Trương Ư Đán người huyện Chiêu Viễn (tỉnh Sơn Đông) tính ngang tàng không chịu bị trói buộc, tới học ở chùa Tiêu. Lúc ấy quan Tri huyện là ông Lỗ người Tam Hàn (vùng đất phía nam Triều Tiên) có cô con gái thích đi săn, sinh tình cờ gặp nàng ngoài đồng, thấy phong tư lộng lẫy, mặc áo lông điêu gấm, cưỡi con ngựa câu nhỏ, xinh đẹp như tranh vẽ, trở về nhớ nhung, băn khoăn tơ tưởng. Sau nghe tin nàng mắc bạo bệnh mà chết, vô cùng đau xót.
Lỗ vì nhà ở xa nên gởi quan tài nàng trong chùa, tức nơi sinh ở. Sinh kính cẩn như đối với thần minh, sáng ra thì thắp hương, đến bữa thì cúng vái, cứ rưới rượu khấn rằng "Thấy mặt một lần mộng hồn vương vấn, không ngờ người ngọc chợt qua đời, nay thì tuy gần gũi trong gang tấc mà xa xôi như núi sông, thật hận làm sao. Nhưng nàng còn sống thì còn có điều trói buộc chứ chết rồi không còn gì ngăn cấm, dưới chín suối có thiêng thì xin nhẹ nhàng về đây cho vơi niềm mong nhớ!” sớm tối cứ thế khấn khứa suốt nửa năm.
Một đêm khêu đèn đọc sách, chợt ngẩng đầu thì thấy cô gái đang đứng trước đèn tươi cười. Sinh giật mình đứng lên hỏi, nàng đáp "Cảm vì tình của chàng, không cầm lòng được nên không sợ mang tiếng tư tình". Sinh cả mừng kéo nàng ngồi xuống rồi cùng nhau ân ái, từ đó đêm nào nàng cũng tới. Cô gái nói với sinh “Lúc thϊếp còn sống thích cung ngựa, lấy việc bắn hươu gϊếŧ nai làm vui, tội nghiệt rất sâu, chết không có nơi về, nếu chàng thật lòng thương yêu xin phiền tụng kinh Kim cương cho đủ số một tạng* thì đời đời kiếp kiếp không dám quên ơn". Sinh kính cẩn nghe lời, cứ sáng ra là lập tức tới trước quan tài lần tràng hạt đọc kinh.
*Đủ số một tạng: tức đủ 81 lần. 81 1à con số thiêng của nhà Phật.
Gặp lúc cuối năm, muốn cô gái cùng về nhà với mình, cô gái lo chân yếu không thể lặn lội. Sinh xin cõng đi, nàng cười nghe theo, thấy như cõng trẻ con không có chút gì nặng nhọc mỏi mệt. Từ đó lấy thế làm thường, đi khảo thí cũng đưa nàng theo, nhưng chỉ ban đêm mới đi. Sinh sắp đi thi hương, cô gái nói “Chàng phúc mỏng, vất vả làm gì”, sinh nghe lời bèn thôi.
Được bốn năm năm, Lỗ bãi chức nghèo quá không thể đưa quan tài con gái cùng về quê, định chôn ở đó nhưng ngặt không có đất. Sinh bèn tự trần rằng "Ta có khoảnh đất xấu gần chùa, xin cứ chôn cất tiểu thư ở đó". Lỗ mừng lắm, sinh lại hết sức giúp đỡ việc chôn cất, Lỗ rất biết ơn nhưng không hiểu vì sao. Lỗ đi rồi, hai người lại khắng khít như trước.
