Nghe giọng em trai, bàn tay đang cầm điện thoại của tôi tự nhiên cứng lại, nước mắt không biết từ đâu trào ra. Tôi há miệng mấp máy mấy chữ, nhẩm đi nhẩm lại ba bốn lần mới phát âm ra được thành lời:
– Tý ơi.
Em tôi cũng òa khóc nức nở qua điện thoại, nó khóc đến lạc cả giọng, cuối cùng mếu máo nói:
– Chị ơi, em đậu Đại Học rồi.
– Ừ, chị biết rồi, chị biết Tý đậu Đại học rồi. Tý của chị giỏi quá, chị biết kiểu gì em cũng đậu mà.
Mấy năm rồi phải sống trong giày vò và xa cách, đến tận bây giờ mới có thể gọi cho nhau một cuộc điện thoại, hai chị em tôi ở hai đầu dây cứ thế thi nhau khóc. Thằng Tý khoe với tôi nó được hai mươi sáu điểm, gần một tháng nữa nhập học là chính thức trở thành sinh viên đại học rồi, tôi thì lại khoe với nó giờ mình chung vốn với bạn mở một cửa hàng hoa, dạo này quán đông khách nên tiền bạc cũng bắt đầu dư dả.
Hỏi thăm xong xuôi, tôi mới bảo thằng Tý:
– Em lên Hà Nội nhớ cố gắng mà học hành em nhé, tiền chị lo được. Em yên tâm, chị không làm mấy nghề linh tinh nữa đâu, giờ chị buôn bán tử tế kiếm tiền nuôi em, thật đấy.
Em tôi nghe xong ngập ngừng một hồi, mãi sau mới nói:
– Chị ơi, em biết tất cả rồi. Em không trách chị nữa đâu. Em muốn gọi điện cho chị từ lâu rồi nhưng mà…
Tôi biết sau chừng ấy chuyện xảy ra, em tôi lúc đó vẫn là một đứa con nít đang tuổi ăn tuổi lớn nên năm đó mới đối xử với tôi như thế. Tôi không trách thằng Tý, tôi chỉ trách mình, dù gì đi nữa thì tất cả lỗi lầm là do tôi nên tôi phải trả giá, bây giờ em tôi chịu tha thứ cho tôi là tôi thấy biết ơn lắm rồi.
– Chị ơi… em xin lỗi chị.
Tôi bật khóc, mắt đã sưng húp rồi không thể mở ra được nữa:
– Không, chị xin lỗi em mới đúng chứ. Tý ơi, chị sai rồi, em tha thứ cho chị nhé, em đừng giận chị nữa nhé, chị biết chị sai rồi.
– Em biết hết rồi chị ạ. Anh ấy nói cho em biết hết rồi, em không giận chị nữa đâu, em xin lỗi chị.
– Anh nào em? Anh nào cơ?
– Anh Huy.
Nói rồi, thằng Tý kể cho tôi nghe một câu chuyện.
Lúc đó mẹ mới mất, tôi lại bỏ đi biệt xứ, em trai tôi đang độ tuổi ương bướng và thiếu chín chắn nhất nên khi bị làng xóm láng giềng dè bỉu vì có chị làm cave như tôi, nó uất lắm, bắt đầu theo bạn bè học hút thuốc, uống rượu, rồi còn định bỏ học đi phụ hồ.
Nhà cậu mợ tôi thì đông con, gia cảnh thì khó khăn túng quẫn nên cũng chẳng có nhiều điều kiện mà chăm lo bảo ban nó. Bao nhiêu tiền tôi gửi về thì mợ cầm hết, cậu kiên quyết bắt nó đi học thì mợ lại dấm dúi bảo làm gì còn tiền, nuôi báo cô nó đã tốn cơm tốn gạo rồi, giờ còn học hành nữa thì sáu đứa con gái của mợ chết đói hết à?
