng nhẹ, và cũng bắt đầu nhìn về tương lai. Năm ba đại học rồi, bố không khoẻ, đau ốm suốt, mẹ cũng vất vả, em gái vào đại học, như vậy gánh nặng đè lên vai mẹ là 6 người tất cả... Thúy Anh định phải làm một điều gì đó để đỡ đần cha mẹ.
Bến Bính những năm 90 rất sầm uất, mẹ có sạp hàng ở chợ vẫn ổn định, nên Thúy Anh thưa với mẹ: Hè này con nghỉ tận hết tháng 9 mới phải lên trường, nên con sẽ mở cái quán nước ngay bến tàu mẹ nhé, bán thêm hàng cho mẹ, kiếm tiền đóng học phí cho cả con với Trúc Lam, hai đứa vẫn thay nhau trông cả hàng cho mẹ được. Mẹ nhìn con gái lớn và cười yêu thương:
- Bố chị, làm như không có chị thì cái nhà này chết đói không bằng, thích thì mở quán bán hàng cũng tốt, chị em bảo ban nhau, cẩn thận mấy đứa con trai là được. Con gái lớn chừng ấy cứ phải để mẹ dặn.
- Vâng, con biết rồi.
Ngay sớm hôm sau, 5 giờ cô đã dậy, chạy ngay ra đầu bến ngắm nghía, tìm một điểm ưng mắt rồi dựng bạt, kê bàn ghế giống như cái quán của U lý, một cái bàn, ba cái ghế 2 chân, thế là thành hình, chỉ cần bày vài thứ y chang cách sắp của U lý, U Sa là ra dáng một bà chủ quán rồi. Rồi cô chạy về nhà giục Trúc Lam xách cái bếp than tổ ong ra đun nước trước:
- Em ra quán, đun nước đi, chị chạy ra chợ dọn hàng cho mẹ, tiện chị sẽ khuân một số thứ cơ bản từ sạp của mẹ cả mua một sớ thứ ở đấy luôn rồi về dọn bán ở Bến Bính nhá! Trúc Lam ngúng nguảy:
- Ai đời, Sinh viên đại học lại đi bán quán, ê mặt lắm.
- Ơ con này, có đi nhanh không thì bảo, không bán lấy đâu tièn đóng học cả mua giày dép, quần áo đẹp hả?
- Hứ, em không cần.
- Ở đấy mà không cần, rồi đừng có xin cả lấy đồ của tao đấy! Nói vậy xong Thúy Anh lại dịu giọng dỗ dành:
- Ra đun cho chị hai siêu nước đổ phích thôi, xong lát chị về chị hãm trà, nấu chè đỗ đen, mua bánh rán cho mà ăn... xong chị bán hàng, em ở nhà cơm nước mang ra chợ trông hàng một tí cho mẹ ăn trưa rồi về nhà, thích làm gì thì làm, chị không bắt phải bán hàng đâu... Trúc Lam lại nhoẻn cười, nghe lời chị, chạy vυ"t đi... cô bé mười bảy tuổi nhưng trẻ con và hồn nhiên hơn cô chị ở tuổi đó nhiều, cứ dỗ ăn cả mua quần áo đẹp cho là xong hết.
Cái quán rộng chừng bốn vuông mà đông khách đáo để, chỉ có một lọ bánh rán, một khay thuốc lá đủ loại đến thuốc lào để chính giữa bàn, vài chai nước ngọt một két bia tàu, can rượu trắng, một ôm mía tím, một bao bưởi, một nồi chè đỗ đen... vài gói kẹo, mấy gói lạc rang, đặc biệt là ấm trà thái to được ủ ấm trong cái giỏ bông cách nhiệt, món cơ bản làm lên thương hiệu của một bà chủ quán nước vỉa hè. Thúy Anh nhanh nhẹn bày biện trong vòng nửa tiếng là đâu vào đấy, rồi ngồi vào tạm vào cái ghế nhựa mới lấy ngoài sạp của mẹ đặt chính giữa đằng sau chiếc bàn đã bày biện tinh tươm như chơi đồ hàng. Cô bắt đầu róc mía bổ bưởi như dân bán hàng chuyên nghiệp, dù sao suốt hai năm ở HANU, ngày nào chả có đôi tiếng lê la quán xá các U mà quan sát, nên cũng học được khối thứ.
Và chỉ sau một ngày quyết định cô nàng Thúy Anh mỹ miều đã chút bỏ vẻ mơ mộng, điệu đàng của cô sinh viên ngoại ngữ vào vai cô chủ quán trẻ bên Bến Bính danh tiếng, luôn tay luôn chân rót nước, múc chè, bổ bưởi, róc mía mà bán mua tất tưởi. Niềm vui lao động và bán hàng của cô gái trẻ làm sáng bừng cả khúc sông vào cái mùa hè bỏng rát ấy. Thuyền bè tấp nập vào ra, người đến kẻ đi không ngừng. Nhưng nơi bến sông ấy đã ghi dấu rất nhiều câu chuyện như truyền thuyết về một cô gái nhỏ mở quán bán hàng, đắt như tôm tươi... Khách hàng đa số là các công nhân khuân vác tại bến vào ăn cốc chè, quả bưởi, gióng mía uống chén trà, hút điếu thuốc vào các giờ nghỉ giữa các ca làm. Khách sộp là mấy anh chị chủ hàng, và khách hàng tiêu pha nhiều nhất là các thuỷ thủ của các tàu đỗ tại bến chờ bốc dỡ hàng, vừa ngồi dai, vừa ăn uống lắm, và có một phần là để ngắm nghía, tán tỉnh chị em cô chủ quán mau mắn xinh đẹp.