Một đêm nàng nép vào lòng sinh nước mắt lã chã nói "Gắn bó được năm năm, nay phải chia tay rồi. Thϊếp chịu ơn của chàng mấy kiếp cũng không báo đáp được," Sinh ngạc nhiên hỏi, nàng đáp “Đội ơn tới tận suối vàng, kinh sấm đã tròn một tạng, nay được đi đầu thai vào nhà quan Hộ bộ họ Lư ở Hà Bắc. Nếu chàng không quên tình hôm nay thì đúng ngày Trung thu mười lăm năm sau xin tới gặp nhau”. Sinh rơi nước mắt nói "Ta đã hơn ba mươi tuổi rồi, thêm mười lăm năm nữa thì sắp vào quan tài, gặp nhau có làm được gì?". Cô gái cũng khóc nói "Thϊếp xin làm nô tỳ để đền ơn", lát sau lại nói "Chàng đưa thϊếp đi giùm sáu bảy dặm với, từ đây ra đó đường nhiều gai góc, thϊếp sợ rách hết quần áo". Rồi ôm cổ sinh, sinh cõng nàng ra tới đường cái, thấy ven đường có một dãy xe ngựa, trên ngựa hoặc một hoặc hai người, trên xe hoặc ba bốn người hoặc mười mấy người không như nhau.
Có một chiếc xe buông màn thêu treo rèm ngọc, chỉ có một bà già ngồi trên, thấy cô gái tới bèn gọi "Tới rồi đấy à?". Cô gái đáp "Tới rồi đây”, rồi ngoảnh nhìn sinh nói “Tới đây thì thϊếp xin đi, đừng quên lời thϊếp dặn", sinh vâng dạ. Cô gái bước tới cạnh xe, bà già đưa tay kéo lên, rồi đó lăn bánh lên đường, xe ngựa rầm rập phóng đi.
Sinh buồn bã trở về, ghi lại ngày hẹn lên vách, nhưng lại nghĩ tới công hiệu của kinh Phật, lại càng chuyên cần tụng niệm. Nằm mơ thấy thần nói “Lòng thành của ngươi rất đáng khen, nhưng cũng phải tới Nam Hải* nữa”. Sinh hỏi "Nam Hải cách đây xa không?” thần đáp “Chỉ trong gang tấc”. Sinh tỉnh dậy hiểu ý, bèn tụng kinh Quan âm, tu hành càng nghiêm cẩn.
*Nam Hải: đây chỉ nơi ở của Quan Thế âm Bồ tát.
Ba năm sau con thứ là Minh, con trưởng là Chính nối nhau thi đỗ. Sinh quý hiển nhưng vẫn giữ thiện hạnh, đêm mơ thấy một người áo xanh mời đi, tới một nơi cung điện, trong điện có một người ngồi, hình dáng như Quan âm Bồ tát đứng lên đón, nói "Ông làm điều lành đáng khen, tiếc không được sống lâu, may ta đã xin được Thượng đế cho thêm tuổi thọ rồi". Sinh lạy rạp dập đầu, Bồ tát gọi đứng lên, cho ngồi uống trà, thấy mùi vị thơm ngát như hoa lan. Lại sai đồng tử dẫn đi, bảo xuống ao tắm, nước ao trong suốt có thể đếm được cá đang bơi, bước xuống thấy ấm áp, vốc lên thấy có mùi hương sen. Lát sau dần ra tới chỗ sâu, hụt thân chìm nghỉm, giật mình tỉnh dậy lấy làm lạ lùng.
Từ đó thân thể càng khỏe mạnh, mắt càng sáng, vuốt râu thì những sợi râu trắng đều lả tả rơi xuống, lâu sau thì râu đen cũng rụng xuống, những nếp nhăn trên mặt cũng giãn ra. Vài tháng sau thì cằm không còn sợi râu nào mà mặt như trẻ con giống lúc mười lăm mười sáu tuổi. Lại thích những trò nghịch ngợm phá phách, có khi làm điều bậy bạ, hai con trai phải xin lỗi che chở cho. Không bao lâu, phu nhân già mắc bệnh chết, hai con trai muốn hỏi cưới vợ kế con nhà thế tộc cho cha, sinh nói "Chờ ta tới Hà Bắc trở về rồi sẽ cưới vợ".
Bấm đốt ngón tay tính đã tới ngày hẹn, bèn sai đầy tớ thắng ngựa tới Hà Bắc, hỏi thăm quả có nhà quan Hộ bộ họ Lư. Trước là ông Lư sinh được một con gái, sinh ra đã biết nói, lớn lên càng thông minh xinh đẹp, cha mẹ rất yêu dấu. Các nhà giàu sang tới dạm hỏi thì nàng cứ chối từ không chịu, cha mẹ lấy làm lạ hỏi, nàng kể lại lời hẹn kiếp trước. Cha mẹ cùng tính lại tuổi tác sinh, cười lớn nói “Con nhãi ngây ngốc, Trương lang tính ra đã gần năm mươi tuổi, nếu việc người thay đổi thì xương đã mục nát, mà nếu còn sống cũng thì đã đầu hói răng rụng rồi". Cô gái không nghe, mẹ thấy nàng quyết ý bèn bàn với ông Lư sai người giữ cửa không được đưa tin sinh tới, chờ qua kỳ hẹn để nàng không mong đợi nữa.
