Chương 31

Trong phòng khách, Thạch Thanh Lâm ngồi trên chiếc ghế thái sư, xắn áo xoa bóp cánh tay, chỗ bị ông cụ đánh đã xanh tím một mảng.

“Ông, khó lắm con mới dành ra được hai ngày để về, thế mà ông lại ra tay nặng như này đây.”

Sắc mặt ông cụ mới dịu được đôi chút thì lại căng lên, “Anh bận à, tôi không tin lâu như thế mà anh không bớt ra được chút thời gian, anh bận cỡ nào hả?”

“Nếu ông không ra cái luật là một lần phải về ít nhất hai ngày, thì con đã về thường xuyên rồi.”

“Tôi làm thế là để tốt cho anh, anh xem anh có lần nào được nghỉ cả ngày không?”

Thạch Thanh Lâm bật cười, “Vâng, giờ con nghỉ đây.”

“Hừ, đợi đấy, tôi đi tìm rượu thuốc cho anh.”, ông cụ hằm hằm thì hằm hằm thật, nhưng rốt cuộc là vẫn thương cháu, nhấc cây ba toong đi từng bước dài ra khỏi cửa.

Đồ Nam đặt một tay lên tay vịn của chiếc ghế thái sư, cuối cùng cũng có cơ hội hỏi: “Anh dẫn tôi đến gặp ông nội anh làm gì?”

Thạch Thanh Lâm nhỏ giọng nói: “Ông cụ nhà tôi là một nhân vật lợi hại lắm đấy, nếu cô cần màu vẽ thì phải hỏi ông rồi.”, anh chỉ lên tường.

Đồ Nam ngước mắt lên, trên tường treo mấy khung ảnh rất lớn, trong hình là ông cụ chụp cùng nhiều nhân vật khác nhau qua các thời kỳ, bức ở chính giữa còn có chữ đính kèm, chữ viết “Tặng bậc thầy màu vẽ quốc họa Thạch Kính Niên, kính mong nhận lấy”.

“Bậc thầy màu vẽ quốc họa?”, Đồ Nam kêu lên một tiếng đầy kinh ngạc, cô cúi đầu nhìn anh, “Ông nội anh làm màu vẽ à?”

“Làm thủ công, toàn là hàng cao cấp đấy.”

Cô cực kỳ sửng sốt, “Sao tôi chưa từng nghe thấy tên ông nhỉ?”

“Ông không làm từ lâu rồi.”, giọng Thạch Thanh Lâm như đang thầm thì: “Ông cụ nhà tôi hiểu màu vẽ, cũng biết thưởng tranh, thêm bích họa vào game là do tôi lấy cảm hứng từ chỗ ông đấy.”

“Chẳng trách…”, từ lâu Đồ Nam đã cảm thấy rất tò mò, rõ ràng anh chẳng có chút liên quan nào với bích họa, không ngờ lại là vì nguyên nhân này.

Nhắc Tào Tháo là Tào Tháo đến.

Thạch Kính Niên quay về đúng lúc này, vừa bước một chân vào đã thấy hai người chúi đầu thầm thì to nhỏ, liền tủm tỉm cười rồi hỏi một câu: “Đang nói gì thế?”

Ông không chỉ lấy rượu thuốc, mà tay phải còn cầm một bình trà bằng sứ trắng, nách trái kẹp một cái hộp gỗ đàn đỏ, nách phải kẹp ba toong, đi lại phăm phăm, không nhìn ra chút già cả nào.

Đồ Nam ngồi thẳng dậy, ngón tay khều cánh tay Thạch Thanh Lâm, nhướng mày ra hiệu với anh.

Thạch Thanh Lâm hiểu ý cô, anh cười bảo: “Ông, con vẫn chưa giới thiệu với ông, cô ấy tên là Đồ Nam.”

“Đồ Nam? Tên hay, tên hay lắm.”, dường như cứ lúc vui là Thạch Kính Niên sẽ nói tận hai lần liền, vừa đưa rượu thuốc cho Thạch Thanh Lâm, vừa đặt đống đồ lên bàn, ông mở cái hộp gỗ ra, đẩy tới trước mặt Đồ Nam, thì ra là mứt hoa quả, “Nào, ăn thử đi.”

Đồ Nam không nỡ từ chối thịnh tình của ông cụ, bèn đưa tay nhón một quả mận khô, “Cháu cảm ơn ạ.”

