Chương 4: Thử Tự Kỷ, Sở Tác Chi Phước Dã, An Đắc Nhi Bất Thọ Hưởng Hô

Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm qua nói đến thiền sư Vân Cốc dạy Liễu Phàm tiên sinh phải sửa đổi chính mình, đây chính là nói về thân nghĩa lý.

Hôm nay chúng ta xem tiếp: “Phu huyết nhục chi thân, thượng nhiên hữu số, nghĩa lý chi thân, khởi bất năng cách thiên”. “Huyết nhục chi thân” là thân thể của chúng ta, vì thân thể này không thể tách rời vọng tưởng phân biệt chấp trước, bởi vậy đều rơi vào số mệnh. Cho nên dùng thuật số có thể suy đoán chuyện lành dữ họa phước của cuộc đời mình. Nếu con người muốn vượt thoát số mệnh, cần phải thay đổi từ mặt tâm lý. Những quan niệm và hành vi bất thiện trước đây, đều có thể thay đổi, tương ưng với nghĩa lý. Thân này gọi là “thân nghĩa lý”, trong Phật pháp gọi là nguyện lực, thân huyết nhục là nghiệp lực, do nghiệp lực biến hiện. Nếu nguyện lực chúng ta mạnh hơn nghiệp lực, trong Phật pháp gọi là thừa nguyện tái sanh. Trong này chúng ta cần phải hiểu, thân huyết nhục không tách rời tự tư tự lợi, thân nghĩa lý đại công vô tư, không nghĩ đến lợi ích cho riêng mình. Sống trong thế gian này, thân thể này là công cụ vì xã hội, vì nhân dân, vì chúng sanh phục vụ tạo phước, hoàn toàn thoát ly quan hệ nghiệp lực của mình, thân này gọi là thân nghĩa lý, thân này gọi là thừa nguyện tái sanh. Chúng sanh có phước, thân này sẽ thường trụ ở thế gian. Chúng sanh không có phước báo, thân này tự nhiên xả bỏ. Nói cách khác, nhà Phật thường nói, liễu sanh tử xuất luân hồi, chính là ý này.

Bên dưới trích dẫn sách cổ làm chứng: “Thái giáp viết: Thiên tác nghiệt, do khả vi”. Đây là giả thiết, là tai họa thiên nhiên. “Do khả vi” là có thể tránh. Ngày nay chúng ta nói thiên tai tự nhiên là có thể tránh, có thể cứu vãn, đạo lý này rất thâm sâu. “Tự tác nghiệt, bất khả hoạt”, là không thể cứu vãn, không thể tránh khỏi, ý câu này rất sâu sắc. Vì sao nói có thể tránh thiên tai tự nhiên? Hiện nay người hiểu đạo lý này không nhiều.

Thánh nhân nói với chúng ta, trong kinh điển Phật Bồ Tát nói với chúng ta: “y báo chuyển theo chánh báo”. Y báo là hoàn cảnh tự nhiên, hoàn cảnh tự nhiên cũng chuyển theo tâm người. Nếu xã hội này, tâm người lương thiện, thuần hậu, hoàn cảnh sống của chúng ta sẽ chuyển thành tốt. Gọi là phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. Không chỉ là thiên tai do người làm, là nhân tạo, thiên tai tự nhiên cũng là con người tạo.

Trong Phật pháp nói, một loại là cộng nghiệp, một loại nữa là biệt nghiệp. Cộng nghiệp là mọi người cùng tạo, nó biến thành thiên tai tự nhiên. Do cá nhân tạo ra, liền trở thành lành dữ họa phước của cá nhân. Cho nên cá nhân mình tạo nghiệp, đây là điều không thể tránh khỏi. Nghiệp do đại chúng xã hội tạo ra, tôi có thể tránh, tôi có thể cứu vãn. Đây là chân lý, là chân tướng sự thật.

Lại trích dẫn hai câu trong Thi Kinh: “Thi vân: Vĩnh ngôn phối mệnh, tự cầu đa phước”. Hai câu này, “vĩnh ngôn” nghĩa là thường nói, các bậc thánh hiền thường nói. “Phối mệnh” nghĩa là nói tâm tương ưng với trời cao, tâm người đồng tâm trời, trời là tâm gì? Rốt cuộc trời ở đâu? Đây không phải một thứ hữu hình, nói thật là một thứ vô hình, là một khái niệm trừu tượng, gọi là: “trời có đức hiếu sinh”. Tâm trời là tâm yêu thương, yêu thương vô tư. Tâm trời là yêu thương bình đẳng, yêu thương bình đẳng. Nếu bản thân có thể tu dưỡng, nâng tâm nguyện của mình đến đại công vô tư, đối đãi bình đẳng với mọi người, mọi việc, mọi vật. Đây chính là “vĩnh ngôn phối mệnh”. Đương nhiên phước ở trong đó, không cầu phước báo cũng hiện tiền. Quý vị suy nghĩ tường tận về ý nghĩa này.

