Tải app Android hoặc iOS để đọc truyện nhanh hơn

Hỗ trợ: Fanpage TruyenHD

Liễu Phàm Tứ Huấn

Chương 15: Liễu Phàm Tứ Huấn

« Chương TrướcChương Tiếp »
Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Chúng ta xem tiếp đoạn văn bên dưới: “Phàm dục tích thiện, quyết bất khả tuẫn nhĩ mục, duy tùng tâm nguyện ẩn vi xứ, mặc mặc tẩy địch. Thuần thị tế thế chi tâm, tắc vi đoan. Cẩu hữu nhất hào, mị thế chi tâm, tức vi khúc. Thuần thị ái nhân chi tâm, tắc vi đoan. Hữu nhất hào phẫn thế chi tâm, tức vi khúc. Thuần thị kính nhân chi tâm, tắc vi đoan. Hữu nhất hào ngoan thế chi tâm, tức vi khúc, giai đương tế biện”.

Đoạn này nói với chúng ta về sự phân biệt giữa “đoan” và “khúc”. Chúng ta phát tâm muốn tu thiện, phát tâm muốn tích đức, tuyệt đối không để bị mắt và tai lừa gạt. Mắt thích nhìn, tai thích nghe, nếu tùy thuận tham tâm này, như vậy là sai. Cần phải từ chỗ ẩn mật vi tế của khởi tâm động niệm, đem tâm mình rửa sạch sẽ. Hay nói cách khác, tuyệt đối không để cho ý niệm tà ác làm ô nhiễm tâm thanh tịnh.

Trong kinh Phật thường nói, trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, Đức Phật dạy cho chúng ta cương lĩnh tu học. Phật dạy ngày đêm thường nghĩ đến thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không dung nạp chút bất thiện nào xen tạp vào, ý nghĩa hoàn toàn tương đồng với ở đây nói. Như vậy mới có thể khiến tâm mình hoàn toàn thanh tịnh, toàn là tâm tế thế cứu nhân, đây gọi là trực. Trong này tuyệt đối không xen tạp chút uyển chuyển nào, uyển chuyển này chính là tự tư tự lợi.

Bên dưới có ví dụ rất hay, nếu có tâm nịnh hót của thế tục, đó là khúc, không phải trực. “Đoan” là đoan trực, nhà Phật nói: “trực tâm là đạo tràng”. Ở đây Liễu Phàm tiên sinh dùng đoan, đoan chính là trực, đoan tâm tức là trực tâm. Phản diện của đoan là “khúc”, trong tâm còn một chút tâm nịnh bợ của thế tục, như vậy là sai. Toàn là tâm thương người, thương người trong nhà Phật gọi là đại từ đại bi. Trong thương yêu này không có tình, nếu có cảm tình là sai. Yêu này là tâm yêu thương của thanh tịnh, yêu thương của bình đẳng, yêu thương của chân thành, đây là đoan. Nếu trong này còn có chút oán hận bất bình, những điều này vô cùng vi tế, chúng ta cần phải khảo nghiệm trong cuộc sống hằng ngày. Ta xử sự đối nhân tiếp vật, còn có sự ghét bỏ chăng? Còn có điều gì không thích hay chán ghét chăng? Nếu như còn những ý niệm này, tâm chúng ta phát là khúc, tâm này không đoan, nghĩa là không phải trực tâm. Tâm thể của tâm bồ đề là trực tâm, trong Khởi Tín Luận nói: “trực tâm, thâm tâm, đại bi tâm”, đây gọi là tâm bồ đề. Bồ đề nghĩa là giác ngộ, người thật sự giác ngộ tâm họ là trực tâm. Tự thọ dụng là thâm tâm, thâm tâm là háo thiện háo đức.

Thiện này ở trước có nói, như thế nào gọi là háo thiện? Niệm niệm lợi ích người khác, niệm niệm lợi ích chúng sanh, đây là thiện. Nếu trong đó xen vào ý niệm tự lợi, đây là bất thiện. Nếu như không hiểu rõ ràng minh bạch tiêu chuẩn này, quả thật như cổ nhân nói, quý vị tưởng rằng là tu thiện, đâu ngờ là đang tạo ác! Cho nên ta tu hành bao nhiêu năm, đều không thể thay đổi được vận mệnh, đều không đạt được thành tích tốt. Rốt cuộc khuyết điểm phát sinh ở đâu, bản thân không hề hay biết. Liễu Phàm Tứ Huấn là một cuốn sách hay, đọc tường tận. Sau khi đọc xong, suy nghĩ tường tận, nỗ lực tự kiểm điểm mình. Do đó bản thân hiểu rõ, biết được làm sao tu thiện, làm sao tích đức.