Đúng lúc em trai tôi tuyệt vọng và dễ sa ngã nhất thì có một người tìm đến nó. Hôm ấy, Huy đợi nó trước cổng trường, thấy thằng Tý mặt mày lớt pha lớt phớt đi ra, mồm ngậm điếu thuốc, anh lôi nó sang ngõ bên cạnh tẩn cho một trận.
Thằng Tý bị đánh mà không hiểu nguyên do gì, gào ầm lên:
– Ông làm cái gì đấy hả? Ông lấy quyền gì mà đánh tôi? Ông là ai đấy mà đánh tôi?
– Tao đánh thay chị mày đấy. Chị mày vất vả nuôi mày ăn học mà mày sống thế à? Mày theo bạn bè mày hư hỏng như thế à?
– Liên quan quái gì đến ông?
– Không liên quan tao cũng đánh.
Bị đánh một trận bầm dập xong xuôi, anh mới lôi cổ nó dậy rồi bảo:
– Tỉnh ra chưa hay để tao đánh cho trận nữa?
– Ông thích thì ông cứ đánh.
Thách ai chứ thách Huy thì không cần kể tôi cũng biết kết quả, thằng Tý bị ăn thêm mấy cái bạt tai nổ đom đóm mắt nữa, cuối cùng phải gào lên:
– Tôi không có chị, ông cũng chả là cái quái gì mà dạy tôi.
– Mày không có chị thật không? Ai nuôi mày ăn học đấy? Mày được học hành đến hôm nay là do ai kiếm tiền về nuôi mày đấy?
– Tôi không cần những đồng tiền bẩn thỉu của chị ta, tôi không cần. Tôi thà đi phụ hồ còn hơn lấy tiền của một con chị làm gái. Nhà tôi không có loại con như chị ta, bố mẹ tôi không đẻ ra cái thứ mất dạy đấy.
Huy vung tay cho nó một cái tát, mắt anh long sòng sọc nhìn nó, nghiến răng bảo:
– Không biết sao chị mày lại chịu nhục được như thế chỉ vì nuôi cái thằng ăn cháo đá bát như mày.
– Ông thì biết gì, ông biết cái quái gì về gia đình tôi mà nói thế.
– Tao không biết á? Tao biết chị mày lên thành phố làm lụng đủ nghề kiếm tiền, chị mày chỉ dám uống nước lọc với ăn bánh mì để dành dụm tiền gửi về cho mày đi học, tao còn biết chị mày hy sinh cả đời con gái chỉ để chữa bệnh cho mẹ mày, dù biết rõ mẹ mày không còn sống được mấy nỗi nữa kia. Thế là đủ chưa?
Nghe đến đây, thằng Tý bật khóc tu tu, nó gục mặt xuống đầu gối khóc nức nở:
– Tôi không cần, ai cần chị ta làm ta, ai cần chị ta bán thân, ai mà cần…
– Chị mày không làm gái, tao cũng thừa tiền để chị mày không phải đi làm gái.
Lúc thằng Tý kể đến đó, tự nhiên tôi nhớ lại lần đầu tiên bán trinh cho Huy. Sau khi quan hệ xong, anh nhìn thấy ga giường có máu thì hỏi tôi “Muốn làʍ t̠ìиɦ nhân không?”. Trước tôi cứ nghĩ anh thấy tôi rau sạch nên ăn xong vẫn muốn chăn, nhưng giờ nghe câu “tao thừa tiền để chị mày không phải đi làm gái”, tôi lại thấy hình như suy nghĩ lúc trước của tôi sai rồi.
Thằng Tý bảo tôi:
– Sau rồi anh Huy nói với em chuyện của anh ấy với chị, anh ấy bảo em nếu không cần đồng tiền bẩn thỉu của chị thì trả lại đi, em bảo em không có tiền, thế là anh ấy bảo “thế mày học hành tử tế, kiếm việc đàng hoàng rồi kiếm tiền để trả lại cho Vân, mày đi làm phụ hồ mười kiếp cũng không trả hết đâu”.