Bên dưới thiền sư Vân Cốc nói: “Khổng tiên sinh toán nhữ, bất đăng khoa đệ, bất sanh tử giả, thử thiên tác chi nghiệt, do khả đắc nhi vi dã”. “Thiên tác chi nghiệt”, là tội ông tạo trong quá khứ, ông tạo nghiệp bất thiện, nên đời này không có phần công danh, cũng không có con. Đây là do trong đời quá khứ ông tạo, có thể tránh, có thể cứu vãn, cứu vãn như thế nào? “Nhữ kim khuếch sung đức tánh”, phải sửa đổi chính mình. “Lực hành thiện sự, đa tích âm đức”. Âm đức là gì? Làm việc tốt mà không để cho người khác biết, đây gọi là âm đức, âm đức quả báo dày. Làm một chút việc tốt, mọi người đều biết. Như hiện nay tin tức báo chí đứng ra biểu dương, khen ngợi, giới thiệu quý vị trước quần chúng xã hội. Đây cũng là phước, nhưng phước này lập tức tiêu hết, rất đáng tiếc! Bởi vậy người làm việc tốt thật sự, không cần để người khác biết. Nếu làm việc tốt nhất định phải có giới truyền thông đưa tin, phải lên báo lên đài, đây không phải việc tốt thật sự. Tâm này chưa rời danh văn lợi dưỡng, không phải chân tâm. Thiện này là giả thiện, là ngụy thiện, không phải chân thiện. Chân thiện, cần gì để người khác biết? Tuyệt đối tránh tình trạng truyền thông đưa tin, như vậy mới tốt.

Ngày xưa, người có đức năng chơn chánh, gọi là dấu tài năng không để người ngoài biết, ẩn cư trong rừng sâu không ai hay, do đó họ tích đức ngày càng dày. Đến lúc nhân duyên thành thục, bị người phát hiện, họ có thể vì quốc gia, vì dân tộc kiến công lập nghiệp. Trong này chứa đựng rất nhiều học vấn, những điều này chúng ta phải tư duy thật sâu sắc, đều phải học tập. “Thử tự kỷ, sở tác chi phước dã, an đắc nhi bất thọ hưởng hô”. Bản thân tạo phước đương nhiên bản thân đều nhận được.

Tiếp theo đại sư dẫn chứng câu nói trong Kinh Dịch: “Dịch vi quân tử mưu, xu kiết tị xung”. Dẫn chứng hai câu này để tăng trưởng tín tâm cho Liễu Phàm tiên sinh. “Nhược ngôn thiên mệnh hữu thường, kiết hà khả xu, hung hà khả tị”. Câu này nói rất hay, nếu nói vận mệnh định sẵn, không thể thay đổi, vậy thì câu này trong Kinh Dịch nói không thông. Nói cách khác, hai câu trong Kinh Dịch nói với chúng ta, vấn đề về vận mệnh rất linh hoạt, chúng ta mỗi ngày khởi tâm động niệm, niệm thiện thì tăng phước, phước tăng thêm một phần, niệm ác thì giảm bớt một phần. Mỗi ngày khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác là cộng trừ nhân chia, ngày ngày đều có cộng trừ nhân chia. Tại sao vận mệnh người thế gian bị người đoán chắc? Vì mức độ cộng trừ nhân chia của họ không lớn, không rời trung tuyến của họ quá xa, cho nên đoán rất chuẩn. Nếu mức độ cộng trừ nhân chia rất lớn, vận mệnh họ không chuẩn. Như ở trước nói, người làm việc thiện lớn, vận mệnh không câu thúc được họ. Người làm việc ác lớn, vận mệnh cũng không câu thúc được họ, đó chính là mức độ cộng trừ nhân chia lớn. Họ làm việc thiện lớn, họa liền trở thành phước, còn như làm việc ác lớn, phước cũng biến thành họa, đạo lý là như vậy.