Toàn là tâm cung kính người khác_hai ba năm lại đây chúng ta đề xướng sống trong thế giới biết ơn. Bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, đều không để nó trong tâm. Để trong tâm chỉ có lòng yêu thương, chỉ có lòng biết ơn, đây là đoan. Nếu như có một chút tâm bỡn cợt thế nhân, đó chính là khúc. Những điều này cần phải phân biệt tỉ mỉ.

Bên dưới nói với chúng ta như thế nào gọi là âm dương. “Hà vị âm dương”. Thiện có “âm thiện” có “dương thiện”. “Phàm vi thiện nhi nhân tri chi, tắc vi dương thiện, vi thiện nhi nhân bất tri, tắc vi âm đức. Âm đức thiên báo chi, dương thiện hưởng thế danh, danh diệc phước dã”. Bây giờ quý vị tu, bây giờ đã hưởng hết phước. “Danh giả, tạo vật sở kỵ, thế chi hưởng thịnh danh, nhi thật bất phó giả, danh hữu kỳ họa. Nhân chi vô quá cửu, nhi hoành bị ác danh giả, tử tôn vãng vãng sậu phát, âm dương chi tế vi hĩ tai”, đoạn này nói rất hay! Dương thiện và âm thiện dễ hiểu, dễ hiểu hơn nhiều so với “đoan khúc” ở trước.

“Dương” là hoàn toàn hiển lộ ra, việc tốt quý vị làm mọi người đều biết, báo chí biểu dương quý vị, chương trình truyền hình cũng phát sóng tán dương quý vị, những việc tốt ta làm đều được báo đáp hết. “Âm thiện”, việc thiện ta làm không có ai hay biết, bản thân cũng không nói với bất kỳ ai. Điều này rất hay, đây gọi là âm đức, tích âm đức. “Âm đức thiên báo chi”, tương lai được quả báo sâu dày, được quả báo thù thắng, được quả báo lâu xa. Nếu là “dương thiện”, người ta khen khợi tán thán quý vị, cung kính quý vị, đây cũng là quả báo, đều đã nhận được hết.

Ngày nay trong xã hội nói: “tri danh độ cao”, khi nhắc đến không ai không biết. Đây cũng là phước, những đều báo hết, thực tế mà nói, đây không phải là một việc tốt. Nhưng cổ nhân có nói: “thật chí danh quy”, nếu có đức thật, tự nhiên có người khen ngợi. Dù che đậy kín đáo đến đâu, sẽ có ngày bị người phát hiện. Bị người phát hiện, người ta sẽ tán dương.

Ví dụ đại sư Ấn Quang trong thời cận đại, suốt đời ngài tu thiện tích đức, tích âm đức, không ai biết đến ngài. Đến lúc ngài 70 tuổi, có mấy vị cư sĩ như Từ Uất Như, các đại cư sĩ của đầu năm dân quốc, đều là người có học vấn, có đạo đức. Họ lên núi Phổ Đà, ở Tàng Kinh Các núi Phổ Đà gặp được đại sư Ấn Quang, cảm thấy phong độ và ngôn đàm của đại sư không giống với những người xuất gia khác. Do đó thường thân cận ngài, thường thỉnh giáo ngài, mới biết vị pháp sư này là người có đức hạnh. Họ trở về Thượng Hải, viết không ít bài văn phát biểu trên báo và tạp chí, do vậy danh tiếng của đại sư Ấn Quang cũng từ đó được truyền ra. Đây không phải đại sư nhờ họ, là những người này thật sự thấy được một vị cao tăng như thế, liền giới thiệu rộng rãi phổ biến khắp quần chúng. Đây gọi là “thật chí danh quy”, danh này không phải hư danh, đúng là có thật đức, chúng ta cần phải hiểu.

