Chuyện của tôi bắt đầu từ Matxcơva. Tôi là đứa trẻ cô đơn, lớn lên ở Matxcơva. Năm 1931, mới 4 tuổi tôi đã sang Matxcơva, lúc về đã 20, đó là năm 1947. Ở Matxcơva tôi học vô tuyến điện, lúc về, tổ chức bố trí tôi vào làm việc ở 701. Công việc ban đầu của tôi là làm nhiệm vụ thám thính, về sau vì tôi biết tiếng Nga, nên có một thời gian chuyên thu thập và chỉnh lí tin tức tình báo. Năm 1957, tổ chức điều tôi và vợ là Tiểu Vũ sang Matxcơva, vợ tôi làm việc ở Đại sứ quán của ta tại Liên Xô, tôi học kĩ thuật giải mã ở Trung tâm nghiên cứu mật mã thuộc khoa toán Đại học Matxcơva. Đấy là sự việc đầu tiên thay đổi số phận của tôi, mọi công và tội, vinh và nhục, hạnh phúc và bất hạnh trong đời tôi đều có liên quan đến giải mã, kể cả ngày nay, việc tôi trốn khỏi ánh mắt mọi người, cư trú tại đây cũng là di chứng của nó. Thầy Androv dạy tôi có lần nói, đấy không phải là một nghề, mà là một âm mưu, một âm mưu trong âm mưu. Một con người suốt đời làm việc trong bóng tối, bí mật, cường độ trí tuệ cao, thể xác và tâm hồn không tránh khỏi tổn thương. Hết ngày nọ tháng kia cứ phải lặng lẽ âm thầm, cuối cùng không còn cách nào để sống như một người bình thường.
Đúng ra, tháng Bảy năm 1960 tôi tốt nghiệp, nhưng một ngày đầu tháng Ba năm ấy tôi bỗng nhận được chỉ thị của tổ chức, bảo tôi phải về nước gấp. Một đồng chí có biệt danh Phi Cơ đến chỉ thị cho tôi, người này là nữ, dân Trường Xuân, cao to, nước da đỏ au giống như vận động viên bơi lội, trông rất khỏe mạnh. Chị là sếp của tôi trong thời gian ở Matxcơva, hồi đó trên danh nghĩa tôi là một lưu học sinh nhưng có thân phận bí mật, nói thẳng ra là làm gián điệp, chủ yếu thu thập những tin tức tình báo bí mật quân sự của Mĩ do Liên Xô hồi đó giải mã. Thầy giáo của tôi tên là L. Androv, là nhà toán học nổi tiếng thế giới, mà cũng là một chuyên gia giải mã khiến người Mĩ phải đau đầu, tổ chức bố trí tôi ở bên cạnh ông mục đích là lợi dụng địa vị của ông để thu thập tin tức tình báo của phương Tây. Suốt trong ba năm, sáng chiều chúng tôi đều gặp nhau, tình cảm thầy trò mỗi ngày một sâu nặng. Ông là thầy dạy, là người chỉ dẫn công việc, còn là người cha trong sự nghiệp suốt đời tôi, về sau tôi đổi tên là An Tại Thiên cũng xuất phát từ lòng kính trọng và kỉ niệm đối với ông. Biết mình sắp phải về nước, tôi lưu luyến không muốn xa ông, nhất là chương trình học của tôi chưa kết thúc mà bỗng nhiên phải rời bỏ tấm bằng tốt nghiệp sắp đến tay, trong lòng cảm thấy tiếc nuối vô cùng.
Chuyện xảy ra sau đấy không chỉ là đáng tiếc. Sau khi làm xong mọi thủ tục rời trường, một ngày trước khi lấy vé tàu về nước, tôi bỗng - lại bỗng - nhận được hung tin, Tiểu Vũ vợ tôi bị tai nạn giao thông! Chiếc xe con chở cô ngồi bị một chiếc xe tải tông trên đường núi, rơi xuống vực, xe bị nát, người trên xe đều chết hết. Người chết không nói làm gì, ngay cả thi thể cũng không toàn vẹn. Nghe nói xe rơi xuống vực bốc cháy, người trên xe bị thiêu thành than, không còn nhận ra ai với ai, cuối cùng bệnh viện phải xét nghiệm để xác nhận người chết. Lúc trông thấy Vũ, cô ấy chỉ còn là một cái hộp màu đen.