“Khai chương đệ nhất nghĩa, tiện thuyết, tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh, nhữ tín đắc cập phủ”. Những cuốn sách này, bình thường Liễu Phàm tiên sinh thường hay đọc, thường hay đọc không thể nói không hiểu ý nghĩa trong đó, nhưng hiểu không sâu sắc. Nói cách khác, đọc những sách tịch của các bậc thánh hiền, nhưng bản thân không áp thể áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Không thể thực hành trong cuộc sống, như công việc, xử sự đối nhân tiếp vật, do đó vận mệnh của ông không hề thay đổi. Thiền sư Vân Cốc vừa khai thị, ông liền hiểu ngay.



Liễu Phàm tiên sinh nói: “Dư tín kỳ ngôn, bái nhi thọ giáo”. Những gì thiền sư Vân Cốc dạy, đã thức tỉnh Liễu Phàm tiên sinh, vận mệnh đích thực là chính mình tạo, chính mình có thể thay đổi, nhất định phải hiểu tự cầu đa phước.

Chúng ta học Phật, có nhiều người hỏi tôi. Họ hỏi, thầy ơi vì sao thầy học Phật? Tôi trả lời rất đơn giản, mục đích học Phật của tôi rất đơn thuần, là để nâng cao cảnh giới mình, đây là nói từ phương diện quả báo. Nếu nói từ nhân, là để nâng cao đức hạnh của mình. Tích lũy công đức là tu nhân, nhân tốt quả đương nhiên thù thắng. Khi nghiệp nhân quả báo đến ta có thể cảm nhận được, quý vị sẽ rất hoan hỷ. Nhà Phật thường nói: “thường sanh tâm hoan hỷ”, suốt đời đều sống trong niềm hoan hỷ, an vui vô cùng! Trong lòng không có âu lo, không có vướng bận, không có vọng tưởng, không có chấp trước , không có phiền não, đây gọi là được đại tự tại. Trong kinh luận thường nói: “thường sanh tâm hoan hỷ”, suốt đời sống trong thế giới cảm ân, điều này hạnh phúc biết bao! Tôi xuất gia là vì điều này, thật ra đây là ngày xưa thầy giáo tôi dạy tôi.

Trước khi tôi học Phật rất yêu thích triết học. Thầy giáo tôi là thầy Phương Đông Mỹ nói với tôi, Phật học là tinh hoa trong triết học, là đỉnh cao nhất trong triết học. “Học Phật là hưởng thụ cao nhất của đời người”, tôi bị câu nói này của thầy làm rung động, cho nên siêng năng học tập. Sau khi tôi cạo tóc xuất gia đến thăm thầy, thầy rất hoan hỷ, thầy nói anh đi con đường này là đúng, tôi chỉ nói với anh như vậy, không ngờ anh làm thật. Quả thật là tôi được thầy chỉ dẫn, tôi cũng giống như Liễu Phàm tiên sinh vậy: “Dư tín kỳ ngôn, bái nhi thọ giáo”. Thầy Phương giới thiệu Phật pháp cho tôi, đại sư Chương Gia đặt nền tảng cho tôi, thầy Lý Bính Nam dùng thời gian mười năm bồi dưỡng tôi. Suốt đời được lợi ích, được an vui, được tự tại.

Liễu Phàm tiên sinh đã hiểu, đã giác ngộ, tiếp theo là thực hành. “Nhân tương vãng nhật chi tội”, trong quá khứ tạo ra nhiều tội ác, vô số sai lầm. “Phật tiền tận tình phát lộ”, phát lộ là không hề dấu giếm, nói ra tất cả. “Vi sớ nhất thông”, sớ là văn chương, nghĩa là bản thân hạ quyết tâm phải sửa đổi sai lầm. Viết một bài văn, cầu Phật Bồ Tát làm chứng cho con, dụng ý là như vậy.

“Tiên cầu đăng khoa”, số mệnh ông không có công danh, cầu điều này trước. “Đăng khoa”, là trước tiên cầu thi đậu cử nhân. Số mệnh ông chỉ có tú tài, tú tài đến cao nhất là cống sanh, bởi thế ông không có khoa đệ, nói như hiện nay là ông không có học vị. “Thệ hành thiện sự tam thiên điều, dĩ báo thiên địa tổ tông chi đức”. Bắt đầu đoạn ác tu thiện, phát tâm lớn như thế quả là rất khó được. Thiền sư Vân Cốc thấy vậy đương nhiên rất hoan hỷ, người này đáng để dạy. Tuy lúc này Liễu Phàm tiên sinh đã 35 tuổi, nhưng có thể quay đầu, đoạn ác hướng thiện. Vào thời nhà Minh lúc đó “công quá cách” rất lưu hành. Chúng ta thấy trong lịch sử, rất nhiều vĩ nhân có thành tựu, đều dùng phương pháp “công quá cách” này để kiểm điểm sai lầm của mình.

