Nhạc Chi Dương bị dải lụa trói gô mất một lúc, suýt tí nữa thì nghẹt thở toi mạng, may mà Dương Phong Lai hành xử cũng còn chút lương tâm, trong tình huống chưa rõ ràng không muốn lạm sát người vô tội, bằng không nếu như y dùng đủ kình lực thì dẫu có mười Nhạc Chi Dương cũng bị siết chết.
Nhạc Chi Dương vừa thoát khỏi quỷ môn quan, trong lòng chưa hết hoảng sợ, lại thấy Lãnh Huyền bị thương nên càng thêm quýnh quáng. Gã một bên vừa nghĩ cách một bên giần giật chéo áo của Chu Vi. Thiếu nữ ngoảnh mặt lại nhìn, Nhạc Chi Dương nháy mắt ra hiệu, làm ra bộ dáng bỏ chạy. Chu Vi ngớ người, trỏ tay về Lãnh Huyền; Nhạc Chi Dương lắc lắc đầu, vò tai bứt tóc chỉ vào Xung đại sư, ý bảo rằng có tên sư trọc ấy giúp đỡ, Lãnh Huyền nhất định không sao.
Chu Vi nửa tin nửa ngờ, còn đang do dự, Nhạc Chi Dương đã hết nhẫn nhịn nổi, chân đạp lên mặt bàn rồi phóng tót ra khỏi cửa sổ, hai tay ôm lấy thanh cà kheo ngay bên ngoài lầu trà, tuột đánh rẹt xuống mặt đất. Chu Vi không còn lựa chọn nào khác, đành phải tung người nhảy theo, tay áo vắt lên thanh cà kheo vừa quấn vừa rịt, bồng bềnh đáp xuống đất. Lúc này bên dưới lầu trà đã tụ tập khá đông kẻ tò mò, họ chỉ trỏ lên phía trên bàn tán sôi nổi, chợt thấy hai người trẻ tuổi nhảy xuống, ai nấy đều ngạc nhiên nhìn chằm chặp, thêm vào dung mạo Chu Vi tuấn tú lạ thường, họ càng trố mắt dõi theo mãi không rời.
Dưới ánh nhìn săm soi của mọi người, Chu Vi mặt đỏ tai nóng, chẳng biết phải làm thế nào, chợt thấy lòng bàn tay bị Nhạc Chi Dương nắm chặt lấy rồi kéo cô co giò bỏ chạy.
Hai người chạy một mạch đến hơn hai dặm, Nhạc Chi Dương mệt đến nỗi thở hổn hà hổn hển, ngoảnh đầu nhìn lại Chu Vi, hai má của cô lúc này ửng hồng, sắc mặt thản nhiên như không, gã không khỏi cảm thấy lạ:
- Cô không mệt hả?
Chu Vi dẩu môi bảo:
- Chạy thêm mười dặm nữa cũng không mệt!
Nhạc Chi Dương có phần hậm hực, khẩy tay cô ra, miệng lầu bầu:
- Làm như biết võ công thì hay lắm ấy.
Chu Vi thấy gã tự ti như vậy, trong bụng cười thầm, bảo:
- Vậy thì sao nào, đây chẳng qua chỉ là một ít phương pháp hít thở trao đổi khí mà thôi, mai mốt có thời gian ta sẽ dạy kỹ cho ngươi...
Nói đến đây, cô sực nhớ ra, hôm nay chia tay sợ rằng mai này muôn trùng cách biệt, cõi lòng nhất thời se lại, ngậm ngùi cúi thấp đầu xuống.
Nhạc Chi Dương đoán ra tâm tư của cô, trong dạ cũng khó chịu vô cùng, thế nhưng vì không muốn làm mất hứng nên đành mỉm cười:
- Giờ thì khỏe re rồi, lão già họ Lãnh lúc này đang bị kẻ khác cản chân ngáng tay, chúng ta phải nhân cơ hội dạo chơi cho thiệt đã.
Chu Vi lo ngại trở về cung quá muộn sẽ dẫn đến trăm nghìn thứ rắc rối, thế nhưng sâu trong cõi lòng cô cũng thật sự không muốn rời xa Nhạc Chi Dương chút nào. Đang lúc phân vân, Nhạc Chi Dương bỗng nắm chặt lấy bàn tay nhỏ nhắn của cô với vẻ hết sức thoải mái tự nhiên. Mười ngón tay nối liền với tim, cảm giác dịu dàng đến vô cùng, Chu Vi mặt đỏ tim rung, toàn bộ do dự ngập ngừng đều vứt đi tất, chợt nghe giọng nói thầm thì của Nhạc Chi Dương vang lên bên tai:
- Chu Vi…
Tiểu công chúa ngẩn ngơ. Từ khi chào đời đến nay, trừ vài người cực kỳ thân thiết, chưa một ai dám gọi thẳng tên cô như vậy, nhưng ngữ điệu của Nhạc Chi Dương cứ ngân nga triền miên, cô nghe mà lòng dạ cứ nao nao, thân thể nóng bừng như lửa đốt. Chỉ nghe Nhạc Chi Dương tiếp tục rủ rỉ:
- Chu Vi, cái tên này không hay tẹo nào, phải sửa lại thôi.
- Cớ sao không hay?
Chu Vi dở khóc dở cười, thầm nghĩ tên tiểu tử này càng nói càng vô phép tắc, dám cả gan xuyên tạc cả tên họ của công chúa Đại Minh.
- Chu Vi, người khác nghe thấy lại tưởng nhầm là đuôi heo ấy! - Nhạc Chi Dương nói đến đây nhìn thiếu nữ cười khì khì.
Chu Vi vừa ngạc nhiên vừa bực tức, cung tay thụi gã một cái, bảo:
- Hay nhỉ, có phải trong bụng nhà ngươi vẫn thường rủa xả ta là "Đuôi heo" không?
- Có chết liền! - Nhạc Chi Dương cười toe toét chối đây đẩy: - Ta mới vừa nghĩ ra chứ bộ!
- Quỷ mới thèm tin nhà ngươi á! - Chu Vi lườm hắn, nói tiếp: - Tên họ của ta là do sư phụ đặt, trích từ một câu trong Đạo Đức Kinh: "Thị chi bất kiến danh viết Vi, thính chi bất văn danh viết Hi"(*)
(ND chú: hình như Phượng Ca có chế ở đoạn này 1 chút, nguyên văn người ta là "Thị chi bất kiến danh viết Di , thính chi bất văn danh viết Hi , bác chi bất đắc danh viết Vi" có nghĩa là mắt nhìn không thấy thì gọi là "Di", tai không nghe được thì gọi là "Hi", tay sờ không chạm thì gọi là "Vi", tác giả sửa "Di" thành "Vi" chả rõ vì đâu?)
- Mắt nhìn không thấy? - Nhạc Chi Dương lăm lăm nhìn cô với vẻ lạ lùng, bỗng nhiên gã giơ tay ra sờ lên má cô, giọng đùa cợt: - Ta không thấy cô đâu nha, ta không thấy cô đâu nha...
Chu Vi vừa né mặt đi vừa phì cười:
- Ngươi bớt nói linh tinh đi, sư phụ ta là một vị đạo sĩ đức cao vọng trọng, chữ "Vi" trong đó ám chỉ một loại cảnh giới của Đạo. Hứ, ngươi mà còn quậy nữa là ta không khách khí đâu nha.
Nhạc Chi Dương rụt tay về cười khì:
- Ta chả biết cái gì là Đạo hay không Đạo, ta chỉ biết hiện giờ ta nhìn được, sờ được; chỉ cần trông thấy cô thôi thì trong lòng đã vui lắm rồi.
Chu Vi cảm thấy xao xuyến cõi lòng, kéo lấy cánh tay Nhạc Chi Dương rồi tựa đầu lên vai của gã, thỏ thẻ bảo:
- Ta cũng vậy!
Hai người tay nắm bàn tay nhìn nhau mỉm cười, cùng sóng vai dạo bước xuôi theo bờ sông Tần Hoài. Chẳng bao lâu họ đã đến trước miếu Phu Tử, tiếc rằng ban ngày không có những màn tạp kỹ hoa đăng, lại thiếu đi các món ăn vặt tiêu khiển, Nhạc Chi Dương đành phải vừa kể vừa khoa tay múa chân, chỉ trỏ nơi nào bán tò he, tượng bột, nơi nào diễn xiếc mãi nghệ, gã lần lượt miêu tả lại hết một lượt cho Chu Vi nghe. Lần kể này khác với hồi ở trong cung, Chu Vi đích thân trải nghiệm, nghe qua lời tường thuật của Nhạc Chi Dương, vẻ nhiệt náo của buổi chợ đêm ấy dường như đang hiển hiện trước mắt. Thế nhưng nghĩ lại, lần này hồi cung cô sẽ không bao giờ được trông thấy những cảnh tượng như vậy nữa, mà kể cả sau này có chứng kiến, chỉ e người đi bên cạnh cô cũng không còn là Nhạc Chi Dương.
Chu Vi càng nghĩ càng xót xa, ngón tay khẽ siết mạnh lấy bàn tay của người con trai kề bên. Nhạc Chi Dương như cảm nhận thấy sự lạ liền quay đầu nhìn sang, khóe mi của thiếu nữ đã ửng đỏ, đôi tròng mắt nhạt nhòa đi bởi một lớp sương mờ ảo che phủ. Trái tim Nhạc Chi Dương như bị kim đâm đau nhói, gã miễn cưỡng cười gượng, giơ tay lau nước mắt cho cô, nhủ giọng:
- Khóc gì chứ, cô trở về luyện võ công cho thiệt giỏi, khi đó có thể vượt nóc trèo tường, đêm xuống lại len lén xuất cung, chúng ta chẳng phải có thể gặp nhau hay sao?
Chu Vi nghe thấy trong lòng xao xuyến không thôi, cô không ngại nguy hiểm, chỉ thấy việc này khó khăn muôn trùng, đành thở dài mà rằng:
- Khinh công luyện đến mức có thể ra vào cung cấm ít nhất cũng phải mất ba đến năm năm, tới khi đó ai biết được tình cảnh sẽ như thế nào? Biết đâu chừng ngươi đã lập gia đình, yên ấm bên vợ con, còn có thể thủng thẳng dạo bến Tần Hoài cùng ta ư?
Nhạc Chi Dương trước nay là kẻ vô tư lự, chỉ tính chuyện vui trước mắt chứ có lo xa đến tương lai bao giờ, nghe Chu Vi nói vậy liền thuận miệng:
- Ta thích tự do thoải mái, lập gia đình làm gì cho mệt?
Gã thấy sắc mặt Chu Vi buồn bã, đang muốn nghĩ cách chọc cho vô vui, nhìn quanh ngó quất, bất chợt hai mắt sáng lên, gã kéo tiểu công chúa chạy nhanh đến phía trước một quầy bán tượng đất Vô Tích(*), đề nghị:
- Như vầy đi, chúng ta làm hai pho tượng đất, một cái nặn hình cô, một cái nặn hình ta, khi nào cảm thấy nhớ thì lấy tượng đất ra nhìn cũng đỡ.
(ND chú: tượng đất Huệ Sơn vùng Giang Tô, Vô Tích là mặt hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng bậc nhất từ xưa đến nay)
Chu Vi vừa rầu lòng vừa tức cười, liếc mắt nhìn gã nghĩ thầm: "Tượng đất so làm sao với người thật chứ?" Cô chợt thấy Nhạc Chi Dương đang loay hoay lục tay khắp người, vẻ mặt hết sức lúng túng, lập tức hiểu ra chỗ khó xử của gã. Cô cho tay vào túi lấy ra một thỏi vàng lớn, mỉm cười:
- Bà ơi, bao nhiêu tiền một tượng vậy?
Bà lão nặn tượng đất nhìn chăm chăm thỏi vàng ấy, tròng mắt thiếu điều muốn lọt ra ngoài. Nhạc Chi Dương giơ tay cản Chu Vi lại bảo:
- Ta biết, năm đồng một cái, hai cái là mười đồng, bà chủ còn ngây ra đó làm gì, mau thối tiền lại đi!
Bà lão cười khổ:
- Cậu trẻ đùa già à? Thỏi vàng này ít nhất cũng được năm lạng, trị giá hơn trăm lượng bạc, dốc hết tài sản của già đây cũng còn chưa đủ bù vào phần lẻ.
Bà lão quan sát hai người, bất chợt mỉm cười:
- Già sống từng tuổi này đã thấy qua vô khối người, nhưng nhân vật khôi ngô xinh đẹp như hai vị đây thì trong vạn người cũng khó tìm được, khéo thế nào hôm nay lại gặp được một cặp, quả là vận may hiếm có. Nếu như già đây không nhìn nhầm, vị áo vàng này hẳn là một cô gái nhỉ?
Hai người thầm giật mình. Bà lão thấy sắc mặt họ như vậy biết mình đã đoán không sai, cười bảo:
- Cô cậu chớ ngạc nhiên, nếu muốn làm tượng cho ai đó thì trước hết phải quan sát hình dáng, ngó phong thái, nắm bắt được tinh thần mới có thể cho ra sản phẩm giống y đúc được. Cô nương dù cải nam trang nhưng đầu mày khóe mắt vẫn lộ ra nét duyên dáng yêu kiều, dáng vẻ đặc trưng của con gái ấy có muốn giấu cũng không giấu được đâu.
Bà lão ngừng một chút, lại nói tiếp:
- Đây là mối hàng đầu tiên trong ngày của già, hai cô cậu đã không ngại ghé xem, già cũng mong buôn bán trót lọt, thôi thì chẳng cần tiền bạc, già tặng không cho hai vị đôi tượng đất vậy!
Nhạc Chi Dương bật cười:
- Sao bà không nói sớm còn luyên thuyên như vậy làm gì. Mau nặn đi, nặn đi, thời gian của bọn ta không còn nhiều nữa!
Bà lão liếc mắt nhìn Nhạc Chi Dương, cười bảo:
- Cậu trẻ quả là thẳng thắn.
Vừa nói bà lão vừa bắt đầu nắn tượng. Ngón tay bà khéo léo, nhào lật như bay, chẳng bao lâu sau hai pho tượng đất đã thành hình tuy rằng chưa giống lắm với nguyên mẫu. Bức tượng Chu Vi nặn theo dáng dấp một người con gái, tiếp đó được bút màu tô vẽ lên, chỉ chốc lát một đôi tượng đất đã đứng liền vai, nam tuấn tú, nữ mỹ miều, nụ cười rạng rỡ, hình dáng giống hệt như hai người đang đứng trước kệ hàng.
Chu Vi nhấc lấy tượng đất, vừa vui mừng vừa ngạc nhiên, xoay tới xoay lui ngắm nghía, bà lão vội nói:
- Đất ẩm còn chưa khô, hãy nhẹ tay một chút kẻo hỏng đấy!
Chu Vi mỉm cười, đặt thỏi vàng lên kệ hàng:
- Bà ơi, không cần thối lại đâu.
Rồi không đợi cho bà lão kịp trả lời, cô kéo lấy tay Nhạc Chi Dương chạy vụt đi xa. Nhạc Chi Dương hậm hực:
- Thỏi vàng bự như vậy, chả phải có lời cho bà ta quá à?
Chu Vi mỉm cười:
- Hai pho tượng đất này đáng giá nghìn vàng đấy. Trong cung của ta cũng có không ít tượng đất nhưng chẳng cái nào bì được với hai pho tượng này đâu.
Nhạc Chi Dương liếc mắt nhìn cô, chép miệng:
- Ta quên mất, cô là công chúa Đại Minh, cả thiên hạ này đều là của nhà cô, một thoi vàng thì bõ bèn gì nhỉ?
Gã nói đến đây, chợt thấy Chu Vi u uẩn không vui, bèn chữa lời:
- Ta nói bậy rồi! À phải, cô có muốn xem Linh Đạo Thạch Ngư hay không?
Chu Vi nghe thấy câu này liền quên cả buồn bực, cười tươi rói:
- Thạch Ngư là có thật à? Trên lầu trà ta còn ngẫm nghĩ không biết tên lương lẹo nhà ngươi liệu có đang lừa gạt hay không? Nói năng thì có vẻ hợp lý rõ ràng lắm, thật ra toàn là chuyện bịa!
Nhạc Chi Dương bật cười:
- Thạch Ngư đang ở gần đây, ta cũng chưa từng trông thấy lần nào, đột nhiên nhớ ra thôi thì đi xem thử cũng hay!
Gã vừa nói vừa tiến đến gần vườn lê, trông thấy trên cửa có dán niêm phong của phủ Ứng Thiên, đằng trước vắng teo không có lấy một bóng người. Nhạc Chi Dương đoán rằng nhất định đêm đó do có quá nhiều người chết, đánh động đến quan phủ, nên họ mới phong tỏa khuôn viên này lại. Thêm vào khu vườn này bốn mặt là tường bao, không thể đường hoàng bước vào, cho nên gã dẫn Chu Vi đi vòng vào phường hát thông qua con hẻm nhỏ ở phía sau. Trong hẻm vắng tênh, hai người men theo gốc cổ thụ lớn mà nhảy vào bên trong sân vườn.
Băng ghế bên trong nằm ngổn ngang lăn lóc, sân khấu vẫn đổ sập như cũ, những vệt máu lốm đốm trên nền đất đã khô quánh lại thành màu đen, bốn bên cỏ cây um tùm rậm rạp toát ra một vẻ âm u tịch mịch. Chu Vi nhớn nhác hỏi:
- Đây là nơi nào? Sao lại rùng rợn như vậy?
Nhạc Chi Dương trả lời:
- Đêm mà ta vào cung, Trương Thiên Ý đã gϊếŧ không ít người tại đây!
Chu Vi ồ một tiếng như hiểu ra:
- Đây chính là phường hát mà ngươi từng kể đấy à?
Nhạc Chi Dương gật đầu xác nhận:
- Chính nó!