Doanh thu của quán tăng lên mỗi ngày, nhiều hôm còn cao hơn cả sạp hàng ngoài chợ của mẹ. Thuý Anh vui lắm và mải mê bán mua, hôm nào cũng thức dậy từ năm giờ sáng, dọn hàng nhập hàng, rồi đi chợ mua hàng dọn hàng cho mẹ rồi miệt mài trông quán bán mua đến tận mười hai giờ đêm. Sức trẻ lại có động lực kiếm tiền, nên cô không còn thời gian mà nghĩ đến những chuyện đã qua, thỉnh thoảng bất chợt có ánh mắt một anh chàng nào đó lướt qua thì cô cũng giật mình thảng thốt một xíu rồi nghĩ đến Kiên đến Hoàng Anh và cũng chỉ là trong chớp mắt rồi lại trôi vào trong tiềm thức, nhốt tạm vào đấy. Cô chỉ thư thái vào cuối ngày, khi nhờ em gái trông đỡ cho một hai giờ để cô ào xuống sông bơi một mạch dọc sông chừng một km rồi quay lại, tắm rửa về nhà ăn tối rồi lại trông hàng đến nửa đêm...
Nhất cử nhất động của Thúy Anh đã lọt vào tầm ngắm của một chàng thuyền trưởng, tàu quân sự, chở gạo, đang chờ bốc dỡ để chuyển về đơn vị. Anh tên Hoàng Hiệp, có vẻ lãng tử, phong trần và cuốn hút với mái tóc dài xoăn mềm, cái dáng cao cao hơi lòng khòng nhìn rất ngầu, chừng hai tám tuổi. Ngày nào anh cũng rời tàu từ sáu giờ sáng lẻn bờ và chờ cô chủ kê bàn ghế xong là anh chọn góc trong cùng của cái ghế vuông góc với chỗ ngồi của cô gái và im lặng ăn bánh rán, uống trà, rồi hút thuốc, uống bia... Sáng, trưa, chiều, đến tận lúc Thúy Anh dỡ quán dọn dẹp anh mới chịu đứng lên về tàu...
Ba hôm liền như thế và không nói câu gì, số tiền anh mua hàng cho cả tàu và ăn tiêu bằng cả ngày Thúy Anh bán cho tất cả mọi người gộp lại nên việc anh có chiếm chỗ cả ngày thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc bán buôn của cô, nên cô cũng kệ, hỏi gì thì cô đưa rồi tính tiền, thế thôi. Nhưng thỉnh thoảng khi vắng khách thì cô cũng tò mò ngắm nhìn anh: Anh có nước da trắng hơi tai tái, cái mũi cao hơi nhọn đầu và gồ lên một chút nơi sống mũi, đôi mắt sâu thẳm lúc nào cũng có vẻ xa xăm trên khuôn mặt cân đối và đẹp như "Hoàng tử bên kia biển khơi" - bộ phim đã khiến biết bao thiếu nữ thời ấy thổn thức. Giờ đây anh ngồi đó, vị thuyền trưởng có vẻ kiêu kỳ và vẻ đẹp vô đối, cắm chốt ở quán cô một cô bé tóc ngắn và lôi thôi cao có thước rưỡi, tất bật từ sáng đến đêm, cũng khiến cô có chút tò mò.
Đến ngày thứ tư thì anh tự nhiên bảo cô:
- Em vất vả quá nhỉ, để anh giúp, anh dựng quán cho, cái này anh thạo lắm, lính mà.
- Cô thoải mái đưa bạt cả que gậy cho anh rồi hỏi:
- Tàu anh đậu bến này bao lâu thì đi ạ?
- Anh ở đây chục ngày, bốc dỡ hàng xong là đi thôi, còn một tuần nữa, tháng sau tàu anh lại qua.
- Thế ạ, thế anh em mình sẽ còn gặp nhau
- Ơ, anh tưởng em ỏ đây, thế em định đi đâu à?
- Không, em chỉ ở đây vào hè cả các dịp nghỉ lễ, cuối tuần thôi. Em là sinh viên năm ba rồi.
- Ô, ngạc nhiên quá. Sinh viên vượt khó như em là hơi hiếm đấy nhé. Đứa em gái anh cũng sịnh viên mà nửa ngày ngủ không buồn dậy...
Cứ vậy, câu chuyện nở như ngô rang từ lúc nào không hay. Họ thân thiết từ hôm đó...