Chương 12: Và có tiếng cười đùa của các thiên thần thức dậy

Nhiều lần tôi nói chuyện với Abraham rằng: hai đứa con của chúng tôi là điều kỳ diệu nhất trong cuộc đời tôi Tại sao tôi, một con người bình thường mà lại có cái niềm hạnh phúc lớn lao chừng ấy, khi mà tôi có thể tạo ra một con người hoàn hảo ngoài sức tưởng tượng. Hai cậu con trai kháu khỉnh, hai tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu. Từ hai con người xa lạ gặp nhau, yêu nhau, rồi sinh thành nên những sinh linh khác. Đó là một phép màu kỳ diệu mà tôi rất muốn tìm hiểu và cắt nghĩa. Là điều mà tôi đã làm được, từ máu thịt của mình làm ra.

Nhưng đứa con của tôi là mối liên kết máu thịt gắn liền bố mẹ chúng với nhau. Đôi khi anh vẫn hơi lo lắng, le lói một ý nghĩ nào đó, anh ở xa mà tôi thì nhiều bạn bè… Tôi cố gắng giải thích cho anh hiểu được lòng mẹ yêu con thế nào, anh có hai cậu con trai, hai cái “ổ khóa” khủng khϊếp thế này thì còn lo nỗi gì. Tôi nói đùa với anh, tôi và anh có thể bỏ nhau nhưng vì hai đứa con này, tôi không thể làm được điều gì trái lương tâm cả. Đấy, tôi phải nói đến tận cùng cái tấm lòng vì con bản năng của người mẹ nhất là người mẹ Việt Nam ra, đế trấn an anh, rằng anh đã lo hão lo huyền. Không còn có điều gì có thể len lỏi vào đầu tôi cả. Thật lòng, tôi nguyện làm tất cả những gì có thể để giữ người bố cho chúng, vì tôi muốn hai con tôi được sống bình an trong tình yêu thương của một gia đình có bố mẹ hòa thuận hạnh phúc.

Từ khi làm mẹ, tôi dường như biến thành người đàn bà khác. Tôi trở nên dè dặt hơn khi nhìn nhận đánh giá con người, nhất là khi chưa biết sự thật thì không bao giờ nên hùa theo miệng lưỡi thế gian. Người đời có thói quen cứ thích nói những điều ác đã, thích thì thầm rỉ tai nhau cái xấu hơn là ca ngợi cái tốt ở người khác. Phải sống lâu, sống sâu sắc mới hiểu, không nên kết luận vội về một nhân cách qua những biểu hiện bên ngoài, phải đi sâu hơn vào bên trong, tìm hiểu và chia sẻ với họ. Nếu có chuyện trò tản gẫu thì phải luôn tự cảnh báo: “Mình mới chỉ nghe bằng một tai, nhìn cái vỏ ngoài, biết đâu người ta có rất nhiều cái tốt mà mình chưa biết hoặc người ta cũng chẳng cần cho mình biết, cho nên, cứ nghe thôi chứ không được phép hùa theo đánh giá”.

Nhờ những đứa con, tâm hồn người mẹ có một sự chuyển hóa kỳ diệu, tôi như được thanh khiết lại, được lọc đi những bụi bặm đời trần, để sống bao dung hơn, độ lượng hơn với những lầm lỗi của mình, của người. Có lẽ, nói đùa mà cũng là mong muốn thật lòng, tôi đang tiến tới tu tại gia. Tôi thấy mình thay đôi thành một con người khác. mới mẻ từ thế giới nội tâm đến hình thức bên ngoài.