Đó là hộp tro hài cốt!
Tôi đem theo hộp tro hài cốt của Vũ rời Matxcơva. Tôi vẫn nhớ, hôm ấy Matxcơva tuyết rơi dày, vun thành từng đống cao ngất ở ga tàu hỏa, lòng tôi giá lạnh như tuyết. Một đoàn tàu chở táo, lợn sống và các thứ hàng khác đậu ở sân ga, có rất nhiều người Trung Quốc, người Liên Xô đang giao hàng và nhận hàng. Đấy là những sản phẩm phía Trung Quốc “trả nợ” cho Liên Xô. Đúng như mọi người nghe thấy, thủ tục kiểm tra hàng hóa bên phía Liên Xô rất nghiêm ngặt, trên sân ga có sẵn mấy máy kiểm tra táo, táo dỡ xuống đều qua máy kiểm tra, quả bé quá không nhận, quả lớn quá cũng không nhận, lớn bé đều có “quy định khoa học”. Lợn cũng vậy, phía Liên Xô kiểm tra từng con, con nào có vết thương nhỏ hay vết bầm cũng không nhận.
Lúc ấy, quan hệ Trung - Xô đang ở vào thời kì nhạy cảm, hành lí của tôi cũng bị kiểm tra, thầy giáo Androv thấy vậy cứ khuyên tôi không nên về nước. Mấy hôm ấy ông khuyên tôi ở lại. Trong đêm đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau thật lâu, ông phân tích tình hình quan hệ Trung - Xô và tiền đồ của tôi, cho rằng về nước là lựa chọn hạ sách. Chừng như ông dự cảm được quan hệ hai nước sẽ đi đến chỗ căng thẳng gay gắt, nghi ngờ tôi về nước sẽ làm việc giải mã mật mã của Liên Xô, nhuốm bẩn tình bạn giữa chúng tôi. Ông mong tôi ở lại học hết chương trình cơ bản rồi học tiếp chương trình thạc sĩ, thậm chí là tiến sĩ, chuyên tâm vào học vấn, đừng tham gia vào lĩnh vực giải mã. Ông nói, đấy là sự việc thuộc về hình thái ý thức, nói cho cùng không liên quan gì đến học vấn, những gì tôi đã trải qua nên là bài học cho anh. Anh không thể quay lại từ đầu, nhưng anh đừng nên theo vết chân của tôi, hãy chỉ làm một học giả đơn thuần. Nhưng tôi biết điều ấy là không thể. Có thể nói, tôi sinh ra đã là “một con người của hình thái ý thức”. Tôi đã từng nói, tôi là đứa trẻ cô đơn, Đảng dạy dỗ tôi nên người, lúc Đảng và nhà nước cần, tôi không thể có nguyện vọng và lựa chọn riêng.
Kiểm tra hành lí xong, ông hỏi tôi, có biết người kiểm tra hành lí vừa rồi là ai không.
Tôi nói không biết, ông bảo nhân viên KGB. Tôi đoán, có thể ông đã biết thân phận bí mật của tôi, tôi làm ra vẻ ngạc nhiên: “Có thể thế được à?”. Ông cười: “Anh bạn của tôi ơi, tôi nghĩ anh nên nói thật với tôi, ngoài chức trách chuyên viên Phòng Mật mã thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ra, anh còn có nhiệm vụ gì khác không?”.
Tôi nói: “Thưa thầy, tại sao thầy hỏi em điều ấy?”..
Ông nói: “Vì thời gian gần đây, anh đã để lại cho tôi rất nhiều bí mật và nghi ngờ”.
Tôi nói: “Thưa thầy, em không có bất cứ bí mật nào đối với thầy”.
Ông nói: “Anh bạn, anh chưa nói thật”.