Gã xác định phương hướng rồi tiến mấy bước về phía Đông Nam, đến bên một góc tường, đoạn quay về phía Chu Vi ngỏ ý muốn mượn bảo kiếm của cô rồi bắt đầu đào xới. Đào sâu độ hơn ba thước rồi mà vẫn chưa thấy gì, Nhạc Chi Dương thầm nghi ngờ: "Lẽ nào Triệu Thế Hùng nói xạo, đến chết còn giở trò bỡn cợn mình?"
Còn đang ngẫm nghĩ, chợt nghe "keng" một tiếng, mũi kiếm chạm vào một vật bằng kim loại. Trái tim Nhạc Chi Dương thót lên, vội vã xới tung bùn đất, đào lên một cái rương được quấn kỹ bằng giấy dầu. Chu Vi đứng bên quan sát cũng cảm thấy hồi hộp không kém. Nhạc Chi Dương nhấc chiếc rương lên, xé mở lớp giấy dầu, chỉ thấy bên trong là một cái rương sắt nhỏ rộng chừng hai thước vuông, trên nắp đã bị khóa kín. Chu Vi đang định tìm chìa khóa thì Nhạc Chi Dương đã vung kiếm xuống chặt đứt đoạn ổ khóa. Mở rương ra, bên trong là lớp ngớp lụa vàng bao bọc dày cộm; dạt bỏ đám vải lót ấy, đập vào mắt hai người là một con cá bằng đá xam xám.
Trông hình dạng của con cá đá này hóa ra là loài cá chép, dài chừng một thước năm tấc, bề ngang hơn tám tấc, vẩy-vây-mang-đuôi hoàn chỉnh đâu ra đấy, đôi tròng mắt cá ngây dại thiếu sức sống. Điều kỳ lạ là trên tròng mắt và vảy cá đều có ghi những dòng chữ nhỏ li ti, nét viết chỉnh chu mạnh mẽ. Nhạc Chi Dương buột miệng lẩm nhẩm:
- Sa kê đà lực sa thức, sa hầu gia lạp lạm...
Chu Vi sốt ruột hỏi:
- Ngươi thầm thì gì đó?
Nhạc Chi Dương đưa Thạch Ngư cho cô, bảo:
- Trên cá có ghi chữ!
Chu Vi đón lấy ngắm nghía, trầm tư một thoáng rồi chợt phì cười:
- Nhạc Chi Dương, ngươi đọc sai bét rồi!
Nhạc Chi Dương cãi:
- Sao lại sai, mấy chữ này ta đều biết cả mà!
Chu Vi lắc đầu nói:
- Không phải là sai chữ mà là thứ tự đọc không đúng! Phải đọc như thế này này!
Cô ngừng một chút rồi bắt đầu nhẩm:
- Sa đà lực, sa thức, kê thức, sa lạp, sa hầu gia lạm, sĩ lực kiến, bàn thiệm, kê thức...
Giọng nói của cô thánh thót êm tai, Nhạc Chi Dương sốt ruột xen ngang:
- Sao nghe là lạ thế nhỉ, có nét gì đó tựa như, tựa như...
Chu Vi mỉm cười:
- Tựa như khúc nhạc phải không?
Nhạc Chi vỗ trán bảo:
- Không sai, đúng là tựa như khúc nhạc!
Chu Vi gật gù bảo:
- Đừng thấy lạ, đây chính là nhạc phổ!
Nhạc Chi đờ người một thoáng rồi cười sằng sặc:
- Cô cứ đùa, nhạc phổ ta từng xem qua cả trăm cả vạn, chả lẽ lại không nhận ra hay sao? Chiếu theo Thập Nhị Luật của Hoàng Đế thì phải là hoàng chung, lâm chung, thái thốc, nam lữ, cô tẩy, ứng chung, nhuy tân, đại lữ, di tắc, giáp chung, vô xạ, trọng lữ. Còn nếu án theo thanh luật ngũ hành thì phải là cung, thương, giốc, chủy, vũ, biến cung, biến chủy! Mấy thứ tầm xàm bá láp này thuộc loại âm luật nào?(*)
(ND chú: chỗ này phải giải thích rõ, theo âm nhạc cổ TQ có: ngũ thanh và thập nhị luật.
- Ngũ thanh gồm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ tương ứng với Fa, Sol, La, Do, Re. Sau này, Văn Vương thêm hai dây phụ là Biến Cung và Biến Chủy ứng với Mi, Si; thành ra bản âm luật giống với phương Tây.
- Thập Nhị Luật: sách Lã Thị Xuân Thu có ghi Hoàng Đế lệnh cho Linh Luân chế ra Thập Nhị Luật. Linh Luân đến vùng Đại Hà phía tây Côn Luân, dùng 12 đoạn sáo trúc phỏng theo tiếng kêu của một cặp phượng hoàng, trong đó 6 ống dựa theo tiếng chim trống gọi là lục dương luật (hoàng chung, thái thốc, cô tẩy, nhuy tân, di tắc, vô dịch), 6 ống theo tiếng chim mái là lục âm lữ (lâm chung, nam lữ, ứng chung, đại lữ, giáp chung, trọng lữ). Linh Luân đem 12 ống sáo về dâng Hoàng Đế, sau phổ biến ra dân gian, gọi là Thập Nhị Luật)
- Chẳng trách ngươi không nhận ra! - Chu Vi thở dài một hơi, chăm chú nhìn Thạch Ngư đến xuất thần: - Người nhận biết khúc phổ này trên đời cực kỳ hiếm hoi, trong số người mà ta biết chỉ có anh Thập Thất là có khả năng ấy. Mấy chữ này chính là nhạc phổ không sai, chỉ có điều nó không phải nhạc phổ của Trung Thổ mà thôi!
Nhạc Chi Dương thắc mắc:
- Không phải của Trung Thổ, vậy nó thuộc về nước nào?
Chu Vi nói:
- Nhạc phổ này kêu là Hán phổ Quy Từ, vốn là nhạc phổ thời xa xưa của nước Quy Từ(*), từ khi nước Quy Từ diệt vong, nhạc phổ của họ cũng thất truyền, mà cho dù không thất truyền cũng bị các nhạc sư nổi tiếng đời trước chuyển hóa thành chính âm của Trung Hoa. Thêm vào đó, Hán phổ Quy Từ này có chỗ khác biệt so với nhạc phổ Quy Từ cổ; Quy Từ cổ sử dụng ngôn ngữ Quy Từ, còn ở đây dịch thẳng cách phát âm trong ngôn ngữ Quy Từ sang ngôn ngữ Hán, cho nên nhìn qua thì thấy toàn là chữ Hán cả. Trên Thạch Ngư, những chữ này nằm trên nằm dưới, thẳng ngang nghiêng lệch, không theo thứ tự nào, nếu không am hiểu nhạc phổ Quy Từ cổ thì chắc chắn không biết làm sao phân tách, giống như ngươi vừa nhìn qua ban nãy, đọc lên cứ loạn cào cào, cho dù có toe mắt ra nhìn cũng không thể biết đây chính là nhạc phổ!
(ND chú: Theo Hán thư, Quy Từ hay Khâu Từ là nước lớn nhất trong 16 nước Tây Vực, là một vương quốc Phật Giáo, nay thuộc địa phận Tân Cương, Trung Quốc. Âm nhạc Quy Từ rất phổ biến tại Trung Quốc vào thời nhà Đường, đặc biệt là đàn luýt đã trở nên phổ biến với cái tên tì bà. Đất nước này đã trải qua nhiều phiên thống trị, từ thời Đường cho đến Thổ Phồn, Hồi Cốt... - trích Wiki)
Nhạc Chi Dương vừa ngạc nhiên vừa thán phục, hỏi:
- Vậy sao cô lại nhận ra?
- Cũng nhờ trùng hợp mà thôi! - Chu Vi mỉm cười: - Anh Thập Thất và ta đều là những con nghiện âm nhạc. Ảnh là thân con trai, tiện lợi ra vào cung đình hơn ta, lại là Phiên Vương của nước lớn, tiền bạc rủng rẻng dư xài. Ảnh chẳng những mê mẩn thu gom nhạc cụ cổ đại mà còn thích thú sưu tập nhạc phổ thời xưa, hễ phát hiện ra bản phổ cổ nào là không tiếc vung tiền mua bằng được, dần dà đã tích đầy hai kệ sách cổ khổng lồ. Ảnh biết là ta có cùng sở thích cho nên cứ tìm được một bản phổ cổ là sẽ chép ra một bản sao tặng ta, trong số đó có rất nhiều phiên bản từ các tộc Khiết Đan, Nữ Chân, Tây Hạ, Mông Cổ, còn có cả văn tự của Bát Tư Ba(*), những thứ này đều không làm khó được chúng ta, duy chỉ có một bản phổ thư cũ kỹ ố vàng, chỉ còn sót lại phân nửa cuốn, ta đọc cách gì cũng không tài nào nhận ra được. Anh Thập Thất hỏi khắp các vị nhạc sư uyên bác cũng không ai biết rõ. Thế nhưng quan sát tranh vẽ đàn tì bà bên trong sách, cho thấy nó rõ ràng xuất xứ từ nước Quy Từ cổ đại, vì thế anh Thập Thất ngờ rằng khúc phổ này có liên quan đến người Quy Từ. Vào thời kỳ Thịnh Đường, âm nhạc của Quy Từ phổ biến khắp Trung Thổ, không một quốc gia nào có thể sánh được. Tiếc thay, ngôn ngữ Quy Từ đã sớm bị thất truyền, bản nhạc phổ này toàn bộ đều là chữ Hán. Anh Thập Thất nghiền ngẫm suốt mấy năm trời mà không thu được kết quả gì, mãi đến năm trước mới xuất hiện bước ngoặc mới.
(ND chú: Bát Tư Ba hay Drogön Chögyal Phagpa (1235–1280) – nhà lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng ở Tây Tạng, đóng vai trò cố vấn chính trị quan trọng cho Hốt Tất Liệt thời Mông Cổ)
Nhạc Chi Dương vội hỏi:
- Tìm ra người biết khúc phổ này à?
Chu Vi lắc đầu:
- Không phải, nhưng ông trời không phụ lòng người, anh Thập Thất tìm ra một bản sách, bản sách này vốn nằm trong cung đình Mông Nguyên, sau khi Mông Nguyên đại bại, nó được hoàng đế triều Nguyên mang ra tái ngoại. Năm Hồng Vũ thứ hai mươi mốt, đại tướng quân Lam Ngọc đại phá quân Nguyên ở Bộ Ngư Nhi Hải, gom giữ được rất nhiều đồ vật, ngoài kim châu ngọc báu ra còn có một kiện sách vở. Sau khi về hoàng cung, đa số sách vở ông ta đều nộp lại cho triều đình, nhưng không hiểu vì lý do gì ông ta giếm lại một vài quyển, trong đó có một bản sách lạ, từ bìa đến trang sách đều ghi chép bằng loại chữ Hán phổ Quy Từ này, nhưng vì không thể hiểu được, Lam Ngọc cứ đinh ninh rằng mình đang cất giữ một bí mật quan trọng nào đó. Ông ta vốn là một trang võ biền oai vệ nên chẳng thèm để tâm tìm hiểu mà chỉ cất giấu mình ênh trong bí khố của phủ. Năm Hồng Vũ thứ hai mươi sáu, Lam Ngọc mưu đồ tạo phản, người bị gϊếŧ sạch, nhà cũng bị tịch biên. Trùng hợp làm sao, anh Thập Thất tham gia thụ lí vụ án này nên mới có được bản phổ thư ấy. Ảnh như bắt được vàng, lập tức mang về phủ nghiên cứu, bất ngờ phát hiện ra ở giữa nêm sách có một mẩu giấy nhỏ thuật lại rõ ràng cách phiên dịch Hán phổ Quy Từ. Việc này vốn là nỗi canh cánh lớn trong lòng hai người bọn ta, anh Thập Thất vừa phát hiện ra lập tức thông báo cho ta ngay đêm hôm đó. Thế nên, ta vừa nhìn thấy mấy chữ này liền nhận ra ngay!
Nhạc Chi Dương thắc mắc:
- Phiên dịch thế nào vậy?
- Kể ra cũng đơn giản! - Chu Vi ngừng lại một chút, lại tiếp: - Nếu không biết cách dịch, một trăm năm cũng đừng mong nghĩ ra. Biết được cách dịch rồi, ta nói một lượt ngươi sẽ hình dung ngay thôi.
Cô ngồi thụp xuống, nhặt lấy một hòn đá nhọn, vừa giảng giải vừa ghi:
- Sa đà lực chính là lâm chung, cung thanh; kê thức là nam lữ, thương thanh; sa thức là ứng chung, giốc thanh; sa hầu gia lạm là từ hoàng chung đến biến chủy thanh của thái thốc; sa lạp là thái thốc, chủy thanh; bàn thiệm là cô tẩy, vũ thanh; sĩ lực kiến là từ trọng lữ đến biến cung của lâm chung, lần lượt dịch lại tự nhiên sẽ trở thành một khúc nhạc!
Nhạc Chi Dương ngây phỗng ra nhìn hàng chữ trên mặt đất, mãi một lúc sau mới thở dài:
- Chả trách nhiều năm qua như vậy vẫn chưa một ai có thể phá giải bí mật của Thạch Ngư. Ấy nhưng, giải được rồi thì sao? Những thứ ghi chép trên Thạch Ngư vốn là nhạc phổ, chẳng chút can hệ gì đến võ công! Con trai của Trương Sĩ Thành chết lãng xẹt, Triệu Thế Hùng chết vô nghĩa, cả đám đạo sĩ của Huyền Thiên quán cũng nằm xuống vô ích.
- Như vậy chẳng phải càng tốt hay sao? - Chu Vi vỗ tay cười: - Võ công là đạo sát nhân, âm nhạc là cách làm người ta vui vẻ, so ra âm nhạc tốt hơn võ công cả trăm lần. Vị tiền bối Linh đạo nhân ấy ắt hẳn là một bậc thầy về âm nhạc, tiếc là ta sinh sau đẻ muộn cả trăm năm không thể gặp gỡ được ông ấy!
- Muốn gặp lão ấy cũng dễ thôi mà!
Một giọng nói chợt đâu vang đến, đặc biệt chói lói trong không gian tĩnh mịch. Hai người đồng loạt bật dậy, quay đầu lại nhìn, chỉ thấy Trương Thiên Ý mặt mày cười âm hiểm, lách người ra khỏi một tàng cổ thụ cao lớn, trừng mắt nhìn hai người bảo:
- Người chết đều về cõi U Minh, để ta tiễn hai ngươi một đoạn, đến địa phủ U Minh rồi, hai ngươi chẳng phải sẽ được gặp Linh đạo nhân ư?
Chu Vi chỉ cảm thấy tay chân lạnh cóng, lật đật rút trường kiếm ra, thét lên:
- Nhạc Chi Dương, ngươi trốn trước đi!
Nhạc Chi Dương nhíu mày, cao giọng nói:
- Trốn cái gì mà trốn!
Nói đoạn, gã giơ tay ra nắm chặt lấy bàn tay Chu Vi. Chu Vi liếc nhìn gã, chỉ thấy khóe môi gã ngậm cười, hoàn toàn không vương chút sợ sệt, lòng cô phút chốc vừa cảm thấy ngọt ngào vừa cảm thấy sốt ruột, hận không thể hóa thân thành thần tiên, dùng phép dịch chuyển mang gã đi xa thật xa cho rồi.
Trương Thiên Ý không cam lòng để cho Lãnh Huyền lấy được Linh Đạo Thạch Ngư, lại biết rõ Nhạc Chi Dương nói điêu, Thạch Ngư tất nhiên không ở trong Tử Cấm Thành, sớm muộn gì Lãnh Huyền cũng xuất cung đi lấy nó, vì thế hắn một mặt phao tin cho Đông Đảo Tam Tôn đến ngay kinh thành, mặt khác lẩn vào vùng phụ cận của Tử Cấm Thành do thám, một khi thấy Lãnh Huyền rời khỏi cung liền lập tức gởi bồ câu đưa thư báo cho Tam Tôn, xúi giục hai bên đánh nhau một trận, còn mình đứng nép một bên làm ngư ông đắc lợi. Hắn thấy hai người Nhạc Chi Dương nhảy khỏi lầu trà, vốn muốn một mẻ bắt gọn, thế nhưng nghĩ lại chi bằng tương kế tựu kế, cứ để cho bọn họ lấy được Thạch Ngư trước, sau đó mình lại ra tay tước đoạt cũng không muộn.
Nghĩ thế, hắn bèn bám theo hai người từ đằng xa cho đến khi Nhạc Chi Dương đào được Thạch Ngư ra khỏi lòng đất. Chữ viết trên Thạch Ngư, Trương Thiên Ý đã sớm xem qua từ mấy năm trước nhưng lại không hiểu hàm nghĩa bên trong, ban nãy nghe hai người nghị luận, trong lòng hắn sinh ra hiếu kỳ, liền lẳng lặng đứng một bên nghe ngóng. Nghe đến đoạn Chu Vi nói ra lai lịch của mấy chữ này, trong bụng hắn thoạt tiên là nóng hầm hập, sau vỡ ra đó chẳng qua chỉ là một khúc nhạc lại cảm thấy nguội lạnh vô cùng, cứ lúc nóng lúc lạnh trộn lẫn như thế, cuối cùng nhịn hết nổi bèn xông ra gϊếŧ người đoạt Thạch Ngư.
Trông thấy bộ dáng của hai người lúc này, Trương Thiên Ý bất chợt cười gằn:
- Hóa ra là một đôi uyên ương liền cánh, tuổi nhỏ như vậy mà cũng có tình có nghĩa. Thôi được rồi, nể chút tình nghĩa này, ta sẽ cho bọn ngươi lên đường thật sung sướиɠ!
Chu Vi đang muốn mở miệng mắng trả, thế nhưng cổ họng khô khốc, cô chợt hẩy Nhạc Chi Dương ra, tay bắt kiếm quyết, mỉm cười bày ra tư thế.
- Dịch Tinh Kiếm? - Trương Thiên Ý mặt mày đằng đằng sát khí: - Ngươi cũng là đồ đệ của Tịch Ứng Chân à? Hay lắm, lần trước ta còn chưa so tài xong với Yến Vương, hôm nay lại có thể tiếp tục rồi!