Mới đây, tôi đi dự đám cưới con trai một chị bạn, gặp mấy người cùng nhà hát cũ, họ bảo: “Trông Vân bây giờ còn đẹp hơn hồi con gái, nom đàn bà hơn và có vẻ chẳng phải lo nghĩ gì đến tiền bạc”. Nhiều người đồng tình với nhận xét ấy, vì họ đều biết, ngày xưa tôi gầy lắm, cứ bị trêu là “trước sau như một”, chẳng có gì hấp dẫn cả. Bởi cánh đàn ông vẫn xét khía cạnh hấp dẫn của đàn bà là phải có da có thịt. Nhiều bạn bè cũng tếu táo khen, bây giờ về hình thức thì đẹp hơn ngày. Còn tôi, tôi tự nhận thấy, từ một phụ nữ trở thành người mẹ, tôi như được sinh ra thêm một lần nữa. Từ đây, tôi không chỉ sống cho mình mà là sống cho những đứa con. Tôi muốn chúng lớn lên, vào đời với niềm tự hào được sinh ra trên cõi đời này, được lớn lên trong mái nhà của tôi. Và trên hết, chúng có quyền tự hào về bố mẹ chúng… Tôi cảm nhận rõ hơn về cái sức sống mãnh liệt của lẽ sinh tồn ở thiên nhiên, ở con người. Thế giới quanh tôi là một sự chuyển động vươn về phía ánh sáng, về khát vọng hướng thiện. Tôi chào đón mỗi buổi sớm mai với một niềm hân hoan khó tả. Gió không còn là gió hôm qua, và nắng cũng là nắng mới. Nắng gió cùng tôi tưới tắm cây tình yêu, tưới tắm cuộc đời đang sinh sôi nảy nở. Và tiếng cười đùa của hai cậu con trai tôi thức dậy bao lo toan thiện lành của một ngày mới…

***

Suốt hai chục năm làm nghệ thuật, trải qua bao nhiêu đêm diễn quan trọng không thể quên, nhưng tôi nhớ nhất vẫn là một lần diễn đặc biệt, có thể gọi đó là đêm diễn cuối cùng, diễn cho vị khán giả là cậu con trai năm tuổi ngay tại trường học của bé.

Biết tôi từng là một nghệ sĩ múa, đã giải nghệ năm năm rồi, nhưng cô giáo người Úc của Avi vẫn tha thiết mời tôi tham gia một tiết mục trong đêm liên hoan văn nghệ của trường cùng với các phụ huynh khác. Tôi rất bất ngờ, định từ chối, nhưng nghĩ lại, có lẽ đây là một cơ hội để làm cho con mình tự hào về mẹ nó. Bé chưa từng được nhìn thấy mẹ trên sân khấu bao giờ. Tôi nhận lời biểu diễn với tâm niệm: Lần múa này là để dành riêng cho con trai yêu quí. Đó là tất cả những gì tôi muốn.

Tôi là người cực đoan, đã đam mê là đam mê hết lòng, làm việc không bao giờ tiếc sức lực tiếc thời gian, có thể thâu đêm suốt sáng luôn, nhưng khi đã chán thì lại chán đến tận cùng, chỉ muốn bứt ra khỏi đầu, chỉ muốn quên luôn, muốn đoạn tuyệt, đào sâu chôn chặt. Đoạn tuyệt được nghề diễn với tôi lúc đó giống như là cắt đi một khối u khỏi cơ thể.

Bởi vậy, tôi đã quên hầu hết những động tác cơ bản của tiết mục định múa. Chính vì thế, khi muốn múa lại một tiết mục khi xưa từng diễn cả trăm ngàn lần, nay tôi phải bắt đầu lại từ đầu Nhưng vì con trai, tôi sẽ múa thật đẹp. Khi tôi đến nhà hát, hỏi đồng nghiệp ngày xưa tôi đã diễn ra sao, họ kêu trời, lẽ nào tôi có thể quên hết, quên nhanh thế một tiết mục mà tôi đã diễn nát nước ra rồi. Chính tôi cũng ngạc nhiên về cái khả năng “rũ bỏ” của mình!

Trước đêm diễn, cũng vẫn cảm giác háo hức hồi hộp lạ thường, ngỡ như một cái gì đó đã mất nay đang trở về, đang sống lại. Nhưng thật kỳ lạ. Chẳng có gì sống lại cả. Chi đơn giản là tôi làm vì con trai mình. Tôi tin chắc là cháu sẽ vô cùng tự hào về mẹ mình. Mẹ mình làm được những điều mà không bố mẹ bạn nào làm được. Và có thể con trai tôi lờ mờ nhận ra một điều gì đó…

Tôi chọn tiết mục múa dân tộc với trang phục đạo cụ là chiếc nón quai thao và những dải lụa màu mềm mại dịu dàng tượng trưng cho nét duyên dáng Việt Nam. Tôi nhớ là tiết mục này được người nước ngoài rất thích. Sân khấu của tôi là một vầng ánh sáng, còn khán giả của tôi phụ huynh và học sinh của trường quốc tế Hà nội, thì ngồi ở vầng tối hoặc đứng tràn lan đâu đó. Quả thực là tôi không quan tâm gì đến phản ứng của họ với tiết mục của mình. Mọi quan tâm của tôi chỉ hướng đến một khán giả duy nhất của đêm ấy, cậu con trai yêu quí.