Liễu Phàm tiên sinh nói tiếp: “danh giả tạo vật sở kỵ”, trời đất quỷ thần đều cấm kỵ. Cho nên danh không phải điều hay, nổi tiếng không phải chuyện tốt. “Thế chi hưởng thịnh danh, nhi thật bất phó giả, đa hữu ký họa”. Trong lịch sử chúng ta thấy được điều này, trong xã hội hiện nay, nếu quan sát tường tận, là báo hiện đời! Người quá nổi tiếng, họ không có thật đức, họ thường gặp những tai họa không ngờ. Hưởng danh vọng lớn ở thế gian, dễ nổi tiếng nhất là những người nào? Mọi người đều biết trên khắp mọi nơi, diễn viên điện ảnh dễ nổi tiếng nhất. Họ nổi tiếng, đó cũng là phước báo. Nếu họ không có thật đức, đích thực họ thường hay gặp những tai nạn bất ngờ. Chúng ta thấy những diễn viên nổi tiếng của các nước, diễn viên nổi tiếng, người có cái chết được yên lành không nhiều.

Câu nói này của Liễu Phàm tiên sinh có hiệu nghiệm, không chỉ là thế giới điện ảnh, mà trong bất kỳ ngành nghề nào. Nếu không có đức hạnh chơn chánh, danh vọng của họ càng cao thì ẩn chứa cơ hội tai họa bất ngờ càng nhiều, chúng ta phải biết điều này.



“Nhân chi vô quá cửu, nhi hoành bị ác danh giả”. Người này không có sai lầm, là bậc thiện nhân, một người tốt hành thiện tích đức. Họ bị người khác sỉ nhục, bị người hiểu lầm, tiếng xấu truyền xa. Mọi người nhắc đến người này, đều mắng họ vài câu. Trái lại đây là việc tốt, tốt ở đâu? Tội chướng của họ đều báo hết. Mỗi người thấy họ đều trừng một cái, mắng vài câu, đây cũng là quả báo, khiến cho tội chướng vô thỉ kiếp đến nay của họ được báo hết. “Tử tôn vãng vãng sậu phát”, con cháu họ thường đột nhiên phát đạt. Cũng có số ít lúc bản thân lớn tuổi phước báo hiện tiền. “Âm dương chi tế vi hỉ tai”, quả báo của âm đức và dương đức, vô cùng vi diệu! Không thể không phân biện rõ ràng. Chúng ta đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức nên làm như thế nào, tự mình sẽ hiểu.

Bên dưới đoạn thứ tư: “Hà vị thị phi”, thiện có “thị”, có “phi”. Liễu Phàm tiên sinh đưa ra một ví dụ trong lịch sử. “Lỗ quốc chi pháp”, nước Lỗ là quê hương của Khổng tử thời Xuân Thu. “Lỗ nhân hữu, thục nhân thần thϊếp ư chư hầu, giai thọ kim ư phủ”. Đây là pháp luật của nước Lỗ, người nước Lỗ gặp lúc khó khăn, bị người ta bán đến nước khác làm nô tỳ. Có người đứng ra chuộc những người này về, chính phủ nước Lỗ ban phần thưởng cho họ.

“Tử cống thục nhân, nhi bất thọ kim, Khổng tử văn nhi ác chi, viết tư thất chi hĩ”. Tử Cống là học trò của Khổng tử, ông chuộc người, sau khi chuộc về, không nhận phần thưởng của chính phủ, Khổng tử nghe vậy trách cứ ông. “Tư” là tên của Tử cống, “thất chi”, ngươi sai rồi! Sai ở đâu? Bên dưới nói: “Phu thánh nhân cử sự, khả dĩ di phong dịch tục, nhi giáo đạo, khả thí ư bá tánh, phi độc thích kỷ chi hành giả”. Khổng phu tử giáo huấn nói vì sao Tử Cống sai? Thánh hiền nhân làm việc, họ có một nguyên tắc, nguyên tắc này là nhất định có thể thay đổi phong tục. Nói cách khác, là giúp xã hội cải thiện phong tục không tốt, việc này có thể làm. Có thể giáo hóa bá tánh, làm gương cho bá tánh.

