- 🏠 Home
- Linh Dị
- Trinh Thám
- Lời Nguyền Lâu Lan
- Chương 12
Lời Nguyền Lâu Lan
Chương 12
Bạch Bích ngồi dưới ánh đèn dìu dịu, mở cuốn sổ mang từ ngăn kéo Giang Hà về. Cô khẽ đọc những dòng thơ trong “Đất hoang” của Eliot do Nhϊếp Tiểu Thanh chép.
Giọng cô rất dịu dàng. Giang Hà đã từng nhận xét, anh luôn bị mê hoặc bởi chất giọng của cô, được nghe cô nói là một sự hưởng thụ kỳ diệu. Lúc này, âm thanh đó đang vang vọng trong căn phòng của Bạch Bích, trong từng góc phòng, trên cửa sổ, dưới nền nhà đều phát ra tiếng vọng lại khe khẽ. Nét chữ trên giấy quả thực rất đẹp, màu mực đen của bút sắt, từng nét, từng nét đều thể hiện một khí chất đặc biệt. Nét chữ có thể biểu hiện khí chất của con người, cô luôn tin điều này. Bạch Bích như có thể thông qua nét chữ này mà hình dung ra hình dáng của Nhϊếp Tiểu Thanh, mắt, mũi, gò má của cô ta, đặc biệt là bàn tay cầm bút. Nghĩ đến đây, trong lòng Bạch Bích cảm thấy rối bời. Cô không muốn nghĩ đến người con gái có tên Nhϊếp Tiểu Thanh này nữa, chẳng qua cô ta cũng chỉ là một người thích chép thơ mà thôi. Bạch Bích trước kia cũng đã từng chép rất nhiều những vần thơ cô thích, điều đó thật quá bình thường. Lúc này cô có thể tưởng tượng ra, chỉ có Eliot, một nhà thơ sinh ra ở Mỹ, rồi trở thành công dân Anh quốc, có một cuộc sống gia đình bất hạnh, vợ ông - Vivian sống ở bệnh viện Tâm thần mười một năm, có lẽ chỉ có người như vậy mới có thể viết nên được kiệt tác “Đất hoang”.
Khi đọc đến đoạn này, bỗng nhiên hai vai cô khẽ run lên...
Và em sẽ chỉ cho anh một cái gì đó
Không như cái bóng người buổi sáng ở sau lưng
Hay cái bóng buổi chiều ở trước mặt anh
Em sẽ chỉ ra trong một nắm tro tàn sợ hãi.
Bạch Bích như đọc được từ giữa những hàng chữ một điều gì đó... “cái bóng người buổi sáng ở sau lưng”, rồi... “trong một nắm tro tàn sợ hãi.”
Câu này có ý nghĩa gì nhỉ? Có lẽ chỉ là một sự mô tả của tinh thần và bầu không khí nhưng nó khiến cho Bạch Bích thấy sởn tóc gáy. Có phải là lời trong thơ của Eliot không? Có lẽ mỗi người chúng ta đều không có cách nào chạy trốn khỏi cái bóng của chính, cũng như không có cách nào chạy trốn khỏi nỗi sợ hãi, bởi vì chúng ta rồi sẽ đều trở về với cát bụi. Và trong đám cát bụi đó chôn vùi nỗi sợ hãi vĩnh hằng. Nhưng bây giờ, dù không có nắm tro tàn, Bạch Bích vẫn có thể cảm thấy như mình đang chạm vào nỗi sợ hãi đó.
Cô đọc tiếp:
Gió thổi về quê hương.
Em nơi mô chờ đợi
Hở cô bé Ai-len?