Cậu chỉ mới năm tuổi và còn rất tồ, rất ngố. Tôi thực lòng cũng muốn xem phản ứng của cháu ra sao. Và tôi biết, tôi đã thành công khi đem đến cho con trai một món quà vô giá. Mắt cháu ngời sáng như sao, niềm hưng phấn tột độ khiến cháu quay sang bấu bạn mình và thốt lên: “Mẹ Vân. Mẹ Vân múa đấy!”. Gương mặt cháu bừng lên niềm tự hào khi nghe mọi người xung quanh trầm trồ: “Mẹ của Avi múa đấy! Mẹ Avi múa đẹp quá”.

Đó là lần đầu tiên nhưng cũng là lần cuối cùng tôi là một nghệ sĩ biểu diễn trong mắt con trai mình.

***

Từ khi có cậu con trai thứ hai, tôi có nhiều khoảng thời gian tĩnh lặng hơn để suy tư, và vì thế, tôi lại trở về với thói quen ghi nhật ký của thời còn con gái… Tôi không còn trò chuyện với chính mình nữa mà thích trò chuyện với cậu con trai vừa chào đời, Adam bé bỏng của tôi.

Hà nội 18/3/2001

Khi mẹ và Avi chia tay bố lần cuối cùng tại Rome, khoảng giữa tháng 10 năm 2000, mẹ đã có mang bé được ba tháng, kết thúc giai đoạn đầu đầy khó khăn vì mẹ nghén kinh khủng. Giống hệt như với anh Avi, mẹ không muốn ăn gì, khó chịu khi ngửi thấy mùi cá thịt thức ăn. Mẹ chỉ ăn cơm với rau, muối vừng, hoặc với quả ô-liu thay cà, may mà mẹ tìm mua được chút cá khô mặn tại chợ cá ở Rome. Một linh cảm cho thấy mẹ sẽ có thêm một bé trai, sẽ giống như Avi.

Khi con được hơn một tháng trong bụng, bố đưa mẹ vào bệnh viện xét nghiệm xem có đúng mẹ có em bé không và để làm mọi việc cần thiết. Bệnh viện ngay gần nhà, không xa lạ gì bởi nơi đây, khi có anh Avi trong bụng, mẹ cũng đã phải nằm viện 3 ngày, đúng vào lễ Giáng sinh năm 1997. Rất nhiều kỷ niệm với Rome…

Bà bác sĩ bảo, mẹ đã có thêm một bé nữa. Bố mẹ đều cảm thấy rất hạnh phúc vì tới đây, gia đình ta sẽ có bốn người, một gia đình lớn thực sự. Mẹ kịp dặn bố bảo bà bác sĩ khi siêu âm đừng nói con trai hay con gái, vì mẹ muốn được chờ đợi, phỏng đoán… Nhưng bà này tưởng bố không biết tiếng Ý nên đã nói nhỏ với bà y tá: “Tôi đã nhìn thấy “con chim nhỏ” của nó!”. Rồi bố không muốn dấu mẹ, đã nói cho mẹ biết.

Đối với mẹ, mẹ không cầu mong là trai hay gái, bởi anh Avi thực sự là dễ nuôi, ngoan nhưng nghịch ngợm vô cùng. Mẹ muốn các con có anh có em, hai anh em sẽ chơi với nhau như bạn bè, lớn lên các con không cảm thấy cô đơn giữa cuộc đời. Khi bố mẹ trăm tuổi, các con sẽ có nhau, thương yêu nhau. Nói điều này, mẹ thực sự cảm động, bởi không biết sao, từ bé tới giờ mẹ luôn cảm thấy cô đơn, cô đơn giữa những người ruột thịt của mình. Có lẽ, bơi không ai có thể hiểu và chia sẻ với mẹ những lúc mẹ khó khăn, hoạn nạn, vất vả. Sau khi khẳng định có thai, mẹ rơi vào giai đoạn ốm nghén trầm trọng, huyết áp thỉnh thoảng lại tụt thấp, gây mệt mỏi thất thường, lại thêm bận rộn với Avi, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu cơm, giặt giũ… Tất cả điều đó dẫn đến một điều rất xấu, mẹ luôn cáu bẳn, bực bội vô cớ với bố con và cả Avi nữa. Sau này, khi chia tay bố về Việt nam, mẹ đã thực sự ân hận và kịp xin lỗi bố. Nhưng bố con rất hiểu và thông cảm cho sức khỏe của mẹ.

