Cũng thật lạ, tuy cùng một đơn vị, ông là lãnh đạo cấp trên, tôi là lãnh đạo cấp dưới, lẽ ra có những cuộc tiếp xúc qua lại thường xuyên. Nhưng lại không, thật kì lạ! Ấy là tôi nói, trước đây tôi chưa tiếp xúc với ông Thiết, Thủ trưởng đơn vị, mà chỉ thỉnh thoảng gặp ông, gật đầu chào nhau rồi đi. Trong ấn tượng của tôi, người ông cao, có cái đầu to, rất đẹp trai, nhưng đối với mọi người ông tỏ ra lạnh nhạt, lúc nào cũng có vẻ kiêu ngạo, không cười không nói, giống như một võ sĩ lục lâm. Người trong đơn vị đều sợ ông, sợ ông nổi nóng trong im lặng, thậm chí có người đặt cho ông biệt hiệu Địa Lôi, ý là đừng nên đυ.ng vào ông. Hôm ấy, tôi đang gọi điện thoại, bỗng ông giận dữ đến văn phòng của tôi, vừa bước vào cửa không nói một hai gì hết, cứ thế đến trước mặt tôi, giật phắt ổng nghe trên tay tôi, mắng luôn:
“Tôi gọi điện cho các anh từ nửa tiếng đồng hồ trước, đường dây lúc nào cũng bận. Các anh gọi điện đến đâu, nếu không phải điện thoại công việc, tôi sẽ cách chức các anh”.
Rất may có ông Ngô, Cục trưởng làm chứng tôi đang gọi điện liên hệ với bộ phận thám thính, nên ông ta không thể mắng tôi, nếu không cái chức Trưởng phòng của tôi cũng bay đi rồi. Có thể thấy, cái tên Địa Lôi thật xứng với ông.
Sau khi đã bình tĩnh, Thủ trưởng Thiết hỏi chúng tôi về chuyện tuyển mộ nhân tài, ông cho rằng chúng tôi chỉ chọn đi chọn lại người trong ngành, quanh quẩn cũng chỉ là những hiệu thính viên giỏi, mà 701 hiện tại cần những quái nhân có thính giác hơn người, thậm chí là thiên tài. Ông yêu cầu chúng tôi mạnh dạn suy nghĩ vượt ra khỏi ngành, ra xã hội hoặc tìm quái nhân trong dân gian.
Vấn đề là tìm ở đâu?
Ở một ý nghĩa nào đó, muốn tìm được người như thế còn khó hơn tìm điện đài mất tích.
Thủ trưởng nêu yêu cầu vô lí với chúng tôi, khiến ai cũng cảm thấy dường như ông mất hết lí trí. Thật ra ông đã thăm dò được một người như thế, đó là La Sơn, người chuyên hiệu chỉnh âm thanh trong dàn nhạc Trung ương của Quốc Dân Đảng, nghe nói ông ta đã từng chỉnh âm cho cây đàn piano của Tống Mỹ Linh, bà ta rất phục và đã, tự tay đề tặng ông ba chữ: “La Tam Nhĩ”[2]. Trước ngày giải phóng, ở Nam Kinh, cái tên La Tam Nhĩ đi liền với Tưởng phu nhân, thậm chí còn nổi tiếng hơn. Sau ngày giải phóng, ông đổi tên thành La Sơn, chuyển về Thượng Hải, làm giảng viên ở Nhạc viện Thượng Hải. Trước khi đi, Thủ trưởng dặn dò Cục trưởng của chúng tôi cách thức liên lạc với người ấy và trao một giấy giới thiệu đặc biệt do chính Thủ trưởng Tổng cục (một nhân vật vô cùng nổi tiếng) kí, yêu cầu chúng tôi cử người đi đón ông La Sơn về đơn vị 701.
Tôi đã từng công tác ở Thượng Hải mấy năm, khá quen thuộc tình hình ở đấy. Có thể vì thế mà Cục trưởng trao nhiệm vụ này cho tôi.