Chương 14: Tiếng khóc ở đồn cảnh sát

Buổi học thêm của tôi và Dạ Quang sau vụ gϊếŧ người mà chúng tôi trực tiếp chứng kiến ảm đạm tới nỗi ngoài trả lời thầy Phúc ra, chúng tôi không nói chuyện thêm với nhau một câu nào. Hễ mỗi lần tôi quay sang Dạ Quang định nói gì đó thì lại bị gương mặt thất thần của nó làm cho cứng họng. Nó dường như cũng không có vẻ gì là muốn nói chuyện với tôi nên dù buổi học đã kết thúc vẫn lặng im như thế.

- Quang!

Tôi gọi lớn từ đằng sau khi nó định xách ba lô đi về.

- Gì?

Dạ Quang nhìn tôi, ánh mắt vẫn chưa rũ bỏ được sự xuất hồn. Nó chính là người được ông Thanh Lâm cứu một mạng và cũng chính mắt nó nhìn thấy cảnh ông ra đi trong căn nhà u ám đó vì đỡ một nhát dao cho nó. Vì vậy, có lẽ tâm lý nó đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Tôi để ý thấy suốt cả buổi học hôm này, dù có ghi bài nhưng nó không để vào đầu được chữ nào cả.

- À.. không, không có gì!

Thấy tôi không có chuyện để nói, Dạ Quang lại quay ngoắt đi và định mở cửa về nhà. Nhưng tôi vội chạy lại đón đầu nó:

- Mày tính xin nghỉ học ở đây luôn hả?

- Sao mày biết?

- Nãy tao có nghe lén mày nói chuyện với thầy. Tao.. xin lỗi!

- Không phải xin lỗi đâu! - Dạ Quang vẫn làm mặt nghiêm. - Đằng nào tao cũng tính nói với mày luôn.

Tôi hơi cúi đầu xuống. Không rõ lý do Dạ Quang xin nghỉ học thêm ở đây là gì, nhưng nếu bây giờ chỉ còn mình tôi đến học thì thật là buồn và thiếu động lực. Rồi biết đâu tôi sẽ bỏ cuộc giữa chừng hoặc cũng sẽ giống như Dạ Quang, xin phép không học nữa vì ảnh hưởng tâm lý. Tôi tính hỏi Dạ Quang nguyên nhân thực sự dẫn đến quyết định này của nó nhưng rồi lại thôi, tôi chỉ biết vỗ vai nó và động viên:

- Mày giữ sức khỏe nhé!

- Ừm, mày yên tâm!

Chưa bao giờ một đứa khô khan như tôi lại đi chúc sức khỏe người khác, đặc biệt lại là một thằng bạn cùng lớp học thêm của mình. Nói ra điều đó, chắc nó cũng hiểu tôi phải quý nó đến mức nào. Sau khi đi thăm dò nhà của ông Tam Khánh và nhận được lời sấm truyền kia, tôi đã luôn lo sợ Dạ Quang là người bị dính lời nguyền thay tôi, nhưng may mắn cả hai chúng tôi đều sống sót đến bây giờ. Dẫu vậy, tôi vẫn lo sợ một ngày nào đó lời nguyền lại hiệu nghiệm và mọi thứ sẽ cực kì tệ hại nếu như một trong hai không còn nhìn thấy người kia nữa.

- Khi nào có chuyện gì không hay nhớ liên lạc với tao biết chưa?

- Tao biết rồi!

Nói xong câu đó, Dạ Quang bước chân xuống bậc cửa và chính thức không còn học thêm ở nhà thầy Phúc nữa. Nó cũng không hề nhắc một lời đến Di, người mà nó đã từng tặng quà tỏ tình. Di đã từ chối Dạ Quang, nhưng tôi lại nói với nó rằng con bé cho nó thêm thời gian. Nghĩ lại, tôi thấy mình thật ngốc nghếch.