Không bao lâu sinh tới, người giữ cửa từ chối không cho vào, sinh quay lại nhà trọ buồn bã không biết làm sao. Lúc nhàn rỗi đi dạo ngoài đồng, nhân ngầm tìm cách nghe ngóng tin tức trong nhà họ Lư. Cô gái cho rằng sinh phụ ước, khóc lóc bỏ ăn, mẹ nói "Y không tới, chắc đã chết rồi, nếu không thì cái lỗi phụ ước không phải là do con” nàng không nói gì, chỉ nằm cả ngày. Lư lo sợ, cũng nghĩ muốn gặp sinh một lần xem sao bèn lấy cớ ra ngoài dạo chơi, gặp sinh ngoài đồng, nhìn thấy là một thiếu niên lấy làm kinh ngạc. Bèn trải chiếu xuống đất cùng ngồi trò chuyện, thấy rất hợp ý, mừng rỡ mời về nhà.
Sinh đang định hỏi chuyện, Lư lập tức đứng lên dặn khách ngồi đợi một lúc rồi vội vào nói với con gái. Cô gái vui mừng gượng dậy, ra núp nhìn mặt sinh thấy không giống, rơi lệ quay vào, oán trách cha lừa dối mình. Lư ra sức phân trần đó đúng là sinh, cô gái không nói gì, chỉ rơi lệ không thôi. Lư trở ra, trong lòng chán nản, trò chuyện với khách rất lạt lẽo. Sinh hỏi "Quý nhân có phải là quan Hộ bộ không?", Lư ngạo mạn gật đầu, ngoảnh nhìn chỗ khác như không muốn tiếp khách. Sinh thấy ngạo mạn vô lễ bèn cáo từ ra về, cô gái khóc lóc mấy ngày rồi chết. Sinh đêm nằm mơ thấy nàng tới nói "Người tới đó đúng là chàng ư? Tuổi tác cùng dung mạo quá cách biệt, lại nhìn qua rèm nên không thấy rõ mặt, thϊếp vì phẫn uất mà chết, xin chàng tới miếu Thổ địa gọi hồn gấp thì thϊếp còn có thể sống lại, nếu chậm thì không kịp đâu.
Sinh tỉnh dậy vội tới cổng nhà họ Lư nghe ngóng, quả nhiên cô gái đã chết hai ngày rồi. Sinh vô cùng đau xót, vào tận nhà trong điếu tang, kế kể lại giấc mơ cho Lư nghe, Lư theo lời lập đàn gọi hồn về rồi mở vải liệm ra vỗ về xác cô gái, kêu gọi khấn khứa. Giây lát nghe trong cổ họng nàng có tiếng thở khò khè, chợt thấy môi son hé mở, nhưng toàn thân vẫn lạnh như băng. Vội bế ra đặt lên giường, giây lát thì nàng rêи ɾỉ, Lư mừng rỡ mời khách ra ngoài, mở tiệc khoản dãi. Hỏi tới gia thế biết sinh là nhà quý hiển, càng thêm mừng rỡ bèn chọn ngày tốt gả con gái cho sinh.
Sinh ở đó nửa tháng rồi đưa cô gái về, Lư cũng tiễn về tới tận nhà, ở lại nửa năm mới đi. Vợ chồng ăn ở với nhau rõ ra là một cặp vợ chồng trẻ, nhiều người không biết cứ lầm tưởng vợ chồng con trai là vợ chồng sinh. Qua năm sau ông Lư chết, con trai còn quá nhỏ nên bị bọn cường hào lấn hϊếp, gia sản dần khánh kiệt, sinh bèn đón về nuôi, sau con trai Lư làm nhà ở đó luôn.