Nói đoạn hắn tuốt kiếm ra. Nhuyễn kiếm của hắn đã bỏ lại Tử Cấm Thành, thanh kiếm này hắn vừa mới mua được, tuy không dễ sử dụng như nhuyễn kiếm nhưng để đối phó với đôi thiếu niên nam nữ này thì vẫn dư sức qua cầu.
Chu Vi từ khi luyện thành kiếm thuật đến nay chưa từng gặp được cao thủ chân chính, nhát thấy Trương Thiên Ý rút kiếm, bất giác cả người run rẩy, tinh thần căng thẳng tột độ, trong bụng niệm thầm yếu quyết của "Dịch Tinh Kiếm", trợn mắt mím môi nhìn đối thủ vẻ như ngây dại đi.
Trương Thiên Ý kinh qua bao trận chiến, vừa quan sát thấy thần thái của Chu Vi, biết ngay cô chỉ là tay mơ vừa xuất đạo. Hắn cười thầm trong bụng, đang muốn ra tay, chợt nghe Nhạc Chi Dương hét lên:
- Từ đã!
Đưa mắt nhìn lại, thằng nhóc nọ không biết từ khi nào đã nắm sẵn một hòn đá trong tay hướng vào Linh Đạo Thạch Ngư, cao giọng quát:
- Trương Thiên Ý, ngươi muốn cá sống hay cá chết?
Cõi lòng Trương Thiên Ý chùng xuống đôi chút, hắn cười lạnh:
- Thế nào là cá sống, cá chết?
Nhạc Chi Dương cười đáp:
- Cá sống là đá còn nguyên vẹn, cá chết chính là một hòn đá vỡ vụn, ngươi mà ra tay ta sẽ đập nát Thạch Ngư, xem như cá chết lưới rách thôi!
Nghe nói đến đây, thù mới hận cũ cùng lúc trào lên trong lòng Trương Thiên Ý, hắn trợn mắt nhướng mày đanh giọng quát:
- Tiểu súc sinh, ngươi dọa ai đấy? Chuyện bịp ta vào cung, ta còn chưa tính sổ với ngươi, hôm nay mà không xẻo thịt ngươi từng kiếm một, ta thề không mang họ Trương!
Nhạc Chi Dương tiện miệng tiếp lời:
- Không họ Trương thì mang họ Nhạc cũng được, ta đây đang thiếu một thằng cháu chắt để bưng bô đấy!
Trương Thiên Ý giận bầm gan tím ruột, Nhạc Chi Dương thì lại không biết chết sống, tiếp tục thao thao:
- Làm cháu chắt của ta thì tên cũng nên sửa lại, hai chữ Thiên Ý không hay, nghe cứ như một tên phản tặc vậy. Í, hay kêu là Vượng Tài đi, vừa may mắn vừa thân thiết. Trương Thiên Ý, à không, Nhạc Vượng Tài, ngươi nói như vậy có được không nào?
Gã chết đến nơi còn cả gan chế nhạo đối thủ, Trương Thiên Ý nghiến răng nghiến lợi, điên tiết đến mức cười gằn lên:
- Tiểu súc sinh, đoán xem kiếm đầu tiên của ta xẻo vào nơi nào của ngươi?
Nhạc Chi Dương cười khì khì:
- Đương nhiên là đầu lưỡi của ông nội nhà ngươi rồi.
Trương Thiên Ý bị gã nói toạc ra tâm tư, tạm thời không thể phản bác, đành nghiến răng cười lạnh, chỉ nghe Nhạc Chi Dương nói tiếp:
- Sao vậy? Nhạc Vượng Tài, ngươi có còn muốn Thạch Ngư hay không? Nếu muốn Thạch Ngư thì thu kiếm về rồi ngoan ngoãn chừa cho ông bà nội nhà ngươi một lối đi!
Chu Vi đang nóng ruột, nghe thấy câu này, chỉ cảm thấy quái quái:
- Ông nội, bà nội là ai?
Nhạc Chi Dương cười tủm tỉm:
- Ta là ông nội, còn cô đương nhiên là bà nội!
Chu Vi vừa giận vừa thẹn:
- Nói xằng, ai... ai là bà nội hắn chứ!
Nhạc Chi Dương mỉm cười, giương mắt nhìn Trương Thiên Ý, bảo:
- Sao nào? Hai tính mạng đổi lấy một viên Thạch Ngư, tính ra ngươi cũng đâu có lỗ!
Mặt mày Trương Thiên Ý tái xanh, thầm nghĩ con gái của Chu Nguyên Chương thì chẳng kể làm gì, còn cái mạng quèn của tên tiểu súc sinh nhà ngươi thì đến cái vảy cá cũng không đáng, dạ bỗng nảy ra ý xấu bèn lên tiếng:
- Thôi được, ngươi đưa Thạch Ngư qua đây, ta sẽ thả các ngươi đi.
- Ngươi lừa con nít hả?
Nhạc Chi Dương giơ hòn đá lên cao hơn:
- Đợi bọn ta rời khỏi phường hát rồi, ra đến đường lớn sẽ đưa nó lại cho ngươi!
Gã vừa nói vừa nghĩ bụng: “Ra đường lớn rồi nói không chừng sẽ chạm mặt Lãnh Huyền, Trương Thiên Ý trông thấy lão thái giám nhất định là cắp đít bỏ chạy.”
Trương Thiên ý xụ mặt suy nghĩ, chợt gật đầu nói:
- Được, cứ làm như vậy đi!
Nhạc Chi Dương không ngờ sự việc lại dễ dàng đến thế, một tay nhấc lấy Thạch Ngư, một tay nắm chặt hòn đá, mỉm cười bảo:
- Vậy bọn ta sẽ đi từ cổng chính, ngươi chớ có đi theo đấy!
Trương Thiên Ý cười trừ không đáp, bất chợt hắn giơ tay lên, hét vang một tiếng:
- Xem châm!
Chu Vi trong lòng lạnh toát, theo ý thức giơ kiếm lên phòng thủ, nào ngờ Trương Thiên Ý giương đông kích tây, một cơn gió ập đến, ánh kiếm nháng lên xỉa thẳng vào yết hầu Nhạc Chi Dương. Chu Vi không quản thân mình, trở tay thọc ra một kiếm, dè đâu Trương Thiên Ý lại giả hư chiêu, hắn lật tay quét kiếm về phía cổ tay Nhạc Chi Dương, định bụng chém rụng cả bàn tay đang cầm Thạch Ngư của gã.
Chu Vi đặt tất cả tâm tư lên trên mũi kiếm, thấy thế không kịp nghĩ ngợi nhiều, kiếm phong cũng theo đó hạ thấp xuống, chỉ nghe một tràng "rổn rảng" vang lên, hai người nhanh chóng trao đổi liên tục sáu chiêu như gió táp mưa sa.
Trương Thiên Ý hoàn toàn bất ngờ, hắn giả vờ tung ra hai chiêu liên tiếp, vốn dĩ đã chắc cú, nào ngờ Chu Vi ra tay sau mà đến sớm, luôn luôn có thể đoán trước mà gạt đi trường kiếm của hắn. Đổi lại là trước đây, Trương Thiên Ý bỏ phòng thủ tập trung tấn công, chỉ cần vài chiêu là có thể công phá màn kiếm của Chu Vi, nhưng ngày đó hắn bị Lãnh Huyền gây thương tích, nội thương vẫn chưa lành lặn, mới múa một vòng kiếm thôi thì ngực đã đau tức âm ĩ. Hắn sợ kích động đến vết thương nên đành tung người nhảy ra, chằm chằm quan sát Chu Vi với vẻ nghi hoặc.
Chu Vi đứng tại nơi đó, cánh tay cứng đờ bất lực, trong đầu là khoảng trống mênh mông, càng không rõ sáu chiêu kiếm vừa rồi cô đã tiếp đỡ như thế nào.
Mình mẩy Nhạc Chi Dương cũng toát mồ hôi lạnh, gã giận dữ quát:
- Trương Thiên Ý, ngươi không muốn Thạch Ngư nữa hay sao?
Trương Thiên Ý hừ lạnh:
- Vừa rồi các ngươi chẳng bảo, chữ viết trên Thạch Ngư chẳng qua chỉ là khúc nhạc thôi sao? Xì, ta cần nó để làm gì chứ?
Nhạc Chi Dương vốn nhanh trí nghĩ ra kế sách dùng Thạch Ngư để bảo toàn tính mạng trong lúc cấp bách, hoàn toàn không ngờ bên trong còn có điều cắc cớ như vậy nên nhất thời ngay ra như phỗng. Trương Thiên Ý điều hòa nhịp thở, lại xốc kiếm xông lên, Chu Vi thoáng ổn định lại tinh thần, nhớ đến ban nãy cô liên tiếp phá giải chiêu thức cay độc của đối phương, đủ thấy kiếm pháp mà sư phụ truyền dạy cho mình là hết sức cao minh. Nghĩ như vậy, cô cảm giác thêm phần tự tin, lại trao đổi thêm mấy chiêu, chỗ kỳ diệu trong Dịch Tinh Kiếm bắt đầu bộc lộ ra.
Hai người động tác mau lẹ, bóng kiếm xoay mòng mòng, nhớp nhoáng hệt như rắn mổ, mũi kiếm vừa tung đến đã vội thu về đến nỗi không kịp chạm nhau. Trương Thiên Ý càng đấu càng kinh ngạc, thầm nghĩ tương lai con bé này mà học thêm vài chiêu kiếm của Thái Hạo Cốc, luyện cho bản thân kiêm đủ công thủ thì mấy chục năm kiếm thuật của hắn chẳng phải toi công rồi ư?
Trong lòng hắn sốt ruột, bất chấp cả nội thương, dồn chân khí vào trong trường kiếm. Lưỡi kiếm uốn thành hình cung thắt chặt lấy thân kiếm của Chu Vi, hắn quát lớn một tiếng:
- Buông!
Gan bàn tay của Chu Vi đau nhói, trường kiếm theo đó vuột ra khỏi tay.
Trương Thiên Ý cậy vào nội lực thâm hậu, gạt bay trường kiếm của đối thủ. Hắn ra tay không chút nương tình, ánh kiếm trong tay lại nháng lên, đâm về phía ngực Chu Vi.
Nhạc Chi Dương trông thấy thế thì hoảng hốt, vội giơ cao hòn đá rồi ném thật lực về phía Trương Thiên Ý. Trương Thiên ý tuy không e ngại nhưng cũng chẳng muốn để cho gã chọi trúng, vội vã phất chưởng quét ra, hòn đá lập tức bay vèo đi mất. Chu Vi lăn một vòng dưới đất, vừa định đứng dậy, Trương Thiên Ý đã ập đến, giơ kiếm đâm đến trước mặt cô.
- Trúng này!
Nhạc Chi Dương trong lúc nguy ngập liền ném đi cả viên Thạch Ngư trong tay mình. Trương Thiên Ý vốn định xua tay gạt đi, chợt liếc thấy Thạch Ngư, hắn lập tức biến chưởng thành trảo tóm gọn lấy viên đá, lại thấy Chu Vi lật người đứng lên muốn đến nhặt lấy thanh trường kiếm rơi cách đó không xa liền cười gằn một tiếng, hóa thanh kiếm thành một mũi tên phóng thẳng vào giữa lưng Chu Vi.
Mắt thấy một kiếm này sắp sửa ghim Chu Vi chặt xuống nền đất, bên người hắn đột nhiên nghe gió táp vèo vèo như có ám khí phóng đến. Trương Thiên Ý bất giác nghĩ thầm: "Thằng nhóc khiến chết!" Cứ tưởng đâu Nhạc Chi Dương lại ném đá, tay phải của hắn không ngừng lại, còn tay trái tùy ý chộp ra, nào ngờ vừa bắt lấy hòn đá, cảm giác mềm mềm dẻo dẻo, bên trong như có một luồng nội lực ồ ạt xuôi theo lòng bàn tay của hắn mà len lỏi khắp châu thân. Trương Thiên Ý lơ là khinh địch, ngay tức khắc cả người tê dại, hắn liêu xiêu nhảy sang phải, ngay cả bàn tay cầm kiếm cũng bị tác động, mũi kiếm đâm lệch đi, cắm xuống đất sát sạt người Chu Vi.
Chu Vi chỉ cảm thấy mũi kiếm sượt qua thân thể, cả người phát lạnh, lập tức không dám nghĩ ngợi nhiều, giở ra thân pháp của sư môn, tay chân cùng lúc hoạt động, bật người xoay lượn như rồng như rắn, lúc cô ưỡn người đứng lên thì trường kiếm đánh rơi ban nãy cũng đã thu về trong tay. Cô giương mắt nhìn lại, Trương Thiên Ý đang đứng ở đằng xa, trừng trừng nhìn khối đất sét trong lòng bàn tay đến xuất thần. Đang độ ngạc nhiên, chợt nghe tiếng cười khúc khích cất lên, nhướng mắt nhìn kỹ, phía đầu tường có một kẻ đang đứng trên đó, áo quần lam lũ, mái đầu hoa râm, hai tay đang ôm một hòn đất sét lớn màu trắng, vừa phủi tay vừa nheo nheo cười.
- Bà bà!
Chu Vi buột miệng hô to. Hóa ra người vừa xuất hiện chính là bà lão nặn tượng đất ban nãy, lúc này bà như thoát thai hoán cốt, nét mặt rạng ngời, dõng dạc đứng nơi đầu tường cao cao hệt như một cánh phượng tách bầy lẻ loi nhưng tràn đầy kiêu hãnh.
Bà lão mỉm cười ngó Chu Vi, ánh mắt lại dời sang Trương Thiên Ý:
- Thủ đoạn của túc hạ hiểm độc quá, ngay cả một đứa trẻ mà cũng không tha à?
Trương Thiên Ý trợn mày, quát lớn:
- Bà là ai, Trương mỗ làm gì cần bà chõ mũi vào hay sao?
Bà lão nhào nhào nắm đất sét trong tay, miệng cười bảo:
- Nói đúng lắm, già đây chẳng thích làm việc gì trừ việc chõ mũi vào chuyện người khác!
Dứt câu, bà chợt giơ tay lên cao, một luồng ánh sáng trắng lao thẳng đến giữa ngực của Trương Thiên Ý.
Trương Thiên Ý vừa bị ăn hành xong, biết rõ nội kình trong đất sét quái lạ nhường nào, vì thế hắn không dám đỡ trực tiếp mà nhấc kiếm huơ ra, quét trúng vào nắm đất sét đang bay đến. Chỉ nghe "choang" một tiếng, gan bàn tay của hắn nóng rần, trường kiếm thiếu điều muốn tuột khỏi tay. Hắn nhướng mắt lên, bà lão ấy đã rời khỏi tường đáp xuống đất, thong thả bước tới, khối đất sét trắng dẻo quánh trong tay của bà lúc dẹt lúc tròn hệt như một đám bột nhão.
Trương Thiên Ý hét lớn một tiếng, vung kiếm đâm ra. Bà lão chớp mắt mỉm cười, đôi tay chập vào trong, đất sét bỗng thay đổi hình dạng hóa thành một chiếc gậy mềm dài chừng hơn trượng, cuốn theo một trận cuồng phong quấn lên thân kiếm của Trương Thiên Ý.
Một chiêu này thật sự nằm ngoài dự đoán của Trương Thiên Ý, thế kiếm của hắn đã lỡ xuất ra, lúc này lấy làm kinh hãi, lật đật mặc cho kiếm tùy ý lao đi. Nào ngờ đất sét giữ chặt lấy thân kiếm, bên trên còn dẫn theo luồng nội kình triền miên của bà lão. Giữa lúc khẩn cấp, hắn chẳng có cách nào thoát được, còn đang kinh sợ thì một đầu của gậy mềm đã vụt đến hệt như sấm sét. Trường kiếm của Trương Thiên Ý bị khống chế, hắn lại chẳng tiện buông kiếm, đang ngập ngừng thì gậy mềm đã quất bộp một phát trúng vào má trái.
Một gậy này vừa nặng vừa đau, Trương Thiên Ý suýt nữa thì ngất lịm. Nhưng hắn gặp nguy không hoảng loạn, nội lực trên tay phóng ra ngoài đẩy bật luồng nội kình triền miên kia đi, đợi cho nội kình của đối phương rút đi khỏi lại gấp rút thu hồi vào trong cơ thể mình. Giữa lúc thu phóng ấy, hắn đã tranh thủ đoạt kiếm trở về rồi cố gắng nhảy vọt ra đằng sau, chỉ cảm thấy nửa đầu đờ đẫn mất tri giác, miệng mồm thoảng vị ngọt tanh như ngậm vật gì đó cưng cứng bên trong; hắn há miệng nhổ toẹt, hai chiếc răng kèm theo dịch máu bầy nhầy theo đó rơi ra ngoài.
Trương Thiên Ý cảm thấy hoảng sợ, nhủ thầm nếu không nhờ thần công hộ thể, một gậy kia chắc đã đập vỡ đầu hắn rồi. Nhìn bà lão kia lần nữa, gương mặt bà ta vẫn tươi cười, gậy mềm trong tay lại hóa ra một khối đất sét trắng, tiếp tục bị vò nắn trong lòng bàn tay. Trương Thiên Ý nhớ đến tình hình ban nãy, lại quan sát dung mạo bà lão, một ý nghĩ bỗng thoáng qua trong đầu, buột miệng hỏi:
- Bà... Bà là người đến từ đằng tây à?
- Đằng tây? - Bà lão cười khanh khách nhìn hắn: - Đằng tây nào chứ?
Trương Thiên Ý nổi sùng:
- Ngoại trừ núi Côn Luân ra còn nơi nào nữa?
Bà lão liếc nhìn hắn, gật đầu xác nhận:
- Xem như ngươi cũng có chút kiến thức, Phi Ảnh Thần Kiếm của ngươi được nhà họ Vân chân truyền, ngoài ra còn có Phi Ảnh Tử Kiếm, Kính Hoa, Thủy Nguyệt, Mộng Điệp, Không Huyễn, ngươi lớn từng này tuổi rồi mà sao vẫn giậm chân luẩn quẩn ở tầng thứ nhất vậy?