Không biết Bạch Bích đã đọc trong bao nhiêu lâu mới đọc hết được toàn bộ trường ca này. Đọc xong cổ họng cô lập tức cảm thấy khát khô. Cô uống hết một cốc nước, cảm thấy trên trán lấm tấm mồ hôi. Cô xem lại câu cuối cùng: “Nhϊếp Tiểu Thanh tặng Giang Hà”, hơn nữa việc này xảy ra trước khi Giang Hà chết không lâu. Có lẽ cô không nên nghĩ ngợi lung tung, nhưng trong đầu Bạch Bích vẫn hiện lên hình ảnh Giang Hà lúc nhận cuốn sổ. Giang Hà nhất định cũng đã đọc hết “Đất hoang” trong cuốn sổ này. Khi đọc lại “Đất hoang”, anh ấy đã nghĩ gì nhỉ? Sợ hãi hay là một cảm giác gì khác? Cô tự nói với mình, bây giờ tất cả đã kết thúc rồi. Bạch Bích bỗng tự hỏi mình, có thật là tất cả đã kết thúc thật không? Nhưng cô không tìm thấy câu trả lời.
Gấp cuốn sổ lại, cô lại nhìn thấy hai chữ “Lời nguyền” ở bìa sau. Giang Hà viết hai chữ này làm gì nhỉ? Tại sao anh lại viết ở bìa sau cuốn sổ tay này? Lẽ nào chỉ là trùng hợp, hay cuốn sổ này đúng là tượng trưng cho một điều gì đó? Cô lại nhớ đến những lời Lâm Tử Tố nói hôm nay ở Viện Nghiên cứu khảo cổ, có lẽ tiếp theo còn có người sẽ phải chết, đây chẳng phải là lời nguyền sao? Lời nguyền này của ai và nguyền rủa những ai? Đầu Bạch Bích trống rỗng.
Bạch Bích nhớ lại cái đêm trước khi xảy ra sự việc một tháng, lúc Giang Hà từ Tân Cương về, có lẽ mầm mống của cái chết đã được gieo từ lúc đó. Chứ trước khi đi Tân Cương, Giang Hà đâu có biểu hiện như thế. Đôi mắt của Giang Hà lại hiện lên trong đầu Bạch Bích, trong cặp mắt ấy có vùng đất hoang ở Tây Bắc, có hoang mạc mịt mù. Cô biết rằng, nơi họ đến là hồ La Bố. Ở vùng hồ La Bố đó có một di chỉ văn minh cổ đại rất lớn. Đó là Thành cổ Lâu Lan.
Cô nhớ lại một buổi tối cách đây hơn 10 năm, khi ấy cô chưa đến 10 tuổi, Văn Hiếu Cổ đến nhà cô tranh luận kịch liệt với bố cô về nhiều vấn đề thuộc về nền văn minh Thành cổ Lâu Lan. Mẹ cô như muốn tránh né chủ đề này, còn cô bé Bạch Bích ngồi bên cạnh, nhưng không hiểu họ đang nói gì. Cô chỉ nhớ rằng bố cô kiên quyết phản đối việc quay lại tiến hành các hoạt động khảo cổ ở Thành cổ Lâu Lan. Ánh mắt của Bạch Chính Thu lúc nói bộc lộ một sự sợ hãi. Sự sợ hãi khủng khϊếp trong đêm đó đã lưu lại ấn tượng rất sâu trong ký ức của Bạch Bích. Đúng rồi, cuối cùng cô đã nhớ ra. Bố cô đã từng nói, ông đã đi đến di chỉ Thành cổ Lâu Lan cả thảy hai lần. Lần thứ nhất là lúc Bạch Bích chưa ra đời, lần thứ hai là sau khi cô ra đời không lâu và lần thứ hai thì mẹ cô cũng đi cùng.
Bố cô nhất định còn để lại cái gì đó. Cô nhớ bố cô có một chồng lớn tài liệu vẫn để trong nhà. Tất cả đều là do ông ghi chép lại. Trong ký ức của cô, hầu như đêm nào bố cô cũng đem những tài liệu ấy ra xem rất tỉ mỉ, rồi lại cẩn thận cất đi. Bạch Bích đứng lên, đi sang căn phòng bên cạnh. Ở đó cất giữ những đồ cũ, trong đó có một tủ sách lớn, cửa tủ đóng, phủ đầy bụi. Bạch Bích từ trước đến nay chưa từng mở ra, có lẽ cô không muốn nhớ đến nỗi đau mất bố. Nhưng hôm nay cô quyết tâm mở tủ sách này.