Những hạt mưa ở bên ngoài lại rơi. Tôi không rõ Dạ Quang có đem theo áo mưa khi tới đây không, nhưng cứ nghĩ đến dáng hình cao cao gầy gầy bước đi trong cơn mưa tầm tã của tháng Chín, tôi lại thấy thương nó vô cùng.

- Cậu đứng trông ai vậy?

Tôi bỗng giật mình khi có tiếng người ở đằng sau. Thì ra đó là Di. Nãy giờ nó đã đứng sau tôi tự lúc nào, đang hướng theo ánh mắt của tôi nơi cuối con đường vắng.

- À đâu, tao có trông ai đâu!

- Lại chẳng!

- Thì.. tao đang ngắm mưa rơi thôi!

- Sao tự dưng hôm nay cậu lãng mạn thế? - Nó cười tôi.

- Do trời mưa to, không về được ngay, có gì lạ?

- Vậy mà tớ cứ tưởng cậu đang tiếc nuối cho Dạ Quang cơ..

Không biết Di vô tình hay cố tình nói ra câu đó, nhưng vì nãy giờ nó ở trong nhà nên chắc cũng đã nghe được phần nào cuộc trò chuyện của tôi và Dạ Quang rồi. Vậy nên tôi cũng không giấu nó lâu mà nói ra luôn:

- Ờ, tao thấy tiếc..

- Chỉ vì bạn ấy không còn học ở đây nữa thôi sao?

- Vì bọn tao còn từng đi phá án cùng nhau nữa!

- Phá án?

- Đúng!

Tôi kể cho Di nghe tất tần tật những gì tôi và Dạ Quang đã làm trong suốt thời gian qua. Câu chuyện kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, nhưng tôi để ý không lúc nào Di không tập trung lắng nghe cả. Mắt nó long lanh cứ như thể ngồi ngắm crush hay mấy anh chàng đẹp trai đi qua đường.

Sau khi nghe xong, nó liên tục hỏi tôi, rồi còn bắt tôi phải đưa nó đến nhà tù nơi đang giam giữ người đàn bà ra tay sát hại ông Thanh Lâm kia.

- Không được! Mày muốn nguy hiểm tới tính mạng hả?

- Dù gì cũng sẽ bị dính lời nguyền, thà tớ tới đó gặp bà ta để hỏi cho ra nhẽ còn hơn.

- Mày bị điên rồi!

Mặc cho tôi ra sức ngăn cản, Di vẫn một lòng kiên quyết đòi đi theo bằng được. Lúc đầu tôi định sẽ không cho Di biết mọi chuyện, rồi cho nó tham gia vào vụ án, nhưng vì Dạ Quang đã không còn ở đây nên đành phải chấp nhận cho Di đi cùng. Đằng nào đây cũng là vụ liên quan đến anh trai và mẹ của Di, có nó, tôi sẽ có thêm nhiều dữ liệu hơn để phá án.

- Thôi được, nhưng mày phải hứa với tao một điều.

- Điều gì?

- Tuyệt đối không làm theo những gì tao đã ngăn cản và phải giữ bí mật trong suốt quá trình phá án!

Di lấy tay kéo qua môi như động tác kéo khóa:

- Hứa!

- Tốt, vậy sáng ngày mai theo tao đến trại giam số 3!

Sáu giờ sáng ở trại giam số 3 thuộc khu trại giam Hiệp Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 20 phút đi xe. Tôi và Di ăn mặc thật kín đáo, sau đó bước vào xuất trình giấy tờ để làm thủ tục thăm hỏi người nhà. Gọi là người nhà nhưng thực ra chúng tôi và vợ ông Tam Khánh chẳng có bất cứ quan hệ huyết thống gì với nhau. Chúng tôi chỉ muốn gặp bà để mong bà có thể giải thích tất cả mọi chuyện, mong bà có thể cho chúng tôi biết một số điều bà sẽ không chia sẻ trong phiên tòa sắp tới, những điều đối với tôi và Di là cực kì quan trọng nhằm giúp giải quyết những vụ án không lời giải kia.