Bố mẹ quyết định sinh con ở Việt Nam. Lần này sẽ chia tay thành phố Rome cổ kính lâu dài không biết bao giờ gặp lại. Chia tay căn hộ nhỏ xinh tại phố Cesari Antonio/8, chia tay với công viên lớn, nơi mẹ thường dẫn Avi dạo chơi mỗi sáng mỗi chiều, chia tay với tách cà phê Makiato thơm sưc bánh Pizza phủ fomaz ngon tuyệt… Chia tay với ban công phủ đầy bóng mát của bốn cây thông già trong đó có một cây lớn, khỏe mạnh, mẹ gọi đó là hình ảnh trụ cột của bố các con. Cuốn vào cây thông đó, có một cây leo mỏng mảnh, quấn quít trông yếu ớt mềm mại, yêu thương như muốn tìm nơi nương tựa, mẹ gọi đó là hình ảnh tượng trưng cho mẹ. Cây bố mẹ liền kề ngay cửa sổ phòng khách. Mẹ gọi như vậy bởi bố là mệnh mộc nhưng là cây to, mẹ cũng là mệnh mộc nhưng là cây nhỏ. Thế là các con đã biết sự tích Cây Bố Mẹ rồi.

Về đến Hà nội, với Adam ba tháng trong bụng, đã chấm dứt giai đoạn ốm nghén, mẹ cảm thấy khỏe mạnh muốn bắt tay vào làm nhiều việc lớn để đón chào Adam ra đời

Ngày 12/4/2001

Thế là bé Adam đã được tròn một tháng tuổi. Cảm ơn trời đất thần phật đã phù hộ cho hai mẹ con được mọi điều an lành. Không có từ nào đủ để nói hết nỗi vui mừng khôn xiết của mẹ hạnh phúc vì có hai đứa con trai bên mẹ. Thật là kỳ diệu! Bây giờ, mẹ muốn kể lại cho con nghe ngày hôm đó… Ngày con chào đời 12/3/2001.

Sáng ra như thường lệ, mẹ dẫn Avi ra ngõ ăn sáng. Chưa kịp ăn gì, bỗng mẹ thấy không ổn trong người, mẹ bèn về nhà, lòng đầy hoang mang lo lắng nhưng vẫn tự nhủ phải hết sức bình tĩnh. Đó là một buổi sáng se lạnh, mưa bụi nhiều, bầu trời ảm đạm. Mẹ gọi điện cho bác sĩ của bệnh viện Việt Pháp báo mẹ phải khám cấp cứu ngay, sau đó gọi bác xe ôm hàng xóm chở đi, vì mẹ lo gọi tắc xi sẽ lâu hơn vì phải đi vòng đường một chiều. Mẹ vừa đi vừa khóc vì phải đi đẻ một mình và vì lo lắng không biết có chuyện gì không.

Đến bệnh viện, mẹ còn kịp bảo ông xe ôm chạy quá lên một chút để mua mấy hộp sữa tươi Vinamilk và bánh mì ngọt, thế là yên tâm đi vào cấp cứu. Kể cả không có người vào thăm nuôi cũng không sợ bị bỏ đói nữa. Sau đó, mẹ dặn bác xe ôm nhớ cái bệnh viện này, “để nếu có chuyện gì, tôi sẽ điện về nhà thì bác sẽ chở bác Dần vào viện”. Thế rồi, một mình mẹ khệ nệ đi thẳng vào phòng cấp cứu vì bố đã đặt trước cho mẹ sinh con ở đây rồi. Mà nào mẹ đâu có biết ở bệnh viện này, người ta phục vụ từ A đến Z chứ không như ở viện C, hai người một giường và phải tự lo lấy nhiều thứ. Lúc này mới biết cái tính lo xa của bố con thật là giá trị, phải có tình yêu và sự lo lắng thế nào bố mới chu đáo gửi mẹ con mình vào đây, như thế bố mới an tâm.