Ông chỉ vào hộp tro hài cốt tôi đang xách trên tay, hỏi vợ tôi tại sao lại chết, ông bảo ông không tin đấy là vụ tai nạn ngẫu nhiên. Tôi thề sự thật là thế. Nhưng cuối cùng là gì, tôi cũng không thể biết. Tôi chỉ có thể nói, dù sao thì tôi rất tin ông. Cuối cùng, ông bảo tôi hãy nhớ câu này của ông: Sau ngày về nước, nếu tổ chức yêu cầu tôi làm nhiệm vụ giải mã mật mã của nước ông, bất luận thế nào tôi cũng không được nhận.
Ông nói: “Tôi nói như vậy thứ nhất vì về mặt tôi không thể chấp nhận; thứ hai, kĩ thuật hiện tại của anh cũng chưa thể làm gì về mặt này”.
Tôi nói: “Đúng vậy, cho nên em về sẽ quay lại học tiếp”.
Ông lắc đầu: “Không có cơ hội, giống như quan hệ hai nước chúng ta không có cơ hội trở về ban đầu, tôi với anh không còn là thầy và trò, chúng ta làm bạn với nhau nhé!”. Vẻ mặt ông thoáng buồn, ông ôm tôi, nói: “Anh lên tàu đi, chúc anh thượng lộ bình an!”.
Chúng tôi chia tay nhau.
Tôi vào trong toa được một lúc thì có người gõ cửa. Người vào là đồng chí Phi Cơ, tay chị xách một chiếc cặp đen. Tôi cũng có một chiếc cặp giống như vậy, đang để trên mặt bàn. Chị để cái cặp của mình lên cặp của tôi, nói cho tôi mật mã cặp của chị. Lúc đi, chị xách theo cặp của tôi. Tôi không biết trong cặp của chị có thứ gì, nhưng biết đấy là thứ quý hơn sinh mạng tôi, nếu dọc đường có gặp chuyện bất trắc, đầu tiên tôi không bảo vệ sinh mạng mình mà bảo vệ thứ cất trong cặp kia.
Cảm ơn lời chúc của thầy Androv, dọc đường tôi được bình an vô sự.
Về đến Bắc Kinh, ngay ngày đầu tiên có người đến nhà khách nơi tôi ở để lấy cái cặp của Phi Cơ trao cho tôi.
Hôm sau, một vị Phó Tổng cục trưởng phụ trách nghiệp vụ tiếp tôi, ông tên là Thiết, hơn 50 tuổi, tóc bạc một nửa, trông có vẻ già hơn tuổi, nhưng giọng nói sang sảng, dứt khoát, quả đoán, giống như một vị tướng. Ông vốn là Thủ trưởng đầu tiên của 701, vì tính tình nóng nảy, thuộc cấp gọi ông là Địa Lôi. Hai năm trước ông rời 701, lên giữ chức Phó Tổng cục trưởng thường trực, phụ trách công tác nghiệp vụ. Thư kí của ông tên là Lí, còn trẻ, biết tiếng Nga, trước ngày tôi đi Liên Xô, chúng tôi đã từng làm việc với nhau mấy tháng. Không thân nhau lắm, nhưng mấy năm không gặp nhau, lúc gặp lại bỗng trở nên thân thiết. Trước lúc ông Thiết tiếp tôi, Lí đến nhà khách nói chuyện với tôi rất lâu, hỏi chuyện này khác, giới thiệu tình hình trong Tổng cục, rất nhiệt tình. Anh hé lộ cho tôi biết, vì chuyện tôi về, ông Thiết và mấy vị lãnh đạo Tổng cục có cuộc tranh luận gay gắt.
Lí nói: “Anh không biết đấy thôi, mấy năm nay chúng tôi lần lượt phá được khóa mật mã quân sự cao cấp của Mĩ, của Anh, của Đài Loan, trong đó tài liệu anh gửi về góp phần lập công to. Cho nên lãnh đạo đánh giá cao công tác của anh, lần này gọi anh về các vị lãnh đạo không nhất trí, họ cảm thấy anh ở bên ấy đang làm việc được, gọi về thật đáng tiếc”.