Hiện nay chúng tôi đi giảng kinh các nơi, đưa ra tiêu đề: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, chính là ý này. Những gì chúng ta học được, nhất định làm tấm gương cho xã hội, chúng ta cần phải học. Không thể làm gương cho đại chúng xã hội, chúng ta không nên học. Chúng ta không lãng phí thời gian, không lãng phí tinh lực vào đó. Nói cách khác, nhất định là lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, chúng ta cần siêng năng nỗ lực học tập. Có thể làm gương, làm mô phạm cho xã hội đại chúng, điều này chúng ta phải làm.

Tử Cống chuộc người mà không nhận tiền, chưa đủ làm tấm gương cho thế nhân, cho nên Khổng phu tử trách cứ ông ta. “Phi độc thích kỷ chi hành dã”, không được tùy theo sở thích của mình. “Tôi thích làm như thế nào”, không được như vậy, phải chú ý đến đại chúng xã hội. “Kim Lỗ quốc phú giả quả, nhi bần giả chúng”. Ông nói đến tình hình trước mắt, xã hội nước Lỗ nhà giàu có rất ít, già đình nghèo khó lại nhiều. “Thọ kim tắc vi bất liêm”, Tử Cống chuộc người, nhận phần thưởng của chính phủ cảm thấy mình không liêm khiết, ảnh hưởng này quá lớn. “Hà dĩ tương thục hồ”, còn có ai dám đi làm việc chuộc người? Bị Tử cống phá hoại. Nói cách khác, cần phải hiểu ý của thánh nhân, Tử Cống chuộc người nhất định phải hoan hỷ nhận thưởng của chính phủ. Khuyến khích người có tiền trong xã hội, chuộc con dân của đất nước mình đang làm nô ɭệ bên ngoài trở về, như vậy mới là việc tốt. Hôm nay ông chuộc người không nhận thưởng, tưởng rằng mình rất liêm khiết, còn nhận thưởng là không liêm khiết. Đối với bản thân ông mà nói thì không sao, nhưng đối với toàn thể phong tục xã hội mà nói, thì ông đã sai.

“Tự kim dĩ hậu, bất phục thục nhân, ư chư hầu hĩ”. Chư hầu là chư hầu của nước khác, còn có ai đi chuộc người? Do đây có thể biết, tiêu chuẩn đúng và sai của thánh nhân, khác với tiêu chuẩn đúng và sai của người bình thường.

Bên dưới lại đưa ra một ví dụ nữa: “Tử Lộ chửng nhân ư nịch, kỳ nhân tạ chi dĩ ngưu, tử Lộ thọ chi. Khổng tử hỷ chi, tự kim Lỗ quốc, đa chửng nhân ư nịch hỉ”. Đây là nhãn quang của Khổng phu tử, Tử lộ cũng là học trò của Khổng phu tử, ông thấy một người rơi xuống nước, sắp chết đuối. Ông xuống cứu người này, người này rất cảm kích ông, tặng một con trâu để cảm ơn, Tử lộ tiếp nhận. Tử lộ không cự tuyệt, tiếp nhận, Khổng phu tử nghe xong rất hoan hỷ. Khổng Phu Tử nói, từ nay về sau nước Lỗ có rất nhiều xuống nước để cứu những người sắp chết đuối. Vì sao vậy? Nhận sự trả ơn của người khác.

Hai việc này, “tự tục nhãn quan chi, Tử Cống bất thọ kim chi ưu”, điều này đáng khen ngợi. “Tử Lộ chi thọ ngưu vi liệt”, người này không sánh bằng Tử cống. Nhưng “Khổng tử tắc thủ do, nhi truất tư yên”. Quan niệm của Khổng tử không giống với chúng ta, ông khen ngợi Tử lộ. “Do” là tên của Tử Lộ, “Tư” là tên của Tử Cống. Ông khen ngợi Tử Lộ, trách cứ Tử Cống.