“Đồ ăn thì để từ từ hẵng ăn, chúng ta nói chuyện trước.”, Thạch Thanh Lâm đổ một ít rượu thuốc lên chỗ bị thương, đầu mày đang nhíu chặt dần giãn ra, anh cười bảo: “Thật ra hai bọn con có chút chuyện muốn nhờ ông giúp.”

“Được thôi, chuyện gì?”

“Muốn xin ông ít màu.”

“…”, nụ cười trên mặt Thạch Kính Niên tắt ngấm, ông đột nhiên cầm ba toong chỉ thẳng vào anh, “Thằng ranh này giỏi thật, tôi biết ngay anh không có việc gì là không thèm về mà, anh về đây là vì thế phải không?”

Thạch Thanh Lâm hết cách, “Ông à…”

“Anh vào đây cho tôi!”, Thạch Kính Niên lại quay đầu đi ra cửa.

Thạch Thanh Lâm chỉ đành đặt chai rượu thuốc xuống, đứng dậy, “Mong là có thể lừa trót lọt.”

Đồ Nam hỏi: “Lừa gì cơ?”

Thạch Thanh Lâm nhìn cô, khẽ cười một tiếng, nhưng không trả lời mà đi ra ngoài luôn.

***

Đồ Nam ngồi trong phòng khách uống hết hai tách trà, cảm giác trời sắp tối rồi, vậy mà vẫn không thấy hai ông cháu quay về.

Cô ra cửa tìm, đi trên dãy hành lang lát gạch xám, vừa qua đoạn ngoặt đã trông thấy Thạch Kính Niên và Thạch Thanh Lâm một trước một sau đi tới.

Người còn chưa đến nơi, mà tiếng thì đã vọng tới trước, “Nam Nam?”

Đồ Nam thoáng sững sờ, người gọi cô là Thạch Kính Niên.

“Ông gọi cháu thế được không?”

Cô hoàn hồn, khẽ gật đầu, “Được ạ.”

Trong hồi ức, chỉ có mẹ cô mới gọi cô như vậy. Mẹ cô bỏ đi lúc cô còn quá nhỏ, ngoài cách gọi này ra, gần như chẳng còn ấn tượng nào khác, khó tránh khỏi để lại dấu ấn sâu đậm, nên vừa nghe thấy cô mới có phản ứng mạnh như vậy.

Thạch Kính Niên lại nhiệt tình y như lúc đầu, vừa đi cùng cô vừa nói chuyện, “Ông vừa mới biết cháu chép bích họa phải không?”

“Vâng ạ.”, Đồ Nam liếc nhìn Thạch Thanh Lâm, anh đang thong dong bước đi theo sau hai người.

Thạch Kính Niên nói: “Không nhiều người làm nghề này đâu.”

“Vâng, đúng là không nhiều ạ.”

Trước khi vào tổ của Từ Hoài, Đồ Nam đã từng đi vẽ với người khác, mới đầu cả đội có tận mười hai người, sau cùng chỉ còn lại ba người. Không nói đến việc đi vẽ lắm yêu cầu cao mà lương lại ít, chỉ riêng tính chất công việc buồn tẻ đã khiến đám thanh niên chùn bước. Sau đó cô vào tổ của Từ Hoài, cố gắng không kết thân với người trong tổ, ngoại trừ Tiêu Quân, vì luôn cảm thấy rồi sẽ có ngày mỗi người một ngả, không ngờ lần này người đi đầu tiên lại là cô.

Mỗi lần nghĩ đến chuyện này là cô lại cảm thấy buồn cười, có lẽ đây chính là cái gọi là thế sự vô thường.

Thạch Kính Niên vừa đi vừa cảm thán, “Thanh niên mà làm được nghề này thì đều là người giỏi, một cô gái trẻ như cháu thì lại càng hiếm thấy. Không giống như cái thằng nhà ông…”, ông giơ ba toong lên chỉ vào Thạch Thanh Lâm, “Giống hệt bố nó, toàn lũ thương nhân hám lợi!”

Thạch Thanh Lâm đi phía sau thấp giọng cười, “Ông ơi, nói gì thì cũng phải có lý chứ ạ, không có lũ thương nhân hám lợi bọn con, ông có được ở nhà to đẹp thế này không?”

“Anh tưởng là tôi thèm đấy?”, Thạch Kính Niên không chút nể mặt.

Trong lúc nói chuyện thì đã đi đến khu vườn sau nhà, Đồ Nam hạ tầm mắt xuống, còn tưởng rằng mình đi lạc vào công viên, mặt đất rải đá trắng, dọc hai bên con đường lát sỏi trồng những loại cây xanh thường thấy, thậm chí trong một góc còn dựng một hòn giả sơn. Cô nhẩm tính thử giá đất ở thành phố này, cảm thấy vừa rồi ông có thể nói câu không thèm thật sự là quá chất.