Trương Thiên Ý mặt mày nóng ran, hắn là đệ tử đích truyền của đảo vương Vân Hư, tiếc thay tính tình nham hiểm, lòng dạ hẹp hòi, cho nên tu vi kiếm đạo chỉ dừng ở "Kính Hoa Kiếm", phần sau khó mà tiến thêm bước nào nữa. Vì lẽ đó, hắn mới quyết tâm tìm ra Linh Đạo Thạch Ngư với mong muốn mở ra một hướng đi mới, hóa giải tình cảnh khốn cùng này.
Câu nói của bà lão đã chạm vào nỗi đau của hắn, Trương Thiên Ý thẹn quá hóa giận, hét lên:
- Đến từ đằng tây thì đã sao? Mau khai tên họ ra, kiếm của Trương mỗ không gϊếŧ kẻ vô danh!
Bà lão cười bảo:
- Ta họ Thu!
Nói xong im bặt. Trương Thiên ý hai mắt trợn trừng, thất thanh la lên:
- Bà... Bà là Địa Mẫu Thu Đào!
Bà lão gật gù:
- Không ngờ còn có kẻ nhớ đến tên của ta!
Trương Thiên Ý cảm thấy hết sức bối rối, người này là chủ nhân một Bộ, nếu hắn không bị thương có lẽ còn miễn may ứng phó được chút đỉnh, giờ đây nội thương chưa lành, đánh tiếp thì rõ là nguy hiểm khôn lường. Nhưng cung đã lên giàn không thể không bắn, hắn nghiến răng bỏ Thạch Ngư vào trong chéo áo, giương kiếm lên cười khanh khách:
- Đông Đảo Trương Thiên Ý xin thỉnh giáo cao chiêu của Địa Mẫu!
Thu Đào để lộ tên tuổi cốt muốn cho hắn biết khó mà lui, nào ngờ kẻ này tính tình ngu dốt, cố chấp đến cùng, bà ngán ngẫm thở dài:
- Nói hay lắm!
Trương Thiên Ý bày ra kiếm quyết, bất động không ra tay; Thu Đào thì chỉ lo vân vê hòn đất sét, chẳng thèm liếc mắt đến hắn. Nhạc Chi Dương và Chu Vi đứng xem một bên, trống ngực cả hai đều đập thình thịch. Nhạc Chi Dương giật giật ống tay áo Chu Vi, ra hiệu nên thừa cơ đào tẩu, Chu Vi lại lắc lắc đầu, siết chặt trường kiếm đứng yên không nhúc nhích. Nhạc Chi Dương ngẫm nghĩ rồi chợt đoán ra, Thu Đào vì hai người mà lộ diện, nếu chuồn đi như vậy chẳng phải là không có tí nghĩa khí nào ư? Nhưng nói đi nói lại, kiếm thuật của Chu Vi không tầm thường còn có thể trợ giúp được một tay, bản thân gã cứ đứng đực ra ở đây thì quả là một tấm bia hứng kiếm lý tưởng.
Gã từng chính mắt trông thấy Trương Thiên Ý gϊếŧ người, vì vậy đối với kẻ này hết sức ái ngại, thêm vào việc trở lại cái nơi rùng rợn thế này, nghĩ đến cảnh người chết la liệt ở đây, nhất định sẽ lẩn khuất không ít oan hồn lệ quỷ. Nghĩ thế, sống lưng gã trở nên lạnh toát, bèn đưa mắt dáo dát dòm xung quanh nhưng không gian vẫn một mực im lìm vắng vẻ, nhờ đó bụng dạ gã mới dần vững tâm hơn, thầm nghĩ mọi người nơi đây đều bị tên quỷ đòi nợ kia tàn sát, nếu thật sự có ma quỷ quấy phá thì cũng nên đi tìm Trương Thiên Ý mà báo oán, canh ngay lúc hắn giao thủ, đẩy lệch đi mũi kiếm của hắn, bắt hắn ăn no đòn mà chẳng thể nào chống cự lại.
Đang rủa xả trong đầu, gã chợt nghe Trương Thiên Ý khẽ hừ một tiếng, trường kiếm xuyên qua không khí đâm ra loác xoác sáu kiếm. Thu Đào chả buồn ngẩng đầu lên, thân thể như hoa mềm liễu yếu, ung dung tránh khỏi lưỡi kiếm, eo lưng mềm mại, bước chân uyển chuyển, căn bản là không giống như một bà lão đã ngoài năm chục tuổi. Mớ đất sét trong tay lại lặng lẽ biến hóa thành một chiếc gậy mềm tựa như rắn thần, lúc tấn công thoắt đầu thoắt đuôi luân phiên ứng đối, chốc chốc lại ra đòn bất ngờ. Lúc thì đầu gậy chậm rãi, rụt rè không tấn công, đuôi gậy lại như sấm giăng chớp giật, nhanh đến mức không trông rõ hình dáng; lúc thì đuôi gậy thụ động như một chú rắn con biếng nhát rụt rè, nhưng đầu gậy thì lại bừng bừng sôi sục, duỗi ra nhanh như chớp. Trương Thiên Ý hết sức e sợ luồng kình lực ếm trên đất sét, trường kiếm vừa đâm đến liền rút đi không dám va chạm cùng chiếc gậy mềm ấy.
Bà lão từng bước một dồn ép Trương Thiên Ý, chân khí dồn vào trong đất sét, khối đất ấy càng lúc càng phình ra, thoáng chốc hóa thành một cây thương ngắn màu trắng, thoáng sau lại biến ra một thanh nhuyễn kiếm phủ sương. Trương Thiên Ý thấy bà lão giở ra kiếm pháp, trong bụng cười thầm, trộm nghĩ bà già đúng là múa rìu qua mắt thợ, dám đấu kiếm với mình chẳng khác nào chuốc nhục vào thân. Hắn đang tập trung hóa giải kiếm pháp, thình lình nhuyễn kiếm hóa dài, biến thành một quả chùy to cỡ trái dưa hấu bay xẹt đến, kéo theo sau là một chuỗi xích dài ngoằn. Lạ ở chỗ sợi xích bằng đất ấy liền lạc mềm dai hệt như bên trong có luồn vào một cọng dây thừng vậy.
Biến hóa hết sức đột ngột, Trương Thiên Ý ứng phó không kịp, quả chùy đất đã bay vòng trở lại quất mạnh vào sống lưng của hắn. Trương Thiên Ý chỉ cảm thấy một cơn đau thấu buốt qua ngực, ngụm máu tươi chực tràn lên nơi cổ họng. Hắn cố gắng nhẫn nhịn, huơ kiếm chặt về phía sợi thừng đất, ngờ đâu đất sét co lại cực nhanh, lưỡi kiếm lướt sượt qua chỉ cắt được một mảnh to cỡ bàn tay. Hắn trố mắt nhìn theo, khối đất sét rút về trong tay cùa bà lão bỗng hóa thành một cây gậy mềm hình đuôi hổ, nửa nhanh nửa chậm đập bổ lên đầu hắn.
Trương Thiên Ý cố sức nhảy đi, nhưng chỉ kịp tránh phần đầu, bả vai không thoát được liền ăn trúng một gậy, tức thì đau đến thấu xương cốt. Trương Thiên Ý lần này hết chịu nổi, một bún máu tươi phun vèo ra khỏi miệng. Thu Đào thấy hắn ói máu thì khẽ ngây ra rồi kêu lên:
- Ôi chao, nhà ngươi bị thương à?
Trương Thiên Ý thầm nghĩ nếu còn nấn ná lại thì hôm nay khó mà toàn mạng, trong lúc khẩn cấp bèn vung tay lên, Dạ Vũ Thần Châm liền xuất hiện trên đầu ngón tay. Sau trận chiến ở Tử Cấm Thành, số kim châm của hắn còn lại không nhiều, vì vậy nếu không phải cùng cực bất đắc dĩ thì hắn nhất quyết không dễ dàng tung ra, bằng không thì Chu Vi và Nhạc Chi Dương sớm đã trúng phải độc thủ của hắn. Lúc này đây, tính mạng của hắn bị đe dọa, trường kiếm nơi tay phải chớp lên, Thu Đào định vung gậy ngăn cản, bất chợt tay trái Trương Thiên Ý giơ cao, kim châm hóa thành một màn mưa bắn vèo vèo về phía đối thủ.
Chu Vi đứng bên trông thấy thế, trái tim muốn tọt lên khỏi cổ họng. Nói thì chậm, khi ấy sự việc diễn ra rất nhanh, đất sét trong tay Thu Đào biến hóa, ngay lập tức nở ra thành một tấm khiên hình dạng như bánh đa, kim châm bắn líu chíu vào trong tấm khiên ấy đều bị đất sét nhốt chặt lại.
Trương Thiên Ý cũng không trông mong gì đắc thủ, vì thế hắn vừa bắn châm xong thân thể vội rút về sau, chớp mắt đã xông đến bên Chu Vi. Chu Vi chỉ lo để ý an nguy của Thu Đào, vốn dĩ quên mất cảnh giới cho bản thân. Lúc này Trương Thiên Ý tiến sát đến gần, cô mới giật mình nhận ra, mắt thấy ánh kiếm ập vào mặt, theo ý thức liền nhảy về sau, hai chân còn chưa đứng vững chợt nghe tiếng kêu thảng thốt phát ra từ phía Nhạc Chi Dương.
Chu Vi nghe tiếng kêu ấy thì rung bắn người, mặt cắt không còn hột máu. Cô đưa mắt nhìn sang, Nhạc Chi Dương đang bị Trương Thiên Ý bóp chặt lấy cần cổ rồi xách lên khiến cho hai mắt gã trợn trừng, lưỡi thè ra ngoài.
Hóa ra Trương Thiên Ý đâm kiếm về phía Chu Vi cũng là hư chiêu, trước sau hắn tung ra hai chiêu giả liên tục cốt chỉ muốn bắt cho bằng được Nhạc Chi Dương, đơn giản là vì trong ba người ấy, Nhạc Chi Dương là kẻ dễ đối phó nhất, cho nên trước tiên hắn ép cho Thu Đào dựng khiêng phòng thủ, sau đó chĩa kiếm bức lùi Chu Vi, cô vừa lui đi thì Nhạc Chi Dương sẽ tức khắc bị cô lập, Trương Thiên Ý nhẹ nhàng vung tay chộp ra liền tóm ngay được gã.
Thu Đào rút tấm khiên đất về rồi biến ra gậy mềm như trước, nội kình vừa truyền đến, kim châm lần lượt bị dồn lên đầu gậy, từng mũi nhọn tua tủa đâm ra ngoài trở thành một thanh lang nha bổng mềm mại. Nhưng cho dù có vũ khí lợi hại trong tay, Thu Đào vẫn hết sức ngập ngừng, ánh mắt lấp lánh chăm chú nhìn Trương Thiên Ý. Chu Vi thì mặt mày xám ngoét, thân hình lảo đảo như chỉ cần chạm nhẹ vào thôi cũng có thể ngã quỵ.
- Địa Mẫu thần thông, Trương mỗ đã bội phục rồi! - Trương Thiên Ý ho khan hai tiếng, khóe miệng lại ứa ra dòng máu: - Theo như ta biết, quý Bộ lấy từ bi làm chủ trương, nhất định không lạm sát người vô tội, Địa Mẫu nương nương thân lại là chủ của một Bộ thiết nghĩ cũng sẽ không ngoại lệ đâu nhỉ!
Thu Đào nhíu mày không đáp, Trương Thiên Ý vừa nói vừa rút lui, dần dần đã tiến sát đến bên góc tường. Chu Vi cũng không còn kiên nhẫn nữa, cô tung người xông đến, giơ kiếm muốn đâm ra. Trương Thiên Ý mỉm cười, nắm lấy lưng áo Nhạc Chi Dương giơ trái lắc phải, bất kể Chu Vi xuất kiếm thế nào, mũi kiếm cũng đều chĩa vào người thiếu niên. Chu Vi vừa đâm kiếm đến lại gấp rút thu về, lòng dạ càng thêm quýnh quáng, vành mắt dần dần đỏ lựng, nhưng cô nhất quyết không chịu bỏ cuộc, chỉ đành cắn chặt răng liều mạng xuất kiếm, mong muốn tìm ra sơ hở để mà đâm trúng Trương Thiên Ý ở đằng sau.
Đôi tay của Trương Thiên Ý chuyển động nhưng hai mắt thì không hề chớp, trước sau vẫn ngó lom lom Thu Đào. Bỗng thấy lão bà ấy như có tâm tư, khối đất sét trong tay dần dần rũ xuống rồi đặt sát mặt đất. Trương Thiên Ý trong lòng chột dạ, bất ngờ bước lùi về sau, bật người nhảy lên cao, trường kiếm đâm xuyên vào vách tường, thân thể đột ngột phóng vụt lên. Cũng trong khoảnh khắc ấy, tại mặt đất nơi hắn vừa đứng, đất sét chợt đùn lên hệt như rồng rắn uốn lượn, men dần đến tận góc tường, một vết nứt chẳng rõ từ đâu thuận theo vách xẻ dọc lên đến đầu tường. Lúc này, Trương Thiên Ý vừa nhún người lên cao, thoáng cái đã vượt qua bờ tường rồi rơi tọt vào con hẻm ở đằng sau.
"Chu Lưu Thổ Kình" của Thu Đào có thể theo đất sét mà chuyển phát, vốn muốn ra tay bất ngờ để khống chế đối phương từ bên dưới lòng đất, ngờ đâu Trương Thiên Ý hết sức lanh lẹ, không đợi cho kình lực ập đến đã vượt tường bỏ trốn ngay lập tức. Thu Đào dùng "Khôn Nguyên" tấn công từ xa nên chẳng có cách nào đuổi theo kịp, trong lòng vô cùng rầu rĩ.
Chu Vi giặm chân một cái, nhảy vọt lên đầu tường, chỉ thấy ngõ nhỏ sâu hun hút, chẳng rõ Trương Thiên Ý đã đi về phương nào. Cô vội vã rời khỏi con hẻm, chạy đến trước miếu Phu Tử, ngoảnh đầu nhìn bốn phía chỉ thấy nam thanh nữ tú quần là áo lượt dập dìu trên đường, nhưng ngóng mãi vẫn chẳng thấy bóng dáng Nhạc Chi Dương nơi đâu.
Chu Vi sống mũi cay cay, nước mắt giàn dụa, cô xông vào giữa đoàn người xô trái dạt phải, thảng thốt gọi to ba chữ "Nhạc Chi Dương" như phát cuồng. Hiềm nỗi cô mặc trang phục đàn ông, giọng nói hết sức quyến rũ, khiến cho người đi đường nghe thấy không khỏi ghé mắt dõi theo.
Chu Vi chạy đến bờ sông Tần Hoài thì mặt mày đã đẫm lệ, dòng nước xào xạt nơi xa hắt bóng vô số đình đài lầu gác trên mặt sông; thuyền bè ngược xuôi mỗi lúc một nhiều, chốc chốc lại vọng đến tiếng đàn tiếng sáo. Nghe thấy tiếng sáo, Chu Vi run bắn cả người, khẩn thiết nhìn về phía đám thuyền bè ấy, cô biết rõ người thổi sáo chẳng phải là Nhạc Chi Dương nhưng trong đáy lòng cô lại luôn mong mỏi điều kì tích xảy đến. Cô thét gọi về phía đám thuyền bè, tiếng kêu thê lương thảm thiết, dọa cho đám kỹ nữ và khách làng chơi trong các con thuyền ấy lần lượt ló đầu nhìn ra.
Chu Vi tuyệt vọng cùng cực, hai chân mềm nhũn, ngã gục xuống bến Tần Hoài. Nghĩ đến lần này Nhạc Chi Dương lành ít dữ nhiều, cô vừa thẹn vừa hận, hận không thể chết quách đi cho xong. Thiếu nữ hai tay bưng mặt, không ngừng nghẹn ngào khóc nấc. Đang lúc thổn thức, có ai đó bỗng vỗ lên đầu vai của cô, cô vội nhảy lên la lớn:
- Nhạc Chi Dương...
Đến khi nhìn rõ lại, Lãnh Huyền nửa người đầm đìa máu, đang đứng đực ra ở đằng sau cô.
- Lãnh công công! - Trong lòng nhen nhóm lên một tia hy vọng, Chu Vi nắm chặt lấy lão hét lên: - Ông mau đi cứu Nhạc Chi Dương đi... Chàng... Chàng bị Trương Thiên Ý bắt đi mất rồi...
Nói chưa dứt lời, cổ tay Chu Vi chợt bị siết mạnh, Lãnh Huyền bấu lấy mạch môn của cô, trầm giọng giục:
- Mau trở về cung kẻo không kịp!
Chu Vi vừa ngạc nhiên vừa giận dữ, giãy nẩy hét lên:
- Lãnh công công, ta không về đâu, Nhạc Chi Dương chàng...
Một luồng khí lạnh tuôn ra từ lòng bàn tay Lãnh Huyền, nửa thân người của Chu Vi mềm oặt, không tự chủ được đành buông xuôi theo lão đi về phía trước. Thiếu nữ ngoảnh đầu trông lại, bờ sông Tần Hoài đã trở nên nhòa nhạt, trời và đất đượm màu thê lương, cùng lúc đó hai mắt cô tối sầm đi rồi chìm vào vô thức.
Trương Thiên Ý chạy suốt một đoạn đường bỗng cảm thấy có người đang bám đuôi, quay đầu nhìn lại, bóng hình Thu Đào cứ thoắt ẩn thoắt hiện ở đằng sau. Trương Thiên Ý nghĩ ra một cách, cố tình chọn những nơi tường cao nhà lớn mà bỏ chạy. "Long Độn Thuật" của hắn chuyên về bay nhảy, lại thêm móc sắt trợ lực, võ công Thu Đào dẫu cao hơn hắn một bậc thì khinh công so ra vẫn kém đôi phần, lại thêm thiếu hẳn móc sắt, chưa hết thời gian một tuần trà bà đã bị bỏ tít lại phía sau.