“Vân Cốc xuất công quá cách thị dư, linh sở hành chi sự, trục nhật đăng ký. Thiện tắc lý số, ác tắc thoái trừ, thả giáo trì chuẩn đề chú, dĩ kỳ tất nghiệm”. Liễu Phàm tiên sinh quả thật là một phàm phu, là hàng sơ học, hơn nữa căn tánh không phải là thượng căn lợi trí, có thể nói là hàng trung hạ căn tánh, cho nên thiền sư Vân Cốc dùng phương pháp “công quá cách” để giúp ông ta. Phương pháp công quá cách hiện nay cũng rất lưu thông ở Đài Loạn và HongKong, đều có thể tìm thấy. Trước đây chúng tôi cũng từng in ấn. Mỗi ngày đều ghi lại, tự ghi lại việc tốt mình làm hằng ngày, mỗi ngày gây ra lỗi lầm, phản tỉnh lỗi lầm, lỗi lầm cũng ghi lại. So sánh thiện và ác, hôm nay rốt cuộc ta làm việc thiện nhiều hay ác nhiều? Khi mới làm nhất định là thiện ác hỗn tạp, có thể là ác nhiều hơn thiện, bản thân nâng cao cảnh giác. Ngày ngày siêng năng nỗ lực sửa đổi, hy vọng đến một ngày, mở công quá cách ra là thuần thiện không có ác, như vậy là thành công. Đây là dạy ông thay đổi từ sự. Phương pháp này không phải là một phương pháp cao siêu, nhưng đối với người bình thường mà nói là một phương pháp rất có hiệu quả.

Lại dạy ông trì chú Chuẩn Đề. Trong Phật pháp tham thiền, trì chú, niệm Phật, tuy phương pháp khác nhau, nhưng mục tiêu và công hiệu hoàn toàn giống nhau, là nhϊếp tâm. Người bình thường không thể không có vọng niệm, chỉ có Phật Bồ Tát, bậc đại tu hành mới không có vọng niệm. Vọng niệm có hại cho chúng ta rất lớn, chúng ta phải biết vọng niệm không những phá hoại tâm thanh tịnh của chúng ta, mà còn sanh hiệu quả không tốt cho sức khỏe chúng ta.

Chúng ta xem Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc còn tại thế, một ngày ăn một bữa, ngày ăn bữa ngọ, mà ăn rất đơn giản, rất ít. Người bây giờ chúng ta nghĩ “như vậy sao đủ dinh dưỡng?” Chúng ta không hiểu đạo lý, khi hiểu rõ đạo lý bỗng nhiên đại ngộ, thì ra dinh dưỡng là bổ sung thể năng cho chúng ta. Thân thể giống như một bộ máy vậy, bộ máy này vận động suốt 24 tiếng đồng hồ, khi ngủ cũng không ngừng, tim vẫn cứ đập, mạch vẫn đập, máu huyết đang tuần hoàn, nên cần có năng lượng. Ẩm thực là bổ sung năng lượng, như xe hơi cần thêm dầu vậy. Nhưng chúng ta biết, có xe hao hầu, có xe tiết kiệm dầu. Thân thể chúng ta cũng như vậy, thân thể đối với tiêu hao năng lượng, có hao năng lượng, có tiết kiệm năng lượng. Rốt cuộc năng lượng hao vào đâu? Hiện nay chúng ta đã hiểu 95% tiêu hao vào vọng niệm. Như vậy mới biết vì sao người tu hành có thể ăn ngày một bữa? Vì họ tâm thanh tịnh, ít vọng niệm, nên họ tiêu hao năng lượng ít, thân thể mạnh khỏe. Phàm phu vọng tưởng nhiều, tạp niệm nhiều, mỗi ngày bổ sung ba lần còn chưa đủ, còn phải ăn khuya và điểm tâm, suốt ngày đều phải bổ sung, họ tiêu hao quá nhiều năng lượng. Tiêu hao quá nhiều chắc chắn ảnh hưởng không tốt đến thân thể. Bởi vậy muốn giữ gìn sức khỏe, phải giảm trừ vọng tưởng. Vọng niệm giảm ít, ẩm thực tự nhiên cũng giảm ít. Thân thể mạnh khỏe không cần ẩm thực, vì sao vậy? Dù ẩm thực ít đến đâu cũng không thể hoàn toàn đạt được không ô nhiễm, không có ẩm thực chắc chắn không có ô nhiễm, thân thể mới thật sự mạnh khỏe. Cho nên ăn nhiều không phải là việc tốt, ăn nhiều những thứ không sạch không bài tiết hết, khí quản thân thể bị ô nhiễm nhiều hơn người khác, bây giờ gọi là nhiều cơ hội mắc bệnh. Cổ nhân nói: “bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”, lời nói này không sai chút nào.