Thạch Kính Niên đi đến bên cạnh hòn giả sơn, lại tiếp tục chủ đề khi nãy: “Nam Nam, ông quý người như cháu lắm, làm việc gì cũng kiên trì, không mong hồi đáp, xã hội bây giờ quá phù phiếm, thiếu những người như cháu.”

“Thật ra…”, Đồ Nam đang định nói mình đã rời ngành rồi, không nhận nổi lời khen ngợi của ông, nhưng lại bị Thạch Thanh Lâm ngắt lời, “Con thì không kiên trì ạ?”

“Anh thì kiên trì bận rộn!”, Thạch Kính Niên vung cây ba toong lên.

Thạch Thanh Lâm chớp thời cơ nói: “Thế ông có thể thông cảm cho sự bận rộn của con mà mau cho Đồ Nam màu không?”

Đồ Nam nghĩ đến màu vẽ, bèn gọi: “Ông Thạch?”

Thạch Kính Niên “ớ” một tiếng, “Còn gọi ông Thạch à, gọi ông nội là được rồi.”

“…”

Đột nhiên ông cụ đi vòng ra sau hòn giả sơn, lôi một cái cần câu cá ra, quẳng tới trước mặt Thạch Thanh Lâm, “Anh đi câu cá về đây cho tôi, không thì đừng nói đến chuyện màu vẽ, cũng đừng hòng ăn bữa tối nay.”

Thạch Thanh Lâm cầm cần câu, nhíu mày lại, “Ông biết con bận thế nào mà.”

“Bận gì mà bận, hôm nay anh thử dám động vào điện thoại xem, đi nhanh đi! Tôi đợi anh trong bếp.”, Thạch Kính Niên nói xong còn không quên cười với Đồ Nam, rồi lại nhấc cái ba toong dư thừa của ông lên và đi về căn nhà ở phía trước.

Đồ Nam nhìn Thạch Thanh Lâm, “Rốt cuộc anh nói gì với ông anh thế?”

Anh đổi một tay khác cầm cần câu, khóe miệng nhếch lên thành một nụ cười, “Tôi chẳng nói gì cả, toàn là tự ông nghĩ ra.”, nói rồi anh đi về phía hồ nước, “Giờ ông đang thích cô, ít ra còn hơn cả đứa cháu “thương nhân hám lợi” tôi đây.”

“…”, giờ thì Đồ Nam hiểu anh bảo lừa cái gì rồi.

***

Trong vườn có một hồ nước cỡ vừa, bên trên thưa thớt mấy phiến lá sen, mùa hè đã qua, sắc xanh chẳng còn biếc, mặt lá đã lộ ra màu vàng úa nhàn nhạt.

Mãi một lúc sau Đồ Nam mới đi tìm, thì thấy Thạch Thanh Lâm đang dựa vào gốc cây, tay cầm cần câu, trên người vẫn còn diện nguyên cây âu phục giày da, nhìn thế nào cũng rất kỳ quái.

Cô hỏi: “Không thu hoạch được gì à?”

Thạch Thanh Lâm giơ tay lên xem đồng hồ, “Không sai, tôi cảm thấy tôi đang lãng phí cuộc đời đây.”

“Không tính là lãng phí, đây cũng là công việc.”

Anh gật đầu, “Được đấy, cô cũng biết an ủi người khác rồi.”

Đồ Nam cảm thấy như vậy giống tự an ủi mình hơn, đột nhiên thấy mặt nước động, cô ngoảnh sang nhìn, “Có rồi à?”

Thạch Thanh Lâm đứng thẳng dậy, một tay thu dây câu, mặt nước xao động, lộ ra một cái bụng cá trắng ởn, nhoáng một cái đã lặn mất tăm, anh lại buông lỏng tay, “Ông cụ ác thật, rõ ràng hôm nay đã cho cá ăn rồi, thế mà còn khăng khăng bắt tôi câu cho ông một con.”

Đồ Nam cũng hết cách, “Tôi từng bảo trong quá trình có thể sẽ xảy ra tình huống bất ngờ, chính là ông nội anh đấy.”

Thạch Thanh Lâm bỗng xoay người sang nhìn cô, “Đồ Nam, chúng ta giao kèo đi, tôi giúp cô xử lý ông cụ, lấy được màu rồi, cô lại giúp tôi rút ngắn thêm một ít thời gian nữa nhé?”