Tôi nói: “Tình hình lúc này nếu triển khai công tác cũng khó, họ hạn chế tôi rất nhiều, không như trước”.
Lí nói: “Đúng vậy, không thể so sánh với trước kia”. Lí hỏi tôi có suy nghĩ gì về quan hệ hai nước Trung - Xô.
Tôi nói: “Không tốt lắm!”.
Lí nói: “Đúng là không tốt. Tất nhiên với chúng ta không tốt, nhưng lại tốt với người khác. Không biết anh có biết không, báo chí Hồng Kông nói, Tưởng Giới Thạch chuẩn bị về Nam Kinh mừng đại thọ”.
Tôi nói: “Ông ấy nói gì mà chả được, dù sao nói vẫn là nói, nói cho sướиɠ miệng thôi”.
Lí nói: “Hai năm trước nói là nói vậy, nhưng bây giờ vừa nói vừa làm, khác rồi. Anh ở nước ngoài, không hiểu tình hình trong nước, lúc này nước ta đang trong thời kì khó khăn nhất, mấy năm liền mất mùa liên tiếp, bên ngoài thì quan hệ Trung - Xô xấu đi, biên giới Trung - Ấn căng thẳng, đúng là bên trong nhiều chuyện buồn, bên ngoài thì khó khăn. Nhân lúc ta khó khăn, chúng gây sức ép, thừa gió bẻ măng. Đó là phép tính của Tưởng Giới Thạch, cách tính toán của lũ tiểu nhân”.
Tôi nói: “Mười năm trước, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, ông ta đã tính chuyện, ngày nào cũng cho máy bay vào ném bom vùng ven biển, tung một loạt gián điệp đặc vụ vào, định tính chuyện nội công ngoại kích, phản công đại lục, kết quả thế nào? Xôi hỏng bỏng không, mất sạch vốn liếng!”
Lí nói: “Lịch sử tái diễn, mười năm trước chỉ hò hét, lúc ấy hô vang ‘phản công Đại lục’ nay lại hô vang ‘Quang phục Đại lục’. Vì vậy, chúng đổi mật mã Tử Kim thành mật mã Quang phục số Một”.
Tôi biết, Tử Kim là mật mã liên lạc giữa gián điệp trong nước với đảo Đài Loan, rất cao cấp, do một chuyên gia của Mĩ soạn thảo cho chúng, độ bảo mật có thể đến hai mươi năm, lúc này mới dùng nhiều lắm cũng chỉ độ mười năm. Hai năm trước chúng ta mới có bước đột phá đối với nó, nhưng mức đột phá này còn lâu mới đạt đến độ cần phải thay đổi mật mã, giờ đột ngột thay đổi chứng tỏ chúng muốn gây chiến.
Tôi hỏi: “Nhiệm vụ phá khóa giao cho ai?”.
Lí nói: “Giao cho 701”.
Vậy là 701 lại đứng trước thử thách lớn. Tôi hỏi, hiện tại ai là Thủ trưởng 701, anh nói một người tên là La. Người này tôi quen, đó là một nữ trung hào kiệt. Hồi tôi làm việc ở Cục Thám thính, chị là Trưởng phòng, nhưng theo tôi được biết, không hiểu gi về giải mã. Tôi nói vậy, anh cười: “Đúng, chị ấy xuất thân là một hiệu thính viên, không hiểu về giải mã, nhưng không vấn đề gì, chỉ cần anh hiểu là được, anh bây giờ là Phó Thủ trưởng 701, trưởng nhóm phá khóa mật mã Quang phục số Một”. Tôi nghe, mà thấy sững sờ. Tôi nói: “Tôi vừa học qua loa, làm thế nào để đảm nhận trọng trách ấy?”.