Dạy người trì chú, trì chú chính là tu tâm thanh tịnh. Con người chắc chắn có tạp niệm, ta tập trung ý niệm vào câu chú, tạp niệm không còn. Dùng một ý niệm thay thế tất cả các vọng niệm, đạo lý là đây, hiệu quả rất rõ ràng. Cho nên quý vị dùng phương pháp tham cứu cũng được, dùng phương pháp trì chú cũng được, dùng phương pháp niệm Phật cũng được, có rất nhiều phương pháp, nhà Phật nói tám vạn bốn ngàn pháp môn. Pháp là phương pháp, môn là con đường, phương pháp và con đường rất nhiều. Quý vị có thể chọn một loại, giúp ta nhϊếp tâm, giúp ta đoạn tận vọng tưởng. Tâm địa thanh tịnh, trí tuệ liền hiện tiền, chân tâm liền hiện tiền, đây là một cách và phương pháp tu hành.

Thiền sư Vân Cốc dạy ông niệm chú Chuẩn Đề, lại nói với ông: “Ngữ dư viết: Phù lục gia hữu vân, bất hội thư phù, bị quỷ thần tiếu”. Chuyên gia họa phù niệm chú thường nói, quý vị không biết họa phù bị quỷ thần cười. Quỷ thần không những cười cợt quý vị, có khi còn khiến quý vị không chịu được. Trong này có bí truyền, “thử hữu bí truyền, chỉ thị bất động tâm dã”. Họa phù, trì chú, niệm Phật đích thực có công diệu khác thường. Đây chính là phương pháp hình thức khác nhau, nhưng nguyên lý mục đích hoàn toàn tương đồng, đều phải dùng chân tâm, tức là không có vọng niệm nào, phù này sẽ linh. “Chấp bỉ thư phù”, chúng ta dùng viết họa phù, “tiên bả vạn duyên buông bỏ, nhất trần bất khởi”, ông phải buông bỏ tất cả mọi vọng niệm, nhất niệm không sanh. “Tùng thử niệm đầu bất động xứ, hạ nhất điểm, vị chi hổn độn khai cơ, do thử nhi nhất bỉ huy thành, cánh vô tư lự, thử phù tiện linh”. Họa phù, phù này có linh hay không, quý vị xem người họa phù. Cho nên bình thường phải luyện tập, luyện thật thuần thục. Chúng tôi từ nhỏ, lúc làm học sinh tiểu học cũng thích họa phù, ngày nào cũng luyện, nhưng chúng tôi không hiểu nguyên lý này. Nếu trong lúc họa phù, mà khởi vọng niệm, phù này không linh. Nhất định lá phù này, bắt đầu từ một điểm cho đến vẽ xong lá phù này, không có vọng niệm nào. Tâm thanh tịnh, phù này sẽ linh. Từ đó cho thấy, trì chú cũng như vậy. Lúc trì chú không được xen tạp vọng niệm, xen tạp một vọng niệm, chú này không linh. Vậy mới biết, niệm thần chú không dễ, chú càng dài càng khó niệm. Càng dài, thời gian dài không dễ không xen lẫn tạp niệm. Nhà Phật thường nói: đọc kinh không bằng trì chú, trì chú không bằng niệm Phật. Vì sao vậy? Vì kinh dài hơn chú, không vọng tưởng rất khó, chú cũng khá dài, lúc trì không vọng tưởng cũng không dễ. Phật hiệu ngắn, bốn chữ A Di Đà Phật, trong bốn chữ A Di Đà Phật này không xen tạp vọng niệm, câu Phật hiệu này sẽ linh. Vừa niệm Phật vừa khởi vọng niệm, Phật hiệu này không linh.

Những phương pháp này đều là nhϊếp tâm, đều giúp chúng ta đạt đến tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là chân tâm, trong tâm có vọng niệm, tâm này gọi là vọng tâm. Vọng tâm có sanh diệt, chân tâm không có sanh diệt, trong chân tâm không có niệm, nên nó không có sanh diệt. Làm sao để đoạn tận sanh diệt, khôi phục đến bất sanh bất diệt? Đây là mục tiêu tu học cao nhất trong nhà Phật, đến bất sanh bất diệt. Đạo lý này, được thiền sư Vân Cốc nói ra cho chúng ta biết.