Vào đến nơi, nước ối gần cạn, họ tiêm thuốc để kí©h thí©ɧ cơn thúc đẻ, rồi bào mẹ đi tắm rửa. Mẹ nghĩ bụng, trong cơn khẩn cấp thế này lại còn có ca thời gian tắm rửa nữa cơ đấy, nhưng vẫn nghe lời họ đi tắm, sau này biết là còn phải đợi cơn đau đẻ nữa. Khi thuốc đó tác dụng, cơn đau đẻ đến, nó nhồi lên nhồi xuống. Lần trước mổ đẻ chưa biết gì, lần này mẹ mới biết thế nào là “đau như đau đẻ”. Cứ chổng mông lên chịu đựng cơn đau thúc lên. Trời ơi, đau quá là đau. Nhưng mẹ làm gì có ai để mà vòi vĩnh, làm mình làm mẩy. Thế là cứ ngậm đắng nuốt cay, lồm cồm bò khắp phòng. Chỉ tủi thân nghĩ. “Trời ơi, sao những lúc thế này mà tôi lại chỉ có một mình”.

Và cũng vì một mình nên mẹ đã có những hành động rất dại dột và liều lĩnh. Y tá dặn: “Chưa biết chị có phải mổ đẻ hay không nhưng bác sĩ sẽ cố gắng cho chị đẻ thường”.

Nhưng họ vẫn chuẩn bị khả năng phải mổ đẻ nên dặn không được ăn uống gì, nếu ăn vào, lúc gây mê mổ mà sặc nghĩa là chết luôn. Nhưng lúc ấy, cái đầu óc mê muội của mẹ cứ nghĩ là anh Avi đã phải mổ đẻ thì lần này cũng mổ thôi chứ làm sao mẹ có khả năng đẻ thường được. Trong đầu mẹ còn nhớ như in tình trạng mổ đẻ và phải nhịn ăn đến sắp chết đói, nhất là khi mổ xong đâu đã được ăn ngay. Bị đói hai ngày, một ngày chờ mổ và một ngày chờ thông ruột sau mổ. Thế là bác sĩ dặn thì cứ dặn mà mẹ ăn thì vẫn cứ ăn.

Mẹ ăn trong tình trạng thật là kỳ cục. Ăn vụng ăn trộm. Lồm cồm bò vào tolet, mở hộp sữa tươi ra hít một hơi hết luôn. Rồi nhồm nhoàm nhai thật nhanh cái bánh mì ngọt.

Nghe tiếng động cửa là sợ hết hồn, chui ra khỏi tolet, không thấy ai, lại chui vào ăn nốt cái bánh mỳ. Ăn xong, thở phào yên tâm, mẹ nghĩ bụng, nếu bây giờ có phải nhịn đến tận ngày mai cũng chẳng sợ nữa. Ăn xong rồi lại nhớ đến cơn đau, đứng không đứng được, ngồi cũng không, nằm càng chết. Thế là cứ lòng khòng vừa bò vùa xuýt xoa một mình. “Trời ơi, đau quá, làm thế nào bây giờ”.

Thật là khủng khϊếp vì cứ nghĩ sẽ đẻ đến nơi rồi, chẳng thấy ai vào cả. Hóa ra là các bác sĩ, y tá đi ăn trưa. Cố nhịn đau nhịn kêu, mãi mới thấy một cô y tá xuất hiện. May quá mẹ vớ lấy cô ấy bảo: “Chị đau quá rồi, cho chị đẻ thôi chứ chị không thể chịu đựng thêm được nữa. Cô ấy vội vàng gọi bác sĩ, nhưng bác sĩ Tây vẫn còn đang ăn trưa ở căng tin. Y tá lại bảo cố chờ vì mới chỉ mở có hai phân thôi, chưa thể đẻ ngay được đâu.