Nhạc Chi Dương bị chế ngự huyệt đạo, miệng không thể nói, tay không thể cử động, mắt thấy những dãi phòng hai bên cứ trôi qua vùn vụt, núi xanh sông biếc cứ liên tiếp hiện ra, đường đi càng lúc càng hoang sơ vắng vẻ. Nhạc Chi Dương xác định xung quanh, đột nhiên nhận ra Trương Thiên Ý đã rời khỏi kinh thành mà chạy thẳng đến vùng ngoại ô Tương Sơn. (TG chú: nay thuộc Tử Kim Sơn, Nam Kinh)
Đến Tương Sơn, đi hết một đoạn đường núi, trông thấy một ngôi miếu nhỏ, Trương Thiên Ý bèn quay đầu lại quan sát kỹ càng, sau khi xác định là không có người bám theo mới tiến vào cửa miếu rồi quăng phịch Nhạc Chi Dương xuống đất, báo hại gáy của gã nện lên nền sân đau điếng.
Kêu lên một tiếng mới nhận ra huyệt đạo đã được giải, gã vội ngồi bật dậy, phát giác tòa miếu này sớm đã bị bỏ hoang, tượng đá nằm lăn lóc trên sân cũng chẳng rõ là thờ phụng thần thánh phương nào. Phía trước mái hiên có một vại nước to, vành mép đã sứt mẻ, bên trong chứa hơn nửa vại nước mưa.
Trương Thiên Ý không thèm ngó ngàng gì đến gã mà chỉ lo xếp bằng ngồi im, nhắm mắt điều tức. Nhạc Chi Dương cố nín thở, rón ra rón rén định bước ra khỏi cổng lớn, ngờ đâu khớp gối bỗng nhói lên một cái, chân trái liền mất đi cảm giác. Gã ngã quỵ xuống đất, quay đầu nhìn lại, chỉ thấy một viên đất to cỡ móng tay đã bắn trúng vào yếu huyệt sau đầu gối của gã.
Trương Thiên Ý ngồi ở nơi đó, sắc mặt vàng vọt tái mét, quần áo tả tơi như giấy, đôi mắt khép hờ hờ, nét mặt như cười như không, cái nét quỷ quyệt chết chóc ấy làm gã liên tưởng tới loài quỷ vô thường trong miếu Thành Hoàng. Nhạc Chi Dương không dám manh động, nửa ngồi nửa quỳ, mồ hôi tuôn ướt đẫm, cái cảm giác quỳ gối chờ chết này thật sự còn khó chịu hơn bất cứ hình phạt nào trên đời.
Gã cứ nửa ngồi nửa quỳ như thế giằng day cũng hết bẵn một nén nhang, Nhạc Chi Dương thấy hắn ta không nhúc nhích, can đảm lại nổi lên, bèn chống tay xuống đất định bò lê ra ngoài, chợt nghe người phía sau cười gằn:
- Tiểu súc sinh, ngươi mà có thể trườn ra khỏi cửa được thì ta sẽ tha mạng cho ngươi, thấy thế nào?
Nhạc Chi Dương quay đầu nhìn lại, Trương Thiên Ý đang mở to mắt ngó gã, nhe răng cười lạnh. Nhạc Chi Dương chẳng còn cách nào khác, đành ngồi lại xuống đất.
Trương Thiên Ý liếc mắt nhìn trần miếu, bỗng cất tiếng:
- Tiểu súc sinh, thương tật trên người ta đều do một tay ngươi ban cho, ngươi đã biết tội hay chưa?
Nhạc Chi Dương ổn định tinh thần, miễn cưỡng nở nụ cười giả lả:
- Trương tiên sinh phước lớn mạng lớn, bị thương có chút tẹo thì nhằm nhò gì?
Trương Thiên Ý liếc mắt nhìn gã, cười lạnh:
- Sao, ngươi sợ rồi à?
Nhạc Chi Dương đáp:
- Cũng không hẳn là sợ, Trương tiên sinh là đại cao thủ của Đông Đảo, còn ta chỉ là một kẻ lưu manh ở bến Tần Hoài. Ngươi có gϊếŧ ta thì cũng chẳng vẻ vang gì, ngược lại còn làm bẩn tay mình, rước thêm nhục vào thân. Còn nếu không gϊếŧ ta, ta nhất định sẽ đi khắp nơi tuyên dương ngươi, nói ngươi lòng dạ quảng đại từ bi!
Trương Thiên ý thấy gã chết đến nơi rồi mà còn dám liều mạng nói ba xàm ba láp, bất giác bật cười:
- Tiểu súc sinh, ngươi tâng bốc nhầm người rồi, bốn chữ "quảng đại từ bi" với Trương mỗ trước nay không hề có duyên!
Nhạc Chi Dương nghe vậy thì nổi tính ương ngạnh, lớn giọng bảo:
- Nếu đã như thế, gϊếŧ thì cứ gϊếŧ, nói nhiều làm gì!
Trương Thiên Ý hừ lạnh một tiếng, thầm nghĩ thằng nhóc này ba lần bảy lượt gạt mình, nếu không mang nó ra lột da xẻo thịt thì thật khó mà tiêu được mối hận trong lòng. Chỉ là "Xài vật xài hết mức, dùng người dùng hết sức", trước tiên dọa cho nó sợ để nó giúp mình làm xong công việc, sau đó sẽ tính sổ với nó cũng chưa muộn. Suy tính đến đây, hắn cười bảo:
- Tiểu súc sinh, ta có một việc nhờ ngươi, nếu làm tốt ta sẽ miễn cho ngươi tội chết, thậm chí còn rút thần châm trong người của ngươi ra. Còn nếu làm tầm bậy, hừ, ngươi tự mình hiểu rõ!
Nhạc Chi Dương vốn đinh ninh mình sẽ chết chắc, chợt nghe thấy một cơ hội sống liền nhoẻn cười:
- Việc gì vậy, nói ra nghe nào?
Trương Thiên Ý lặng im một lúc, đoạn lôi ra Linh Đạo Thạch Ngư. Hắn xa cách Thạch Ngư đã nhiều năm tháng, giờ phút này cầm lại trong tay, cõi lòng không khỏi bồi hồi kích động, miệng bật ho sù sụ, nhiệt huyết cũng sôi sục trào dâng. Hắn không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt người khác bèn cố nuốt lại ngụm máu loãng, rít giọng hỏi:
- Dòng chữ ghi trên vảy cá này thật sự là nhạc phổ à?
Nhạc Chi Dương đáp:
- Hình như là vậy!
Trương Thiên Ý phát cáu:
- Cái gì mà hình như?
- Hán phổ Quy Từ ta có thấy bao giờ đâu à. - Nhạc Chi Dương vừa ngẫm nghĩ vừa nói: - Phải dịch văn tự ghi trên Thạch Ngư sang chính âm của Trung Hoa, sau đó thổi lên một lượt mới xác định được.
Trương Thiên Ý trừng mắt nhìn Nhạc Chi Dương, trong lòng không khỏi nghi hoặc: "Thằng nhóc này quỷ quyệt gian xảo, ngoài mặt thì nói là phiên dịch nhạc phổ, biết đâu chừng là đang kéo dài thời gian? Thu Đào bị ta cắt đuôi, nhất định là rất mất mặt, hẳn giờ này bả đang sục sạo ở khắp nơi. Hồi nãy tỉ thí sức chạy, ta đã dốc hết lực rồi, giờ đây trọng thương yếu ớt, lỡ như gặp lại thì chẳng những tính mạng khó giữ mà Thạch Ngư cũng sẽ rơi vào tay bả mất..." Hắn nghĩ đi nghĩ lại, trong bụng hết sức mâu thuẫn. Nhạc Chi Dương thấy vẻ mặt của hắn biến chuyển cũng hồi hộp lo lắng vô cùng, chỉ sợ hắn nổi cơn thay đổi chủ ý thì toi.
Trương Thiên Ý suy nghĩ một lúc chợt bảo:
- Được, tiểu súc sinh, ngươi phiên dịch nhạc phổ đi, hạn cho nhà ngươi trong một khắc(*) phải dịch xong, lố qua một phút ta chặt một ngón tay, chặt hết hai bàn tay thì sang hai chân, tay chân xong hết sẽ đến phiên cái đầu của ngươi!
(ND chú: 1 khắc cỡ mười lăm phút hiện nay)
Nhạc Chi Dương mặt mày tái mét, cười gượng:
- Ngươi tính giờ bằng cách nào chứ?
Trương Thiên Ý hừ một tiếng, rút ra một cái đồng hồ cát nho nhỏ, bảo:
- Cát chảy hết là nửa khắc đồng hồ!
Nhạc Chi Dương nhịn không được bật kêu ca:
- Sao cát chảy nhanh dữ vậy?
Trương Thiên Ý lạnh lùng thốt:
- Xem như nhà ngươi xui xẻo!
Nhạc Chi Dương lầu bầu:
- Thật không công bằng mà...
Trương Thiên Ý hầm hừ, một tay ném Thạch Ngư đi, một tay lật úp đồng hồ cát, cát vàng rào rào trút xuống như bay.
Nhạc Chi Dương giật mình, vội vã chụp lấy Thạch Ngư, nỗ lực nhận diện văn tự ghi bên trên thân cá. Gã có trí nhớ hơn người, giai điệu nào nghe thoáng qua cũng đều thổi được, nhạc phổ nhìn lướt sơ đều ghi nhớ kỹ, cho dù Hán phổ Quy Từ có khó nhằn đến đâu, Chu Vi vừa giảng qua một lượt gã đã khắc ghi trong lòng. Bảy điệu của Quy Từ đối ứng với bảy điệu cung thương của Trung Hoa, phiên dịch thì không khó mấy, cái khó chính là Thạch Ngư không được rõ ràng đâu ra đấy như trang giấy, phải bắt đầu từ đâu trên thân cá chi chít văn tự chính là một vấn đề nan giải.
Ngó nghiêng một hồi, ánh mắt Nhạc Chi Dương tập trung vào phần trên hai mắt cá, thầm nghĩ Thạch Ngư có đầu có đuôi, Linh đạo nhân khắc ghi nhạc phổ chắc cũng theo thứ tự đầu trước đuôi sau, trên đầu cá ngoại trừ đôi mắt ra, ở nơi khác không hề có văn tự, như vậy ký tự đầu tiên trong nhạc phổ này phải bắt đầu từ đôi mắt. Tuy nhiên, cá có đến hai con mắt, nên bắt đầu ở mắt trái hay mắt phải đây? Mắt trái có khắc một chữ "Sa" có lẽ là chữ đầu của "Sa thức", mắt phải có khắc một chữ "Kê", có lẽ là chữ đầu của "Kê thức". Trong hai chữ trên nhất định phải chọn ra một!
Vầng trán Nhạc Chi Dương mướt mát mồ hôi, gã ngẩng đầu nhìn sang, mới có tí chút thời gian thôi mà cát đã chảy hết một phần tư, còn gã thì vẫn chưa dịch xong nổi một chữ. Thế chảy của dòng cát ấy vùn vụt như tên, từng mũi một găm vào trong trái tim gã. Nhạc Chi Dương xốc lại tình thần, chợt nảy ra một ý: tạm thời không để ý bên trái bên phải nữa, trước tiên cứ dịch nhạc phổ bên mắt trái, kế đó dịch đến nhạc phổ bên phải rồi đem kết hợp cả hai lại, xem xem bắt đầu từ bên nào sẽ nghe thanh thoát êm tai hơn.
Nghĩ rồi gã lập tức rút thanh Không Bích xuống, vạch lên mặt đất bản dịch chính âm của Trung Hoa. Vảy trên Thạch Ngư đan liền san sát, chữ viết rất nhiều, nhưng một đường thông thì xuôi trăm nẻo, lúc Nhạc Chi Dương dịch ra nhạc phổ nơi mắt trái thì cát mới chảy hơn một nửa, dịch xong nhạc phổ bên mắt phải, dòng cát vẫn chưa chảy xong. Nhạc Chi Dương thở phào một hơi, trong đầu nhẩm dò giai điệu vừa dịch, nhưng bất kể là lấy "Sa thức" làm khởi đầu hay đem "Kê thức" lên trước thì khúc nhạc này đều không hợp lý chút nào. Nếu lấy "Sa thức" làm khởi đầu, cùng lắm tiết tấu sẽ trở nên kỳ quái mà thôi, nhưng nếu đem "Kê thức" lên trước tiên, đoạn kết hợp cùng nhau thật sự là trật khớp. Nếu lấy tiêu chuẩn của một khúc nhạc ra bình luận, thì khúc trước cùng lắm chỉ nghe phô và lạ, còn khúc sau thật sự là loạn điệu sai cung, hoàn toàn không phù hợp nhạc lý trong âm nhạc.
Đang ngần ngừ, Trương Thiên Ý chợt bảo:
- Hết giờ rồi!
Nhạc Chi Dương nghe tiếng bật dậy, hét lên:
- Ta dịch ra rồi!
Trương Thiên Ý híp mắt nhìn gã, lạnh lùng giục:
- Được lắm, thổi lên nghe nào!
Trái tim Nhạc Chi Dương đập loạn xà ngầu, gã quét mắt xuống bản dịch trên nền đất, hít sâu vào một hơi, thổi lên một khúc nhạc bắt đầu bằng "Sa thức".
Khúc nhạc vô cùng khó thổi, lắm đoạn khi nới khi chặt cứ lặp đi lặp lại. Nhạc Chi Dương một hơi chẳng thể thổi hết, phải qua mấy lần đổi hơi mới có thể ngắc ngứ tấu xong, chưa kể bên trong lại trúc trắc vô cùng, lỡ mà bất cẩn thì điệu cung sẽ trở thành biến cung, điệu trưng sẽ hóa thành biến trưng. Nhạc Chi Dương thổi ra một khúc nhạc như vậy, quả là vừa thẹn vừa tủi, hận không thể tìm một cái lỗ chui trốn cho rồi.
Gã một bên thổi sáo, một bên trộm quan sát sắc mặt Trương Thiên Ý. Kẻ nọ ngồi yên vững vàng, vẻ mặt tăm tối không trông thấu. Đến khi Nhạc Chi Dương thổi dứt, Trương Thiên Ý trầm ngâm hồi lâu, bất chợt hỏi:
- Xong rồi à?
Nhạc Chi Dương đáp:
- Xong rồi!
- Nghe như rắm! - Trương Thiên Ý nhe răng cười lạnh: - Đây là cái thứ dở ương gì thế? Vừa khó nghe vừa vô dụng, hoặc là ngươi đã phiên dịch sai, hoặc là ngươi đang giở trò gạt người. Hừ, mau ngoan ngoãn đưa tay qua đây, ta tiện sạch bàn tay của nhà ngươi trước!
Nhạc Chi Dương mặt mày rầu rĩ thốt:
- Chặt đứt ngón tay rồi thì chẳng thổi sáo được nữa đâu.
Trương Thiên Ý thấy gã còn có gan đôi co mặc cả, lửa giận trong lòng càng bốc cao:
- Mặc xác nhà ngươi, ta đếm ba tiếng, ngươi mà không qua ta sẽ tự đến!
Nhạc Chi Dương thầm cảm thấy tuyệt vọng, trong bụng lầm rầm khấn vái một lượt liệt tổ liệt tông của Linh đạo nhân, ngoài miệng thì nói:
- Trương tiên sinh đừng gấp, khúc nhạc này có hai cách thổi, vừa rồi chỉ là cách đầu tiên, tiếp theo đây là cách thứ hai...
Trương Thiên Ý nổi sùng:
- Bớt nhăng cuội đi, mau qua đây chịu tội...
Nhạc Chi Dương thở dài:
- Trương tiên sinh, một khúc nhạc thôi đâu có tốn bao nhiêu thời gian, hầy dà, khúc nhạc này mà vô dụng nữa thì ngài chém đầu ta cũng được mà!
Trương Thiên Ý thấy gã tràn trề tự tin, trong lòng thầm sinh nghi: “Thằng nhóc này chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, lẽ nào vừa nãy nó cố tình giấu giếm? Như nó vừa nói, chặt đứt mười ngón tay rồi sẽ không thổi sáo được nữa, nên chi bằng ta nghe thử thêm một lần này xem nó còn bày ra được trò gì.”
Nghĩ đến đây, hắn lạnh lùng bảo:
- Thôi được, lần này mà không xong thì ta sẽ lấy mạng của ngươi!
Lòng bàn tay Nhạc Chi Dương rịn ướt mồ hôi, trong bụng hoàn toàn chẳng có chút tự tin nào, khúc nhạc sau còn í ẹ hơn cả khúc nhạc đầu, có điều thổi hết bài tóm lại cũng có thể kéo dài đôi chút thời gian, chỉ mong sao ơn trên phù hộ cho tiểu công chúa và lão thái bà đến kịp lúc.
Gã nghiến răng, vắt sáo lên môi định thổi bậy bạ một khúc, nhưng nghĩ thầm nếu như thổi theo nhạc phổ , đến lúc vạn bất đắc dĩ còn có thể để cho Trương Thiên Ý so từng chữ đối chiếu để chứng minh gã không giả bộ, còn nếu cứ thổi bừa lung tung thì khi ấy có trăm cái miệng cũng không biện bạch nổi.
Chẳng còn cách nào khác, gã đành phải thổi y theo nhạc phổ. Hai khúc nhạc này phần trước phần sau cơ bản là giống nhau, chỉ là nửa sau của khúc nhạc nếu đem gắn vào phần trước, thay đổi đi trật tự, giai điệu kết hợp đều sẽ xảy ra biến hóa, nốt cao sẽ thành nốt thấp, nốt thấp vọt lên thành nốt cao, tựa như có một nguồn sức mạnh nào đó vây chặt lấy ngọn sáo khiến cho người ta không thể điều khiển theo ý mình muốn. Tài nghệ sáo của Nhạc Chi Dương không hề tầm thường nhưng lúc này gã cũng phải thổi đến mức đỏ mặt tía tai, dốc cả sức lực ra để vận dụng.