Bên dưới nói: “Phàm kì thiên lập mệnh đô yếu tùng, vô tư vô lự xứ cảm cách”. Cảm cách chính là cầu cảm ứng, cầu cảm ứng với tâm tánh, cầu cảm ứng với trời đều phải dùng tâm chân thành. Gọi là “thành tức linh, không thành vô vật”. Lại nói: “Mạnh tử luận lập mệnh chi học”, thuyết lập mệnh Mạnh tử nói sớm nhất. “Nhi viết: Yêu thọ bất nhị, phu yêu hưng thọ, chí nhị giả dã, đương kỳ bất động niệm thời, thục vi yêu, thục vi thọ”. Mạnh tử nói lời này rất cao minh, “yêu” là đoản mệnh, “thọ” là trường thọ, đoản mệnh và trường thọ là một không phải hai, câu nói này người thông thường nghe không hiểu. Đoản mệnh và trường thọ khác nhau rất lớn, sao lại là một không phải hai? Vì chúng ta nhìn thấy là hai, thấy có sự sai biệt rất lớn, chúng ta dùng tâm gì nhìn? Dùng tâm phân biệt nhìn, dùng tâm chấp trước nhìn, cho nên nhìn nó thành hai. Nếu tâm ta bất động, trong tâm không có ý niệm nào, trường thọ và đoản mệnh đích thực là một không phải hai, vì sao vậy? Vì không có phân biệt, có phân biệt mới có hai ba, không có phân biệt làm gì có hai ba.



Ai không phân biệt? Thánh nhân không có tâm phân biệt, Đức Phật không có tâm phân biệt, Bồ Tát không có tâm phân biệt. Phàm phu có tâm phân biệt, cho nên biến tất cả pháp thế gian thành đối lập. Lớn và nhỏ là đối lập, dài và ngắn là đối lập, thiện và ác là đối lập, chân và vọng là đối lập, tất cả đều trở thành đối lập. Đối lập chính là luận tương đối mà các nhà khoa học nói. Sống trong thế gian tương đối, là thế gian hư vọng, trong Kinh Kim Cang gọi là “mộng huyễn bào ảnh”. Đây không phải là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, chân tướng của vũ trụ nhân sinh gọi là “nhất chân”. Nghĩa là nói, trong đó chắc chắn không có tương đối, đây mới là chân, có tương đối không phải là chân. Trong lục đạo là tương đối, trong mười pháp giới vẫn là tương đối, đến nhất chân pháp giới tương đối không còn. Chúng ta nói tương đối không còn phải chăng là có tuyệt đối? Tuyệt đối cũng không có, tuyệt đối và tương đối hỗ tương kiến lập. Tương đối không còn, tuyệt đối cũng không còn. Cảnh giới này, trong kinh Phật gọi là “bất khả tư nghị”. “Tư” là tư duy, quý vị không thể tư, tư là sai. “Nghị” là nghị luận, là nói, cũng không thể nói, nói là sai, đó thật sự là nhất chân pháp giới, đó là thật bình đẳng. Mạnh tử nói những lời này không đơn giản, nếu ông không khế nhập cảnh giới này, không nói được như thế. Cho nên tuy Khổng Mạnh không có tiếp xúc với Phật pháp, nhưng nếu dụng tiêu chuẩn của Phật pháp để xem Khổng Mạnh, họ cũng là đại Bồ Tát, cũng không phải người bình thường. Ngôn luận của họ, quan sát của họ, trong Phật pháp gọi là cảnh giới của đại thừa Viên giáo, thất địa Bồ Tát trở lên.

“Tế phân chi”, nghĩa là mở rộng nó. “Phong khiểm bất nhị, nhiên hậu khả lập, bần phú chi mệnh”. “Phong” là được mùa, năm nay nông dân được mùa, gặt hái tốt. “Khiểm” là gặt hái không tốt. Gặt hái nhiều, phong phú, năm nay có thể sống sung túc. Năm nay mất mùa, cuộc sống rất khó khăn. Nếu quý vị có thể hiểu “phong khiểm bất nhị”, đó chính là giàu nghèo không hai, quý vị có thể lập mạng giàu nghèo. “Cùng thông bất nhị, nhiên hậu khả lập, quý tiện chi mạng”. “Cùng” là hoàn cảnh khó khăn, làm việc gì cũng gian nan khốn khổ, không thể thành tựu. “Thông” là thông đạt, muốn làm việc gì cũng có rất nhiều trợ duyên, thuận lợi vô cùng. Nếu không hiểu đạo lý này, không thể lập mệnh quý tiện.