Tôi bật cười, tính Huy trước giờ vẫn thế, chẳng bao giờ nói được một câu tử tế dễ nghe nhưng lại rất tốt bụng. Nhưng mà tại sao… tại sao anh lại phải tốt với tôi như thế?
– Anh Huy nói thế thôi chứ không có ý đòi tiền em thật đâu.
– Vâng, em biết mà. Sau em lên lớp mười hai, mợ không cho tiền đi học nữa thì anh Huy lại cho em tiền. Anh ấy mua sách vở với cả quần áo cho em, cho em tiền nộp học, còn bảo cho em vay thôi, sau phải trả lại anh ấy cả gốc lẫn lãi.
– Cái ông này…
– Chị ơi, em biết lỗi rồi. Anh Huy bảo em đậu Đại học thì phải cảm ơn chị đầu tiên nên giờ em gọi điện cho chị đây. Chị ơi, em xin lỗi chị.
Lúc đó, tôi cũng chẳng còn nước mắt để mà khóc nữa nên chỉ có thể cười. Lẽ ra tôi phải vui mới đúng, vui vì chị em tôi sau bao nhiêu biến cố thăng trầm, cuối cùng cũng đã không còn giày vò đau khổ như trước nữa, vui vì em tôi đã khôn lớn thành người. Nhưng mà… trong niềm vui ấy tim tôi vẫn cứ đau âm ỉ, giống như l*иg ngực bị một tảng đá vô hình đè nặng, đau không thở được, đau chỉ muốn vỡ ra.
Khi mẹ tôi còn sống, người đàn ông ấy đã cho tôi tất cả mà không đòi hỏi, không phàn nàn một lời. Lúc mẹ tôi chết đi, anh lại lẳng lặng làm mọi việc thay tôi, nỗ lực chuộc lại mọi lỗi lầm cho tôi. Anh kéo em tôi ra khỏi vũng bùn lầy sa ngã, anh cho nó tiền đi học, cho nó động lực để tiếp tục sống và làm người.
Anh… tôi hận anh và cũng nợ anh. Hận thù thì tôi có thể một mình chịu đựng được nhưng ân tình thì tôi biết trả anh thế nào bây giờ?
Sau khi cúp máy, tôi nằm bẹp trên giường, không có tâm trạng nên cũng chẳng thiết ăn uống gì nữa. Huyền thấy tôi mệt nên nấu cho tôi một nồi cháo loãng, xong xuôi mới lay tôi dậy:
– Dậy đi, dậy ăn cái gì đi chứ mày nằm mãi thế à?
– Tao mệt lắm, không ăn đâu. Mày cứ ăn đi.
– Mày phải ăn vào chứ khóc mãi thế thì sức đâu. Giờ mọi việc ổn hết rồi mà còn khóc gì, mày phải vui lên. Sống tốt vào làm gương cho em mày.
– Tao thì có làm được gì cho nó đâu, nó được như ngày hôm nay là do anh Huy hết đấy.
– Huy á? Liên quan gì ông ấy.
Tôi chầm chậm kể lại câu chuyện thằng Tý vừa kể, Huyền nghe xong thì nắm chặt lấy tay tôi:
– Tao đã nói rồi, ông ấy yêu mày mà mày cứ không tin.
– Tao không biết nữa, đến giờ vẫn không hiểu là ông ấy day dứt vì người yêu của ông ấy hại mẹ tao chết hay là có tình cảm với tao.
– Người day dứt phải là con Vy chứ không phải là ông Huy. Ông ấy chẳng có lỗi gì cả. Mà cứ cho là ông ấy day dứt đi, thế thì theo bình thường sẽ đi cùng con Vy đến nhà mày để xin lỗi rồi ném cho một cọc tiền coi như đền bù, thế là xong. Việc quái gì mà phải tốn công tốn sức dạy dỗ em mày thế.