Đồ Nam nhíu mày, “Anh đúng thật là thương nhân, lại còn mặc cả nữa.”

“Tiết Thành là người của bên đầu tư, cô nói thế trước mặt cậu ta nghĩa là cực kỳ chắc chắn, chứng tỏ vẫn có thể rút ngắn thêm.”

Cô mím môi, mấy giây sau mới nói: “Tối đa là năm tháng, như thế là quá lắm rồi đấy.”

“Chốt.”, Thạch Thanh Lâm đưa cần câu cho cô.

Đồ Nam đón lấy trong vô thức, “Làm gì đấy?”

Thạch Thanh Lâm cởi bỏ áo vest, vừa cười vừa xắn tay áo lên, “Cá thôi mà, xuống bắt một con là được rồi.”

“Anh làm được không đấy?”

“Cô nhìn xem tôi làm được không.”

Anh đã cởi giày, xắn ống quần, Đồ Nam phát hiện cẳng chân của anh vừa dài vừa rắn chắc, giống với màu da lộ bên ngoài của anh, một màu mạch nha nhàn nhạt, bị ánh mặt trời nhuộm màu lên, tạo ra nét gợi cảm khó mà tả được.

Đôi chân kia bước xuống nước, mặt nước còn chưa qua được đầu gối của anh.

Thạch Thanh Lâm giẫm giẫm chân, đưa mắt nhìn cô, “Nước hơi lạnh, cô đừng xuống, tôi đánh nhanh thắng nhanh.”

“Ừm.”, Đồ Nam vịn hai tay vào lan can, nhìn anh hành động.

Trong nhà bỗng truyền ra tiếng gọi của ông cụ: “Thạch Thanh! Bao lâu rồi, rốt cuộc thằng ranh nhà anh có câu được không đấy!”

Thạch Thanh Lâm vừa cúi người, nghe thấy thế thì hơi lảo đảo, anh cười bảo: “Suýt nữa thì cá bị ông dọa cho chạy hết rồi.”

Đồ Nam chậm rãi thu tầm mắt khỏi nơi phát ra giọng nói, “Ông vừa gọi anh là gì cơ?”

“Thạch Thanh.”, Thạch Thanh Lâm nhìn chằm chằm vào mặt nước, không ngẩng đầu mà chỉ nói: “Tên tôi là do ông đặt, trong nhà vẫn gọi tôi như thế.”

“…”, Đồ Nam sực hiểu ra, “Chẳng trách hồi đầu anh lại giới thiệu tên mình như thế.”

Thạch Thanh Lâm, Thạch Thanh trong màu thạch thanh, Lâm trong tiến tới.

Chẳng trách ngay cả ảnh đại diện Wechat của anh cũng là một bức ảnh màu thạch thanh.

Thì ra là thế.

Đồ Nam giậm chân xuống lớp đất bùn, dòng suy nghĩ cuồn cuộn chảy, từ nét bút sai trong hang, đến người ở trước mặt, rõ ràng là do ý trời, cô không sao nén nổi nụ cười.

“Thạch Thanh?”

“Rào rào” một tiếng bọt nước tung tóe, Thạch Thanh Lâm ngẩng đầu, trong tay là một con cá, thấy cô gái ở trên bờ đang tủm tỉm cười.

“Cô gọi tôi à?”

“Phải.”, cô càng cười tươi hơn, “Thạch Thanh.”

Gió thu lãng đãng, trời xanh mây trắng, cô đứng giữa làn gió với nụ cười tràn qua cả khóe mắt, gương mặt sinh động theo cách chưa từng thấy.

Tim Thạch Thanh Lâm bỗng hẫng một nhịp.

Đột nhiên ngẫm lại, trước giờ cô chưa từng gọi tên anh, đây là lần đầu tiên. Hai chữ nhẹ bẫng kia tràn ra từ miệng cô, con chữ cứng nhắc như được tô điểm sắc màu, biến thành một nét chấm đậm nổi giữa một khoảng mờ nhạt.

Sau giây lát, anh cũng đột nhiên bật cười.

Đồ Nam vẫn còn tủm tỉm cười, lại thấy người kia đã ra khỏi mặt nước, đi về phía này.

Trong lòng đột nhiên trĩu nặng, cần câu rơi xuống đất, cô vội vàng thu cánh tay lại, ôm lấy con cá đang quẫy đành đạch.

“Cô cười gì, hả?”, Thạch Thanh Lâm vẩy tay, đi lướt qua cô.

Đồ Nam ôm con cá, trên mặt dính đầy nước bị anh vẩy ra.