“Nãi tri nhân chi vi thiện, bất luận hiện hành, nhi luận lưu tệ, bất luận nhất thời, nhi luận cửu viễn, bất luận nhất thân, nhi luận thiên hạ”. Ba câu này rất quan trọng! Chúng ta phải ghi nhớ thật kỹ. Chúng ta hành thiện, đây là ảnh hưởng của thiện. Phạm vi phải rộng, thời gian phải dài, điều thiện này là “thị”, đây là thiện lớn. Nếu phạm vi ảnh hưởng nhỏ, thời gian ảnh hưởng ngắn, đây là thiện nhỏ. Trong đoạn này nói về “thị phi”. “Bất luận hiện hành nhi luận lưu tệ”. “Lưu tệ”, nói như hiện nay gọi là ảnh hưởng. “Bất luận nhất thời nhi luận cửu viễn”, tuyệt đối không phải nhất thời, thời gian ảnh hưởng của nó rất dài. “Bất luận nhất thân nhi luận thiên hạ”, lợi ích đạt được không chỉ riêng mình, mà là người thiên hạ được lợi ích, cái thiện này là “thị”.

“Hiện hành tuy thiện, nhi kỳ lưu túc dĩ hại nhân, tắc tợ thiện nhi thật phi dã”. Trường hợp của Tử Cống chính là như vậy, việc thiện ông ta làm hình như là thiện, nhưng ông để lại ảnh hưởng không tốt. Ảnh hưởng này làm ảnh hưởng rất nhiều người chuộc người về nước. Trở ngại người khác, không phải là hại người ư? Cho nên đây là giống như là thiện nhưng thật không phải thiện. Lý này rất sâu sắc, không nhiều người nhận ra điều này, chỉ thánh nhân thấy được.

“Hiện hành tuy bất thiện, nhi kỳ lưu túc dĩ tế nhân, tắc phi thiện nhi thật thị dã”. Tử Lộ chính là như vậy, Tử Lộ cứu một người, người ta tặng ông một con trâu ông tiếp nhận. Hình như là không thiện, nhưng ông có thể ảnh hưởng người khác. Khiến những người khác nghe hành vi của Tử Lộ, khi thấy người rơi xuống nước, cũng rất dũng cảm xuống cứu người. Điều này xem ra như bất thiện, nhưng thực tế nó là thiện.

“Nhiên thử tựu nhất tiết, luận chi nhĩ”, đưa vấn đề này ra để nói. “Tha như phi nghĩa chi nghĩa, phi lễ chi lễ, phi tín chi tín, phi từ chi từ, giai đương quyết trạch”. Việc đúng và sai quá nhiều, chúng ta cần phải hiểu. Như thế nào gọi là “nghĩa”? Như thế nào gọi là “bất nghĩa”? Chúng ta đều phải có năng lực phân biệt. Như thế nào là “lễ”? Như thế nào là “tín”? Như thế nào là “từ bi chân thành”? Trong này, ví dụ có người làm việc xấu, làm việc ác, nhất định phải trừng phạt họ, tuyệt đối không thể tha thứ. Có người tha thứ cho người có tội này, việc này có gọi là nghĩa chăng? Nhất định phải quan sát người này, nếu người này làm sai được tha thứ, trái lại gan họ càng lớn, tương lai họ làm càng nhiều chuyện xấu, khiến rất nhiều người bị hại, vậy tha thứ của quý vị là sai lầm. Nếu cảnh cáo họ, trừng phạt họ, về sau họ không giáo làm những điều phi pháp, đây là việc nghĩa thật sự, gọi là “nghĩa trong phi nghĩa”.

“Lễ’ là mỗi người đều có, nhưng cần phải có mực thước. Dùng lễ phép đối với người là lễ. Nếu cung kính, khen ngợi quá đáng, người này dần dần khởi tâm ngạo mạn, đây gọi là “phi lễ”. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không thể không cẩn thận, không thể không tỉ mỉ. Chữ tín rất quan trọng, nhưng cũng phải xem tình huống. Nếu chú ý niềm tin nhỏ, đây là tín, nhưng vì chú ý niềm tin nhỏ nhặt mà mất đi niềm tin lớn, như vậy là sai. Thánh nhân chú ý niềm tin lớn, đôi khi có thể bỏ qua niềm tin nhỏ, đây gọi là “tín của phi tín”.