– Tao không biết nữa, tao không nghĩ được gì cả.
– Nói thật, ngày xưa tao ghét ông Huy lắm, nhưng giờ tao suy nghĩ khác rồi. Bao nhiêu chuyện ông ấy làm cho mày như thế mà cũng chẳng đòi hỏi mày trả ơn lấy một lời, đến lúc em mày đậu Đại học vẫn dặn em mày phải cảm ơn mày đầu tiên. Ông ấy sống biết trước biết sau đấy, tính tình hơi quái dị một tý nhưng mà sâu sắc phết đấy. Tao nghĩ mày với ông ấy nên nói chuyện thằng thắn với nhau một lần đi.
– Nói gì được mày?
– Thì cảm ơn người ta chứ sao nữa. Em mày có ngày hôm nay là nhờ ông ấy mà.
– Giờ cứ dây dưa nhau ra thì phiền phức lắm, còn cả Vy nữa. Trước nó nhắn tin dọa tao một lần rồi, giờ mà tao vẫn liên lạc với ông Huy, nó lại tìm cách hại tao cho mà xem.
– Tao bảo rồi, nếu ông Huy yêu nó thì nó cũng chẳng phải giữ ông Huy bằng cái kiểu âm thầm đánh địch sau lưng kiểu đấy. Thích thì cứ đánh ghen công khai xem, đằng này mấy năm trời cứ chơi cái trò ném đá giấu tay. Con Vy với ông Huy chắc chắn có uẩn khúc gì đấy mới chơi kiểu thế.
– Tao không biết. Trước tao nghe anh Huy nói chuyện với Vy một lần, kiểu cũng bình thường thôi, không giống người yêu nhau mấy.
– Đấy, nói chung có vấn đề gì đấy. Thôi giờ mày cứ tìm gặp ông Huy đi, không yêu cũng được, mời người ta đi uống nước hoặc ăn một bữa cơm coi như cảm ơn vì đã bảo ban dạy dỗ thằng Tý.
– Ừ, tao biết rồi.
Nói là nói thế nhưng tôi suy nghĩ mãi mà vẫn chẳng đủ can đảm để gọi điện hoặc nhắn cho anh một tin cảm ơn. Tôi sợ Vy, sợ rắc rối, mà còn sợ cả chính bản thân tôi. Tôi rất sợ mình sẽ càng ngày càng lún sâu vào tình cảm này rồi không có cách nào thoát ra được, cuối cùng chính mình lại là người tự chuốc lấy đau khổ.
Tôi với anh vốn chẳng môn đăng hộ đối, học thức không tương xứng, công việc thì cũng không. Thế thì lấy cái gì mà ở bên nhau, lấy cái gì mà tin vào một tương lai tốt đẹp?
Tôi cứ sống trong giày vò suốt mấy ngày, đến ngày thứ ba không thể chịu được nữa mới quyết định đến Chùa chơi với bọn nhỏ, nói chuyện với sư cô, hoặc vào điện đọc kinh phật cho tâm hồn thanh tịnh.
Khi tôi vừa bước chân vào cửa Đại điện thì tình cờ cũng thấy một người đang ở trong đó. Huy chắp tay sau lưng đứng trước tượng phật, anh không quỳ không lạy, không đọc kinh cũng chẳng nói gì, chỉ đứng nhìn tượng phật rất lâu.
Tôi cũng im lặng đứng đằng sau anh, nhìn bóng lưng cô đơn của anh, tự nhiên thấy trong lòng thắt lại.
Người ta bảo “những người mạnh mẽ thường là người cô đơn”, chắc anh cũng thế nhỉ? Lúc nào cũng tỏ ra lạnh nhạt hờ hững nhưng thực ra anh mới là người cô độc nhất đúng không?