Vừa mở cửa tủ, mùi ẩm mốc khiến cô phải quay mặt đi, phải một lúc lâu sau, mùi đó mới từ từ tan đi. Bạch Bích cẩn thận đưa tay ra lấy những thứ ở bên trong, toàn là những tập tài liệu dày cộp, có loại chép tay, có loại in ấn, phải mất rất lâu cô mới đưa được hết chúng ra bàn.
Đống tài liệu quả thực rất nhiều, cô giở lướt qua, những tài liệu này có đầy đủ từ thời đại đồ đá cũ đến Dân quốc, trong đó có bản ghi chép về nghiên cứu lịch sử và văn hiến cổ đại, còn có cả những bản phô-tô các bản báo cáo khai quật khảo cổ và những sơ đồ tư liệu di vật, có cả một số ghi chép và luận văn của bố cô. Nếu muốn xem hết có lẽ phải đọc liên tục trong mấy tuần lễ.
Rất may, bố cô đã căn cứ sắp xếp chúng theo từng khu vực nên Bạch Bích nhanh chóng tìm ra tài liệu ở vùng Tân Cương. Cô nhận thấy tài liệu ở khu vực này tương đối nhiều, có lẽ bố cô nghiên cứu khá nhiều về Tây vực. Trong những tài liệu ông lưu giữ về các nền văn minh cổ đại ở Tân Cương thì tài liệu nhiều nhất là về Thành cổ Lâu Lan. Bạch Bích đặt riêng những tài liệu dày cộp đó ra một chỗ. Cô tiện tay rút một tập ra xem, thế là, hồ La Bố và Thành cổ Lâu Lan dần dần hiện ra trước mắt cô giống như bức tranh đang treo trên tường.
Hồ La Bố nằm ở biên giới giữa vùng Đông Bắc và huyện Nhược Khương. Hồ nằm ở độ cao trên mực nước biển 780m, diện tích còn sót lại khoảng 2400 đến 3000 km2, hiện nay hoàn toàn khô cạn. Hồ La Bố nguyên là đầm chứa nước của sông Khổng Tước. Trên thượng lưu sông Khổng Tước, hồ dương và hồng liễu mọc thành rừng, lau sậy khắp nơi, tập trung vô số thú dữ và chim muông. Ba bốn nghìn năm trước, vào thời đại đồ đá mới đã có sự cư trú của con người ở vùng đất này. Dưới hạ lưu của sông Khổng Tước và ven bờ của hồ La Bố đã phát hiện rất nhiều dấu ấn văn hoá thuộc thời đồ đá mới.
Nước Lâu Lan trong thời kỳ phồn thịnh của thời Hán, Tấn, đồng xanh ngàn dặm, lương thực dư thừa, hàng hoá di chuyển không ngớt trên lưng những đội lạc đà, các trạm dịch và lữ khách đông đúc; chuông trống đền miếu du dương, Phật giáo phát triển. Triều đình phái binh lính đi đóng quân khai khẩn đất hoang, cai quản tất cả các vùng đất xa gần. Nhưng thời kỳ huy hoàng của cổ quốc Lâu Lan trong lịch sử kéo dài không lâu, chỉ đến thế kỷ 4, 5 sau công nguyên, Lâu Lan dần dần không xuất hiện trong sử sách nữa. Khi Huyền Trang trên đường đi Tây Thiên thỉnh kinh qua đây thì đây đã là một sa mạc không một bóng người. Trong dòng chảy của lịch sử, Lâu Lan đã bị lãng quên đi như thế trong ký ức của nhân loại.