Đúng 3 giờ 15 phút, con trai bé bỏng của mẹ chào đời với tiếng khóc lanh lảnh. Bác sĩ trông nom sau đẻ đón lấy con rồi giơ lên cho mẹ xem, họ làm vệ sinh cho bé ngay trong phòng, tất cả diễn ra trước mắt mẹ, không như ở viện C, họ đeo vào tay mẹ một miếng sắt có đánh số của anh Avi rồi mang đi mất. Nói gở chứ nếu có ai đổi mất con mình cũng làm sao biết được. Mới đẻ ra, mê mệt như thế, làm sao nhớ được mặt con ngay. Ở đây họ làm kín nhẽ hơn. Họ đặt bé vào cái giường nhỏ song song với băng ca của mẹ rồi cùng đẩy đi vào thang máy về buồng riêng của hai mẹ con.

Từ đấy, hai mẹ con luôn được ở bên nhau. Con nặng 2, 3 kg, dài 45 cm, Đẻ sớm một tháng, có cái may, con còn nhỏ nên chưa căng bụng đến độ nguy hiểm. Nhờ con, thế là mẹ đã biết dẻ rồi. Vì bé nhỏ quá nên con chưa biết bú, họ phải pha sữa đút cho con ăn. Họ dặn mẹ phải cố cho con tập bú, khi nào con bú được, mẹ con mình mới được về nhà. Nhỡ về rồi mà không cho con bú được thì rất nguy hiểm. Cuối cùng, mẹ vẫn đẻ được tuy chẳng có ai đưa mẹ đi đẻ như những phụ nữ bình thường.

Ngày đầu tiên con không biết mυ"ŧ, sang đến trưa hôm sau thì đã biết bú và hai mẹ con được ra về. Khi bắt đầu khỏe lên một chút, mới nhớ có điện thoại ngay đầu giường, mẹ mới phôn về nhà cho bác Dần báo “mẹ tròn con vuông” rồi. Cả nhà lúc ấy mới ngớ ra. Lúc ấy ông mới điện báo cho bà và cô Khanh. Khoảng bốn rưỡi, ông chở bác Dần và Avi vào viện.

Lần đầu tiên mẹ và anh Avi phải xa nhau trong tình cảnh chẳng biết liệu có mệnh hệ gì không nên cứ nước mắt vắn dài mãi. Tội nghiệp anh con còn nhỏ lắm, chưa đầy 3 tuổi mà đã biết biểu hiện tình cảm lúc gặp lại mẹ rất lạ. Từ cái cửa hé mở, mẹ nhìn thấy Avi chạy cuống leo lên bậc cuối cùng của cầu thang, tuy chưa nói sõi nhưng bỗng hét gọi. “Mẹ Vân ơi con yêu mẹ Vân lắm”. Mà nào có ai bảo đâu, lần đầu tiên anh con nói được một câu dài đến thế. Có lẽ Avi cũng linh cảm thấy cuộc chia tay với mẹ buổi sáng là không bình thường nên khi nhìn thấy mẹ thì mừng quá.

Con yêu của mẹ, hai con là tất cả của mẹ, là hai thiên thần nhỏ mang hạnh phúc đến cho mẹ. Từ khi mẹ có các con, mẹ đã rủ bỏ tất cả sự bon chen của cuộc đời để thu mình trong một thế giới nhỏ bé riêng của gia đình chúng mình. Từ nay, chúng ta có 4 thành viên: Bố + Mẹ + Avi + Adam = Tình Yêu.

Ngày 14/5/2001

Hôm nay mẹ mới lại có thời gian ngồi viết cho con.

Bố Bram về thăm con đã được 11 ngày rồi. Bố mẹ đặt tiệc đầy tháng cho con ở quán Latino, nơi bố mẹ có kỷ niệm đầu tiên đến đây cùng nhau để uống một loại rượu ngon tuyệt, rượu cocktail Magarita. Hồi đó Adam ở đâu nhỉ? Bữa tiệc chỉ có một số người thân trong gia đình, không có bạn bè. Mẹ muốn chúc mừng con đã vượt qua được một tháng thử thách đầu tiên. Thú thực là mẹ hơi lo lo bởi con sinh thiếu tháng, kỹ thuật khỏe mạnh như anh Avi. Nhưng mẹ rất thương anh vì ngày anh đầy tháng, mẹ không tổ chức được một bữa tiệc mừng như thế này, vì lúc đó mẹ ở trong hoàn cảnh vô cùng éo le, đó là điều mẹ cứ ân hận mãi. Mẹ vẽ chân và tay của con lên trang giấy này, khi con lớn, chắc con không thể tưởng tượng được lúc con chào đời, sao chân tay con lại bé xíu đến thế nhỉ?