Trương Thiên Ý nghe mà nhíu mày liên tục, cơn thịnh nộ ngày thêm tích tụ trong l*иg ngực, hắn ngấm ngầm siết chặt chuôi kiếm, chỉ đợi cho Nhạc Chi Dương thổi hết là tặng gã một nhát xuyên tim.
Khúc nhạc thổi đến phân nửa, Trương Thiên Ý chợt cảm thấy trong lòng nhộn nhạo, khí huyết như mất kiểm soát, bị tiếng sáo dẫn dắt làm cho chảy dọc ngang tán loạn khắp cơ thể. Hắn giật mình, vội vàng vận công trấn áp khí huyết, đang tính quát dừng thổi thì đột nhiên trong miếu vang lên những tiếng động rền rền. Trương Thiên Ý nhìn quanh nhìn quất chẳng thấy một ai, tập trung nghe kỹ bỗng nhận ra thanh âm ấy vọng đến từ chính viên Thạch Ngư nọ.
Trương Thiên Ý mừng như điên, không ngờ trong Thạch Ngư quả nhiên có ẩn chứa điều thần kỳ. Chìa khóa mấu chốt của vấn đề chính là nhạc phổ trên Thạch Ngư. Nghĩ đến đây, hắn bỏ qua ý định cắt ngang Nhạc Chi Dương, thế nhưng tiếng sáo tựa thủy triều cứ xô dồn vào tai hắn, khiến cho máu huyết trong người hắn nhốn nháo cả lên, nội thương trước đây mắc phải đều bị khơi lại, ngũ tạng lục phủ đau đớn nóng rát như bị hành hạ trên vạc dầu.
Cảm giác này thật quái lạ làm sao, Trương Thiên Ý trước sau vô cùng khó xử, một mặt sợ ngắt ngang tiếng sáo không thể phá giải được bí ẩn trên Thạch Ngư, mà để mặc cho tiếng sáo véo von thì thể nào khí huyết của hắn cũng rối loạn, nội thương càng thêm trở nặng. Nhưng võ công của Linh đạo nhân có sức hấp dẫn quá lớn, Trương Thiên Ý khổ luyện biết bao năm, võ công tại Đông Đảo cùng lắm chỉ xếp vào loại làng nhàng hạng hai , muốn tăng tiến thêm một bậc đúng là khó như lên trời, nếu có thể học được võ công của Linh đạo nhân nói không chừng có thể tháo bỏ những rào cản bó buột mà đạt đến một trình độ hoàn toàn mới.
Tiếng rền rền ngày một gấp gáp, Thạch Ngư cộng hưởng cùng tiếng sáo, lúc thì xoay quanh một chỗ, có lúc lại phập phều trải ra. Trương Thiên Ý còn chưa kịp vui mừng bỗng cảm thấy tiếng sáo thổi càng lúc càng cao, tựa như một ngọn đao liên tục đυ.c khoét bên trong "Thủ Thiếu Âm Tâm Kinh". Trương Thiên Ý choáng váng ngất ngư, cổ họng phát ngọt, biết rõ nếu cứ tiếp tục trì hoãn thì nhất định không thể cứu vãn, đang tính ra lệnh ngừng thổi, nhưng vừa há miệng bỗng phát giác nói không ra hơi, hắn toan động thủ thì cả một ngón tay cũng nhấc lên không nổi.
Khúc nhạc thổi đến hồi kết, mọi biến hóa của Thạch Ngư đều nằm gọn trong tầm mắt Nhạc Chi Dương, cõi lòng gã vừa kinh ngạc vô cùng, vừa nôn nóng hết sức. Miệng gã tuy thổi tấu nhạc khúc nhưng ánh mắt chốc chốc lại quét về hướng cửa miếu, bên ngoài cây cối ngút ngát um tùm, sắc trời đương độ sáng sủa nhưng lại vắng hoe chẳng có lấy một bóng người.
Nhạc Chi Dương trong lòng chợt hiểu ra, bí ẩn trong Thạch Ngư một khi được phá giải thì bản thân mình cũng chẳng còn tác dụng nữa. Nghĩ đến đây, gã đưa mắt liếc lại, chỉ thấy Trương Thiên Ý đang nhắm nghiền hai mắt, trên gương mặt toát ra vầng khí đen, một dòng máu đỏ rịn khỏi mép môi chảy xuôi theo cằm xuống thấm ướt vạt áo.
Đến nước này, Nhạc Chi Dương chẳng còn cách nào khác, đành thổi qua loa hai đoạn biến điệu để kết thúc khúc nhạc. Tiếng sáo vừa ngưng, viên Thạch Ngư cũng ngừng rung động, trong miếu lặng lẽ như tờ, im ắng đến mức khiến lòng người ớn lạnh.
Qua một lúc sau Trương Thiên Ý vẫn chẳng hề ừ hử, Nhạc Chi Dương đâm lạ, không nhịn được liền cất tiếng gọi:
- Trương tiên sinh!
Tiếng gọi vang lanh lảnh khắp ngôi miếu nhưng chẳng có ai đáp lời, Trương Thiên Ý vẫn ngồi im bất động, sắc mặt từ đen chuyển thành trắng, lộ ra một màu xám ngoét đáng sợ.
Trái tim Nhạc Chi Dương đập thình thịch, gã hít sâu vào một hơi, từng bước rón rén đi lùi về phía cửa miếu. Gã vừa lùi vừa căng thẳng quan sát đại địch ở đằng trước, nhưng đi ra đến tận cửa ngoài rồi mà Trương Thiên Ý vẫn im ỉm không ho he chi hết.
Nhạc Chi Dương như mở cờ trong bụng, vừa ló ra khỏi miếu liền ù té bỏ chạy, chạy đâu chừng hơn một dặm mới ngừng chân ngoảnh đầu trông lại, phát hiện Trương Thiên Ý không hề đuổi theo mình. Nhớ lại tình hình vừa rồi, trong lòng gã không khỏi sinh nghi: Trương Thiên Ý độc địa hiểm ác, làm gì có chuyện không ho he tiếng nào mà dễ dàng thả cho gã đi như vậy. Ngẫm lại thần sắc của hắn hình như đã xảy ra biến cố lớn gì đó đến nỗi hắn chẳng buồn quan tâm đến việc chuồn đi của Nhạc Chi Dương.
Nhạc Chi Dương đứng đực ra một lúc, rốt cuộc không thắng nổi tính tò mò liền nhón tay nhón chân trở lại ngôi miếu nhỏ. Đến cửa miếu, gã thò đầu vào ngó dáo dát, bên trong mọi thứ vẫn y như cũ, trên tàng cổ thụ trước miếu vọng đến tiếng quạ kêu hoang hoác sầu thảm khiến cho người ta phải rùng mình.
- Trương tiên sinh!
Nhạc Chi Dương cất tiếng gọi, Trương Thiên Ý vẫn im re không có phản ứng. Thiếu niên nổi lòng can đảm, lách người qua ngạch cửa, dùng mũi chân huých huých lên viên Thạch Ngư. Trương Thiên Ý cũng chẳng hề để ý, Nhạc Chi Dương bỗng nhận ra điều gì đó bèn rút thanh sáo ngọc ra, ấn mạnh vào đầu vai của hắn. Trương Thiên Ý lúc la lúc lắc, bất chợt đổ sầm xuống đất.
Nhạc Chi Dương không kềm được phải lùi lại hai bước, trong lòng cảm thấy mù mờ khó hiểu. Gã đưa tay sờ thử, da thịt Trương Thiên Ý lạnh băng, hơi thở tắt lịm, hóa ra tên đồ tể đã lặng lẽ nhắm mắt xuôi tay từ bao giờ.
Nhạc Chi Dương vừa kinh ngạc vừa bối rối, nhìn khắp thi thể một lượt nhưng chẳng hề phát hiện ra vết thương chí mạng nào cả. Gã ngẫm nghĩ, đưa mắt nhìn Linh Đạo Thạch Ngư đang nằm trơ trơ trên mặt đất chẳng chút sinh khí. Nhớ đến hiện tượng lạ lùng ban nãy, Nhạc Chi Dương lại đặt thanh Không Bích lên môi, trỗi lên khúc nhạc ghi trên Thạch Ngư. Chẳng bao lâu sau, Thạch Ngư lại trở mình rung động, mãi cho đến khi tiếng sáo ngừng lại nó mới chịu yên lặng.
Nhạc Chi Dương nhấc lấy Thạch Ngư, trong lòng trăm mối tơ vò, nhưng gã mang tâm tình thiếu niên, nhìn sang chum nước lớn bên dưới mái hiên bất chợt nảy ra một ý tưởng lạ lùng: "Người ta hay nói như cá gặp nước, nếu thả vào trong nước rồi nổi sáo lên, liệu Thạch Ngư có bơi lội tung tăng như cá hay không?" Nghĩ vậy gã cảm thấy hết sức kích động, bèn chạy ra khỏi miếu, bỏ ngay Thạch Ngư vào trong chum nước.
Thạch Ngư vào nước liền chìm xuống đáy nằm im ỉm. Nhạc Chi Dương cất lên tiếng sáo, Thạch Ngư theo tiếng bắt đầu rung động, lắc đầu vẫy đuôi hệt như có sự sống. Khúc nhạc thổi đến một nửa, Nhạc Chi Dương giật mình phát hiện lớp vảy trên mình cá từng miếng một đang bong tróc ra, lớp đá bên dưới cũng hiện ra kẽ nứt. Gã ngây người, dường như vỡ lẽ rằng bản thân mình trong lúc vô tình đã tìm ra phương thức giải mở Thạch Ngư, lập tức trống ngực đập dồn, thổi hết lượt này lại tiếp đến một lượt khác. Thạch Ngư cứ rung lên liên hồi, vỏ ngoài tuần tự tách ra, chẳng mấy chốc lớp đá đã tróc hết lộ ra màu sáng bạc nguyên chất. Nhạc Chi Dương còn chưa kịp nhìn kỹ liền nghe thấy một âm thanh dứt khoát vang lên, con cá bạc bị vỡ tan thành nhiều mảnh, từ trong đó bắn ra một chiếc hộp dài.
Kết cấu cơ quan này tinh xảo vô song, Nhạc Chi Dương nhìn đến nghệch mặt, nghĩ mãi một lúc mới hiểu ra: Thạch Ngư được chia làm hai tầng, tầng đầu tiên là vỏ ngoài bằng đá, tầng thứ hai là cơ quan bằng thép luyện. Vỏ ngoài nhìn sơ thì có vẻ như nham thạch bình thường nhưng thực chất là một loại cao được con người chế luyện, nếu không chạm nước thì cứng rắn như đá, sau khi vào nước lại từ từ mềm giãn ra, bấy giờ tiếng sáo cất lên khởi động cơ quan bằng thép luyện, cơ quan tự động tách mở, nhả ra chiếc hộp bằng gỗ. Những biến đổi này Nhạc Chi Dương đều có thể khám phá được ngoại trừ vấn đề làm sao tiếng sáo có thể dẫn động được cơ quan thì vẫn là một dấu hỏi lớn. Gã ngẫm nghĩ một lúc rồi cầm lấy hộp gỗ lên quan sát kỹ, hộp được làm bằng chất liệu sáp, dài bảy tấc, rộng một tấc, miệng khép kín để tránh thấm nước.
Mở hộp ra, bên trong có đặt một quyển sách lụa, chất lụa trắng tinh mềm mại, chữ viết chi chít, mở đầu là mười chữ lớn nổi bật: "Nang Quát Thiên Địa Chi Bảo, Hi Di Vi Diệu Chi Đạo!"(*) Đó chính là những lời dạy lúc trăn trối của Linh đạo nhân khi tọa hóa mà Triệu Thế Hùng đã từng đề cập.
(ND chú: tức là bảo vật gồm thâu cả trời đất, đạo tinh tế trong lẽ huyền diệu)
Tiếp đó là tên nhan đề, được ghi bằng nét chữ viết tay nhỏ li ti: "Diệu Nhạc Linh Phi Kinh", bên dưới phần chính văn có ghi rằng:
"Đồng Sơn phía tây núi lở, bên này Lạc Dương chuông ngân, Vũ Đế cho đó là linh cảm; cặp đàn Sắt cất ở hai nơi, khảy dây cung hai phía đều rung động, Trang Chu gọi đó là thần dị..."
Nhạc Chi Dương xuất thân trong gia đình âm nhạc, hai điển cố trên đều đã nghe nghĩa phụ Nhạc Thiều Phượng kể qua. Vế trước nói về thời vua Hán Vũ Đế, ở phía trước cung Vị Ương thành Lạc Dương có một quả chuông đồng chẳng hiểu vì sao bỗng nhiên ngân vang, Hán Vũ Đế đem chuyện hỏi Đông Phương Sóc, Đông Phương Sốc nhận định rằng, chuông được đúc ra từ đồng, mà đồng phát xuất từ trong núi, cho nên đồng như con của núi, núi như mẹ của đồng, mẹ con cảm ứng qua lại với nhau, phương xa ắt có chuyện núi lở. Quả nhiên ba ngày sau truyền đến tin tức, ở Nam Quận xảy ra biến cổ núi sụp đến hơn hai mươi dặm, tiếng động vang xa đến cả trăm dặm. Còn điển cố thứ hai trích từ "Trang Tử Từ Vô Quỷ", kể về việc hai chiếc đàn Sắt được chia ra để ở hai chỗ khác nhau, nếu khảy dây cung ở một trong hai chiếc đàn bất kỳ thì dây cung ở đàn Sắt còn lại cũng rung động theo. Để kiểm chứng lý luận này, tác giả của "Mộng Khê Bút Đàm" là Trầm Quát thời Bắc Tống đã làm một thí nghiệm, ông ta treo một hình nhân giấy lên trên dây đàn phía này, sau đó khảy lên dây đàn ở chiếc còn lại, hình nhân giấy liền theo tiếng bật dậy, làm mười lần y như một.
Nhạc Thiều Phượng nhắc đến hai điển cố này, nói cho Nhạc Chi Dương biết loại hiện tượng ấy được gọi là "Ứng thanh" (TG chú: ngày nay còn gọi là hiện tượng cộng hưởng). Hễ là chuông đồng hiển nhiên phải có âm vực của riêng nó, ví dụ như chuông Biên, dựa vào kích cỡ lớn nhỏ mà phân ra thành những cung bậc khác nhau. Dãy núi đổ sụp làm phát ra tiếng động vang rền, tiếng động này vừa hay trùng khớp với âm vực của chuông đồng, cho nên dù núi lở ở tít Nam Quận nhưng lại gây chấn động chuông đồng ở Lạc Dương. Những dây mang âm vực tương đồng trên đàn Sắt có âm thanh dội qua dội lại cũng vì luận lí trên mà ra. Luận lí này không bó hẹp ở chuông đồng hay đàn Sắt mà ở bất cứ nhạc cụ nào, chỉ cần có âm vực phù hợp dù ít hay nhiều cũng đều sẽ xuất hiện "Ứng thanh". Có điều, "Ứng thanh" là đạo lí của giới âm nhạc, Linh đạo nhân đề cập ở đây là có ý gì?
Nhạc Chi Dương hết sức khó hiểu, lại đọc tiếp: "... Thạch Ngư ví như cá, cá phải gặp nước mới sống được, Thạch Ngư ở trong nước, cần phải thổi sáo mới đáp lời..."
Linh đạo nhân tạo ra Thạch Ngư đương nhiên chẳng phải tạo ra khơi khơi mà là muốn nhủ một lời hai ý: thứ nhất là cá trên sông, thứ hai là dựa vào hòa âm từ ống vu. Ống vu là một loại nhạc cụ dạng sáo, mọi cơ quan thiết kế bên trong Thạch Ngư đều là một loại nhạc cụ hình dáng tựa ống vu, dựa theo khúc nhạc ghi trên thân Thạch Ngư mà dùng các loại tiêu, địch, vu thổi tấu sẽ dẫn phát "Ứng thanh" trên Thạch Ngư, từ đó kích hoạt cơ quan nhả ra hộp gỗ. Cũng may là gặp Nhạc Chi Dương thổi sáo, chứ đổi lại là Chu Vi chơi đàn cổ thì đã không thể dẫn đến phát sinh biến hóa, cũng như chẳng thể kích hoạt cơ quan này được.
Gã lại xem sách lụa, phần sau còn ghi: "Con cá này cấu trúc phức tạp làm hao phí mười năm chế tạo của ta, muốn phá giải cơ quan này ước chừng có ba điểm khó: một là Hán phổ Quy Từ, người không thông thạo không thể hiểu nổi; hai là thổi bằng loại nhạc khí dạng sáo, cơ quan bên trong cá đá nếu không phải nhạc sáo thì không thể mở được; ba là phải ngâm đá xuống nước, chất đá bên ngoài thân cá do ta luyện đan mà thành, cứng rắn như gang thép, nếu không có nước xúc tác thì không thể giải được. Còn bằng gắng sức để cố phá viên đá thì sẽ kích hoạt cơ quan phun ra lửa đỏ thiêu trụi hộp sáp, tiêu hủy sách kinh. Nhưng nếu có thể vượt qua ba ải trên thì người thu được kinh văn xứng đáng là tri âm thiên cổ với bần đạo, nay xin tặng người bốn chương "Diệu Nhạc Linh Phi Kinh", mong người hãy hành thiện tích phúc, chớ nên cậy mạnh hϊếp yếu."
Bên dưới còn có một hàng chú thích nhỏ nhắn: "Khúc Hán phổ Quy Từ tên là 'Thương Tâm Dẫn', khúc nhạc này có ba điều kỵ: kỵ người bị thương ngũ tạng, kỵ người đang mang bầu, kỵ người già yếu ốm đau, để cho ba loại người trên nghe thấy, nhẹ thì chấn động ngũ tạng, nặng có thể dẫn đến tử vong."