Cho đến năm 1900, tức là hơn 1000 năm sau, vào ngày 28 tháng 3, trong chuyến thăm dò phía tây hồ La Bố của nhà thám hiểm người Thụy Điển Sven Ahders Hedin, người dẫn đường của ông tên là A Nhĩ Địch Khắc, người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, trong lúc quay lại nơi cắm trại khảo sát để tìm cái cuốc bỏ quên, gặp phải cơn gió lớn lạc mất phương hướng. Nhưng A Nhĩ Địch Khắc đã dũng cảm dựa vào ánh trăng mờ nhạt chẳng những đã trở lại được nơi cắm trại cũ tìm được cái cuốc bị mất mà còn phát hiện ra một ngôi Phật tháp và một đống đổ nát. Ở đó có những đồ gỗ được chạm khắc tinh xảo chôn vùi trong cát, còn có cả tiền đồng thời cổ đại. Di chỉ mà A Nhĩ Địch Khắc tìm thấy trong đêm tối mênh mang đó chính là Thành cổ Lâu Lan. Sven Ahders Hedin trong nhật ký của mình đã viết: “Việc A Nhĩ Địch Khắc để quên cái cuốc đã trở thành một may mắn vô cùng, nếu không, tôi sẽ không thể nào trở về thành cổ này. Điều này đã mang đến cho lịch sử vùng Trung Á cổ đại một ánh sáng phát hiện quan trọng, cho đến nay, có lẽ vẫn chưa thể hoàn thành.”
Từ mùng 4 đến mùng 10 tháng 3 năm 1901, Sven Ahders Hedin đã quay lại nơi đây, thuê nhân công đào bới quanh khu vực Thành cổ Lâu Lan, thu được số lượng lớn tiền sắt đời Hán, những đồ tơ tằm tinh xảo thời Hán Tấn, những vật bằng thủy tinh, binh khí, công cụ bằng đồng sắt, gương đồng, đồ trang sức, lại còn cả các tượng khắc gỗ theo nghệ thuật Gandhara[7]. Ngoài ra, còn có thẻ bài bằng gỗ đời Hán Tấn mang giá trị lịch sử rất cao, những văn thư bằng giấy có đến hơn 270 tập. Tiếp theo sau Sven Ahders Hedin, Marc Aurel Stein[8] cũng đã khai quật được số lượng lớn di vật ở Thành cổ Lâu Lan, chỉ riêng văn thư chữ Hán đã có 349 tập, và một số lượng không nhỏ văn thư chữ Kharosthi. Phần lớn các di vật, đặc biệt là những văn thư bằng giấy đều được bảo tồn một cách khá nguyên vẹn. Điều này có liên quan trực tiếp đến khí hậu khô hanh ở vùng này, cũng giống như Ai Cập cổ đại đã được bảo tồn hoàn chỉnh trong sa mạc bốn, năm nghìn năm về trước.
Bạch Bích còn tìm thấy một tập bản photocopy các bài viết của các học giả nổi tiếng mà bố cô tập hợp lại. Những bài viết này đều đề cập đến nguyên nhân biến mất thần bí của nền văn minh Lâu Lan. Bạch Bích đọc lướt qua. Cô phát hiện thấy phần lớn các lý giải đều khác xa nhau, có người cho rằng do dòng nước từ thượng nguồn đổ về bị cắt đứt nên dân chúng đã bỏ thành mà đi. Cũng có người cho rằng tự thân môi trường của Lâu Lan đã bị hủy hoại. Và kết cục này là sự trừng phạt của thiên nhiên với con người. Cũng có người cho rằng do có giặc ngoại xâm đã dùng vũ lực hủy diệt nền văn minh Lâu Lan. Nhưng sau rất nhiều những truyền thuyết và suy đoán đó, mọi thứ dường như vẫn là một câu đố cổ xưa chưa có lời giải đáp.