Một anh sĩ quan cảnh sát dẫn hai đứa tôi vào khu vực dành cho người nhà phạm nhân sau khi đã hoàn tất tất cả thủ tục. Tại đây có một cái bàn lớn ngăn giữa hai phần căn phòng, bên trên được thiết kế một lớp kính dày để mọi âm thanh không thể lọt qua được mà chỉ có thể nhìn xuyên qua bằng mắt. Người nhà và phạm nhân sẽ liên lạc với nhau bằng chiếc điện thoại đặt trên bàn ở mỗi phía. Mỗi lần liên lạc sẽ chỉ diễn ra trong 15 phút và có giám sát an ninh ở hai bên.

Sau vài phút ngồi chờ đợi, viên cảnh sát ở phía trong đã cho bà ta ra. Vừa nhìn thấy gương mặt quen thuộc của tôi và gương mặt lạ lẫm của Di, bà ta hơi tỏ ý căm phẫn, nhưng vì có các anh cảnh sát ở quanh nên không dám biểu lộ ra nhiều. Sau đó, bà ngoan ngoãn ngồi xuống chiếc ghế dành cho phạm nhân. Tôi lập tức nhấc điện thoại lên, nhìn thẳng vào mắt bà ta mà nói:

- Chào bà!

Bà ta gật đầu.

- Hôm nay chúng tôi đến không phải để đe dọa hay trách cứ bà, mà chỉ để hỏi thêm một số điều về chồng bà và những gì bà đã làm với ông ấy và anh trai của ông ấy.

- Tôi không biết! - Bà ta đáp cụt lủn.

- Mong bà thành thật! - Tôi có làm mặt nghiêm nghị nhất có thể. - Nếu bà nói cho chúng tôi biết, nhất định tôi sẽ tìm cách giảm án cho bà xuống mức nhẹ nhất có thể!

- Các người không phải là luật sư, các người không có quyền đó!

- Nhưng tôi sẽ cố giúp đỡ luật sư của bà. Tôi có thể cung cấp thêm chứng cứ ngoại phạm để bà được khoan hồng.

- Tôi không tin! Các người chỉ đang moi thông tin của tôi để giúp ích cho các người thôi!

Đúng lúc bà ta nói câu đó, ở trong nhà giam bỗng vang lên tiếng khóc thất thanh của một người phụ nữ. Qua phân tích âm thanh giọng nói, tôi có thể đoán đó là tiếng khóc của một phụ nữ trung niên. Bà ta kêu la thảm thiết như biết mình sắp bị tử hình.

- Thả tôi ra, tôi bị oan mà.. thả tôi.. thả tôi ra đi! Chồng tôi, con tôi, tất cả đều đang ở ngoài đó..

Mặc dù âm thanh đó chỉ vọng qua ống nghe của chiếc điện thoại bên phía vợ ông Tam Khánh, tôi vẫn cảm nhận được một sự rợn người đến nổi gai ốc. Người phụ nữ chắc hẳn mới được đưa vào trại giam và không muốn xa chồng con nên mới gào khóc tới khản giọng như thế. Vậy mà, đối diện với tôi là một người phụ nữ không biết vì lý do gì mà ra tay sát hại chồng, và khi bị phát hiện thì gϊếŧ luôn người can ngăn mình lại. Hai bờ đối lập trong cùng một hoàn cảnh khiến cho tôi cảm thấy càng khϊếp sợ lòng người hơn. Không biết, nếu lúc đó không có ông Thanh Lâm ra can thì tôi sẽ còn đau khổ thế nào khi chứng kiến người bạn học cũng như người đồng nghiệp phá án cùng mình ra đi trong oan ức nữa.

- Chúng tôi không có nhiều thời gian, mong bà hãy hợp tác! - Tôi nhấn mạnh lại.