Nhạc Chi Dương liếc nhìn Trương Thiên Ý, chợt có cảm giác dở khóc dở cười. Ầm ĩ cả nửa ngày trời, rốt cuộc một đại cao thủ như vậy lại bị "Thương Tâm Dẫn" thổi cho chết tươi. Chết kiểu này đúng thật là lãng nhách, nhưng hắn gϊếŧ người quá nhiều cũng đáng phải chịu báo ứng, bằng không vì sao đã bị nội thương trầm trọng rồi lại trùng hợp gặp ngay khúc nhạc trí mạng như vậy?
Nhạc Chi Dương theo đó xem tiếp nội dung, trên sách lụa quả nhiên có bốn chương, theo thứ tự lần lượt là "Linh Khúc", "Linh Vũ", "Linh Cảm", "Linh Phi".
Cả chương "Linh Khúc" nhìn đâu cũng thấy cung thương giốc vũ, hoàng chung đại lữ, xem ra đúng là một án nhạc phổ, theo giải thích của kinh văn thì mỗi một khúc nhạc đều tương ứng với một kinh mạch trên thân thể con người, thân người có mười bốn kinh mạch hợp cùng tám mạch của kì kinh, vì thế tổng cộng có hai mươi hai khúc nhạc gọi chung là "Chu Thiên Linh Phi Khúc", sau mỗi một khúc nhạc đều có kèm theo phương pháp đều hòa hơi thổi. Linh đạo nhân ghi chú rõ rằng người mới tu luyện cần phải dùng cách hít thở này để thổi các loại nhạc khí như sáo, địch, tiêu, vu...
Nhạc Chi Dương không biết võ công nhưng một khi bàn đến âm nhạc thì gã lại là thầy của bậc thầy, vừa liếc thấy nhạc phổ là trong lòng ngứa ngáy ngay, vì vậy gã chẳng thèm nghĩ ngợi, xem qua khúc nhạc rồi liền thổi ngay bài đầu tiên "Thiếu Dương Nhuận Phế Chi Khúc".
Khúc nhạc không dài lắm, cũng tương tự như kiểu "Thương Tâm Dẫn", hết sức trúc trắc ngược ngạo. Thổi đến một đoạn bỗng có luồng hơi chèn ngay cổ họng, khó mà thoát ra khỏi miệng được. Gã lấy làm lạ bèn xem kỹ lại phần phụ chú trong kinh văn, nhận ra mỗi khi thổi đến đoạn khó nhằn, Linh đạo nhân đều có ghi chú lại một loại phương pháp hô hấp, có khi thì cần hít sâu thở dài, có khi lại phải nhỏm mông hóp bụng dùng đến khí đan điền.
Nhạc Chi Dương điều hòa lại hô hấp, tập trung thổi lại khúc nhạc, lần này dùng đến thuật thổ nạp của Linh đạo nhân, quả nhiên trơn tru thuận lợi, rất nhiều đoạn khó đều nhẹ nhàng vượt qua. Lúc thổi, từ l*иg ngực đến ngón tay trái đều có cảm giác tê tê, nóng rần như có một dòng nước ấm chảy ngược chảy xuôi trong kinh mạch. Khúc nhạc thổi xong, nửa thân người như được tắm trong gió xuân, cảm giác khoan khoái dễ chịu khó mà tả được.
Thứ cảm giác này trước nay gã chưa từng trải qua, hồi đó khi thổi sáo cùng lắm chỉ thấy thánh thót êm tai, hoàn toàn không có một luồng khí nóng chảy khắp toàn thân như vậy. Nhạc Chi Dương cảm thấy ngồ ngộ, nghiên cứu kỹ hơn chú giải của Linh đạo nhân mới biết được luồng khí nóng ấy gọi là chân khí, mỗi một khúc nhạc đối ứng với một kinh mạch trong cơ thể, khúc "Thiếu Dương Nhuận Phế Chi Khúc" vừa nãy chính là cách tu tập chân chí trong "Thủ Thiếu Dương Phế Kinh".
Đối với nội công mạch lí Nhạc Chi Dương chẳng hề biết mô tê gì, nhưng cảm thấy chất nhạc dễ nghe, lại thổi tiếp một khúc "Dương Minh Tẩy Trường Chi Khúc", mới thổi được nửa bài, luồng khí nóng ấy lại chuyển đến đoạn giữa mũi và miệng rồi chảy thẳng đến đầu ngón tay phải, cứ lên lên xuống xuống như thế tựa như dòng chảy thủy ngân.
Nhạc Chi Dương nổi tính tò mò, liên tiếp thổi các bài "Dương Minh Thanh Vị Chi Khúc", "Thái Âm An Bằng Chi Khúc", "Dương Nhu Trường Chi Khúc", "Thiếu Âm Tẩy Tâm Chi Khúc", "Thiếu Âm Túc Thận Chi Khúc", "Thái Dương Chuyển Phúc Chi Khúc", "Thiếu Dương Tam Tiêu Chi Khúc", "Quyết Âm Thông Tâm Chi Khúc", "Quyết Âm Địch Can Chi Khúc", "Thiếu Dương Tráng Đảm Chi Khúc"... Gã làm một mạch đến "Nhâm Mạch Dẫn", "Đốc Mạch Thao", thổi hết mười bốn kinh mạch lại thổi đến tám điệu của kì kinh. Hai mươi hai khúc nhạc thổi xong, khắp mình mẩy gã giống như được ngâm mình trong một dòng suối ấm áp, hơi nóng lan tỏa đến đâu kinh mạch thư thái đến đấy, như thể thoát thai hoán cốt, cảm giác diệu kỳ khó tả.
Lại nhìn đến một chương của "Linh Vũ", bên trên vẽ rất nhiều hình người phục sức theo kiểu đạo sĩ nhỏ li ti, kẻ nào kẻ nấy đều khoa chân múa tay vẻ như hết sức hân hoan. Nhạc Chi Dương chẳng có tí hứng thú nào đối với khiêu vũ, vừa liếc nhìn thì chuyển ngay sang đọc chương "Linh Cảm", chương này chỉ về phương pháp thông qua chân khí mà cảm giác sự vật bên ngoài, ngôn từ cổ xưa, đạo lí sâu xa. Nhạc Chi Dương đọc lướt một lượt, chỉ cảm thấy lùng bùng đầu óc, tiếp tục xem đến chương "Linh Phi" thì lại càng thâm thúy phức tạp, lí luận bên trong gần với cách đàm luận của nhà Đạo và nhà Phật, đừng nói tuổi tác Nhạc Chi Dương còn nhỏ mà ngay cả cao tăng học vấn uyên bác đọc lướt qua cũng chưa chắc hiểu rõ.
Gã đang lúc ngẩn ngơ, bỗng nghe tiếng tiếng chim xáo xác inh ỏi, giương mắt nhìn lên trông thấy một bầy quạ đen đang đậu đầy trên ngọn cây, chúng hướng về phía miếu kêu dậy trời dậy đất. Nhạc Chi Dương bấy giờ mới nhớ ra bên trong miếu còn có một thi thể, vì vậy gã bèn tiến đến bên cạnh Trương Thiên ý, mò mẫm trên xác hắn ta một hồi lôi ra được một túi tiền, bên trong đựng kha khá là kim ngân, ngoài ra còn có một quyển sách nhỏ mỏng dính, trên bìa đề ba chữ "Kiếm Đảm Lục", phía dưới là hàng chữ bé xíu "Vân Hư thảo soạn, mong cháu ta Trương Thiên Ý nỗ lực". Gã mở ra ngó nghiêng thử, quyển sách tổng cộng chia làm hai phần: nửa phần trước là "Phi Ảnh Thần Kiếm Phổ" vẽ đầy hình người nhỏ đang múa kiếm, miêu tả các loại chiêu thức; nửa phần sau chính là "Dạ Vũ Thần Châm Thuật" giảng giải châm pháp của Dạ Vũ Thần Châm.
Nhạc Chi Dương vui mừng khôn xiết, cẩn thận đọc kỹ, "Dạ Vũ Thần Châm Thuật" dạy làm thế nào phân chia ra hai luồng khí âm dương từ trong chân khí, làm sao lấy khí dương làm cánh cung, khí âm làm dây cung rồi bắn ra kim châm. Ở phần kết có nhắc đến hai phương pháp rút kim châm: một là cậy nhờ ngoại lực, cần phải có cao thủ thượng hạng dùng nội lực cẩn thận hút ra, dùng cách này vô cùng mạo hiểm, lỡ xảy ra sai sót đương nhiên gây tổn thương đến kinh mạch; hai là mượn chính nội lực của bản thân, theo tâm pháp của "Bích Vi Tiễn" mà luyện ra hai khí âm dương, dương làm cung, âm làm dây, đảo ngược cách vận dụng từ đó tống kim châm ra ngoài.
Một châm một kiếm bên trong sách chính là vốn liếng mà Trương Thiên Ý dựa vào để tác oai tác quái. Nhạc Chi Dương nhét sách vào trong ngực áo, định bụng sẽ từ từ nghiên cứu nhằm tự rút kim châm cho mình. Về phần vàng bạc, gã cũng tình thiệt chẳng hề khách sáo mà xem là của riêng, coi như tiền bồi thường thiệt hại mà Trương Thiên Ý gây ra cho mình. Gã lại liếc đến ngọc bội giắt bên thắt lưng hắn, vốn cũng muốn tháo xuống đem bán, nhưng ngẫm đi nghĩ lại, Trương Thiên Ý là con trai của Ngô Vương, nửa đời đầu hưởng biết bao vinh hoa phú quý, nửa đời sau lưu lạc cơ nhỡ, giờ rơi vào nông nỗi như vầy quả là đáng buồn đáng tiếc, nếu đến cả một bảo vật bồi táng cũng không có thì chẳng thích hợp với thân phận của hắn chút nào.
Nghĩ đến đây, trong lòng Nhạc Chi Dương nảy sinh niềm xót thương cảm thán, lại nghe đám quạ bên ngoài miếu kêu càng lúc càng tợn nên gã bèn nhấc trường kiếm của Trương Thiên Ý lên, đào một cái lỗ ở đằng sau miếu, đặt thi thể của hắn vào đó rồi lấp đất chôn lại. Gã định lập thêm một tấm bia mộ nhưng lại sợ có kẻ trộm mồ lấy đi bảo vật khiến cho âm hồn không yên ổn, tính toán một hồi liền từ bỏ ý định ấy rồi xoay người rời khỏi Tương Sơn, hướng về phía kinh thành.
Còn cách thành chừng vài dặm bỗng trông thấy một quán trà, Nhạc Chi Dương thổi sáo cả buổi trời vốn đã khát khô cổ họng, bèn tiến vào trong quán gọi một bình trà lên để giải nhiệt.
Đang lúc nhâm nhi, gã chợt nghe có kẻ lên tiếng:
- Lão chó thiến thật gian trá, lần này lại để cho lão ta xổng mất rồi!
Nhạc Chi Dương nghe ra giọng nói của Minh Đấu, lập tức hoảng hồn hoảng vía dời mặt đi hướng khác.
- Chỉ tại con lừa trọc kia lắm chuyện, bằng không lão chó thiến khó mà thoát cảnh xương cốt hóa bùn!
Người vừa nói chính là Dương Phong Lai, y vừa càm ràm vừa tiến vào trong quán, kế đó lớn giọng gọi:
- Hầu đâu, mang cho bọn ta ba bình trà mát giải nhiệt!
Ngừng một chút, y lại mắng:
- Thành Kim Lăng này rõ là địa phương quái gở, còn chưa tới tháng năm mà đã nóng hầm hập như cái lò hấp vậy!
Chợt nghe có kẻ thở dài, Thi Nam Đình từ tốn bảo:
- Cũng không hoàn toàn trách tên hòa thượng đó được, lúc Lãnh Huyền bỏ chạy, chúng ta không rượt theo Lãnh Huyền mà chỉ lo khư khư bám lấy hòa thượng, kết quả là ầm ĩ một hồi nhưng chẳng thu được lợi lộc gì.
Minh Đấu hừ một tiếng, bảo:
- Về tư thì đáng ra phải đuổi theo lão chó thiến; nhưng về công, kho bảo tàng ấy có quan hệ trọng đại, nếu vô cớ cho qua lẽ nào đem việc tư lấn át việc công? Đảo Vương mà hỏi đến, chúng ta làm sao mà giải thích đây?
Dương Phong Lai hùa theo:
- Minh Đấu nói có lý lắm.
Thi Nam Đình cười lạnh:
- Có câu "Thù gϊếŧ cha không đội trời chung", hôm nay Thi mỗ mới biết câu nói ấy sai rồi, hóa ra hận đoạt bảo mới là không đội trời chung.
Minh Đấu nổi giận:
- Thi tôn chủ, ngươi nói ai đó?
Thi Nam Đình dửng dưng đáp:
- Ta nói ai thì trong lòng kẻ ấy tự hiểu!
Quán trà im phăng phắt hồi lâu, Dương Phong Lai chợt cười gằn một tiếng:
- Hai vị cãi nhau làm gì! Theo ta thấy, chuyện này cần phải trách Trương sư điệt, hắn thông báo cho chúng ta biết Lãnh Huyền ở Tiên Nguyệt Ký, nhưng rốt cuộc chúng ta đến đó còn hắn thì lại thậm thụt không đi. Hôm nay nếu có "Dạ Vũ Thần Châm" của hắn, lấy bốn chọi hai lẽ nào không hạ sát được Lãnh Huyền!
Minh Đấu lạnh lùng nói:
- Trương Thiên Ý tính tình kỳ cục quái gở, trước giờ ta đã không ưa hắn. Nói không chừng, cũng vì bảo tàng mà hắn xúi giục cho chúng ta đánh loạn xà quần, đợi đến khi lưỡng bại câu thương mới thò đầu ra hưởng lợi!
Thi Nam Đình trầm ngâm giật lát, đoạn nói:
- Minh Đấu, chúng ta vốn là đồng môn với nhau, khi chưa có chứng cứ xác thực thì chớ có suy bụng ta ra bụng người!
Dương Phong Lai vội lên tiếng:
- Thi tôn chủ nói phải, Trương sư điệt mang trong mình nợ nước thù nhà, so ra còn thảm hơn cả chúng ta!
Nhạc Chi Dương nép ở một bên lúc này đang lo lắng vô cùng, nghe thấy ba người sôi nổi bàn luận, chẳng có ý định gì là uống trà xong thì rời khỏi quán. Đúng lúc hồi hộp, gã chợt nghe ba người trở nên trầm lắng, lại nghe Minh Đấu hét oang oang:
- Ông chủ, tính tiền!
Nhạc Chi Dương còn chưa kịp cao hứng, bỗng cảm giác đầu vai nặng trịch như có ai đó vỗ lên. Tinh thần đang cơn căng thẳng, gã nhảy nhổm lên rồi quay đầu lại xem, chỉ thấy Minh Đấu cười tủm tỉm:
- Thằng nhóc con, quả là ngươi mà!
Nhạc Chi Dương "A" lên một tiếng, xoay người toan bỏ chạy, nhưng vừa quay đầu đi thì bản mặt chình ình của Dương Phong Lai đã hiện ra ở ngay đằng trước, gã xoay người sang hướng khác lại thấy Thi Nam Đình đang bụm miệng ho khan khe khẽ ở phía đó.
Nhạc Chi Dương thầm biết chẳng cách nào thoát thân được, chỉ đành thở dài ngồi xuống. Dương Phong Lai tiến lên trước một bước, xách lấy vạt áo của gã nhấc bổng lên, lớn giọng nói:
- Thằng nhóc này ngồi chung với Lãnh Huyền, phỏng chừng cũng không phải hạng tốt lành gì sất!
Thi Nam Đình vội nói:
- Ngươi chớ có lỗ mãng, đợi ta hỏi qua đã!
Dương Phong Lai gật đầu, buông Nhạc Chi Dương xuống. Thi Nam Đình bước về phía trước, quan sát Nhạc Chi Dương một lượt rồi mỉm cười:
- Xin hỏi cậu nhỏ, sao cậu lại ngồi cùng Lãnh Huyền vậy?
Nhạc Chi Dương suy nghĩ thật nhanh rồi buột miệng:
- Ông đang nói đến cái lão già không có râu ấy à? Ta chính là người hướng dẫn cho ổng!
- Hướng dẫn? - Thi Nam Đình nhíu mày thật chặt: - Hướng dẫn cái gì?
Nhạc Chi Dương phì cười:
- Đương nhiên là hướng dẫn cách mua vui ở bến sông Tần Hoài rồi, ba vị lão gia có điều không biết, chứ ở sông Tần Hoài này có hàng trăm thanh lâu lớn nhỏ đủ loại, nơi nào sang, nơi nào hèn, cô nương nhà nào đẹp nhất, khúc hát nhà nào hay nhất, để biết được những chuyện này đều cần phải có kiến thức cả. Nếu mà không rành rẽ thì chẳng những hao tài tốn của mà chơi bời cũng không vui vẻ được đâu!
Dương Phong Lai nửa tin nửa ngờ, nhổ phì một tiếng mắng:
- Thằng nhóc xấu xa, hóa ra là một tên ma cô dắt khách.
Y định buông tay thì bỗng nghe Minh Đấu cười bảo:
- Ngươi đừng nghe nó nói xàm, Lãnh Huyền là thân phận gì chứ? Thái giám mà đi mua vui với gái bán hoa, dẫu có tâm cũng chẳng có sức.
Dương Phong Lai chợt nhiên tỉnh ngộ:
- Không sai, không sai!
Y trừng mắt nhìn Nhạc Chi Dương hét lên:
- Thành thật khai báo, đỡ phải chịu khổ!
Nhạc Chi Dương tỏ ra không hề quýnh quáng, mỉm cười bảo:
- Lúc trước ta cũng khó hiểu, hai kẻ này sao chỉ dạo loanh quanh mà không chơi tới bến, bây giờ nghe các ông nói thế, nghĩ lại họ đúng là hai tên thái giám thật. Cơ mà vị Minh tiên sinh đây nói cũng chưa đúng lắm, thái giám thì không đến chốn trăng hoa được nhưng chủ nhân của bọn họ lẽ nào cũng không ư? Biết đâu bọn họ xuất cung là vì muốn thăm dò đường đi nước bước cho chủ nhân thì sao nào.