Ngày 18/5/2001

Ba ngày nay bố các con không gọi điện về, mẹ cảm thấy buồn. Bố con không hiểu được hoàn cảnh mẹ bây giờ, với hai con nhỏ, làm sao mẹ có thể sang Ý với bố được. Trước đây chỉ có Avi, mẹ có thể đi một cách dễ dàng, có thể khắc phục được một số khó khăn vất vả. Bây giờ có cả Adam, đi đứng thế nào. Ai có thể giúp mẹ được khi bố các con đi làm từ sáng đến tối. Bố cho rằng tại mẹ không muốn đi. Biết làm sao được. Mẹ chỉ thấy buồn…

Ngày 30/9/2001

Đây là ngày hệ trọng của hai con, ngày làm lễ rửa tội cho Avi và Adam. Có mặt ông bà nội, bác Siu từ Hà Lan sang, bố các con cũng bay về từ Triều Tiên. Ông bà ngoại và gia đình cô Vy cũng đến dự. Sau đó, bố mẹ mời tất cả mọi người đến nhà hàng Latino quen thuộc.

Ngày 22/11/2001

Khoảng đầu tháng Mười bé Adam đã bắt đầu biết nhổm mông dậy để tập bò. Đến giữa tháng Mười, bé đã bò được khắp giường, và có lúc còn vịn tay vào thành cũi tự đứng lên. Xem ra mọi cử chỉ phát triển của bé nhanh hơn, cứng cáp hơn anh Avi. Ngày 9/11 bé mọc hai răng cửa dưới khiến bé bị sốt cao ba ngày, tọp cả người. Hai mẹ con định bay sang Bình Nhưỡng với bố một tuần nhưng thời tiết bên đó quá lạnh, âm bốn độ, lại thôi, mặc dù ông bà nội đã gửi một số quần áo ấm về cho mấy mẹ con đi Triều Tiên.

Ngày 25/11/2001

Cuối cùng thì thời gian chờ đợi cũng đã qua, hôm nay bố các con đã về. Vì máy bay xuống muộn nên Adam phải ở nhà, chỉ mẹ và anh Avi đi đón bố thôi. Mãi 10 giờ đêm mới nhìn thấy bố chạy ra gần như là người đầu tiên. Từ xa, mẹ đã nhìn thấy mái tóc bố bạc trắng, trắng quá nhanh, cái giá phải trả do làm việc quá sức và phải chịu đựng cuộc sống quá khắc nghiệt ở Bắc Triều Tiên… Gặp lại bố, cả nhà mình nom ai cũng rạng ngời hạnh phúc… Có lẽ con thuyền đời mẹ đã cập bến. Mà bến đỗ bình yên đó là cánh tay dang rộng khỏe mạnh của bố Bram. Rồi bố mẹ sinh ra hai con thuyền con là Avi và Adam của mẹ.

Ngày 30/11/2001

Bố các con lại chia tay ra đi rồi.

Lần này mẹ quyết định không đi tiễn bố tại sân bay nữa, mẹ sợ cái cảm giác nặng nề lúc chia tay, sợ nỗi cô đơn trống trải khi trở về căn phòng nơi bố các con vừa mới ở đây.

Nó luôn đè nặng trái tim đa cảm của mẹ và gây cho người ra đi cảm giác nặng nề. Bố các con cũng vậy. Tuy bố im lặng nhưng mẹ hiểu, bố rất buồn vì phải xa ba mẹ con mình. Bố luôn đưa ba mẹ con ra xe về trước rồi mới lầm lì đi thẳng vào trong, không dám ngoảnh đầu nhìn lại. Điều đó chứng tỏ bố mẹ đang sống trong tình yêu thương. Chỉ khi nào người ta không còn thấy vui buồn cùng nhau nữa mới là điều đáng sơ.

Mẹ đã chọn cách sống như hiện nay, thỉnh thoảng mới được gặp nhau, được sống cùng nhau vài ngày, rồi lại đằng đẵng hai, ba tháng trời mới gặp lại, điều đó góp phần tạo nên sự đầy ắp của tình cảm và luôn khao khát được ở bên nhau. Mẹ sợ nhất là khi ta cảm thấy cuộc sống chung trở nên nhàm chán, và vô tình, ta để cho tình yêu vơi đi lúc nào không hay.

