- 🏠 Home
- Khoa Huyễn
- Đô Thị
- Lịch Sử Giao Thương
- Chương 2
Lịch Sử Giao Thương
Chương 2
Xuất phát từ vùng đất quê hương ở Đông Á tới điểm cuối hành trình ở thành Rome cổ đại, chỉ tầng lớp thống trị mới đủ khả năng chi trả cho thứ sản phẩm tiết ra từ loài vật không xương Bombyx mori nhỏ bé - con tằm. Độc giả hiện đại, vốn đã quen với thứ vải nhân tạo thoải mái, êm mượt, lại chẳng đắt đỏ gì, hãy tưởng tượng quần áo từng được, làm chủ yếu bằng ba nguyên liệu: da động vật, rẻ, nhưng nóng và nặng nề; len thô; hoặc vải lanh trắng dễ nhàu. (Vải bông dù đã xuất hiện ở Ấn Độ và Ai Cập nhưng lại khó sản xuất hơn, vì thế giá đắt hơn, thậm chí đắt hơn tơ tằm). Trong một thế giới với nguyên liệu may mặc hạn chế như vậy, sự mơn trớn dịu êm, nhẹ như không của tơ lụa trên da trần có thể quyến rũ bất kỳ ai từng được cảm nhận nó. Không khó để hình dung những thương gia buôn tơ lụa đầu tiên, ở mỗi cảng và mỗi quán trọ trên đường đi, kéo từ trong túi ra một xấp vải sặc sỡ, đưa cho nữ chủ nhà với cái nhìn ranh mãnh, “Thưa bà, bà phải cảm nhận nó để tin vào điều đó.”
Thi sĩ Juvenal, viết vào khoảng năm 110, phàn nàn về loại phụ nữ ham mê xa xỉ là “những người thấy chiếc áo choàng mỏng nhất vẫn là quá nóng với họ; muốn da thịt mong manh của mình được cọ xát bằng những mảnh tơ lụa tốt nhất.”2 Chính các vị thần cũng không cưỡng lại nổi: nữ thần Isis được mô tả là đã khoác lên mình “tấm lụa cao sang có thể biến đổi màu sắc, khi vàng, khi hồng, khi ánh lửa, và khi thì màu tối mơ hồ (khiến tâm trí phiền não của tôi thêm day dứt)”.3
Mặc dù người La Mã biết tới tơ lụa Trung Hoa, nhưng họ lại không biết gì về Trung Hoa. Họ tin rằng tơ lụa mọc trực tiếp trên cây dâu, mà không hay rằng lá dâu chỉ là nhà và thức ăn của con tằm.
Hàng hóa được vận chuyển từ Trung Hoa tới thành Rome như thế nào? Rất chậm chạp và đầy hiểm nguy, mỗi bước đi đều đầy gian khó.4 Thương lái Trung Hoa xếp tơ lụa lên tàu tại các cảng phía nam cho hành trình dài ven biển, từ Đông Dương, vòng qua bán đảo Mã Lai và vịnh Bengal tới các cảng ở Sri Lanka. Ở đó, họ sẽ gặp các lái buôn Ấn Độ, những người này chuyển vải tới các cảng Muziris, Nelcynda, và Comara ở Tamil thuộc vùng ven biển phía tây nam Tiểu lục địa. Tại đây, nhiều nhà môi giới Hy Lạp và Ả-rập tiếp tục vận chuyển hàng tới đảo Dioscordia (nay là Socotra), nơi tập trung đông đúc giới thương lái Ả-rập, Hy Lạp, Ấn Độ, Ba Tư, và Ethiopia. Từ Dioscordia, hàng được chất lên tàu Hy Lạp, tiến vào Biển Đỏ tại Bab el Mandeb (tiếng Ả-rập nghĩa là “Cổng u sầu”) tới cảng chính của vùng biển này là Berenice ở Ai Cập; sau đó băng qua sa mạc tới sông Nile bằng lạc đà; và tiếp theo là đi thuyền xuôi dòng xuống Alexandria, từ đây các con tàu La Mã Hy Lạp và La Mã Ý tiếp tục chuyển hàng qua Địa Trung Hải tới Puteoli (nay là Pozzuoli) - hải cảng lớn thuộc La Mã - và Ostia. Đã thành thông lệ chung, người Trung Hoa hiếm khi đi quá phía tây Sri Lanka, người Ấn Độ hiếm khi đi quá phía bắc cửa Biển Đỏ, và người Ý hiếm khi đi quá phía nam Alexandria. Lộ trình đó dành cho người Hy Lạp, họ tự do di chuyển từ Ấn Độ tới Ý, mang đến sự giao thương phồn thịnh.
Sau mỗi cung đường dài và đầy hiểm nguy của hành trình, tơ lụa khi sang tay lại bị đẩy giá lên cao hơn. Ở Trung Hoa nó đã đủ đắt đỏ; sang đến thành Rome, nó còn đắt hơn cả trăm lần - có giá ngang với vàng, đắt đến mức chỉ vài ounce cũng tiêu tốn cả năm tiền lương của một người làm công trung bình.5 Chỉ những người giàu có nhất, như Hoàng đế Elagabalus, mới đủ khả năng khoác nguyên một tấm áo choàng làm từ tơ lụa.
Một cách khác để tới thành Rome là qua Con đường Tơ lụa nổi tiếng, được khai phá đầu tiên nhờ công của các sứ thần người Hán vào thế kỷ 2, di chuyển chậm chạp trên đường bộ qua Trung Á. Tuyến đường này phức tạp hơn nhiều, và lộ trình cụ thể cũng thay đổi nhiều tùy thuộc tình hình chính trị và quân sự biến động, từ phía nam đèo Khyber
Tuyến đường núi nối Afghanistan với Pakistan. (BT)
tới điểm xa nhất về phương bắc là biên giới phía nam Siberia. Khi đường biển bị giới thương gia Hy Lạp, Ethiopia, và Ấn Độ thống trị, các “cảng” đường bộ lên ngôi, tại những thành phố lớn của Samarkand (nay là Uzbekistan), Isfahan (ở Iran), và Herat (ở Afghanistan), có đầy đủ dịch vụ do những người môi giới Do Thái, Armenia, và Syria cung cấp. Bởi vậy, không thể trách được người La Mã khi họ cho rằng tơ lụa được làm ở hai quốc gia khác nhau - một ở phương bắc, Seres, đến bằng đường bộ; và một ở phương nam, Sinae, có thể đến bằng đường thủy?
Đường biển rẻ hơn, an toàn hơn, nhanh hơn đường bộ, và vào thời kỳ cận đại còn có thêm ưu điểm là đi vòng tránh được các khu vực bất ổn. Ban đầu tơ lụa đến được châu Âu là qua đường bộ, nhưng sự ổn định của đế chế La Mã thời kỳ đầu đã khiến Ấn Độ Dương trở thành kênh kết nối Đông-Tây ngày càng được ưa chuộng cho hầu hết các loại hàng hóa, bao gồm cả tơ lụa. Mặc dù nền thương mại La Mã suy yếu dần vào thế kỷ 2, nhưng hải trình này vẫn được khai thác cho tới khi bị người Hồi giáo cắt đứt vào thế kỷ 7.
- 🏠 Home
- Khoa Huyễn
- Đô Thị
- Lịch Sử Giao Thương
- Chương 2