Lí nói: “Quyết định rồi, hôm qua đã có quyết định, tôi thông báo trước cho anh. Chiều nay ông Thiết sẽ tới gặp anh, ông ấy đang dự hội nghị, chiều nay chắc chắn sẽ gặp”. Lí chân thành chúc tôi được đề bạt vượt cấp, bảo tôi hiện tại là Phó Thủ trưởng đơn vị trẻ nhất trong toàn hệ thống. Nhưng tôi như kẻ mất hồn, cứ ngồi ngây ra, cho đến khi Lí định đứng dậy đi tôi mới nói, tôi muốn tổ chức xét lại, tôi khó mà kham nổi chức vụ đó. Tôi nói: “Chuyện này không giống như chuyện khác mà có thể gượng ép được”.
Lí nói dứt khoát: “Có gì chiều nay anh nói lại với ông Thiết, nói với tôi không ích gì, tôi nghĩ, nói với ông Thiết cũng khó mà thay đổi được”.
Quả nhiên, buổi chiều Phó Tổng cục trưởng Thiết vừa gặp tôi đã nói thẳng, tôi không còn đất lùi. “Anh bỏ ngay ý nghĩ ấy đi!”. Ông cao giọng dạy dỗ: “Do dự cũng không được, hãy dứt khoát, vui vẻ nhận nhiệm vụ, nhận ngay lúc này, vào vai ngay lập tức. Tổ chức đã quyết định gọi anh từ tay Giáo sư Androv về, cho nên không còn khả năng thương lượng. Đó là thứ nhất. Thứ hai, nhiệm vụ của anh rất nặng nề, vẫn là câu nói ấy, tổ chức đã gọi anh về, chứng tỏ việc phá khóa mật mã Quang phục số Một lúc này quan trọng hơn bất cứ việc nào khác, là nhiệm vụ khẩn cấp nhiệm vụ số một của chúng ta. Tại sao lại khẩn cấp, lại quan trọng như vậy? Nguyên nhân thật rõ ràng, là bởi lão Tưởng già đang mơ có những hành động thực chất. Anh nên biết, năm ngoái Đài Loan mua của Mĩ một lúc 1,7 tỉ đô-la vũ khí hiện đại, diễn tập quân sự “Quang phục Đại lục” hết lần này đến lần khác, liên tục tung gián điệp đặc vụ về Đại lục, bây giờ lại thay đổi mật mã thông tin. Hàng loạt hành động như vậy chứng tỏ lần này khẩu hiệu “Quang phục Đại lục” không phải là chuyện đầu lưỡi, mà là chuẩn bị chơi một trận lớn. Cũng phải nói thêm, tuy là lời cửa miệng, nhưng chúng tung nhiều đặc vụ vào như vậy, chúng muốn gì, nói gì, làm gì, chúng ta không rõ, không hiểu, không biết, nay phá hoại nơi này, mai phao tin đồn nhảm nơi khác, như thế không được. Không được. Cho nên, phải phá khóa mật mã Quang phục số Một. Chúng ta phải phá, phải coi đó là nhiệm vụ số một. Thứ ba, anh có yêu cầu, có khó khăn gì cứ nói, về mặt tổ chức và cả tôi, sẽ nhanh chóng giải quyết. Tôi biết, anh có khó khăn lớn. Tôi nghe anh Liễu, Trưởng phòng nói, đây là mật mã cao cấp nhất của Quốc Dân Đảng lần đầu đưa vào sử dụng, thời gian bảo mật là ba mươi năm. Giao một bộ mật mã như thế cho đặc vụ sử dụng mà không phải là phía quân đội, cũng không phải là cấp cao, bản thân nó đã nói lên hành động “Quang phục” mà bọn đặc vụ gánh vác không còn là vai trò bình thường. Anh mới về nước, chưa hiểu mật mã này, liệu có khó khăn gì không, có thể bây giờ anh chưa biết phải đưa ra yêu cầu gì. Không sao, anh Liễu rất hiểu, giờ tôi giao anh ấy cho anh, để anh tìm hiểu, suy nghĩ, đưa ra kế hoạch hành động, tất cả khó khăn và yêu cầu, anh viết thành báo cáo, trong thời gian ngắn nhất tôi sẽ trả lời. Thế nào?”.