Ngày 24//2/2001

Mẹ muốn ghi lại ngày hôm nay, ngày Giáng sinh đầu tiên của bé “Xúc xích” Adam. Từ sáng, mẹ đã mặc cho bé bộ áo liền quần bằng bông trắng, trông bé như một chú thỏ non với hai chiếc răng nhọn. Mẹ tự tay trang trí cây thông cho các con, cây thông mang từ vườn nhà vào nên nó cao quá cả trần nhà, giá trị ở chỗ nó là cây thật. Ông ngoại đi mua đèn về trang trí trên cây thông như sao sa trông rất đẹp. Bố đã về Hà Lan và nói cứ giữ cây thông đến Tết, ông bà nội sẽ gửi hai phong bì đỏ lì xì cho hai con.

Mẹ tất bật chuẩn bị từ mấy ngày trước, mỗi ngày vác về vài thứ. Mẹ muốn làm một bữa tiệc nhỏ cho hai con và mời một số người đến ăn cơm. Đây là lần đầu tiên mẹ tổ chức đón lễ Noel ở nhà vì vừa qua hai con đã được làm lễ ban thánh thể tại nhà. Các con đã thực sự là những thiên thần của mẹ nhưng là những thiên thần nghịch ngợm.

Ngày 12/3/2002

Ngày sinh nhật đầu tiên của bé Adam, con nhận được rất nhiều điện chúc mừng của ông bà nội, của các bác… của papa… Tất cả mọi người đều yêu bé. Mẹ thật hạnh phúc.

Papa hứa sẽ là một người cha tốt, các con sẽ có một tương lai tốt đẹp. Tối nay, mẹ mời mọi người trong gia đình đến ăn tiệc mừng bé ở quán Latino kỷ niệm. Mẹ yêu con, Adam bé bỏng của mẹ.

Ngày 12/3/2003

Một giờ đêm, ngoài trời bóng đổ mưa tầm tã khiến mẹ lại nghĩ tới buổi sáng cách đây hai năm khi mẹ trở dạ đi sinh bé Adam một mình, nước mắt lưng tròng…

Vậy mà giờ bé đã tròn 2 tuổi rồi. Trông bé dài rộng càng lớn càng giống mẹ Vân hơn. Đặc biệt bé có cặp mắt rất tình cảm, rất đẹp. Mẹ yêu nhất mỗi khi bé vòng hai tay ôm ghì cổ mẹ, cố quay mặt mẹ lại để hôn thật kêu. Bé thực sự quấn quít với mẹ không rời. Mẹ yêu bé lắm lắm chỉ có điều đến giờ này bé vẫn chưa chịu nói câu nào tuy bé hiểu hết. Bé nghe được nhưng lười không chịu nói.

Giờ này hai con đang ngủ say, chắc rằng bố mẹ sẽ làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho các con. Hơn ai hết, mẹ hiểu rằng, mẹ sẽ dành tất cả tình thương yêu cho các con mà không đòi hỏi một điều gì. Cuộc đời mẹ đã không được hưởng điều đó nên mẹ rất thèm được sống trong sự yêu thương chia sẻ. Adam của mẹ, mừng con thêm một tuổi, hay ăn chóng lớn. Mẹ muốn được nhìn thấy hai con trở thành hai chàng trai to lớn khỏe mạnh.

Nhất định thế, có phải không, thiên thần bé nhỏ của mẹ!

***

Nhất định thế, có phải không nhỉ? Được sinh ra bởi tình yêu, được lớn lên trong bầu không khí gia đình đầm ấm yêu thương, các con trai của chúng tôi nhất định sẽ trở thành những chàng trai biết yêu thương nhau, những người chồng biết yêu thương vợ, những người cha biết yêu thương con cái.

Đặc biệt, cho dù thời thế đổi thay, cho dù có di đâu về đâu, chúng sẽ vẫn luôn luôn là những đứa con biết yêu thương mẹ cha, yêu thương mảnh đất chôn rau cắt rốn, và yêu thương cuộc dời nhiều đớn đau này… Bởi chính cha mẹ, ông bà và tổ tiên của chúng, ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, đã được nuôi sống được bảo tồn nòi giống từ đời này qua đời khác là vì có Tình Yêu…

… và có tiếng cười đùa của các thiên thần thức dậy.