Chúng ta muốn hỏi thế gian có giàu nghèo chăng? Có. Có quý tiện chăng? Có. Nên lập mệnh như thế nào? Người nghèo thì an phận nghèo, người giàu an phận giàu, người quý an phận quý, người tiện an phận tiện, người nào sống đúng phận người đó, đây gọi là lập mệnh. Hai bên tôn trọng lẫn nhau, yêu kính lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, đây đúng là biết mệnh trời. Cho nên thế gian vĩnh viễn thái bình, xã hội tuyệt đối không thể có động loạn, vì sao vậy? Vì tri mệnh, đây là học vấn, là thực học, học vấn thật sự.

Nói tiếp: “Yêu thọ bất nhị, nhiên hậu khả lập, sanh tử chi mệnh”. Hiện tượng sanh tử trong lục đạo đều có, đáng sợ chăng? Không đáng sợ, sanh tử rất bình thường. Chỉ cần hiểu rõ ràng minh bạch đạo lý này, còn tham sống sợ chết chăng? Không còn, sanh và tử là một việc, không phải hai. Người thông đạt, đối với việc xả thân thọ thân như vấn đề sanh tử, chẳng khác nào như chúng ta thay áo quần, thay áo quần vậy. Chúng ta ví áo quần như thân thể, bộ áo quần này mang đã lâu, bị dơ bẩn, bị rách, chúng ta tự nhiên phải thay nó. Thay nó, thân này không cần nữa, thay một bộ áo quần khác, tức là thay một thân. Cho nên sanh tử, xả thân thọ thân giống như thay áo quần vậy. Ở đây chúng ta cần phải chú ý, áo quần này càng thay càng đẹp, tốt! Nếu càng thay càng xấu, như vậy là không tốt. Nếu một người tạo ác nhiều, họ xả bỏ thân thể này, đời sau lại được một thân khác xấu hơn thân này, là thân súc sanh, thân ngạ quỷ, thân địa ngục, thân này ngày càng xấu hơn so với chúng ta. Nếu người này suốt đời hành thiện, hiếu thiện tích đức, sau khi họ xả bỏ thân này, đời sau được sanh lên cõi trời, thân trời trang nghiêm hơn thân chúng ta nhiều. Họ được thân Bồ Tát, được thân Phật, ngày càng trang nghiêm. Nếu hiểu được chân tướng sự thật này, hiểu được đạo lý này mới thật sự chịu đoạn ác tu thiện. Tuy đoạn ác tu thiện là lợi ích người khác, nhưng lợi người mới thật sự lợi mình, đây là chân lý. Tổn người chắc chắn hại mình, người thế gian thường nói: “tổn người lợi mình”. Lời này nói có chỗ sai lầm: “tổn người chắc chắn hại mình”. Lợi mình là đạt được chút lợi ích nhỏ trước mắt, nhưng mấy mươi năm sau, sau khi chết trở thành ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, đây đúng là hại mình, hại mình rất thảm, đến lúc đó hối hận cũng không kịp. Bởi vậy tuyệt đối không được làm điều tổn người. Người thông minh, người hiểu biết, nhất định làm việc lợi ích tất cả chúng sanh.

Văn nhân là người đi theo sự nghiệp giáo dục văn hóa, ngày nay chúng ta thấy rất nhiều sách báo xuất bản. Có nhiều người tặng sách, tặng báo cho tôi xem, điều đầu tiên là tôi xem trang bản quyền. Trên trang bản quyền viết: “có bản quyền, không được sao chép dưới mọi hình thức”. Sách này tôi không xem, vì sao tôi không xem? Vì tôi nghĩ họ viết chẳng có gì hay, vì tâm họ rất tự tư, họ không có ý lợi ích đại chúng. Tôi không muốn lãng phí thời gian và tinh thần, nên tôi không xem mấy sách như thế. Nếu ở sau in: “hoan nghênh ấn tống, công đức vô lượng”. Sách này tôi xem kỷ từ đầu đến cuối, vì sao vậy? Vì tâm họ rộng rãi, họ không có ý niệm tự tư tự lợi. Đây là người tốt, đây là thiện nhân, sách của họ nên đọc, cho nên tôi đọc sách không giống với người khác.