Tôi còn biết nói gì hơn?.
Nếu nói việc này là tiền đồ của một cá nhân đã khiến tôi cảm thấy bất ngờ, thì chuyện vợ tôi, tôi càng kinh ngạc hơn, vô cùng kinh ngạc. Ông Thiết nói với tôi, ngày mai Bộ Ngoại giao sẽ làm lễ truy điệu, ông sẽ đến dự với tư cách là thầy của Vũ.
Tôi hỏi: “Chuyện này là thế nào”.
Ông hỏi ngược lại: “Lẽ nào anh không nhận ra cô ấy là trợ thủ đắc lực cho anh à? Những tin tức tình báo anh lấy được từ Androv nếu không có cô ấy trợ giúp, anh có thể đưa đến tay đồng chí Phi Cơ một cách thuận lợi được không?”.
Tất nhiên không thể, tôi là một sinh viên, không thể bất cứ lúc nào cũng lộ mặt ra phố, tiếp xúc với người phụ nữ lớn tuổi hơn tôi. Sự thật thì những tin tức tôi thu được đều do Vũ chuyển đến chị Phi Cơ. Vũ làm công tác bảo mật hồ sơ, Phi Cơ là người nhà của lãnh đạo bộ phận Vũ làm việc, hai người thân nhau, thường xuyên gặp mặt, trao tài liệu sẽ rất tiện. Nhưng tôi cho rằng, Vũ không biết thân phận thật của tôi, càng không biết tôi và Phi Cơ có quan hệ bí mật. Thì ra... ôi, bí mật! Ông Thiết nói với tôi, thật ra Vũ có biết, cô ấy từ lâu đã là đồng chí của chúng ta, chẳng qua để giảm bớt sức ép và yêu cầu công tác với tôi, cho nên mới giấu tôi. Ở một ý nghĩa nào đó, cấp bậc bí mật của Vũ còn hơn tôi. Chính vì vậy, ông bí mật thay mặt lãnh đạo đến dự lễ truy điệu vì Vũ là đồng chí của chúng tôi, Bộ Ngoại giao chẳng qua chỉ là nơi để cô xuất hiện, là vỏ bọc, là giả vờ.
Đúng là điều kinh ngạc đối với tôi, theo đó, tôi nghĩ cái chết của Vũ tất có điều gì bí ẩn. Ông Thiết nói: “Nếu nói bí ẩn, không phải chỉ mỗi nguyên nhân chết. Thật ra có rất nhiều bí ẩn không sao nói ra được. Sự thật thì, từ ngày tôi quen cô ấy, mọi việc chừng như đã được quyết định. Đây là một thế giới bí mật thật sự, quan hệ vợ chồng chẳng qua chỉ là quan hệ tương hỗ trong công tác, là để che đậy, là biện pháp che đậy an toàn. Cũng do nhu cầu che mắt, hôm sau, Bộ Ngoại giao long trọng làm lễ truy điệu Vũ, báo chí nội bộ bên Ngoại giao đăng tin, chừng như là để mọi người cùng biết, Vũ không may gặp tai nạn khi làm việc ở nước ngoài, cô chết trong khi làm nhiệm vụ. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, sau lễ truy điệu, ông Thiết bảo thư kí đưa hộp tro hài cốt của Vũ đi, cho đến khi tôi đến nhận nhiệm vụ ở 701, mới phát hiện hộp tro hài cốt đã về 701 trước cả tôi. Một bàn thờ khói hương nghi ngút, Vũ trong di ảnh nhìn tôi qua làn khói hương, tưởng chừng giữa chúng tôi cách xa trăm sông ngàn núi.
Tôi hiểu, làm như vậy để nhiều người cùng biết Vũ đã đi xa. Đã đi như thế nào? Tất nhiên là “không may bị tai nạn”. Chỉ cần bàn thờ để trong nhà, tin này sẽ lập tức lan truyền nhanh chóng, dần dần người của 701 đều biết. Người trong hệ thống này giỏi làm những chuyện che giấu.