Nhưng ở phía sau đoạn tài liệu cuối cùng về nguyên nhân tiêu vong của Lâu Lan, Bạch Bích đọc được một dòng chữ do bố cô ghi lại: “Bọn họ đều đã nghĩ sai hết cả, sự tiêu vong của Lâu Lan không nằm trong bất cứ nguyên nhân nào trên đây.”
Bố cô luôn thích viết những cảm nghĩ và nhận xét của mình ở mọi nơi nhưng một luận điểm to gan như thế này quả thực là hiếm thấy, bởi vì những bài luận văn đó đều là của những học giả nổi tiếng trong và ngoài nước. Họ đều là những người có uy tín, còn bố cô sinh thời chẳng qua là một kẻ vô danh tiểu tốt chẳng có tiếng tăm gì.
Trong một chồng tài liệu, Bạch Bích nhìn thấy có mấy trang photocopy. Chữ trong bản phô tô là một loại chữ đặc biệt. Tổng cộng có mười mấy trang, mỗi trang có mấy chục dòng, trong đó có mấy dòng chữ bị thiếu. Những chữ này có hình dây, xếp thành hàng ngang ngay ngắn, xem ra là một loại chữ cổ nào đó. Bạch Bích có cảm giác cô rất quen thuộc với kiểu chữ này. Lưng cô lập tức ướt đẫm mồ hôi, mặc dù cô chẳng hiểu một chữ nào trên đó. Điều này càng làm cô cảm thấy bất an. Cô cố gắng hồi tưởng trong đầu hình bóng loại chữ trước mắt. Chúng như đang chuyển mình động đậy, nhảy múa trước mặt cô. Tai cô văng vẳng tiếng nhạc cổ, ánh đèn dao động, một chiếc eo thon và một cặp mắt to. Cuối cùng cô đã nhớ ra. Đó là một giấc mơ, giấc mơ năm cô 10 tuổi. Một người phụ nữ đã đến trong giấc mơ của cô, viết lên tường mấy chữ. Đúng, chính là loại chữ này. Tuy cô không hiểu, nhưng bút pháp và đường nét thì không nghi ngờ gì nữa, chính là loại chữ này. Chính ngày hôm sau sau giấc mơ ấy, bố cô đã bị tai nạn giao thông và vĩnh viễn rời xa cô. Vì thế, cô mãi mãi ghi nhớ giấc mơ đó.
Đằng sau tập tài liệu phô tô đó còn có một bài viết của bố cô. Bài viết không dài nhưng tiêu đề thì dài một cách đáng sợ. Bài viết có tên: “Lý giải về những nội dung tôn giáo có liên quan trong văn thư chữ Kharosthi tìm được tại di chỉ Lâu Lan”. Nội dung bài viết rất sâu sắc, không phải là người trong nghề đọc sẽ rất khó hiểu, Bạch Bích đọc qua mới biết những chữ cổ trong tập phô tô vừa nãy được gọi là “chữ Kharosthi”. Chữ Kharosthi là một loại chữ kí âm rất cổ. Nếu lật ngược dòng lịch sử thì chữ Kharosthi là một dạng biến thể của chữ Elamite[9], được sử dụng như loại chữ chính thức trong triều đình từ thời Vương triều Achaemenid[10], thuộc Ba Tư cổ. Loại chữ này về sau trở thành một trong những loại chữ chính thức của đế quốc Kushan[11], lưu hành khắp vùng Trung Á rộng lớn. Lúc ban đầu, chữ Kharosthi dùng để ghi chép các câu tục ngữ trong tiếng địa phương của tiếng Arya[12], nằm trong lưu vực sông Ấn Độ cổ, lưu hành ở khắp vùng Peshawar[13], nơi đã sản sinh ra nền văn minh Gandhara nổi tiếng, kết quả của sự giao lưu giữa hai nền văn hoá Đông Tây. Vào khoảng cuối thế kỷ 2 sau Công nguyên, nền văn minh Gandhara và chữ Kharosthi bắt đầu truyền bá về phía Đông đến Pamir[14] và cũng là chữ viết chính thức của nhiều quốc gia khác trong lòng chảo Tarim[15], như Sơ Lặc, Vu Điền, Lâu Lan và Qui Từ[16]. Các nước Vu Điền, Sơ Lặc và Qui Từ chỉ dùng loại chữ viết này trong một khoảng thời gian ngắn, chỉ có người Lâu Lan tiếp tục sử dụng chữ Kharosthi đến tận cuối thế kỷ 4 sau Công nguyên.