“Từ” là từ ái, từ ái không được quá đáng, từ ái quá thường biến thành không nhân từ, “từ trong phi từ”. Đây đều là nói, vốn quý vị rất tốt, nhưng dùng phương pháp không thích đáng. Nghĩa là tốt, nhưng áp dụng sai. Lễ là tốt, quý vị cũng áp dụng không đúng cách. Chữ tín là tốt, quý vị cũng dùng sai. Từ bi là tốt, quý vị cũng đã dùng sai. Nhà Phật thường nói: “từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”. Từ bi và phương tiện là phương pháp dạy học quan trọng nhất trong Phật giáo. Nhà Phật thường nói: “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”, sao từ bi lại biến thành họa hại, phương tiện thành ra hạ lưu? Dùng không được thích hợp. Từ của phi từ, phương tiện trong phi phương tiện, dùng sai.

Đoạn thứ năm nói về “thiên chánh”. “Hà vị thiên chánh, tích Lữ Văn Ý Công”, đây là nói Lữ Nguyên. “Sơ từ tướng vị quy cố lý, hải nộ ngưỡng chi, như thái sơn bắc đẩu. Hữu nhất hương nhân, túy nhi lị chi, Lữ công bất động, vị kỳ bộc viết, túy giả vật dữ giảo dã, bế môn tạ chi. Du niên, kỳ nhân phạm tử hình nhập ngục, Lữ công thỉ hối chi viết, sử đương thời sảo dữ kế giảo, tống công gia trách trị, khả dĩ tiểu trừng nhi đại giới. Ngô đương thời, chỉ dục tồn tâm ư hậu, bất vị dưỡng thành kỳ ác, dĩ chí ư thử, thử dĩ thiện tâm, nhi hành ác sự giả dã’.

Lữ Văn Ý Công, Văn Ý là thụy hiệu, tên gọi là Nguyên, Lữ Nguyên, hiệu là Phùng Nguyên. Ông người huyện Tú Thủy tỉnh Triết Giang, sanh vào Anh Tông Chính Thông triều nhà Minh, từng làm Tể tướng. Người này rất tốt, là một người tốt, một bậc trưởng giả trung hậu. Khi ông từ chức Tể tướng trở về quê, “sơ từ tướng vị”, đây là cáo lão hồi hương. Sau khi từ chức trở lại cố hương, khi hoàn hương. Tuy từ chức vụ Tể tướng, nhưng đức hạnh và sự nghiệp của ông, “hải nội ngưỡng chi, như thái sơn bắc đẩu”, được đại chúng xã hội tôn kính, ngưỡng mộ ông như thái sơn bắc đẩu, đây là từ hình dung. Có lần ông gặp một người ở quê, người đồng hương, say rượu đến mắng ông. “Lữ công bất động”, nghe người say rượu này chửi mắng, tâm ông bất động. Nói với tùy tùng của mình, ông ta say, đừng so đo tính toán làm chi. Không để ý đến ông ta, “bế môn tạ chi”. Một năm sau, người này phạm tội tử hình bị giam vào ngục. Lữ tiên sinh nghe vậy cảm thấy rất hối hận, ông nói giả như năm ngoái khi ông ta say rượu mắng mình, tôi bắt ông ta đưa đến quan phủ trị tội. Trừng phạt tội nhỏ này có thể khiến ông ta sanh cảnh giác, bây giờ không đến nỗi tạo ra lỗi càng lớn. Ông nói, lúc đó tôi chỉ nghĩ đến giữ tâm nhân hậu, không ngờ lại dưỡng thành tội ác cho ông ta, như ngày hôm nay. Vấn đề này là thiện tâm đã tạo nên việc ác.

“Hựu hữu dĩ tâm ác, nhi hành thiện sự giả”, lại nói một trường hợp tương phản. “Như mỗ gia đại phú”, có một gia đình giàu có. “Trực tuế hoang”, gặp năm mất mùa. “Cùng dân bạch trú, thương túc ư thị”, “túc” là lương thực, lúa gạo. Gặp năm mất mùa, người nghèo cướp lương thực ban ngày. Gia đình giàu có này, nhà họ có lương thực, người nghèo đến nhà họ cướp lương thực. “Cáo tri huyện, huyện bất lý”, nhà giàu này cáo trạng lên tri huyện, quan huyện không để ý đến. “Cùng nhân dụ dị”, những người nghèo này đến cướp đoạt càng không coi ai ra gì. “Toại tư chấp nhi khốn nhục chi, chúng thỉ định, bất nhiên kỷ loạn hĩ’. Người nhà giàu này không còn cách nào khác, tự thiết hình đường trong nhà mình, bắt những người trộm cắp này về thẩm phán, trừng phạt, nhờ vậy mà bình định được chuyện trộm cắp này. Nếu không họ sẽ biến thành bạo dân, làm nhiễu loạn trật tự trị an của xã hội. Đây là đưa ra một trường hợp, ông ta dùng ác tâm để làm một việc tốt.