Thà anh cứ như người khác, bất cứ cái gì cũng phải trao đổi với tỉ giá ngang bằng thì tôi còn cảm thấy dễ hiểu, dễ chịu. Đằng này, cái anh cho tôi không phải là tiền mà là ân tình, cứ lẳng lặng làm nhiều thứ cho tôi mà chẳng nói gì, cũng chẳng đòi báo đáp, làm tôi cảm thấy rất giày vò.
Trong lúc tôi đang mải nhìn anh thì sư cô đã đi đến bên cạnh từ lúc nào, sư Huệ bảo tôi:
– Huy bảo cô đừng nói cho con biết.
Tôi thoáng giật mình, hơi luống cuống nhưng phải đè giọng nói nhỏ vì sợ anh nghe thấy:
– Cô ạ. Biết gì hả cô?
– Biết nó làm từ thiện ở chùa mình vì quen con.
– Quen… quen con ấy ạ? Không phải đâu, anh ấy quen anh Dương ấy ạ, anh Huy là bạn anh Dương.
Sư cô khẽ cười, cô không để ý mấy đến lời nói của tôi mà chỉ bảo:
– Nó bảo nó có một cô bạn chưa được đi đây đi đó bao giờ nên muốn cho đi cùng. Cô bảo “thế Huy bảo cả bạn Huy cho vui”, nó cười, nói là “bạn con chỉ có cô bảo được thôi”. Lúc nó nói tên con, cô mới biết, hóa ra tự nhiên chọn từ thiện ở đây cũng có nguyên do cả.
Tôi sững sờ nhìn sư cô không nói nên lời, sống mũi cũng tự nhiên cay cay. Trên máy bay anh vẫn còn nói tôi đừng ảo tưởng, anh làm từ thiện chẳng phải vì tôi, thế mà bây giờ nghe sư cô nói ra, sao tôi lại cảm thấy người đàn ông này làm bất cứ cái gì cũng hướng về tôi thế?
“Có một cô bạn chưa được đi đây đi đó bao giờ”… Anh vẫn nhớ câu nói của tôi lần đầu tiên tôi vào Sài Gòn à? Năm đó tôi bảo: Từ nhỏ đến lớn em chưa được đi đâu…
Tôi suýt nữa thì bật khóc, nhưng mà khi nhìn thấy anh vẫn lặng im đứng trong đại điện, cuối cùng đành nén lại trong lòng. Sư cô cầm tay tôi rồi bảo:
– Hình như Huy có vẻ rất thương con. Hai đứa quen nhau lâu rồi phải không?
Tôi lặng lẽ gật đầu.
– Nếu có người tốt như thế thương mình thì giữ lấy đi con, từ Hà Nội vào đây, ngồi máy bay gần hai tiếng là đến, nhưng để một người có thể vì con mà đi hơn hai nghìn cây số, hiếm lắm nghen con.
– Vâng… con cảm ơn cô, con biết rồi ạ.
Sư cô cười nhẹ, vỗ vỗ vai động viên tôi rồi quay xuống bên dưới. Lúc sư cô đi rồi, tôi vẫn chỉ dám đứng ngoài nhìn anh, một lát sau, anh mới thôi đứng trước tượng phật mà vòng qua hộp đựng tiền công đức, móc ví ra rồi bỏ vào đó mấy tờ polime màu xanh dương.
Khi Huy quay người lại, thấy tôi đang đứng trước cửa thì có vẻ hơi ngạc nhiên. Lâu rồi không gặp, chỗ tóc trên đầu anh bị cạo vì khâu hôm đánh nhau với ông Nhân đã mọc đều với chỗ tóc khác rồi.
Huy nhìn mấy giây rồi đi sang bên cửa khác, ra bên ngoài. Tôi nghĩ chắc anh vẫn còn giận vì anh đã mất công cứu tôi, bị ăn một cái gạt tàn phải khâu mấy mũi mà tôi không vào viện thăm anh, cũng chẳng hỏi thăm một lời, nên giờ mới coi như tôi chẳng tồn tại như thế.