- Hừ, "hợp tác" hả? Các người tò mò động vào đồ đạc của nhà ta, khiến ta bị thành thế này đây, vậy mà các người vẫn còn liêm sỉ để đến đây hỏi ta nữa?

Tôi thở hắt ra. Nhìn qua Di đang ngồi bên cạnh, tôi nghĩ chắc nó sẽ giúp được vì nó là con gái, lại có liên quan tới vụ lời nguyền kia nên đã đưa máy cho nó để liên lạc với người nữ phạm nhân già.

Lúc đầu, tôi sợ Di sẽ không biết cách nào để thuyết phục bà ta để lấy thông tin, nhưng sau một hồi hai người trò chuyện xong và anh cảnh sát đưa chúng tôi ra tới khu vực bên ngoài, tôi mới dám hỏi Di:

- Bà ta đã nói những gì với mày vậy?

Di cười, nụ cười tỏ vẻ đắc chí:

- Mới đầu bà ta không biết tớ là ai, nhưng sau khi tớ nói rằng mình là em gái của anh Huy Anh- người đã gieo lời nguyền lên cả gia đình tớ thì bà ta không do dự mà kể cho tớ nghe tất cả sự thật đằng sau.

- Thật vậy hả?

- Đúng! Bà ta kể rằng bà ta là một thầy bùa có khả năng điều khiển những người âm. Khi anh chồng bà ta mất đi, bà đã dùng chính linh hồn của anh ta để sai khiến linh hồn đó làm những điều xấu. Tất cả những người bị nguyền rủa đều là những người trong quá khứ đã hại bà ta dù ít hay nhiều. Chồng bà vì biết được sự thật nên đã thuê một căn nhà trọ để sống tách biệt với bà. Ông ta sợ vợ mình sẽ tìm cách gϊếŧ mình nên không đề cập tới bà ta trong cuốn sách mình viết, nhưng bà ta vẫn cho linh hồn đó tới ám nhà xuất bản, buộc ông ta phải tiêu hủy bằng hết số sách bán ra thị trường. Nhưng sau cùng, vì mâu thuẫn cũng liên quan tới vụ việc kia mà bà ta đã tức giận sát hại chồng mình và tạo hiện trường giả để đánh lừa rằng ông ta tự tử..

- Nhưng còn anh trai mày thì sao? Anh ấy có liên quan gì đến bà ta?

- Anh ấy cũng bị sai khiến y như anh chồng bà ta! Sau khi anh chồng bà ta đã không còn tác dụng, bà ta liền tìm đến một linh hồn khác, vô tình lại là chính anh trai tớ, để điều khiển. Chắc cậu cũng biết rồi đấy, các thầy bùa thường chọn người âm có vía hợp với mình mà không cần biết đó từng là ai.

Nghe Di nói xong, da gà tôi nổi lên từng cục. Tôi chưa từng nghe trên đời lại có một người có khả năng điều khiển người âm siêu phàm đến thế. Những vụ án bà ta gián tiếp gây ra đều được đổ lỗi cho người âm, thành ra suốt bao nhiêu năm bà ta đều nhởn nhơ ngoài vòng phát luật, gây hoang mang cho chính người nhà nạn nhân và cơ quan chức năng.

Suốt đường từ trại giam nơi giam giữ vợ của tác giả Tam Khánh về nhà chúng tôi, trời âm u như muốn đổ những cơn mưa. Ngồi trong taxi, mắt tôi vẫn không rời trại giam, lòng bồi hồi khó tả. Tôi nhớ như in tiếng khóc của người phụ nữ đằng sau song sắt, nhớ cái nhìn bí hiểm của vợ ông Tam Khánh khi mới gặp chúng tôi và cả những sự thật mà Di vừa kể. Đặc biệt nhất vẫn là tiếng khóc của người phụ nữ mà tôi chưa thấy mặt, nghe não nề và day dứt như tiếng ai oán của những linh hồn bị chết oan trong đêm tối mù mịt của nơi ngoại ô vắng vẻ.