Ba người nọ trố mắt nhìn nhau, Minh Đấu trầm ngâm:
- Nói như vậy, sao kẻ ấy phải cải trang tìm thú vui riêng?
Dương Phong Lai cười lạnh:
- Họ Chu kia cũng đâu phải thánh nhân, ở trong cung no nê chán chê rồi, không chừng muốn ra ngoài tìm của lạ.
Thi Nam Đình đập tay than thở:
- Vậy thì toi rồi, chúng ta đánh cỏ động rắn, Lãnh Huyền một khi trở về bẩm báo, kẻ ấy hẳn nhiên sẽ không xuất cung nữa.
Nhạc Chi Dương bịa đặt một tràng nào ngờ ba người bọn họ lại tin là thật, còn đứng phân tích suy luận lung tung beng, làm cho gã mắc cười muốn chết nhưng ngoài mặt vẫn cố kiềm hãm chịu đựng.
Minh Đấu cúi đầu nghĩ ngợi, chợt ngẩng lên hỏi:
- Nhóc con, tên tiểu tử ngồi cạnh ngươi cũng là thái giám à?
Nhạc Chi Dương bấm bụng ừ đại, Dương Phong Lai gật gù bảo:
- Chả trách giọng nói của hắn nghe cứ như con gái.
Minh Đấu hừ một tiếng, bất chợt vươn tay ra sờ vào đũng quần Nhạc Chi Dương, đoạn chầm chậm rút tay về, phán:
- Vẫn chưa tịnh thân, nó không phải là thái giám!
Nhạc Chi Dương trong lòng mắng thầm, lại nghe Dương Phong Lai lên tiếng:
- Vậy thôi thả nó đi nhé!
Y đang định nới tay thì Minh Đấu xua đi, cười bảo:
- Gấp làm gì? Còn một chuyện nữa Minh mỗ chưa rõ!
Nhạc Chi Dương chỉ lo hắn nhìn ra sơ hở, trái tim tức thời đập dồn, gượng cười hỏi:
- Là chuyện gì vậy?
Minh Đấu phất tay một cái, thắt lưng Nhạc Chi Dương bỗng nhẹ hẫng, thanh Không Bích đã rơi vào trong tay hắn. Nhạc Chi Dương vừa kinh ngạc vừa giận dữ, gã quên khuấy cả nguy hiểm, nhào đến bên hắn thét lên:
- Trả lại cho ta!
Gã chợt thấy đầu vai bị siết chặt, ngón tay của Dương Phong Lai đã gia tăng thêm kình lực, Nhạc Chi Dương cựa quậy không xong, chỉ còn ánh mắt phẫn nộ trừng trừng nhìn Minh Đấu, gã hét vang ầm ĩ:
- Ban ngày ban mặt mà giở trò trộm đạo à?
Minh Đấu mỉm cười không nói năng gì, nhẹ nhàng vuốt ve sáo ngọc, hai mắt lấp lánh sáng rỡ. Thi Nam Đình đằng hắng một tiếng:
- Minh Đấu, ngươi làm gì vậy?
Minh Đấu như người vừa tỉnh mộng, cười xòa:
- Nếu ta nhớ không nhầm, thanh sáo này vốn là di vật của Thạch Sùng đời Tấn, đừng nói đến lai lịch bất phàm mà ngay cả chất ngọc làm ra nó cũng bảo vật vô song trên đời!
Dương Phong Lai cũng gật đầu nói:
- Trong số phỉ thúy hiếm có cái nào trong suốt thuần chất như vậy, mà dẫu có thuần chất như vậy thì cũng không có cái nào to ngần này, có to ngần này thì cũng khó mà thẳng nuột sắc sảo đến thế. Càng khó hơn chính là, cho dù có loại ngọc hiếm hoi ấy đi nữa thì để tạo ra thanh sáo này, mười phần cũng phải vất đi hết chín.
- Vậy thì sao? - Thi Nam Đình nhíu mày hỏi: - Liên quan gì tới Lãnh Huyền?
Minh Đấu mỉm cười:
- Liên quan nhiều chứ, thanh sáo như vậy nếu không phải đồ vật trong cung thì chắc chắn cũng xuất xứ từ chỗ vương hầu thế gia, thằng nhóc này cùng lắm chỉ là một gã ma cô ở bến Tần Hoài, thử hỏi làm sao mang được món đồ quý như thế trên người?
Thi Nam Đình thấy cũng có lý, ba người sáu ánh mắt cùng đổ dồn lên mặt Nhạc Chi Dương. Trái tim Nhạc Chi Dương thình thịch đập mạnh, nhưng đầu óc gã vốn nhạy bén, liền mở miệng ứng biến ngay:
- Đây là bảo vật gia truyền của nhà ta, nếu không tin, các người theo ta về nhà hỏi thì biết!
Lời này của gã chỉ để dọa suông, người ngoài thấy gã mạnh miệng như vậy thì mười phần đã tin hết chín, sẽ chẳng cùng gã về nhà làm gì. Thế nhưng tình hình trước mắt thì không giống như vậy, mối ngờ vực của tam tôn Đông Đảo vẫn chưa tan, chuyện dính líu đến Lãnh Huyền lại quá nhiều, vì thế bọn họ không dám sơ suất, nghe thấy lời này Minh Đấu liền tiện miệng nói luôn:
- Được thôi, bọn ta theo ngươi đi một chuyến!
Nhạc Chi Dương đớ người, sắc mặt hóa ra trắng bệch. Tam tôn thấy bộ dạng của gã như vậy, trong lòng càng thêm nghi ngờ. Dương Phong Lai hét:
- Ngây ra đó làm gì? Đi thôi!
Nhạc Chi Dương cúi đầu rầu rĩ:
- Đi thì đi, nhưng mà trả sáo lại cho ta trước đã!
Minh Đấu đang định khước từ thì Thi Nam Đình đã lên tiếng:
- Trả cho nó trước đi, lỡ mà chuyện này truyền ra giang hồ, thế nào cũng bảo Đông Đảo chúng ta ỷ mạnh hϊếp yếu, bắt nạt bá tánh!
Bị trực tiếp nắm thóp như thế, Minh Đấu dẫu có trăm nghìn lần không muốn cũng chỉ đành cười gượng, giao trả sáo ngọc lại cho Nhạc Chi Dương.
Nhạc Chi Dương một mặt nhận lấy sáo ngọc, chầm chậm giắt ngang thắt lưng, một mặt thì ráo riết suy tính, tìm cách tháo thân. Lúc này Dương Phong Lai lại lớn tiếng giục giã, gã chỉ đành cắn răng nhắm mắt đi về hướng sông Tần Hoài.
Dọc đường đi loằn ngoằn loèo ngoèo, Nhạc Chi Dương vắt hết óc nghĩ ngợi cũng không tìm ra cách nào trốn được. Ba kẻ này võ công cao vời, cỡ nào cũng ứng phó được, đến hạng cao thủ như Lãnh Huyền mà gặp thoáng qua bọn họ cũng không dễ dàng gì chạy thoát chứ đừng nói chi cái hạng không biết võ công như Nhạc Chi Dương. Ba người họ mà muốn gϊếŧ gã thật tình còn dễ hơn là bóp chết một con kiến.
Vất vả một lúc mới đến được miếu Phu Tử, Nhạc Chi Dương liếc trái ngó phải nhưng chẳng thấy bóng dáng Chu Vi đâu cả, thầm nghĩ chắc hẳn cô nàng đã theo Lãnh Huyền trở về cung rồi. Ngoảnh đầu nhìn về phía hoàng cung, lòng gã bỗng dậy lên một nỗi ủ ê thất vọng: cung cấm tầng tầng nghiêm mật, lần chia xa này chỉ sợ là mãi mãi. Chu Vi từng nói rằng trừ khi công chúa gả chồng mới có thể rời khỏi cấm thành, nhưng khi ấy nàng đã là vợ người ta, gặp được nàng rồi cũng còn điều gì để nói cơ chứ? Ngẫm cho cùng, nàng là công chúa Đại Minh lá ngọc cành vàng, trời sinh đã ở trên đỉnh mây cao, còn gã chẳng qua chỉ là một kẻ vô danh hèn hạ ở khúc sông Tần Hoài mà thôi.
Nhạc Chi Dương lửa lòng nguội lạnh, vươn tay vuốt lên thanh Không Bích, chất ngọc ấm mịn hệt như thịt da thiếu nữ. Gã bất giác nhắm mắt lại, gương mặt tươi tắn của Chu Vi nhập nhoạng hiện lên từ bóng tối, thấp thoáng như một đóa sen trắng ngần nở rộ trong màn đêm giá lạnh.
- Nhạc Chi Dương!
Một tiếng gọi chói lói vang đến. Nhạc Chi Dương đưa mắt nhìn sang, Giang Tiểu Lưu chạy ùa đến như một cơn gió, vừa gặp đã liếng thoắng:
- Nhà ngươi chết ở xó xỉn nào mà mấy bữa nay chả thấy bóng dáng đâu cả vậy? Đến nhà ngươi gõ cửa ba lượt cũng không thấy động tĩnh gì. Ngươi biết tin gì chưa, xảy ra chuyện lớn rồi, phường hát chết hơn trăm mạng người, quan phủ đã cho đóng cửa viện, lục soát từng hộ để điều tra nghi phạm.
Hắn nói xong một lèo, ánh mắt lại dời xuống thanh Không Bích, kinh ngạc thốt:
- Giỏi thật, Nhạc Chi Dương, nhà ngươi đổi nghề đạo tặc rồi à, cây sáo này...
Chợt thấy Nhạc Chi Dương nháy mắt liên hồi, hắn chợt cảm thấy có sự lạ bèn liếc mắt quan sát, phía sau Nhạc Chi Dương có ba người đang đứng, ai nấy đều mặc trang phục kỳ lạ, tướng mạo cổ quái, sáu luồng ánh mắt nom hệt như sáu mũi dùi.
Giang Tiểu Lưu bỗng chốc chột dạ, lời lên đến miệng liền sửa ngay:
- Thanh sáo này... còn chưa hỏng à, xưa nay chưa từng thấy ngươi xài nó.
Nhạc Chi Dương thở phào một hơi, mỉm cười:
- Đây là vật của cha tặng ta đó!
Giang Tiểu Lưu trong bụng rủa thầm: “Cha nhà ngươi nghèo ra bã, cho ngươi cái rắm chó thì có!” Ngoài miệng thì xuýt xoa:
- Cha nhà ngươi đối xử với ngươi thật không tệ, kể còn tốt hơn cha ta nhiều. Cha toàn tặng gậy tặng gộc cho ta, hận không thể một gậy đập chết ta cho rồi!
Nhạc Chi Dương nhìn hắn gật đầu, lại nói tiếp:
- Ba vị này là những tiền bối ta mới quen, vị này là Minh tiền bối, vị này là Thi tiền bối, còn vị này là Dương tiền bối, vị nào vị nấy đều có bản lĩnh phi thường cả.
Giang Tiểu Lưu bụng đầy ắp ngờ vực, nhưng hắn xuất thân phường thanh lâu đã quen thói bợ đỡ, liền nhanh chóng khom lưng cúi đầu với ba người nọ, mặt mày tươi cười nhưng trong lòng thầm nghĩ, nhất định Nhạc Chi Dương đã xảy ra chuyện gì đó, bằng không sao lại quen với đám người kỳ lạ như vầy. Chợt nghe Nhạc Chi Dương lên tiếng:
- Giang Tiểu Lưu, hôm qua ta đến thổi sáo cho cô nương ở viện Quần Phương nghe rồi bỏ quên khúc phổ lại đó, bây giờ ta phải dẫn ba vị tiền bối này về nhà, hay ngươi giúp ta một chuyến, đến đó mang khúc phổ trở về nhé!
Giang Tiểu Lưu càng nghe càng thấy lạ, không kịp hỏi thêm điều gì thì Nhạc Chi Dương đã phất phất tay rồi xoay người bỏ đi, mà hướng đi của gã lại ngược với hướng trở về nhà. Giang Tiểu Lưu ngẫm nghĩ một hồi, chợt vỗ gáy hiểu ra, Nhạc Chi Dương thổi sáo cho kỹ nữ nghe vốn chỉ là chuyện tào lao xịt bộp, gã nói muốn dẫn ba người kia về nhà nhưng lại đi về hướng trái ngược, rõ ràng là không muốn dẫn bọn họ đi. Thậm chí đến thanh sáo phỉ thúy mà Nhạc Chi Dương nói là của cha gã tặng cũng là toàn lời nhăng cuội. Việc này đoán chừng, ba người kia có lẽ là người quan phủ, còn thanh sáo nọ là một món tang vật, Nhạc Chi Dương nói dối là bảo vật tổ truyền nên bọn họ muốn dẫn gã về nhà để đối chất.
Nghĩ đến đây, trong lòng Giang Tiểu Lưu nóng như lửa đốt, hắn men theo lối đường tắt chạy tót đến nhà họ Nhạc, định bụng đi trước một bước để báo cho Nhạc Thiều Phượng hay tin, hai người cùng thống nhất lời lẽ, tránh đến khi đó lại giấu đầu hở đuôi.
Nhà họ Nhạc nằm ở cuối nhánh sông Tần Hoài, bên ngoài là một bờ tường đất bao quanh lấy mái tranh. Giang Tiểu Lưu chạy một mạch đến trước nhà, mệt đến thiếu chút nữa là đứt hơi. Hắn gập người thở dốc, đang định giơ tay lên gõ cửa, chợt nghe đằng sau có kẻ cười nói:
- Hóa ra là ở đây à?
Giang Tiểu Lưu hoảng hốt đến mức nhảy dựng lên, quay đầu lại xem, trông thấy ba người nọ dẫn theo Nhạc Chi Dương đang khoanh đứng cách đó không xa. Nhạc Chi Dương mặt ủ mày chau, trông thấy hắn chỉ biết lặng lẽ thở dài thườn thượt.
Giang Tiểu Lưu vội nói:
- Các vị đến nhanh gớm, ta cũng vừa đi đằng viện Quần Phương nhưng không tìm ra khúc phổ liền vội vã quay về đây họp mặt với các vị.
Hắn muốn rào đón trước, cố ý nói khúc phổ chưa cầm trên tay, tránh việc đến khi bọn họ hỏi thì khó bề giải thích.
Thì ra Minh Đấu xảo quyệt vô cùng, nhác thấy hai chàng trai dáng vẻ khả nghi đã đoán ra mấy phần nội tình, bèn làm bộ đi cùng Nhạc Chi Dương, đợi cho Giang Tiểu Lưu vừa rời bước liền kéo lấy Nhạc Chi Dương bám gót đến tận đây. Giang Tiểu Lưu thực bụng muốn báo tin sớm, dè đâu lại vô tình dẫn sói vào nhà. Nhạc Chi Dương có khổ tự biết nhưng cũng đành chịu vậy chứ biết làm sao.
Giang Tiểu Lưu nào biết cớ sự ra sao, chỉ lo một lòng bịa chuyện, bịa một hồi thấy bốn người đối diện im ru bà rù, bụng hắn chùng hẳn xuống, chỉ cảm thấy cực kỳ không ổn, mặt nghệch ra đấy chẳng nói thêm được câu nào. Hắn nhìn sang Nhạc Chi Dương, tiểu tử nọ đang gằm mặt sa sầm, lắc lắc đầu liên tục.
- Đây là nhà của ngươi? - Minh Đấu mở miệng hỏi: - Tên ngươi là Nhạc Chi Dương ư? Còn cha ngươi xưng hô thế nào?
Nhạc Chi Dương ỉu xìu đáp: - Nhạc Thiều Phượng!
Thi Nam Đình "í" một tiếng:
- Nhạc Thiều Phượng? Cái tên này hình như nghe quen quen!
Minh Đấu suy nghĩ rồi nói:
- Quả là có người cùng tên như vậy. Lúc Chu Nguyên Chương dựng nước, có vị quan Tế Tửu trong triều tên là Nhạc Thiều Phượng, người này tinh thông âm luật, chuyên chủ trì xét duyệt các loại nhã nhạc trong cung đình Đại Minh. Ba cái thứ "Phi Long Dẫn", "Phong Vân Hội" gì gì đó, toàn là mấy bài hát vỗ mông ngựa cho Chu Nguyên Chương cả. Về sao không biết vì cơn cớ gì mà họ Nhạc bỗng nhiên thoái ẩn từ quan. Chẳng lẽ lại là cùng một người hay sao?
- Lẽ nào lại trùng hợp đến như vậy? - Dương Phong Lai cười lạnh bảo: - Phải hay không phải, bước vào hỏi là biết ngay.
Nói rồi, y sấn lên trước gõ cửa, thế nhưng chẳng thấy ai hồi đáp, cửa ngoài cũng không khóa chứng tỏ bên trong đang chốt then. Dương Phong Lai cảm thấy sốt ruột, tay ngầm vận nội lực, "Rắc" một tiếng, then cửa gãy làm đôi. Thi Nam Đình khẽ nhíu mày nhắc:
- Dương Phong Lai, đây gọi là tự tiện xông vào nhà dân đấy.
Dương Phong Lai còn đang chần chờ, Minh Đấu thản nhiên mỉm cười, xốc lấy Nhạc Chi Dương tiến qua ngạch cửa, những người khác cũng đành bước vào theo. Chợt thấy cửa phòng bên trong mái tranh mở toang hoang, Minh Đấu đang định mở lời thông báo, bỗng nhiên hắn khục khịt mũi rồi hét lên:
- Không ổn!
Hắn sải bước nhanh vào phòng, Nhạc Chi Dương vừa ghé mắt trông, thiếu chút nữa ngất lịm đi.
Dương Phong Lai cũng xộc vào sau đó, kinh hãi thét lên:
- Thảm thật!
Hóa ra bên trong nhà có một xác chết đang nằm sắp, thời gian chết đã quá ngày nên giờ đây lợm mùi tanh tưởi. Toàn thân thi thể không có lấy một chỗ lành lặn, hệt như bị thú hoang cào xé, trên mặt đất đầy những mảnh thịt vụn, bãi máu tươi lênh láng sớm đã khô quánh lại.