Tôi biết mình sai nhưng chẳng biết làm sao cả, đành phải vội vàng chạy theo anh.
– Huy.
Anh vẫn đi chứ không đứng lại, chân thì dài, đi rõ nhanh.
– Huy, từ từ đã.
Gọi mấy lần anh mới thèm ngoái đầu lại nhìn tôi, mặt mày vẫn khó đăm đăm như mất sổ gạo:
– Gì?
– Anh đi nhanh thế, đợi em với.
– Không rỗi hơi.
– Đợi em với, em có chuyện muốn nói với anh.
– Tôi chẳng có gì để nói với cô.
– Đi, em nói năm phút thôi. À không, hai phút thôi.
Nói mãi, cuối cùng anh mới chịu đồng ý cho tôi hai phút để nói. Hai đứa tôi ra khuôn viên phía sau chùa, ở đây chỉ có một đài hóa vàng chứ không có người, yên tĩnh và thanh tịnh không có ai làm phiền.
Anh ngồi xuống ghế đá rồi bắt đầu bấm giờ:
– Hai phút, nói đi.
– Đầu anh đỡ đau chưa?
Huy trợn mắt lườm tôi:
– Cô bị làm sao đấy? Cô chạy theo tôi rồi lôi tôi ra đây chỉ để hỏi câu đó thôi à?
– Không, mở đầu câu chuyện phải thế đã chứ.
– Có chuyện gì thì nói nhanh, vòng vo mất thời gian. Tôi còn đi có việc.
– Em xin lỗi. Em định hỏi thăm anh, nhưng mà…
– Thôi miễn, chờ cô hỏi thăm chắc tôi chết xanh cỏ rồi.
– Anh còn đau không? Về Hà Nội khám làm sao rồi? Có phát hiện ra vấn đề gì không anh.
– Không chết được. Hỏi xong chưa?
– Cho em xem vết thương trên đầu một tý.
– Đã bảo không chết được. Không còn việc gì thì tôi về đây. Tự nhiên tốn thời gian.
Nói rồi, anh định đứng dậy về thật, mà tôi thì khó khăn lắm mới dám gặp riêng anh để nói chuyện thế này, cuối cùng lý trí cũng chẳng thắng nổi con tim, vội vàng níu tay anh lại:
– Anh, em xin lỗi, em sai rồi.
Huy ngoái đầu nhìn tôi, vẻ mặt hờ hững:
– Cô thì sai gì?
– Em biết anh tốt với em, anh đánh nhau với người ta để cứu em mà em lại đối xử với anh như thế là không đúng. Anh đừng giận em nữa, em biết em sai rồi, em xin lỗi anh.
– Chỉ thế thôi à?
– Còn có…
Tôi ngập ngừng ngẩng đầu nhìn Huy, nghĩ lại lời thằng Tý và sư cô vừa nói lúc nãy, tự nhiên lòng lại có thêm bao nhiêu can đảm:
– Cả lần trước ở hồ nữa, lẽ ra em không nên nói anh như thế. Lúc em không có tiền chữa bệnh cho mẹ chỉ có anh giúp đỡ em, lúc em bị tất cả mọi người quay lưng cũng chỉ có anh ở cạnh em thôi. Bây giờ, em vào Sài Gòn không lo được cho thằng Tý, vẫn chỉ có anh bảo ban kèm cặp nó. Huy ơi, em sai rồi, em biết em sai rồi.
Ánh mắt đen và sâu của anh dừng ở trên mặt tôi rất lâu, anh không nói gì mà chỉ nhìn chằm chằm như muốn mổ xẻ nội tâm tôi chỉ bằng một ánh nhìn sắc bén. Cuối cùng, qua một lúc sau, Huy bỗng dưng kéo tay ôm lấy tôi vào lòng, anh nói:
– Biết sai rồi thì về nấu cơm cho tôi đi.