Phía sau những tư liệu ấy Bạch Bích phát hiện thấy có mấy bức ảnh đen trắng. Cô chắc chắn những bức ảnh này là do bố cô chụp. Cô biết trong nhà có một chiếc máy ảnh đen trắng cũ. Bố cô thường hay thích chụp ảnh bằng chiếc máy ảnh này. Những bức ảnh trước mặt cô lúc này chụp cảnh đồng hoang mênh mông, toàn những đá dăm và cát bụi, hai mảng đen trắng hợp thành, vô cùng đơn điệu. Cô nghĩ đến bức tranh treo trên tường của mình. Cô bắt đầu hiểu ra tại sao vào đúng hôm bố cô qua đời, ông lại hồn bay phách lạc đến thế khi nhìn thấy bức tranh này. Những thứ cô gặp trong mơ đều là những thứ bố cô đã nhìn thấy, thậm chí còn chụp ảnh lại. Còn có mấy bức ảnh về di chỉ thành cổ Lâu Lan, toà Phật tháp cao và những ngôi mộ trong hoang mạc. Trong đó có bức ảnh sợ nhất là chụp về một loạt các di hài người chết, toàn là xác khô, mặc dù trông đã hoá đen cả, mặt mũi dữ tợn, nhưng phải nói là chúng đã được bảo quản rất hoàn hảo. Những xác người Lâu Lan cổ trông như những xác ướp này cứ xếp hàng dài dưới ánh nắng mặt trời trên đồng hoang như thế suốt thời cổ đại. Có lẽ bố cô đã chụp lại chúng ngay khi vừa mới đào lên.
Nhưng bức ảnh cuối cùng mới khiến Bạch Bích phải giật mình. Đó không phải là bức ảnh chụp di chỉ, cũng không phải là ảnh về một loại người cổ gì mà là ảnh của một người con gái. Một tấm ảnh của một người cô gái trẻ vẫn còn sống. Cô ta mặc một chiếc váy không biết là của dân tộc nào, da rất trắng, mắt đặc biệt to, sống mũi thẳng, mái tóc đen nhánh được kết thành nhiều bím nhỏ. Cô gái chắc trạc độ 20 tuổi, đang đứng dưới ánh nắng mặt trời, khung cảnh phía sau hình như có cây cối và một mái nhà. Vẻ mặt cô đang biểu hiện một điều gì đó rất khó diễn tả bằng lời, đôi môi mỏng, mép hơi nhếch lên, chiếc cằm trông rất xinh. Đặc biệt là đôi mắt đang lấp lánh dưới ánh mặt trời. Đó tuyệt đối không phải là đôi mắt của người Hán. Đôi mắt đó chỉ thuộc về Tây Vực cổ xa xôi, huyền bí và khó hiểu. Đôi mắt đó như chứa đựng rất nhiều những bí mật cổ. Để đến nhiều năm sau, khi xem bức ảnh này, Bạch Bích vẫn nhìn hướng về người con gái ấy như nhìn về phía một nữ thần.
Bạch Bích hơi run, cô lặng lẽ nhìn cô gái trong bức ảnh. Trong khoảnh khắc, cô như cảm thấy người trong ảnh đang nói chuyện với cô.
Cô đưa tai ra lắng nghe, nhưng cô không thấy gì ngoài tiếng gió đang thổi bên ngoài cửa sổ.
- 🏠 Home
- Linh Dị
- Trinh Thám
- Lời Nguyền Lâu Lan
- Chương 12