“Cố thiện giả vi chánh, ác giả vi thiên, nhân giai tri chi”, điều này mọi người đều biết. “Kỳ dĩ thiện tâm, nhi hành ác sự giả, chánh trung thiên dã, dĩ ác tâm, nhi hành thiện sự giả, thiên trung chánh dã, bất khả bất tri dã”. Nếu chưa hiểu thấu triệt đối với chân tướng sự thật của những đạo lý này, chúng ta thường cho đây là việc thiện, nhưng chưa chắc là chân thiện. Cho nên hành thiện phải chú ý rất nhiều điều.

Đoạn bên dưới nói: “Hà vị bán mãn”, quý vị hành thiện, phải chăng công đức của việc thiện này là viên mãn? Hay chỉ có một nữa? “Dịch viết, thiện bất tích, bất túc dĩ thành danh, ác bất tích, bất túc dĩ diệt thân”. Đây là trích dẫn hai câu trong Kinh Dịch, thiện và ác đều dựa vào tích, báo ứng mới hiện tiền. “Thư viết, thương tội quán doanh”, đây là một câu trong Kinh Thư. Cuối triều đại nhà Thương tạo quá nhiều tội nghiệp, cho nên Võ Vương khởi nghĩa diệt Ân Thương.

Bên dưới dùng ví dụ để chứng minh. “Như trữ vật ư khí”, cất giữ đồ vật trong khí huyết. “Cần nhi tích chi, tắc mãn”, chúng ta rất cần mẫn, thường thường tích lũy nó sẽ đầy. “Giải nhi bất tích, tắc bất mãn”, “giải” là giải đãi, không thường tích lũy nó sẽ không đầy. “Thử nhất thuyết dã”, đây là một cách nói về “bán thiện” và “mãn thiện”. Cần phải hiểu cách nói này, đó nghĩa là cần mà tích, việc thiện của quý vị là viên mãn. Nếu như giải đãi, đôi lúc phải làm một chút việc thiện, không để tâm vào việc lợi ích tất cả chúng sanh, việc thiện này là bán thiện, không được viên mãn, đây là một cách nói.

Bên dưới lại đưa ra thêm một cách nói nữa, ông đưa ra một ví dụ: “Tích hữu mỗ thị nữ nhập tự”. Ngày xưa có một cô con gái của gia đình nọ đến chùa. “Dục thí nhi vô tài, chỉ hữu tiền nhị văn, quyên nhi dữ chi, chủ tịch giả thân vi sám hối”. Đây là một cô gái nghèo, trên người chỉ có hai đồng bạc, cô ta cúng dường hai đồng bạc này cho chùa. Trụ trì của chùa, “chủ tịch” là hòa thượng trụ trì, đích thân đến tụng kinh sám hối cho cô ta. “Cập hậu nhập cung phú quý, huề số thiên kim, nhập tự xả chi”. Mấy năm sau, cô gái này được tuyển vào cung làm phi tần, hưởng thụ phú quý của nhân gian. Cô ta mang “số thiên kim nhập tự xả chi”, lần này cô ta đến chùa đại khái là để hoàn nguyện. Lúc trẻ thường đến chùa này thắp hương cầu nguyện, đời này quả nhiên được phú quý. Lần này đến chùa thắp hương, đem theo rất nhiều tài vật để bố thí. “Chủ tăng duy linh kỳ đồ, hồi hướng nhi dĩ”, vị hòa thượng trụ trì không đích thân hồi hướng cho cô ta, chỉ bảo đệ tử thay mình hồi hướng cho cô ta mà thôi. “Nhân vấn viết”, cô gái này hỏi. “Ngô tiền thí tiền nhị văn, sư thân vi sám hối”. Cô ta nói, lúc tôi còn trẻ đến đây, tôi bố thí hai đồng bạc, thầy lại đích thân sám hối cho tôi. “Kim thí số thiên kim, nhi sư bất hồi hướng, hà dã”. Hôm nay tôi đến đây, mang theo mấy ngàn lạng bạc để cúng dường, nhưng thầy không hồi hướng cho tôi, như vậy là vì sao?

