Giờ hãy xem xét đóng góp của thương mại đối với sự phong phú của nông sản trên hành tinh chúng ta. Thử tưởng tượng những món ăn của Ý thiếu vắng cà chua, những cao nguyên quanh Darjeeling không có cây chè nào, trên bàn của người Mỹ không có bánh mì trắng hay thịt bò, quán cà phê ở bất cứ nơi nào trên thế giới không có cà phê gốc Yemen, hay người German nấu ăn mà không dùng khoai tây. Đó chính là tình trạng hạn chế chủng loại nông phẩm của thế giới trước khi có “trao đổi Columbus”, khi hàng tỉ mẫu đất trồng trọt bị các loại gia vị từ những lục địa xa xôi xâm lấn trong nhiều thập niên sau năm 1492. Điều đó đã xảy ra như thế nào và vì sao, và cho chúng ta biết điều gì về bản chất của thương mại?
Trong suốt bảy thế kỷ từ khi Nhà tiên tri Muhammad qua đời cho tới thời Phục hưng, các quốc gia Hồi giáo ở châu Âu, châu Á, và châu Phi đã tỏa sáng và vượt qua cả các nước Kitô giáo phương Tây. Những người theo Muhammad chiếm lĩnh con đường chính yếu của thương mại đường dài thế giới qua Ấn Độ Dương, và trong quá trình truyền bá thông điệp đầy quyền lực của ông từ Tây Phi tới biển Đông. Sau đó, với tốc độ ngoạn mục, một phương Tây mới hồi sinh nắm quyền kiểm soát các tuyến thương mại toàn cầu trong những thập niên tiếp sau hai hành trình đầu tiên qua Mũi Hảo Vọng của Bartholomew Diaz và Vasco da Gama. Liệu chúng ta có thể hiểu những sự kiện đó dưới góc nhìn vĩ mô hơn về lịch sử thương mại?
Những tổ chức thương mại quốc gia lớn, đặc biệt là các công ty Đông Ấn Anh và Đông Ấn Hà Lan, dẫn đầu sự thống lĩnh giao thương của châu Âu và khiến thương mại thế giới trở thành lãnh địa gần như độc quyền của những thực thể kinh doanh lớn, và trong thế kỷ 20 là của những công ty đa quốc gia. Ngày nay, các tổ chức này - có nguồn gốc phương Tây, với sự chiếm lĩnh về văn hóa và kinh tế đậm chất Mỹ - thường là mục tiêu bị ghét bỏ và oán giận tột cùng. Đâu là gốc rễ của các tập đoàn quốc tế khổng lồ thời hiện đại, và xung đột văn hóa liên quan tới thương mại với chủ nghĩa chống thân Mỹ gay gắt ngày nay có phải là một hiện tượng mới?
Thế giới ngày càng phụ thuộc vào dòng chảy không ngừng của thương mại, khiến chúng ta vừa thịnh vượng lại vừa dễ bị tổn thương. Chỉ cần Internet bị ngắt trên diện rộng cũng đủ giáng đòn chí tử vào nền kinh tế toàn cầu - một tình cảnh thật kinh ngạc khi tính đến việc Internet mới phổ biến chỉ hơn mười năm nay. Thế giới phát triển lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch từ những quốc gia bất ổn nhất, phần lớn trong đó chảy qua chỉ một eo biển nhỏ hẹp đổ vào vịnh Ba Tư. Lịch sử thương mại có trao cho chúng ta cột mốc nào để dẫn lối chúng ta qua những hiểm nguy nơi đại dương đó không?
Với hiểu biết thông thường hôm nay, có thể thấy rằng những cuộc cách mạng truyền thông và vận tải cuối thế kỷ 20 đã giúp các nước trên thế giới lần đầu tiên có thể cạnh tranh kinh tế trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ thấy rằng việc này chẳng có gì mới mẻ. Từ nhiều thế kỷ trước, mức độ “phẳng” của thế giới đã tạo ra cả kẻ thắng lẫn người thua, và không ngạc nhiên khi họ có xu hướng lần lượt là ủng hộ hoặc chống đối lại tiến trình này. Lịch sử cách mạng thương mại trước đây đã nói gì với chúng ta về cuộc đấu tranh chính trị vĩ đại ngày nay xoay quanh toàn cầu hóa?”14
Vậy thì, chúng ta lĩnh hội thế nào từ thế giới buôn bán tơ lụa cổ xưa và tư liệu Geniza, trong đó công việc của nhà buôn thật cô độc, đắt đỏ, và quả cảm, nên chỉ những hàng hóa quý giá nhất mới đủ trả chi phí, cho tới thế giới kinh doanh hiện đại với rượu vang từ Chile, xe hơi từ Hàn Quốc và táo từ New Zealand?
Các quốc gia ổn định là các quốc gia thương mại. Thương mại giữa thành Rome và Đông Á bắt đầu sau chiến thắng của Octavian tại trận Actium, và mở ra thời kỳ khá yên bình kéo dài gần hai thế kỷ trên những tuyến đường thương mại qua Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Trong khi người La Mã kiểm soát nhiều nhất, một phần ba về phía tây của tuyến đường giữa Alexandria và Ấn Độ, thì tầm ảnh hưởng của họ xa nhất về phía đông là tới sông Hằng.
Mặc dù các nhà buôn đơn độc hiếm khi vận chuyển hàng hóa trên toàn bộ hành trình từ Ấn Độ tới thành Rome, nhưng vẫn có những mối liên hệ ngoại giao trực tiếp thường xuyên giữa nhiều vùng của Ấn Độ và thành Rome. Trong vòng vài năm khi Octavian lên ngôi với hiệu Augustus, các nhà cai trị Ấn Độ đã tỏ lòng tôn kính ông ta bằng nhiều lễ vật cầu kỳ và quà cáp lạ lùng - rắn, voi, ngọc quý, và những người nhào lộn, tất cả đều được hoàng đế triển lãm ở cung điện - và tại Ấn Độ người ta xây các đền thờ để tôn vinh ông ta. Đáng chú ý nhất là công dân La Mã được tự do di chuyển ở nhiều nơi trên Tiểu lục địa này; điểm khảo cổ gần Pondicherry được khai quật từ năm 1945 tới 1948 đã hé lộ bằng chứng về một đặc khu thương mại La Mã từng hoạt động cho tới khoảng năm 200.15