Riêng tôi, như mấy năm lại đây, băng ghi âm và CD giảng kinh nhiều vô số, thông kê tất cả có mấy nghìn loại. Thư tịch cũng có không ít, tôi hoàn toàn không có bản quyền, hoan nghênh ấn tống, hoan nghênh lưu thông. Người ta có thể lưu thông, ấn tống sách đĩa của tôi, tôi rất cảm kích, coi như họ coi trọng tôi. Nếu họ không coi trọng tôi, vì sao phải mất nhiều tiền như vậy để làm việc này? Tôi hà tất phải hạn chế người khác không được ấn tống, không được lưu thông. Vậy chúng tôi giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, vĩnh viễn không đạt được ý nguyện này. Cho nên chúng tôi hoàn toàn không có bản quyền, mà còn hoan nghênh mọi người ấn tống lưu thông.

Đối với vấn đề sanh tử đã tham thấu, nhìn thấu, biết được chân tướng sự thật này, cho nên không có ý niệm tham sống sợ chết. Bất luận khi nào, bất luận phương thức tử vong nào, đều hoan hỷ an vui, vì sao vậy? Vì biết sau khi xả thân thân này, lập tức thay một thân khác tốt hơn, thù thắng hơn hiện tại. Tôi có niềm tin, có sự chắc chắn.

“Nhân sinh thế gian, duy tử sanh vi trọng, viết yêu thọ, tắc nhất thiết thuận nghịch, giai cai chi hỉ”. “Cai” là bao gồm, chỉ cần thấu triệt cửa ải này, tất cả mọi tương đối trong cảnh giới, ta đều được tự tại. “Nhất thiết thuận nghịch”, thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên trong nhân sự hoàn cảnh, đều bao gồm trong đó. Bao gồm trong đó là gì? Là không hai. Chúng ta phải nhập vào cảnh giới này, trong đời này không tránh khỏi gặp phải có một số người tốt với chúng ta, quan tâm chúng ta, đây là có ân huệ. Có một số người bất mãn chúng ta, ác ý hủy báng, hãm hại, sỉ nhục đều có. Chúng ta dùng tâm như thế nào đối đãi họ? Dùng tâm cảm ân đối đãi họ. Người tốt với tôi, tôi cảm kích họ, họ giúp đỡ tôi rất nhiều. Người không tốt với tôi, người hủy báng tôi, người sỉ nhục tôi, người hãm hại tôi, tôi cũng rất cảm kích họ. Cảm kích họ điều gì? Vì họ làm tiêu nghiệp chướng cho tôi, thành tựu đức hạnh cho tôi. Nghĩa là nói, họ dùng thủ đoạn này đối với tôi, xem tâm tôi có bình đẳng chăng, tâm tôi còn sân nhuế chăng? Nếu như tôi còn có một niệm sân nhuế, một một niệm trả thù, thì tôi là phàm phu, công phu không tiến bộ. Họ đối đãi với tôi như thế, đồng nghĩa nói là khảo nghiệm, tôi vượt qua được thử thách rồi. Tôi không có ác ý hay ý niệm trả thù họ, không những không có ý trả thù, mà còn cảm kích họ, cảm ân họ.

Cho nên trước Phật đường nhỏ của tôi_những oán thân trái chủ, những người không tốt đối với chúng tôi, tôi đều cúng bài vị trường sanh cho họ, ngày ngày tụng kinh lạy Phật cầu phúc cho họ, không giống nhau. Dù quý vị hãm hại tôi như thế nào đi nữa, tôi vẫn cầu nguyện cho quý vị, tôi xem quý vị chẳng khác nào Phật Bồ Tát. Vì sao quý vị không tốt với tôi? Vì quý vị không hiểu về tôi lắm, tất cả đều phát sanh từ sự ngộ nhận, hà tất phải tính toán so đo? Tính toán so đo là sai lầm của tôi. Tôi không tính toán so đo, mà còn cảm ân, tôn kính. Khi quý vị gặp khó khăn, cần tôi giúp, tôi sẽ toàn tâm toàn lực giúp quý vị. Đây là đạo lý làm người, cần phải thấu triệt “bất nhị pháp môn”.

Pháp môn bất nhị là nhà Phật nói, chúng ta từ đây để xem những gì Mạnh tử nói, Nho gia cũng khế nhập pháp môn bất nhị, Nho và Phật là một không phải hai. Sau đó chúng ta lại quan sát tường tận, rất nhiều điển tịch của các tôn giáo trong thế gian, trong mắt tôi toàn là bất nhị pháp môn. Tôi học Phật, nhưng tôi đi vào giáo đường của các tôn giáo khác, tôi lễ bái, tôi cung kính. Rất nhiều người thấy vậy cảm thấy rất kỳ lạ, tôi nói chẳng có gì kỳ lạ cả, tất cả chúng thần là một không phải hai.

Thôi, hôm nay chúng ta tạm dừng tại đây.