“Viết”, hòa thượng nói rằng: “Tiền giả vật tuy bạc, nhi thí tâm thậm chân, phi lão tăng thân sám, bất túc báo đức. Kim vật tuy hậu, nhi thí tâm, nhược bất tiền nhật chi thiết”. Trước đây cô đến chùa thắp hương lạy Phật cúng dường hai đồng bạc, nhưng tâm cô chân thành. Tôi không đích thân sám hối, không thể báo đáo đức của cô. Hôm nay tuy cô đem rất nhiều tài vật đến cúng dường, nhưng tâm cô không chân thành khẩn thiết như trước đây. “Linh nhân đại sám túc hỉ”, tôi để đệ tử mình thay tôi sám hối cho cô là được. Chúng ta cần suy nghĩ tường tận điều này.

“Thử thiên kim vi bán, nhi nhị văn vi mãn dã”. Việc thiện này là chân tâm, bố thí tuy ít nhưng phước thiện mà cô đạt được là viên mãn. Không thành tâm, khi cô ta làm phi tần_Tục ngữ thường nói làm được nương nương, không sao tránh khỏi mang theo tập khí cống cao ngã mạn của người phú quý, đức của cô bị tổn giảm. Lúc này cô đến lễ Phật, tiền hô hậu ủng, không phải một lần. Trên thực tế, phước mà cô tu mới một nửa thiện mà thôi.

Bên dưới Liễu Phàm tiên sinh lại kể một câu chuyện: “Chung ly thọ đan ư Lữ tổ”. Hán Chung Ly là một trong tám vị tiên, ông muốn độ Lữ Động Tân, dạy Lữ Động Tân “điểm thiết vi kim, khả dĩ tế thế”. Nếu muốn cứu người cùng khổ cần phải có tiền, ông có một chiêu pháp thuật có thể “hóa sắt thành vàng”. “Lữ vấn viết, chung biến phủ”, tôi biến sắt thành vàng, có bị hoàn nguyên chăng, vàng có biến thành sắt lại chăng? Hán Chung Ly nói: “Viết, ngũ bách niên hậu, đương phục bản chất”, ông ta nói 500 năm sau sẽ bị hoàn nguyên. “Lữ viết, như thử tắc hại, ngũ bách niên hậu nhân hỉ, ngô bất nguyện vi dã”, tôi không làm việc này, không cần. “Viết”, Hán Chung Ly nói: “Tu tiên yếu tích, tam thiên kiếp hạnh, nhữ thử nhất ngôn, tam thiên kiếp hạnh dĩ mãn hỉ, thử hựu nhất thuyết dã”. Ông nói về “bán” và “mãn” đã đưa ra ba trường hợp để chứng minh, ba cách nói. Chúng ta phải suy nghĩ tường tận, chúng ta tu thiện tích đức, rốt cuộc thiện của mình là mãn thiện hay là bán thiện? Hiện tại chúng ta được quả báo là viên mãn hay là có khiếm khuyết? “Bán” nghĩa là khiếm khuyết, chúng ta không thể không hiểu điều này.

Người học Phật, thông thường bản chất đều tốt, tâm đều thiện, thật đáng tiếc, họ không có trí tuệ này, không có kiến thức này. Cho nên trên phương pháp và lý luận đều có sai lệch, vì thế tu thiện thường đạt được quả báo không viên mãn, đạo lý chính là như vậy. Chúng ta không đọc những cuốn sách này làm sao có thể nghĩ đến được? Hy vọng sau khi chúng ta học xong, kiểm điểm lại xem hành vi tạo tác trong cuộc đời mình, đáng được quả báo như thế nào.

Thôi, hôm nay chúng ta tạm dừng tại đây.
« Chương TrướcChương Tiếp »